Thứ Bảy, 20 tháng 12, 2014

Đào Tuấn - Đại Việt nhật ký tàn thư (phần 3)





Ngày Kỷ hợi, 13-10 Tây lịch, sao Ngọc đường sáng ở phía đông, Công thương phòng có biểu tấu rằng bọn thương nhân đã tăng giá sữa tới 16 lần trong 3 năm qua. Có đứa bé bị bỏ chết trong thùng rác ở Tây Đô. Sư thầy chùa Như Lai thương lắm mới đặt tên là Thiện Minh, lại cho pháp danh là Huệ Thông, cho an vị tại tầng trệt tháp cốt, bên cạnh di cốt của một sinh linh khốn khổ khác là Nhân Ái. Bấy giờ Thiện Minh chỉ hưởng dương vừa đủ 24 canh giờ.
Cò bay rợp trời bên sông Trà Khúc.
Hương Sơn huyện, xứ Hoan Châu xảy ra trận lũ lớn trăm năm mới có. Vỡ dập Khe Mơ, thấy lòi lên một tảng đá lớn bằng con voi. Trong hai giờ một khắc, lũ vượt cao đến ngọn tre, sông Ngàn Sâu có sóng thần, 3 vạn nóc nhà, dân chúng 22 xã chìm trong lũ dữ. Châu Bố Chính, sông Giang cũng nổi sóng lớn, 5 vạn nạn dân phải chạy loạn.
Hố tử thần lại xuất hiện ở Nguyễn Du phố, Gia Định phủ.
Ở Đông Giang, xứ Quảng, dân chúng vượt sông, đánh đu với thủy thần khổ ải lắm. Có kẻ mõ sĩ họ Trương tên gọi Duy Nhất đưa ngựa lưu tinh đến báo có được 3 tỷ quan tiền ông Cụ xin Đông Giang nhận để xây cầu cho nạn dân. Huyện quan Đông Giang là Đinh Thái Long bấy giờ khiếu bận dự yến kỷ niệm, không muốn nhận. Trẻ con Phú Mưa thôn bấy giờ có câu hát đồng dao rằng: Dân có cần nhưng quan chưa vội/ dân có vội dân lội dân sang.
Lê Chưa Hưu bàn rằng: Huyện quan Đinh Thái Long bấy giờ đã có chỉ đưa về Thừa Tuyên Quảng Nam làm cứu trợ quan của Mặt trận cơ quan. Thái thú Quảng Nam cất nhắc là thấy ông có lòng thương dân chăng. Nào phải như thế. Khi ngựa lưu tinh về báo ông còn đang bận dự yến kỷ niệm, sau nói là bận họp, rồi lại bận dự yến chia tay. Cái bận, việc thăng quan tiến chức kíp có cần như “cái bận Sông Voi” với 25 nóc nhà 200 nhân mạng mỗi ngày vẫn phải đem thân xác ra cúng thủy thần? Làm quan như vậy há có thể coi mình là Osin của dân?
Nguyên Phó vương Nguyễn Thị Bình, Học sĩ Nguyễn Văn Hiệu, Tướng công an Lê Văn Cương, học sĩ “Nobel toán học” Ngô Bảo Châu và cựu thần Phạm Minh Nhị đồng ký tên điểm chỉ vào bản kiến nghị dừng Bô xít. Tâm thư của Cựu Thái thú An Giang Phạm Minh Nhị viết: Trước tôi nghĩ rằng có mấy ngàn chữ ký thêm nữa và thêm bao nhiêu tên tuổi lớn hơn nữa cũng không thể làm tăng thêm tính thuyết phục vốn có của sự việc mà thật lòng thì ai cũng biết. Còn nói nếu những phân tách của kiến nghị thiếu tính thuyết phục, không lay chuyển được “quyết tâm lớn” thì nó lại là ngoài tính khoa học và thái độ trách nhiệm của chủ trương. Tôi và gia đình luôn nhắc trong các bữa ăn, mỗi sáng đọc báo ta rất kỹ. Bởi vì hai nơi khai thác bô-xít ở ngay trên đầu mấy chục triệu dân Nam bộ, nhất là Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh, nơi không chỉ có đồng bào, đồng chí mà còn có con, cháu là máu thịt của tôi. Ngủ ngon sao được?!. Nghe ông đại diện cho chủ đầu tư nói cứng tôi không tin. Có ai chịu trách nhiệm về chủ trương và hành động của mình từng gây thiệt hại cho đảng cho dân mà bị trừng phạt hồi nào đâu. Cho dù ông có lấy cái mạng của ông ra bảo đảm!. Bởi một cái mạng của ông làm sao bằng hàng chục triệu cái mạng và một đời của ông làm sao dài bằng di hoạ từ bùn đỏ chứa các hoá chất xử lý trong quá trình tuyển quặng để lại dài lâu trong môi trường và trong cơ thể con người đến mấy thế hệ?
Sau tâm thư của cựu thần Phạm Minh Nhị, bản tấu xin thôi dự án Bô xít- Tây Nguyên từ nay gọi trong sách này là “Thỉnh nguyện thư”. Thỉnh nguyện thư bấy giờ đã một ngàn hai trăm chữ ký, được treo đủ năm ngày ở Ba Sàm quán, bảy ngày ở Bô xít viện, nhưng không được nhắc một dòng trên chính sử. Các mõ sĩ sợ cái vạ Lưu Hiểu Ba chăng!
Ngày Mậu Tuất, nhân vị tam bảo là Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri, có thảo dân họ Trương tấu lên rằng đề nghị Quốc hội kết luận rõ vụ việc ở Vina-xin. Lại nói dân chúng băn khoăn con số kinh phí cho Đại lễ, tốn kém không biết bao nhiêu tiền của. “Quốc hội phải yêu cầu thống kê các lễ hội năm nay tốn bao nhiêu tiền của, công sức của dân, kết quả từ các lễ hội đó mang lại được bao nhiêu. Giá như chúng ta tiết kiệm được tiền chi cho lễ hội để xây thêm trường học thì tốt biết bao cho sự nghiệp trồng người, hay xây thêm bệnh viện để không còn cảnh 2 - 3 người bệnh/giường, thậm chí là 4 – 5 người bệnh/giường”. Vương nói "kỳ này có rất nhiều phần việc quan trọng, nhưng không thấy các bác góp ý kiến gì. Vừa rồi Trung ương kết luận phải tiếp tục thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường ở 10 tỉnh cũng là đồng tình trên cơ sở ý kiến đóng góp của các ĐBQH, như thế là bước tiến lớn. Cử tri cũng phải góp ý kiến ở tầm quốc gia, chứ không chỉ những vấn đề của địa phương". Lại bảo "ĐBQH cũng là dân, và cử tri đã bầu ĐBQH đại diện cho mình rồi. Bất cứ lúc nào có vấn đề bức xúc, các bác đều có thể đóng góp ý kiến".
Gà đẻ trứng trên cầu Thăng Long
Ngày Tân Sửu, trời ỉu. Có đứa ả đào là Thái Hà trần như nhộng, che thân bằng lá cải. Nhân câu chuyện trực tiếp bầu quan, Cựu thần Nguyễn Đình Lộc bàn rằng: Tôi về hưu, họp chi bộ ở khu phố, ra họp cũng chủ yếu để nghe phổ biến chứ có bàn thảo gì đâu, ai đó đã quyết định hết rồi. Thấy trong Đảng như thế là chưa dân chủ. Lại nói: Những người trong cấp ủy có quyền, bí thư là người có quyền lớn nhất, điều này chi phối hành động của các đảng viên. Nếu mình ứng cử thêm ai vào để "so" với bí thư, sau này dễ phiền phức. Vậy nên các đảng viên đến dự đại hội vẫn chủ yếu phụ thuộc vào danh sách đề cử của cấp ủy khóa trước.
Ở đầm Ô Loan, Phú Yên phủ, hiện cua khổng lồ.
Miền Trung mưa như trút nước, đập đất Vực Sanh, Cẩm Ly, Trung Thuần nước mấp mé, 3,5 triệu khối nước trực tràn xuống hạ lưu. Mấy chục ngàn nạn dân vừa trở về nhà đã bị hối đi trốn lũ trong các hang đá. 55 ngàn nóc nhà chìm dưới nước. 3 bản người Rục vẫn bị nước bao vây.
Có ngựa lưu tinh báo về hồ Kẻ Gỗ ở Hoan Châu sắp vỡ đập. Kẻ Gỗ, Sông Rác, Hố Hô bấy giờ đồng loạt xả lũ, khiến cho nước chồng lên nước, lũ chồng lên lũ. Có đứa học trò mười mấy tuổi là Đoàn Hiệp Đồng ở Sơn Thủy trên đường đi học về bị lũ cuốn trôi. Ở miền Trung, bấy giờ đã có 31 người bị lũ cuốn chết, 23 người mất tích. Các thông lộ đều bị vùi lấp. Triều đình ở kho phát ra 2 vạn tấn gạo, 200 tỷ quan tiền cứu dân. Hoàng đế bệ hạ có chỉ an dân. Có đoạn: "Trong những ngày qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân, cán bộ, chiến sĩ ở các địa phương bị lũ lụt đã có rất nhiều nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Trong hoạn nạn, đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng, rất cảm động về sự thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo các Bộ, ngành, giúp đỡ đồng bào, hạn chế được một phần thiệt hại do thiên tai lũ lụt gây ra". Có thi sĩ họ Nguyễn làm thơ rằng:
Câu ví dặm…
Nghẹn sâu trong nước lũ
Nghệ Tĩnh ơi, vất vả truyền đời
Ngửa mặt kêu trời
Trời cao xa không thấu
Mưa cứ tuôn rơi tan nát đất lành
Thoi thóp ngàn mái nhà ngạt thở
Đói, khát, lạnh da, tê cóng cõi lòng…
Nước mắt trong rơi vào lũ đục
Tin vào tình người giữa hoạn nạn thiên tai?

Vietnamnet mở trưng cầu dân ý: Sao nào ngực đẹp nhất khi thả rông. Anne Hathaway được ngôi đầu.
Cựu Tổng quản Đông Tây đại lộ họ Huỳnh tên gọi Ngọc Sỹ bị hạ ngục chung thân vì ăn của đút 262 ngàn quan tiền Obama, tương đương với 4 tỷ quan tiền Việt. Sĩ chối tội.
Có nạn nhân 83 tuổi là Đinh Thị Thanh đứng bên Bách hóa Thanh Xuân xin được hiến xác sống vì khổ quá không sống được. Người này nguyên quán Thái Bình, đã lưu lạc ra Thanh Xuân quận được 25 năm. Hai năm trước chủ quán trọ sợ chết trong nhà nên không cho thuê nữa. Từng mua thuốc chuột quyên sinh nhưng mua phải thuốc dởm, từ đó đổi tên Thanh ra Hạnh với ý bất hạnh, muốn chết mà trời còn không cho chết.
Ngày Nhâm Dần, Miền Trung xảy dịch giá. Một nắm rau giá tới 10 ngàn quan tiền.
Thái tử Tuấn đắc cử Bắc Giang vương.
Nước Thiên Trúc hứa bán tàu tấn công cực nhanh. Tàu trang bị động cơ phản lực, tốc độ vượt quá 35 hải lý/h. Tàu có 1 pháo bắn nhanh, 11 súng máy và 1 bệ phóng tên lửa. Có OPS hệ thống kiểm soát đường ngắm mục tiêu quang điện tử, tấn công các mục tiêu chuyển động nhanh trong mọi điều kiện thời tiết.
Bộ Lễ vẫn đang bận xin láng giềng cho ra Hoàng Sa đón ngư dân. Bấy giờ cứ 36 giờ lại có một cuộc gặp láng giềng hữu nghị Việt - Trung bàn chuyện ngư dân về nước. Dân gian lưu truyền thơ thế sự rằng:
Tục ngữ Việt Nam có câu “Máu chảy ruột mềm”
Khi máu của kẻ cầm quyền và máu dân nghèo cùng hòa trộn
Thì chắc chắn sinh mạng con người không thể bị lãng quên
Ca dao Việt Nam còn có câu “Nhiễu điều phủ lấy giá gương…”
Người trong một nước phải thương nhau đứt ruột
Ngày 11- 9 nước láng giềng Trung Quốc ngang nhiên bắt 9 ngư dân
Bắt ngay trong vùng đánh cá thuộc chủ quyền hình chữ S
30 ngày đảo Lý Sơn đợi chờ trong nước mắt
Nước mắt mẹ già, vợ yếu, con thơ chảy vì sự đớn hèn
Nước mắt làm động lòng trời, làm dâng lũ lụt
Nhưng số phận người nghèo vẫn tăm cá bóng chim
30 ngày bị giam giữ bất công, 5 ngày “tự do” trôi trên biển lênh đênh
Chiều 11- 10 phía Trung Quốc thông báo tàu cá QNg 66478TS được thả
Báo chí truyền thông tự trấn an với những cuộc thương lượng hậu trường
Tội “đánh cá ở quê hương mà như trên ngư trường xứ lạ”
Không có hộ tống, không có tàu tiếp nhận hải quân, 9 ngư dân Lý Sơn
bấp bênh như chiếc lá
Lá trên đại dương rụng về cội Tiên Rồng
Giữa lúc toàn bộ nhân loại hướng về Chile với 33 vòng nguyệt quế
Thì ở quần đảo Hoàng Sa của nước mình, 9 sinh mạng phải lưu vong

Lời bàn của Lê Chưa Hưu: Việc đưa ngư dân về nước bảo đơn giản thì là đơn giản. Hoàng Sa vẫn được coi là của Đại Việt ta, ngư dân ta gặp nạn đương ở Trường Sa thì cứ thế ra mà đón về. Nhưng nào có tàu bay, thuyền thủy nào dám lai vãng ở biển nhà đâu. Là vì Hoàng Sa đã bị nước Tàu đè chiếm bấy giờ đã bày toàn pháo to thuyền lớn. Bảo đưa tàu bay ra, dẫu là ra đảo nhà, ở trong biển nhà, thì sợ chạm tinh binh nước lớn. Lại lo để tàu nước lớn kéo ngư dân về thì khác gì thừa nhận rằng đó là đảo Tàu, biển Tàu. Vì thế, nghe qua chuyện cứ 18 canh giờ một lần bàn bạc tưởng rằng ngớ ngẩn, kỳ thực lộ ra cái thế của kẻ hèn yếu vậy.
Tư gia Học sĩ Nguyễn Hồng Kiên dính Sinh tử lệnh. Phủ mõ sĩ Trương Duy Nhất có kẻ đang trưa vào khuân trộm đồ. Ở Cam Lộ huyện, Bố Chính phủ, sét đánh chết cùng lúc 15 con trâu.
Trung úy Quách An An cởi truồng ở Mỹ Đình.
Nhân chuyện Thăng Long ngàn năm, có kẻ vẽ sĩ họ Lê tên gọi Thiết Cương bàn rằng: Bình rượu to nhất, đổ nước lã vào uống, rồi bánh dày khổng lồ nhân mút xốp rước lên cúng tổ tiên. Nay dịp Đại lễ lại rộ lên thiết kế thời trang làm cái áo dài có đuôi áo dài trăm mét, lọ độc bình Bát Tràng cao bằng ngọn tre, tranh lụa "Cội rễ..." tốn tới 1.300 cân chỉ thêu, cờ hội trăm mét phủ kín cả mặt một tòa khách sạn. Người Việt mình đang phát căn bệnh, mà bệnh này có chiều hướng càng ngày càng nặng: Thích phô trương, cụ thể là thích... to! Cái gì cũng thật to, người nào cũng kỷ lục. Vô nghĩa khủng khiếp! Chỉ thấy đó là sự dốt nát, thùng rỗng kêu to, đầy tính hình thức. Lại nói bệnh do 2 nguyên nhân: Làm to là để tiêu tiền; Làm to vì tâm lý thích oai để che đi sự ngu dốt, lấy cái cớ đó để tiêu tiền thuế của dân. Lại không ai dám phản đối việc dựng tượng đài một bậc khai quốc công thần, không ai dám phản đối việc làm một tác phẩm điện ảnh 'hoành tráng' để chào mừng Đại lễ.. Những cái cớ đó nó quá to. Lợi dụng để lấy tiền dễ quá. Đó là sự tiêu tiền bất hợp pháp một cách hợp pháp nhất. Hàng nghìn người cũng đã nói. Bệnh cũ cộng thêm bệnh mới 'thích to' nữa, càng 'hợp pháp' hơn, ngang nhiên hơn và đáng buồn hơn!
Dung Quất được đem ra bàn. Quan tam phẩm là Nguyễn Đức Kiên nói: “không khen quá đáng và chê quá đà”. Quan kinh công bộ Tư hoạch là Lương Văn Kết nói: Triều đình thể hiện nói tiết kiệm được 11% và hiệu quả cao hơn thực tế. Dự án kéo dài 13 năm mà lại hiệu quả quá thì rất đáng ngạc nhiên. Phải càng thiệt chứ không thể nói là được lợi gì cả”. Nữ sĩ Trần Thị Quốc Khánh cũng tấu rằng: Dung Quất là một phần không nhỏ công sức tiền bạc của dân chúng. Chính phủ và Quốc hội không thể “xuê xoa” làm mềm hóa vấn đề bằng các câu từ.
Tổng quản Dầu khí bấy giờ là Đinh La Thăng đã phản ứng ra mặt. Thăng nói: Các vị đến đây để nghe báo cáo chứ không phải đến để phản đối. Lại nói: Báo cáo đã được Tể tướng duyệt sau khi lấy ý kiến tất cả các bộ ngành. “Các bộ ngành đã đồng ý giờ đến đây để phản biện là không thể chấp nhận được". Tổng quản Thăng nhắc thượng thư Nguyễn Huy Hoàng phải "có ý kiến".
Người đời sau có thơ rằng:
Đã Rung đã Quất mất rồi
Phải đâu trinh trắng như hồi ngày xưa
Người ta nói thật tưởng đùa
Chỉnh trang câu chữ liệu vừa tai trâu?
Binh thư đã viết lâu rồi
Cho về hưu để chăn gà... đi thôi

Thượng thư bộ Y Nguyễn Quốc Triệu than rằng phải đi mua thuốc sách tay. Từ điển y khoa từ bấy có thêm từ mới.
Linh vật là Păc Kú ở Tây Nguyên bị phường đạo tặc truy sát để trộm cặp ngà. Ngài được phát hiện bên sông. Máu me be bét. Sức cùng lực kiệt. Chi chit trăm vết chém khắp châu thân. Đuôi gần đứt. Hông bị băm nát. Chân bị đốt. Mắt sắp mù.
Ngày Quý Mão, hắc đạo. Chúc nữ Phan Thị Bích Hằng nói: Xe bị lũ cuốn đang ở giữa dòng xoáy lớn, gần khu vực núi Quyết gần cầu Bến Thủy. Nước bấy giờ to lắm, ca nô, xe lội nước với máy dò mìn của Bộ Binh cũng không dám ra. 55 nạn nhân bị lũ cuốn.
Quốc hội họp ở Ba Đình. Có 1275 tâm ý của lê dân được bày tấu. Quan tam phẩm là Huỳnh Đảm tấu rằng: Lê dân lo lắng về tình hình giá cả leo thang không kiểm soát được. Bức xúc về tình trạng thiếu điện, cắt điện luân phiên. Lo lắng về tình trạng thiên tai, bão lũ xảy liên miên. Lê dân nói cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, chưa được đẩy lùi, toàn chuyện dành thuận lợi về cho mình, đẩy khó khăn, vòi vĩnh tiền dân. Đối riêng với Vina-xin, lê dân tấu rằng việc quản lý nhiều bất cập, yếu kém; việc kiểm tra, kiểm soát chưa phát hiện được, hiệu quả vốn thấp, thất thoát nghiêm trọng. Trừ chuyện Vina-xin thì không có gì mới lạ. Có mõ sĩ là Đông Hải bàn rằng: Sẽ khó có một Quốc hội hiệu quả nếu như đồng tình với mỗi quyết định "đã rồi" của Chính phủ. Đã có ý nghĩ mặc định: "chính quyền luôn đúng, đương nhiên đúng, bao giờ cũng đúng". Còn đại biểu QH, trước các đệ trình của chính phủ thường chỉ "gật" và "ừ", "tán thành", "nhất trí" thông qua!. Có người bình: "Đa số ĐBQH của ta là tính hiền, dễ dãi". Xem ra cũng có lý, vì mỗi khóa, trong gần 500 ĐBQH, thường chỉ nổi lên vài gương mặt tiêu biểu. "Nhất Ngoạn, nhì Trân, tam Lân, tứ Quốc". Sau này, cũng chỉ có thêm ba vị .Nguyễn Minh Thuyết, Lê Quang Bình, Nguyễn Đình Xuân. Có vị biện quan là Nguyễn Sĩ Dũng từng nói: Quốc hội hay nghị viện là nơi để nói. Các vị đại biểu QH đến nghị trường chủ yếu để làm ba việc: nghe, phát biểu và biểu quyết. Việc nghe rất khó kiểm tra. Việc biểu quyết cũng vậy. Như vậy, quan trọng nhất vẫn là việc phát biểu. Phát biểu vì vậy trở thành kỹ năng quan trọng nhất của việc làm đại biểu. Nếu 4 năm làm đại biểu của dân mà các có vị không nói được lấy một lần thì ngồi ở Ba Đình chẳng phải là tốn chỗ lắm sao!

http://www.danluan.org/tin-tuc/20101020/dao-tuan-dai-viet-nhat-ky-tan-thu-phan-3

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét