Ngày xưa họ cũng khá cao, nếu không muốn nói là rất cao. Dưới ánh mặt
trời, họ cũng bằng vai phải lứa với những kẻ tự cho là cao nhất trong
thiên hạ. Cái bóng của họ đổ dài suốt bốn ngàn năm, còn kỳ vĩ hơn cả Vạn
lý trường thành hay những kim tự tháp. Bỡi vì, đó là không phải là
những đống xương vô định chồng chất lên nhau trong gió cát để bảo vệ cho
một triều đại hay một giòng họ nào; cũng không phải hão huyền chỉ để
giữ một cái xác không bị thối rữa chờ ngày phục sinh. Mà đó là tổng hợp ý
chí quật khởi kiên cường, mồ hôi và nước mắt của bao nhiêu thế hệ đi
trước để lại cho cháu con mai sau.
Vậy nên, chẳng những rất cao mà còn rất đẹp.
Họ xây một cái tháp, không bằng sắt như tháp Eiffel, mà bằng ý chí
rất nhân bản, gọi là tháp bút, bên cạnh một cái đài nghiên để ai cũng có
thể viết tên mình lên trời xanh, nếu tự thấy mình có thể làm cho quê
hương cao và đẹp. Nếu vì khiêm nhường thì hậu thế sẽ viết thay cho họ.
Và, trên nền trời bao la thanh khiết, những cái tên như Lý Thường
Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung và biết bao nhiêu tên tuổi khác nữa,
đêm đêm vẫn sáng ngời như những vì tinh tú bất diệt.
Không một kẻ ngoại bang nào, hay thế lực thù địch nào, dù có lúc cao đến tận trời, có thể xóa sạch được những tên tuổi đó.
Nhưng giữa trời quang, bỗng từ đâu đưa tới một đám mây, lúc đầu chỉ
như một đám khói của mớ giấy lộn đầy bụi bặm và mối mọt bị người ta đem
đốt, dần dần che kín cả bầu trời.
Trời đất trở nên tối sầm, ngột ngạt. Chẳng còn biết đâu là đêm, đâu
là ngày. Cứ như bị nhốt trong lòng huyệt mộ. Và, con người tự dưng thấp
dần, nhỏ bé dần.
Đầu tiên, người ta cảm thấy quần và áo đang mặc đột nhiên dài và rộng
hẳn ra. Có nhiều người bất ngờ thấy tuột cả quần. Rồi vì ngột ngạt, khó
thở, nhiều kẻ bứt tung cả áo. Họ không còn nhận ra ai là anh, ai là em,
ai là bè bạn. Ngay cả cha mẹ họ cũng tưởng đó là kẻ thù.
Đúng vậy, mỗi người đều là kẻ thù của nhau. Họ điên cuồng cắn xé, bóp cổ, móc họng chỉ vì một mẫu bánh hay một khúc xương.
Trong khi đó, đám mây tối sầm trên cao cứ mỗi lúc một sà xuống thấp.
Gần một thế kỷ rồi mà nó chưa chịu bay đi. Đám mây có một sức nặng khủng
khiếp, đến nỗi dù đã quá lùn nhưng chỉ rướn thẳng người lên một chút
chứ chưa nói tới ngẩng đầu, là bị nó chà xát làm cho thương tật hay nát
vụn ra như cám. Vì thế, muốn tồn tại, họ chỉ còn mỗi một cách là biến
mình thành những con gián đất.
Cơ sự quái đãn và bi thảm này được những kẻ bên ngoài, nhìn qua kính
chiếu yêu, thấy trong đám mây xú khí đó hàng triệu con quỷ lùn. Chính
đôi cánh ảo tưởng của chúng đã che rợp bầu trời, hơi thở tham lam hôi
hám của chúng đầu độc mọi người. Còn oan nghiệt hơn nữa là chúng nhảy
phóc lên lưng từng người, hai chân kẹp vào hông, hai tay thít lấy cổ,
miệng kê vào động mạch. Chúng không phải là bá tước Dracula, mà là những
con dơi mặt quỷ suốt ngày đêm hút máu.
Với tình cảnh như thế, các thế hệ sau càng lùn hơn. Những đứa trẻ may
mắn được sinh ra bị chúng nịt đầu bằng một cái kiềng sắt, không cho não
phát triển cứ như cách bó chân khổ nhục của đàn bà Trung Quốc ngày xưa.
Giờ đây, chúng như những con ễnh ương kêu ồm oạp trong những ngày lễ
lớn. Bụng thì rổng và to, còn tay và chân thì ngắn cũn cỡn chẳng làm nên
tích sự gì. Nếu giải phẩu những tên bị tai nạn giao thông, người ta
cũng chẳng ngạc nhiên khi thấy óc não của chúng chỉ bé như hạt tiêu,
thua cả một con rắn mối chứ chưa nói tới khỉ.
Thì thôi, đừng có cười cợt chê bai thế này thế nọ nữa. Họ lười biếng
ư, ăn cắp ư, giết nhau một cách man rợ ư, sống hèn sống nhục ư, không
biết tin vào một cái gì ngay cả chính mình nữa, thì đó cũng là chuyện
tai trời ách nước. Họ đâu còn là những con người. Như trên đã nói, họ
chỉ là những con gián, mà lại là gián đất!
Vấn đề là tự những con quỷ lùn.
Đương nhiên là chúng không muốn ai cao hơn chúng một cái đầu. Lại
càng không muốn ai có đầu óc to hơn chúng cho dù chỉ to bằng hạt đậu
phụng. Chúng bám lấy cái dân tộc này, làm cho lùn hẳn đi, thấp bé hẳn
đi, thiết lập một chế độ toàn trị sắt máu, chung qui cũng bỡi cái mặc
cảm lùn ngu dốt cọng với thói tàn bạo của chúng mà thôi.
Trước đây, nhạc sĩ Phạm Duy kêu lên: «ôi quê hương xứ dân gầy!» tuy
bi thương mà hảnh diện. Giờ, tôi kêu lên: Ôi quê hương xứ dân lùn! một
cách cay đắng, xấu hổ.
Nhưng tháp Tả Thanh Thiên và Đài Nghiên vẫn còn đó. Trên những đám
mây tối ám, những vì tinh tú của một dân tộc trước kia không hề lùn vẫn
chiếu sáng khắp bốn cõi. Sẽ có một ngày, trong đám lùn dưới kia, có một
hay nhiều, bỗng dưng cao lớn như Phù Đổng, sẽ vẹt mây phóng bút lên bầu
trời hai chữ Tự Do, dù phải viết bằng máu!
Hơn lúc nào hết, lúc này tôi phải khắc sâu câu hát của Trịnh Công Sơn: «Tôi ơi, đừng tuyệt vọng!»
03/4/2014
https://danluan.org/tin-tuc/20140405/khuat-dau-oi-que-huong-xu-dan-lun#comment-114642
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét