Thứ Năm, 26 tháng 2, 2015

Giang hồ số má.

Người Buôn Gió



Quanh khu phố nhà, tôi nể nhất hai anh, đó là anh Phi Ngọ và anh Dũng Quái. 

Một lần cầm cái xóc đĩa ngoài đường, bỗng nhiên có thằng từ đâu đến chửi bới cả lũ chơi. Nó chửi xong, đứng ưỡn ngực thách cả đám bạc chiến nhau với nó. Anh Dũng Quái nhà ở Đào Duy Từ, người bé loắt choắt, không nói không rằng bất ngờ rút dao đâm một nhát vào lưng. Tất cả nhìn thấy chạy hết, bỏ lại thằng kia nằm rên rỉ đến khi có người đưa đi cấp cứu.

 Anh Dũng Quái không có đàn anh, cũng chả nhận đàn em. Một mình anh lủi thủi đi đánh quả, có tiền vào xới bạc cũng chỉ một mình, ống tay áo dài buông chùng, trong đó dấu một con dao lá lúa cứng, không hiểu anh dấu kiểu gì mà khi nào cần anh chỉ lắc cánh tay một cái là chuôi con dao nằm trong lòng bàn tay, mũi dao nhanh như chớp xiên vào đối thủ. Tính anh ít nói, chơi sòng phẳng, nhưng bất kỳ ai dù số má đến đâu mà hơn phân anh hoặc có lời nói xúc phạm anh, con dao của anh sẵn sàng đưa vào bụng ngay. Mặc kệ lúc đó xung quanh đối phương lắm đàn em hay là chỗ đông người chứng kiến.

Giang hồ ít người biết anh, vì anh không giao du, không phô trương thanh thế, thể hiên. Nhưng ai đã biết anh đều e ngại.

Anh Phi Ngọ cũng gần nhà anh Dũng Quái. Lẽ ra nếu thủ đoạn chút, biết quan hệ, biết làm oai, tận dụng những vụ đâm chém của mình, biết khoe khoang thể hiện để doạ đời....thì anh Phi Ngọ chắc chắn sẽ là đại ca lừng lẫy tên tuổi ở Hà Nội chứ không phải trong khu Hoàn Kiếm. Anh Phi Ngọ vào trại tù, một mình dám bật cả '' thi đua ''. Bị nhốt vào kiên giam, anh đào tường ra khỏi khu kiên giam vào đêm mưa gió, rồi quăng quần áo lên dây thép gai trèo trốn thoát. Sau anh bị bắt lại vào xà lim, cùm cả tháng, mỗi bữa chỉ nắm cơm trắng ít muối.

Hai anh cùng một trại tù ,các anh gần nhà nhưng cũng chả cùng hội với nhau, mỗi anh một góc trại. Tất cả các '' trách nhiệm '' hay ''trật tự '' và '' thi đua '' đều ngầm bảo nhau tránh các anh. Những hội này đều do cán bộ trại dựng lên, với danh nghĩa là tự quản, nhưng thực chất là nhóm đầu gấu để thi hành luật rừng hộ cán bộ. Trấn lột, đánh đập , quay quắt tù nhân lấy tiền chia chác cho cán bộ. 

Anh Phi Ngọ và Dũng Quái không tham gia các nhóm đó, các anh vốn trước giờ chỉ chiến với kẻ manh hơn. Làm cái việc dựa hơi cán bộ, cậy động để đánh đập những tù mới chả số má gì, chỉ để lấy tiền không phải là cách các anh muốn. Các anh sống trong tù vẫn với bản chất ngoài đời, ngang tàng, anh hùng nhất khoảnh, không áp bức kẻ yếu, không hùa theo kẻ mạnh làm điều mình không muốn.

Hôm tôi mới đến trại, anh Dũng Quái cho bao 555, anh Phi Ngọ cho hộp sữa ông Thọ.

Nhờ thế tôi không bị trận đòn nhập trại của bọn '' trật tự, thi đua ''. Đòn nhập trại là cái ổ khoá to bằng nắm tay, bọc vào cái khăn mặt, nện vào lưng của tù mới hàng chục nhát. Có người bị đánh xong, nằm ốm, đi viện vì dập phổi, gan. Nếu muốn thoát đòn'' nhập trại '' phải có 200 nghìn, hoặc là chỗ quen biết với hội đánh, hoặc có cán bộ vào báo luôn thằng này, thằng kia là người nhà tao.

Anh Phi Ngọ trốn trại, bị vào xà lim rồi chuyển trại khác. Anh Dũng Quái hết án về. Mấy năm sau tôi ra tù, chẳng bao giờ gặp lại các anh. Có năm làm ăn được, muốn tìm hai anh để tạ ơn, nhưng người đồn anh này chết, anh kia trốn nã. Chả biết tìm đâu. Bao thuốc 555 và hộp sữa ông Thọ các anh cho hôm đầu vào trại là có ý nghĩa thông báo với các hôi trong trại về tình cảm của các anh . Ý nghĩa thông báo như thế, trong hoàn cảnh thế thì khó ước định được giá trị vật chất là bao nhiêu. Nhất là anh Dũng Quái, trước nay không bao giờ nhận đàn em, đàn anh gì.

( Nếu bạn nào đọc những dòng này, có biết tin tức gì về anh Dũng Quái, xin báo giúp cho mình )

Cả hai anh đều không có số má, tên tuổi để nhiều người biết. Khối kẻ báo chí đưa tin là đại ca, là trùm băng đảng, dữ dằn, ghê gớm này nọ. Đa phần toàn nhờ cậy đông, tụ tập được nhiều vây cánh, khôn ngoan biết quan hệ, biết đánh bóng mình, biết thị uy, doạ nạt. Tôi đã chứng kiến khi những đại ca ấy đi một mình, nhát như thỏ đế. Gặp đám đông hơn là ngọt xớt anh anh em em. Khi nào đi cùng hội đông . gặp dân lành,người yếu thế thì hung hăng chửi bới, đánh đập lấy số má, lấy oai. Mỗi lần đi đánh ở đâu là phải bắn tin loạn lên, doạ được ai đó thì về kể lể khắp như thành tích ghê gớm lắm.

Buồn cười nhất là những đứa chả bao giờ dám đánh chém trận nào, nhưng rất giỏi làm '' hàng ''. Quần ga, áo ga, mũ cối, kính cơn, đúc tàu đi lại khệnh khạng, tóc tai tiền cua hậụ bít, xăm trổ toàn nhè chỗ người ta dễ nhìn thấy như cánh tay, ngực. Hội nào cũng la cà, người ngoài nhìn tưởng anh chị lắm, chất chác lắm. Nhưng thực ra cả đời chả dám làm gì phạm tội, thấy công an thì xun xoe bóc thuốc mời. Thấy hội nào mạnh mạnh là lân la đến thân thiết như ở trong hội đó, nhóm đó. Đi đâu cũng kể kiểu - à tôi vừa bên chỗ thằng C, vừa ngồi với bọn A...hoặc vừa đi chiến với bọn B. Chiến gì đâu, bọn B đánh đối thủ chạy rồi, mới mò đến khệnh khạng dây phần. Thỉnh thoảng cũng chọn vụ nào ngon ngon, đối tượng hiền lành, vụ việc không có gì để chường mặt ra sớm từ đầu kiếm chút để ra vẻ ta đây số má thật, chơi thật.

Thế mà không chỉ những người dân thường tưởng tay đó là anh chị, mà nhiều khi dân giang hồ ở nơi khác cũng tưởng đó là tay anh chị bản lĩnh, chất chác. Lâu dần có quan hệ , tiếng tăm, tự nhiên thành đại ca. Những loại thế này công an rất thích dùng, vì chúng có thể cung cấp thông tin của các nhóm khác, đổi lại công an làm ngơ cho chúng vài việc chúng làm nho nhỏ, chả chết ai để chúng có duy trì số má. Hoặc khi cần, công an xúi chúng gây chiến nhóm khác, để công an hốt được những tay máu mặt thật sự trong nhóm kia.

Những tay anh chị như Phi Ngọ, Dũng Quái không những ít được đời biết đến, mà còn khó trụ bởi bản tính cương cường, trọng nghĩa.

Ở một góc độ nào đó, có nhiều người đấu tranh cho nền dân chủ cũng ít ai biết đến họ. Tuy rằng họ làm thật  sự những việc hữu ích, nhưng không mấy ai biết đến họ. Vì họ không có nhu cầu kể hoặc muốn nhiều người biết việc họ làm.

So sánh dân anh chị với hình ảnh một số người đấu tranh, có lẽ khiến bạn đọc thấy khập khiễng. Nhưng nhìn chung trong cuộc đấu tranh nào đều có tìm thấy những nét tương đồng. Tuy thành phần đấu tranh và mục đích đấu tranh khác nhau.

 Chả phải có người đã lấy hình ảnh đàn trâu rừng chống chọi lại sư tử để minh hoạ cho sự đấu tranh chống bạo quyền đó sao.?

Chúng ta vẫn lấy cuộc chiến sinh tồn của loài vật để ngẫm nghĩ bài học cho mình, ngay cả cách cư xử của loài vật với nhau cũng đáng học hỏi. Từ con Bim Trắng Tai Đen đến con Ca Dăng, Bấc, Nanh Trắng hay những vật trong gánh xiếc trong Không Gia Đình ai dám nói là không đáng học.

Tôi đã học nhiều thứ để sinh tồn trong cuộc đời này, qua những con vật đó. Đôi khi tôi học nhiều thứ khác từ giới giang hồ./.
Theo face Người buôn gió

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét