Sổ tay đi đường (2)
Mường tượng ở
đó có đôi ba em bé đang chơi chọi lon trên khoảng sân còn lún phún lúa rày, một
bà già ngồi trở mớ chuối ép phơi vừa héo mặt. Vài người đàn ông đốt rơm nướng
trui cá lóc cạnh mé kinh. Vườn rất xanh, lúp xúp cỏ chân vườn bên hàng rào thấp.
Nhưng biết đâu, ở đó chỉ có một xóm nhỏ bỏ hoang vì đất đai khô hạn, và người
đàn bà điên dại vẩn vơ nhai tóc bên bụi trâm bầu.
Nỗi tò mò ngọ
nguậy mỗi khi tụi mình đi ngang qua mấy con đường mòn nhỏ chạy mút tì tè về đâu
đó. Gầy gò gối đầu vào đường cái, không mời gọi, cũng không có vẻ gì trốn tránh,
lộ xóm có thể trải đá xô bồ hay kê bằng tấm bê tông vừa vặn cho một xe máy, hoặc
chỉ là đường đất dưới những tàng cây. Đường thẳng băng nhỏ dần như sợi chỉ ở cuối
tầm mắt, hay nhiều khúc quanh cùi chỏ. Đường vắng tanh hay có một bầy trẻ con vừa
tan học chấp chới khăn quàng. Quang cảnh chỗ vầy chỗ khác, nhưng những ngã đường
quê có một điểm giống hệt nhau là không đưa ra lời hứa hẹn chắc chắn nào. Nếu quốc
lộ, tỉnh lộ hay những con đường liên huyện đầy ổ voi ổ chó thường xởi lởi với
khách bộ hành bằng bảng chỉ hướng đi, cột cây số “Trảng Gió – 53km”, “Mỹ Lạc –
36km”, thì ngõ xóm nẻo quê mù mịt. Không đi, sẽ chẳng thể biết chính xác những
gì đang chờ đợi tụi mình. Dùng chữ ‘chờ đợi” có khi sai, mọi thứ mà con đường
mòn mang theo cùng, chúng vẫn thanh thản tồn tại dưới vòm trời, không quan tâm
tụi mình có ngang qua hay không.
Khi những điểm
đến gây thất vọng với ngôi chùa ngập trong tiền lẻ và hàng quán bán thịt thú rừng,
bãi biển đầy rác, núi non trơ trụi không có bóng cây, tụi mình dành nhiều thời
gian hơn cho dọc đường, cho con lộ quê chẳng bao giờ thề thốt kiểu ta đây mang
“nét đẹp tiềm ẩn” hay “vẻ đẹp bất tận”.
Có khi phẩy
tay, ờ thì chắc cũng như mấy ngã xóm mình đã từng đi cho biết, cũng vườn ruộng
nằm chèo queo dưới nắng trưa, cũng cây cầu ván tạm bợ bắc qua mương rạch, cũng
những bóng người ẩn nhẩn ngồi hoặc đứng trước nhà. Những người mà lần nào ngang
qua tụi mình cũng thương họ đã sống một đời buồn tẻ (trong lúc đó họ thì nghĩ
“con nhà ai mà giữa trưa chạy khơi phơi nắng, tội nghiệp chưa”). Nhưng tụi mình
biết rằng đường xóm này không bao giờ y hệt đường xóm khác, chưa đi hết thì
chưa thể nói ta đã biết rồi. Có thể con đường lên đến giữa đồng thì cụt, nhưng
biết đâu nó tắt đến một cái chợ ngã ba sông, nơi mà chút nữa đây tụi mình sẽ đến
bằng đường vòng.
Những làng mạc
ôm đường mòn nhỏ trong lòng, bằng cách nào đó chúng không bao giờ lặp lại. Mấy
quán nước cất bên chân cầu tưởng hao hao nhưng những người đàn bà ở đó trải
lòng những câu chuyện khác. Chị Út ở Ba Xuyên mới đi tù về, tội chém em chồng
vì giành đất, giờ chị cất cái quán để ngày ngày nhìn con mình đi học ngang qua.
“Đám nhỏ nói tụi con ghê má quá”, chị kể, giọng bình thản, mắt không váng một chút nước nào, chúng khô rồi hay đã lặn
sâu. Chị chủ quán Mỹ Hòa thì đang nấu nồi cháo gà lúc tụi mình ghé qua uống ly
chanh đá, “ông chồng cũ chiều nay đưa vợ ổng về thăm, dù gì thì cũng đãi đằng cho
tử tế”. Đôi lúc dừng lại hỏi đường lại mở ra nhiều thân phận “Ờ cứ đi ngã này
là ra tới bờ sông Cái, đừng có ghé uống nước nghen, xóm đó toàn dân cùi hủi”.
Một ngã đường
hiu hắt chẳng báo tin sẽ ngang qua một đám cúng đình. Xóm vắng vì bà con đã kéo
lại đằng đình nấu nướng, nhậu nhẹt và ca hát, làm nên một lễ hội thật sự. Hôm
đi đường đất Châu Thành thì có cơn mưa bất ngờ, vài người dân tốt bụng bấm chân
lội bùn lầy hơn cây số gánh chiếc xe ra lộ xi măng. Bữa xuyên đồng Xuân Hiệp,
giữa chừng gặp đàn trâu hàng trăm con đủng đỉnh lội qua kinh. Những bất ngờ khó
đỡ dọc đường làm câu hỏi “có gì lạ phía đường mòn kia ?” không bao giờ nguội.
Biết không
bao giờ đi hết những ngõ xóm đường quê chằng chịt trên đất nước này, tụi mình mở
ra miền tưởng. Một bữa nào đó gió Nam thông ngọn, lần theo tiếng trống nửa xa nửa
gần, tụi mình sẽ tạt vào con lộ nhỏ. Giữa khung cảnh quen quen như đã gặp hồi
nào, tụi mình gặp một cái rạp treo cờ rũ. Mình nằm kia, bất động giữa nhà, nải
chuối im lìm trên bụng. Con trai mình đang thoa môi son cho mẹ, lần cuối cùng. Ai
đó lên tiếng, nói “bà già này lặn lội cả một đời, giờ chịu nghỉ ngơi rồi”.
Cảnh ấy trong hình dung, không vui không buồn nhưng tràn trề yên tĩnh./.
Xứ Cây
Qua sông là
tới. Xứ cây.
Tháng Hai,
vài thứ cây bên đường vào mùa lẫm liệt. Chôm chôm chín như thắp lửa suốt cành.
Gòn đang ra trái, chỉ trái và trái, trụi trơ lá hoa. Mấy cây còng già trăm năm
tuổi trước trường dòng vắt nhựa nuôi thêm mùa bông nữa. Và bàng đỏ loang trên từng
tầng lá, thanh thản như người già biết trước thời khắc lìa đời, chậm rãi thay
áo lụa điều chờ cơn gió nào tới đón đi.
Xứ cây, những
ngôi nhà không còn cố chen nhau khoe mặt như ở bên kia sông, giờ tụi mình đang ở
thế giới khác, nhà nào cũng ẩn hiện nấp ló giữa vườn. Nhiều ngôi nhà cận lộ
quá, cố xoay sở một giàn bông giấy, bụi lài dây, để giấu mình được chút nào hay
chút ấy. Sạp che bên đường bán kẹo bánh cho học trò, cũng trồng bụi bông dừa cạn.
Hai bên đường không cây thì cũng hoa, biển hiệu mua bán toàn bán mua giống cây
ăn trái, hoa kiểng, xơ dừa, phân rơm. Khách lỡ đường ăn chôm chôm, vú sữa, uống
nước dừa trừ cơm, nghe nói cứ ăn vầy hoài không da mặt đẹp thì lòng đẹp, chay tịnh
mà. Bạn ngồi đuôi xe đùa cũng có khi người xứ cây toàn ăn hoa cỏ, đi suốt từ xế
tới giờ không thấy quán thịt cầy, sạp thịt heo nào. Nhìn đâu cũng hoa và cây,
những vườn dừa kiêu hãnh khuấy mây.
Cả trong câu
chuyện bạn bè xứ này, quanh quanh lại về cây cỏ. Hoa trà ông bứng cho tôi bữa
đó, đã trổ bông đợt đầu tiên. Độ rày cây bưởi da xanh bên nhà bà già đổ bịnh, tự
dưng quéo ngọn, xót ruột quá. Hai công vườn sắp tới không biết trồng gì thay
cho giống mận An Phước, trái bán được giá nhưng phải phun dày thuốc sâu, không
tốt cho sức khỏe tụi nhỏ. Đám vú sữa hôm trước em tới đang trổ bông oằn nhánh,
giờ thương lái đã vô hái sạch rồi sao, thời gian trời ơi nó là thứ chi mà chớp
mắt đã xa.
Rượu của bữa
nhậu xứ cây, không ngâm hoa mai thì ngâm ổi, dây mỏ quạ, rau đắng đất. Cũng nấu
từ lúa đồng lúa bãi, nhưng trong hơi men ngấm mùi hoa trái. Chút ngọt nào bả lả
vương ở họng, làm dịu đằm cái nóng rực của rượu cay. Bạn kể rượu ngâm cao sơn
dương, rắn hổ mang bành, tai gấu cũng nhiều, nhưng thường là trong nhà quan với
nhà giàu. “Không phải mình nghèo, nhưng rượu đó uống riết sợ tanh lòng. Mắt con
bìm bịp đỏ au ngó mình từ trong hủ rượu, mà mình vỗ đùi khen ngon, thì có gì đó
không phải lắm”, bạn nói. Nhắc mới nhớ,
họ còn ngâm những con khỉ con, tay chân nguyên lông lá, ngồi thu lu trong hủ, mắt
mở trừng rưng rức, như hỏi trời bao lâu nữa mới thành người, để ngất ngư say với
thứ rượu ngâm xác con vật khác. Chuyện tới đây cuộc nhậu chuyển sang buồn,
không biết tại con khỉ ngâm hay vì cái tin nhắn của bạn phương Bắc vừa đổ vào
điện thoại “ê thím, vác ba lô đi chùa Hương nhậu thịt rừng chơi”. Ngay lúc ấy rất
muốn khoe mình đang ở xứ cây, ở đây có ông bạn già mấy tháng nay cứ ngẩn ngơ tiếc
mớ bưởi ổi trồng ngoài sân bị đốn bỏ cho nhà nước mở đường. Mảnh sân biến mất,
phố ngoạm vào gần tới hàng ba, nhưng không nghe tiếc đất, chỉ thương cây vừa ra
ba mùa trái. Con người biết cúi xuống thương xót một cái cây, thì chắc là không
lòng dạ nào làm chuyện ác, tụi mình nghĩ. Một kiểu nghĩ hơi cảm tính, bằng chứng
là cảnh sát ở xứ cây cũng làm hoài không hết chuyện. Nhưng có thứ mát lành để tưới
cho hy vọng, cũng hay.
Chuyến về xe
nặng quà, lỉnh kỉnh trái này kẹo nọ còn có hai cây chuối kiểng. Đi xứ cây mà
không mang cây về, cũng tiếc. Dọc đường hóng chuyện, nghe kể mấy anh làm chương
trình Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt kêu trời vì ở xứ cây khó kiếm một khu
đất không vướng mồ mả bà con chôn rải rác trong vườn. Phong tục tập quán chưa vội
bàn, nhưng biết đâu người cũng muốn gửi nắm xương tàn tan vào đất, để nuôi cây.
Lúc qua sông, tụi mình biết chắc vài ba bữa nữa, thể nào bạn xứ cây cũng gọi, để hỏi hai cây chuối sao rồi, sống nổi không. Những cuộc gọi từ giờ không thuần nói chuyện văn chương, nỗi buồn và cái chết, sẽ có thêm cái bông chuối đầu tiên vừa bung cánh đầu tiên./.
Một chương (hay là Chương Một)
Mật ánh sáng
Bà nội nhỏ
là đào hát.
Lần đầu tiên
gặp nhau trong tiệm nước bên đình, ông nội không cách nào bứt mắt khỏi người lạ.
Hai chân rút lên ghế, má tì vào đầu gối, chậm rãi gặm móng tay, da cổ xanh và nhợt nhạt của một người thiếu ngủ lâu ngày. Tiệm
nhỏ, khói thuốc thơm quầng quã không tan, phủ lên điệu bộ lười nhác của bà nội
nhỏ ít nhiều ma quái. Đàn bà ở Nhơn Thành chẳng ai có cái dáng vẻ vậy, họ tất tả
như đã sẵn từ lúc hãy còn là bào thai mẹ đeo lúc lĩu ra đồng.
Sau này khi
đón bà nội nhỏ về, suốt ngày bà luôn trễ nãi như mèo. Ông nội mua quế về cho bà
gặm thay móng tay, mồ hôi mang theo mùi quế làm người bà lúc nào cũng se cay. Cả xóm hồi đầu trầm trồ
làm sao một con đàn bà sống ở cái xứ đồng bãi này lại có thể dậy lúc mặt trời
lên quá đọt dừa, ăn nhỏ nhẻ và suốt ngày lừ đừ lử đử. Tuồng như mặt trời làm
cho bà phát bệnh, mỗi ngày qua là một cơn mộng du. Nằm võng ngó mưa hay đứng dưới
vòm bông giấy không có nghĩa là bà đang thức. Nhóm bếp một lần cũng không, nói
chi cơm cấy cơm cày.
Bà nội nhỏ chỉ
thật sự thức dậy lúc đêm buông. Ông nội lấy cái đèn măng sông xuống hớn hở châm
dầu, bơm cho khí nén chật bung, rồi bùng cháy thành một thứ ánh sáng trắng dạt trôi
bóng tối. Ánh sáng này ông nội mua từ cháu cố của hội đồng Quyền với bảy chục
giạ lúa cùng một con trâu cày. Ông vẫn tức mình không kịp đổi hai ngọn măng
sông còn lại trong mớ gia sản lụn bại theo khói bàn đèn của gã ghiền thuốc phiện
kia, trước khi chúng lưu lạc ở một tiệm cầm đồ nào đó ngoài chợ quận. Nỗi tiếc
nuối ấy cựa mình khi ông dắt tay bà nội nhỏ đặt chân đến bến sông, cảm thấy hỗ
thẹn vì trăng hai mốt không làm cho ngôi nhà và cái xóm Nhơn Thành bớt đi vẻ
nghèo nàn tăm tối. Trong một khoảnh khắc nào đó ông nội đã nghĩ nơi này không xứng
với người đàn bà mảnh mai đang đi bên cạnh, mặt và lòng tay lạnh dưới trăng.
Nhưng bà nội nhỏ vẫn xăm xăm bước, nói mỏi lưng rồi, thèm nằm quá.
Suốt đường về
bà không hề hỏi ông đưa bà đi đâu, ông giàu hay nghèo, có bao nhiêu đất. Vợ chồng
bầu gánh ôm tiền dong ghe trốn mất ngay khi chưa vãn tuồng. Thời loạn lạc, rã
gánh như cơm bữa, nghệ sỹ là bèo trôi đâu tấp đó. Đào kép chửi um lên rồi thấy
cũng chỉ mình nghe, quá giang xuồng xã trưởng về ngủ đỡ trong đồn Chẹt, họ phẩy
tay “mai tính”. Bà nội nhỏ bị bỏ lại với mấy anh em hậu đài vô danh. Ông nội lại
gần người đàn bà mà ba mươi phút trước là con mẹ chủ chứa nhẫn tâm, nói “xuồng
tôi đằng kia”. Ông biết tìm bà ở đâu, đơn giản bởi vì chưa bao giờ rời mắt khỏi
bà, kể cả lúc bà ngồi vẽ mặt. Cảnh duy nhất trong tuồng Một kiếp phấn hương mà
ông nội quan tâm là cảnh bà chủ chứa có cái cười ngọt rợn, đuôi mắt cũng ngọt rợn
khi kéo nữ chính vào căn phòng có tên thầu khoán đang chờ. Xuất hiện chừng mười lăm phút, nhưng bà kịp
làm cho cả rạp tan nát theo thân phận của cô gái quê kia. Những tình tiết còn lại
của vở tuồng ông nội đã thuộc lòng, rằng con mẹ chủ chứa sẽ không bao giờ xuất
hiện nữa. Đẩy cô gái rơi vào vòng tay khách làng chơi, thì việc của bà đã xong.
Buổi coi hát của ông nội giờ chỉ còn cảnh bà để nguyên bộ đồ diêm dúa đứng ở hậu
đài nhìn đắm đuối ra sân khấu. Bà soi gương mặt mình vào chậu nước tẩy trang rất
lâu, tuồng như còn nấn ná trước khi từ giã vai diễn. Hình ảnh đó làm ông xúc động,
như lúc chiều nhìn thấy bà liếm láp củ khoai luộc nguội ngơ, sợ nó đau. Cho tới
lúc hạ màn, bà hát theo tuồng, đôi khi có những đoạn thoại bà còn đi trước họ. Một
thằng nhỏ đứng nép bên màn kêu, “má, lại đây nhắc tuồng giùm luôn, ngồi đó ca
chi một mình”. Tuổi chỉ đáng em bà, nhưng thằng nhỏ biết cách xưng hô sao cho
những cô đào hết thời biết thân biết phận. Nhìn thấy gã đàn ông lẽo đẽo đi theo
mình, nhưng bà không chút biểu hiện nào vì vẫn còn loay hoay ở trong vở tuồng sắp
vãn.
Lúc đó ông nội
chưa tin người đàn bà đó chỉ sống thật sự trước đèn, dù chứng kiến thời khắc sân
khấu sáng lên và bà trút bỏ vẻ biếng nhác để cái mầm rạo rực bung nở từ bên
trong, biến thành một con người tràn đầy sức sống. Tuồng như cọng tóc cũng nhảy
múa. Biết bầu gánh trốn, bà nội nhỏ vẫn tỉnh tươi thu dọn phục trang bạn diễn bỏ
tứa trong sân, cho đến khi ngọn đèn cuối cùng của sân khấu tắt ngấm nhấn chìm
bà trong thứ bóng tối lờ lợ của trăng già.
Bước xuống
ghe của người đàn ông xa lạ, bà nội nhỏ quấn tấm vải viết tên đào kép quảng cáo
trước rạp để đỡ ngấm sương. Trên đó không có tên bà, dù chỉ là vài ba chữ nhỏ,
dù năm bảy năm trước đây cô Tư Phượng của gánh Mai Hoa Trang còn làm mưa làm
gió ở những đêm hội kỳ yên miền Hạ. Giờ bà ngồi mũi ghe của ông nội, đầu lút
trong tấm vải phai màu, rời rã như cái đèn cầy sắp cạn đến đáy, tắt queo.
Nhưng ông nội
biết cách làm bà cháy lên, với mớ ánh sáng bà được uống, đêm đêm. Tỉnh thức,
hít thở, sống động. Chuyện cô vợ nhỏ diễn tuồng dưới đèn măng sông mỗi tối làm
tiếng tăm ông nội vang xa, hơn cả hồi ông thừa kế sáu mươi ba công ruộng. Hai
cái đèn uống dầu kinh khủng, đó là chưa nói lưới măng sông bên trong – thứ quan
trọng nhất của cây đèn – cũng rất đắt tiền. Nhưng từ bà nội nhỏ về, nhà không
đêm nào không sáng. Dân cốt cựu ở Nhơn Thành vẫn còn nhớ quãng đó cứ chạng vạng
là bà già con nít rủ nhau tới nhà ông nội coi đào Tư Phượng hát cải lương. Hồi
đầu bà ca diễn một mình, sau có thêm mấy nhỏ trong xóm thay nhau làm tiểu đồng,
tì nữ. Như thiêu thân, chạng vạng là cả xóm lao đến nhà ông nội bởi thứ ánh
sáng không thể cưỡng lại nổi của những màn ca diễn xốn xang. “Xóm Nhơn Thành mình
chưa bao giờ sáng giống như vậy”, một người già lim dim nhớ. Cái ánh sáng không phải từ đôi đèn, mà còn từ
người đàn bà xa lạ, không quá khứ tấp vào xóm nhỏ này, mỗi đêm thắp lại thân phận
của những người đàn bà khác. Họ đổ bóng lên nhau, một Lan vùi chôn xác bướm khô
với ảo tưởng có thể quên được tình nhân, một Thoại Khanh lận đận tìm chồng, một
Thị Kính ngồi trong chùa ru con thiên hạ, một Thị Minh nấu bữa cơm cuối cùng
cho chồng và con trai trước khi nhảy xuống sông trầm mình. Tiếng hát của bà cực
mảnh và cong, nhưng an lòng người nghe bởi cảm giác nó dai không có gì có thể bứt
đứt. “Hai nấm mồ song song/ để xuân hạ
thu đông/ dẫu mưa nắng dãi dầu/ cùng hứng chịu chung đôi”, chỉ mấy câu kiểu
vậy thôi mà những chéo khăn, vai áo của đàn bà Nhơn Thành đã thấm bao nhiêu nước
mắt.
Lúc đó bà nội
đang cất lên cái vó ròng ròng nước.
“Cô Tư Phượng
đây từ giờ sống với tôi”, câu nói một khuya của ông nội ngay thềm cửa đã đẩy bà
nội ra chòi vó cất chới ngoài sông. Từ chối cái ánh sáng mà vợ nhỏ của chồng tự
cháy để ban phát cho người Nhơn Thành, bà nội giữ riêng hai ngọn đèn chong đỏ
lói quét cái tóc khói đen ngòm. Một treo đầu vó để dẫn dụ cá tôm (đâu phải chỉ
con người mới đam mê ánh sáng), đèn kia bà vặn nhỏ lửa, đặt trong chòi. Khói đèn
ám đến đường chỉ thêu uyên ương trên gối. Tháng mười gió trở ngọn, đòng đưa tiếng
hát của bà nội nhỏ ra sông, bà nội múc nước xối vào lòng nước, át đi thứ âm
thanh vọng từ bờ. Tuyệt không lên nhà vào buổi tối, bà nội khiến kẻ có mặt
trong những đêm hát phải sống trong cảm giác bứt rứt bởi đã đứng về phía cô đào
tỏa nắng dưới đèn. Họ thấy mình đang phản bội người đàn bà hiền hậu đang cất vó
dưới sông kia.
Tàu sắt Mỹ cứ
vài ba bữa đi tuần ngang qua vó sông, năm ký tép đất bà nội đổi được lít dầu trắng.
Bữa nào bắt được con Sầu Ngư trên chục ký bà đòi năm bảy lít. Lần được thưởng hơn
hai chục lít bà đã cất cái vó nặng khủng khiếp, gãy cả bốn gọng, nằm co trong
lưới là một xác lính Mỹ say rượu té sông. Mớ dầu đó bà mang lên nhà, nuôi sáng hai
ngọn đèn măng sông của ông nội. Ngày vô bếp nấu hai buổi cơm canh, thời gian
còn lại trong ngày bà nội cắp nón ra ngoài rẫy. Lỡ vô tình đụng mặt bà nội nhỏ
ngoài hè, bà nội chỉ gật đầu cười, hỏi “mạnh giỏi, cô ?” như gặp một người xa xứ
lâu về. Không tỏ ra hằn học với người đàn bà riêng của chồng, bà nội cũng chẳng
khóc.
Nhà có nhiều
người khóc lắm rồi, bà nội nói, mỗi khi có ai hỏi đận đó bà có tủi thân không. Hơn
một lần ông nội ra chòi vó, nước mắt ràn rụa. Chập tối ông say rượu, tự nguyện làm
cái chuông kêu leng keng lúc chàng Điệp gọi người yêu đang lánh đời trong chùa.
Bà nội nhỏ tức thời ra bộ cắt đứt dây chuông. Ông tiếp tục leng keng, bà nội nhỏ
bỏ tuồng, đi vô buồng một nước. Sáu tháng sau khi rời gánh hát, bà nội nhỏ vẫn
diễn cho ra diễn, không phút nào trửng giỡn dưới đèn. Nhưng giống như dân Nhơn
Thành bắt đầu coi cô đào là một người hàng xóm, ông nội cũng lẫn lộn người vợ mở
nút áo mình lúc nửa đêm với những cô nàng bà nội nhỏ hóa thân.
- Trước sau
gì cổ cũng bỏ đi thôi.
Ông nội trệu trạo than cùng bà vợ lớn. Ngồi cạnh ông, bà im lặng,
lâu lâu rướn người cất lên một vó đầy sao, bà không kể hai lần thấy người ta
khóc khi ghe hát ngang qua kêu ô - pạt - lưa dậy động hai bờ “Tối nay đoàn Sóng
Giang hát Kiếp nào có yêu nhau, bớ bà con cô bác !”. Cơn mộng du của cô đào hát
tưởng không có gì xuyên thấu, kể cả lửa hôm cháy nhà xuồng, nhưng chỉ tiếng rao
mà đâm thủng tới tim.
Cái ngày vắng
bóng người thương ông nội đã lường trước, nhưng hôm bà nội nhỏ bỏ đi rồi, ông vẫn
buồn sát chiếu. Bà nội bưng cái đèn hột vịt đỏ lòm đi vào gian buồng mà gần hai
trăm đêm rồi bà không ghé qua, bưng theo chén cháo trắng với ít tép rang. Ông nội
vẫn gác tay trên trán, không thèm mở mắt. Bà nội soi muỗi trên vách mùng, kêu
“ăn lấy sức chờ, biết đâu người ta quay về”. Rồi bà lẹt quẹt lê dép ra. Bằng
cách nào đó, bà nội đã nuôi ngọn đèn nhỏ của riêng mình bền dai bởi chỉ cần đi
quá nhanh, hay thở quá mạnh cũng làm chúng tắt phụt giữa chừng.
Một buổi tối của hai sáu năm sau, bà nội quyết định nói ra trong hai thằng nhỏ đu đưa trên bầu vú mình khi đó, có một đứa không phải con của ông nội./.
Lưu lạc
Đứa nhỏ về tới
nhà lúc giữa trưa. Mặt trời đậu đỉnh trời tráng một làn lửa mỏng lên mớ tóc nhuộm
vàng cháy ngọn, nhìn nhức nhối. Gần như không bóng, đứa nhỏ bước qua cái ngạch
cửa mà hai mươi tám năm trước nó phóng ra, băng ngang những thanh ray, và tan
đi chẳng để lại chút bọt sau khi đoàn tàu mười bốn toa dằng dặc ngang nhà.
Không có cái
ôm nào, cũng không nước mắt, đứa nhỏ bốn mươi tuổi dòm lom lom gương mặt người
cha đỏ lựng vì cơn huyết áp tăng, hỏi “ông là cha tui sao ?”, rồi nhanh nhảu trả
lời chính mình bằng một tiếng gọi.
- Cha !
Tiếng cha gọn
lỏn chấm hết cuộc đợi chờ, tìm kiếm. Mắt đảo quanh nhà, đứa nhỏ gần như không
suy nghĩ, ngay lập tức chấp nhận ông già bệu bạo lạm dụng thuốc đau khớp, huyết
áp lên xuống thất thường này là kẻ hung hăng xách chổi bông cỏ rượt đánh nó vào
một hôm xưa. Nhưng những người trong nhà không tìm thấy mối liên kết quen thuộc
nào giữa đứa nhỏ thất lạc và con đàn bà dày khự tóc vàng móng tay đen, mỡ bụng
phụng phịu sau làn áo tía.
Mỗi khi tình
cờ nhớ lại ngày đứa nhỏ trở về, cả nhà nghĩ ngay tới cái cầu vồng chang chói giữa
không gian nhu nhã từ cái màu rèm cửa cho đến bộ ấm trà, từ tiếng nói tiếng cười
cho đến vòi nước chảy. Bắt đầu từ lúc những đoàn tàu không còn chạy ngang qua,
đường ray được nắn sang hướng khác, cư dân ở đây trôi trong khoan hòa. Hết sức
ý tứ, chị Ba nhắc đến mấy dấu vết trời sinh, và cái sẹo ở mắt cá chân, “cái mụt
ruồi trên khóe tai em đó, mỗi lần nhớ nó chị muốn chảy nước mắt”. Đứa nhỏ vạch
cổ áo chìa ra, tay kia vịn sẵn cúc quần, nói luôn, giọng không chút hờn, “còn
cái nữa trên bẹn, coi hong ?”. Anh Hai sặc nước bước ra đằng trước, ông già lên
máu thêm lần nữa.
Người có thể
nhận dạng dấu vết thầm kín ấy giờ ngồi trên bàn thờ, mặt đượm buồn cho giống một
tấm hình của người đã qua đời. Chuyên chăm sóc cho đám con la lủ, bà mẹ hẳn thuộc
lòng từng nốt ruồi trên người từng đứa. Ông già ngoài chuyện đánh mấy nhỏ cho
ra vẻ ta là cha, phần lớn thời gian ông gò lưng sửa đồng hồ, sao cho thời gian
không được trì đọng. Lấy lại từng phần trăm giây cho khách hàng, ông thợ đồng hồ
có tiếng nghiêm cẩn trong vùng. Mâm cơm sau mấy chục năm hâm nóng lại, ngó đứa
con út ngấu lấy cái phao câu vịt tươm mỡ, ông già bỗng nghĩ trên những con đường
nó đi qua, thời giờ ở đó nhanh phải gấp đôi thứ thời gian mà ông đang hít thở.
Đứa con trước mặt ông biến dạng đến mức nằm ngoài nỗi nhớ, và trong sự ngờ. Con
Diệu đây, nhưng không phải. Hoặc là phải, nhưng có gì đó không đúng lắm. Rốt cuộc
là phải hay không, ông già dứt khoát trả lời câu đó bằng cách nhặt những sợi
tóc vàng chanh của đứa nhỏ giắt đầy trên lược, sai một đứa tin cậy đi làm cái
xét nghiệm huyết thống. Ông dặn “đừng để em bây biết”, sợ đứa nhỏ bị tổn
thương, mặc dù không có dấu hiệu nào cho thấy nó dễ tổn thương, kể cả khi khoét
đi chút thịt.
Hai ngày gặp
lại cha, nó săm soi mọi thứ trong nhà, không phải bằng mắt, mà còn ngọ nguậy
đôi tay. Thằng cháu nội của anh Hai vừa đầy tháng, đứa nhỏ gặp lần nào cũng tóm
lấy da thịt trẻ con, chùm da bọc bi giữa hai đùi mà dục dặc. Người ta nhắc những
kỷ niệm hồi nhỏ, nó nói có vụ đó sao, nhớ chi cho mệt. Phủi nhanh đến nỗi kẻ
hâm nóng ký ức hơi bẽ bàng. Họ đắng lên lưỡi bụi lên mắt khi thấy nó dễ dàng thừa
nhận anh Hai hói nửa đầu, chị Ba đã làm bà ngoại, chị Tư lấy chồng sau - một
anh người Lào. Cả khi được đưa đi thăm anh Năm tu trong chùa, nó thản nhiên đòi
vô phòng anh nằm chơi cho biết. Cả nhà cảm thấy bị phản bội bởi ý nghĩ, từng ấy
ngày xa nhà, nó không nuôi dưỡng nỗi nhớ nào, nên giờ dửng dưng trước đổi thay.
Căn phòng kê dọc mấy cái giường như trại lính đã biến mất, những thanh ray nằm
sâu dưới ba lớp nhựa đường, mớ vật dụng của đứa nhỏ mà bà mẹ còn giữ lại một bữa
thành tro theo đám cháy.
Đôi khi đứa
nhỏ bâng khuâng, chỉ vì cái còi mụn trên cánh mũi chưa chịu khuất phục. Nó vẫn
chang chói đi qua những ngày tiệc tùng. Người quen với gia đình lớp điện thoại
lớp tới tận nhà để mừng giọt máu chảy ngược về, ai cũng chung nỗi sợ yêu lầm,
“có chắc là con Diệu không đó ?”.
Một lần chị
Tư đã nghĩ đó chính là đứa em thơ dại của mình, khi nó kêu oai oái một tay nút
vào cánh mũi, mặt ngước lên trời, tay kia quờ quạng dò dường đi. Xưa nó hay chảy
máu cam chẳng vì lý do gì. Nhưng nó chỉ đi cùng chiều thời gian với chị một khoảnh
khắc thôi, vì ngay lập tức nó đã chụp được cây kéo làm bếp, cắt phăng chòm lông
mũi. Nhìn điệu bộ hí hửng của nó khi giải tán những sợi phiền, như khi mua được
ly đá bào vừa đi vừa húp, chị nghĩ hai mươi mấy năm qua đứa em gái đã đi quá
xa.
Trong lúc mọi
người phân trần chuyện họ không giữ được hiện trạng cái nhà kiêm tiệm sửa đồng
hồ bên đường tàu để chờ đợi nó quay lại, chuyện bà mẹ qua đời chôn cất gấp nên
chỉ cáo phó trên truyền hình có một đêm, chuyện mấy chục năm qua đi đâu họ cũng
dáo dác tìm thì đứa nhỏ chỉ giải thích lý do tìm về cực kỳ đơn giản. Đi ngang
thấy nhớ hình như hồi nhỏ có ở đây. Mô tả lại những ngày tháng lưu lạc của mình
gói trong một câu năm chữ “thì tấp đâu sống đó”. Hỏi ăn sao, nó nói bậy bạ vậy.
Hỏi ngủ sao, nó cười thì nhắm mắt là ngủ thôi. Cả nhà hơi tuyệt vọng như thể cố
vớt cái quãng hai mươi hai năm nhưng chúng chảy qua kẻ tay ráo hoảnh. An ủi là
nó không nói dối, cái cách nó ăn xong nằm lăn ra ngáy đã chứng minh.
Ngày thứ ba
thì bản sao của đứa nhỏ đứng réo má trước cỗng. Nhìn từ sau lưng thì hai má con
nó giống hệt, chỉ khác là con có thêm lọn tóc xanh két thả xuống giữa đỉnh đầu.
Đứa nhỏ nắm tay con lại trước ông già, nói “ngoại mầy đó”. Nếu nó nói “cục kẹo
của mầy đó”, ngữ điệu cũng không khác nhau. Má con chỉ cách nhau mười sáu tuổi.
Đứa nhỏ kể hồi có bầu, cứ leo cây me nhảy xuống đất cho máu huyết tuôn ra, mà
cái thai lì quá. Lịch sử của cái tên con Lì, hóa ra đơn giản vậy.
Buổi xế hai
má con nó ngồi mằn tóc nhau, người ta đếm có tới tám cái chân mày rục rịch. Hai
vòng nguyệt phía trên bằng dấu mực xăm xanh rờn, bên dưới những chân lông mọc tự
nhiên thành vệt nhạt hơn. Con Lì hoan lạc cắn trứng tóc, nói chuyện về một gã
đàn ông nào đó, “nó kêu má về, thề không xỉn nữa”. “Đừng có tin. Nó có lần thề
nhậu là rắn hổ mổ cái bọc. Thề khôn. Rắn mổ cái bọc ni lông chớ đâu có mổ nó”,
đứa nhỏ nói, không quên đệm mấy tiếng chửi thề lem nước miếng. Ông già giả bộ
chống gậy đi qua, nghe lóm, không biết “nó” là người tình của má hay con. Sau
lưng một đứa trầm trồ “Ổng già thấy ghê hong. Da cóc hết rồi kìa. Cỡ này hay chết
bất tử”.
Má con đứa
nhỏ biến mất sau đêm đó. Ông già dậy sớm, thấy cửa khép từ bên ngoài, liền gõ cửa
phòng thằng lớn. Anh Hai thức dậy chạy quanh coi có mất gì không và gọi cho mấy
cô em gái ở riêng. Ngay lập tức họ hỏi có mất gì không, sau đó mới lấy xe để tới
chứng thực là không mất gì. Sà ngồi với nhau trên bộ trường kỷ còn phảng phất
mùi mồ hôi dầu của đứa nhỏ, họ dần nhận ra mất một kẻ từng ngồi đây lim dim thổi
những cái bong bóng kẹo cao su vỡ trên môi.
Giấy xét
nghiệm kết quả giám định huyết thống gởi lại ông già khẳng định chín chín phần
trăm đó là con Diệu. Lúc đó đứa nhỏ đã về tới mái nhà che tạm trên lối lên xuống
bến đò ngang. Nó thả người nằm thẳng cẳng giang tay lên tấm ván kê chỗ thu tiền
đò, kêu về tới đây thiệt là khỏe quá. Giữ nguyên cái điệu bộ no nê đó, nó ngủ
queo. Đò đi ra giữa sông, gã chèo đã cởi cái áo khoác dài tay ra, nhờ bà khách
già đi ngang đắp giùm lên bụng con đàn bà gã yêu. Đường về hai má con sinh cãi vã, con Lì
đã nhảy xuống một trạm xăng xa lạ, không thèm vẫy tay./.http://www.nguyenngoctu.net/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét