Nhằm ngày Tân Mão, Thăng Long có hội nghị bàn chuyện phát triển bền vững kinh đô. Có nữ học sĩ là Đỗ Thị Minh Đức bàn rằng chuyện hỏi dân thực "làm chỉ để mà chơi". Hội nghị lớn, liên quan đến vận mệnh kinh đô như vậy nhưng đến khi các vị học sĩ, trí giả lên tiếng thì các vị thân làm mệnh quan triều đình to nhỏ lớn bé đều đã bỏ về phủ. Thế nên Học sĩ Phạm Quang Anh tấu rằng: Nếu quy hoạch là ý chí của quyền lực như lời Thượng thư Nguyễn Hồng Quân, thì đương nhiên sẽ được thực thi bằng văn hóa quyền lực, văn hóa nhiệm kỳ. 35 năm từ thống nhất sơn hà, triều đình đã quản lý và phát triển Thăng Long ra sao? Hay chỉ làm cho kinh đô ngày càng phát triển kém bền vững hơn? Thẳng thắn mà nói, bản quy hoạch đang thực hiện, gọi là tầm nhìn 2050, nhưng là tầm nhìn không quá... lỗ mũi".
Bản quy hoạch Thăng Long bị dân chúng kêu ca suốt mấy tháng ròng, vì trong đó không có ý dân. Có kẻ lớn miệng nói Thăng Long giờ có khác gì một ngôi làng man di nham nhở!
Ngày Quý Tỵ, hoàng đạo, dân chúng ở Minh Hóa sau cả tuần bỏ làng trốn thủy tặc trên lèn Hang Voi bỗng đồng loạt mắc bệnh lạ: Đít chảy nước, đau con mắt bên phải, đỏ con mắt bên trái. Có kẻ nạn dân than rằng “Đời tui gần 70 tuổi rồi mà chưa thấy trận lụt mô to như năm ni". Quảng Bình xin ngựa xe mãi không thấy đâu. Kẻ sĩ là Nguyễn Thế Thịnh kêu lên rằng: Miền Trung sau lũ rơi tiếp vào cơn lũ mì tôm. Dân tình ăn phải hỏng hết cả ruột non ruột già. Xin đừng mưa mì tôm xuống nữa.
Ở Mai Dịch thôn, nha lại tổ chức yến lớn ba trăm người. Có kẻ mõ sĩ là Nguyễn Đức Tuyền dâng sớ hỏi rằng: Bữa tiệc Búp-phê trên nước mắt nạn dân? Sớ dâng lên rồi mất tăm mất tích. Dân chúng nhủ rằng một bữa yến nhỏ đâu có sánh được với Đại lễ 10 ngày. Bảo rằng tiệc 300 người là búp-phê nước mắt thì Đại lễ là búp-phê trên xác của 85 nạn dân chết trôi ư! Bấy giờ Thái thú Thăng Long là Nguyễn Thế Thảo dán cáo thị rằng Đại lễ đã thành công, đạt mục tiêu trang trọng, hoàng tráng, ấn tượng. "Nếu ai đó nói rằng công tác tổ chức đại lễ còn hạn chế thì đó là do nhận thức chưa tốt".
Bấy giờ đang tiết hàn lộ, dịch giá cả xảy ra khắp nơi.
Ngày Ất Mùi, nhằm 12-10 Tây Lịch, sau cựu thần Nguyễn Trung và học sĩ Nguyễn Quang A dâng sớ, 3 sĩ phu là Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn và Nguyễn Thế Hùng đồng dâng biểu xin ba việc: Dừng dự án Bô xít ở Tây Nguyên. Đưa hỏi trước Hội đồng nguyên lão. Cho dân cùng được bàn. Biểu viết: Việc khai thác tài nguyên của đất nước, trong đó có bô xít, là việc làm cần thiết, nhưng đó không thể là việc làm bằng mọi giá. Lại dẫn chuyện nước lớn trút ô nhiễm sang Phi châu, triều đình Úc Đại Lợi dừng dự án nước Tàu làm chứng. Biểu này được đưa lên mạng vận động chữ ký và chỉ sau 4 ngày đã có tới bảy trăm người công khai danh tính cùng ký tên điểm chỉ.
Bộ Thương bấy giờ mới tức tốc trát văn thư đòi kiểm tra thiết kế các hồ chứa bùn đỏ ở Tây Nguyên. Tổng quản đào xúc thưa rằng: Hồ ở Đại Việt ta an toàn hơn ở nước Hung Gia Lợi. Nó thì ở đồng bằng, be bờ đắp đê như đê sông Cái, ta thì ở trong thung có núi cao vây bọc. Học sĩ Nguyễn Đình Hòe bấy giờ dâng biểu tấu rằng bùn đỏ ở Tây Nguyên có khác gì mái nhà ở trên cao. Nó mà vỡ ra thì có khác gì lũ dữ. Lại gẩy bàn tính mà nói cứ ngàn cân alumin sẽ thải ra ngàn cân rưỡi bùn đỏ. Ở Nhân Cơ, tính rằng sau 15 năm làm bô xít thì lượng bùn đỏ sẽ là 9 triệu khối, tính cả Tân Rai thì sẽ có tới 90 triệu khối treo ở trên mái nhà. Lại có kẻ sĩ họ Nguyễn ở xứ Quê Choa nói rằng: Rà soát là phải rồi. Đang khi thảm hoạ bùn đỏ ở Hung Gia Lợi râm ran thế giới, mình đánh bài lờ mô được. Phải rà soát. Nhưng rà để mần chi? Một là rà để tiếp tục mần, hai là rà để ngưng. Đúng rứa. Không phải chỉ mới nghe người ta bị thảm hoạ mà mình vội vàng ngưng. Cũng không thể phớt lờ những cảnh báo đầy thuyết phục của dân, ai nói cứ nói choa mần cứ mần. Cho nên phải rà. Lại than: Chưa rà mà đã bảo hồ bùn đỏ của Đại Việt ta an toàn hơn. Chưa rà mà phó tể đã có chỉ cho Lục bộ làm đường tây Bảo Lộc để chở Bô xít. Rứa là mần chớ rà cái chi hè?!
Danh tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, từng 15 năm làm đại sứ bên Tàu, bấy giờ mệt nặng, cho người viết tấu can đào Bô xít Tây Nguyên.
Lời bàn của Lê Chưa Hưu: Dịch Chernobyl đỏ với triệu khối phá đê tràn xuống tàn phá đất đai, đồng cỏ và những dòng sông xứ Hung Gia Lợi. Có đứa con buôn nói bùn đỏ đâu có độc hại gì. Nói thế khác gì bảo các đám mấy phóng xạ Chernobyl không thể vượt ra khỏi nước Uy Kiên. Nói rồi có dám xuống bùn đỏ đó mà tắm không. Hung triều nói rằng đó là thảm họa môi trường vô tiền khoáng hậu mất cả năm với mấy chục triệu quan tiền Obama may ra mới được lại như cũ. Thấy dịch ở xa nguy thế mà nói Đại Việt ta không lo, chưa xem lại mình đã nói yên dân, không lo xảy sự cũng là mũ ni che tai, ếch ngồi đáy giếng vậy.
Sử gia Lê Liên Thiên bàn: Biểu tấu của 3 vị sĩ phu một canh giờ sau đã có 25 người hưởng ứng, 4 ngày sau đã 700 kẻ tham gia. 700 kẻ đó có các vị học giả, có những bậc sĩ phu. Có thần y, có học sinh, và các vị cao tăng trước vẫn ẩn mình. Lại có người cấy hái, có cả những kẻ ngồi lê. Huống chi khai quốc công thần là Nguyên Giáp Võ Hầu đã hai lần dâng sớ can triều đình. Âu cũng là dân chúng vậy. Thầy Mạnh Tử có câu: Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh (Dân là quý, sau mới đến xã tắc, vua thì xem nhẹ). Nguyễn Thái Tổ Nguyễn Sinh Cung cũng nói: Trong bầu trời không có gì quý hơn nhân dân... 700 lời tấu há có thể so với 87 triệu dân nhưng lại vì thế nên lấy làm lo hơn mừng. Việc mừng là còn có 700 người nói lời trung ngôn. Dân có nói thì triều đình mới biết được ý dân. Cái lo là nên hỏi vì sao 87 triệu dân im lặng. Dân không nói là tán đồng với chuyện đào Bô xít hay họ không biết, hay biết mà không quan tâm, hay quan tâm mà không dám nói?! Việc dù lớn dù nhỏ liên quan đến dân chúng, đến vận mệnh quốc gia mà dân đã không nói thì nên lấy làm mừng hay lo đây!
Từ chuyện Chernobyl đỏ, Thượng thư bộ Công nhân đó liền dán cáo thị rằng các đập thủy điện giờ cũng phải lập báo hiện trạng an toàn.
Giờ Mão, Lụt ở miền Trung tràn vào phủ Gia Định. Trong nửa khắc, nước dâng cao gần 1 thước ta tràn từ sông vào thành và tồn lưu ở đó trong suốt 7 ngày. Hòn ngọc Viễn Đông đã dụng tới 750 tỷ quan tiền để chống nước nhưng tiền của càng đổ ra, càng thấy lụt. Triều đình chuẩn cho Gia Định phủ 40.380 tỷ quan tiền để xây 60 vạn thước cống. Kẻ có tiền của xây nhà đắp thềm cho thực cao. Kẻ nghèo hèn cũng cố trăm gạch xây bậc chắn ngang cửa. Càng dựng nhà cao lại càng lụt sâu. Nữ quan là Phạm Phương Thảo than rằng cả thành đang bị nhấn chìm, ngập từ nhiều điểm ít năm trước giờ đã ngập rộng đến chỉ còn một điểm. Đó là ngập cả tòa thành to xác nhất nhì đất Việt. Gia Định bấy giờ có 700 tuyến sông, kênh, rạch 100 ngàn thước chiều dài. Nhưng nhiều sông đã bị lấp bỏ. Rạch Ông Kích bị lấp 45 ngàn thước để xây tòa phủ Phú Mỹ Hưng. Kênh Tham Lương bị chiếm 1.500 thước. Có lời tấu rằng cứ cái cách dung dưỡng cho nạn tùng xẻo này thì các tòa dinh phủ mới sẽ nuốt gần nửa số kênh mương.
Sử gia Lê Chưa Hưu bàn: Núi thì cao, sông thì rộng, đó là lẽ tự nhiên. Năm Mậu Dầu, danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh được cử làm Thống suất vào kinh lược xứ Đồng Nai, lập phủ Gia Định. Đất đai bấy giờ mở ra được ngàn dặm, dân cư thêm được 4 vạn hộ. Thế mà Gia Định phủ giờ có tới 80 vạn dân. Mới nói người đẻ còn hơn sức ngựa chạy. Chuyện ngập ở phủ Gia Định nay đã thành chuyện thường như ăn cơm uống nước vậy. Hỏi sao càng đổ nhiều tiền của càng ngập. Vì tòa thành khổng lồ có cả chục vạn phủ đệ nguy nga, thang gác chọc trời, kỹ viện khắp nơi như những núi cao, nhưng trăm cái mương nước thì nay lấp một tí, mai chiếm một tẹo có khác gì chặn sông lấp cống. Một kẻ tiểu học sinh cũng nhìn thấy, cũng tính được mấy cái mương tí tẹo bằng bàn tay đó đến 80 vạn bãi đái còn không chịu nổi. Huống chi 500 ngàn khối nước bẩn được đổ ra mỗi ngày.
Triều đình mở hội lớn ở Mỹ Đình, thượng thư bộ binh của 9 nước đến dự. 7 nước đã nói về Biển Đông dù cái lưỡi bò Trung Quốc không nhắc đến dù chỉ một chữ.
Ở thành Thăng Long, có ả ti tiện đang đêm cởi váy tắm trần ở hồ Lục Thủy. Nhân chuyện đó, có kẻ mõ sĩ mới hỏi ả đào rằng: Nếu sau này, nàng có một đứa con, nàng có cho con xem hình khỏa thân của mẹ nó không? Ả đáp: Có con, tiện thiếp vẫn tự tin cho con xem hình khỏa thân vẽ cơ thể của mình. Ở đây, thiếp nhìn nhận sự việc theo góc độ nghệ thuật chứ không phải hình thức đùa giỡn để phải lo lắng.
Ở phủ Gia Định, lần thứ 4 hố tử thần xuất hiện ngay giữa Thành Đô.
Ngày Đinh Dậu, Bộ Lễ gửi công hàm đến sứ quán Tàu nói về chuyện 9 ngư dân. Ngày Nhâm Thìn, ngay trước hôm Đại lễ, nước Tàu nói đã thả 9 ngư dân Việt. Đến ngày Dậu đã được 5 ngày mà chưa thấy đâu. Bấy giờ đã hơn một tháng ngư dân bị bắt. Ở Chí Lợi, 33 phu mỏ được cứu sau khi bị lấp dưới đất 68 ngày. Chí Lợi Hoàng Đế bấy giờ là Pinera không tiền hộ hậu ủng cờ vàng phướn ngọc giáp binh rợp trời, bỏ cả nghi thức thiên tử, thân xuống tận miệng hầm đón nạn dân.
Ngày Mậu Tuất, miền Trung lại có mưa lũ lớn.
Thái thú Ninh Bình là Đinh Văn Hùng bị cách chức đuổi về quê.
Lời bàn của Lê Chưa Hưu: Hồi đầu năm Canh Dần, nhân Ninh Bình mở hội đồ cổ, thái thú Đinh Văn Hùng mới mang trống đồng ra khoe. Có kẻ tố rằng đó là đồ của phường đạo chích. Triều đình bấy giờ đã cử nha lại phủ giám quan đi kinh lý ở Ninh Bình sau mới biết đến chuyện cậy thế ỷ quyền lấn việc làm dân tình oán thán. Quyền chức thái thú đâu có nhỏ. Cũng chỉ một chữ tham mà ra. Ninh Bình là đất cố đô mà một ngày mất luôn cả bộ tam đa đâu phải là điềm gở của đất ấy. Là vì người cả đấy thôi. Lại nhìn sang Tổng quản Sabeco họ Văn tên gọi Thanh Liêm. Một bước lên xe, hai bước xuống ngựa, gia sản ức vạn, giàu có sang trọng đã đến tột cùng. Thế mà vẫn dùng tiền ngân khố mua chiến mã Bentley đến 5 tỷ quan tiền. Lại thông đồng với bọn nha lại để được cái lọng xanh 80B-6986 giả danh mệnh quan triều đình. Đâu phải chỉ sĩ diện hão. Há chẳng phải róc tiền của dân ư. Một ngày đuổi 4 viên tướng, hăm mấy mệnh quan hoặc vì kháng chỉ, hoặc quá tham lam là bởi cái nghiêm của triều đình, cũng vì các bậc phụ mẫu giờ tìm đâu chả ra sai phạm. Cho nên, phàm việc gì mà quá mức không bao giờ không hỏng.
http://www.danluan.org/tin-tuc/20101016/dao-tuan-dai-viet-tan-thu-p2
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét