Linh – Kiệt và món bê thui
Ông Linh gặp ông Kiệt lần đầu khoảng năm 1956. Để đánh dấu sự kiện quan
trọng này, ông Linh mời ông Kiệt nhậu món bê thui chấm với nước mắm
gừng. Tình đồng chí, mùi bê thui, với mắm mặn gừng cay đã để lại trong
ký ức ông Kiệt những ấn tượng đến tận cuối đời. Bà Bảy Huệ vợ ông Linh
là người đồng hương Vĩnh Long với ông Kiệt. Vợ chồng bà coi ông Kiệt như
cậu em trong nhà. Nhưng khi hai ông đã đạt đến tột đỉnh quyền uy, thì
họ cư xử với nhau thế nào. Huy Đức dẫn chúng ta lần mò vào chốn thâm
cung, kín cổng cao tường, nhưng vô minh, tăm tối để tìm câu trả lời
trong Quyền Bính.
Vò xé miền Tây
Tháng 6 năm 1986, ông Linh trở thành Tổng bí thư còn ông Kiệt là phó Thủ tướng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.
Tháng 8 năm 1986 xảy ra vụ án Hoàng Cơ Minh, nguyên phó đề đốc tư lệnh
Vùng II Duyên hải của VNCH, qua Mỹ từ năm 1975, về Thái lập căn cứ kháng
chiến. Trong vụ án này có một bị cáo là Dương Văn Tư.
Cimexcol là công ty khai thác gỗ bên Lào của tỉnh Minh Hải và thành phố Hồ Chí Minh. Phó giám đốc điều hành là Dương Văn Ba.
Khi ông Linh lên Tổng bí thư được hơn một năm thì Dương Văn Ba bị bắt vì
là anh của Dương Văn Tư, và anh Ba qua Lào lập chiến khu để em Tư đánh
vào Việt Nam.
Nhưng Tư sanh ở miền Bắc, và nhiều tuổi hơn Ba. Họ không có mối quan hệ
huyết thống. Lại không có bằng chứng Ba qua Lào để mở chiến khu.
Số phận đắng cay không buông tha Ba. Án chính trị chuyển thành án kinh
tế. Hình phạt nặng nề giánh xuống đầu Ba và nhiều người khác trong ban
lãnh đạo Cimexcol, mặc dù không có chứng cớ của tham nhũng hay thua lỗ.
Huy Đức không dừng lại ở việc tường thuật tại tòa mà còn đưa bạn đọc đi
tìm căn nguyên. Trung tướng công an Võ Viết Thanh, thứ trưởng phụ trách
an ninh “không thấy có bằng chứng Cimexcol qua Lào mở chiến khu”. Lãnh
đạo Cimexcol là những đồng chí của ông Kiệt ở miền Tây trước 1975. Ông
Linh và ông Kiệt đang “có vấn đề”. Ông Linh đã chỉ đạo Lâm Văn Thê giám
đốc công an Thành phố Hồ Chí Minh làm án.
Từ trái sang phải: Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Xô, Phạm Thái Bường (Ba
Bường), và Võ Văn Kiệt thời kỳ chiến tranh “giải phóng miền Nam” Việt
Nam. Ảnh VNN
Cả miền Tây Nam bộ cuốn vào vòng xoáy nghiệt ngã của tị hiềm. Những con
người hiền hòa chân chất của dải đồng bằng châu thổ kẹt giữa muôn vàn xô
đẩy của quyền lực. Bao nhiêu cuộc kiểm điểm, bao nhiêu thông tư, chỉ
thị, bao nhiêu người bị kỷ luật, liên lụy, cách chức, khai trừ, bao
nhiêu người bị oan sai, bao nhiêu người phải ôm hận xuống mồ.
Hình ảnh của miền Lục tỉnh bị vò xé thực ra chỉ là một phiên bản hắt ra từ mối quan hệ Linh – Kiệt.
“Trèo cây, múa gậy”
Tháng 3 năm 1988, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng đột ngột qua
đời. Theo Hiến pháp thì ông Kiệt sẽ lên thay cho đến khi Quốc hội bầu ra
người mới.
Tháng 6 cùng năm, Quốc hội nhóm họp đã bầu Đỗ Mười mặc dù rất nhiều đoàn
đại biểu đề nghị ông Kiệt. Bạn đọc được coi một màn xiếc, quay cuồng,
đảo điên đến ngoạn mục của ông Linh.
Ngay khi Phạm Hùng vừa chết, ông Linh đi gặp cố vấn Phạm Văn Đồng và Lê
Đức Thọ, rồi giao cho Nguyễn Đức Tâm đi các tỉnh miền Bắc, Võ Chí Công
đi các tỉnh miền Trung, và đích thân ông đi các tỉnh miền Nam để vận
động loại ông Kiệt ra khỏi ghế thủ tướng.
Không thấy Huy Đức nêu ra nội dung của cuộc gặp giữa ông Linh và hai ông
cố vấn. Nhưng theo hồi ký của Đoàn Duy Thành thì Phạm Văn Đồng đánh giá
Đỗ Mười là “Chỉ có phá”. Ông Đồng có lúc đã “phản ứng rất gay gắt và đã
giao cho năm đồng chí cấp tướng là phải hạ anh Mười xuống”. Cũng không
thấy Huy Đức nêu ra bằng chứng Bộ chính trị chọn Đỗ Mười.
Khi vận động loại Võ Văn Kiệt, ông Linh đi đến đâu cũng bị phản đối,
nhưng ông luôn nhân danh “Đây là quyết định của Bộ chính trị”.
Ông Linh đã thao túng dư luận, thao túng Quốc hội để chọn Đỗ Mười, một
người đã phá nát nền kinh tế miền Bắc sau năm 1954, phá tiếp nền kinh tế
miền Nam sau 1975, có tiền sử tâm thần phân liệt, đã phải phải “trèo
cây”, “múa gậy” để “hạ nhiệt”, trở thành Thủ tướng.
“Cậu sẽ chết”
Ông Linh nghỉ hưu vào năm 1991, nhưng những cú thôi sơn của ông nhằm vào ông Kiệt dường như không muốn nghỉ ngơi.
Khi ông Kiệt đã trở thành Thủ tướng, miền Bắc thừa điện, miền Nam thì
thiếu. Ông Kiệt cho xây dựng đường dây 500 kV tải điện vào Nam, thay vì
bán qua Trung Quốc.
Ông Linh cho là ông Kiệt “lợi dụng tiền Nhà nước để gây thanh danh cá nhân”, rồi lại dùng con bài tư pháp như ông đã từng làm để triệt hạ đối phương.
Một động thái thiếu thận trọng nhưng không phạm pháp của Bộ trưởng Bộ
Năng lượng Vũ Ngọc Hải đã trở thành một bản án đầy ám muội giáng xuống
đầu ông cùng ban lãnh đạo xây dựng đường dây 500 kV.
Chưa đủ, ông Linh đích thân bay ra Hà Nội gặp Viện trưởng Viện Kiểm sát
Nhân dân Tối cao để đổi cáo trạng từ khung “cảnh cáo” thành khung có mức
án ba năm tù.
Vẫn chưa hài lòng, ông Linh còn can thiệp loại bỏ đợt ân xá trước Tết
Nguyên đán hằng năm, để ông Hải không còn cơ hội ra tù sớm.
Quay lại vụ án Cimexcol, ông Linh đã tung ra một màn ảo thuật để tòa
phải xử “sơ chung thẩm” kết hợp, đưa nạn nhận vào ngõ cụt, tuyệt đường
kháng án.
Ở vụ án này, Huy Đức dẫn chúng ta vào một khoảng tối, phía sau vành móng ngựa. Một người bạn kể với ông Hải rằng “Vị ấy đã đồng ý tha cho tớ nhưng cậu sẽ chết”. “Vị ấy” là ông Linh.
Ông Linh đã dùng quyền bính để can thiệp vào các vụ án một cách tùy tiện
đến mức thối nát, nếu không nói đó là hành vi phạm pháp. Đây không phải
lần đầu và cũng không phải lần cuối. Ông Linh còn làm như vậy nhiều năm
sau đó để triệt hạ ông Kiêt.
Không “đao to búa lớn” nhưng…
Giữa năm 1995, Chính phủ mà ông Kiệt điều hành gặt hái được nhiều thành
tích, uy tín của ông lên cao. Khi đó Tổng bí thư Đỗ Mười đã ở tuổi 80.
Ông Kiêt trở thành một ứng cử viên nặng ký cho chức tổng bí thư vào kỳ
Đại hội VIII.
Điều này đã làm cho Trung Quốc, Đỗ Mười, Lê Đức Anh, và đặc biệt là ông
Linh trở nên quyết liệt hơn, tàn nhẫn hơn. Ông Linh tung ra trận đánh
tổng lực với nhiều chiến thuật khác nhau.
Vợ ông Kiệt là bà Phan Lương Cầm, tiến sỹ Hóa, giảng viên Đại học Bách
khoa Hà Nội, trở thành mục tiêu cho cuộc tấn công. Bà Cầm không phải
đảng viên cũng trở thành một chủ đề cho dư luận đàm tiếu. Ông Linh gọi
bà là “con mẹ Giang Thanh”. Hình ảnh bà Cầm lịch lãm, duyên dáng bên
chồng trong những chuyến công du nước ngoài bị mỉa mai là “gót chân
Achilles” của Thủ tướng. Tấm hình bà Cầm đang mang gói quà trong một
chuyến công du được tung ra cho nhiều người coi “Ông xem, nó chỉ đi để
lấy quà”. Những lời đồn thổi về chuyên cơ chở bà Cầm thường mang rất
nhiều hàng hóa. Ông Linh công khai tung tin bà Cầm tham nhũng.
Đời tư của ông Kiệt cũng bị sách nhiễu. Ông Kiệt lấy vợ, ông Linh cho là
“ẩu”, “không thèm hỏi ai”, “không chấp nhận được”. Ông Kiệt chơi tennis
thì ông Linh cho là “xa rời lối sống và đạo đức cách mạng”, “tốn kém”
và “học đòi”. Một ủy viên Bộ chính trị tâm sự “Ông Linh đi đâu cũng nói
xấu ông Kiệt”. Một cán bộ cao cấp thì “rất buồn” khi nghe ông Linh gọi
ông Kiệt là “thằng” giữa cuộc họp đông người. Khi ông Linh càng ốm nặng,
ông càng lo lắng “Sáu Dân mà trở thành tổng bí thư thì gay lắm”. Ông
quyết liệt hơn với bản trường ca “Tham nhũng đâu cần chống ở đâu, cứ
chống ngay trong nhà Thủ tướng”.
Song song với những hoạt động để triệt hạ uy tín cá nhân ông Kiệt, ông
Linh tìm cách cô lập và loại ông Kiệt ra khỏi Ủy ban Thường vụ Bộ Chính
trị. Ông Kiệt không được tham dự vào các quyết định quan trọng nữa.
Đồng thời, ông Linh lôi kéo nhiều nhân vật gốc miền Tây Nam bộ để chống
ông Kiệt, trong đó người dẫn đầu và lợi hại nhất là Nguyễn Hà Phan.
Khi ông Phan đang làm bí thư tỉnh Hậu Giang, ông khá phóng khoáng và
năng động. Ông Kiệt cất nhắc ông ra Hà Nội làm phó cho mình vào năm
1986.
Chẳng bao lâu cơn thèm khát quyền lực chốn kinh thành đã thổi bay hương
đồng gió nội. Phan bỏ Kiệt mà kề vai sát cánh với “lũ chim sẻ chim ri”
Đào Duy Tùng, Nguyễn Đức Bình, thậm thụt vào ra với đám “MA vương” Mười –
Anh, và Nguyễn Văn Linh.
Khi chính phủ ông Kiệt chọn Úc là đối tác thăm dò dầu khí ở mỏ Đại Hùng,
ông Phan bảo “miền Nam không ai đồng tình vì bọn Úc đã đưa quân vào tàn
sát đồng bào ta”. Khi ông Kiệt chủ trương cho Malaysia xây dựng sân bay
Nội Bài, ông Phan đưa lý do “an ninh quốc gia”, “không cho nước ngoài
đầu tư ở cửa ngõ Thủ đô”.
Tháng 1 năm 1994 tại hội nghị giữa nhiệm kỳ, ông Phan đưa ra một bản
thống kê mười sáu điểm chệch hướng của chính phủ mà ông Kiệt điều hành.
Bữa đó, ông Phan được kết nạp vào Bộ chính trị.
Tất cả những hoạt động trên đây mới làm giảm uy tín, chứ chưa thể kết
liễu sự nghiệp chính trị của ông Kiệt được. Song, những đối thủ của ông
Kiệt cũng không phải chờ quá lâu, khi ông công bố “Thư gởi Bộ Chính
Trị”.
Lá thư này được cho là do Nguyễn Trung, thư ký của ông Kiệt, chấp bút.
Việc công bố lá thư vào một tình huống mà ông Kiệt đang bị bao vây bởi
cánh bảo thủ, và vào một thời điểm trước đại hội khi mà các phe nhóm
đang tính sổ với nhau, là một sai lầm chết người của ban tham mưu cho
ông Kiệt.
Đối thủ của ông Kiệt không bỏ lỡ cơ hội. “Thư gởi Bộ chính trị” được
hình sự hóa. Ông Lê Hồng Hà nguyên chánh văn phòng Bộ Công an bị khám
nhà, hưởng hai năm tù giam vì tội tàng trữ lá thư. Tiến sỹ Hà Sỹ Phu
hưởng một năm tù giam vì tội chuyên chở lá thư. Nguyễn Kiến Giang 15
tháng tù cho hưởng án treo về tội đọc lá thư.
Người chống đối lá thư này mạnh nhất là Nguyễn Hà Phan. Phan kết tội ông
Kiệt là “nối giáo cho giặc”, “không vững vàng”, “chệch hướng 100%”.
Thảm đỏ đã trải ra để ông Phan bước vào Phủ thủ tướng nếu như không có
một vụ án “Nguyễn Hà Phan” đầy kịch tính xảy ra ngay sau đó.
Lê Khả Phiêu người đập lại lá thư này rất đanh thép trên tờ “Quân đội nhân dân” đã trở thành Tổng bí thư kế nhiệm.
Người ta dàn xếp để ông Linh không “đao to búa lớn” với ông Kiệt như
trường hợp Trần Xuân Bách. Nhưng sự nghiệp chính trị của ông Kiệt coi
như đã cáo chung. Ông Kiệt yên vị ở ghế thủ tướng cho đến khi hạ cánh
không lâu sau đó. Ông Linh chiến thắng.
Xuyên suốt toàn bộ “Quyền Bính” bạn đọc không thấy ông Kiệt ra đòn trả
đũa. Chỉ có một tình tiết nhỏ là ông Kiệt đã chỉ ra một nhân chứng sống
để lột mặt thật của Nguyễn Hà Phan, kẻ từng phản bội đồng đội trong thời
gian bị bắt giam. Ban Bí thư quyết định tước hết mọi chức vụ và khai
trừ ông Phan ra khỏi đảng trong vòng một buổi sáng. Ông Phan trắng tay
về lại miền Tây như một tội đồ. Nhìn Phan khăn gói rời Hà thành, ông
Linh tím ruột.
Lúc về hưu, ông Linh thề cống hiến cho đảng đến hơi thở cuối cùng. Sự
thực của viêc cống hiến trong hơn mười năm cuối đời này là ông Linh chỉ
làm một việc: Mang ông Kiệt ra thui như người ta thui bê làm món nhậu.
Kiếp người ngắn ngủi trầm luân. Cả hai ông giờ đang phiêu du miền cực
lạc, chẳng biết có còn chút vấn vương trần thế mà nhớ tới bữa nhậu bê
thui chấm với nước mắm gừng của thủa hàn vi.
Cảm ơn Huy Đức đã dũng cảm vượt lên sự sợ hãi, vượt lên những cám dỗ của
đời thường, vượt lên những đắm đuối, mê say, sùng bái, tụng niệm của
nhiều người cầm bút cùng thế hệ. Anh đã can đảm bức phá những khuôn khổ,
kìm hãm, cấm đoán, răn đe để tìm tòi, và để lại cho đời, cho lịch sử
một lời nói thật.
Tháng Giêng, Giáp Ngọ 2014
http://chuyenthuongngayohuyen.blogspot.com/2014/02/chuyen-tinh-linh-va-kiet.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét