Thứ Hai, 12 tháng 10, 2009

CÁCH ĐƯA TIN MẬP MỜ về Nhạc Sĩ ĐẶNG THÁI SƠN



Chuyên nghiệp… nghiệp dư và cách đưa tin mập mờ
Nguyễn Đình Đăng
10/10/2009 3:00 chiều
http://www.talawas.org/?p=11352

Báo Thể thao & Văn hoá (TTVH) số ra ngày thứ Bảy 03/10/2009 có đăng bài với tựa đề “
Học sinh Học viện Âm nhạc liên tiếp giành giải thưởng quốc tế – Vẫn còn khoảng cách xa so với giải của Đặng Thái Sơn!“, phỏng vấn giáo sư – tiến sĩ (GS-TS) Trần Thu Hà, nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (HVANQGVN).
Phóng viên TTVH cho rằng giải nhất cuộc thi piano quốc tế mang tên Chopin (dưới đây gọi là cuộc thi Chopin) mà nghệ sĩ Đặng Thái Sơn đoạt năm 1980 là “thành tựu nổi bật” của HVANQGVN, song bà Hà không hề cải chính. Bà còn khẳng định “mặc dù NSND Đặng Thái Sơn khi tham gia cuộc thi Chopin mới ở tuổi 22, nhưng cuộc thi đó được đánh giá là cuộc thi chính quy dành cho người lớn.” Chưa hết, bà Hà còn nói:
“Một nước tiên tiến, có nhiều sự đầu tư lớn như Nhật Bản, họ cũng mong muốn có những tài năng lớn, nên với họ chỉ cần có một người đại diện cho châu Á đi thi họ cũng đã thấy rất tự hào. Họ cũng đã có nhiều giải cao ở các kỳ thi lớn, nhưng giải cao ở kỳ thi Chopin thì vẫn chưa có.”

Thật đáng ngạc nhiên khi một đại diện gạo cội của làng âm nhạc hàn lâm “chuyên nghiệp” Việt Nam lại bộc lộ tư duy khá là… nghiệp dư! Và cũng rất tiếc khi cả người phỏng vấn lẫn người trả lời phỏng vấn đều nói khá là… mập mờ về cuộc thi âm nhạc quốc tế tại Jakarta (Indonesia) hồi tháng 8 vừa qua, cũng như về các giải thưởng mà các thí sinh Việt Nam đã đoạt. Trên cơ sở những phát biểu như vậy, bài báo đánh giá “Việt Nam có nền âm nhạc cổ điển đứng đầu khu vực” (!)

Dưới đây người viết bài này (NV) hy vọng giúp độc giả đặt sự vật vào đúng chỗ của chúng. Để tránh hiểu nhầm, xin được nói ngay rằng NV không hề có thành kiến với bất cứ ai trong số người phỏng vấn, người trả lời phỏng vấn, cũng như tất cả những người được nhắc tên trong bài báo nói trên.

Giải nhất cuộc thi Chopin mà Đặng Thái Sơn đoạt năm 1980 phải được coi là thành tựu của Nhạc viện mang tên Tchaikovsky của Nga, nơi ông Sơn theo học 3 năm trước khi đoạt giải, và các giáo sư Nga của ông thì mới đúng. Tất nhiên, trước hết đó là kỳ tích của cá nhân ông Đặng Thái Sơn, và còn là của các cụ thân sinh ra ông Sơn là cụ ông Đặng Đình Hưng và cụ bà Thái Thị Liên. Trường âm nhạc Việt Nam (nay là HVANQGVN) đã có công đào tạo Đặng Thái Sơn trong những năm ông học sơ cấp và trung cấp piano tại Việt Nam. Trong bài “
Không cần mạ vàng cho hoa huệ[1] chính Đặng Thái Sơn đã nói như sau: “Tôi bắt đầu đi học khi Việt Nam có chiến tranh, và điều kiện học tập không hề chuyên nghiệp. Tôi đến Maxcơva vào năm 1977 và chỉ được có 3 năm để trở thành một nghệ sĩ dương cầm thực thụ. Đó là một khoảng thời gian ngắn không thể tin được. Sau khi tôi thắng cuộc, tôi quyết định quay về học. Thông thường, người ta bắt đầu sự nghiệp sau khi đoạt giải. Còn tôi thì chỉ cảm thấy là mình chưa sẵn sàng. Và tôi không cảm thấy sẵn sàng cho mãi đến tận năm 1986.“

Đó là chưa nói Việt Nam lúc đầu còn bác bỏ đề nghị của giáo sư Isaac Katz cho Đặng Thái Sơn sang Nga học (35 năm trước, GS Isaac Katz, trong khi sang Việt Nam dạy piano, đã phát hiện ra tài năng của Đặng Thái Sơn). Lý do rất đơn giản: cha của Sơn là cụ Đặng Đình Hưng – một nhân vật của Nhân Văn – Giai Phẩm. “Giáo sư Isaac Katz yêu cầu lần thứ hai, kèm theo lời đề nghị này là thái độ khó khăn với những du học sinh con ông cháu cha, thiếu khả năng thật sự. Ông tạo một sức ép đủ mạnh để người học trò ông chọn phải được dạy dỗ đến nơi đến chốn”
[2]. Trong thư gửi cho cha mình, Đặng Thái Sơn viết: “Con bị ốm nặng bố ạ, có lẽ vì hành trình đi Vac-sa-va quá dài mà con đi bằng xe lửa. Sứ quán bác đơn xin tiền lộ phí của con để đi thi, họ cũng khước từ bảo hộ cho danh xưng của con trong cuộc thi. Nhưng con quyết định liều và giáo sư Na-ta-xon một lần nữa lại giúp con, ông ấy cho con tiền đi đường, tiền thuê dàn nhạc đệm và tiền trọ… Trong cơn sốt 39.5 độ, con đã chảy nước mắt ròng: Các nước tham dự cuộc thi đều được chào cờ và cử quốc ca của mình, mà Việt Nam thì không có – Con tham dự với tư cách thí sinh tự do… Nhưng cũng nhờ sự cay đắng đó mà con gặp được Chopin – Những nỗi đau giao thoa với nhau đã bật lên tiếng đàn của hồn ông…”[3]

Cuộc thi Chopin, được tổ chức 5 năm một lần, cho phép các thí sinh trong độ tuổi từ 17 đến 28 tham gia (Riêng năm 2010, kỷ niệm 200 năm ngày sinh Chopin, cuộc thi lần thứ 16 nới rộng độ tuổi thành từ 17 đến 30). Vì thế Đặng Thái Sơn, đoạt giải năm 22 tuổi, không phải là trẻ trong số những người đoạt giải nhất cuộc thi Chopin. Bản thân ông Sơn cũng công nhận điều này. Trong bài “
Không cần mạ vàng cho hoa huệ” đã dẫn, ông nói: “Thông thường, một nghệ sĩ dương cầm bắt đầu phát triển từ khi còn là một đứa bé con. Có nhiều điều tôi đã không thể làm được khi tôi còn là một đứa bé. Đó là lý do vì sao tôi bị muộn màng thế này.” Một người ở tuổi 22 chắc chắn là một người lớn, chứ không còn là thiếu niên nhi đồng nữa. Luật pháp của đại đa số quốc gia trên thế giới quy định tuổi thành niên (tuổi trở thành người lớn) là khoảng 18 – 21 tuổi (Ví dụ, Việt Nam: 18 tuổi đối với nữ và 20 tuổi đối với nam, Nhật Bản: 20 tuổi, Hoa Kỳ: 21 tuổi).

Những người trẻ tuổi đoạt giải nhất cuộc thi Chopin là:
- Maurizio Pollini (Italia, 18 tuổi, đoạt giải năm 1960)
- Krystian Zimerman (Ba Lan, 19 tuổi, đoạt giải năm 1975)
- Stanislav Bunin (Nga, 19 tuổi, đoạt giải năm 1985)
- Yundi Li (Trung Quốc, 18 tuổi, đoạt giải năm 2000)

Khi nói người Nhật vẫn chưa có “giải cao” tại cuộc thi Chopin, chắc bà Hà nghĩ “giải cao” chỉ là giải nhất.

Thực sự cuộc thi Chopin có 5 giải, và người Nhật đã nhiều lần đoạt giải tại cuộc thi này (chỉ còn thiếu giải nhất), cụ thể là:
giải nhì: Mitsuko Uchida (năm 1970);
giải ba: Yukio Yokohama (năm 1990, không có giải nhất);
giải tư: Hiroko Nakamura (năm 1965),
Michie Koyama (năm 1985),
Shohei Seikimoto và Takashi Yamamoto (năm 2005);
giải năm: Akiko Ebi (1980),
Takako Takahashi (1990, không có giải nhất),
Rika Miyatani (1995, không có giải nhất).

Thần đồng piano Nhật Bản Aimi Kobayashi (sinh năm 1995). Xem Aimi Kobayashi chơi Chopin tại YouTube:
http://www.youtube.com/watch?v=4dwmMJzoSlo&feature=related

Nền âm nhạc cổ điển của Nhật Bản có lịch sử hơn 100 năm. Bại trận trong đại chiến thứ 2, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, là nước duy nhất trên thế giới bị ném bom nguyên tử (tới 2 quả!), Nhật Bản đã vươn lên một cách phi thường, và đã cải tổ không ngừng, trở thành cường quốc thứ 2 trên thế giới. Ngày nay Nhật Bản có một mạng lưới nhạc viện và trường nhạc dày đặc, trình độ dạy nhạc và học nhạc cao, các phòng hoà nhạc hiện đại vào bậc nhất thế giới, nhạc cụ đầy đủ, chất lượng tốt, được bảo hành thường xuyên, trình độ thưởng thức âm nhạc cổ điển của công chúng cũng ở mức cao. Nước Nhật có tới 20 dàn nhạc giao hưởng chuyên nghiệp
[4]. Ngoài ra còn rất nhiều dàn nhạc giao hưởng nghiệp dư biểu diễn thường xuyên. Nước Nhật tự mình sản xuất ra các nhạc cụ nổi tiếng thế giới như Yamaha piano kể từ hơn 100 năm trước.

Người Nhật từng đoạt giải nhất tại nhiều cuộc thi âm nhạc quốc tế kể cả cuộc thi âm nhạc lừng danh mang tên Tchaikovsky (piano: Akiko Uehara, năm 2002; violin: Akiko Suwanai năm 1990, và Maiuko Kamio năm 2007). Đem âm nhạc hàn lâm của ta ra đặt cạnh âm nhạc hàn lâm của Nhật Bản khác nào đứng dưới đáy vực mà nhìn lên đỉnh núi. Cho nên, việc người Nhật đoạt giải nhất tại cuộc thi Chopin chỉ là vấn đề thời gian trong tương lai gần. Trong khi đó, NV thật không muốn nghĩ rằng, đối với Việt Nam,
hiện tượng Đặng Thái Sơn tại cuộc thi Chopin năm 1980 chắc chỉ còn là câu chuyện của lịch sử.

Trên thế giới hàng năm có rất nhiều cuộc thi âm nhạc quốc tế. Tuy nhiên chỉ có những cuộc thi nằm trong danh sách thành viên của Liên đoàn Thế giới của Các cuộc thi Âm nhạc Quốc tế (
World Federation of International Music Competitions, WFIMC) như cuộc thi Chopin mới có tầm cỡ được quốc tế công nhận.

Theo danh sách các thành viên của WFIMC
[5], châu Á có 12 thành viên từ 3 nước là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, bao gồm 6 cuộc thi tại Nhật Bản: piano ở Hamamatsu, opera ở Hamamatsu, sáo ở Kobe, organ ở Tokyo, âm nhạc ở Sendai, nhạc thính phòng ở Osaka, 3 cuộc thi tại Hàn Quốc: kèn ở Jeju, cello ở Tongyeong, âm nhạc ở Seoul, và 3 cuộc thi tại Trung Quốc: piano ở Hạ Môn, violon ở Thanh Đảo, thanh nhạc ở Ninh Ba. Khu vực Đông Nam Á chưa có cuộc thi nào lọt vào danh sách thành viên của WFIMC.

Cuộc thi tại Indonesia mà bài báo tại TTVH đề cập có tên là ASEAN International Concerto Competition (AICC) lần thứ 3 tại Jakarta từ 7 đến 16/8/2009. Cuộc thi này được tổ chức 2 năm một lần, và dĩ nhiên không phải là thành viên của WFIMC. Theo website của cuộc thi
[6], cuộc thi này dành cho các thí sinh từ 13 đến 24 tuổi tức là từ thiếu niên đến người lớn. Theo bảng kết quà cho bộ môn piano[7] ta thấy:
Bảng C (trình độ cao nhất, tương đương đại học, từ 19 tới 24 tuổi)
Giải nhất: Gee Hyung Ha (Hàn Quốc)
Không có giải nhì và giải ba
Lọt vào chung kết
: Nichapat Valaiphatchra (Indonesia)
Chỉ có 4 thí sinh tham dự bảng này.
Bảng B (trình độ trung bình, tương đương trung cấp, từ 13 tới 18 tuổi)
Giải nhất: Joseph Nakaya Clarence (Indonesia) và Jiaqi Jin (Trung Quốc)
Không có giải nhì
Giải ba: Kansiri Laothamatas (Thái Lan)
Có 28 thí sinh tham dự bảng này.
Bảng A (trình độ thấp nhất, tương đương sơ cấp, dưới 13 tuổi)
Giải nhất: Đỗ Hoàng Linh Chi (Việt Nam), Tin Jing Fang (Trung Quốc) và Jennifer Salim (Indonesia)
Giải nhì: Janice Carissa (Indonesia)
Giải ba: Vidia Karlan (Indonesia) và Nguyễn Lương Minh (Việt Nam)
Có 39 thí sinh tham dự bảng này.
Trong bảng A này thí sinh phải chơi những tác phẩm sau:
Vòng 1: một etude của Czerni hoặc Mozkowski và một Invention hoặc sinfonia của Bach. Thời gian tổng cộng không quá 8 phút.
Vòng 2: một chương của một sonate thời kỳ cổ điển do thí sinh tự chọn và một tác phẩm bất kỳ do thí sinh tự chọn (không quá 5 phút). Thời gian tổng cộng không quá 15 phút.
Vòng 3: Chương 1 piano concerto cung Re trưởng của Haydn (chơi với một người đệm bằng piano thứ 2 thay cho dàn nhạc)

Như vậy, trong bộ môn piano tại AICC, Việt Nam có 1 thí sinh đoạt giải nhất (cùng với 1 thí sinh Trung Quốc và 1 thí sinh Indonesia) và 1 thí sinh đoạt giải ba (cùng với 1 thí sinh Indonesia) ở bảng A – bảng trình độ sơ cấp. Việt Nam không có ai đoạt giải tại hai bảng cao hơn là bảng B và C. Kết quả như vậy dĩ nhiên là hơn 33 thí sinh không đoạt giải gì ở bảng sơ cấp. Nếu qua các cuộc thi như thế này, các nhạc công tương lai của Việt Nam có thêm hứng khởi, rèn luyện được thêm bản lĩnh biểu diễn, biết được mình đứng ở đâu để tiếp tục phấn đấu thì đó quả là điều bổ ích cho sự nghiệp âm nhạc của họ sau này. Tuy nhiên, nếu dựa vào đây để khẳng định rằng HVANQGVN là trường “hàng đầu trong khu vực” hay “Việt Nam có nền âm nhạc cổ điển đứng đầu khu vực” thì e rằng hơi… quá trớn, ít nhất về piano – chuyên ngành của bà GS-TS, người trả lời phỏng vấn.
Nói một cách khác, những bằng chứng cho thấy “HVANQGVN là trường hàng đầu trong khu vực” hay “Việt Nam có nền âm nhạc cổ điển đứng đầu khu vực”
hoàn toàn vắng bóng trong bài phỏng vấn nói trên.

Đây không phải là lần đầu tiên NV buộc phải… động phím gõ về cách đưa tin nhập nhằng của một số tờ báo trong nước. Trong bài “
Đừng coi thường độc giả[8] NV cũng đã đề cập tới tình trạng này. Xem ra các tràng pháo háo danh của người Việt chúng ta vẫn tiếp tục nổ giòn giã[9]. Dường như từ lâu những tiếng nổ đó đã hoàn toàn át mất tiếng lòng sâu lắng của lương tâm: Hãy thành thực với chính mình và với mọi người, dù chỉ một lần.

Tokyo 8/10/2009
© 2009 Nguyễn Đình Đăng
© 2009 talawas blog


------------------------------------------------

[1] Xem: http://ribf.riken.go.jp/~dang/Lily.htm
[2] Hoàng Khởi Phong, Đặng Thái Sơn: công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy, talawas 29/3/2005. Chú ý: bài của Hoàng Khởi Phong có một số chi tiết sai, ví dụ ĐTS sang Nga năm 1976 (thực ra là năm 1977), khi đi thi Chopin ĐTS đã tốt nghiệp nhạc viện Tchaikovsky (thực ra khi đó ĐTS là sinh viên năm thứ 3), ĐTS được cấp học bổng 60 rúp một tháng (thực ra học bổng của tất cả sinh viên Việt Nam học tại Liên Xô thời đó là 70 rúp một tháng), v.v.
[3] Theo Thế Giang, Cay đắng nở hoa. Chú ý: Thế Giang đã nhầm khi viết rằng GS Natason đã sang Hà Nội. Người sang Hà Nội năm 1974 và phát hiện ra ĐTS là GS Isaac Katz.
[4] Xem danh sách tại http://network-japan.gallerytokyo.com/culture/orchestras.html
[5] Xem danh sách tại http://www.fmcim.org/comp/city.php?lang=en&cols=2
[6] Xem http://aicc.sekolahmusikjakarta.com/Home.html
[7] Xem http://www.alink-argerich.org/resultslist2009.htm
[8] Cũng đăng tại http://ribf.riken.go.jp/~dang/mcf.htm
[9] Rất mừng là chưa có ai trong số những nhân tài đã đoạt giải tham gia vào các vụ “nổ” nói trên.


Phản hồi

classicalmood nói:
10/10/2009 lúc 10:47 chiều
Cảm ơn anh Nguyễn Đình Đăng đã trích dẫn những chi tiết vô cùng nhạy cảm và chính xác về kỳ tích Đặng Thái Sơn. Nhớ lại những năm đầu thập niên 80s khi Đặng Thái Sơn đoạt giải nhất Chopin (người đầu tiên đoạt cả 4 giải lớn trong cuộc thi: Chopin, Poland National Radio và hai giải nữa tôi không nhớ rõ) đồng bào trên cả nước háo hức làm sao nhưng có ngờ rằng các sự thật liên quan đến thành tích này lại chua xót và bỉ ổi như thế. Nay tôi mới vỡ lẽ rằng các bài báo thời đó không bao giờ nhắc đến tên thân phụ Đặng Thái Sơn, cụ Đặng Đình Hưng vì việc ông liên quan đến nhóm Nhân Văn Giai Phẩm. Một chi tiết lý thú khác (cần được kiểm chứng http://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%A7n_Thu_H%C3%A0_%28ngh%E1%BB%87_s%C4%A9_piano%29) là bà Trần Thu Hà, tiêu điểm trong bài viết, lại là chị em cùng mẹ khác cha với Đặng Thái Sơn! Có hay chăng vì muốn giữ chỗ đứng của mình mà đã phát những điều trái với sự thật (hoặc không đầy đủ) mà bà có lẽ biết vì là người trong gia đình?


Đức Chính nói:

10/10/2009 lúc 10:36 chiều
Cảm ơn bài viết của Bác Nguyễn Đình Đăng.
Đọc xong bài viết này có nhiều thông tin xác lập hơn về Nghệ sỹ Đặng Thái Sơn, người đọc hiểu được NS ĐTS đã lựa chọn đúng cho con đường đi của ông.
Bài viết đã cho lớp trẻ hiểu thêm nhiều về những nếp nghĩ, cách hành xử quái thai của cán bộ thời kỳ trước đây. Đặc biệt khi xét tới các quan hệ “nhậy cảm”. Và đương nhiên là câu chuyện cũ rích về cái đặc quyền khi xem xét cho con em cán bộ đi nước ngoài học thay vì vào chiến trường.


Trà Đoá nói:
10/10/2009 lúc 9:28 chiều
Bài của ông Nguyễn Đình Đăng đã đưa ra vài sự thật về Đặng Thái Sơn mà chắc không nhiều người biết. Có điều lạ là các quan chức văn hóa của Đảng chưa bao giờ có chút ngượng ngùng nào khi luôn lấy Đặng Thái Sơn làm niềm tự hào cho mình:
“Con bị ốm nặng bố ạ, có lẽ vì hành trình đi Vac-sa-va quá dài mà con đi bằng xe lửa. Sứ quán bác đơn xin tiền lộ phí của con để đi thi, họ cũng khước từ bảo hộ cho danh xưng của con trong cuộc thi. Nhưng con quyết định liều và giáo sư Na-ta-xon một lần nữa lại giúp con, ông ấy cho con tiền đi đường, tiền thuê dàn nhạc đệm và tiền trọ… Trong cơn sốt 39.5 độ, con đã chảy nước mắt ròng: Các nước tham dự cuộc thi đều được chào cờ và cử quốc ca của mình, mà Việt Nam thì không có – Con tham dự với tư cách thí sinh tự do… Nhưng cũng nhờ sự cay đắng đó mà con gặp được Chopin – Những nỗi đau giao thoa với nhau đã bật lên tiếng đàn của hồn ông…”
“Việt Nam có nền âm nhạc cổ điển đứng đầu khu vực” (??) « Dương Minh nói:
10/10/2009 lúc 8:33 chiều
[...] Nguyễn Đình Đăng – Chuyên nghiệp… nghiệp dư và cách đưa tin mập mờKenneth Lieberthal – Bang giao Trung Quốc-Hoa Kỳ: các vấn đềĐảng phải dân chủ [...]


Vương Thục Mỹ nói:
10/10/2009 lúc 6:35 chiều
@ “mập mờ… và ngớ ngẩn”
Nhân ông N. Đ. Đăng cung cấp cho một account đầy thẩm quyền về tính chất “khá nghiệp dư” trong phán xét và nhận định ngay trong lãnh vực của mình của một GS TS âm nhạc đã từng là GĐ Trường Âm nhạc Hà Nội cũng như sự đưa tin khá mập mớ của một phóng viên âm nhạc, tôi nghĩ có nhiều phần cũng đều là do cái dốt mà ra cả thôi. Tôi chợt nhớ cũng có một ký giả phỏng vấn ĐT Sơn sau khi ông đọat giải nguyên khôi Chopin đã đặt một câu hỏi như thế này: “Hiện nay trên thế giới còn có những nhạc sĩ nào là đối thủ của anh?”
Biết chết liền!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét