Thứ Hai, 24 tháng 2, 2014

10 cây cổ thụ đáng kinh ngạc nhất thế giới



Cây cối là một trong những loài có tuổi thọ cao nhất thế giới, kết nối từ thế kỷ nọ sang thế kỷ kia, thậm chí từ thiên niên kỷ này sang thiên niên kỷ khác. Dưới đây là 10 cổ thụ đặc biệt nhất hành tinh.
 
1. Cây sồi tiên
Nằm ở Nam Carolina, trên đảo Johns, cây sồi tiên đến nay đã 1.500 tuổi. Tán của nó bao phủ trên một diện tích là 1.597 m2. Cây sồi tiên có vẻ đẹp đáng kinh ngạc này là một trong những sinh vật sống lâu nhất về phía đông sông Mississippi. Với chu vi hơn 8,5m và các nhánh phụ dài tới 30,5 m, cây sồi tiên đã hứng chịu và trải qua nhiều thảm họa tự nhiên như trận động đất Charleston năm 1886, bão lũ Hugo năm 1989.


10-cay-co-thu-dang-kinh-ngac-nhat-the-gioi-1
2. Cây ô liu già nhất thế giới
Các nhà khoa học thuộc ĐH Crete cho biết, cây ô liu Vouves đã có tuổi thọ từ 3.500 tới 4.000 năm tuổi và nó vẫn đâm hoa kết trái hàng năm. Cây này nằm ở làng Ano Vouves, đảo Crete, Hy Lạp. Mỗi năm có khoảng 20.000 người trên khắp thế giới “hành hương” về đây chỉ để chiêm ngưỡng độ kỳ vĩ của nó.
10-cay-co-thu-dang-kinh-ngac-nhat-the-gioi-2
3. Cây máu rồng
Được xếp vào loại quý hiếm, cây máu rồng (còn gọi là cây long huyết) góp phần tạo nên điểm độc đáo và sự quyến rũ riêng cho đảo Socotra của Yemen.
Sở dĩ cây máu rồng có tên gọi như vậy là vì nó có hình giống chiếc ô, nhựa cây có màu đỏ, được người dân địa phương so sánh như máu rồng. Nhựa cây ngày nay được sử dụng như một loại thuốc chữa bệnh, thuốc nhuộm và cả làm sơn, véc ni. Các cư dân địa phương trên đảo Socotra tự hào tuyên bố: “Chỉ người đảo Socotra mới hiểu hết công dụng chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe. Trong khi đó, người Arab lại dùng cây máu rồng trong các môn ma thuật, cúng tế.
10-cay-co-thu-dang-kinh-ngac-nhat-the-gioi-3
4. Cây bách Montezuma, Mexico
Cây bách cổ thụ trong ảnh cao hơn 35 m nằm ở Oaxaca, Mexico. Chu vi gốc cây là 58 m và đường kính thân là 36 m. Mỗi nhánh chính của nó có thể là một cây độc lập. Ban đầu, các nhà khoa học cho rằng, cây cổ thủ Montezumabao gồm nhiều cây đơn lẻ dính vào nhau. Nhưng kết quả xét nghiệm ADN đã chứng minh rằng, nó là “một cá thể duy truyền duy nhất”.
10-cay-co-thu-dang-kinh-ngac-nhat-the-gioi-4
5. Cây baobab ấm trà
Cả 8 chi của baobab, có tên khoa học là Adansoniađều là những thực vật tuyệt đẹp. Baobab châu Phi có nguồn gốc ở lục địa Phi nhưng cũng có thể được tìm thấy ở châu Á và bán đảo Arab. Loài cây này có phần thân phình ra như vỏ chai hoặc ấm trà có thể dự trữ tới 120.000 lít nước đủ sức để chống chọi trong những điều kiện khắc nghiệt nhất. Trong đó, Baobab Madagascar thường có hình dạng ấm trà. Cây baobab ấm trà trong hình trên đã có tuổi thọ 1.200 năm tuổi.
10-cay-co-thu-dang-kinh-ngac-nhat-the-gioi-5
6. Cây bông gòn ở Ta Phrom, Campuchia
Cây bông gòn khổng lồ tuyệt đẹp trong hình sinh trưởng và phát triển trên đống đổ nát của ngôi đền Ta Prohm, Campuchia. Những cái rễ khổng lồ của nó trườn dài trên mặt đất và thậm chí ăn sâu cả vào ngôi đền. Có cây bông gòn này, Ta Phrom trở thành điểm thu hút hàng nghìn khách du lịch hàng năm khi họ tới Campuchia. Đây cũng là một trong những địa điểm nằm trong danh sách di sản thế giới của UNESCO.
10-cay-co-thu-dang-kinh-ngac-nhat-the-gioi-6
7. Cây thông Methuselah
Methuselah thuộc loài thông Bristleconeở sa mạc miền Tây nước Mỹ Great Basin cũng là một trong những thực vật sống thọ nhất thế giới. Chúng có mặt ở Utah, Nevada và California nhưng không nhiều. Loài cây này phát triển rất chậm và điều thú vị là những chiếc lá hoặc kim của chúng vẫn giữ được màu xanh trong hơn 40 năm.
Methuselah là cây thông có tuổi thọ lên tới 4.789 năm khi hai nhà khoa học Tom Harlan và Edmund Schulman lấy mẫu của nó để xét nghiệm năm 1957. Như vậy, hiện nay nó đã được 4,845 tuổi. Cây mọc trên núi Trắng, California. Nhằm bảo vệ cây tránh khỏi sự tọc mạch từ các đoàn du khách hiếu kỳ, chính quyền địa phương đã hạn chế việc chụp ảnh về cây nhằm tránh các hành động phá hoại.
8. Cây tơ sồi (Ceiba Speciosa)
Cây tơ sồi có nguồn gốc ở những cánh rừng cận nhiệt đới Nam Mỹ và ngày nay chúng sống ở khắp miền Nam bang Florida, Mỹ. Một cây trưởng thành có thể đạt chiều cao 24,6 m. Nét đặc trưng độc đáo của loài này là có gai nhọn tua tủa đáng sợ chi chít thân và cành cây. Những gai này có nhiệm vụ giữ nước cho cây để chống chọi với thời tiết khác nghiệt. Tuy nhiên, hoa của chúng lại rất đẹp, thường có màu đỏ, hồng hoặc màu tía.
Bên trong hoa của cây tơ sồi này có một dạng bông và chúng được dùng để nhồi vào gối, đệm. Gỗ của cây tơ sồi có thể được dùng để làm giấy hoặc dùng trong công nghiệp đóng gói.
10-cay-co-thu-dang-kinh-ngac-nhat-the-gioi-7
9. Cây bạch đàn cầu vồng
Bạch đàn cầu vồng (Eucalyptus deglupta) là một cây thường xanh khổng lồ, có thể đạt đến chiều cao 75m. Bạch đàn cầu vồng còn được biết đến với tên gọi Gum Mindanao, thường sinh trưởng ở khu vực địa lý kéo dài từ quần đảo Indonesia tới Philippines.
Một điểm đặc biệt và độc đáo của loài cây này chính là những sọc đầy màu sắc như vàng, xanh lá cây, hồng, đỏ, tím, da cam nổi bật ở trên thân của chúng và các nhánh cây. Đó cũng chính là lý do tại sao nó được gọi là bạch đàn cầu vồng.
Ông LariAnn Garner, một nhà thực vật học chuyên nghiên cứu về bạch đàn cầu vồng cho biết, màu sắc trên thân cây là hoàn toàn tự nhiên. Vở cây rất mịn và trơn và trong quá trình cây trưởng thành, các lớp vỏ này lần lượt tróc ra. Quá trình này xảy ra không theo một quy tắc nào vào những thời điểm khác nhau. Các lớp vỏ mới từ từ phát triển và trong quá trình này, chúng chuyển từ màu xanh tươi tới màu xanh thẫm, sau đó từ xanh tím tới hồng cam. Vì quá trình này tiếp diễn liên tục trên toàn bộ thân cây, trong những thời điểm khác nhau nên màu sắc của cây cũng liên tục thay đổi, không bao giờ lặp lại khiến nó trông như một tác phẩm nghệ thuật sống động.
10-cay-co-thu-dang-kinh-ngac-nhat-the-gioi-8
10. Cây sinh mệnh
Cây sinh mệnh xấp xỉ 400 năm tuồi và cao 9,75 mét sống ở Bahrain. Cây này nổi tiếng với khả năng sinh tồn ở các sa mạc hoang vắng, cằn cỗi và thiếu nước trầm trọng.
Các nhà khoa học nhấn mạnh, những cây Mesquite hay Khejri đã phát triển hệ thống rễ cây cực sâu nhằm tìm tới nguồn nước ngầm sâu trong lòng đất để sinh tồn. Tuy nhiên với cây sinh mệnh thì vẫn chưa có lời giải thích cụ thể nào về khả năng sinh trưởng không cần tới nước của nó.
Cây sinh mệnh thu hút lượng khách du lịch lên tới 50.000 người tới Bahrain mỗi năm. Nhiều người dân địa phương tin rằng, địa điểm này chính là Vườn địa đàng trong truyền thuyết. Cây sinh mệnh được nằm trong danh sách di sản thế giới của UNESCO./.
10-cay-co-thu-dang-kinh-ngac-nhat-the-gioi-9
Nguồn: ZingNews
http://cuahangchuyenloc.com/index.php/com-finder/tin-tuc/26-10-cay-co-thu-dang-kinh-ngac-nhat-the-gioi.html

Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2014

TIẾNG CHIM HÓT LÍU LO



  Vũ Đảm




Thôi chào bà con, tôi đi đây! Đã chào đến lần thứ ba nhưng ông Giản vẫn chưa chịu bước lên chiếc xe ô tô con đang nổ máy chờ sẵn. Thuyết bực bội, gắt giục bố, ông Giản bước đến cửa xe, ngoái nhìn mọi người. Bỗng ông bật khóc thành tiếng. Cả đời ông, kể cả khi còn bé bị bố đánh, ông chưa bao giờ khóc nghẹn ngào đến vậy cho đến khi vợ ông chết, ông cũng khóc song là cái khóc âm thầm, lặng lẽ. Nhưng bây giờ thì ông đã khóc nghẹn ngào vì phải rời bỏ quê hương, rời bỏ mảnh đất mà ông nội ông, bố mẹ ông và vợ chồng ông đã từng chung sống. Ông chỉ có người một người con trai, lập nghiệp ở Hà Nội. Hai vợ chồng ông sống ở quê, nhiều lần anh con trai bảo bố mẹ bán nhà lên Hà Nội ở với vợ chồng anh nhưng ông và vợ không muốn. Năm ngoái vợ ông mất, ông sống một mình, anh con trai lại giục ông bán nhà, ông bảo ông thích sống ở quê hơn. Con trai ông ra tối hậu thư, nếu ông không lên sống với anh, anh sẽ không sinh con. Nó là đứa con duy nhất, lấy vợ đã ba năm mà vẫn chưa có con, nay tuyên bố không sinh con thì làm sao vợ chồng nó có hạnh phúc, làm sao nhà ông có người nói dõi? Thế nên ông đành phải bán nhà lên ở với con.
Vợ chồng người con trai của ông sống ở khu chung cư cao cấp mười hai tầng, căn hộ ở tầng ba, căn góc nhìn xuống mặt hồ gần đó. Hàng ngày vợ chồng người con đi làm, một mình ông ở nhà hết đọc báo lại xem ti vi, buồn quá, ông mở cửa đi ra hành lang. Ông từ đầu hành lang đến cuối hành lang, nhà nào cũng đóng cửa im ỉm. Có lần ông tỷ mẩn đếm xem tầng ông có bao nhiêu căn hộ, bao nhiêu chiếc bóng đèn chiếu sáng ở hành lang. May mắn sao, ông phát hiện ra căn hộ 306 cửa he hé mở, ông đi lại, ông không quen bấm chuông nên gõ nhẹ vào cánh cửa căn hộ 306:
- Cộc, cộc, cộc!
Một khuôn mặt nhăn nhó ló ra:
- Ông hỏi ai?
- À, ông ở căn hộ số 301!
- Ông thông cảm cháu là ôsin, cháu ông được phép cho người lạ vào nhà.
Nói rồi khuôn mặt nhăn nhó đóng sập của lại, ông sững người trong giây lát, ở quê hàng xóm nhìn thấy nhau từ xa đã mời nhau vào nhà uống chén nước thế mà ở đây thì nhìn thấy nhau cứ như nhìn người ở hành tinh khác mới đến. Có lẽ cô ấy là người giúp việc nên phải nghe theo lời chủ nhà, mình lại mới lên, họ chưa quen mình nên đề phòng với mình cũng phải. À, phải rồi, cái ông Định ở căn hộ số 305, mình đã vài lần nói chuyện với ông ấy ở dưới sân của chung cư, mình sang đấy thăm chắc ông ấy sẽ không sập cửa. Ông Giản đi lại trước của căn hộ 305, ông lại giơ tay lên gõ cửa, gõ tới ba lần mà vẫn không thấy của mở, ông đã định quay đi nhưng chợt nhìn thấy dòng chữ” Xin bấm chuông”, ông lần tay theo mũi tên, ấn chuông. Quả nhiên cửa mở, mà người mở cửa lại chính là ông Định, ông mời khách vào nhà chơi. Hai ông già đang hàn huyên vui vẻ thì hai đứa cháu nội của ông Định từ buồng ngủ lao ra nô đùa ầm ĩ. Ông Định quát chúng be bé cái mồm thôi để ông nói chuyện nhưng chúng vẫn hô toáng lên. Cô con dâu của ông Định đi ra, ông Giản đỏ cả mặt, cô mặc chiếc váy ngắn cũn cỡn, cái cổ áo trễ xuống lòi cả vú ra, thấy khách, cô gật đầu chào. Bỗng ông Giản sổ ra một tràng hắt xì hơi, cô con dâu lo lắng hỏi:
- Bác bị cảm à?
- Không!
- Bác mới ở quê lên?
- Ờ, bác mới ở Hưng Yên lên.
- Quê bác đang bị dịch cúm gà, không khéo bác bị lây cúm gà thì nguy lắm, phải cách ly đấy!
Thế là người ta đuổi khéo ông, sợ ông bị nhiễm cúm gà H5, H6 gì đó, lây sang nhà họ. Ông Giản đứng dậy xin phép ông Định ra về mặc cho ông Định cứ hồn nhiên, ấy ấy chả mấy lúc ông sang chơi.
Thế là ông Giản lại lủi thủi đi về, ngồi héo hắt trên ghế xa lông. Thi thoảng ông lại đưa tay lên lau nước mắt. Dạo này ông hay khóc lắm, ông nhớ quê, nhớ bà con hàng xóm. Có lần ông bảo con trai:
- Thứ bảy, chủ nhật con không đi làm thì đưa bố về quê, bố nhớ bà con hàng xóm lắm!
- Bố vẽ chuyện, nhà bán rồi về ở với ai? Thành phố văn minh, ăn ngon, ở sướng, bố về cái xứ quê nghèo ấy làm gì?
- Thì con cũng phải cho bố về quê để thắp cho mẹ con nén nhang!
- Ôi dào, nhà con cũng có bàn thờ, bố muốn thắp hương cho mẹ thì cứ vào đấy mà thắp.
Ông không nói gì nữa, chỉ ngồi lặng im, tay mân mê chén nước trà.
Sáng nay, trời thật đẹp, nắng vàng, gió làm lá cây rơi rụng lả tả xuống đất, có nhiều chiếc lá rơi xiên xiên cả xuống mặt hồ, ông đang nhìn lá rơi qua cửa sổ thì chợt thấy con chim chích nhảy nhót tìm sâu trên cành cây ngay sát cửa sổ nhà ông. Ông đi vào phòng bếp, bốc một nắm gạo, rải rải lên bậu cửa sổ rồi lùi ra xa. Con chim chích không nhìn thấy hoặc không hiểu được tấm lòng của ông nên không bay đến ăn gạo. Ông Giản nói với con chim:
- Gạo tám thơm ông mới mang ở quê lên đấy, ăn đi!
- Chích, chích!
- Mày chê gạo đặc sản ở quê à? Hay là mày chỉ thích ăn sâu thôi, ở đây tao không bắt được sâu, giá mà mày ở quê thì tao bắt khối sâu cho mày!
- Chích, chích!
Con chim vụt bay đi, ông Giản nhìn theo cảm thấy có cái gì đó hụt hẫng. Hai hôm sau con chim không đến, ông tưởng nó sẽ chẳng bay đến nữa nhưng mấy ngày sau con chim chích lại bay đến cái cây sát cửa sổ nhà ông kiếm sâu. Ông quan sát com chim, nó nhảy từ cành này sang cành khác, nghiêng ngó tìm sâu. Sâu ở thành phố bây giờ cũng khó kiếm vì sự ô nhiễm của môi trường. Ngay cả đến con người ở thành phố cũng đang xem sâu như một vị cứu tinh, người ta ra chợ không chọn rau non tươi tốt mà chọn những mớ rau có nhiều sâu ăn để mua. Thứ rau bị sâu ăn quá ít chứng tỏ sâu cũng đang bị thuốc sâu làm cho tuyệt chủng. Ông Giản thấy thương con chim, chợt nghĩ ra được điều thú vị, ông vội đi vào phòng khách lấy giò phong lan ra treo lên song sắt cửa sổ rồi lại rắc mấy chục hạt gạo lên bậu cửa. Quả nhiên con chim chích bay đến chỗ giò phong lan, vạch lá tìm sâu. Không thấy sâu nhưng nó nhìn thấy những hạt gạo, nó đậu xuống bậu cửa dùng cái mỏ bé xíu nhặt gạo ăn. Lúc sắp bay đi, con chim chích đã nhìn thấy ông đang chăm chú nhìn nó. Nó nghiêng nghó cái đầu, ra vẻ nghĩ suy điều gì đó. Con chim bay đi, ông Giản thở dài:
- Mày chẳng thèm cảm ơn hay chào tao lấy một câu. Người thành phố sống nhạt hay mày là chim thành phố cũng sống khinh khỉnh cho nó ra dáng quan trọng hơn chim nhà quê?
Trách chim thế nhưng những ngày sau đó, ông lại treo giò phong lan, rắc gạo ở cửa sổ và con chim chích lại bay đến. Bây giờ thì con chim đã quen thân với ông, nó cũng không sống nhạt nữa mà tình cảm, chân thành. Mỗi lần bay đến, đầu tiên, nó cất tiếng hót như thể cất tiếng chào ông:” Chích, chích”. Ông mỉm cười, đáp lại:” Chào anh bạn nhỏ!”. Trong cái thế giới cô đơn này, ông Giản đã tìm cho mình được một người bạn chí cốt, mỗi sáng tầm chín giờ, khi thấy con chim chích chưa bay đến là ông lại thấp thỏm. Nó bị ốm hay con nó bị ốm? Hay hôm nay trời có giông, gió to nó không bay được? Kia rồi, nó đã bay đến:” Chào anh bạn nhỏ!”. “ Chích, chích- Chào người bạn lớn!”.
Hàng ngày hai vợ chồng người con của ông đi làm, thứ bảy, chủ nhật được nghỉ thì hai vợ chồng lại đi đến nhà bà ngoại, đến nhà bạn bè hay đi picnic thành ra ông Giản gần như cả ngày chỉ có duy nhất một người bạn nhỏ đến thăm nhưng nó cũng chỉ đến thăm ông được vài chục phút rồi tất tả ra về với mái ấm của nó. Hôm nay là thứ bảy, như thường lệ, ông Giản và người bạn nhỏ lại gặp gỡ nhau. Có điều khác biệt là con chim bạo dạn hơn dám bay hẳn vào trong phòng khách. Chim và người đang vui vẻ thì đột nhiên hai vợ chồng người con trở về. Chả là Lê - con dâu ông thấy người khó ở, bụng đau vì đến ngày kinh nguyệt nên quyết định không đi Suối Hai nữa. Vừa nhìn thấy con chim, Lê đã thảng thốt kêu lên:
- Chim sa, cá nhảy, độc lắm!
Ông Giản vội vã thanh minh, đây là con chim mà ông vẫn hay cho ăn gạo chứ không phải là chim sa cá nhảy. Đất lành chim đậu, nó đến là mang theo điều may mắn. Anh con trai tức giận:
- May mắn gì, có mà bố rước họa vào nhà thì có.
Thuyết vào nhà vệ sinh cầm cái chổi lau nhà xua đuổi con chim. Con chim hốt hoảng bay đâm sầm vào cả vào song sắt. Khi con chim đã bay vụt đi, anh con trai nói với ông Giản, từ nay ông không được cho con chim ăn gạo nữa, phải đóng cửa sổ lại, không cho nó bay vào nhà.
Ông Giản nghĩ, con chim bị con trai ông đánh đuổi, sợ bạt vía sẽ chẳng dám bay đến nữa nhưng không, sáng chủ nhật hôm sau nó vẫn bay đến bên cửa sổ. Nó bay đến như một sự bắt buộc, bởi nó đã tìm kiếm hàng giờ mà vẫn không bắt được sâu, nó có thể nhịn đói chứ không thể để cho mấy đứa con của nó ở nhà bị đói. Những lần bay đến bên cửa sổ ăn gạo, bao giờ nó cũng dành gạo trong mồm mang về cho đám con. Nó cũng rất sợ trận đánh đuổi của người con ông Giản nhưng không bay đến thì lũ con sẽ đói thế nên con chim chích lại liều mình vì con. Vừa đáp xuống bên cửa sổ, con chim đã cất lời chào: “ Chích, chích!”, không thấy người bạn lớn đâu, nó bay ngược lại cái cây gần đó. Người bạn lớn của nó vẫn còn giận vợ chồng người con trai nên đã xuống đất, đi la cà chỗ này chỗ kia.
Thấy con chim bay đến bên cửa sổ, cô vợ bảo chồng nó quen rồi, ngày nào nó cũng sẽ đến. Anh chồng bảo đến khổ, ông già lẩm cẩm lại đi rước cái của nợ này về, không khéo gặp hạn lớn. À, phải rồi đã có cách. Anh con trai dặn vợ vài câu rồi xuống tầng hầm, phi xe máy ra đường Trường Chinh, nơi hay bán thuốc diệt chuột, dán, ruồi , muỗi để mua thuốc chuột. Chả cần phải đến đường Trường Chinh, vừa chạy xe được một đoạn đã thấy một người đàn ông bán hàng rong, hỏi có thuốc chuột không, nghe bảo có, Thuyết mua một gói thuốc chuột Trung Quốc mang về.
Gói thuốc chuột làm bằng gạo có màu tím, Thuyết lấy kéo cắt ra, rắc gạo lên mặt cửa sổ. Con chim chích lúc này đang ở trên cành cây tìm sâu. Nó không để ý đến những hạt gạo mà Thuyết vừa rắc. Lê bảo chồng:
- Nó quen với cảnh bố cho ăn, hay mình nhờ bố!
- Em ngu thế, nó là bạn thân của bố, đời nào ông ấy giết nó!
- À, phải rồi, anh lấy quần áo của bố mặc vào, giả làm bố cho nó ăn, may ra nó bay đến.
Thuyết làm theo lời vợ, vào trong phòng của ông Giản, lấy bộ quần áo của ông mặc vào rồi ra cửa sổ làm động giả rắc rắc gạo lên mặt cửa sổ. Thuyết rất giống bố, lại mặc quần áo của bố nên đã làm con chim nhầm tưởng người bạn lớn của mình đã về. Khi Thuyết và vợ vào trong phòng ngủ, hé mở cửa theo dõi, con chim chích bay đến bên cửa sổ, không một chút nghi ngờ, nó mổ những hạt gạo màu tím nuốt ngon lành. Đúng lúc ấy ông Giản đẩy cửa bước vào, nhìn thấy con chim chích đang mổ gạo, lại nhìn thấy vợ chồng con trai đang thập thò nhìn con chim, ông linh tính được điều chẳng lành với người bạn của mình, ông lại phía cửa sổ. Con chim bị loại thuốc chuột cực mạnh sản xuất từ Trung Quốc bắt đầu tấn công dữ dội, nó định bay đi nhưng không thể cất cánh được nữa, nó lăn ra giãy giụa, rơi xuống nền nhà. Ông Giản hốt hoảng cầm con chim lên, nó ngước đôi mắt nhỏ xíu nhìn ông lần cuối rồi từ từ khép lại. Từ miệng con chim, một dòng máu đỏ tươi rỉ ra. Ông ôm con chim vào ngực, quay lại phía vợ chồng con trai giận dữ:
- Chúng mày sống độc ác thế này thì làm sao trời cho sinh con đẻ cái!
Thuyết cãi lại bố:
- Bố già nên lẩm cẩm rồi, nó là con vật chứ con người đâu mà xót xa thế.
- Mày câm mồm đi, sống phải lấy cái đức làm đầu, con vật cũng như con người, phải biết yêu thương nó thì cái phúc mới vào nhà.
Ông Giản nói xong, đi vào phòng, lấy quần áo cho vào cái túi du lịch. Ông bỏ thành phố trở về với làng quê, mang theo cả con chim tội nghiệp. Thành phố tất đất tấc vàng, chả có chỗ để chôn con chim, ông mang nó về quê để chôn.
Về quê, ông có lương hưu, cái ăn không phải lo nhưng chỗ ở thì ông chẳng có, mảnh đất và ngôi nhà cha ông để lại ông đã bán đi, tiền bán nhà ông cho hết vợ chồng con trai để nó chạy chữa bệnh vô sinh. Ông nghĩ sẽ vay mượn để mua một mảnh đất nho nhỏ, dựng cái nhà để ở nhưng trước mắt biết ở đâu? Ông đi loanh quanh trong làng, ai cũng thương ông mời ông về nhà mình ở nhưng ông từ chối, đến ở nhà con trai mà ông còn thấy tù túng hơn nữa tính ông không thích nhờ vả.
Ông đi ra rìa làng, nhìn thấy cái nhà để xe tang ông liền đi lại. Ở quê bây giờ nạn nghiện hút, cờ bạc, mại dâm, trộm cắp cũng được bọn thanh niên tha từ thành phố về nên không còn cái cảnh tối ngủ không đóng cổng, đóng cửa. Mới sẩm tối nhà nào nhà nấy cổng đóng, then cài. Có lẽ duy nhất chỉ có cái nhà để xe của người chết này là không khóa cửa. Hai cánh cửa gỗ khép hờ, ông Giản đẩy cửa bước vào. Được lắm, đêm nay mình có thể ở tạm đây, ở chung nhà với người chết có lẽ dễ chịu hơn. Chiếc xe tang làm bằng sắt, được sơn màu đỏ, có bốn bánh xe. Nó mới được sơn lại thành ra nhà cũ mà lại hóa mới. Ông Giản kiếm được ôm rạ, ông trải vào trong chiếc xe tang tạo thành cái ổ. Ngày xưa ông và bao người làng nghèo khổ, chăn không có mà đắp, ổ rơm ổ rạ đã cứu giúp ông và mọi người đỡ được cái lạnh cắt da cắt thịt. Thời bây giờ, cuộc sống đã khá hơn, người ta dùng đệm ga, ổ rơm ổ rạ đã lùi vào dĩ vãng, thế mà ổ rạ lại trở lại với ông Giản. Có cái gì đó bùi ngùi, thương nhớ lay động lòng ông, ngày ấy nghèo nhưng con người sống với nhau tình nghĩa quá.
Ông Giản lom khom bò vào chiếc xe tang, lựa người nằm xuống. Rạ mới được phơi nắng, thơm mùi dễ chịu, át cả mùi hương của một đám ma mới được đưa cách đây hai ngày. Rạ được ông trải dày nên êm ấm. Ông cựa mình, những thanh lăn di chuyển khiến người ông dịch lên dịch xuống. Ông Giản nhớ lại, năm ngoái chính vợ ông cũng đã nằm ở đây trong chiếc quan tài để người ta đưa ra cánh đồng, ông đưa tiễn vợ ra tận nghĩa trang. Ông thì thầm với vợ rồi cũng có ngày tôi sẽ nằm đây để người ta đưa ra với bà, bà đi trước tôi đợi tôi nhé! Bây giờ thì chính ông đang nằm đây, chỉ có khác vợ ở chỗ ông chưa chết nên chưa được nằm trong quan tài.
Đêm đầu tiên sau bao đêm ngủ ở thành phố, ông mới lại được ngủ ở quê tuy không được ngủ trong ngôi nhà thân quen của mình mà ngủ nhờ nhà của người chết nhưng ông ngủ một giấc ngon lành đến tận khi ánh mặt trời chiếu xiên qua cửa nhà để xe tang. Ông Giản lựa mình chui ra, ông lặng người xúc động khi nghe thấy cả một bầy chim đang líu lo trên cái cây trồng bên cạnh nhà để xe tang./.
V.Đ
http://www.hopluu.net/D_1-2_2-115_4-2171/

Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2014

CÁCH GỌT CỦ THUỶ TIÊN : MỘT THÚ CHƠI TAO NHÃ

Tôi vốn mê Hoa Thủy Tiên từ nhỏ khi đọc những bài của Tự Lực Văn Đoàn thời xưa, nhưng vì ở miền Nam không có hoa này, giờ đọc thấy bài này thích quá, trộm vác về đây , trước để coi, sau để chia xẻ với ai chung ý thích, và sau này biết đâu, mua được giống này để tết tết gọt chơi để chưng hoa nở mấy ngày tết, tuyệt nữa xem hoa nở vào thời khắc giao thừa . Hoa Thủy tiên thơm nhẹ nhàng thoang thoảng như hoa huệ, sang trọng mà thanh tịnh. Thú chơi này là thú chơi tao nhã của người Hà Nội xưa, giờ thì gần ... tuyệt chủng rồi, thật uổng nếu môn thưởng ngoạn tao nhã này biến mất, trôm nghĩ, nó cũng là một nét văn hóa của người Việt xưa đang mất dần cùng với thời kỳ phát triển công nghệ ngày nay...

Có lẽ dân ta phải học người Nhật ở chỗ phát triển gì thì phát triển, vẩn ráng gìn giữ bản sắc dân tộc. Ông bà ta cảm thì đánh gió hay xông lá cũng lành bệnh. Tết thì bận gì thì bận, cũng nên quây quần gia đình lại ngồi gói bánh rồi chia nhau thức đêm canh nồi bánh tét, ai rảnh thì gọt dừa, gừng làm mứt.Nhà ai có đám ma thì cũng nên phụ họ một chút , hay nhất là cùng thức qua đêm với tang gia ...
Giờ thì mạnh ai nấy sống, càng ngày càng sống nhanh và hời hợt.giải trí thì hầu như chỉ còn nhậu nhẹt và bia rượu, hát karaoke...lành mạnh hơn thì đi câu cá (câu hồ nuôi !!!), đi mướn sân cỏ nhân tạo (!!)đá banh hay đi bơi...
Trên rừng thì phong lan mỗi năm thêm vài loài tuyệt chủng, lý do là những người chơi phong lan giờ phải kiếm sống bằng lan rồi, giờ không còn là chơi mà là kinh doanh. Họ mướn những người Thượng vào rừng trèo hái phong lan về rồi bán kí lô cho họ (phong lan mà bán kí lô !!!)Thế là lan già lan non, lan lớn lan nhỏ gì cũng đều vặt sạch đem từ rừng về các vườn lan bán lại. Các chủ vườn lan chăm sóc để đến Tết chở đi Sài Gòn bán những giò lan nở hoa kịp tết.
Số phận những giò lan rừng này ra sao ? Sau khi được mua về chưng những ngày tết , chủ nhân mới của những giò lan này cũng chăm, cũng tưới, cũng bỏ phân nhưng vì là lan rừng, ở cao nguyên, ở xứ lạnh nên cái khí hậu nóng như Sài Gòn làm sao ra hoa được,vậy là cứ èo uột dần dần và có tốt thì cũng toàn lá, chẳng có hoa, thế là người nuôi dần dần chán, bỏ bê và vài tuần quên tưới thế là héo queo, quăng luôn ra xe rác cho sạch nhà !!!
Hàng năm vào mỗi cái tết bao nhiêu ngàn giò phong lan lìa xa rừng, lìa xa quê hương cao nguyên xứ lạnh về nơi tuyệt địa là phồn hoa đô hội để kết thúc cuộc đời trong xe rác. Năm này qua năm nọ nên mỗi năm , tốc độ tuyệt chủng các loài phong lan nội địa dài ra nhanh chóng. Hồi xưa Long tu , Kim Điệp, Hạc Đỉnh, Long Nhãn kim điệp, Giáng Hương, Hoàng lan, Gỉa Hạc, Trúc Lan, Mặc lan, Măng lan...đầy rừng , giờ thì kiếm đỏ con mắt không thấy đâu...
Một điều đáng báo động nữa là nhiều loài giờ nở hoa không còn theo chu kỳ tự nhiên nữa, chẳng hạn như lan Lồng đèn hay còn gọi là Thủy Tiên, giờ không còn ra hoa trúng tết nữa mà trễ cả tháng cho đến 2 tháng !!!Nguyên nhân có lẽ chẳng phải chỉ do biến đổi khí hậu mà còn do tác động quá nhiều của các chủ vườn lan làm thay đổi chu kỳ tự nhiên của cây ...

Lan man lạc đề xa quá rồi, xin lỗi giờ quay lại cái chính, tôi xin giới thiệu một bài hướng dẫn cắt củ hoa thủy tiên để hoa nở trúng tết... một thú chơi tao nhã...

CÁCH GỌT CỦ THUỶ TIÊN
----------------------------
by Cobebandiem
http://www.arowana.com.vn/forum/f209/got-tia-hoa-thuy-tien-choi-tet-5594-5.html

1. Lựa chọn mua củ Thuỷ Tiên


Củ Thuỷ tiên có thể mua được ở Chợ Bưởi, Chợ Mơ và một số nơi bán cây cảnh khác ở các vùng lân cận, hầu hết có xuất xứ từ Phúc Kiến Trung Quốc.

Khi chọn mua củ, chú ý chọn các củ bóp nhẹ vào thấy chắc, không lốp, có càng nhiều củ phụ càng cho nhiều hoa. Củ phụ phải là các củ tròn và đã phình to chứ không phải các nhánh nhỏ tí tẹo. Cầm củ lên thấy chắc tay kiểu như chọn Bưởi là tạm ổn.

Tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, củ Thuỷ tiên thường được nhập về vào đầu tháng 11 Âm Lịch, khoảng giữa tháng 11 đi chọn mua là vừa. Để dễ bảo quản và đầu tháng thì tiến hành gọt.

Đây là hình ảnh củ Thuỷ tiên mới mua về . Dưới củ thường có lớp đất bọc khô vào, mục đích để hút ẩm trong không khí để bảo quản củ, củ thuỷ tiên nếu gặp ẩm mầm nó phát triển rất nhanh như củ hành, dẫn đến ra hoa không đúng thời điểm như mong muốn, Do vậy, khi mua về, không nên vội vàng bóc bỏ nó đi, mà chỉ khi nào chuẩn bị gọt mới tiến hành bóc bỏ.



2. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA CỦA VIỆC GỌT TỈA CỦ THUỶ TIÊN

- Nhằm tạo ra củ Thuỷ tiên có hình dáng đẹp và nghệ thuật

- Nhằm điều chỉnh cho hoa ra đúng thời điểm mong muốn. Thường người ta mong muốn Thuỷ tiên nở đúng chiều 30 Tết, trước thời điểm làm lễ cúng mời ông bà tổ tiên về ăn Tết. Nếu được đúng như mong muốn thì theo quan niệm của các cụ là rất may mắn và cầu chúc được trường thọ, có nhiều tài lộc. Tuy nhiên nở trước 1 vài ngày cũng không sao, cứ có hoa là có tài lộc nhiều, có hoa chơi Tết là đã rồi.

. THỜI ĐIỂM TIẾN HÀNH GỌT THUỶ TIÊN
- Nếu sau khi gọt chỉ ngâm nước sạch thì khoảng 20-25 ngày với nền nhiệt độ trung bình 18độ C
- Nếu gọt xong giâm cát thì khoảng 18-20 ngày là nở bông đầu tiên
(đây là theo kinh nghiệm thực tế tại Hà Nội của em, tại nơi khác với nền nhiệt độ khác sẽ có sự khác biệt, thời tiết càng ấm, càng nhanh nở).

Theo kinh nghiệm của chị Vườn Huế ở miền Trung, sau khi gọt và giâm vào cát khoảng 15 ngày là nở. ở Miền Nam có nắng nóng, em nghĩ cũng khoảng thời gian như trên.

Như vậy, có thể tạm xác định: thời điểm gọt Thuỷ tiên ở Miền Bắc là từ 1-5 tháng Chạp, ở Miền Trung và miền Nam khoảng 15 tháng Chạp.

4. CÁC PHƯƠNG PHÁP ƯƠM THUỶ TIÊN
- Cách 1: không cần gọt tỉa, giâm thẳng vào cát ẩm. Làm theo cách này mất khoảng 30 ngày sẽ ra hoa.
- Cách 2: gọt tỉa,mục đích cũng nhằm để lộ mầm hoa ra, mầm hoa sẽ phát triển nhanh hơn so với không gọt. Gọt xong có thể uơm thẳng vào nước hoặc giâm vào cát.
ưu-nhược điểm của từng phương pháp:
- Giâm vào cát trực tiếp không qua gọt tỉa, củ Thuỷ tiên sẽ phát triển chậm hơn, hoa ra chậm hơn, lá sẽ dài và to, rễ củ cũng sẽ rất dài và trắng. Nhiều người không thích hình dáng của củ giâm theo cách này, vì lá dài loà xoà trông như cụm cỏ voi, ít ý nghĩa. Tuy nhiên, làm theo cách này rất nhàn, không phải thay nước hàng ngày mà chỉ cần tưới ngày 2 lần và chờ đợi là được.
sau khi cây sắp trổ bông thì nhổ lên khỏi cát, rửa sạch sẽ cát bẩn, dùng chổi lông quét sạch bẩn trong nước sẽ dễ dàng hơn. Sau đó đặt vào ly thuỷ tinh để trưng bày, ly thuỷ tinh cũng có nhiều hình dáng, tuỳ theo ý thích của mỗi người mà sử dụng.
Đây là hình củ Thuỷ tiên được giâm vào cát


- Nếu gọt tỉa, thì sẽ tạo được hình dáng như mong muốn, nếu ngâm vào nước thì phải thay nước hàng ngày và dùng chổi quét sơn rửa sạch sẽ rễ và mặt cắt. Tuy nhiên rễ cây s
sẽ không dài, nhưng rễ thẳng trông như chòm râu bạc. Nếu gọt xong giâm vào cát, rễ sẽ dài hơn, ít phải tưới hơn, nhưng rễ hay bị quăn do phải chui rúc vào cát. Nhiều người không thích rễ quăn vì cho rằng...đó là hình tượng râu quặp...hix
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của em thì sau khi gọt xong nên giâm vào cát để cho bộ rễ dài, khắc phục rễ bị cong bằng cách chọn chậu giâm cát dài hình ống, dùng cát sạch, mịn, ngâm thẳng chậu trong nước để đỡ phải tưới, bộ rễ sẽ dài, sáng và ít quăn.
Đây là một bình thuỷ tiên được cắt gọt rất nghệ thuật, cái này phải có rất nhiều công phu mới làm được, mình chỉ dừng lại ở việc thưởng thức ở mức trung bình là đủ:



5. DỤNG CỤ GỌT THUỶ TIÊN
- Dao chuyên dụng để gọt, có thể mua ở Phố Nguyễn Khuyến Hà Nội, hoặc đặt gia công theo hình dáng
(ảnh do bác Coden cung cấp)


Nếu có đủ các thứ trên thì tốt, không có thì chỉ cần 1 cái cũng được, em thì chỉ dùng 1 cái dao vát có 2 đầu như trong hình là đủ. Các bác không có dụng cụ chuyên dụng thì dùng dao nhọn cỡ nhỏ dao thái gọt hoa quả cũng OK, không vấn đề gì cả, chỉ cần tỉ mỉ hơn 1 chút và cẩn thận hơn 1 chút.
Con dao gọt thường có 2 đầu:
- đầu vát hoặc hình bầu dục dùng để rạch, sẻ, cắt
- đầu móc câu: dùng để khoét thịt củ giữa các mầm. Nếu các bác không có dao 2 đầu thì dùng cái thìa cà phê có chuôi quăn, mài sắc đi một chút cũng Ok.
(ảnh do bác Coden cung cấp)






6. CHUẨN BỊ TRƯỚC KHI GỌT
- Củ khô lấy dao kéo, cắt bỏ lớp lưới bên ngoài, đập vỡ đất bọc củ, bóc sạch các lớp vỏ khô bên ngoài, cạy bớt phần đen dưới đáy củ (lưu ý, cạy vừa phải không làm kỹ quá, vì đó là chỗ phát triển rễ của củ thuỷ tiên)
- Đem ngâm vào nước khoảng 2 ngày, sau đó xả qua nước cho sạch, chuẩn bị đưa em lên bàn mổ.
ở miền Bắc em thường ngâm củ vào mồng 1 tháng chạp, sau đó ngày mồng 3 vác ra gọt

. CÁC BƯỚC GỌT CHI TIẾT



Thuỷ tiên sau khi ngâm 2 ngày

Bẻ bớt các mầm bé tí mọc linh tinh trước mặt (H2)
- Cầm dọc con dao, dùng mũi dao, rạch 1 đường ngang thân củ cách đáy củ khoảng 1.5cm là vừa. (Hình 3)
- Sau đó rạch dọc hai bên theo hình vòng cung (Hình 4)
- Cạy nhẹ lớp vỏ và lột ra (Hình 5)
Làm tiếp tục như vậy cho đến lớp trong cùng


H2: Bẻ mầm mọc không đúng chỗ
Rạch ngang thân củ chính 1 đường


H3: Rạch ngang thân củ chính
Rạch dọc 2 bên theo hình vògn cung, tránh các mầm phụ 2 bên nách của chính



H4: Rạch dọc 2 bên
Lột dần từng lớp vỏ cho đến trong cùng



H5: Lột vỏ dần từ ngoài vào trong
Lột đến khi lộ ra mầm chính và các mầm phụ 2 bên thì tiếp tục xử lý như trên đối với vỏ của mầm chính



H6: Lột vào trong
Trong quá trình gọt, nếu gặp các mầm nhỏ càn đường, cắt bỏ không thương tiếc, chỉ lấy các mầm xếp thằng hàng so với mầm chính


H7: Gặp mầm nhỏ, cắt bỏ
Xén ngang để cắt mầm nhánh nhỏ mọc không đúng chỗ



H8: xén ngang chân mầm nhỏ
Tách mầm nhỏ, vứt bỏ đi



H9: Vứt mầm nhỏ
Gần đến lớp trong cùng, khi sắp chạm mầm chính, dùng dao cắt cho nhanh



H10: Cắt lớp thịt trong cùng
Khi mầm chính và các mầm phụ thẳng hàng đã dần lộ rõ, dùng chuôi dao hoặc đuôi thìa cà phê mài sắc, cạo hơi sâu 1 chút vào lớp thịt củ giữa các mầm để các mầm lộ rõ



H11: khoét thịt củ giữa các mầm
Chú ý khoét vừa phải đủ để bóc vỏ mầm chính và mầm phụ hai bên là đủ, không cần khoét sâu quá, dễ chạm các mầm ngủ bên dưới



H12: Khoét vừa đủ
Sau khi khoét rãnh giữa các mầm thằng hàng, ta bóc bao mầm để cho lộ mầm hoa ra, nếu các bác làm quen thì có thể lựa theo kẽ lá, xẻ 1 đường từ trên xuống dưới và bóc nó ra. Tuy nhiên, nếu chưa quen, nếu mạnh tay 1 tí là cắm vô mầm hoa ngay lập tức, hì......Nếu trong quá trình gọt, cạo, các bác thấy màu vàng nghệ lộ ra tức là các bác đã tương vào mầm hoa rồi đó...he he.....
An toàn nhất là làm theo cách này:
Các bác lựa mũi dao từ bên trên đỉnh mầm, khéo léo lựa mũi dao chui vô cái bao bọc mầm cây, xẻ nó ra và bóc từ từ, đảm bảo 100% không dính mầm hoa.



H13: Dùng mũi dao xé bao mầm cây ra
Lùa đầu dao dọc theo chiều dài của mầm cây, tựa như các bác làm lòng gà ý, tự nó bóc ra, bóc ra thì cắt bỏ nó, chú ý nhẹ tay tránh làm xước lá, kẻo nó quăn qoeo không theo ý muốn của mình.



H14: tách bao mầm ra(kích vào ảnh để xem ảnh lớn)
Tiếp tục lùa dao với cạnh bên kia của mầm cây, thế là mầm hoa đã lộ ra



H15: Bóc tiếp bao mầm bên cạnh
vận dụng chưởng pháp này với các mầm bên cạnh mầm chính, các bác cứ cắt tà lưa các mầm bên cạnh, cốt để lộ cái mầm hoa ra, tí nữa xử lý tiếp, không cần gọn gàng ngay làm gì



H16: xé bao mầm các mầm bên cạnh mầm chính
Các mầm loe ngoe khác cũng xé tương tự, các bác cứ vùi hoa dập liễu cho em, nó không hỏng đâu mà sợ, hỏng làm lại...hĩ hĩ....



H17: xé bao mầm loe ngoe
Hổi sáng làm cuốc rượu, máu nóng nổi lên, em vận công mạnh quá, bục mất 1 mầm hoa, các bác có nhìn thấy cái đốm màu vàng nghệ không, hoa đấy ạ...hi hi...không sao hết, ta tiếp tục



H18: Lỡ chạm mầm hoa
Bên cạnh củ to chính giữa thường có các củ con con mọc chìa xung quanh, về nguyên tắc thì làm từng bước bóc vỏ như ban đâu, tuy nhiên, vì củ nó nhỏ, các bác cứ làm thế này cho em, hỏng thì vứt, tỉ lệ thành công là 90%, hê hê.....
Dùng lưỡi dao, xấn sâu vừa phải xuống ngang thân củ 1 phát, xấn vừa thôi nha, kẻo đứt luôn củ thì tội nó lắm, sau đó lùa lưỡi dao ngược lên trên, cắt vát 1 phát cho nhanh.



H19: Gọt củ con
Hất ngược dao lên 1 phát là em nó ra luôn. Nếu các bác dùng dao gọt hoa quả thì cẩm ngang con dao ra, cắt 1 đường là xong



H20: cắt sâu vừa phải tránh đụng mầm
Xong lại áp dụng chiêu thức hồi nãy, xỏ dao từ trên xuống, xé bao mầm hoa của củ nhánh



H21: xé bao mầm củ nhánh
Bóc bao mầm cả 2 bên củ con



H22: bóc bao mầm củ con cả 2 bên cho lộ hoa
Các củ con khác lớn hơn bên cạnh, ta xử lý tương tự các bước như trên



H23: gọt củ nhánh
Sau một hồi đục đẽo, khoét gọt, củ nó ra thành thế này, thảm thương quá, hix...



H24: Gọt xong cơ bản
Củ mới gọt xong cơ bản trông nham nham nhở nhở đáng thương lắm, bây giờ các bác dùng đến kéo để phẫu thuật chỉnh hình cho em nó, cắt tỉa râu ria cho gọn gàng, cắt bỏ các miếng vỏ bị đen



H25: Dùng kéo tỉa của
Lùa mũi kéo dọc theo các chỗ cần cắt tỉa và cắt phứt nó đi



H26: lùa mũi kéo từ trên xuống, để cắt tỉa
Cắt sửa theo chiều ngang



H27: cắt sửa theo chiều ngang
Củ đã sửa xong, trông oách ra phết



H28: củ đã sửa xong
Tiếp theo, tạo hình lá
Nguyên tắc chung: xén lá theo chiều nào thì nó cong theo chiều đó, do đó, tuỳ ý thích của các bác muốn là cong, võng, vặn, xoắn, vẹo,nghiêng, thẳng,.... mà xử lý.
Dùng lưỡi dao đi 1 đường từ trên đỉnh lá xuống dưới gốc, chú ý tránh tương vào mầm hoa



H29: Xén lá
Xén từ trên đỉnh xén xuống, làm từng lá một cho chắc ăn nha



H30: xén là từ đỉnh xuống, từng lá một
Nếu các bác thích lá lên thẳng 1 đoạn, rồi quặp xuống giống như quả Phật Thủ thường bày mâm ngũ quả dịp Tết, thì xén 1/3 của lá thôi



H31: Tạo hình lá móc câu
Thành quả sau khi xén lá



H32: Thành quảkích vào ảnh
Sau đó, úp củ đã gọt vào chậu nước sạch, nó sẽ chảy nhựa nhớt nhờn nhợt,,,ghê ghê rừ các vết cắt, vài tiếng 1 lần, các bác dùng chổi lông quét sơn, chùi vào các vết cắt, xả sạch, ngâm lại bằng nước khác, khoảng 2 ngày sau là hết nhớt



H33: Ngâm xả nhựa củ
Sau khoảng 2 ngày, củ đã hết nhựa, sờ vào vết cắt sạch bong kin kít là ok, các bác mang vào thuỷ dưỡng, gọi là thuỷ dưỡng cho oách, chứ nôm na là tương nó vào nước.
Nước dùng thuỷ dưỡng, nếu có nước mưa là tốt nhất, củ sẽ sáng sạch và ít bị thâm. Không có dùng luôn nước máy cũng được, nếu thâm chỗ nào, khi mang trưng bày dùng kéo cắt bỏ là xong, lại trắng gì mà sáng thế ngay thôi ạ.
Chậu thuỷ dưỡng, nếu các bác gọt nhiều có thể dùng hộp xốp và lưới như bài trên hưỡng dẫn, nếu gọt 1 vài củ thì tương luôn vào ly thuỷ tinh, chú ý thay nước hàng ngày và dùng chổi lông, chà sạch các vết cắt. BBí quá như em, trộm bát ô tô múc canh của vợ, hị hị,,,kê mấy hòn sỏi bên dưới cho cân củ, phủ một lớp vải trắng lên trên vết cắt, đổ nước vào. Các bác có thể dùng cái khăn ướt của chị em hay dùng để phủ lên cũng được, nhớ giặt sạch trước khi dùng



H34: Thuỷ Dưỡng

Nếu làm nghiêm chỉnh thì cần theo kiểu này






Nếu muốn có bộ rễ dài như râu ông lão bạc phơ, thay vì thuỷ dưỡng, các bác tương vào cát ẩm cho em, lấy 1 cái chậu sâu hoặc cái gì đó hình ổng là được, đổ cát vào đó, ngâm xuống hồ nước để nước ngấm ngược lên trên, đỡ phải tưới nhiều, nếu không ngâm được thì ngày tưới cho nó 2 lần. Sau khi chuẩn bị ra hoa, ta nhổ lên, dùng chổi lông chà sạch cát bám vào, dùng dao kéo cạo, cắt các vết thâm đi, thả vào lọ, thế là ta chờ đợi giây phút hoa hé mở bông đầu tiên, ôi hương thơm dạt dào, ngạt ngào và nồng nàn lắm các bác ạ



H35: Giâm vào cát ẩm
Sau khi nụ đã vươn cao, nhổ ra khỏi cát, rửa sạch cho vào ly, chờ hoa nở....
Cây này em không xén lá để thử nghiệm kiểu xè tà nhưng thất bại, trông nó loằng tà là ngoằng, đến chán, nhưng không sao, có hoa là tốt rồi, em thường tự an ủi mình thế, hị hị....



H36: Trưng bày chờ hoa nở