Thứ Tư, 11 tháng 9, 2013

China, bài 1 : Người Hồng Kông phẫn nộ, sau khi bị một giáo sư đại học Trung Quốc miệt thị

Người Hồng Kông phẫn nộ, sau khi bị một giáo sư đại học Trung Quốc miệt thị

Vào hôm qua, 22/01/2012, khoảng 150 người Hồng Kông đã biểu tình phản đối trước văn phòng liên lạc của chính quyền Trung Quốc tại đặc khu kinh tế này. Họ bày tỏ thái độ cực lực phẫn nộ trước các lời lẽ miệt thị của một giáo sư đại học Bắc Kinh đối với người dân Hồng Kông.
Là một người nổi tiếng là quen ăn nói tục tằn trước công chúng, ông Khổng Khánh Đồng (Kong Qingdong), giáo sư bộ môn Trung Quốc học tại Đại Học Bắc Kinh đã không ngần ngại gọi dân Hồng Kông là một lũ « con hoang », là « đồ chó », là phường « lừa đảo », trong một bài phỏng vấn được trang web vl.cn công bố tuần trước.
Vị giáo sư – tự nhận mình thuộc giòng dõi Khổng Tử này – đã có những lời lẽ khiếm nhã như trên khi phản ứng trước một đoạn video, ghi cảnh một nhóm du khách Trung Quốc đến từ lục địa, bị hành khách trên một chuyến tàu điện ở Hồng Kông la ó vì đã ăn uống trên xe, bất chấp quy định cấm các hành động này.
Đoạn video đã được hàng trăm ngàn người Trung Quốc xem qua, và đã làm dấy lên cuộc tranh luận gay gắt. Nhiều người Trung Quốc cho rằng cư dân Hồng Kông tự cao tự đại, trong lúc theo người Hồng Kông, sự kiện đó phản ánh thái độ vô giáo dục của nhiều người lớn lên tại Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc. Vụ việc cũng nêu bật khác biệt ngôn ngữ giữa người Hồng Kông – nói tiếng Quảng Đông – và người Trung Quốc nói tiếng Quan Thoại, tức là tiếng Phổ thông.
Theo vị giáo sư Trung Quốc : “Tất cả mọi người phải có nhiệm vụ nói tiếng Quan Thoại. Những ai cố tình không nói tiếng phổ thông chỉ là đồ khốn nạn ». Vị giáo sư này nói tiếp : “Theo chỗ tôi biết, nhiều người Hồng Kông không tự nhận mình là Trung Quốc. Những loại người đó đã quen làm chó cho người Anh. Họ là chó, chứ không phải là người. »
Đây không phải là lần đầu tiên mà giáo sư Khổng Khánh Đồng gây ra tranh cãi. Vào cuối năm ngoái, ông đã nằm trong ban giám khảo “giải thưởng hòa bình Khổng Tử“, một giải thưởng được Bắc Kinh sáng lập vào năm 2010 với tham vọng cạnh tranh với giải Nobel Hòa Bình, vốn đã bất chấp áp lực của Trung Quốc để trao giải cho nhân vật ly khai Lưu Hiểu Ba.
Trong ấn bản lần thứ hai vào cuối năm ngoái, ban giám khảo giải Khổng Tử đã làm mọi người sửng sốt khi trao giải cho Thủ tướng Nga Putin, ca ngợi tài năng hòa bình “đáng kể” của ông. Một năm trước, giải này cũng chọn cựu thủ tướng Đài Loan Liên Chiến, nhưng người đoạt giải đã không thèm đến nhận.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét