Xe
hơi bay không còn là một cảnh trong phim khoa học viễn tưởng, mà sắp
bay lên trời và chạy trên đường với hai mẫu Transition và TF-X, do Công
ty Terrafugia tại Boston, Mỹ sản xuất.
Cùng
những háo hức ban đầu là những băn khoăn của người sử dụng: liệu có cần
bằng lái phi công cho người sử dụng xe hơi bay không? Và làm thế nào để
tài xế điều khiển xe cất – hạ cánh an toàn mà không gây ra sự va chạm
hay rơi nổ nào?…
Trong bài viết trên CNN, Carl Dietrich, Giám đốc – đồng sáng lập Công ty Terrafugia đã chia sẻ về những điều này.
Mẫu xe hơi bay đầu tiên
Ước
mơ thực hiện chiếc xe hơi bay đã được Terrafugia ấp ủ từ năm 2006. Thử
nghiệm đầu tiên của Công ty là mẫu xe Transition. Ở mẫu xe này,
Terrafugia hướng đến việc thu nhỏ mô hình máy bay thành một phương tiện
di chuyển trên đường bộ.
Terrafugia
công bố trên website mình, chiếc Transition được thiết kế với động cơ
hybrid, có hai chỗ ngồi và hai cánh hỗ trợ bay. Khi đáp xuống đất, hai
cánh sẽ được xếp lại để xe có thể di chuyển trên đường và đậu tại các
garage trong nhà.
Với
tốc độ 110km/g, Transition chạy tốt nhất trên đường cao tốc và có thể
cất – hạ cánh ở 5.000 sân bay tại Mỹ. Để điều khiển Transition, người sử
dụng buộc phải có bằng lái phi công hạng thể thao do Chính phủ Mỹ cấp
với tối thiểu 20 giờ bay an toàn.
Công ty Terrafugia cho biết, chiếc xe hơi bay đầu tiên mang tên Transition dự kiến sẽ được sản xuất cuối tháng 5/2014. Hiện đã có 100 đơn đặt hàng cho chiếc xe này. Công ty đang cố gắng để đưa lô xe đầu tiên đến tay khách hàng vào quý II/2016 với giá khoảng 279.000USD.
Xe hơi bay không người lái
Cùng lúc với việc sản xuất Transition, Terrafugia đang thể nghiệm để cho ra mẫu xe hơi bay thứ hai mang tên TF-X.
Với
nền tảng tương tự Transition, TF-X rút ngắn thời gian làm quen của
người sử dụng xuống chỉ còn 5 giờ và không cần bằng lái phi công do xe
tự động điều khiển thông qua một máy chủ chính. Điều này giúp mở rộng
phân khúc khách hàng của Terrafugia trên thị trường.
Theo
Dietrich, chiếc TF-X được nâng cấp với chức năng định hướng tự động.
Theo đó, thiết bị điều khiển xe được cài đặt đến hệ thống dữ liệu tự
động giúp người sử dụng lập kế hoạch về lộ trình bay.
Sau
đó, hệ thống điều khiển tổng sẽ giúp TF-X di chuyển trong không phận
cho phép của quốc gia và tránh những phương tiện đang bay khác trên
không trung. Bộ phận điều khiển của TF-X cũng được thiết kế với khả năng
phán đoán tình huống khi nào thì an toàn để cất – hạ cánh hoặc chuyển
độ cao tốt nhất.
Nhiệm
vụ còn lại của người mua là học cách làm quen với thiết bị điều khiển
và các cách ứng phó khi xe gặp phải các tình huống khẩn cấp, nguy hiểm.
Không
giống như Transition phải cần đến một đường bay riêng để cất cánh, TF-X
được nghiên cứu để có thể hoạt động tương tự như một chiếc trực thăng.
Song, Dietrich khẳng định không có chuyện một chiếc xe hơi chạy giữa phố
sá đông đúc có thể đột nhiên cất cánh, điều đó chỉ có trong khoa học
viễn tưởng.
Lý
do là để bất kỳ thiết bị nào bay được lên không trung cũng cần một lực
khí đẩy rất mạnh xuống nền đất, luồng khí này gây ra nguy hiểm cho các
vật xung quanh. Do đó, để TF-X cất – hạ cánh an toàn cần đến một khoảng
không cỡ một sân tennis, không có đèn hiệu, biển báo giao thông và đường
dây điện.
Vậy
thì khi nào con người sẽ chạm tay vào chiếc TF-X đầu tiên? Câu trả lời
từ phía đại diện Terrafugia là “khoảng 8 đến 12 năm nữa”.
Dietrich
thừa nhận, ngay cả khi Terrafugia có đủ nguồn lực để phát triển TF-X,
tiến độ thực hiện của dự án phụ thuộc rất lớn vào sự phát triển công
nghệ cũng như sự thay đổi về các chính sách đối với thiết bị bay dân
dụng hiện thời, như việc cấp giấy phép điều khiển cho xe hơi bay, sử
dụng đường bay quốc nội tại các quốc gia.
Dietrich
hy vọng Terrafugia sẽ là đơn vị tiên phong tạo đà cho sự xuất hiện và
phát triển của các ngành dịch vụ phụ trợ cho xe hơi bay như động cơ
điện, pin năng lượng…
CNN