Phạm Lưu Vũ
“Quá khứ nào buồn bã rêu phong
Thời gian nào dọc ngang tơ nhện…“.
Thời gian nào dọc ngang tơ nhện…“.
Vậy
quá khứ có mùi gì? Thời gian có mùi gì? Không biết! Chỉ biết kẻ thức
giả khuyên rằng bất luận thế nào thì cũng nên đóng cho kín quá khứ lại,
đừng có dại mà mở nó ra. Ví dụ như một câu chuyện dân gian sau đây:
Chuyện
kể rằng ở vùng nọ có ông quan rất to tên Mỗ. Vốn là người học hành đỗ
đạt, cũng thỉnh thoảng thi phú lăng nhăng. Song lại là người nổi tiếng
đểu cáng, bất nhân bất nghĩa, bất chấp liêm sỉ, ăn của dân không từ cả
manh khố rách. Mỗ tự mình đặt ra luật lệ, thả cho lâu la nhân danh pháp
luật để ăn cướp đã đành, lại còn rao giảng tuyên ngôn, đạo đức hết ngày
này sang ngày khác. Chữ nghĩa, học thuyết… phun ra phì phì. Mỗ muốn nói
xuôi, nói ngược gì thiên hạ cũng đều phải nghe, đều phải cho là chân lý.
Kẻ khác muốn nói cái gì nhất nhất đều phải uốn lưỡi theo ý Mỗ, Mỗ cho
nói thì được nói, bắt câm là lập tức phải câm… Vì thế những kẻ tử tế, có
chút liêm sỉ trong thiên hạ lúc nào cũng nhất tề im lìm như một đàn
hến, lặng ngắt như một đám tang. Kẻ ngoài nhìn vào tuy vẫn thấy ầm ĩ
đấy, nhưng tất cả chỉ vo ve độc một giọng Mỗ mà thôi.
Có
lẽ vì cái đểu cao ngất ấy mà trời phạt. Mặc dù Mỗ có vô số vợ rải khắp
thiên hạ, nhưng lại đẻ ra rặt những giống chó lợn, nếu không thì cũng
hao hao cầy cáo… chẳng đứa nào được ra cái hồn người. Gần sáu chục tuổi,
Mỗ vẫn chưa có đứa con nào khả dĩ có thể nối được cái “đức“ của mình.
Nghe người ta đồn nơi có mả Chúa là một chốn rất thiêng, có thể cầu gì
được nấy, thiên hạ vẫn ngày ngày xếp hàng đến vái đông như trẩy hội. Mỗ
bèn huy động lâu la quét dọn đường sá, chuẩn bị lễ vật. Lại sai tìm thuê
bằng được một lão thầy cúng cao tay ấn rồi tiền hô hậu ủng, đích thân
tới mả Chúa để cúng tế, cầu đẻ được một đứa con cho ra cái giống người.
Bữa ấy tế xong về ngủ, đến khoảng canh ba mơ màng nghe có gió lạ thổi vào trong màn, bất chợt lẫn trong bóng trăng khi mờ, khi tỏ, Mỗ nhìn thấy Chúa dắt một đứa bé ngắn độ hai tấc, tròn xoe, mũm mĩm như thiên thần đến bên màn mà bảo:
Bữa ấy tế xong về ngủ, đến khoảng canh ba mơ màng nghe có gió lạ thổi vào trong màn, bất chợt lẫn trong bóng trăng khi mờ, khi tỏ, Mỗ nhìn thấy Chúa dắt một đứa bé ngắn độ hai tấc, tròn xoe, mũm mĩm như thiên thần đến bên màn mà bảo:
-Cúng
cáp ghê quá, làm cho ta muốn lờ đi cũng không được. Nhưng ta chỉ là nhà
môi giới đầu thai thôi đấy. Có gì các ngươi tự thương lượng với nhau.
Nói xong, Chúa biến mất. Còn lại đứa bé, nó khoanh tay lễ phép nói với Mỗ:
-Ông
muốn có con hay để sáng mãi cái đức của mình. Phải cái thời buổi này,
từ các thiên tinh, đồng tử cho đến những vong hồn, quỷ sứ… đều không ai
muốn đầu thai làm người cả. Nay nể Chúa mà tôi phải thí thân đó thôi.
Vậy tôi chịu làm con cho ông ba mươi năm được không?
Mỗ ngắm đứa bé thì thích lắm, lại nghe nó nói thế thì mới đầu mừng rỡ. Song nghĩ lại thấy có chỗ không ổn, bèn trả lời:
-Ba mươi năm ngắn quá. Ta còn muốn sống đến trăm tuổi nữa kia. Chẳng lẽ ta phải chôn con trước rồi mới đến lượt ta hay sao?
Đứa bé lại nói:
-Vậy năm mươi năm được không?
Mỗ trả lời:
-Đời người năm chục tuổi vẫn còn là chết non. Ta không muốn con ta lại có cái số kiếp ấy.
Đứa bé tiếp tục nhượng bộ:
-Thôi thì bẩy mươi năm vậy.
Đến
đây Mỗ mới gật đầu bằng lòng. Liền đó một trong số vợ bé của Mỗ có
mang, đủ chín tháng mười ngày quả sinh ra một đứa bé bụ bẫm, giống hệt
đứa bé Mỗ gặp trong giấc mộng ấy.
Đứa
bé lớn lên, một tuổi biết đi, hai tuổi biết nói, ba tuổi bắt đầu học
chữ, bốn tuổi đã đọc thông viết thạo. Mỗ mừng lắm, quý như cục vàng, sai
người chuẩn bị kinh sách, tự mình bịa ra truyền thống, xuyên tạc gia
phả… cốt sao dạy nó sau này đểu hơn cả mình. Năm mười ba tuổi, đứa bé
dường như đã thấu hết tình đời, kiến thức không thua gì người lớn. Một
hôm nó ôm lấy mẹ mà bảo:
-Bố
té ra là hạng người không ra gì. Con nghe lời Chúa, đầu thai đã là cái
sự ngu, không ngờ lại thác sinh vào chốn đểu, cố được đến ngày hôm nay
cũng là bởi vì thương mẹ. Song con cũng phải tìm nơi khác mà làm người
thôi. Mẹ đừng buồn, sau này nếu thấy ở đâu có đứa trẻ lên ba không biết
nói, một bàn tay nắm chặt giữ một vật gì, thì xin mẹ hãy tìm đến. Đó
chính là con đấy.
Nói
xong, nó nằm lên giường, nhắm mắt lại rồi không bệnh mà chết. Mỗ đau
đến chết đi sống lại, bấy giờ Mỗ đã già, sinh khí tiêu hết không còn đẻ
được nữa, đành bấm bụng chọn trong số đám con cầy cáo kia lấy một đứa
làm người kế nghiệp. Duy người mẹ không khóc lóc gì, chỉ kiểm lại thì
thấy mất cái trâm gài đầu, không biết trong lúc hỗn độn đánh rơi mất ở
đâu. Từ đó cứ lặng im ghi nhớ những lời trăn trối của nó rồi kiên nhẫn
nghe ngóng, chờ đến ngày gặp lại đứa con.
Được khoảng một năm, lão thầy cúng ngày trước Mỗ thuê mò tới tâu:
-Thằng
bé ấy không phải tầm thường. Sở dĩ nó bỏ Ngài là vì số Ngài và nó có
chỗ xung khắc. Nay cái tinh linh của nó vẫn còn lẩn quất đâu đây, tôi đã
có cách tra ra chỗ trú của nó. Nếu Ngài có được cái tinh ấy mà dùng làm
con tin với cả quỷ thần thì cơ đồ của Ngài sẽ bền vững đến muôn đời.
Mỗ nghe nói mừng quớ lên, vội hỏi:
-Làm cách nào để tóm được nó?
Lão thầy cúng khúm núm:
-Tôi sẽ vì Ngài huy động cả “nhâm, cầm, độn, toán“ mà chiếu ra phương vị của nó, lại dùng phép để yểm thì nó có chạy đằng trời.
Mỗ
mừng lắm, lập tức thưởng trước cho lão thầy cúng một số tiền lớn, đoạn
sai lão lập tức đi tìm bắt cho bằng được linh hồn của thằng bé đem về…
Hôm
ấy, lão thầy cúng giở tay bấm độn. Biết cái tinh kia hiện đang trú
trong một viên sỏi nhỏ nằm ngay trước cổng một làng nọ, lão vội vàng
chiếu đường tìm đến. Viên sỏi nhẵn thín có linh hồn thằng bé trú vào từ
đêm hôm trước, nằm hờ hững ngay giữa đường làng, lẫn vào vô số những
viên sỏi khác, người bình thường không thể nhận ra. Nhưng đối với lão
thầy cúng cao tay này thì nó đừng hòng ẩn thân vào đâu được. Không ngờ
khi lão ta tìm được tới nơi thì viên sỏi đã biến mất, cứ như thể nó có
chân? Hay có kẻ nào vừa nhặt mất rồi? Quả có như vậy thật, nhưng đó là
kẻ nào? Lão thầy cúng không chịu bỏ cuộc, bèn bấm lại phương vị, rồi
đuổi theo cái kẻ nào đó vào tận trong làng.
Số
là trước đấy vài khắc, có người làng dắt trâu đi qua chỗ ấy, tình cờ
thế nào, con trâu đang đi bỗng đứng lại, ỉa một bãi trùm đúng lên viên
sỏi. Lát sau, một người khác trong làng mang rổ ra hót bãi phân, định
đem về đổ vào chuồng lợn. Bãi phân vô tình dính cả viên sỏi vào đấy. Lão
thầy cúng cũng vừa kịp đuổi tới nơi, bèn túm ngay lấy kẻ đó, đòi đắt
mấy cũng mua cho bằng được bãi phân. Người kia nghe lão thầy cúng nói
thì tròn mắt kinh ngạc, xưa nay chẳng thấy ai đòi mua đắt cứt trâu bao
giờ, vì thế cho là lão thầy cúng điên, thành ra cứ ôm khư khư cái rổ
cứt. Lão thầy cúng sốt ruột xông tới quyết giằng cho bằng được. Hai
người đang co kéo, bất ngờ cái rổ bị lật nghiêng làm cứt đổ ra văng tung
tóe. Lão thầy cúng thấy thế vội vàng bỏ cái rổ, rồi bất chấp bẩn thỉu,
bò cả người vào đám cứt để lần tìm.
Bỗng
có một người đàn bà đi làm đồng về ngang qua, thấy lão thầy cúng đang
bò lóp ngóp, mải miết bóp nặn từng mẩu cứt thì ngạc nhiên lắm, bèn đứng
lại xem một lúc rồi chép miệng, cho là lão ta lên cơn điên nên nhìn cứt
hóa vàng, rồi bỏ về. Người đàn bà ấy lại vô tình dẫm đúng
phải chỗ cứt có dính viên sỏi. Lão thầy cúng cuối cùng cũng tìm thấy,
nhưng nó chỉ còn là một viên sỏi hoàn toàn bình thường, chẳng có chút
tinh linh nào trú trong đó cả. Lão biết mình đã thua, đã gặp ngay phải
cái tinh láu lỉnh. Có biết đâu rằng cái tinh ấy đã kịp theo người đàn bà
kia về nhà bà ta mất rồi.
Lão thầy cúng thất bại ôm đầu về chịu tội với Mỗ. Tuy nhiên lão vẫn cố vớt vát:
-Tôi
dẫu không bắt được nó, song chắc chắn nó còn trốn trong vòng ảnh hưởng
của Ngài. Cứ như quẻ bói của tôi thì nay mai nhất định nó sẽ lại đầu
thai vào một nhà khác. Xin Ngài để ý nghe ngóng, biết đâu đến lúc ấy mà
bắt được nó về làm con thì thế nào cũng được đại phúc.
Sau
đó gần bốn năm, nghe đồn rằng làng ấy có vợ chồng một nhà nông phu
nghèo đẻ một đứa con trai đẹp như thiên thần. Nhưng không hiểu sao đã
lên ba tuổi mà nó tuyệt không mở miệng nói ra tiếng nào, một bàn tay
luôn luôn nắm chặt như giấu vật gì, không sao bắt được nó xoè ra. Người
vợ bé của Mỗ nhớ tới lời dặn, biết con mình ngày trước đã đầu thai trở
lại, bèn bí mật tìm đến xin gặp. Mẹ của đứa trẻ ra mở cổng đón vào,
chính là người đàn bà đã dẫm phải cứt trâu ngày trước.
Điều
kì lạ đã diễn ra. Đứa trẻ đang nằm im thin thít trên giường, thấy vợ Mỗ
tới thì bỗng ngồi nhỏm dậy, mở miệng cất tiếng nói đầu tiên, gọi “Mẹ“
rồi xòe nắm tay ra. Mọi người kinh ngạc nhìn thấy trong lòng bàn tay ấy
có một cái trâm gài đầu, giống y hệt cái trâm ngày xưa của vợ Mỗ. Biết
đích xác đứa trẻ này đúng là đứa con ngày trước của mình, vợ Mỗ mừng
lắm. Bèn kể lại mọi chuyện cho vợ chồng nhà nông phu kia nghe. Vợ chồng
nhà ấy cho là chuyện lạ, cũng hết sức vui vẻ mà đồng ý cho vợ Mỗ đi lại
thăm nom, coi như con đẻ. Đứa trẻ từ đó thành ra lại có hai bà mẹ ruột,
cùng săn sóc, yêu quý nó như nhau…
Đứa
trẻ lớn lên, càng lớn càng sáng sủa, thông minh đĩnh ngộ, học một biết
mười. Năm nó được sáu bẩy tuổi gì đó thì Mỗ biết chuyện. Bèn sai lâu la
dò xét, biết rõ nơi ở của nó rồi, Mỗ đích thân mò tới nom trộm, quả
nhiên thấy nó giống hệt thằng con quí của mình ngày trước. Bấy giờ Mỗ đã
già, đường con cái chẳng đứa nào được ra cái giống người, thiên hạ lắm
kẻ cứ nhè vào cái nỗi đau ấy mà chửi thầm, chửi vụng. Mỗ nghĩ bụng thôi
thì có đứa con khôi ngô, giỏi giang như thế cũng đỡ được phần nào sĩ
diện. Không những thế, lại ứng vào cái điềm đại phúc như lão thầy cúng
nói ngày trước. Thế là Mỗ lập tức giao cho lâu la tìm cớ dựng chuyện, vu
oan giá họa nọ kia… rồi dùng quyền hành bắt đứa trẻ về, công bố nó là
con của mình bị thất lạc.
Vợ
chồng nhà nông phu kia bị mất con thì ức lắm song thân yếu thế cô,
trước quỷ dữ biết làm thế nào. Ngay cả người vợ bé của Mỗ cũng phản đối,
không muốn có con theo cái kiểu ăn cướp ấy. Nhưng Mỗ đã muốn là phải
được. Từ khi bắt được đứa trẻ về làm con, Mỗ hết sức sung sướng và hãnh
diện với thiên hạ vì mình rốt cuộc cũng có được một đứa con thực cho ra
cái giống người.
Một
hôm, Mỗ dẫn đứa trẻ đến lạy trước bàn thờ tổ tiên. Chẳng hiểu hướng dẫn
nó lạy lục thế nào, chỉ thấy nó giơ một ngón tay ra, trỏ một cái vào
giữa bàn thờ như kiểu người ta làm phép giải toả. Lập tức, từ nơi đó
xông ra một mùi gì hăng hắc, khăn khẳn, y hệt mùi cứt trâu tươi. Mùi đó
mới đầu còn tụ một chỗ, sau lan ra nồng nặc khắp nhà trên, nhà dưới,
tràn ra cả bên ngoài, làm người ăn, kẻ ở lẫn dân chúng quanh vùng không
ai chịu nổi, cứ thi nhau khạc nhổ om sòm. Thằng bé kia quả nhiên cũng có
chỗ khác người. Nhưng cái mùi ấy thì rõ là từ chỗ bàn thờ nhà Mỗ mà
xông ra, cứ như thể xưa nay nó đã ngự trị sẵn ở nơi đó rồi, có điều chưa
ai ngửi thấy mà thôi.
Mỗ
hoảng hốt không hiểu tại sao thằng bé này lại giải phóng được cái mùi
đó ra khỏi cỗ bàn thờ cổ kính và trang nghiêm của nhà mình. Trong đầu
chợt nhận ra một điều rằng nuôi nó trong nhà sẽ chẳng khác gì nuôi ong
tay áo. Mỗ vội vàng quát lâu la tống cổ thằng bé ra ngoài đường rồi đóng
chặt cửa nhà thờ lại, cố tìm cách giam kín cái mùi ấy trong phạm vi nhà
thờ cho khỏi làm ô nhiễm môi trường… Thất vọng vì giấc mơ đại phúc
không thành, từ đó Mỗ không xuất hiện ở đâu, không rao giảng điều gì với
thiên hạ nữa. Phần vì Mỗ đã già, công việc thừa kế đã có đám con cái
chó lợn, cầy cáo kia cai quản, phần vì Mỗ phải tự mình canh giữ cái mùi
khủng khiếp ấy trong nhà thờ, không cho nó bốc hơi ra bên ngoài để còn
giữ thể diện với thiên hạ cho đến hết đời.
Đứa
trẻ rốt cuộc lại được trở về với vợ chồng nhà nông phu kia, được tiếp
tục sống trong vòng tay yêu thương của hai bà mẹ. Không biết kết cục đời
nó về sau thế nào, câu chuyện không thấy đề cập tới. Chắc nó cũng thành
một người tử tế bình thường, rồi chìm lẫn vào giữa chốn dân gian, mặc
cho các nhà viết sử cứ việc hoài công tìm kiếm, đến nỗi phải bịa tạc nọ
kia… Câu chuyện còn kể rằng cái nhà thờ ấy của nhà Mỗ đến bây giờ vẫn
còn. Nhưng nó luôn luôn được đóng chặt. Phải có tới mấy lần cửa trong
cửa ngoài, kín mít như bưng. Bao nhiêu đời nay không ai dám mở, chỉ sợ
cái mùi gì ấy từ cỗ bàn thờ nó lại thoát được ra…/.
2005http://phamluuvu.wordpress.com/cai-mui-c%E1%BB%A7a-m%E1%BB%99t-c%E1%BB%97-ban-th%E1%BB%9D/