25/06/2009 09:41 (GMT + 7)
(TuanVietNam) - Rừng vàng, biển bạc, mỏ dầu lộ thiên hay khoáng sản quí hiếm, đáng lẽ quốc gia phải mạnh và giàu có. Thật đáng tiếc, có những quốc gia giàu tài nguyên thì việc chính khách “cầm nhầm” của công cũng dễ xảy ra.
Mời đọc bài cùng mạch chủ đề:
Bài thuốc giảm cơn “hăng hái đầu tư” sai chỗ
Minh bạch trong khai thác tài nguyên: Ba trường hợp cụ thể
Minh bạch chính sách tại các quốc gia phụ thuộc tài nguyên
Minh bạch ngân sách và “lời nguyền tài nguyên”
Nói về tham nhũng đã có những ý kiến như của giáo sư Trần Hữu Dũng. Ông phân tích quan hệ giữa tham nhũng và tăng trưởng kinh tế, chú trọng đặc biệt đến trường hợp các quốc gia cần phát triển và đang chuyển đổi như Việt Nam. Giáo sư cũng đưa ra một số biện pháp trên ba bình diện: giảm động lực, giảm cơ hội và giảm lợi lộc của tham nhũng. Nghiên cứu đó, viết cách đây 10 năm (tháng 4/1999), hiện còn nguyên giá trị.
Không hiểu thời đó mức độ tham nhũng của Việt Nam thế nào. Nhưng hôm nay, đôi lúc ra đường lại thấy điều trái tai gai mắt như chuyện rất đời thường.
Quốc nạn
Có những cảnh hối lộ và tham nhũng trắng trợn được "chấp nhận". (Ảnh minh họa: usaid.gov)Người bạn kể rằng, một lần lái xe không để ý nên bị bắn tốc độ trên quốc lộ 1. Vị cảnh sát “bắn” đứng cách xa trạm phạt hàng cây số. Biết ai phạm luật liền bộ đàm cho người phía trước biết số xe. Hệ thống ghi lại chi tiết nên không thể chối cãi, bắt xe phạm luật khá chính xác. Chỉ có điều, cách xử lý vi phạm không như đạo đức cần có của người mang sắc phục.
Cánh lái xe dừng lại, mang theo bằng lái, không quên kèm vào đó 100.000 hoặc 200.000đ. Gần như 100% là thoát, không bị giữ bằng lái hay bấm lỗ. Đương nhiên, vượt quá 20-30km so với qui định có thể bị lập biên bản để…báo cáo.
Đó là cảnh hối lộ và tham nhũng trắng trợn mà cả nước chấp nhận. Đôi khi, vị mang sắc phục còn nói “lần sau nhớ nhìn biển báo” khi nhét tiền vào túi.
Vụ vài trăm nghìn trên quốc lộ chỉ là hạt bụi so với những nghi vấn trong PCI, PMU18…
Một vị khách quốc tế đã nói với cán bộ ta, cần đương đầu với “quốc nạn” này, nếu không, đất nước không thể phát triển. Không hiểu lỡ lời hay trong thâm tâm không vừa lòng với cách xoi mói, người nhà mình độp lại, tham nhũng, hối lộ xảy ra khắp thế giới, không riêng gì Việt Nam.
Nói thế không sai. Hồi tháng 12 năm ngoái, Thống đốc bang Illinois, do rao “bán ghế” Thượng nghị sỹ do Tổng thống Obama để lại, đã bị FBI ghi âm và bắt giam, làm chấn động nước Mỹ. Nhưng với nhiều nước, chuyện mua bán chức quyền xảy ra như cơm bữa.
Xem bản đồ tham nhũng trên thế giới năm 2008 của Transparency International (TI - Minh bạch Quốc tế), điểm cao nhất (trong sạch nhất) là 10 và kém nhất là 0. Đan Mạch đứng đầu thế giới về ít tham nhũng với 9.3 điểm. Việt Nam xếp 121 với 2.7 điểm gần với báo động đỏ. Xếp cuối bảng là Somalia (188) với 1.0 điểm, trên chút nữa là Iraq và Myanmar với 1.3 điểm.
Thứ hạng của Việt Nam cũng đủ nói lên sự lỡ lời của quan chức nọ là có lý do. Chỉ có điều, các nước làm điều xấu, chả lẽ Việt Nam cũng nên bắt chước. Không thể nói rằng thấy người ăn cắp thì mình làm theo.
Tài nguyên thiên nhiên
Rừng vàng, biển bạc, mỏ dầu lộ thiên hay khoáng sản quí hiếm, đáng lẽ quốc gia phải mạnh và giầu có. Thật đáng tiếc, giàu tài nguyên thì việc chính khách “cầm nhầm” của công dễ xảy ra.
Nigeria là nước nổi tiếng về dầu mỏ nhưng cũng là một trong những quốc gia tham nhũng nhất thế giới. Hàng tỷ đô la do xuất khẩu dầu hỏa bị biến mất khỏi ngân sách Angola hàng năm, chuyển vào những tài khoản bí mật. Năm 2002, một vị bộ trưởng Kenya đã chiếm dụng 1000 hecta đất công làm nơi chôn cất cho người mẹ.
Báo Địa cầu Boston (11-2005) viết về tầu chở dầu với 950,677 thùng từ Vịnh Guinea sang Mỹ với giá mua là 53 triệu đô la. Người bán được ghi dưới tên Africa Oil & Gas. Chính phủ Congo nhận 48.8 triệu đô la, phần còn lại được trả cho người bán. Nếu tiền 4.2 triệu được trả cho công ty, có lẽ cũng là chuyện bình thường. Đáng tiếc, số tiền đó đã được chuyển cho một vị đứng đầu ngành dầu hỏa Congo tên là Denis A. M. Gokana, cố vấn đặc biệt của tổng thống.
Tài nguyên luôn là đích ngắm của những kẻ có quyền với lòng tham không đáy. Nó được thúc đẩy bởi những nhà đầu tư nước ngoài, đặt lợi nhuận lên trên tất cả. Những tội ác môi trường gây ra với rừng nguyên sinh, những miền đất văn hóa giầu có bị xóa sổ bởi những cái bắt tay ngầm, những luật lệ chồng chéo, mà mục đích cuối cùng là money talk – tiền nong giải quyết mọi việc.
Để ngăn chặn tình trạng tham nhũng như hiện nay thì trước tiên là việc phải xử lý thật nghiêm minh theo đúng tinh thần Pháp lệnh Chống tham nhũng được Nhà nước. (Ảnh minh họa: squidoo.com)
Nền móng chính trị
Có thể nói, nền móng chính trị và nạn tham nhũng liên quan tới nhau. Thống kê năm 2008 của TI, 90% trong số 60 quốc gia ít tham nhũng nhất có chế độ dân chủ. Ngược lại, trong số 60 quốc gia đứng cuối sổ do tham nhũng tràn lan, có tới 60% thuộc về nhà nước có chế độ chuyên quyền. 30% trong số đó có chế độ độc tài. Quốc gia độc tài thì dân lầm than trong khi quan lại phè phỡn. Có quyền lực và được ngồi xổm lên pháp luật, không tham nhũng mới lạ.
“Quốc nạn” đó làm hại dân thường. Báo cáo 2009 của TI, qua phỏng vấn 73 ngàn người tại 69 quốc gia, cho thấy rằng cứ 10 người thì có một ai đó đã phải hối lộ, 4/10 đã phải dùng tới 10% thu nhập gia đình cho việc đó.
Theo Ngân hàng Thế giới thì hàng năm có đến 1.6 ngàn tỷ đô la “thu nhập” do các hoạt động ngầm, tham nhũng, trốn thuế, một nửa trong số đó từ các nước nghèo. Tổ chức chống nghèo đói và vì phát triển (CCFD) đánh giá, các lãnh đạo độc tài đã chiếm từ 100 đến 180 tỷ đô la làm của riêng trong vài thập kỷ qua. Tổng thống độc tài Mobutu Seko được cho là đã chiếm dụng tài sản lớn bằng GDP của Cộng hòa Dân chủ Congo.
Người dân Đan mạch, New Zeland hay Phần lan có chính phủ trong sạch, coi chuyện ăn cắp trong giới công quyền là không thể chấp nhận được. Vì thế họ giầu có và hạnh phúc hơn.
Tin vui và tin xấu
Nền móng chính trị và nạn tham nhũng liên quan tới nhau. (Ảnh minh họa: eyeonspain.com)Trên thế giới đã có những động thái nhằm chống tham nhũng ở tầm toàn cầu. Tháng 9-2007, Liên Hiệp Quốc, hợp tác với Ngân hàng Thế giới, đưa ra kế hoạch làm thế nào khôi phục lại những tài sản do tham nhũng như tài khoản bí mật, cổ phiếu, trái phiếu, nhà cửa, xe hơi và cả các công ty sở hữu để trả lại cho những quốc gia bị quan chức ăn trộm. Thế giới số internet và xu hướng minh bạch trên thế giới làm cho mọi giao dịch “ngầm” trở nên “nổi”.
Ngày 12-2-2009, Bộ Tư pháp Thụy Sỹ ra lệnh cho ngân hàng nước này trả 6 triệu đô la cho Haiti, tiền tham nhũng của Tổng thống Duvalier bị lật đổ gần 40 năm trước. Đó là tín hiệu vui cho cuộc chiến chống tham nhũng và tin xấu cho những kẻ ăn cắp. Tuy vậy, lấy lại tiền đã mất sau 4 thập kỷ thì cái giá của dân tộc đó phải trả quá lớn, đó là tụt hậu và nghèo đói.
Khi thành trì bí mật ngân hàng bị phá vỡ bởi những lệnh khám xét quốc tế, khó có kẻ tham nào thoát tội.
Liều thuốc đắng
Năm 2008, Australia đứng thứ 9 với số 8.7 điểm trong xếp hạng, tham nhũng ít nhất. Nhưng 100 năm trước đây, chính phủ nước này từng tham lam thuộc loại nhất nhì thế giới. Như vậy, đất nước càng phát triển, càng ít tham nhũng.
Có thể, các quốc gia đang phát triển cần ít thời gian hơn. Dẫu vậy, không minh bạch, thiếu pháp luật răn đe và nền báo chí không làm đúng vai trò phản biện xã hội, khó đảm bảo rằng, sau một thế kỷ nữa, hết cảnh người mặc sắc phục kiếm tiền của lái xe.
Xin trích lời Cố vấn Võ Văn Kiệt (Kiến Thức Ngày Nay, số 291) cách đây 10 năm do Giáo sư Trần Hữu Dũng ghi lại, coi như lời kết và là liều thuốc đắng chữa trị “quốc nạn”, căn bệnh “ung thư truyền nhiễm” này.
“Điều làm chúng tôi day dứt nhất là một Đảng cầm quyền mà tham nhũng lại nằm trong bộ máy Nhà nước. […] Trước hết phải xác định Nhà nước ta phải là một nhà nước pháp quyền, ai ai cũng phải tuân thủ luật pháp. Người ở cương vị càng cao thì càng phải tuân thủ phép nước. Tham nhũng không chỉ là chuyện vi phạm luật pháp mà còn là vấn đề đạo đức, phẩm chất của người cán bộ.
Chính vì vậy, theo tôi, để ngăn chặn tình trạng tham nhũng như hiện nay thì trước tiên là việc phải xử lý thật nghiêm minh theo đúng tinh thần Pháp lệnh chống tham nhũng được Nhà nước ban hành hồi đầu năm (1999- LTS). Thứ hai là phải đẩy mạnh công việc cải tổ hành chính tránh tình trạng nhiều cửa nhiều ngành lâu nay gây phiền hà cho người dân, và thứ ba là sửa đổi ngay một số văn bản luật pháp không còn phù hợp.
Để hạn chế tham nhũng đe dọa đến sự tồn vong của quốc gia, cần minh bạch, công khai hóa các dự án đầu tư sử dụng các vùng tài nguyên quan trọng, các vùng tài nguyên ở vào những vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng … để người dân có tiếng nói trong việc phân bổ sử dụng nguồn lực quan trọng này cũng như các chính sách về kinh tế ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước, của doanh nghiệp cần công khai trước nhân dân.
Để góp phần hạn chế tình trạng tham nhũng, chúng ta còn cần phải làm sao cho đồng lương của công nhân viên chức có thể đảm bảo cho nhu cầu cuộc sống của gia đình. Muốn vậy, phải ra sức sắp xếp bộ máy hành chính tinh gọn, tránh những việc chi tiêu lãng phí, nhằm tạo điều kiện để cải thiện mức sống của đội ngũ cán bộ, viên chức”.
Hiệu Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét