Thứ Năm, 6 tháng 2, 2014

Mộ bia của hoang tưởng chết người

Đúng một năm sau khi một kinh tế gia của Trung Quốc là ông Mao Vu Thức được một viện nghiên cứu Hoa Kỳ trao giải "Milton Friedman về Phát Huy Tự Do" thì một viện nghiên cứu khác tại Mỹ lại trao giải "Hayek" cho một nhà báo đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc. Đó là ông Dương Kết Thằng. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về giải thưởng và tác giả trúng giải này qua phần trình bày của chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa do Thanh Trúc thực hiện sau đây.

Xu hướng “tự do tuyệt đối”

Thanh Trúc: Xin kính chào ông Nghĩa. Năm ngoái cũng vào Tháng Năm, Viện CATO nối tiếng tại Hoa Kỳ đã trao giải "Milton Friedman về Phát Huy Tự Do" cho kinh tế gia Mao Vu Thức của Trung Quốc và mục Diễn đàn Kinh tế đã nói về giải thưởng và tác giả này vào ngày chín Tháng Năm. Năm nay, đến lượt một nhân vật Trung Quốc khác lại được một viện nghiên cứu Hoa Kỳ tại New York trao giải thưởng có tên là "Hayek". Thưa ông, giải thưởng ấy là gì và nhân vật trúng giải năm nay đã cống hiến những gì mà được người Mỹ vinh danh như vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa tác giả trúng giải là sử gia Dương Kết Thằng sẽ đọc bài diễn văn tại viện Manhattan gần cùng lúc với chuyến thăm viếng Hoa Kỳ của tân Chủ tịch Trung Quốc là ông Tập Cận Bình. Cho nên ta càng chú ý đến người trúng giải, nhất là khi ông là đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc. Y như kinh tế gia Mao Vu Thức mà chúng ta nhắc đến năm ngoái, người trúng giải Hayek năm nay cũng là một nạn nhân và chuyên gia về Mao Trạch Đông.
Thanh Trúc: Như thông lệ, xin ông trình bày cho bối cảnh của câu chuyện về giải thưởng này.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trước hết, viện Manhattan là một trung tâm nghiên cứu thành lập từ năm 1978 và có tên gọi như hiện nay từ năm 1981, tức là đã hơn 30 năm rồi. Theo xu hướng "libertarian" mà ta có thể dịch là "tự do tuyệt đối" như viện CATO, viện nghiên cứu Manhattan quảng bá lý luận phát huy tinh thần trách nhiệm của cá nhân và quyền tự do chọn lựa về kinh tế, với mục tiêu đích thực là tác động vào chính sách quốc gia ngay từ lĩnh vực tư tưởng. Với phương tiện huy động nhờ sự quyên góp trong xã hội, viện Manhattan có chương trình hoạt động đa diện và có ảnh hưởng, kể cả tờ quý san City Journal xuất bản từ hơn 20 năm nay.
Giải thưởng Hayek do viện Manhattan lập ra từ năm 2005 là để hàng năm vinh danh một cuốn sách xuất bản trong vòng hai năm trở lại có nội dung cổ xuý lý luận của ông Friedrich von Hayek.
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Giải thưởng Hayek do viện Manhattan lập ra từ năm 2005 là để hàng năm vinh danh một cuốn sách xuất bản trong vòng hai năm trở lại có nội dung phản ảnh và cổ xuý lý luận của ông Friedrich von Hayek về tự do kinh tế và tự do cá nhân. Sinh vào năm 1899 và mất năm 1992, Hayek là kinh tế gia người Áo đã đoạt giải Nobel về Kinh tế năm 1974 và là một trong vài nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất thế giới từ tám chục năm qua.
Thanh Trúc: Thưa rằng ông ta có ảnh hưởng như thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Rất vắn tắt thì khi trí thức Âu-Mỹ còn bị mê hoặc bởi lý luận bao cấp và đường lối quản lý kinh tế bằng kế hoạch, ông Hayek đã viết cuốn "The Road to Serfdoom" vào năm 1944, tức là "Đường Tới Nô Dịch", để cánh báo về mối nguy tập trung kế hoạch của cả chủ nghĩa cộng sản lẫn chủ nghĩa phát xít. Cùng nhiều tác phẩm khác của Hayek, cuốn sách đã ảnh hưởng tới phong trào giải phóng khỏi những sai lầm kinh tế và chính trị của chủ nghĩa độc tài từ Đông Âu ra nhiều nơi khác.
Năm 1962, cuốn này mới được dịch sang Hoa ngữ cho các lãnh tụ Cộng sản Trung Quốc tham khải trong nội bộ và mãi đến năm 1997 mới được phổ biến một phần với lời dẫn nhập có nội dung bài bác xuyên tạc. Cuốn sách này được nhiều tác giả tiến bộ tại Việt Nam phiên dịch là "Đường về Nô lệ" hoặc "Con đường dẫn tới Chế độ Nông nô" và là tài liệu rất nên tham khảo.

Điều đáng suy ngẫm

Thanh Trúc: Khi viện Manhattan trao giải Hayek thì tức là họ muốn vinh danh một tác phẩm. Thưa ông, đó là tác phẩm gì và tác giả Dương Kết Thằng là ai?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Sinh vào năm 1940 tại Hồ Bắc, năm 18 tuổi khi còn đang là sinh viên nội trú thì ông Dương Kết Thằng thấy thân phụ chết ở trong nhà vì đói và nhìn chung quanh thì còn được biết là trong có sáu tháng đã có cả triệu người chết đói. Đó là khi Mao Trạch Đông phát động chiến dịch "Đại Dược Tiến" hay "bước nhảy vọt vĩ đại" từ đầu năm 1958 tới cuối năm 1961. Chuyện ấy, ông ta không thể quên được. Đó là nguyên ủy của cuốn sách có tên là "Mộ Bi – Trung Quốc Lục Thập Niên Đại Đại Cơ Hoang Kỷ Thật", nghĩa là "Mộ bia - Sự thật về Trận Đói tại Trung Quốc vào Thập niên 60".
YangJisheng-200.jpg
Ông Dương Kết Thằng, ảnh chụp hôm 18-09-2010. Photo courtesy of wikipedia.org
Được xuẩt bản năm 2008 tại Hong Kong, tác phẩm đồ xộ hơn 1.200 trang tổng kết 20 năm tìm tòi dữ kiện và nghiên cứu sâu xa của ông ta được dịch sang Anh ngữ nhưng gom vào hơn 600 trang dưới tên gọi là "Tombstone" và được xuất bản từ Tháng 10 năm ngoái tại Hoa Kỳ. Đấy là tác phẩm được vinh danh năm nay và tác giả hiện đang có mặt tại New York để nhận giải. Dù trị giá của giải thưởng chỉ là năm vạn đô la, giá trị của tác phẩm là một tổng kết công phu về một tai họa do con người gây ra cho con người, khiến gần 40 triệu người chết đói trong thời bình.
Thanh Trúc: Ông nói đến hai chi tiết về tác phẩm này: đó là một công trình thu thập mất 20 năm và xuất bản tại Hong Kong rồi mới được phổ biến ra nước ngoài. Thưa ông, trận đói nói trên đã xảy ra từ nửa thế kỷ về trước trong bốn năm tròn, vì sao giờ này mới được nhắc tới?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tai họa này bị chế độ cộng sản Bắc Kinh che giấu trong nhiều thập niên và ngày nay vẫn là đề tài cấm kỵ tại Trung Quốc. Thế giới đã có nhiều cuốn sách về hồ sơ này nhưng đây là công trình của "người trong cuộc", là chứng nhân trực tiếp đã dày công thu góp tư liệu từ mọi địa phương trong hai chục năm và chỉ có thể xuất bản ở Hong Kong, đúng nửa thế kỷ sau khi đã xảy ra. Chi tiết đó khiến ta chú ý đến tác giả. Sau khi tốt nghiệp Đại học, ông Dương Kết Thằng đã trở thành nhà báo và lên tới vị trí khá cao trong hệ thống thông tin và tuyên truyền của đảng. Ông cũng đã gia nhập đảng Cộng sản từ năm 1964 và được tín nhiệm để thành tai mắt của đảng trong vai trò biên tập viên lão thành của Tân Hoa Xã.
Thanh Trúc: Ông lại nói đến một chi tiết ly kỳ khác là một nhà báo lão thành đã là tai mắt của đảng. Chuyện ấy là thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta chạm vào một hệ thống kiểm soát tinh vi của đảng Cộng sản.
Một nhà báo giỏi và được tín nhiệm như Dương Kết Thằng thì có hai nhiệm vụ song hành. Một là viết bài trên hệ thống thông tin và tuyên truyền có kiểm duyệt của đảng. Hai là phanh phui điều tiêu cực xấu xa ở duới cho trung ương nắm vững tình hình các địa phương. Nhờ đó, ông ta mới thu thập được những thông tin có ích cho sau này.
Sau khi xảy ra vụ tàn sát Thiên an môn năm 1989, nhà báo kỳ cựu này mới bắt đầu phục vụ sự thật và lịch sử. Đó là gom lại mọi dữ kiện về bốn năm nhảy vọt vào chốn "cơ hoang" và kết luận là có 36 triệu người chết đói làm 40 triệu người không sinh ra đời, vị chi là 76 triệu nạn nhân từ một sự hoang tưởng của Mao Trạch Đông và các cận thần mà ông ta gọi là "bọn khuyển ưng". Xin nói thêm rằng "cơ hoang" là chết đói mà không vì mất mùa.
Thanh Trúc: Ông vừa nhắc đến con số 36 triệu người chết đói trong thời bình, từ 1958 đến 1962, lý do chính là vì sao vậy? Tác giả cuốn "Mộ Bia" giải thích thế nào về chuyện này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Dương Kết Thằng cho rằng Mao Trạch Đông tự coi là "thiên tử" trong ý nghĩa gần như tôn giáo, kết hợp tinh thần văn hóa truyền thống của Trung Hoa thời phong kiến với lý luận chuyên chính vô sản của Mác-Lenin. Do tính chủ quan duy ý chí của kẻ nắm quyền tuyệt đối, Mao có thể lấy quyết định hoang tưởng chết người mà vẫn cho là đúng và tiêu diệt những ai dám nghĩ khác, kể cả các nhân vật thân cận. Thậm chí Mao còn có loại lý luận toán học quái đản là nếu dân số có chết một nửa thì nửa còn lại coi như giàu gấp hai!
Ngày nào mà chưa xóa bỏ được loại hình tượng bệnh hoạn và chế độ quản lý tồi tệ ấy thì Việt Nam chưa ra khỏi con đường nô dịch, nó kéo dài từ Hà Nội đến Bắc Kinh.
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Vì vậy, ông ta phát động việc công nghiệp hóa bằng chiến dịch xây dựng nhà máy luyện kim thủ công nghiệp ở xã ấp và áp dụng lý thuyết canh nông hàm hồ của Lysenko bên Liên Xô để có thể nâng sao năng suất nông nghiệp. Các đảng bộ ở dưới cứ thế mà báo cáo thành tích lên trên và đảng viên thật ra vẫn no đủ trong khi ruộng đất bỏ hoang mà nơi nào cũng phải góp đủ chỉ tiêu về lương thực để còn... xuất khẩu. Vì vậy, người ta chết đói như rạ, sau khi ăn vỏ cây, lá cỏ, và thậm chí gia đình ăn thịt lẫn nhau. Chuyện bi thảm là ở trên cũng chẳng cần biết rõ sự thật ở dưới, và sau cùng khi chính Phó Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ than phiền về sai lầm này thì bị Mao để tâm và cho chết đói trong cuộc "Đại Văn Cách" từ năm 1967.
Thanh Trúc: Bây giờ có lẽ chúng ta hiểu vì sao cuốn Mộ Bia được vinh danh với giải thưởng mang tên một kinh tế gia đã viết sách cảnh báo về con đường đi tới chế độ nô lệ. Thưa ông, còn tác giả Dương Kết Thằng thì sao? Vì sao chế độ Bắc Kinh đã lặng thinh và còn cho ông ta qua Mỹ lãnh giải thưởng về một cuốn sách kết án lãnh tụ Mao Trạch Đông?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tác giả nay đã về hưu và vẫn sống tại Bắc Kinh.
Ông ta giải thích như thế này về hoàn cảnh của mình. Thứ nhất, Trung Quốc có thay đổi phần nào vì nếu 40 năm trước thì ông ta đã bị giết, 30 năm trước thì vào tù, nay thì họ chỉ cấm lưu hành cuốn sách ở trong nước. Thứ hai, dù duy trì kỹ thuật cai trị cũ, lãnh đạo thời nay đã tinh khôn hơn nên vẫn muốn một số dư luận trong đảng biết rõ về những sai lầm của Mao để khỏi tái diễn. Thứ ba, trước sự đổi thay dồn dập của kinh tế và xã hội, kể cả nạn bất công xã hội và chục triệu người mất việc từ khu vực quốc doanh, một số người lại luyến tiếc cái gọi là lý tưởng công bằng xã hội thời Mao và đả kích hệ thống lãnh đạo hiện tại. Một thí dụ là chuyện Bí thư Bạc Hy Lai của Trùng Khánh và lý luận tôn sùng Mao Trạch Đông của phái "tân tả". Vì vậy, lãnh đạo cũng cần người nhắc đến sai lầm của Mao.
Sau cùng, ông Dương Kết Thằng cho biết rằng lãnh đạo ở trên đã nắm vững quy luật cai trị tinh vi là chấp nhận một số tự do tư tưởng có hạn chế trong một nhóm nhỏ để duy trì chế độ độc tài trên mọi thành phần còn lại. Nhờ có người nói ra một phần sự thật, họ có thể tự chuẩn bị để đối phó. Trong cuốn "Đường Tới Nô Dịch", kinh tế gia Hayek cũng đã cảnh báo về hiện tượng độc hại của loại thông tin có hạn chế trong một chế độ toàn trị.
Thanh Trúc: Trong câu chuyện này, kết luận của ông là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Lãnh đạo Bắc Kinh già dặn hơn lãnh đạo Hà Nội mà đảng Cộng sản Việt Nam lại còn cấm người dân phê phán và đả kích Trung Quốc. Thứ nữa, có một chi tiết nhỏ trong cuốn Mộ Bia cũng đáng suy ngẫm: Mao Trạch Đông đích thân chọn khẩu hiệu xách động và còn tự tay viết thêm một khẩu hiệu nữa là "Mao Chủ Tịch Vạn Tuế". Nó cũng tương tự như việc ông Hồ Chí Minh viết sách tự ca tụng dưới bút hiệu Trần Dân Tiên! Ngày nào mà chưa xóa bỏ được loại hình tượng bệnh hoạn và chế độ quản lý tồi tệ ấy thì Việt Nam chưa ra khỏi con đường nô dịch, nó kéo dài từ Hà Nội đến Bắc Kinh.
Thanh Trúc: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi lý thú này./.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/tombstone-and-famine-nxn-05292013095253.html#.Uu-IrVlPlwk.wordpress

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét