Thứ Hai, 9 tháng 8, 2010

Na Uy sửa sách giáo khoa chiến tranh Việt Nam

Na Uy sửa sách giáo khoa chiến tranh Việt Nam

http://luongtamconggiao.wordpress.com/2010/08/10/na-uy-s%e1%bb%ada-sach-giao-khoa-chi%e1%ba%bfn-tranh-vi%e1%bb%87t-nam/
10.08.2010

Vũ Quí Hạo Nhiên/Người Việt

Một bức hình nạn nhân cuộc thảm sát Mậu Thân nay đã được ghi chú chính xác lại, sau nhiều năm bị sách giáo khoa ở Na Uy gán cho vụ Mỹ Lai. Ðó là một thay đổi nhỏ, trong nhiều thay đổi, mà một bác sĩ gốc Việt cho là “cần chấn chỉnh trong sách giáo khoa” nước này.

Ðó là một bức hình khá quen thuộc. Người phụ nữ gầy gò, nắm chặt chiếc nón lá, vật vã khóc thương bên xác thân nhân mình. Ðây là bức hình quen thuộc mà rất nhiều người nhận ra là cảnh sau Tết Mậu Thân, tại cố đô Huế, khi người ta khám phá ra những nấm mồ tập thể chôn hàng ngàn nạn nhân bị Cộng Sản giết chỉ trong vài ngày chiếm đóng cố đô.

Nhưng, trên một cuốn sách giáo khoa của nhà xuất bản Cappelen, được sử dụng rất nhiều tại Na Uy, tấm hình này lại bị ghi chú khiến người đọc có cảm tưởng đây là nạn nhân vụ Mỹ Lai. Lỗi lầm quá rõ rệt này khiến hai người Na Uy gốc Việt lên tiếng, không phải chỉ vì bức hình đó, mà vì nhiều dấu hiệu thiên vị khác trong sách giáo khoa Na Uy.

Hai người này là ông Tạ Văn Thông và Bác Sĩ Nguyễn Ngọc Khang. Trên một bài tham luận đăng trên báo Aftenposten ngày 21 tháng 4, 2010, hai tác giả phân tích cả một nền giáo dục Na Uy, trong đó cuộc chiến Việt Nam được dạy mà không có một chút bóng dáng nào của người dân miền Nam Việt Nam.

Cuốn sách mà hai tác giả này chú trọng vào, là sách của nhà xuất bản Cappelen. Giống như ở Mỹ, ở Na Uy nhà nước không ép buộc dùng sách giáo khoa nào, mà tùy các trường quyết định, và Cappelen là một trong hai nhà xuất bản sách giáo khoa lớn nhất Na Uy.

“Thật là sai trái, theo chúng tôi, khi mà sách giáo khoa Na Uy lại trình bày chiến tranh Việt Nam như một cuộc chiến tranh Mỹ,” hai tác giả Tạ Văn Thông và Nguyễn Ngọc Khang viết. “Tình hình là như vậy, sách sử của nhà Cappelen in năm 2008 dùng cho trường trung học, với Kennedy, Johnson, Nixon và Martin Luther King. Về năm mà Mỹ mang quân tới Việt Nam và năm họ rút ra. Về số người Mỹ thiệt mạng tại đó.”

Chiến tranh Việt Nam không có Việt Nam

“Học sinh, vì vậy, được học hình ảnh người lính Mỹ và phóng viên Mỹ tiến về phía trước. Tại sao người miền Nam Việt Nam lại vắng mặt ngay trên đất nước của họ, mặc dù họ từng chiến đấu trong cuộc chiến ngày xưa đó, đánh nhiều trận đánh và hy sinh 250,000 người lính, so với 58,000 lính Mỹ?” – hai tác giả bài báo này viết.

Trong một cuộc phỏng vấn tại tòa soạn nhật báo Người Việt, Bác Sĩ Khang nói thêm về những điều không công bằng trong sách giáo khoa Na Uy: “Những trang viết về chiến tranh Việt Nam thì họ nói chẳng hạn chế độ Việt Nam Cộng Hòa tham nhũng, độc tài, không có gì tốt hơn, xong họ còn viết mấy hàng về cuộc thảm sát Mỹ Lai của Mỹ, xong rồi dường như để minh họa phần đó, họ in hình của người đàn bà này và họ ghi đây là người đàn bà đang khóc chồng sau một vụ thảm sát. Tuy họ không nói thẳng, cách họ làm khiến người đọc có cảm tưởng đây là hình từ vụ Mỹ Lai.”

Chiến tranh Việt Nam


Bác Sĩ Khang có một giả thiết về lý do tại sao người Mỹ xem nhẹ công lao của miền Nam Việt Nam trong cuộc chiến đã qua. Giả thiết của ông dựa trên một lý thuyết của giới trí thức cấp tiến ở Mỹ, thuyết “Orientalism.”

Theo thuyết “Orientalism,” người phương Tây có cái nhìn lệch lạc về người phương Ðông, trong đó “họ không cho người phương Ðông là con người bình thường, có suy nghĩ, có hành động của một cá nhân như người phương Tây. Mặc khác, họ có hai cách nhìn nhận, một là thần thoại hóa con người phương Ðông, hai là hạ cấp hóa con người phương Ðông.”

Về thần thoại hóa, Bác Sĩ Khang cho rằng “họ thần thoại hóa phe Cộng Sản Việt Nam,” còn hạ cấp hóa, thì, theo ông, “họ hạ cấp hóa kẻ thù, họ nói bỏ bom vào thời kỳ đồ đá thì họ hạ cấp hóa kẻ thù Cộng Sản,” và hơn thế nữa, “họ hạ cấp hóa chính đồng minh của họ.”

Bác Sĩ Khang trích dẫn Giáo Sư Renny Christopher, Ðại Học Cal State Channel Island, và trong chuyến đi du lịch qua Mỹ, ông đã bỏ công ra lái xe lên Channel Island để phỏng vấn giáo sư này.

Chỉnh sửa tấm hình

Ngay sau khi viết bài tham luận, hai tác giả gởi bài viết tới nhà xuất bản Cappelen, và ngạc nhiên đạt được kết quả gần như ngay lập tức. Bác Sĩ Khang kể lại với Người Việt: “Chúng tôi gởi email tới nhà xuất bản… hỏi xin cho biết ý kiến về bài báo của chúng tôi. Ngày hôm sau nhà xuất bản trả lời.”

Bức hình nạn nhân vụ thảm sát Tết Mậu Thân, bị sách giáo khoa Na Uy gán cho Mỹ Lai, nay được đính chính nhờ sự can thiệp của hai tác giả Tạ Văn Thông và Nguyễn Ngọc Khang.


Nhà xuất bản cho biết: “Sau bài này, chúng tôi phải đi hỏi lại cơ quan cho chúng tôi hình và chúng tôi công nhận rằng lời của chúng tôi là sai.”

Họ sửa lại lời chú thích, và mới bắt đầu sửa trên Internet. Tuy nhiên, nhà Cappelen cũng báo với Bác Sĩ Khang, rằng “trong kỳ tái bản sắp tới chúng tôi sẽ sửa lại.”

Trong hàng chữ mới, ghi trên Internet, theo Bác Sĩ Khang: “Tôi có thấy họ nói là năm 1968, Cộng Sản tấn công Việt Nam Cộng Hòa và phía bên Mỹ lúc chiếm lại được Cố đô Huế họ thấy Cộng Sản giết mấy ngàn người dân sự bị cho là cộng tác với phía địch.”

Vui mừng với kết quả đạt được, hai tác giả tiếp tục viết cho nhà xuất bản khác. “Họ nói là chúng tôi sẵn sàng nghe ý kiến của các anh, các anh cứ viết một danh sách cho biết sử liệu nào chúng tôi viết có phần sai, chúng tôi sẽ đưa cho tác giả để tác giả xem xét ý kiến đó,” Bác Sĩ Khang kể lại.

Hai tác giả Tạ Văn Thông và Nguyễn Ngọc Khang cùng làm việc với hội người Việt tị nạn tại Na-Uy để tiếp tục thay đổi những điều chênh lệch trong sách giáo khoa Na Uy. Bác Sĩ Khang cho biết, khi thấy sách viết sai về Việt Nam: “Nhiều người nói thấy vậy cũng tức, cũng nói cho con biết cái nào đúng, cái nào sai, nhưng tôi chưa thấy người nào viết lên báo, phản đối về những điều viết sai trong sách giáo khoa. Hoặc có thể họ làm rồi nhưng tôi chưa biết tới.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét