Entry trước, tớ lấy hình tượng con ”kỳ đà bị cái đuôi của nó thọc vào họng" nhằm nói đến sự bất lực của các cơ quan lãnh đạo cao nhất, đặc trách văn hoá tư tưởng càng ngày càng bị cái đuôi văn hoá - văn nghệ của các vị ấy, đã coi các lời tuyên và giáo của các vị cao nhất nghành tuyên giáo chẳng có một ly ông cụ giá trị gì(!) bằng các hành động cụ thể trong sáng tác, biểu diễn, xuất bản (công khai và “chui”), bằng những lý lẽ bác bỏ công khai các lý luận kiên trì Mác-Lê đầy tội lỗi của các vị Mác-Lê-Mao tiền nhiệm và đương nhiệm! v.v...
Tưởng mình đã khá là… ”bạo phổi” Vậy mà... chỉ một tuần sau,đọc trên các trang web, blog... của các nhà văn (hầu hết đều có thẻ Đảng) trước thềm Đại Hội Nhà Văn lần VIII mới thấy các nhà văn trẻ (với tớ) ngày nay hơn hẳn lũ chúng tớ một vài cái đầu. Họ dám nói dám viết ra những điều mà cách đây 40 năm thì chỉ có mà... ”Cả nhà xuống hố”. Trước khi đọc entry mới của tớ, hãy vào những đường link sau đây để thêm tin tưởng vào chuyện "cái đuôi đang chẳng chịu cái đầu" là có thật đi đi các bạn.
Sau đây, là chuyện về cái đầu:
TUYÊN GIÁO: CÁI "NGÀNH NGHỀ" GÌ DZẬY?
Ngày hôm nay, 1/8/2010, người ta kỉ niệm rình rang 80 năm (?) "truyền thống ngành tuyên giáo VN", một ngành mà có lẽ trên thế giới rất khó ai dịch nổi ra là ngành nghề gì nếu không hiểu nổi nội dung của 2 chữ Tuyên và Giáo của chủ nghĩa Mác-Lê! Nó không chỉ đơn thuần là Tuyên truyền (propagande) và Giáo Dục (éducation) như ở mọi xã hội không cộng sản.
Riêng tớ, gần cả cuộc đời, nằm trong cái cơ cấu văn nghệ, cái đuôi của "Con tắc kè tuyên giáo", tớ có đầy đủ kinh nghiệm xương máu và dẫn chứng không thể chối cãi là: con tắc kè tuyên giáo này, từ khi ra đời đã có truyền thống "xúi giục" mọi người dân Việt Nam đói khổ đứng lên để tiêu diệt đồng loại mình bằng khẩu hiệu "Trí, phú , địa, hào - đào tận gốc, trốc tận rễ". Bài "Ngày quốc tế đỏ" (1/8/1930) nếu đúng là bài tuyên và huấn đầu tiên như các ngài Huấn Tuyên đương đại thì không thật chính xác. Nó phải mở đầu bằng chính cái đường lối "Đào" và "Trốc" này mới thật là chính xác! Những Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh và sau này là Phan Khôi, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo cùng một loạt văn nghệ sĩ "phản động", "phản đảng", "phản bội tổ quốc" thuộc nhóm "nhân văn", "xét lại" là đường lối và hành động cụ thể mà tớ dám đoan chắc không một cán bộ tuyên giáo đương chức nào dám lưu lại trong "Viện Bảo Tàng Tuyên Giáo" mới mở cửa. Chẳng lẽ lại trương ra những hình ảnh, những văn bản, những cá nhân đã tuyên truyền, đã xúi dại con đấu cha, vợ đấu chồng, bạn bè, đồng chí đấu nhau, đưa nhau ra xử án và bắn bỏ hay sao? Tất cả đều có bàn tay của cái của cái con tắc kè Tuyên và Giáo cả đấy! Ông Tô Huy Rứa mới hôm qua còn khẳng định là "Ngành tuyên giáo luôn giữ vị trí quan trọng hàng đầu trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng". Không những thế, ông còn tuyên bố phải: "Kiên định những nguyên tắc cơ bản là nhân tố quyết định bảo đảm công tác tuyên giáo đúng hướng... Đồng thời kiên định phải đi liền với sáng tạo và phát triển" (???). Phải chăng ông nói: "Ôm chặt lấy chủ nghĩa Mác Lê để khi cần phải tiến thì tiến, khi cần sang trái, sang phải, tiến lên hoặc tháo lui thì ta sẵn sàng... thay đổi sắc màu... một cách... không buông rời... Đảng tính?". Nói tóm lại: Tuyên Giáo là một cái nghề sẵn sàng bẻ cong giọng lưỡi và ngòi bút để tuyên truyền và giáo dục một cách cưỡng bức cả triệu triệu con người phải nghĩ và làm theo những ý đồ và mục đích chính trị của một nhóm người, thậm chí của một cá nhân nào đó! Ai có ý nghĩ hành động khác với những gì Tuyên Giáo đã đề ra thì đều bị coi là "phản động", "phản tổ quốc". Những người cúi đầu, chịu đựng, giả vờ nghe theo, làm theo một cách cưỡng bức thì được coi là "tiến bộ" thậm chí được kết nạp vào đảng, được "đại diện ưu tú của giai cấp công nhân", được làm "đỉnh cao trí tuệ của nhân loại"! Cũng chẳng khó giải thích gì cái chuyện khi con tắc kè Tuyên Giáo đẩy mạnh phổ biến lá cờ búa liềm và hát hò lên những câu nửa Tây, nửa Ta: "Lành-té-na-xiò-na-à-a-a-lớ" sẽ là xà hôi tương lai", rồi động viên cả triêu người sắp chết đói bằng những câu "đấu tranh này là trận cuối cùng"... để.... "Bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình..." đã làm cho hàng triệu cái bộ xương người phá kho thóc, "lập quyền dân" rồi xung phong đi Vệ Quốc để "phanh thây uống máu quân thù!" mà.. "lòng có mong chi đâu ngày trở về", dù có "Da ngựa bọc thây lòng này vẫn vui" !
Trong "cải cách ruộng đất", trong "sửa sai" cái đuôi văn nghệ của con Tắc kè T-G còn "lá mặt lá trái" hơn gấp ngàn lần. Những ai đã vì sợ, vì hèn, đã phải "rặn" ra những "sáng tác" đứng hẳn về phía nông dân", "đánh xập uy thế chính trị của bọn địa chủ" làm sao có thể huỷ đi những "tội ác văn nghệ", những "tên tuổi đồng phạm" đang còn được lưu trữ bằng giấy trắng mực đen trên khắp thế giới ở cái thời đại Internet này?
Thế rồi, cũng chính cái con tắc kè đó lại bắt cái đuôi của nó phải ngoe nguẩy, phải đem các thành quả của cải cách ruộng đất vào hợp tác xã và cuối cùng là tài sản của toàn dân để rồi dần dần vào tay các "tập đoàn lợi ích" trong nước và nước ngoài. Không gì trâng tráo hơn là một kẻ đập phá cả ngôi nhà của mình đi, để rồi xây lại một ngôi nhà khác nghiêng ngả, lở loét, chẳng ra kiểu Tây lẫn kiểu Tàu, rồi lại tự mình vỗ ngực là "nhờ có tao phá nó đi nên bây giờ mày mới có cái nhà mới"! (lời của ông tổng Mười kể công đổi mới của Đảng.)
Những chuyện tréo ngoe nói láo, nói bậy, nói dối thường xuyên, liên tục ngày một công khai, trắng trợn hơn đã làm cái đuôi văn hoá văn nghệ từ im lặng, hoặc chịu đựng ngoe nguẩy theo hoặc nằm im cho đến cái ngày quê hương của chủ nghĩa Mác Lê đổ cái rụp. Lên gân, ú ớ, nguỵ biện, bịt tai, bịt mắt, nắm chắc tất cả các cơ quan ngôn luận, kiểm soát thông tin truyền thông không còn tác dụng khi internet ra đời! Cùng với chuyện Tổng Mạnh ôm hôn ông Medvedev và tuyên bố "đoàn kết hữu nghị truyền thống hợp tác" thì trên internet không thiếu gì những hình ảnh và lời tuyên bố của cái người ông Mạnh vưa ôm hôn là rằng: "Stalin là kẻ sát nhân," rằng: "tội ác của chủ nghĩa cộng sản là phải hồi tố không thời hạn" rồi ông ta cho quẳng nốt mấy cái tượng Lê nin còn xót lại vào sọt rác. Trí thức nào, văn nghệ sĩ nào có cái đầu và lương tâm mà chẳng... cười mỉm, cười ruồi, cười khểnh? Không thiếu người còn làm văn, làm thơ, viết trên blog về những lời nói và hành động "chửi bố nhau" giữa hai cảnh kỉ niệm ông Mác, ông Lê ở xứ Việt Nam với cảnh TBT NĐM ôm hôn người đã góp phần vào việc lật đổ hai thần tượng này chính ở trong nước của họ. Phải chăng đây là biểu hiện của sự "kiên trì" và "phát triển" mà ông trưởng ban Tuyên Giáo vừa đọc "đít cua" ngày 29/7 vừa qua, khi ngành của ông nhận bức "trướng" từ tay tiến sĩ lí luận Mác Lê nin Nguyễn Phú Trọng?
Riêng tớ ngồi xem 2 buổi truyền hình tại chỗ nhất là thấy mấy cảnh lia qua các "thành tích" trong Viện bảo tàng của ngành tuyên giáo, tớ bỗng thấy vô cùng xấu hổ vì cái quãng đời quá dài, gần 60 năm, làm cái đuôi của con tắc kè Tuyên Giáo nói trên.
QUÁ TRÌNH NHẬP VÀO CÁI ĐUÔI TẮC KÈ CỦA TỚ
Đây là những gì ở cái tuổi "sắp 84" này của tớ đang còn nhớ được:
- Từ 1949-1950: Đây là thời kì bắt đầu của "số mệnh khốn lịn" ,đưa đẩy tớ từ một anh sĩ quan tốt nghiệp chính quy trường Lục quân Trần Quốc Tuấn trở thành 1 anh lãnh đạo văn nghệ: "Nhạc sĩ, đảng viên, cấp uỷ, trưởng đoàn văn công!" Và từ đó muốn hay không muốn tớ đã trở thành một cái vẩy trong cái đuôi của Bộ máy tuyên huấn cơ sở. Nghĩa là bắt đầu chấp nhận làm một "kĩ sư tâm hồn vô sản" đi reo rắc tất cả những điều gì, bất kể đúng sai, mà cái đầu của con tắc kè đã chỉ đạo.
Chỉ đạo trực tiếp tớ lúc này là hai vị tớ còn nhớ rành rành có tên là Trần Sơn Hùng và Nguyễn Hải Hùng. Đến khoá 6 thì có thêm Vũ Kì Lân. Ba ông này, nếu còn sống, hãy tha thứ cho tôi nếu hôm nay tôi phải nói thật ra điều này: Cái đuôi văn nghệ bắt đầu sặc mùi Tàu khi chuyên gia Vu Bội Huyết sang nắm toàn bộ nhà trường để cải tổ từ đường lối tổ chức đến nội dung huấn luyện. Đặc biệt là việc xoá bỏ cái tên Trần Quốc Tuấn có từ khoá I, ở Tông (Sơn Tây) mà chỉ gọi là Lục quân II, có lẽ là việc mà cả ba ông Tuyên Giáo kể cả văn nghệ chúng tôi phải đắng cay, ngậm ngùi mà xoá nó đi trong lòng cũng như trên những tác phẩm cụ thể. Sau đó là việc khai tử hàng loạt những tiết mục, những tác phẩm mang màu sắc "tiểu tư sản". Toàn tập "Trường lục quân đang cần lính đánh Tây", "Tiếng kèn báo động" của tớ, hàng loạt vở kịch của Lộng Chương, Đinh Ánh... và còn nhiều thứ cải tổ nữa để đi tới cái cải tổ sau cùng là: Giải tán toàn bộ nhà trường và cái đoàn văn công bất trị của tớ.
- 1950- 1954: Tớ được điều động về một đoàn văn công đã nổi tiếng "Tàu hoá" sớm hơn tất cả. các đơn vị khác. (xin đọc entry "Một mùa xuân long trời lở đất") Ở đây cái "đuôi" còn "trung thành và kiên định" với cái đầu qua các cuộc đấu tranh, chỉnh huấn, chỉnh Đảng dữ dội hơn bất cứ nơi nào khác qua sự quản lý rất "lạp xường vô sản" của hai ông Tính và Hoạt. (Cả hai ông này tớ đều quên mất họ Nguyễn, họ Trần gì đó) Nhưng tớ còn nhớ như in hình dáng hai ông rất trí thức nhưng đã "đầu hàng giai cấp vô sản" một cách... đáng ngờ! Cả hai ông đều đeo kính cận, đều đọc sách Tây nhưng miệng nói ra chỉ toàn chính sách Tàu. Chỉ đạo cái đuôi văn nghệ, lúc tớ mới đến có các ông Đình Quang, Thanh Tịnh, Phùng Quán, Xuân Bình, Nguyễn Phiên, Đặng Văn Khoáng... dàn dựng toàn tiết mục Tàu. Kịch thì "Trúng tủ", múa thì "Ương Ca", "Bà Chu cho trứng". Hát thì ngợi ca "Thắm thiết tình Việt, Trung, Xô".... và tiếp tục sau này thì cái đuôi đó đã phát ra những tiếng "Hu ra!" ngợi ca "Cải cách ruộng đất muôn năm!" mãnh liệt, liều lĩnh và bố láo nhất để đến nỗi sau này, khi bị ại nhắc tới "những tác phẩm đẻ lấy được" trong giai đoạn này, thì... chính những người đẻ ra nó cũng phải thấy xấu hổ vì đã góp phần thúc đẩy cuộc "cách mạng long trời lở đất", giết người, cướp của chưa từng có trong lịch sử của loài người văn minh.
- Sau 1954: Đoàn văn công Bộ tư lệnh 4 tiến lên thành Văn công Quân khu 4 với sự cộng lại 4, 5 đoàn văn công sư đoàn mà tất cả đều là nghiệp dư loại 2, loại 3! Nhưng đúng thời điểm này ngoài Quân Đội đang xảy ra vụ "chống bọn phản động Nhân Văn". Thế là, cũng từ Trên, Tuyên Huấn Quân Đội do ông Võ Hồng Cương (Cục Tuyên Huấn) và Tổng Cục Trưởng CT Lê Quang Đạo đã phát động một phong trào "Chống chuyên môn thuần tuý", đồng thời học tập kinh nghiệm của bác Mao bên Tầu, bác Kim bên Triều xé lẻ các tổ chức văn nghệ quân đội thành những nhóm nhỏ, "hạ phóng ba cùng", lấy đại đội làm cơ sở, lấy ca múa và gây dựng phong trào văn nghệ làm chinh"! Tới tay ông tướng Hoàng Minh Thi, người có thành tích bỏ cả nhà n/s Phạm Duy vào chuồng trâu (PD thoát vì đi họp ở Việt Bắc) thì... Tan tành tất cả mọi tổ chức văn công văn nghệ quân đội đang có cấp lãnh đạo thì muốn tiến lên chính quy và hiện đại, nhưng có nhiều kẻ (đa số) như tướng Thi lại... kiên trì với phương châm "văn nghệ mãi mãi phải là văn nghệ công nông binh"! phải đại chúng "không hát bè bối, không kỹ thuật ba-lê, ba-lết, không tiến lên hợp xướng-giao hưởng nhiều bè nhiều bối nghe ồn ào như chợ vỡ... chẳng ai hiểu gì xất!!" Kết quả của đường lối này là: phá banh hết tất cả các đoàn nghệ thuật đang muốn tiến lên "chính quy và hiện đại"! Cho tới bây giờ, nhiều người cũ còn sót lại vẫn tiếc nuối mãi cái thời hoàng kim không bao giờ trở lại đó nữa! Cái đuôi lại bị cái đầu cắn cho tan nát, máu me đầm đìa!
- Thời kì năm 1960 cho tới khi về vườn: Tớ chuyển từ "văn nghê lính tráng" sang "văn nghệ dân sự" thì ôi thôi! Cả đám lông, đám vẩy trong cái đuôi văn nghệ cánh tớ đã trắng mắt ra vì thấy cái đầu nó chỉ đạo cái đuôi lung tung thiên địa quá. Vừa hôm qua, một vở kịch như "Câu chuyện iếc-cút", như "Lưu Bình, Dương Lễ" được ông X khen hết lời được quần chúng xếp hàng cả đêm để mua vé vào xem thì hôm sau được ông Y phán cho vài câu. Thế là... dẹp tiệm! Chỉ vì ông Y là bộ chính trị còn ông X chỉ mới là Trưởng ban Tuyên Giáo. Chẳng phải nói thì ai cũng rõ. Ông Y là ông Nguyễn Chí Thanh ông X chính là ông Lành tức Tố Hữu, Trưởng Ban Tuyên Huấn T.Ư đấy! Thời kỳ sau Nhân văn này, "tham mưu" cho ông Lành còn có cả một Vụ Văn Nghệ, quyền lực còn to hơn cả cái Bộ Văn Hoá gồm đủ các giới văn nghệ như Văn: có Hoàng Trung Thông kiêm vụ trưởng, Nhạc: có Tú Ngọc tốt nghiệp ný nuận ở Liên Sô về (sau còn được phong Tiến Sỹ), Sân khấu: có Đoàn Đức, Điện Ảnh: có Vũ Trọng v.v... và v v... Vậy mà cái đuôi văn nghệ nó vẫn làm cái đầu chẳng biết nên đổi mầu gì? Lý do với tớ rất đơn giản nhưng những con tắc kè thì lúng túng vì chưa tìm ra nổi đường đi nào cho phải để đổi mầu! Đài Mat-x-cơ-va, đài Bắc kinh vẫn được tiếp âm, báo Moscow news, Nhân dân nhật báo Bắc Kinh, tác phẩm của Soljelnysine, Tchoukrai, Kalatozov,... vẫn có ở cửa hàng ngoại văn Tràng Tiền! Bên cạnh những tranh in rẻ tiền "100 người như một mắt bi ve" là hàng loạt tranh đủ loại trường phái của Ba-Lan,các dàn nhạc, đĩa hát pop-rock của Đức, Bun, Ru, Tiệp, nhập vào gần như không mất tiền đã làm cho cái đuôi (thậm chí một bộ phận của cái đầu) gần như sáng ra một điều lâu nay cứ làm như... không biết. Đó là lùa tất cả giới trí thức - văn nghệ sỹ vào một cái đuôi không phải là chuyện đơn giản. Nhất là: Khi cái đầu càng ngày càng thấy thua cái đuôi về mọi mặt, chưa kể những mâu thuẫn cười ra nước mắt luôn xảy ra trong cái đầu! như một bộ phim, một cuốn tiểu thuyết được đề cao ở Trung Ương nhưng về đến địa phương thì tuyên huấn nơi đó cấm tiệt không được bén mảng (truờng hợp "Đi bước nữa" của Thế Phương, Thơ của Phạm Tiến Duật, và gần đây "Trăng Nghẹn" của Hoàng tường Phong). Cứ thế, cái đuôi dần dần bị quăng quật, bị bắt ngoe nguẩy lung tung, bị thương tật qúa nhiều, nên nó không chịu đươc nữa,... dẫn tới ngày nó nằm ỳ ra, trơ như đá, hoặc dữ dội quậy phá ngay giữa lòng con tắc kè!
- Riêng cái thời kỳ vào miền Nam,nằm trong cái đuôi Tuyên Huấn Trung Ương Cục và sau là Tuyên Huấn Thành uỷ, thì đã có quá nhiều entries, đặc biệt từ những entry viết về "Đi thăm giầu hỏi sướng" trở đi, kể chuyện về những "Sự thật Thật" mà tớ đã tham gia và chứng kiến... Xét thấy không cần thiết nói lại, nói dài làm gì. Hơn nữa, tớ cũng mong nhân dịp này các friends trẻ mới biết tớ, hãy bớt chút thì giờ đọc những dòng tâm huyết của tớ qua suốt 3 năm thiếu 20 ngày đã qua..
Tớ là người đã quyết tâm không nằm trong cái đuôi đó nữa nên tớ đành về hưu trước thời hạn một năm để ngẫm xem cái đuôi của nó ngoe nguẩy đến mức nào. Phải đợi đến cái tuổi sắp xuống lỗ tớ mới dám nói toạc móng heo ra rằng: cái đuôi nó đã thọc sâu vào miệng của cái đầu rồi đó. Không ai nói thẳng ra thì tớ xin mạn phép kết luận như sau: NGÀNH TUYÊN GIÁO LÀ MỘT CÁI NGÀNH CHẲNG CÓ NGHỀ NGHIỆP GÌ NGOÀI NÓI LƯƠN NÓI LẸO, NÓI DỐI, NÓI ĐÚNG THÀNH SAI, NÓI SAI THÀNH ĐÚNG, NÓI TRẮNG THÀNH ĐEN, NÓI ĐEN THÀNH TRẮNG, NÓI LẤY ĐƯỢC ĐỂ XÚI DẠI NGƯỜI TA ĐẤU TRANH GIAI CẤP, ĐI VÀO CHỖ CHẾT NHƯ ĐI TRẨY HỘI MÙA XUÂN... MÀ VĂN NGHỆ LÀ CÁI ĐUÔI, VŨ KHÍ ĐÁU TRANH GIAI CẤP ĐẮC LỰC NHẤT. CHO ĐẾN HÔM NAY, CÁI ĐUÔI ĐÓ NÓ KHÔNG CÒN NGHOE NGUẨY THEO CÁI ĐẦU NỮA RỒI.
Và đây, cuộc đối thoại của 2 nhà văn mới được đưa lên mạng lúc 7h38 phút ngày 31 tháng 7, của blog Nguyễn Trọng Tạo: "Các nhà lãnh đạo đất nước (phải) thấy nhà văn mở ra cho họ con đường phát triển, chấn hưng đất nước, chứ không phải xin họ tiền, xin họ làm cái đuôi chính trị." Nhà thơ Hữu Thỉnh (chủ tịch hội nhà văn): "Đúng! Đúng!"
Cảm ơn nhà văn-thơ-nhạc sỹ NTT đã giúp tôi chấm hết entry này!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét