Thứ Hai, 12 tháng 10, 2009

LƯƠNG TÂM và TÔN GIÁO

Lương tâm và tôn giáo
Trần Quốc Việt
11/10/2009 1:08 sáng
http://www.talawas.org/?p=11346
Qua các vụ trấn áp tôn giáo gần đây, đặc biệt qua sự hành xử của chế độ trong vụ Bát Nhã, niềm hy vọng về một sự thức tỉnh lương tâm trong tầng lớp cầm quyền của chế độ đã thành ảo vọng. Chế độ tự nó không có lương tâm, nhưng chế độ là tập hợp những cá nhân cụ thể ít nhiều đều có lương tâm hẳn hoi. Song đứng trước một cỗ máy cai trị sẵn sàng nghiền nát tất cả những gì nó xem là vật cản trong hiện tại và tương lai, lương tâm của nhiều cá nhân tự động chùn lại và khép mình trong tiếng thở dài cam phận hay lẩn khuất dưới bóng của mái ấm gia đình hay danh vọng.

Chế độ toàn trị sống được là nhờ bạo lực và dối trá. Hai cái này hợp lại và, qua thời gian, đã bào mòn dần các lớp men lương tâm tích lũy từ thời sơ khai của tiến hóa. Cho nên ở Việt Nam có cảnh một em bé bị chủ của quán phở hành hạ dã man bao năm trời mà không ai lên tiếng. Cảnh đám người hiếu kỳ dửng dưng nhìn người bị đụng xe nằm trên đường phố. Cảnh đám đông bị lùa vào các quán cơm tù ngay khi các xe khách ghé vào. Cảnh đánh ghen mà nạn nhân bị lột trần truồng, bị xúc phạm thân thể trước hàng trăm cặp mắt thờ ơ bên lề. Cảnh bao thiếu nữ lui tới các nơi phá thai công khai như đi chợ. Cuộc sống nhân phẩm đã bị hủy diệt từ rất lâu ở mức độ cá nhân trong thời gian quá dài so với đời người, cho nên các sự kiện đàn áp tôn giáo vừa qua là giọt nước cuối cùng làm tràn cái ly vô lương tâm của chế độ khi nó dùng bạo lực trấn áp giới tu sĩ và những người thực hành tôn giáo. Biến cố Bát Nhã là đỉnh cao của bạo lực vì làm tổn thương đến nền văn minh tâm linh và đạo lý của con người. Quyền lực xui khiến những kẻ bên trên cam tâm đi ngược lại hướng tiến hoá của lương tâm con người, còn sự sợ hãi làm đa số ở phía dưới câm lặng và nhẫn nhục trước bao cảnh bất công cá nhân trong đời thường, rồi tiếp tục ngoảnh mặt trước những cảnh bất công lớn hơn ngoài xã hội, rồi dần biến thành một đám đông thầm lặng cùng khiếm khuyết một phần lương tâm bình thường, như lương tâm bình thường của người dân trong các nước theo thể chế dân chủ và tự do.

Nền tảng của tôn giáo là sự yêu thương, đối nghịch với sự bạo lực chính trị nhân danh ý thức hệ. Nhưng ý thức hệ nào chăng nữa cũng chỉ là phần thế tục tạm bợ, còn tôn giáo là lĩnh vực thiêng liêng trường cửu như lòng yêu nước tiềm tàng trong mỗi dân tộc. Theo nhà văn người Anh George Orwell, Marx nhìn tôn giáo với ánh mắt trân trọng và nhân ái, khác hẳn với những tín đồ của bạo lực mượn tên ông làm điều Ác. Tác giả của Trại súc vật viết như sau:
“Chính những kẻ hủy diệt nền văn minh của chúng ta đôi lúc cũng ý thức về điều này. Câu nói nổi tiếng của Marx, ‘tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân’, thường bị cắt ra khỏi ngữ cảnh của nó rồi bị gán một ý nghĩa khác một cách tinh tế nhưng vẫn rất khác ý nghĩa ông muốn nói đến. Marx, dù sao trong đoạn văn ấy, đã không nói rằng tôn giáo đơn thuần là một liều thuốc phiện do bên trên ban xuống; ông nói rằng tôn giáo là cái gì đó do nhân dân tạo ra cho mình để cung cấp một nhu cầu mà ông thừa nhận là có thực. ‘Tôn giáo là tiếng thở dài của linh hồn trong một thế giới không có linh hồn. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân.’ Phải chăng điều ông muốn nói đơn thuần rằng con người không sống chỉ nhờ vào bánh mì, rằng sự hận thù là không đủ, rằng một thế giới đáng sống không thể dựa trên nền tảng của ‘chủ nghĩa hiện thực’ và súng máy? Giá mà ông thấy trước được ảnh hưởng trí thức của ông sẽ lớn lao như thế, có lẽ ông sẽ lặp lại lời của mình thường xuyên hơn và vang vọng hơn.”
[1]

Tôi đọc ở đâu đó rằng trước khi nhắm mắt, Marx xin gặp một linh mục và nói rằng “Tôi không phải là một người mác-xít”.
Người ta nhìn thấy biểu tượng của thế giới không có linh hồn ấy qua bức hình Mao nhìn xuống cuộc duyệt binh ở Quảng trường Thiên An Môn vừa qua. Sáu mươi năm cái Ác ngự trị được kỷ niệm bằng cuộc phô trương trơ trẽn công cụ của bạo lực – súng ống và binh lính – ở một nơi mà mùi máu oan khuất của bao thanh niên Trung Quốc dường như vẫn còn phảng phất đâu đây, cho dù bao dấu vết của cuộc thảm sát trong đêm ấy đã được chùi rửa sạch bóng từ hai mươi năm về trước.

Trái ngược hoàn toàn với Mao, Đức Dalai Lama là biểu tượng của thương yêu và là niềm hy vọng vào vẻ đẹp vĩnh cửu của lòng nhân ái trong một thế giới vẫn còn cái Ác. Ông thường kể câu chuyện rằng các nhà sư Tây Tạng, sau khi đào thoát đến Ấn Độ, đã đến gặp ông, tâm sự rằng điều họ sợ nhất khi đang ở trong tù là họ sợ một ngày nào đó họ không còn thương yêu những kẻ cai tù hành hạ họ nữa. Tín đồ thật sự còn sót lại của Mao ở Trung Quốc không nhiều, nhưng số lượng người mến phục Đức Dalai Lama ngày càng tăng ở nhiều quốc gia.
Nếu Mao từng nói: “Chủ nghĩa cộng sản không phải là thương yêu. Chủ nghĩa cộng sản là cái búa chúng ta dùng đẻ đập nát kẻ thù”, thì Đức Dalai Lama nói, “Tôn giáo của tôi rất đơn giản. Tôn giáo của tôi là tình thương.” Vì thế ta không lấy làm lạ khi biết rằng vài tuần trước lúc nhắm mắt, ông Triệu Tử Dương đã ngỏ ý nhờ Đức Dalai Lama cầu siêu cho ông. Ước vọng của nhà lãnh đạo một thời của Trung Quốc, mà số phận gắn liền với sự kiện Thiên An Môn, đã được toại nguyện
[2].
Và hôm nay, giá mà tận mắt chứng kiến cảnh các tăng ni đầu xanh tuổi trẻ ở Bát Nhã đứng âm thầm dưới mưa hàng giờ nhìn cái Ác hoành hoành qua những cánh tay bạo lực nối dài của chế độ, những người dân bị kích động, Đức Dalai Lama chắc sẽ xót thương cho những quần chúng xã hội đen này nhiều hơn cả các tăng ni bị nạn như ông từng nhắc nhở người Tây Tạng rằng công an hay cán bộ thi hành lệnh của chế độ “theo luật Nhân Quả, họ sẽ dễ bị đầu thai vào các kiếp đời khốn khổ và hèn mọn, và bổn phận của chúng ta đối với họ, cũng như đối với mọi sinh linh khác, là giúp họ lên được Niết Bàn, thay vì để họ chìm xuống các tầng thấp hơn của sự luân hồi.”
[3]

Cách đây hơn hai ngàn năm, Chúa Jesus kêu lên lần cuối khi bị đóng đinh trên cây thập giá: “Cha ơi, hãy tha thứ cho họ; vì họ không biết việc họ làm…” Tiếng kêu bi thương ấy đã hiện lên trong lòng bao tín hữu Thiên chúa ở Tam Toà và Đồng Hới khi thấy các cha và linh mục bị đánh đập, nhà thờ bị xây kín. Tinh thần thương yêu ấy càng đậm nét hơn qua ánh đạo vàng từ bi và qua những giọt nước mắt nhòe trong mưa của bao mái đầu xanh khao khát muốn tìm lại lương tâm cá nhân đích thực mà thế hệ cha anh đã đánh mất trong đêm dài mịt mùng của lịch sử.

© 2009 Trần Quốc Việt
© 2009 talawas blog

-------------------------------------

[1] George Orwell, My Country Right Or Left 1940-1943, Edited by Sonia Orwell and Ian Augus,Harcourt Brace Jovanovich 1968, trang 18
[2] Time Magazine, ấn bản phát hành tại Mỹ 19/3/2008
[3] My Land and My People, Memoirs of the Dalai Lama of Tibet, Potala Corporation, 1983 trang 233-234


Phản hồi

VanLang nói:
11/10/2009 lúc 3:18 sáng
Trần Quốc Việt: “Tôi đọc ở đâu đó rằng trước khi nhắm mắt, Marx xin gặp một linh mục và nói rằng ‘Tôi không phải là một người mác-xít’.”

Câu nói trên của Marx là do bạn ông (Frederick Engels) kể lại trong một bức thư, nguyên văn như sau: “Nor have you any other source, i.e. other than Malon at second hand, for your reiterated assertion that in France ‘Marxism’ suffers from a marked lack of esteem. Now what is known as ‘Marxism’ in France is, indeed, an altogether peculiar product — so much so that Marx once said to Lafargue: ‘Ce qu’il y a de certain c’est que moi, je ne suis pas Marxiste.’ [If anything is certain, it is that I myself am not a Marxist]”

Nguyên văn bức thư của Engels có thể đọc được ở đây:
http://www.marxists.org/archive/marx/works/1882/letters/82_11_02.htm#356

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét