Thứ Năm, 29 tháng 10, 2015

Thu 94 súng, gần 500 băng đạn ở sân bay Tân Sơn Nhất Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất kiểm tra một chuyến bay từ Thổ Nhĩ Kỳ và phát hiện 94 khẩu súng ngắn cùng hàng trăm băng đạn chưa sử dụng. Ngày 31/7, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Tân Sơn Nhất (Cục Hải quan TP HCM) cho biết, cơ quan này vừa bắt giữ lô vũ khí quân dụng lớn. Trước đó, bằng biện pháp nghiệp vụ, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất phối hợp với Cục An ninh Kinh tế tổng hợp (A85) và các lực lượng chức năng thuộc Bộ Công an khám xét đột xuất một chuyến bay từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Việt Nam qua sân bay Tân Sơn Nhất. Quá trình kiểm tra, nhà chức trách phát hiện số vũ khí quân dụng, gồm 94 khẩu súng ngắn cùng 472 băng đạn chưa sử dụng nhập vào Việt Nam từ Cộng hòa Séc được cất giấu rất tinh vi. Số súng ngắn bị Hải quan cửa khẩu quốc tế Tân Sơn Nhất thu giữ. Ảnh: Hải quan cung cấp. Lực lượng chức năng xác định, đây là vụ việc rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, nên tiến hành tạm giữ lô vũ khí để điều tra. theo ZING.VN

XEM THÊM NHIỀU TIN SỐC HƠN TẠI>>> : http://www.tinsd.com/2014/07/thu-94-sung-gan-500-bang-o-san-bay-tan.html
Thu 94 súng, gần 500 băng đạn ở sân bay Tân Sơn Nhất Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất kiểm tra một chuyến bay từ Thổ Nhĩ Kỳ và phát hiện 94 khẩu súng ngắn cùng hàng trăm băng đạn chưa sử dụng. Ngày 31/7, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Tân Sơn Nhất (Cục Hải quan TP HCM) cho biết, cơ quan này vừa bắt giữ lô vũ khí quân dụng lớn. Trước đó, bằng biện pháp nghiệp vụ, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất phối hợp với Cục An ninh Kinh tế tổng hợp (A85) và các lực lượng chức năng thuộc Bộ Công an khám xét đột xuất một chuyến bay từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Việt Nam qua sân bay Tân Sơn Nhất. Quá trình kiểm tra, nhà chức trách phát hiện số vũ khí quân dụng, gồm 94 khẩu súng ngắn cùng 472 băng đạn chưa sử dụng nhập vào Việt Nam từ Cộng hòa Séc được cất giấu rất tinh vi. Số súng ngắn bị Hải quan cửa khẩu quốc tế Tân Sơn Nhất thu giữ. Ảnh: Hải quan cung cấp. Lực lượng chức năng xác định, đây là vụ việc rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, nên tiến hành tạm giữ lô vũ khí để điều tra. theo ZING.VN

XEM THÊM NHIỀU TIN SỐC HƠN TẠI>>> : http://www.tinsd.com/2014/07/thu-94-sung-gan-500-bang-o-san-bay-tan.html

Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2015

BÀI KHÍ CÔNG GIẢM MỠ BỤNG SIÊU NHANH


Cách giảm mỡ bụng siêu nhanh (2-5cm) trong 20 phút bằng khí công

 Thúy Huỳnh
 
Như bạn biết đấy vòng eo luôn tích tụ mỡ thừa và chúng ngày càng nhiều lên chứ chẳng giảm đi. Mỡ bụng nhiều sẽ gây ra rất nhiều ảnh hưởng như: mệt mỏi, mất thẩm mỹ, vô sinh, béo phì và rất nhiều chứng bệnh khác kéo theo. Vì thế vì mục tiêu làm đẹp và vì mục tiêu sức khỏe mà các chị em dùng mọi cách để giảm mỡ bụng càng nhanh càng tốt.
Bản thân mình cũng tìm hiểu khá nhiều cách giảm mỡ bụng như thuốc giảm cân, chạy bộ, tập các bài tập giảm mỡ bụng nhưng rồi không ăn thua, vì nó có giảm nhưng rồi cũng tăng trở lại. Thật sự rất phiền lòng. Nhưng rồi tình cờ mình biết được một phương pháp giảm mỡ bụng siêu nhanh. Đặc biệt đối với người bệnh béo phì hoặc vòng bụng to có thể giảm vòng eo từ 2-5cm chỉ trong vòng 20 phút luyện tập môn khí công này. Mình nói 20 phút là tính luôn thời gian nghỉ ngơi nhé, còn nếu tập thật sự chỉ mất khoảng 3’75s và cực kỳ dễ thực hiện. Nghe có vẻ rất khó tin nhưng bạn hãy là người trải nghiệm để thấy được hiệu quả vì nó chẳng mất tiền bạc hay nhiều thời gian của bạn đâu. 
Với khoảng thời gian này bạn không chỉ giảm được mỡ bụng mà còn giúp cơ thể khỏe mạnh, chữa được nhiều bệnh không ngờ tới. Nếu có thời gian bạn hãy tìm hiểu phương pháp luyện khí công, một phương pháp tuyệt vời cho sức khỏe và cả về mặt tâm linh.
Và đây là cách giảm mỡ bụng siêu nhanh bằng khí công:
Cách giảm mỡ bụng siêu nhanh (2-5cm) trong 20 phút bằng khí công
 Chuẩn bị tư thế:
  • Nằm ngửa trên sàn, người thả lỏng và hai tay đặt dưới rốn (ngay huyệt khí hải). Cách đặt tay đúng rất quan trọng và nó ảnh hưởng đến kết quả đạt được. Bạn cần lưu ý:
  - Nếu là nữ thì đặt tay phải bên dưới, tay trái đặt trên
  - Nếu là nam thì đặt tay trái bên dưới tay phải
  • Tiếp theo khép miệng lại, đồng thời đầu lưỡi chạm vào phần nướu phía trên (đó là cách nối hai mạch nhâm đốc trong cơ thể) từ đó phát huy tối đa năng lực của cơ thể.
Bắt đầu tập luyện:
  • Hai chân khép lại và từ từ đưa lên cao tạo thành 1 góc 45 độ và giữ tư thế như vậy trong vòng 45s và hạ xuống. Sau khi thực hiện động tác này bạn sẽ thấy bụng và lòng bàn tay rất nóng.
  • Nghỉ vài phút cho cơ thể bớt mệt và tiếp tục đưa chân lên 45 độ như động tác trên. Cứ thực hiện như vậy 5 lần, mỗi lần 45s.
Cách giảm mỡ bụng siêu nhanh (2-5cm) trong 20 phút bằng khí công
Bạn phải để tay lên huyệt khí hải (dưới rốn) nhé. Mình không tìm được hình minh họa chính xác như bài tập được :(
Như vậy chỉ sau khoảng thời gian 20 phút bạn sẽ thấy cơ bụng co bóp dữ dội, người nóng và thậm chí toát mồ hôi đến ướt sẫm quần áo (tùy theo tình trạng béo phì của cơ thể). Sau khi luyện tập xong nếu dùng thước dây đo bạn sẽ thấy vòng eo giảm ít nhất 2cm (béo phì) còn đối với người mỡ bụng bình thường có giảm nhưng ít hơn ít và bạn sẽ nhìn rõ hơn khi sáng mai thức dậy. Bài tập này hiệu quả gấp nhiều lần so với các bài tập giảm mỡ bụng thông thường.
Thực hiện đều đặn mỗi ngày (tùy theo sức khỏe) để có vòng eo phẳng lỳ và cực kỳ tốt cho sức khỏe.
Một vài lợi ích của bài khí công này
  • Bổ khí huyết cho cơ thể
  • Phục hồi chức năng gan, thận
  • Giảm cholesterol có hại trong cơ thể
  • Da mặt hồng hào và thậm chí trẻ ra nhiều so với tuổi.
Lưu ý: luyện tập khí công không giống như các bài tập thông thường nên bạn cần đặc biệt chú ý nhé:
  • Khi luyện tập ( từ lúc tập đến khi hết 20 phút) không được nói chuyện hoặc cười vì sẽ làm mất khí và gây mệt mỏi cho cơ thể.
  • Tịnh tâm và tập trung cho bài tập, tránh xao lãng
  • Đối với những người bệnh tim hoặc huyếp áp cao nên cẩn thận khi luyện tập. Nếu đang luyện tập mà thấy da mặt từ hồng hào chuyển sáng tái xanh phải dừng lại ngay. Nghỉ ngơi đến khi nào hết mệt thì tiếp tục.
  • Đối với người hay mệt mỏi suy nhược nhưng mỡ bụng nhiều cần ăn đủ chất và uống 2-3 muỗng đường vàng với một ly nước ấm trước khi tập nếu k sẽ k tập nổi.
  • Sau khi cơ thể toát mồ hôi nên dùng khăn lau khô, không được đi tắm hoặc tiếp xúc với nước liền vì lúc này cơ thể dễ cảm lạnh.
Bây giờ bạn đã biết đươc cách giảm mỡ bụng siêu nhanh (2-5cm) trong 20 phút bằng khí công này lại chữa được nhiều bệnh rất tuyệt vời này. /.

'Sống hạnh phúc, chết bình an'



Theo Người Việt-10-25- 2015 2:09:01 PM Tạp ghi Huy Phương

Sau khi ông bác họ tôi chết được ít lâu, gia đình muốn lợp lại mái nhà. Khi người ta gỡ mái tranh cũ mang đi, họ tìm thấy ba lượng vàng được gói cẩn thận trong một miếng vải đỏ, nhét trong mái tranh. Người con trưởng, bỗng nhớ những giờ phút sắp ra đi của ông cụ thân sinh, lúc không còn cử động và nói năng được, nhưng đôi mắt ông cứ đăm đăm nhìn lên mái nhà, nơi mà ông giấu mấy lượng vàng.

Tôi cũng nhớ lại, sau năm 1975, hồi đi tù Cộng Sản, ngày được lệnh đổi tiền, nhiều anh sĩ quan đang bị tập trung, đã xin phép quản giáo cho về nhà, vì những người này lỡ giấu tiền trong bộ salon ở phòng khách hay ở một góc hẻm nào trong nhà, mà không cho vợ biết, và cứ nghĩ rằng mình đi tù một hai tuần rồi sẽ được về nhà.
Đến tuổi này rồi, bạn có giấu của cải, tiền bạc ở chỗ nào, con rơi con rớt ở đâu, xin “thành thật khai báo” kẻo không còn kịp nữa.

Quả tình là không ai biết mình sẽ giã từ cuộc đời này vào lúc nào, kể cả những bệnh nhân ung thư đến thời kỳ cuối, đã được bác sĩ thông báo ngày chết. Mới vài ngày trước đây thôi, người bạn trẻ của tôi đang khỏe mạnh, nói nói cười cười, thế mà hôm nay, qua một cuộc phẫu thuật tim, thông thường sau vài ba tiếng đồng hồ sẽ tỉnh lại, anh đã không bao giờ mở mắt ra để nhìn cuộc đời này nữa. Cũng trong lúc này tôi có những người bạn nằm trong “nursing home” đã trên 10 năm dài, có người phải dùng thức ăn lỏng bơm thẳng vào dạ dày, có người đôi mắt đã hư, chỉ còn nhận ra người quen qua tiếng nói.

Nghĩ cho cùng, cái chết là tất yếu, nhưng ai biết được bao giờ mình sẽ chết? Và cũng vì không ai biết trước được ngày mình chết, nên mỗi người đều đi tìm cho mình một cách sống.

Ví như loài người trên trái đất này đến tuổi 60 tất cả đều phải chết, thì không còn ai phải sửa soạn hay dành dụm cho mình để lo cho những ngày chưa chết. Chính vì cái điều mà người ta thường gọi là số mệnh, cuộc sống lâu mau của mỗi người đã làm nên, mỗi người một hoàn cảnh, không ai giống ai. Khoa tử vi cũng không giải thích được cuộc đời của hai người song sinh, cùng cha mẹ, chào đời trong một giờ, một ngày, một năm, một tháng giống nhau.

Có ai bỏ lại được mọi sự lo lắng lại cho cuộc đời này để thanh thản ra đi.

Phải chăng vì sự lo, sợ cung tần mỹ nữ sẽ không trung thành với mình hay ích kỷ muốn mang theo những vật sở hữu của mình, mà vua Khang Hy (1654-1722) đã “chôn theo” mình toàn bộ 48 phi tần của ông.

Có người chết đi, “yêu mình” đến nỗi lo sợ sự nghiệp của mình không ai nhớ đến, nên lo đúc tượng mình khi còn sống. Nhà thơ Hàn Mặc Tử lãng mạn than khóc vì cuộc đời vốn đã bất hạnh của mình, sợ rồi khi mình nằm xuống, “không có nàng tiên mô đến khóc, đến hôn anh và rửa vết thương tâm!”

Nguyễn Du cũng ngậm ngùi “bất tri tam bách dư niên hậu, thiện hạ hà nhân khấp Tố Như?”

Làm chính trị cũng lo lắng chuyện dở dang, bất thành: -“Tôi chết thì trả thù cho tôi!”

Nhà văn Võ Phiến trước khi qua đời cũng băn khoăn: - “Anh nghĩ ở trong nước bây giờ người ta có đọc tôi không, hả anh?” (Nguyễn Hưng Quốc, 1 Tháng Mười, 2015)

Thì ra, trước khi qua đời, ai cũng có cái lo, mỗi người lo một cách.

Chết rồi, có người chẳng muốn thiêu vì sợ nóng, nhưng cũng có người không muốn chôn, vì nằm đó, mà chẳng có đứa con nào viếng thăm, “thì buồn chết được!” Chết thì hẳn đã chết rồi, mà người chết rồi làm sao biết buồn nữa! Có người đã lớn tuổi, đau ốm quanh năm, muốn về Việt Nam thăm bà con một chuyến, nhưng bắt các con hứa, nếu lỡ có mệnh hệ nào, thì các con nhớ mang cha trở lại Mỹ. Có người ở tù Cộng Sản năm bảy năm, sang được Mỹ, bây giờ chết lại đòi mang quan tài về Việt Nam. Như vậy, chết vẫn chưa là hết, chết cũng còn nằm trong kế hoạch, chương trình, sau khi nắp quan tài được đậy lại.

Có những cái chết mang lại thương tiếc cho tất cả mọi người, có những tấm lòng và công việc của những người chết mà không ai có, không ai thay thế được, nhưng trái lại, có những người sống lâu, bị người đời nguyền rủa. Trong những cái “chẳng khoái ư!” của ông Lâm Ngữ Đường, tác giả kể chuyện ông Kim Thánh Thán, sáng sớm thức giấc, nghe đêm qua con người giảo quyệt, mưu mô nhất trong làng vừa chết, ông bèn “chẳng khoái ư?” Thoạt đầu, tôi trộm nghĩ, đã là con người với nhau, thằng xảo quyệt ấy chết, mình không buồn thì cũng dửng dưng, có đâu lòng dạ lại cảm thấy sung sướng được, như thế chẳng hóa ra bất nhân! Nhưng nghĩ lại, nếu mình không là nạn nhân, không là người chịu đựng những nỗi khổ đau trầm luân của người trong cuộc, thì không thể thông cảm với cái “vui” khi thấy người khác chết! Một con người hay một chế độ cũng vậy!

Sống bao lâu là đủ, chết lúc nào là vừa?

Phải chăng câu trả lời còn tùy theo sự sống của mỗi người.

Lợi ích của cây đa, cây đề là còn cho con người bóng mát, chứ không phải là nơi người ta gửi những cái ông bình vôi sứt mẻ để tạo ra một hình ảnh tôn kính quá đáng. Chúng ta chọn hình ảnh người tướng lãnh chết giữa trận tiền hay sống tàn tạ, chết già nua trong sự quên lãng của mọi người. Đối với một người lính, chúng ta chọn giữa cái chết hay sự sống dần dần phai nhạt?

Chưa có ai từ cõi chết trở lại cõi sống để mô tả cho con người biết cái chết, cũng không có bằng chứng khoa học về ý thức sự sống sau cái chết của một sinh vật, nhưng hầu hết tôn giáo đều cho rằng nếu chúng ta hình dung cái chết như là một sự biến mất, một sự chấm dứt, không còn lưu lại gì cả thì nhất định đó là một sự sai lầm.
Nhưng có một điều chúng ta ai cũng phải nghĩ đến là có sinh thì có diệt, có sống tất phải có cái chết!

“Chẳng ai sống đời đời, kiếp kiếp, chẳng cái gì vĩnh viễn không phai. Này, anh em nhớ kỹ điều đó và vui lên mà sống...” “Thi nhân, riêng mình, nào phải viết bài thơ trường cửu. Hoa nở rồi tàn. Và, ai đó đã cài hoa lên áo, cũng chẳng cần khóc thương mãi mãi làm gì. Đấy, anh em, nhớ kỹ điều đó, và vui lên mà sống.” (Rabindranath Tagore - Đỗ Khánh Hoan dịch)

Alan Phan là một doanh nhân nổi tiếng, từng tổ chức và hoàn tất chuyển giao 18,000 xe lăn tại Việt Nam và Indonesia, vừa qua đời, tạm khép lại giấc mơ ông đang ấp ủ cho quê nhà: “20 triệu máy tính cho trẻ em Việt Nam.” Tuy vậy, chỉ ba tháng trước khi ra đi, cảm nhận được những bất trắc của cuộc đời, Alan Phan đã bình thản nhận mình “rất bình an với những gì mình đã có, đã mất, đã thua, đã thắng, nghĩa là cái chuyện nó đã xảy ra rồi, thế thôi.”

Trên mọi sự, ông đã không những “forget” mà còn “forgive!”

(Nhân ngày tiễn đưa Tiễn Sĩ Alan Phan, 25 Tháng Mười , 2015)

Thứ Năm, 22 tháng 10, 2015

KHẤU ĐẦU ĐẾ QUỐC



Hùng Tâm - Hồ Sơ Người-Việt 151021
Hai Trăm Năm Sau, Anh Quỳ Lạy Tầu   

* Tập vào quốc yến bên Nữ hoàng Anh *


Từ hôm Thứ Ba 20, lãnh tụ Tập Cận Bình là quốc khách của nước Anh. Với dân Trung Quốc, qua bốn ngày thăm thú và yến tiệc linh đình, ông rửa nhục hai thế kỷ trước cho tổ quốc, rồi gặt hái nhiều thành quả kinh tế chính trị. Nhìn từ bên này, nhiều người gọi chuyến thăm viếng là mối nhục cho nước Anh. Rất đáng chú ý, nguyên cố vấn về chiến lược và bạn thân của đương kim Thủ tướng David Cameron cùng Tổng trưởng Tài chánh George Osborne, Giáo sư Steve Hilton đang dạy tại Đại học Stanford thì coi đây là một sai lầm của Chính quyền Anh. Trong một bài xã luận hôm Thứ Bảy 17 trên tờ Guardian, ông Steve Hilton hài tội cộng sản Trung Quốc, phân tích lợi hại và viết thẳng rằng khấu đầu trước bọn độc tài Bắc Kinh là sai lầm về đạo đức và phi lý về kinh tế!

Hồ Sơ Người-Việt sẽ thăm thú chuyện lý thú này! 


Hai Trăm Năm Trước


Cuối thế kỷ 18, Đế quốc Anh vừa khởi sự cuộc Cách mạng Kỹ nghệ, tìm cách giao thương với bốn phương sau khi chinh phục Ấn Độ, lập nhiều thương điếm từ vùng biển Caribbe tới Trung Đông.

Năm 1793, giữa những tao loạn tại Âu Châu từ cuộc Cách mạng Pháp, Đại sứ George Macartney gõ cửa Bắc Kinh với nhiều quà cáp để xin mở rộng giao thương. Hoàng đế Càn Long hoan hỉ nhận quà như một hình thức triều cống của bọn Hồng mao ở phương xa, nhưng lắc đầu nguầy nguậy. Phái bộ Macartney chối từ việc qùy gối khấu đầu trước Thanh triều và mang nhục rồi ra về tay trắng. Vì nhà Đại Thanh khi ấy còn ngồi trên đỉnh, nhìn thiên hạ bằng nửa con mắt nên chưa thấy ra sự lụn bại của mình.

Bước qua thế kỷ 19, hai chiều hướng trái ngược cứ tiếp tục vận hành.

Nước Anh ngày càng hùng mạnh thấy khó chịu với nhà Đại Thanh ù lỳ trì trệ. Trung Quốc có nhiều thương phẩm thơm tho, cả những cánh trà pha nước mà dân Anh đã khóai và nghiện, nhưng lại coi rẻ các sản phẩm tiêu dùng như áo quần dệt sợi của Anh, chỉ nhận thanh toán bằng bạc. Dự trữ bạc của Anh vì vậy hao hụt, nhưng người Anh cũng thấy dân Tầu lại ghiền một sản phẩm còn thơm hơn trà. Đó là thuốc phiện!

Họ phát minh ra cái… tam giác vàng: trồng thuốc phiện bên Ấn, chở qua Tầu đổi chác rồi đem trà về nước, với mối lợi là đồng bạc trắng phau. Dù có dốt, Thanh triều chẳng phải là ngu, họ thấy kho bạc hao hụt dần trong khi dân ghiền thì nằm bẹp như gián.

Đấy là lúc Tổng đốc Lưỡng Quảng (Quảng Đông và Quảng Tây) Lâm Tắc Từ được Hoàng đế Đạo Quang chuẩn tấu đề nghị, bổ vào chức Khâm sai Đại thần để thi hành chánh sách “cấm phiện”. Họ Lâm là một đại thần tài kiêm văn võ, đầu năm 1839 ban lệnh cấm hút thuốc phiện, tịch thu nha phiến và còn đốt kho thuốc phiện trong các thương điếm Anh. Ông cẩn thận gửi thư lên Nữ hoàng Victoria của Anh để phân bày phải trái về đạo lý và công yết lá thư tại khắp nơi ở Quảng Châu.

Chẳng biết tấu thư có lọt mắt Nữ hoàng hay không, nhưng Lâm Tắc Từ được Đế quốc Anh hồi đáp bằng pháo hạm và Hải quân của nhà Đại Thanh đại bại. Vì thế mới có “Hòa ước Nam Kinh” năm 1842: Đế quốc Anh nhận lấy thương cảng thơm phức là Hương Cảng, họ gọi là Hong Kong, và được rộng quyền giao thương.

Tức là nửa thế kỷ sau khi Đại sứ Macartney thất bại, Đế quốc Anh đã toại nguyện và Trung Quốc mang nhục. Nhưng chưa hết!


Tứ Bề Thọ Địch

Trăm năm sau đó, sự lớn mạnh của Đế quốc Anh là trào lưu tất yếu nhưng chưa mạnh bằng sự lụn bại của Đế quốc Trung Hoa.

Trong khi Anh quốc mở rộng đế chế khắp nơi, kể cả trên lục địa Phi Châu, thì Trung Quốc bạc nhược nhìn các cường quốc Âu Châu khác bước vào gõ cửa, và đòi chia phần tô giới. 

Nhục hơn thế, nước Nhật ở bên kia Hoàng hải đã sớm tỉnh thức khi bị pháo hạm Mỹ của Đề đốc Matthew Perry gõ cửa vào năm 1853. Họ mở cửa đón nhận học thuật của Tây phương và canh tân đất nước dưới triều đại mới của Minh Trị Thiên hoàng kể từ năm 1868. Nhật giải quyết bài toán cũ-mới bằng một trận nội chiến ngắn ngủi năm Mậu Thìn và bước theo con dường Duy Tân.

Vài chục năm sau, Nhật trở thành cường quốc, và còn dữ dội hơn các nước Âu Châu trong trận chiến 1894-1895 khiến nhà Đại Thanh không thể ngóc đầu dậy. Đến năm 1911 thì đi vào tan rã. Năm 1912, Trung Hoa Dân Quốc ra đời trên một xứ sở lụn bại tanh bành. Trung Quốc phải học Nhật Bản và bị Nhật cho nhiều bài học thấm đến xương tủy: bị Nhật tấn công và chiếm đóng.

Bên trời Âu, Đế quốc Anh lại gặp sự thách đố của một cường quốc mới nổi là nước Đức. Chiến tranh bùng nổ thành Đại chiến Âu Châu, rồi Thế chiến 1914-1918, với sự tham gia của Hoa Kỳ và các nước Âu Châu. Đấy là lúc Trung Quốc nhập cuộc bên phe Đồng Minh chống Đức, với hy vọng sẽ được chia phần sau này. Nhưng mà công cốc.

Khi nước Đức bại trận và bị các nước Đồng Minh xẻ thịt với Hiệp ước Versailles ngày 28 Tháng Sáu năm 1919 thì phái bộ Trung Hoa Dân Quốc có mặt trong hội nghị chia phần. Nhưng sức nặng lại nghiêng về một cường quốc Đồng Minh khác là nước Nhật. Tỉnh Sơn Đông do Đức chiếm đóng không hồi quy cố quốc mà được trao cho Nhật! Sĩ phu và thanh niên trí thức Tầu mới nổi điên về sự bạc nhược của Chính quyền Dân Quốc. Cuộc Vận động Ngũ Tứ (ngày bốn Tháng Năm) bùng nổ, chuyển mục tiêu từ chống Hiệp ước Versaiiles sang mục tiêu chống Chính quyền Dân Quốc.

Đảng Cộng sản Trung Hoa xuất hiện từ đấy, Tháng Bảy năm 1921, nhưng chưa ai kịp thấy vì năm 1931, Trung Quốc lại bị Nhật Bản xâm lăng. Trung Quốc tứ bề thọ địch, bên trong còn bị nội loạn.


Thế Chiến Hai Và Di Sản

Khi Thế chiến II bùng nổ vào năm 1939, một lần nữa Đế quốc Anh và Đế quốc già lão Trung Hoa lại đứng cùng chiến tuyến, lần này là để chống cái trục Đức-Nhật.

Lần này, Trung Quốc cũng lại ở vào phe chiến thắng nhờ quân lực Hoa Kỳ. Phái bộ của Dân Quốc có mặt trong những dàn xếp quốc tế của thời Hậu chiến, như Liên hiệp quốc hay kiến trúc tài chánh toàn cầu tại Hội nghị Bretton Wood. Nhưng bên trong lãnh thổ thì cuộc chiến Quốc cộng manh nha từ 1937 đã đi vào ngã ngũ khi phe Dân Quốc bị Hoa Kỳ bỏ rơi. Năm 1949 thì Mao Trạch Đông thắng tại Hoa lục, Dân Quốc lưu vong qua Đài Loan và bức màn sắt của Cộng sản đã khép xuống trong 30 năm kinh hoàng, từ 1949 đến 1979. Cho tới khi Đặng Tiểu Bình nắm lại quyền bính và tiến hành chánh sách mở cửa.

Đấy là một ấn bản mới, với màu sắc Trung Hoa Cộng sản, của công cuộc Duy Tân thời Minh Trị Thiên hoàng 90 năm về trước. Sau đó, Trung Hoa Dân Quốc bị Hoa Kỳ đạp ra khỏi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc để nhường ghế cho Trung Hoa Cộng Sản. Bên trong, họ Đặng ngồi vào tay lái của Mao để dẫn quốc gia qua hướng khác.

Như mọi nước đi sau trong cuộc cách mạng công nghiệp, Trung Quốc không mất hai thế kỷ như Đế quốc Anh mà chỉ mất hai thập niên. Đến năm 1997 thì đòi lại được Hong Kong rồi Macao và trong khi Đế quốc Anh mắc bệnh lão hóa và suy sụp dần thì Đế quốc Trung Hoa tái xuất hiện dưới lá cờ đỏ, trở thành cường quốc có sản lượng kinh tế đứng hạng nhì thế giới. Hai Đế quốc cừu thù vừa thay bậc đổi ngôi. Tuần này cả Hoàng gia già trẻ, từ Nữ hoàng đến Hoàng tử lẫn chính phủ Anh đang trải thảm đỏ đón mừng Tập Cận Bình để xin chút cháo là hợp đồng đầu tư trị giá 30 tỷ Anh kim!

Nhưng vì sao mà một đại trí thức là chiến lược gia Steve Hilton, hiện là giáo sư và doanh gia tại Mỹ, lại đả kích quyết định của Chính quyền Cameron? Chỉ vì hai Đế quốc chuyển dịch theo hai hướng trái ngược.

Khác với nhà Đại Thanh từ giữa thế kỷ 19, Đế quốc Anh ý thức được sự suy sụp của mình từ năm 1057, sau Thế chiến II, và mở cửa làm ăn theo hướng khác. Văn minh, hiếu hòa và tôn trọng quy củ của thế giới để phần nào gìn giữ được ưu thế của London như một trung tâm tài chánh lớn của thế giới. Còn lại, quyền lợi kinh tế là cái gì đó có thể thương thuyết được. Theo kiểu con buôn không xài súng.

Đế quốc Trung Cộng thì khác. Trò bá đạo truyền thống được cải tạo và trở thành quốc đạo. Bên trong, lãnh đạo vẫn coi dân như cỏ rác, dân quyền hay dân quyền là dép rách. Bên ngoài thì học nghề con buôn bằng mua chuộc – kể cả tách nước Anh ra khỏi quỹ đạo Hoa Kỳ, và áp dụng chính sách ngoại giao bằng pháo hạm của các nước vào thế kỷ 19. Trung Quốc đưa nguyên thế kỷ 19 vào thế kỷ 21, trở thành một mối nguy cho các nước.

Nhờ vậy, ngày nay phái bộ Trung Quốc được nước Anh đối xử tử tế hơn phái bộ Anh của Macartney. Vinh hiển có thừa. Nhưng Di Sản từ Thế chiến II có thể là Thế chiến III!

___


Kết luận ở đây là gì?


Đế quốc Anh đã để lại nhiều tai họa cho các dân tộc khác trong và sau thời thống trị của mình. Nếu ngày nay, họ có mang nhục cầm bát xin ăn cũng chẳng ai thương.

Nhưng ai sẽ lãnh họa của Đế quốc Trung Hoa sau này?

Theo blog Nguyễn Xuân Nghĩa

Thứ Tư, 21 tháng 10, 2015

THẰNG CHÓ ĐẺ CỦA MÁ


Tiểu Tử

 Má ơi ! Bữa nay là ngày 23 tháng chạp, ngày đưa ông Táo. Không biết những người Việt lưu vong như tụi con có còn giữ phong tục hằng năm cúng đưa ông Táo về Trời hay không, chớ vợ của con năm nào đến ngày này cũng mua hoa quả bánh ngọt cúng đưa ông Táo, cũng thành khẩn như ngày xưa, hồi còn ở bên nhà.
Năm nay, nhờ vợ của con lau dọn bàn thờ ông Táo để sửa soạn bày lễ vật ra cúng, nên con mới nhớ ra là ngày 23 tháng chạp. Ngày này cũng là ngày sanh của má. Hồi đó, má hay nói : « Ngày sanh của đứa nào còn khó nhớ, chớ ngày sanh của tao là ngày ông Táo về Trời, không dễ gì quên ! ». Và ngày này hồi đó, khi cúng vái, má hay cầu khẩn : « Ông về ở trển nhờ tâu lại bữa nay tôi lên thêm một tuổi, cầu xin Ngọc Hoàng bớt cho tôi chút đỉnh khổ cực … ». Hồi đó, nghe má cầu xin, con phì cười. Bây giờ, nhớ lại, con bỗng ứa nước mắt… Cuộc đời của má - theo lời tía kể - cũng lắm gian truân từ ngày má bỏ cái làng quê ở bờ sông Vàm Cỏ để đi theo tía dấn thân làm cách mạng vào những năm 1928/29. Gia đình giòng họ từ bỏ má cho nên hồi sanh con, tía bận đi xa, má nằm chèo queo một mình trong nhà bảo sanh, chẳng có người nào đi thăm hết. Vậy mà sau đó, má vẫn tiếp tục bôn ba …Mãi về sau, khi con lên sáu bảy tuổi, có lẽ chỉ vì sanh có một mình con nên tía má mới « trụ hình » - vẫn theo lời tía kể - với nhiều cực nhọc và khó khăn tiếp nối dài dài… Hỏi sao sau này mỗi lần đưa ông Táo má không có lời cầu khẩn nghe tội nghiệp như vậy ?
Nhớ lại, cách đây ba năm má thọ tròn trăm tuổi. Tính ra, từ ngày con đi chui theo ý má muốn - má nói :  « Mầy đem vợ con mầy đi đi, để tao còn hy vọng mà sống thêm vài năm nữa » ! – cho đến năm đó, con xa má 25  năm. Con mới 72 tuổi mà cứ bịnh lên bịnh xuống nhưng năm đó con quyết định phải về. Và con đã về …
Thằng Bảy, con chị Hai Đầy ở Thị Nghè nghỉ chạy xe ôm một bữa để đưa con về cái làng quê nằm bên sông Vàm Cỏ. Nó nói : « Đi xe đò chi cho tốn tiền, để con đưa cậu Hai về, sẵn dịp con thăm bà Tám luôn ».
Hồi tụi con bước vào nhà, cả xóm chạy theo mừng. Con nhỏ giúp việc vội vã đỡ má lên rồi tấn gối để má ngồi dựa vào đầu giường : « Thưa bà cố, có khách ». Má nhướn mắt nhìn, hai mắt sâu hỏm nằm trên gương mặt gầy nhom đầy vết nám thâm thâm : « Đứa nào đó vậy ? ». Con nghẹn ngào : «  Dạ, con… ». Chỉ có hai tiếng « Dạ, con » mà má đã nhận ra con ngay mặc dầu đã xa con từ 25 năm ! Má nói : « Mồ tổ cha mầy ! Trôi sông lạc chợ ở đâu mà bây giờ mới dìa ? Mà dìa sao không cho tao hay ? » Con ngồi xuống cạnh má : “ Sợ cho hay rồi má trông ” Má nói mà gương mặt của má nhăn nhúm lại : “ Tao trông từ hai mươi mấy năm nay chớ phải đợi đâu tới bây giờ ! ” Rồi má nhắm mắt một vài giây mới để lăn ra được hai giọt nước mắt. Cái tuổi một trăm của má chỉ còn đủ hai giọt nước mắt để cho má khóc mừng gặp lại thằng con ... Xúc động quá con gục đầu vào vai má khóc ngất, khóc lớn tiếng, khóc mà không cần biết cần nghe gì hết. Cái tuổi bảy mươi hai của con còn đầy nước mắt để thấm ướt cái khăn rằn má vắt trên vai...
Suốt ngày hôm đó, má con mình nói biết bao nhiêu chuyện, có sự tham dự của họ hàng chòm xóm. Nhớ gì nói nấy, đụng đâu nói đó ...vui như hội. Vậy mà cuối ngày, không thấy má mệt một chút nào hết. Con nhỏ giúp việc ngạc nhiên : “ Bình thường, bà cố nói chuyện lâu một chút là thở ồ ồ. Bữa nay sao thấy nói hoài không ngừng ! Có ông Hai dìa chắc bà cố sống thêm năm bảy năm nữa à ông Hai !”
Đêm đó, má “đuổi ” con vô mùng sớm sợ muỗi cắn. Con nằm trên bộ ván cạnh cái hòm dưỡng sinh của má. Con hỏi : “ Bộ cái hòm hồi đó má sắm tới bây giờ đó hả ? ” Má cười khịt khịt vài tiếng rồi mới nói : “ Đâu có. Cái hòm mầy nói, tao cho cậu Tư rồi. Hồi Cao Miên pháo kích quá, tao đem cậu Tư về đây ở, rồi ổng bịnh ổng chết. Tao có sắm cái hòm khác, cái đó tao cho thằng Hai con cậu Tư. Tội nghiệp thằng làm ăn suy sụp nên rầu riết rồi chết !” Con nói chen vô : “ Vậy, cái nầy má sắm sau đám của anh Hai ” Má lại cười khịt : “ Đâu có. Cái hòm sắm sau cái hòm cho thằng Hai, tao cho dì Sáu rồi. Hồi chỉ nằm xuống, nhà chỉ không có tiền mua hòm thì lấy gì làm đám ma ? ” Ngừng lại một chút rồi má mới nói : “ Còn cái hòm nầy chắc tao không cho ai nữa. Họ hàng quyến thuộc lần hồi chết hết, còn lại có mình tao thôi, có nó nằm gần tao cũng yên bụng ! ”.
Nằm tơ lơ mơ một lúc bỗng nghe má hỏi : “ Thằng chó đẻ ... ngủ chưa ? ” Con trả lời : “ Dạ chưa ” Má tằng hắng : “ Tao tụng kinh một chút nghen ” Con : “ Dạ ” mà nghe tiếng “ Dạ ” nghẹn ngang trong cổ. Mấy tiếng “ Thằng chó đẻ ” của má kêu con đã làm cho con thật xúc động. Hồi đó – lâu lắm, cách đây sáu mươi mấy bảy chục năm, hồi con còn nhỏ lận – má hay gọi : “ Thằng chó đẻ, lại hun cái coi ! ”. Hồi đó, mổi lần cưng con, nựng con, ôm con vào lòng má luôn luôn gọi con bằng “ thằng chó đẻ ” ! Mà con thì chỉ biết sung sướng khi nghe má gọi như vậy. Rồi con lớn lần, má không còn gọi con bằng “ thằng chó đẻ ” nữa. Con không để ý và chắc má cũng không để ý đến chuyện đó. Mãi đến bây giờ má lại gọi con bằng “ thằng chó đẻ ”, gọi tự nhiên như hồi còn nhỏ. Chỉ có mấy tiếng thật thô thiển bình dị, nghe khô khan như vậy mà sao con cảm nhận tình thương thật là tràn đầy. Và đối với má, dầu tuổi đời của con có cao bao nhiêu nữa, con vẫn là “ thằng nhỏ ”,” thằng chó đẻ cưng ”. Con bắt gặp lại sự sung sướng của hồi đó khi được má gọi như vậy. Rồi bao nhiêu hình ảnh thuở ấu thời hiện về trong đầu con, liên miên chớp tắt. Đêm đó, con trằn trọc tới khuya...
Sáng hôm sau, má biểu con đẩy xe lăn đưa má đến từng bàn thờ để má thắp nhang tạ ơn Trời Phật, Ông Bà. Cuối cùng, đến bàn thờ của tía, má nói : “ Ông ơi, Có thằng nhỏ nó dìa đó. Ông độ cho nó được mạnh giỏi, độ cho vợ con nó ở bên tây được suông sẻ trong công việc làm ăn...” Đứng sau lưng má, con phải cắn môi thật mạnh để khỏi bật lên thành tiếng nấc !
Đẩy má ngang bàn viết cũ của tía, con thấy trên tường có treo hai khuôn kiếng lọng văn bằng đỏ chói có đóng dấu cũng đỏ chói của Nhà Nước. Con ngừng lại đọc : một tấm là huân chương hạng nhứt và một tấm là huy chương hạng ba cấp cho Lê thị Ráng. Con hỏi : “ Cái gì vậy, má ? ” Má nói : “ Mề-đai của tụi nó cho tao. Tụi nó bươi chuyện  thời ông Nhạc nào đâu  hồi mấy năm 1928-29 rồi chạy lại cho. Cái hạng nhứt đó cho năm ngoái, còn cái hạng ba mới cho đây ” Con cười : “ Vậy là họ hạ cấp má rồi ” Má hỏi : “ Sao mầy nói vậy ? ” Con giải nghĩa: “Thì từ hạng nhứt tuột xuống hạng ba là bị hạ cấp chớ gì nữa ?” Má cười: “Mầy không biết. Cái đầu hạng nhứt đó, cho treo chơi chớ không có tiền. Cái hạng ba đó mới có cho tiền ” Con đùa : “ Vậy  má  chia cho con chút đỉnh lấy hên coi ! ” Má khoát tay : “ Ối ...từ ngày nhận cái mề-đai đó tới nay đã ba tháng rồi mà có thấy tụi nó đưa tiền đâu. Nghe nói còn mấy khâu gì gì đó chưa thông nên có hơi trễ ! ” Thấy trên văn bằng đề “Lê Thị Ráng ” con thắc mắc : “ Ụa ! Mà Lê Thị Ráng đâu phải là tên của má. Trong khai sanh của con, má là Lê Thị Láng mà !” Má cười khục khục mấy tiếng rồi mới nói : “ Để tao nói cho mầy nghe. Hồi đó tao sanh mầy ở gần nhà thờ Cha Tam, trong Chợ Lớn. Cô mụ người tàu, nói tiếng Việt còn lơ lớ. Cổ hỏi tao tên gì để làm khai sanh. Tao nói tao tên Ráng, mà R cổ nói không được, nên ra sở khai sanh, cổ nói Ráng thành Láng là như vậy ” Mãi tới bảy mươi hai tuổi con mới biết tên đúng của má là “ Ráng ” !
Hôm đưa ông Táo, con có tổ chức một bữa tiệc để ăn mừng một trăm tuổi của má, có họ hàng tham dự đầy nhà. Vừa ngồi vào bàn, dì Bảy Giang nói : “ Theo phong tục mình, con cái phải quì lạy để chúc thọ mẹ cha. Bây giờ, chị Tám được một trăm tuổi, hiếm lắm, quí lắm. Mầy phải lạy má mầy đi rồi ăn uống gì ăn ” Mọi người vỗ tay tán thành. Má cũng cười, nói : “ Ồ phải ! Hồi nẳm, đám cưới của mầy, mầy có đi học lạy với cậu Bảy Dinh, nhưng bên đàng gái miễn lễ chỉ bắt xá thôi, rồi về đây tía mầy cũng miễn luôn. Cho nên tao chưa thấy mầy lạy ra sao hết. Đâu ? Mầy lạy tao coi ! ” Mọi người lại vỗ tay nữa. Con đứng trước mặt má, chấp tay ấp úng: “ Thưa má. Hôm nay là ngày sanh thứ một trăm của má, con xin lạy mừng thọ má ” Rồi con lạy ba lạy, cũng đủ điệu bộ lên gối xuống gối như con đã học lạy cách đây gần năm chục năm. Con lạy mà nước mắt chảy quanh. Con biết rằng lần lạy đầu tiên này có thể là lần lạy cuối cùng, bởi vì qua Tết, con sẽ trở về Pháp với cái lạnh cắt da của mùa đông, rồi sau đó biết có còn về nữa hay không ? Sức khỏe của con càng ngày càng kém, bao nhiêu thứ thuốc uống vô hằng bữa liệu kéo dài sự sống của con được đến bao lâu ? Điều này, con đâu dám cho má biết. Mọi người lại vỗ tay khi con lạy xong. Rồi thì nhập tiệc. Bữa tiệc hôm đó thật là vui. Người vui nhứt là má.
-oOo-
Má ơi ! Bữa nay là ngày sanh thứ 103 của má, ngày đưa ông Táo về Trời. Vậy là ba năm qua rồi, con đã không về thăm má. « Thằng chó đẻ » của má vẫn còn « trôi sông lạc chợ », để cho má cứ phải trông nó về, trông hằng ngày, trông mòn con mắt, trông khô nước mắt !
Má thương con , xin má tha thứ cho con... tha thứ cho con ….

Tiểu Tử

MADE IN VIETNAM

Tiểu Tử

Lẽ ra bữa nay bác sĩ Lê không nhận bịnh nhân vì là ngày nghỉ trong tuần của ông. Nhưng hôm qua, trong điện thoại, nghe giọng cầu khẩn của người bịnh ông không nỡ từ chối. Người đó – ông đoán là một cô gái còn trẻ – nói chuyện với ông bằng tiếng Mỹ. Cô ta hỏi ông nhiều lần :
- Có phải ông là bác sĩ Lee không ?
Tên ông là Lê. Cái tên Việt Nam đó ở xứ Mỹ này người ta viết là " Lee ", nên ông được gọi là " ông Lee " ( Li ).
Ông ôn tồn trả lời nhiều lần :
- Thưa cô, phải. Tôi là bác sĩ Lee đây.
- Phải bác sĩ Lee chuyên về châm cứu và bắt mạch hốt thuốc theo kiểu á đông không?
- Thưa cô phải.
- Có phải phòng mạch của bác sĩ ở đường Green Garden không ?
Bác sĩ Lê, đã ngoài sáu mươi tuổi, tánh rất điềm đạm, vậy mà cũng bắt đầu nghe bực ! Tuy nhiên, ông vẫn ôn tồn :
- Thưa cô phải. Xin cô cho biết cô cần gì ?
Giọng cô gái như reo lên :
- Vậy là đúng rồi ! Con Cathy bị bịnh suyễn nói bác sĩ chữa bịnh hay lắm. Cả nhà nó, kể luôn ba má ông bà nó đều đi bác sĩ hết.
Đến đây thì ông bác sĩ già đó không kềm được nữa, ông xẵng giọng :
- Cám ơn cô. Bây giờ xin dứt khoát cho tôi biết coi cô muốn cái gì ?
Giọng bên kia đầu dây như lắng xuống :
- Tôi xin lỗi bác sĩ. Xin lỗi. Tôi muốn xin bác sĩ cái hẹn cho ngày mai. Tôi bịnh…
- Mai là ngày nghỉ trong tuần, phòng mạch không có mở cửa. Ngày khác vậy.
- Ngày mai cũng là ngày nghỉ của tôi nữa, bác sĩ à.
- Cô đã bịnh thì cứ xin nghỉ để đi bác sĩ, ngày nào lại không được !
Một chút im lặng ở đầu dây bên kia rồi giọng người con gái bỗng nghe thật buồn :
- Họ đâu có cho nghỉ, bác sĩ. Họ nạt vô mặt :" Mầy muốn nghỉ thì mầy nghỉ luôn đi. Thiếu gì đứa muốn vào làm chỗ của mày. Mày biết không ?"
Giọng nói như nghẹn ngang ở đó, rồi tiếp :
- Không có việc làm là chết, bác sĩ à…
Ông bác sĩ già làm thinh, suy nghĩ. Đầu dây bên kia, cô gái van lơn :
- Xin bác sĩ thông cảm. Tôi sợ bịnh nặng hơn, không đi làm nổi nữa là mất việc. Xin bác sĩ thông cảm. Xin thông cảm.
- Ờ thôi, để tôi ráng giúp cô. Sáng mai, chín giờ. Phòng mạch của tôi ở số…
- Cám ơn bác sĩ. Cám ơn ! Con Cathy có chỉ phòng mạch của bác sĩ rồi.
- Xin lỗi. Cô tên gì ?
- Kim. K, I, M.
Bác sĩ Lê vừa ghi vào sổ hẹn vừa nghĩ :" Tội nghiệp ! Chắc lại đi làm lậu nên mới bị người ta hâm he như vậy. Theo cách phát âm thì cô này có vẻ là người á đông. Tên Kim chắc là Đại Hàn. Để mình phải phone lại cô Cathy hỏi cho chắc ý kẻo gặp thứ lưu manh thừa dịp ngày nghỉ không có cô phụ tá, nó 'su' mình thì khổ ! "

Đúng chín giờ, chuông cửa phòng mạch reo. Ông bác sĩ già bước ra mở cửa. Đứng trước mặt ông là một cô gái á đông còn trẻ, ăn mặc theo kiểu " punk " : quần áo có tua có tụi, tóc dựng đứng hỗn loạn như con gà xước, đeo nhiều vòng sên bằng bạc to như dây lòi tói, đầy cổ đầy hai cườm tay, mang cái xắc đỏ cũng có tua có tụi. Bác sĩ Lê, quá đỗi ngạc nhiên, chưa kịp hỏi gì, thì cô gái nói bằng tiếng Mỹ rất lưu loát :
- Chào bác sĩ. Tôi là Kim, bịnh nhân đã gọi điện thoại cho ông hôm qua. Tôi có làm cho bác sĩ chờ không ?
Bác sĩ Lê chưa hết ngạc nhiên, trả lời một cách máy móc :" Không ! Không !". Rồi ông bước tránh qua một bên :" Mời cô !"
Vào phòng mạch, ông đưa cho cô cái áo blouse trắng ngắn tay :
- Cô đến phía sau bình phong bỏ hết quần áo chỉ mặc quần lót thôi, rồi khoác ngược áo blouse này, lưng áo nằm về phía trước.
Trong lúc cô gái loay hoay làm theo lời dặn, ông bác sĩ già gọi phone về nhà, nói bằng tiếng Việt :
- Bịnh nhân của anh tới rồi, đang thay đồ. Chắc một giờ nữa là xong. Em đợi anh về rồi mình đi chợ.
Cô gái bỗng ló đầu ra khỏi bình phong mỉm cười nhìn ông, gương mặt thật rạng rỡ, định nói gì nhưng rồi không nói, thụt đầu vào tiếp tục cởi quần áo.
Một lúc sau cô ta bước ra, mắt ngời lên sung sướng, nói bằng tiếng Việt, giọng như reo lên :
- Bác sĩ là người Việt Nam mà con cứ tưởng là người Tàu ! Tên " Lee " nghe Tàu trân !
- Ủa ! Vậy mà tôi cứ nghĩ cô là người Đại Hàn chớ !
Rồi cả hai cùng cười, cái cười rất sảng khoái. Tình đồng hương trên đất khách bỗng thấy thật ấm, thật đầy…Ông bác sĩ già nhìn cô bịnh nhân trẻ mặc áo blouse trắng đứng trước mặt ông mà không còn thấy cô gái " punk" hồi nãy nữa !
Ông đưa cho cô cái dĩa, rồi vừa chỉ cái giường cao vừa nói :
- Cô cởi hết đồ nữ trang để vào đây, rồi lên nằm trên này để tôi chẩn mạch.
Cô gái làm theo như cái máy.
Phòng mạch được trang trí rất đơn sơ, nhưng thật yên tịnh. Trong không khí có mùi thơm dìu dịu của moxa ( ngải cứu, đốt lên để hơ huyệt ). Cái giường khám bịnh cao ngang tầm tay của bác sĩ. Ở một đầu giường có gắn thêm một vòng bằng da để chịu cái đầu của bịnh nhân, và khi bịnh nhân nằm sấp để châm cứu trên lưng thì mặt người bịnh nằm trọn trong vòng da. Như vậy, người bịnh không cảm thấy khó chịu nhờ khoảng trống ở giữa vòng da giúp người bịnh vẫn thở đều đặn và mắt được nhìn thoải mái xuống sàn nhà.
Bác sĩ đặt hai bàn tay lên cánh tay trần của cô gái, ôn tồn hỏi :
- Cô bịnh làm sao ? Nói tôi nghe.
- Con ngủ không được, đêm nào cũng trằn trọc tới khuya. Hay bị chóng mặt. Đang đứng làm việc, tự nhiên muốn sụm xuống làm sợ toát mồ hôi. Con lo quá, bác sĩ. Mất việc làm chắc con chết quá, bác sĩ !
Ông Lê bóp nhẹ cánh tay bịnh nhân :
- Cô yên tâm. Có tôi đây. Mà…cô có uống rượu không ?
- Không. Dạ thưa không.
- Cô có hút thuốc không ?
- Dạ thưa có. Hút cũng nhiều…
- Cô có xì ke ma túy gì không ? Nói thiệt tôi nghe.
- Mấy thứ đó con không dám rớ. Hồi ở bên nhà thằng anh con chết vì ba cái thứ ôn dịch đó, bác sĩ à. Vì vậy, con sợ lắm !
- Cô le lưỡi tôi coi.
- Ùm. Được rồi. Bây giờ cô nằm yên, để hai tay xuôi theo thân mình, nhắm mắt, thở đều đặn.
Ông bác sĩ già đứng cạnh giường đặt mấy đầu ngón tay lên cườm tay cô gái, chăm chú bắt mạch. Một lúc sau, ông bước vòng qua phía đối diện bắt mạch tay bên kia. Bộ mạch nói lên một sự rối loạn tâm thần. Cô gái này chất chứa quá nhiều ẩn ức nên sanh bịnh. Ông nhìn cô gái đang nhắm mắt thở đều : gương mặt Việt Nam đó, bỏ đi món tóc "punk", vẫn toát ra nét nhu mì dễ thương. Ông cảm thấy tội nghiệp cô bịnh nhân trẻ này và thắc mắc không biết hoàn cảnh nào đã đưa đẩy cô ta trôi qua xứ Mỹ để có một cuộc sống mà ông đoán là thật bấp bênh, qua cuộc nói chuyện trong điện thoại. Ông nói :
- Bây giờ, cô nằm sấp xuống để tôi châm trên lưng.
Cô gái mở choàng mắt nhìn ông, mỉm cười, một nụ cười đầy tin tưởng. Ông bác sĩ nói tiếp :
- Cô đừng sợ. Châm không có đau. Còn nhẹ hơn kiến cắn nữa.
Cô gái trở mình nằm sấp, hai vạt áo blouse rớt xuống hai bên, bày ra cái lưng thon thon với nước da ngà ngà. Theo thói quen, trước khi châm, bác sĩ vuốt lưng bịnh nhân vài lần để bịnh nhân đỡ bị stress. Lần này, khi vuốt xuống thắt lưng, ông để ý thấy dưới làn vải mỏng của quần lót có một vết bầm nằm vắt ngang phía trên của mông. Ngạc nhiên, ông hỏi :
- Cô bị ai đánh hay sao mà bầm vậy ?
Cô gái cười khúc khích :
- Bác sĩ coi đi !
Ông già kéo quần lót xuống một chút, thì ra không phải vết bầm mà là hàng chữ xâm màu chàm : Made In VietNam ! Ông bật cười, vừa kéo lưng quần lót lên vừa nói :
- Cha…Bạo quá há !
Cô gái hơi rút cổ cười khúc khích vài tiếng nữa rồi im. Chắc cô đang sống lại với một vài kỷ niệm nào đó. Ông bác sĩ già áp hai lòng bàn tay lên lưng bịnh nhân, nhưng bây giờ sao ông không còn thấy cười được nữa. Hàng chữ " Made In VietNam" nhắc cho ông rằng con người nằm đây là sản phẩm của quê hương ông, cái quê hương đã mấy chục năm xa cách, cái quê hương mà ở đó ông không còn ai để nhớ, nhưng ông còn quá nhiều thứ để nhớ. Những thứ cũng mang dấu ấn " Made In VietNam ", từ con trâu cái cày, từ mảnh ruộng vườn rau, từ hàng cau rặng dừa, từ con đường đất đỏ đến con rạch nhỏ uốn khúc quanh quanh…Chao ơi ! Bỗng nhiên sao mà nhớ thắc thẻo đến muốn trào nước mắt…
Ông bác sĩ vuốt lưng cô bịnh nhân thật chậm để cho niềm xúc động lắng xuống tan đi. Ông có cảm tưởng như ông đang sờ lại được quê hương, có chỗ cao chỗ thấp, có phù sa đất mịn…Tự nhiên, ông muốn nói lên một tiếng " cám ơn ". Ông muốn cám ơn cô bịnh nhân đã mang quê hương đến với ông bằng hàng chữ nhỏ xâm trên bờ mông, chỉ vỏn vẹn có một hàng chữ nhỏ. Và ông cũng muốn nói với cô, nói một cách thật tình, không văn chương bóng bẩy, nói như ông nói cho chính ông, vỏn vẹn chỉ có một câu thôi :" Tôi cũng made in VietNam đây !". Nhưng rồi ông làm thinh tiếp tục vuốt lưng người bịnh. Ông biết rằng cô gái không thể nào hiểu được ông, một bác sĩ già vừa quá sáu mươi, đã gần nửa tuổi đời lưu vong trên xứ Mỹ, có đầy đủ tiền tài danh vọng mà cũng xâm hàng chữ " Made In VietNam", xâm ở trong lòng…
Bác sĩ im lặng dò huyệt châm kim. Bỗng cô bịnh nhân nói, giọng buồn buồn, làm như cô vừa xem lại hết một đoạn phim đời nào đó :
- Thằng bồ của con xâm cho con để làm kỷ niệm hồi tụi này còn ở Louisiana. Ảnh là thợ xâm…
- Ủa ! Rồi sao bây giờ cô ở đây ?
- Con theo ba má con dọn về Cali, ổng bả nói ở Cali bạn bè nhiều làm ăn dễ.
- Ờ…người Việt mình thích ở miền nam Cali lắm.
Ngừng một chút bác sĩ lại nói, trong lúc hai tay vẫn tiếp tục châm kim :
- Ở Cali khí hậu tốt hơn nhiều tiểu bang khác. Mà…ba má cô làm gì ?
Cô gái làm thinh một lúc mới trả lời, giọng ngang ngang :
- Qua đây rồi ổng bả đá đít nhau. Bả lấy thằng Mễ chủ pressing , còn ổng thì chó dắt ổng ôm được một bà Mỹ goá chồng có tài sản.
- Vậy rồi cô ở với ai ?
- Với ba con. Bà Mỹ cho con đi học college, ba con lái xe đưa rước.
- Vậy mà sao hôm qua, trong phone, cô nói cô đi làm ?
Giọng cô gái như nghẹn lại :
- Khổ lắm bác sĩ.
Cô ngừng một chút để nén xúc động rồi nói tiếp :
- Ba con ỷ có bà Mỹ nuôi, không chịu đi làm. Tối ngày cứ đi nhậu với bạn bè, rồi nay đổi xe, mai đổi xe…Con nói ổng, chẳng những ổng không nghe mà còn chửi con: "Tiên Tổ mày ! Tao đem mày qua đây đặng mày dạy đời tao hả !"
Lại ngừng một chút mới nói được, nói như trút hết ẩn ức còn lại :
- Có lần ổng xáng cho con mấy bạt tay đau điếng…
Rồi nghẹn ngào :
- Lần đó, con bỏ nhà đi hoang…
Nói xong, hít một hơi thật sâu rồi thở hắt ra một cái như vừa làm xong một việc gì thật khó !
Ông bác sĩ im lặng, tiếp tục châm, mà nghe thương hại cô bịnh nhân vô cùng. Cô ta cỡ tuổi con gái út của ông. Con gái út của ông đang học đại học, còn cô này thì đang sống trong hoàn cảnh quá bấp bênh. Cả hai đều Made In VietNam hết !
Châm xong, ông đặt tay lên cánh tay trần của bịnh nhân, vuốt vuốt như vuốt tay một đứa con đang cần được vỗ về an ủi :
- Cô cứ nằm yên như vầy độ mười lăm phút, nghen.
Tiếng " dạ " bỗng nghe như đầy nước mắt.

Sau khi gỡ kim, ông bác sĩ bóp tay bóp chân bịnh nhân một lúc rồi nói :
- Bây giờ thì cô mặc quần áo vào được rồi.
Cô gái ngồi lên nói " cám ơn " mà đôi mắt vẫn còn mọng nước. Cô bước vào sau bình phong, chậm rãi mặc quần áo, làm như cô muốn những xúc cảm hồi nãy có thời gian để thấm sâu vào lòng…
Khi cô bước ra, gương mặt cô đã trở lại rạng rỡ. Cô mỉm cười nhìn ông bác sĩ, rồi, vừa mở cái xắc đỏ vừa hỏi :
- Bao nhiêu vậy, bác sĩ ?
- Không có bao nhiêu. Chừng chữa xong rồi cô hãy trả.
- Bác sĩ cho con trả mỗi lần, chớ đợi hết bịnh, tiền đâu con trả. Cái thứ đi làm lậu như con…
- Cô yên tâm. Rồi mình tính.
Ông bác sĩ đưa dĩa  nữ trang :
- Cô đừng quên mấy thứ này.
Cô gái phì cười, không đeo vào người mà trút hết vào xắc, rồi hỏi :
- Chừng nào con trở lại nữa, bác sĩ ?
- Tuần tới, cũng ngày này giờ này.
Bác sĩ mở tủ thuốc, chọn lấy ra hai chai có dán nhãn sẵn, trao cho bịnh nhân :
- Trên nhãn có ghi liều lượng: mỗi ngày, cô uống sáng trưa chiều, mỗi thứ hai capsule.
Ra đến cửa phòng mạch, ông bác sĩ già cầm bàn tay cô bịnh nhân trong hai bàn tay của ông, lắc nhẹ :
- Bớt hút thuốc đi, nghen ! Từ từ rồi tôi sẽ chữa cho cô vụ ghiền thuốc nữa.
Ngập ngừng một chút rồi ông nói, giọng ôn tồn :
- Tôi muốn nói với cô điều này…
Cô gái chớp chớp mắt chờ. Chắc là lần đầu tiên cô được một ông già cầm tay một cách ân cần như vậy. Bác sĩ nói :
- Mình là người Việt Nam, ăn măỉc theo " punk " không hạp với con người với bản chất của mình chút nào hết. Cô đâu có xấu mà cô làm cho xấu đi, uổng lắm ! Mình phải xứng đáng là Made In VietNam, chớ cô.
Cô gái nhìn vào mắt ông bác sĩ, không nói gì hết, chỉ siết tay ông già một cái thật mạnh, rồi bước ra xe, một chiếc xe hơi cũ mèm phải đề tới bốn lần mới nổ máy !

*      *      *

Ông bác sĩ Lê ngồi uống cà phê với tôi ở khu Phước Lộc Thọ ( Orange County – Nam Cali ). Ông ktiếp :
- Anh biết không, lần sau cô Kim đến phòng mạch, ăn mặc chải gỡ rất dễ thương. Chẳng có chút gì " punk " hết ! Lần khám bịnh đó, tôi có hỏi cổ sao không về sống với thằng bồ ở Louisiane có phải hơn là sống cù cù bất ở Cali. Cổ nói như mếu :" Ảnh có vợ rồi ". Tôi biết : như vậy là cổ kẹt thiệt. Tôi đem chuyện này kể cho vợ tôi nghe. Bả cảm động lắm nên đề nghị giúp tiền cho cổ học một cái nghề gì đó, uốn tóc, làm nail chẳng hạn, để có công ăn việc làm  vững chắc hơn là đi làm lậu tầm bậy tầm bạ.
Tôi nói chen vào :
- Chắc gì cổ chịu. Nghe anh kể, tôi đoán chị này cũng tự ái lắm.
- Anh nói đúng. Cổ từ chối hoài. Sau nhờ vợ tôi mời cổ về nhà khuyên nhủ, coi như là trong thân tình, cổ mới chịu. Hôm đó, cổ ôm vợ tôi vừa khóc vừa nói :" Con cám ơn ông bà. Cám ơn ông bà ".
- Sau đó cổ có đi học thiệt không ?
- Có. Học làm nail. Học giỏi nữa là khác.
- Cổ bây giờ ra sao rồi ?
- Mới đầu làm thợ, làm công cho người ta. Bây giờ vừa làm thợ vừa làm chủ. Khá lắm !
- Mừng cho cổ, há !
- Cổ xách đồ nghề tới làm nail cho vợ tôi, con út và hai con dâu tôi thường lắm. Làm không lấy tiền. Cổ cứ nói với mấy con tôi :" Tôi chịu ơn ông bà bác sĩ biết đời nào mới trả cho hết, mấy cô biết không ? Tôi không dám nói ra, chớ mỗi lần tôi cầm bàn tay của bà bác sĩ để làm nail, tôi vẫn nghĩ không có bàn tay này thì làm gì tôi thoát ra khỏi hoàn cảnh của tôi hồi đó để có những gì tôi có hôm nay…"
- Dễ thương quá !
- Noel, ngày Tết…cổ đều mang quà đến tặng vợ chồng tôi.
- Con người ở có tình có nghĩa quá, anh há !
- Đã hết đâu ! Cổ còn nhớ đến ngày giỗ của ba má tôi nữa. Mấy ngày đó tụi con tôi có đứa quên chớ cô ta không bao giờ cô ta quên. Ngày đó, cô đem đồ tới cúng và ở lại phụ vợ tôi nấu nướng dọn giẹp nữa. Cho nên vợ tôi quí cô ta lắm !
Nói xong, bác sĩ Lê vỗ vai tôi, cười :
- Anh thấy không ? Cô ta mới đúng là " Made In VietNam " đó ! Còn nguyên chất, hè !
Ông Lê vui vẻ cầm tách cà phê vừa nhâm nhi vừa nhìn quanh. Người Việt Nam đi đầy trong thương xá. Cung cách có hơi khác nhưng nói năng thì y hệt như ở bên nhà. Một vài tiếng chửi thề rớt rơi đâu đó, nghe rất tự nhiên. Bỗng ông quay sang hỏi tôi mà nghe như ổng tự hỏi ổng :
- Không biết ở xứ Mỹ này, đồng hương lưu vong, có ai lâu lâu nhớ lại rằng mình "Made In VietNam ", không ?
- Có chớ anh ! Nhưng cũng có người chẳng những không nhớ mà còn tự đóng cho mình con dấu " Made In USA " nữa, anh à. Thứ đó bây giờ thấy cũng nhiều !
Tôi đưa tách lên môi uống ngụm cà phê cuối cùng, bỗng nghe cà phê sao mà thật đắng…

Tiểu Tử