Thứ Ba, 11 tháng 8, 2009

Vai so lieu ve " khuc ruot ngan dam " va lam sao de loi dung !!!

Mới tận dụng một nửa nguồn lực kiều bào
10-08-2009 15:05:09 GMT +7
Theo Xuân Linh ( VNN)
Phá bỏ những rào cản trong tư duy, đưa ra những chính sách thông thoáng sẽ giúp phát huy nguồn lực doanh nhân Việt kiều, hiện mới chỉ được khai thác 30-50% - ông Nguyễn Hoài Bắc, doanh nhân Việt kiều Canađa trao đổi nhân Đại hội thành lập Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài diễn ra hôm nay (10/8) tại Hà Nội.
Chuẩn bị vận động, tổ chức từ năm 2006, đến hôm nay, Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài chính thức ra mắt với hơn 200 thành viên. Thời điểm kinh tế suy giảm, cần huy động mọi nguồn lực nên dường như sự ra đời của Hiệp hội có ý nghĩa hơn, thưa ông?
- Theo tôi, lẽ ra chúng ta phải thành lập Hiệp hội doanh nhân Việt kiều từ lâu rồi. Năm 1996, khi trở về Việt Nam, tôi đã làm một văn bản gửi Tổng Bí thư Đỗ Mười và Thủ tướng Võ Văn Kiệt đề xuất thành lập “Việt Nam Tổng công ty Hải ngoại” hay như tên gọi bây giờ là Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài.
Với quan điểm đặt Hiệp hội dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng, tôi cho rằng đây sẽ là kênh giúp huy động nguồn lực vô cùng quý giá cho phát triển kinh tế. Kiều bào có thể đóng góp như một mũi xung kích quan trọng xây dựng đất nước.
Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết xác định kiều bào là nguồn lực không tách rời của đất nước. Với khoảng 3,5-5,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài, họ là một kênh huy động trí tuệ khoa học công nghệ, những ý tưởng mới của thế giới. Có thể nói họ chính là những “đại sứ kinh tế” cho đất nước. Điều này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh sau khủng hoảng, cạnh tranh FDI giữa các nước trở nên gay gắt.
Trong bối cảnh này, doanh nhân Việt kiều có thể đóng góp như thế nào cho đất nước?
- Tại sao người Việt Nam ở nước ngoài muốn về nước đầu tư? Bởi họ tâm huyết, ham muốn làm giàu và làm giàu trên chính quê hương mình, đóng góp cho đất nước phát triển. Trong bối cảnh hiện nay, không thể khẳng định khi nào thế giới, trong đó có Việt Nam, sẽ thoát ra khỏi khủng hoảng và hậu khủng hoảng ra sao, lạm phát có xảy ra hay không.
Nhưng để vượt qua giai đoạn khó khăn, chính sách sẽ là kim chỉ nam, định hướng cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp kiều bào phát triển, góp phần vực dậy nền kinh tế. Chính sách của Chính phủ buộc phải thông thoáng, nếu không, kiều bào sẽ dành nguồn lực đầu tư ở nơi khác. Phải nhìn nhận sòng phẳng như vậy.
Thực sự hành động
Đã có chính sách, cơ sở pháp lý thu hút kiều bào về nước đầu tư được ban hành khá rộng rãi trong những năm qua rồi, thưa ông?
- Muốn có sức bật, phải có nguồn lực. Để thu hút nguồn lực đầu tư, Chính phủ nên chào những gói giá trị cạnh tranh, gia tăng vượt trội. Các đại sứ kinh tế là kiều bào có thể làm tốt sứ mệnh nhưng điều quan trọng còn phụ thuộc vào chính sách của Chính phủ.
Nếu chỉ nói bằng văn bản giấy tờ mà không thực sự hành động thì chúng ta vĩnh viễn tụt hậu và cuộc chạy của chúng ta cũng chỉ là trên giấy.
Tôi đã làm văn bản gửi cho Thủ tướng và Bộ LĐTBXH. Trong điều 126 khoản 2 của Nghị định Chính phủ năm 2007 có quy định cá nhân, tổ chức làm dịch vụ xuất khẩu lao động phải là người VN và 100% vốn VN. Trong khi chúng ta xã hội hóa giáo dục, bà con Việt kiều muốn đầu tư vào giáo dục, đào tạo dạy nghề và chúng ta luôn biết rằng nguồn nhân lực là khan hiếm.
Nghị định này vênh với Luật Doanh nghiệp.
Chúng ta phải nhìn nhận trong 2 năm qua, khi biến động về kinh tế, dòng vốn chảy vào Việt Nam rất thấp.
Bà con Việt kiều gửi về Việt Nam mỗi năm 8-10 tỷ USD, đây là những đồng tiền lãi ròng, khác hẳn với vốn FDI là những đồng lãi sẽ được chuyển ra nước ngoài.
GDP của chúng ta được khoảng 78 tỷ USD, trong đó có bao nhiêu là lãi ròng khi trừ đi chi phí đầu tư? Đó là một vấn đề.
Bà con Việt kiều không đòi hỏi một cơ chế tốt hơn mà chỉ muốn một cơ chế công bằng với người Việt ở trong nước.
Ông trông chờ gì ở vai trò của Hiệp hội doanh nhân Việt kiều?
- Hiệp hội có thể giúp kiến nghị những chính sách với Chính phủ. Nhưng tôi cho rằng, muốn đặt doanh nhân Việt kiều hay kiều bào nói chung vào đúng vị trí của họ, phải phá bỏ những rào cản trong tư duy.
Theo tôi, chúng ta mới tận dụng được 30-50% nguồn lực kiều bào. Trong số 50% còn lại, có nhiều người có tiềm năng rất lớn nhưng giờ có phải là thời điểm để họ quay trở về chưa, đó cũng là câu hỏi nêu ra để xem xét.

CONG LY XA HOI CHU NGHIA VIET NAM

Lâm Đồng: Vì hai con vịt, ba nông dân bị 13 năm tù!
10-08-2009 22:53:08 GMT +7
THANH LƯU

Ba anh nông dân Quyền, Hưng, Long (từ trái qua) tại tòa. Ảnh: THANH LƯU
VKS không tranh luận, bản án không ghi nhận quan điểm của các luật sư. Làm khó phóng viên.
>> Vụ “hai con vịt oan nghiệt”: Cáo trạng mới không có gì mới
Sáng qua (10-8), TAND huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) đã tuyên phạt Trương Ngọc Quyền năm năm tù, Vy Hoàng Bảo Hưng và Vy Kim Long mỗi người bốn năm tù về tội cướp tài sản. Ngay chiều qua, hai trong số ba bị cáo đã đến tòa nộp đơn kháng cáo kêu oan.
Hai con vịt oan nghiệt
Theo cáo trạng, tối 28-9-2008, Quyền cùng bạn bè đang nhậu thì hết mồi. Nhớ ra nhà hàng xóm có một bầy vịt, Quyền sang xin bởi trước đó Quyền từng được nơi này cho một con vịt què. Lần này Quyền không những bị từ chối mà còn bị con trai của chủ vịt “mắng sốc”. Bực bội, Quyền về rủ Hưng, Long, Hà (đã bỏ trốn) sang đánh “thằng nhỏ mà láo” cho bõ tức.
Cả bốn kéo nhau đến chòi vịt, chia thành hai nhóm đi vào. Nghe tiếng chó sủa, người coi vịt cầm đèn pin ra rọi. Trong đêm, Hưng cầm một hòn đá nhỏ chọi về phía người coi vịt. Người coi vịt hoảng, chạy tọt vào chòi, đóng cửa lại cùng con trai chủ vịt ở luôn trong đó. Chờ một lúc không thấy ai, Long bắt hai con vịt đưa cho Quyền rồi tất cả kéo về nhà làm thịt nhậu tiếp.
Sau đó, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt giam Quyền, Hưng, Long hơn ba tháng rồi cho tại ngoại. Tiếp đó, VKS huyện truy tố họ về tội cướp tài sản theo khoản 2 Điều 133 BLHS (khung hình phạt cao nhất đến 10 năm tù) dù Quyền đã bồi thường hai triệu đồng cho nạn nhân, được nạn nhân bãi nại.
Không phải tội cướp?
Ở vụ án này, tòa từng một lần trả hồ sơ và hai lần phải hoãn xử. Tại phiên tòa hôm qua, ba bị cáo đều khai mục đích tới chòi vịt là để đánh con của chủ vịt cho bõ tức chứ không nhằm cướp vịt. Cạnh đó, khi thấy có người soi đèn pin, Hưng nhặt một cục đá nhỏ dưới chân ném về phía ánh đèn để người rọi tắt đèn chứ không phải để cướp.
Tuy nhiên, luận tội, đại diện VKS cho rằng hành vi ném đá là nhằm làm nạn nhân tê liệt ý chí, tạo điều kiện cho các bị cáo cướp hai con vịt. Theo VKS, bốn bị cáo tham gia là tạo nên một sức mạnh đe dọa nạn nhân.
Tranh luận, luật sư Đinh Văn Thảo (Đoàn luật sư TP.HCM) nói một yếu tố bắt buộc của tội cướp tài sản là người phạm tội phải có mục đích chiếm đoạt tài sản. Ở đây, cả ba bị cáo đều khẳng định không bàn bạc gì về chuyện cướp vịt mà chỉ đến chòi vịt dằn mặt con của chủ vịt. Chính kết luận điều tra và cáo trạng thừa nhận điều này, tức là ngay từ đầu các bị cáo đã không có mục đích cướp tài sản. Cũng theo kết luận điều tra, sau khi thấy phía nạn nhân bỏ chạy, các bị cáo đứng đợi gần 10 phút rồi mới lấy hai con vịt về nhậu. Nếu nói họ cướp thì họ đã cướp ngay rồi chứ còn đứng đợi cái gì nữa!
Về mặt khoa học pháp lý, luật sư dẫn chứng Bình luận khoa học BLHS của Chánh Tòa hình sự TAND tối cao Đinh Văn Quế về tội cướp tài sản. Cụ thể, người phạm tội không chỉ cố ý thực hiện hành vi phạm tội mà còn phải có mục đích cướp tài sản. Ý thức chiếm đoạt tài sản của người phạm tội phải có trước khi có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể tự vệ được. Nếu một người có hành vi tấn công vì động cơ và mục đích khác, không nhằm chiếm đoạt tài sản nhưng sau đó người bị tấn công bỏ chạy, để lại tài sản và người có hành vi tấn công lấy tài sản đó thì không phải là tội cướp tài sản. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản trong trường hợp này là không chính xác.
Từ đó, luật sư khẳng định tuy các bị cáo có hành vi vi phạm gây bức xúc nhưng việc truy cứu các bị cáo về tội cướp tài sản là không chính xác.
Một luật sư khác nói đây là một vụ án phức tạp nhưng cơ quan điều tra lại không thu hồi tang vật (cục đá và những khúc cây), không thực nghiệm điều tra. Hơn nữa, cơ quan tố tụng cũng không trưng cầu giám định giá trị của hai con vịt, chỉ ước đoán “theo giá thị trường” rằng hai con vịt trị giá “khoảng 175 ngàn đồng” mà vẫn truy tố, xét xử các bị cáo là vi phạm tố tụng...
Kết luận suy diễn?
Những luận điểm trên của luật sư đều không được kiểm sát viên tranh luận.
Sau khi nghị án, tòa tuyên bố các bị cáo phạm tội cướp và phạt như trên. Theo tòa, sau khi ném đá trúng người coi vịt, các bị cáo đã không có ý định đánh con của chủ vịt nữa mà chuyển sang ý định cướp vịt. Riêng đối với Quyền, tòa nói “trong đầu bị cáo luôn có mục đích là kiếm vịt mang về làm mồi nhậu”.
Trao đổi sau phiên xử, các luật sư cho rằng tòa nhận định như vậy là suy diễn và chủ quan. Xét xử là phải dựa vào chứng cứ chứ không thể nói “trong đầu bị cáo có ý định kiếm vịt về nhậu”. Một luật sư bức xúc: “Chúng tôi đưa ra nhiều vấn đề cần phải làm rõ như vậy mà kiểm sát viên chẳng hề tranh luận. Cạnh đó, trong bản án không có một dòng nào nhắc đến quan điểm của các luật sư, cứ như sự có mặt của chúng tôi chẳng có một chút giá trị nào”.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ án có diễn biến mới.
Làm khó phóng viên
Tại tòa, phóng viên Pháp Luật TP.HCM đã trình giấy giới thiệu để xin phép tác nghiệp. Tuy nhiên, chủ tọa nói giấy giới thiệu này chỉ có ý nghĩa là “được tổng biên tập giới thiệu đến để tham dự phiên tòa chứ không phải đến dự phiên tòa với tư cách nhà báo (!). Giấy giới thiệu thì có thể cấp cho ai cũng được (!)”. Theo đó, chủ tọa cho rằng phóng viên không được tác nghiệp tại phiên tòa nếu... không có thẻ nhà báo?!