Kỳ Nam - Xốc cờ
Vừa ngay sau 1975, trên thềm một ga xe lửa, trong những người lính miền nam sống sót trở về, có anh trút ba lô ra, dưới đáy là lá cờ vàng nhạt màu với ba vằn đỏ. Anh nói đùa: - Cứ giữ làm kỷ niệm, biết đâu có lúc lại dùng, y như đánh bài 52 lá thôi, xốc một hồi, biết đâu lá cuối lại có cơ trồi lên mặt.
Mấy ngày gần đây, qua thông tin trong nước, được biết một nghệ sĩ muốn chuyển thể cải lương tập thơ “Nhật Ký Trong Tù” thành Trường Ca Hồ Chí Minh.
Bỗng dưng chúng tôi nhớ lại người lính thất trận năm nào và khái niệm “xốc cờ”.
Trong giới sân khấu thường gọi nghệ sĩ đó bằng biệt danh Chị Ba, có lẽ những ghi ghép này cũng kêu nhân vật chính bằng hai chữ đó cho tiện.
Theo bài phỏng vấn trên, Chị Ba cho biết đang cố làm kịp để chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.
Mừng cái Đại Lễ đó, khá nhiều người mừng với nhiều mục đích khác nhau, ngoài những thành tâm yêu Hà Nội thật sự, không hiếm những người mừng Đại Lễ này vì danh, vì tiền.
Trường hợp của Chị Ba là một ẩn số, chúng tôi không muốn gán ghép tùy tiện, nhưng đoán gì thì đoán, bản thân cuộc đời Chị Ba đã gắn với một sự kiện khó ai quên được đó là hình ảnh của Chị Ba đã từng được chưng trong khu nhà được gắn tên Bảo tàng Tội Ác Mỹ-Ngụy (sau này đổi là Bảo tàng Chứng Tích Chiến Tranh). Ở tuổi đang xuân, Chị Ba ra tiền đồn hát cho lính Cộng Hòa nghe, hưng phấn sao đó chị đã làm một việc không ai ép buộc, mà có thể nói trước và sau Chị Ba không ai dám làm là tự chụp cái nón sắt mang lên đầu có dòng chữ yêu cầu hãy dội bom xuống vùng Bắc Việt.
Vào những năm 2000, Chị Ba sang Mỹ biểu diễn cho cộng đồng xem ở những khu casino giải trí, bị nhiều người chống đối, có bầu show lỗ đến độ phải bán nhà. Chị Ba bước lên sân khấu trong giai đọan đó bao giờ cũng chắp tay quỳ lạy khán giả như cám ơn đã cho Chị Ba được diễn. Chiếc nón có chữ “Bomb Bac Viet!” của Chị Ba được mang ra kể lại như một thành tích. Cộng đồng chống cộng nghe Chị Ba than: “Ngày 30 tháng 4, các anh chạy nhanh quá, BT theo không kịp, trận mưa bom ngày nào BT đòi thả trên đất Bắc đã dội xuống đời BT, BT lãnh đủ mọi hậu quả trù dập sau đó, bị cấm hát một thời gian”. Nghe thương như vậy, ai còn nỡ chống.
Suốt những năm sau, Chị Ba đi qua đi lại tung hoành hai bên, “xốc cờ” với tốc độ chóng mặt với thoắt vàng, thoắt đỏ. Chị Ba không biết những câu nói tưởng là vu vơ của Chị Ba để được lòng cả hai phía đều còn được ghi nhớ trong lòng những người khán giả vô danh. Với người trẻ tiếp xúc vì mê nghệ thuật dân tộc, Chị Ba cho nghe những ý tưởng báng bổ về cái xác nằm ở Ba Đình của du học sinh; với những nhạc công muốn về quê nhà cống hiến cuối đời, Chị Ba can sao dại vậy, đang ở xứ tự do, bao người thèm đi không được, nay sao lại chui đầu vào rọ; với những đồng nghiệp, Chị Ba chê họ thiếu lòng tự trọng khi không thuộc tuồng và hát nhép trong khi bản thân mình, tuổi lớn, hơi hụt, vẫn muốn duy trì danh tiếng ngày xưa, Chị Ba gian lận thường phải cầu viện máy hát thay mình. Nhiều khán giả Việt kiều về nước, cố tìm xem Chị Ba hát Tết lấy hên đầu năm, phải bỏ về nửa chừng vì Chị Ba cẩu thả buông tay cầm micro xuống trong lúc máy phát ra tiếng Chị Ba vẫn lồng lộng trên cao. Chiếu theo luật pháp trong nước hiện hành, hát kiểu đó bị coi là phạm pháp. Nhưng ai khác kia mới bị, Chị Ba thoải mái nhép miệng, cho băng phát lời thâu sẵn, vẫn không ai dám đụng tới Chị Ba.
Có lẽ một phần, Chị Ba đã là một biểu tượng văn hóa của một thời trước 1975 qua danh xưng Cải Lương Chi Bảo. Tài liệu về Sài Gòn trước 1975 có mặt Chị Ba chưng to gần với Hùng Cường.
Chính cái kiểu chưng hai tấm Chị Ba và Hùng Cường to gấp mấy người thật trong hai bộ đồ sexy trước rạp Quốc Thanh mà sau này nhà hát Cải Lương Trần Hữu Trang cũng cho chưng hai tấm hình Chị Ba và Ngọc Giàu trong trang phục Thái Hậu Dương Vân Nga như vậy để dễ bề bán vé.
Người tình họ Hoàng-Đức, VIP của VNCH không biết trôi giạt nơi đâu nhưng người tình “Hai mươi bốn giờ phép” của Chị Ba vẫn còn đây.
Sau 1975, với khách tới lui nhà chị toàn tướng tá công an và trí thức các lọai. Chính quyền mới cũng trân trọng Chị Ba lắm khi phong cho Chị Ba 4 chữ Nghệ Sĩ Ưu Tú và thường rước Chị Ba vào các ban giám khảo. Chuyện học hành của Chị Ba, nhiều sinh viên than phiền trong lúc họ làm luận án tốt nghiệp trầy trật, Chị Ba tuy chưa xong trung học trước 75, ì ạch té qua những đợt khảo hạch Anh Văn vẫn hiên ngang được mấy giáo sư đến tận nhà dạy và nhắm mắt làm ngơ lướt qua cho Chị Ba báo cáo tốt nghiệp. Có lần báo Tuổi Trẻ Cười kể chuyện vui có thật về Snow White và 7 chú lùn giáo sư bạc đầu đã cung kính đi thăm học trò Chị Ba trong ngày nhà giáo (thay vì trò phải đến thăm thầy), sau đó báo cũng được vỗ vai khuyên không nên đụng tới Chị Ba. Riêng Ban Việt ngữ của đài BBC, sau những thắc mắc của thính giả về cái bằng PhD của Chị Ba, dù đã có đủ hồ sơ về cái bằng này đã có được như thế nào, Chị Ba đã có mặt mấy ngày, dự lớp mấy giờ ở Viện Hòang Gia Kịch Nghệ trên đất Anh, vẫn chưa công bố sự thật này vì lý do nào thì thính giả chưa rõ lắm.
Giờ thì sau khi xuất hiện với tần suất dày đặc trước những lúc cần kinh doanh mình trên các phương tiện truyền thông trong ngoài nước (Cộng lẫn chống Cộng), lúc tuyên bố chuyển Chinh Phụ Ngâm, Cung Oán, lúc được vinh danh như một kỷ lục gia chuyển kinh Phật, lấy danh nghĩa đi du lịch rồi đi hát có trên mấy mươi xuất ở các quán ăn, hí trường sòng bài mà các poster chưng hình còn đó, lấy cớ đem tiền về VN làm từ thiện để không đóng thuế cho Mỹ, đã có trong tay đất, nhà và mấy kiểng chùa trên hai đất Mỹ, Việt; chuyển sang giai đọan kinh tế khó khăn, các bầu show không săn đón những danh tiếng trước đây nay hết hơi phải dùng máy hát nhép nữa, Chị Ba lại cố xốc thêm một lần cờ nữa, để thất vọng thêm bao người từng yêu mến Chị Ba tài sắc một thời, lòng thiện giúp đời ít nhiều cũng có nhưng phải chăng vì coi cái ngã của mình lớn quá, mà hiện tại giống một nhân vật trong chuyện Kim Dung là Âu Dương Phong, phải đi chỏng ngược, đầu lộn dưới chân, nhiều khi nói mà cũng không hiểu mình nói gì, tác hại ra sao với chung quanh và cả chính mình.
Cũng là một trong những siêu sao vướng bệnh quên, từng đóng Kiều rồi, xin chị nhớ giùm câu:
Mai sau dù đến thế nào
Kìa gương nhật nguyệt, nọ đao quỷ thần.
Xưa không ai ép chị đội chiếc nón ấy, giờ cũng đừng nên đổ thừa có tham khảo các VIP đương thời. Nhắc chị thêm một chuyện nữa thôi, gần bẩy bó rồi, có xốc nhiều nước cờ xin chớ quên, cờ nào cũng có ít nhiều vết đỏ, đó là máu của dân lành vô danh vô tội sau các cuộc can qua, dội bom, thảm sát, bị hiếp đáp thác oan, hãy uốn lưỡi, uốn tay nhiều lần trước khi nói, viết và trước khi tự chụp các lọai nón lên đầu.
KỲ NAM