Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2015

Một thời để nhớ / Xe gắn máy tại miền Nam trước 75



Một thời để nhớ.

Xe gắn máy tại miền Nam trước 75
 
Một thời đáng nhớ

Có thể nói xe đạp và xe gắn máy là phương tiện di chuyển chiếm đa số  tại miền Nam trước 1975 và cho đến nay, xe gắn máy vẫn là phương tiện  di chuyển được nhiều người sử dụng nhất . Bài này xin nhắc lại một số  xe gắn máy đã hiện diện tại miền Nam trước 1975.
Nói đến xe gắn máy thì chắc là mọi người sống tại miền Nam trước đây  đều biết đến xe Mobylette. Vì Việt Nam là thuộc địa của Pháp nên hãng  Motobécane của Pháp, chế tạo ra chiếc Mobylette, đương nhiên là hiện  diện trên thị trường Việt Nam . Nhưng nhiều người biết đến tên  Mobylette hơn là Motobécane. Xe Mobylette ở Việt Nam có loại Mobylette  vàng và Mobylette xanh. Cả hai đều dùng động cơ 49,99cc để được xếp  vào loại vélomoteur, không cần bằng lái, nhưng Mobylette vàng thì nhỏ  hơn, chỉ có ống nhún phía trước, còn Mobylette xanh thì lớn, nặng hơn  có ống nhún ở cả bánh trước lẫn bánh sau nên đi êm hơn và giá cao  hơn .
Mobylette Xanh
Mobylette Vàng
Xe Mobylette xem chừng ra không thay đổi nhiều lắm qua nhiều năm. Xe  Mobylette trong thập niên 1950 thân là những ống tuýp hàn lại. Qua  thập niên thì thân làm bằng tôn ép. Màu sắc cũng ít thay đổi. Có lúc  Mobylette vàng đổi thành Mobylette xám. Xe Mobylette được chế tạo để  dễ sử dụng. Xe không cần sang số mà dùng embrayage automatique, vặn ga  lớn thì xe chạy nhanh, vặn ga nhỏ lại thì xe chạy chậm và đứng lại.  Khi muốn nổ máy thì chỉ cần đạp cho nhanh là xe nổ máy. Đạp hoài không  nổ thì chỉ gần gạt môt cái chốt ở đĩa có dây couroie ăn vào động cơ để  tách rời động cơ và bánh sau thì có thể đạp bộ về nhà.
Velo Solex
Velo Solex 1951
Nếu có khi nào trong lúc bạn đạp xe đạp rồi nghĩ bụng sao không gắn  một cái động cơ nhỏ lên xe đạp để khỏi phải đạp thì ý nghĩ đó đã có  người nghĩ đến và chế tạo ra chiếc Vélosolex. Xe Vélosolex là một
chiếc xe đạp có gắn động cơ lên bánh trước. Động cơ này làm lăn một  cục đá tròn phía dưới . Khi người lái kéo cái cần trước mặt thì cục đá  dở hổng lên khỏi bánh trước và có thể đạp như xe đạp. Khi đạp đến một  tốc độ nào đó, hạ cần xuống thì tốc độ của xe làm cho động cơ nổ máy  và động cơ kéo chiếc xe đi bằng bánh trước. Khi xe đã chạy ngon trớn  thì người lái có thể rút chân lên miếng để chân nhỏ ở giữa xe mà ngồi  một cách thoải mái. Từ một ý kiến rất giản dị phát xuất giữa thế kỷ  20, xe Vélosolex vẫn còn tồn tại qua đến đầu thế kỷ 21.
Quảng cáo xe Mobilette
Hình xe Mobylette trên tem thư Cộng Hòa Pháp
Vì cách sử dụng giản dị, trọng lượng nhẹ nhàng nên các xe Mobylette,  Vélosolex thông dụng trong giới sinh viên, học sinh và phái nữ.
Xe Vespa
Xe Lambretta
Ở một hạng cao hơn là các xe scooter của Ý: Vespa, Lambretta. Các xe  scooter này vì lòng máy lớn hơn 50 cc, nhỏ nhất là 125 cc hoặc 150 cc  hoặc 200 cc tùy theo kiểu, nên không còn được xếp vào loại vélomoteur.  Người sử dụng phải trên 18 tuổi và phải có bằng lái. Vì thế, những  người đi xe Vespa, Lambretta thường là ở tuổi trung niên và có đời  sống cũng tương đối khá vì xe scooter đắt hơn. Xe Vespa hàng chục năm  nay không thay đổi mấy. Thân xe làm băng tôn ép. Có lẽ vì thế nên làm  hình tròn như quả trứng để chịu lực tốt hơn. Máy được đặt ở chỗ phình  bên phải, còn bên trái là ngăn để chứa đồ. Vì thế xe Vespa khi chạy  hơi nghiêng về phía phải vì bên này nặng hơn. Xe Lambretta tuy trông  bề ngoài giống Vespa nhưng cấu tạo lại khác. Khung xe bằng ống sắt hàn  lại, máy đặt ở giữa khung và che bên ngoài bằng lớp vỏ sắt. Xe  Lambretta hồi đâu thập niên 1960 có đường nét cong. Cuối thập niên 60,  qua đầu thập niên 70 thì kiểu dáng thẳng, theo như mốt của thời đó,  nên trông thanh nhã. Cả hai đều sang số bằng tay, bóp embrayage vào và  vặn để đổi số.
Vespa Sprint 1974
Lambretta 1974
Từ cuối thập niên 1950, miền Nam cũng nhập cảng các xe gắn máy Đức như  Goebel, Sachs, Puch. Các xe này đều có chung đặc điểm là có bình xăng  đặt trước người lái, sang số bằng tay, có ống nhún cả trước lẫn sau,  và máy đều là 50cc để được xếp vào loại vélomoteur, không cần bằng  lái. Mỗi xe lại có những đặc điểm riêng như máy xe Puch luôn luôn được  bọc trong lớp vỏ bằng nhôm, có quạt chạy để làm mát. Như thế có lợi  điểm là máy xe được làm mát ngay cả khi ngừng đèn đỏ. Vì là xe có sang  số nên tuy chỉ có 50cc, xe gắn máy Đức có sức kéo mạnh hơn các xe  Mobylette ở số 1, 2, nên cũng được dùng để kéo xe lôi, có thể kéo được  thêm được bốn năm hành khách và hàng hóa phía sau. Hãng Puch và Sachs  ngày nay vẫn còn tồn tại.
Goebel
Puch
Sachs
Puch
Goebel
Xe 3 bánh gắn máy Sachs/Goebel
Vào khoảng 1965 thì thấy nhắc đến tên Honda, với một số kiểu xe mới lạ  xuất hiện. Một số xe Honda đầu tiên do người Mỹ mua đem sang Việt Nam   để đi làm việc rồi khi họ về nước thì để lại, lọt ra ngoài thị trường  người Việt mua được. Một trong những công dụng của xe Honda là các phi  công Mỹ dùng để di chuyển giữa chỗ đậu phi cơ và doanh trại. Từ doanh  trại ra chỗ đậu thường xa, đi bộ cũng mất vài phút đến vài chục phút.  Có xe Honda phóng thì thu ngắn thời gian nhất là khi có báo động thì  phóng xe Honda ra máy bay nhanh hơn là chạy bộ. Xe Honda S90 có lẽ là  chiếc được ưa chuộng nhất trong số các xe Honda trước 1965 vì kiểu đẹp  và máy mạnh, tiếng nổ ròn. Các kiểu xe kia là C110, S65 (thường được  gọi là S50), P50, C50. Xe P50 có cấu tạo đặc biệt với máy nằm ở sát  bánh sau và truyền động thẳng vào bánh chứ không qua dây xích. Cách  đặt máy này có lợi là khỏi bị mất lực khi truyền qua dây xích và giảm  bớt số bộ phận nhưng có khuyết điểm là xe dễ bị mất thăng bằng vì đầu  nhẹ, đuôi nặng. Lại thêm khi đi xuống ổ gà vì không có ống nhún nên  sức va chạm có thể làm vỡ răng cưa ở vành bánh xe. Xe Honda dame C50  trước 1965 có chiếc đã có bộ đề bằng điện, khỏi cần đạp. Trong khi  chiếc Honda dame nhập cảnh hàng loạt sau này phải đạp máy nổ bằng  chân.
Honda Dame C50
Honda P50 1967
Honda PC50 1968
Chiếc xe Honda được chính thức nhập cảng để bán cho người tiêu thụ là  xe Honda Dame năm 1965. Hãng Honda thì gọi là kiểu C50, nhưng mọi  người thường gọi là Honda Dame. Có Honda Dame nhưng không ai gọi Honda  Homme, mà gọi là Honda đàn ông. Những chiếc xe Honda Dame đầu tiên  xuất hiện tại Sài Gòn thu hút được sự chú ý của người đi đường. Những  ngày đầu tiên xe bán ra ngoài, trên các nẻo đường phố người ta nhìn  thấy các chiếc xe Honda Dame màu đỏ hay xanh lá cây nhạt. Có người bị  tắt máy xe, hý hoáy nhìn xuống chân vì chưa quen với cách sang số bằng  chân. Sang lộn số có thể làm xe tắt máy. Khi thấy có một số người dắt  xe Honda đi bên đường, có người nói hãng Motobécane của Mobilette thuê  người dắt xe Honda Dame đi khắp các đường phố để người dân thấy xe  Nhật dở, bị chết máy hoài, sợ không dám mua. Không biết là có đúng hay  không. Một số người lúc đó nói là hàng Nhật không bền, chỉ vài năm là  hỏng và tiên đoán rằng chừng năm mười nữa thì các xe gắn máy Pháp, Đức  vẫn còn chạy, còn xe Nhật thì lúc đó vứt đi. Những người đó có lẽ căn  cứ vào phẩm chất hàng hóa của Nhật trước thập niên 1960. Nhưng qua  thập niên 1960, các hãng xe gắn máy Nhật đã trải qua những năm cạnh
tranh khốc liệt trong nước. Vào đầu thập niên 1960, nhiều hãng xe gắn  máy ào ạt ra đời tại Nhật, cuối cùng theo luật thư hùng đào thải chỉ  có những hãng có khả năng cải tiến mới sống còn. Lúc xe Nhật sang Việt  Nam cũng là lúc các hãng xe gắn máy Nhật bắt đầu tung ra thế giới với  nhiều cải tiến làm cho phẩm chất xe Nhật vượt hẳn các xe Tây phương.
Honda S50 69-72
Honda SS50 69-72
Honda SS90
Xe Honda Dame được làm để cho phái nữ đi nên dùng ambrayage tự động,  khi sang số chân không cần phải bóp embrayage tay mà chỉ cần giảm ga.  Các hiệu xe Suzuki Dame, Yamaha Dame cũng giống thế. Còn các xe gắn  máy Nhật kiểu đàn ông được vẽ kiểu giống như những chiếc mô tô phân  khối lớn ở chỗ không có pédale mà có cần đạp cho nổ máy, hai bên có  thanh ngang để chân, bên phải là thắng chân, bên trái là cần sang số,  embrayage tay trái, thắng trước tay phải, bình xăng phía trước. Các xe  này còn giống mô tô ở chỗ hai bên bình xăng có hai miếng cao su để đầu  gối áp vào cho êm. Điều đáng kể là yên xe thấp vừa với chiều cao người  Á Châu khiến cho việc leo lên xe, chống xe dễ dàng hơn khi sử dụng các  xe gắn máy Tây phương. Tay ga vặn nhẹ nhàng chứ không nặng như xe Tây  phương. Máy đạp nhẹ nhàng và dễ nổ.  Nói tóm lại, các nhà chế tạo Nhật  khiến cho các chiếc xe gắn máy sử dụng dễ dàng, tiện nghi hơn khiến  cho người dùng thấy rất thoải mái khi đi xe.
Sau chiếc xe Honda Dame là sự xuất hiện của Honda đàn ông 66 (SS50).  SS là chữ viết tắt của Super Sport. Chiếc Honda 66 xuất hiện vào năm  1966, với màu đỏ hay đen, tay lái ngắn ngủn để người lái thu hẹp khoảng cách hai tay, giảm tiết diện cản gió, xe không có đèn signal,  hộp số có năm số và có thể đạt đến tốc độ tối đa đáng nể là 90km/giờ  đối với một chiếc xe máy 50 cc. Đó là một chiếc xe được vẽ kiểu với các đặc tính của xe đua. Tuy nhiên chiếc xe này không tiện dụng trong  thành phố vì tay lái quá ngắn nên khó điều khiển. Sang năm 1967, Honda  sửa lại kiểu xe cho tay lái rộng hơn, hộp số có năm số, sơn đen hoặc  đỏ, có đèn signal, ống nhún trước có bọc cao su, tốc độ tối đa 80k/  giờ. Kiểu xe 67 (SS50E) đã đi vào lịch sử vì máy mạnh, chạy nhanh,  được nhiều người ưa chuộng và có lẽ là được sử dụng nhiều nhất tại  miền Nam cùng với xe Honda Dame. Về sau Honda có ra các kiểu khác  nhưng Honda 67 vẫn được nhiều người biết đến nhất. Vì máy mạnh nên  chiếc Honda 67 được dùng để kéo xe lôi thay cho các hiệu xe Đức trước  đây.
Honda Dame C50
Honda SS50 - 1967
Cả tứ đại gia của làng xe gắn máy Nhật, Honda, Yamaha, Suzuki,  Kawasaki đều có mặt tại miền Nam lúc đó. Hãng Suzuki tung ra kiểu xe  nam M15 và M12 và xe Suzuki Dame, M31. Hai kiểu xe nam đại khái giống  nhau, dùng cùng một động cơ nhưng kiểu thể thao có ống pô vắt cao và  vè trước ngắn để trông có vẻ thể thao hơn.
Suzuki Dame 1968
Suzuki M15 - 1965
Suzuki M12 1967
Kawasaki 1965
Hãng Yamaha có hai kiểu xe đàn ông, trong đó có kiểu YF5, và một kiểu  Yamaha Dame. Xe Yamaha đàn ông kiểu đẹp, nhiều bộ phận xi bóng loáng.  Yamaha Dame sơn màu xanh da trời, với đường cong dịu dàng, trông rất  mỹ thuật. Các xe Yamaha xem ra không được ưa chuộng bằng Honda vì máy  không mạnh bằng.
Yamaha YL1 1968
Yamaha Dame
Xe Suzuki Dame và Yamaha Dame đèn trước thấp hơn xe Honda Dame, trông  vẻ nhu mì thích hợp với các cô mặc áo dài.
Kawasaki là hãng nhỏ nhất trong các hãng xe Nhật lúc đó, chỉ đưa sang  một kiểu xe đàn ông. Xe Kawasaki chạy tuy tốt nhưng bị chê là nặng và  máy yếu. Xe Kawasaki đem sang Việt Nam là kiểu dùng sườn của xe 80 cc,  thay vào đó bằng động cơ 50 cc để được xếp vào loại vélomoteur, không  cần bằng lái.
Kawasaki 1960's
Bridgestone 1968
Hiệu xe ít người nhớ đến có lẽ là Bridgestone. Bridgestone là hãng  chuyên chế tạo vỏ bánh xe nhưng lúc đó cũng có một phân bộ chuyên sản  xuất xe mô tô để đua. Kiểu Bridgestone đem sang Việt Nam năm 1966 có  máy 65 cc. Vì thế xe Bridgestone vọt rất mạnh. Đặc điểm của  Bridgestone là hộp số có bốn số quay vòng giống như các xe đua, nghĩa  là sang đến số bốn thì nhấn thêm sẽ trở về số một mà không phải trả số  ngược lại. Xe Bridgestone chìm vào quên lãng của người Việt khi phân  bộ xe mô tô của hãng đóng cửa năm 1967 vì lý do là nếu sản xuất xe đua  thì các hãng xe gắn máy Nhật khác không muốn mua vỏ xe của hãng kình  địch với mình trong các cuộc đua.
Honda Scrambler CL50 1969
Honda Scrambler CL50 70's
Không như các hãng xe châu Âu giữ các kiểu xe y nguyên nhiều năm, các  hãng Nhật ào ạt tấn công thị trường Việt Nam với các kiểu xe mới ra  mỗi năm. Qua 1968, Honda tung ra xe CL50. CL là chữ viết  tắt của  Scrambler. Đó là kiểu xe được chế tạo để chạy các đường đất lồi lõm  nên chỉ có bốn số, xe kéo mạnh ở số một và số hai, nhưng tốc độ tối đa  kém xe Honda 67. Ống pô vắt cao để khỏi va chạm vào mô đất hay ngập  nước. Qua 1969, Honda tung ra kiểu SS50M. Cũng dùng cùng máy và sườn  như xe Honda 67 nhưng bình xăng dài hơn cho có vẻ thể thao. Qua năm  1970, Honda đưa sang kiểu CD50. Xe này cũng dùng cùng loại sườn và  động cơ như SS50 nhưng bình xăng và hộp đựng đồ phụ tùng vẽ kiểu khác  nên trông bề ngoài khác hẳn. Xe được chế tạo để chạy trong thành phố  nên chỉ có bốn số với các số đầu kéo mạnh, thích hợp với cách chạy xe  trong thành phố phải luôn luôn dừng lại đèn đỏ rồi lại bắt đầu vọt  lên. Cùng là kiểu SS50E, đến 1971, 1972, Honda tung ra kiểu xe với sơn  đỏ metal và vè xi bóng, ghi đông cao kiểu sừng bò trông rất hấp dẫn.  Honda thay đổi hình dáng bề ngoài thu hút thêm khách hàng mới. Năm  1969, Suzuki cũng tung ra kiểu xe mới AS50 trông rất thể thao và rất  đẹp. Ngoài các kiểu xe Honda chính thức nhập cảng, trên đường phố Sài  Gòn thỉnh thoảng xuất hiện một số kiểu xe Honda lạ như Honda Monkey,  nhỏ xíu như xe con nít, hoặc Honda CT50, CT70, với chữ T là viết tắt  của Trail, loại xe Honda dùng để đi dạo chơi ở đồng quê, trên các  đường mòn nhưng tại Việt Nam trở thành phương tiện để đi học, đi làm  tuốt luốt.
Honda SS50E 1970
Suzuki AS50 Maverick 1969
Honda SS50 1967 keo xe lôi
Trong tất cả các loại xe Nhật, chỉ có Honda là dùng loại động cơ bốn  thì, với xăng và nhớt chứa riêng còn các hãng kia dùng loại động cơ  hai thì, chạy xăng pha nhớt.
Với các đủ loại xe tung vào thị trường, đường phố miền Nam trở nên  nhộn nhịp với các loại xe đủ màu sắc. Đường phố Sài Gòn náo nhiệt với  các coureurs cúi rạp trên con ngựa sắt ra sức phóng, lạng, máy nổ ròn,  đinh tai nhức óc. Đúng ra máy xe Honda chạy rất êm. Nhưng vì nhiều  người đã tháo bỏ ốm tiêu hãm thanh gắn ở đầu ống khói nên máy nổ lớn.  Ống này nhỏ như ống tiêu, với thân có đục nhiều lỗ, dài khoảng gang  tay. Chỉ cần tháo con vít nhỏ ở đầu ống khói là kéo ông tiêu ra được.  Lý do tháo ốm hãm thanh là vì người dùng thấy xe chạy vọt hơn.
Sài Gòn nhiều xe hơn và cũng nguy hiểm hơn vì các xe Nhật đều chạy  nhanh, vọt mạnh. Vì thế, một số phụ huynh lo ngại không muốn  mua cho  con mình chiếc xe quá mạnh. Hãng Honda tung ra loại xe PC50, cũng dùng  động cơ 50 cc nhưng không cần sang số, và không vọt mạnh như các loại  xe có sang số. Tốc độ khi chạy nhanh cũng có thể đến 60 km/giờ. Xe  PC50 là kiểu P50 cải tiến lại với động cơ đặt vào giữa cho xe được  thăng bằng hơn và có nhún cả ở bánh trước lẫn bánh sau. Cách sử dụng  xe PC50 cũng giản dị như xe Mobylette chỉ cần đạp nổ máy rồi vặn ga  phóng đi.
Mini Cady 1969
180px-Honda PC50 1968
Hãng Motobécane cũng tung ra kiểu xe Cady nhỏ nhắn thích hợp với giới  học sinh. Cái tên Cady có lẽ từ chữ Cadet, cho biết đây là kiểu em út  trong gia đình Motobécane. Tuy cũng dùng động cơ 50 cc nhưng xe chỉ  chạy được tối đa 40km/giờ. Chạy chậm có vẻ là một khuyết điểm của xe  cộ nhưng đây lại là ưu điểm vì nó là lý do để các bậc phụ huynh chọn  mua xe cho con mình để được an tâm hơn. Với khuynh hướng design nhiều  màu sắc vào đầu thập niên 1970, xe Cady lúc đầu sơn nâu, hay xám, về  sau sơn các màu xanh đỏ vàng sặc sỡ. Cùng với sự xuất hiện của mini  jupe, đường phố Sài Gòn thấy xuất hiện xe mini Cady với hai bánh xe  nhỏ trông rất xinh xắn, đồng thời mini xe đạp cũng xuất hiện và các cô  nữ sinh áo dài mini trông trẻ trung, tươi tắn tung tăng trên các loại  xe mini đủ màu sắc.
Cady
Xa lộ Biên Hòa, ngày nay gọi là xa lộ Hà Nội, thời đó còn rất ít xe  nên trở thành đường thử và đua xe gắn máy. Các loại xe gắn được đem ra  chạy hết tốc độ vào giờ ít xe. Tuy không có tạp chí phê bình, điểm các  loại xe gắn máy nhưng ưu khuyết điểm của các loại được truyền miệng  rộng rãi. Các loại xe máy hai thì tuy có thể chạy nhanh nhưng khi chạy  với tốc độ cao nhiều giờ thì máy bị yếu đi, tốc giảm đi. Chỉ trừ có xe  Honda là được khen là càng nóng máy, càng chạy mạnh. Đúng ra chỉ có xe  Honda sau 1965 mới chạy lâu không bị giảm tốc độ vì Honda cải tiến hệ  thống phun nhớt, làm cho nhớt phun rất nhiều khiến cho khi máy nóng  không bị sức ma sát làm giảm tốc độ. Còn các loại  Honda S65, C110,  tuy có thể chạy được đến tốc độ hơn 100km/giờ nhưng khi nóng máy thì  cũng bị chậm lại.
Mini Cady
Để tăng sức mạnh của xe, xi lanh được xoáy cho rộng thêm từ 50 cc  thành ra 60 cc, 70 cc. Xe xoáy xi lanh chạy nhanh hơn, có thể đến hơn  100km/giờ nếu máy được chỉnh cho đúng.
Một trò chơi đánh cá thời đó của các yêng hùng xe gắn máy, gọi chệch  từ chữ anh hùng vì đua xe là can đảm nhưng không phải là đáng khen, là  lách dưới xe be. Xe be là xe kéo các xúc gỗ dài năm, bẩy mét. Một đầu  khúc gỗ được cột vào xe vận tải phía trước, đầu phía sau gắn vào  remorque sau, còn giữa xe vận tải và remorque sau không có gì ràng  buộc. Chiều cao từ thân cây đến mặt đường chi hơn một mét. Các tay đua  đánh cá xem ai dám lạng chui dưới gầm xe be từ bên này qua bên kia. Vì  khoảng cách thấp nên không thể chạy thẳng đầu mà người lái phải lạng  cho xe nghiêng đi thì mới đủ thấp mà chui qua. Nếu tính sai thời gian,  người lạng có thể bị hai bánh sau chạy tới đụng và cán chết.
Xe gắn máy là phương tiện di chuyển, nhưng cũng là niềm say mê tốc độ  của tuổi trẻ và sự hấp dẫn của màu sắc, kiểu dáng, tiếng nổ. Niềm say  mê này đã ghi vào ký ức của nhiều người miền Nam lúc đó và tồn tại  không phai nhạt với thời gian.
ovv's 1966-Honda-CB150
Nó trở thành kỷ niệm đẹp mỗi khi nhớ  lại giây phút dắt chiếc xe mới toanh đi về nhà và những ngày tháng  rong ruổi trên những con ngựa sắt./.

Hai người phi công ... mất vợ




Trường Sơn Lê xuân Nhị 


Khoảng đầu thập niên 80, vào một buổi tối mùa thu, trong một nhà hàng Việt Nam ở phía tây ngạn thành phố New Orleans, khoảng gần 2 trăm cựu quân nhân mà đa số là cựu quân nhân KQ, thân hữu và gia đình của họ ngồi gần nghẹt kín mấy chục cái bàn. Mùa bão tố đã qua, mọi người thở phào ra nhẹ nhỏm và bắt đầu nghĩ đến những ngày lễ lớn sắp tới như Lễ Tạ Ơn, Lễ Giáng Sinh, Tết Tây, Tết ta. Thêm vào đó, mùa chơi banh bầu dục cũng vừa bắt đầu, làm nhiều người, nhất là những người có máu đỏ đen trở nên bận rộn.
Chiều hôm ấy, tất cả đang chờ đợi một nhân vật vô cùng quan trọng ...
Trong khi chờ đợi, lòng xuân phơi phới, họ uống bia, uống rượu, nói chuyện tầm phào với nhau và đặc biệt, đốt thuốc lá thở khói dầy đặc nhà hàng làm cho mấy bà mấy cô muốn nghẹt thở nhưng không ai thắc mắc, không ai than phiền. Lý do là các bà đã chịu đựng chuyện này từ bao nhiêu năm nay, từ những ngày còn ở Việt Nam cơ cực nên đã quen rồi. Các ông có quyền hút và chúng tôi có quyền... ngửi khói, than phiền hay phản đối là ... không tốt, là ăn hiếp chồng, là sẽ có chuyện.
Ở gần cuối phòng, chỗ quan trọng nhất sát ngay sân khấu, dĩ nhiên, là một cái bàn dành cho những nhân vật quan trọng mà người Việt mình thường gọi là bàn VIP. Bàn VIP được trải khăn bàn trắng để tăng phần trịnh thượng, muốn nhấn mạnh cho mọi người thấy rằng bàn này khác với những bàn khác, đều có khăn bàn đỏ.
Trên bàn VIP là một sô nước đá, 6 chai sô đa Perrie, 4 gói thuốc lá 555, 4 cái gạc tàn, 2 chai Martin XO tức là loại rượu mắc tiền nhất và một bình hoa thật lớn ngay phía giữa. Ở trước bình hoa là một cái huy hiệu Không Quân Việt Nam bằng đồng với mấy chữ “Tổ quốc Không Gian” ôm một con rồng, coi rất là oai phong lẫm liệt. Ngoài ra, còn có muỗng nỉa các loại được sắp xếp một cách rất là mỹ thuật và khéo léo.
Ai nhìn vào bàn VIP thế nào cũng phải đoán rằng bàn này có lẽ được dành cho một nhân vật quan trọng của Không Quân Việt Nam.
Ai đoán như thế thì quả thật là ... đúng, bởi cái nhân vật sẽ ngồi vào bàn đó, và cũng cái nhân vật mà mọi người đang chờ đợi ấy chính là cựu thiếu tướng Nguyễn Kít, cựu tư lệnh Không Quân Việt Nam, cựu thủ tướng Việt Nam Cộng Hoà...
Cách đây 1 tháng, khoảng 500 cái thiệp mời đã được gởi đi đến khắp mọi người trong thành phố, từ lính cho đến dân đều nhận được. Thiệp mời một số được gởi bằng bưu điện nhưng đa số là được chuyền tay bởi anh em cựu quân nhân Không Quân.
Thiệp mời được ký tên bởi cựu thiếu tướng Nguyễn Kít, nội dung muốn mời anh em cựu quân nhân và gia đình đến dùng một bữa cơm tối thân mật để bàn về một chương trình làm ăn vĩ đại, với số vốn lên tới khoảng 100 triệu đô la, do nhà băng lớn nhất địa phương là nhà băng First Jefferson National Bank bảo trợ và cho mượn vốn. Thiệp còn cho biết là sẽ có đại diện của nhà băng tới dùng cơm và nói chuyện.
Thiệp mời không nói rõ chương trình làm ăn là chương trình gì, nhưng hai cái tên, một là cựu thiếu tướng Nguyễn Kít và hai là First Jefferson National Bank cũng đủ làm cho người được mời cảm thấy mình bỗng trở thành một nhân vật quan trọng và ... có tiền. Mẹ bố, ngày xưa ở Việt Nam được tới gần ông cựu thiếu tướng đã là một vinh hạnh, làm đếch gì mà được ông tướng mời đến “dùng cơm tối thân mật” để bàn chuyện làm ăn như thế này. Thêm vào đó, con số 100 triệu đô la và cái tên nhà băng First Jefferson National Bank làm cho ai cũng thấy mình là một tay có tiền, có chút máu... tài phiệt trong người.
Nhưng dân New Orleans không phải ai cũng ngu cả...
Có một tay kia, ngày xưa làm công chức lớn ở bộ tài chánh, sang đây làm nghề kế toán, sau khi xem thiệp, nhăn mặt lại và nói với anh Không Quân vừa mời mình:
-Bố láo. Hai vợ chồng cha Kít nổi tiếng là tổ sư lường gạt ở Cali, mụ vợ chuyên môn mượn tiền không trả, ông chồng đi ăn không bao giờ trả tiền, dân Cali chán quá không ai cho lừa nữa nên mới vác mặt sang đây ăn lừa tiếp, làm đếch gì có tiền mà tính tới chuyện làm ăn tới 100 triệu đô la?
Ông Không Quân nghe thế thì đỏ mặt lên chống chế:
-Ông nói thế là ông không biết gì. Ông tướng quen lớn, oai danh khắp bốn phương trời, ông tướng muốn mượn bao nhiêu tiền chả được.
Ông công chức vốn là hạng phổi bò, nói liền:
-Ông là quân nhân, ngày xưa chỉ biết lái tàu bay, ông không biết gì mới là đúng. Để tôi giảng cho ông nghe về cách làm việc của nhà băng bên Mỹ...
Thế là ông bỏ ra nửa tiếng đồng hồ để giảng cho ông phi công nghe về cách nhà băng ở Hoa Kỳ làm việc rồi kết luận:
-Nhà băng cho vay thì phải chắc ăn, ông tướng nhà anh có gì để bảo đãm cho số tiền họ cho mượn? Vốn liếng thì không có một xu, tài thì tôi không biết làm được cái gì, và người Mỹ họ không có tình cảm, họ không cần biết tiếng tăm, họ chỉ biết lợi nhuận, làm sao họ dám cho ông tướng mượn tiền? Nói tới đây tôi mới nhớ, thiệp mời hoàn toàn không nói gì về cái chương trình làm ăn của ông tướng là gì. Ông nghĩ ông ấy sẽ làm gì ở cái thành phố ăn chơi này với số vốn 100 triệu đô la?
Ông phi công không trả lời được, lắc đầu. Ông công chức vỗ vai ông phi công nói:
-Chỗ quen biết, tôi khuyên ông, chớ có bỏ tiền ra mà đầu tư gì cả. Vợ chồng cha Kít này nổi tiếng là dân chuyên môn đi lừa thiên hạ, đừng để bị lừa.
Ông phi công không còn phản đối nữa mà bắt tay cám ơn từ giã ông công chức. Lên xe, ông phi công vừa mở máy vừa suy nghĩ. Cách đó chừng một năm, khi vợ chồng cựu thiếu tướng Nguyễn Kít từ giã Cali về định cư ở New Orleans, đủ thứ tiếng đồn đi theo vợ chồng ông. Toàn là những tiếng đồn xấu, tuyệt không có gì tốt. Là một cựu phi công, giống như bao nhiêu cựu phi công khác, anh là một người rất ngưỡng mộ ông cựu tư lệnh, cho nên anh coi những tiếng đồn đó không ra gì. Nhưng sau một năm tiếp xúc và sinh hoạt với ông tướng, anh lần lần thấy những tiếng đồn đó không phải vô căn cứ hoàn toàn. Cộng thêm hôm nay, sau khi những lời nói đến từ một người mà anh rất quý mến, anh bắt đầu suy nghĩ lại...
Cha này không chừng nói đúng, nhưng anh đã trót nhận lời làm trưởng ban tổ chức cho buỗi cơm thân mật vì một lý do thầm kín mà chỉ có mình anh biết nên đành phải làm tròn bổn phận mình. Từ văn phòng kế toán, anh lái xe thẳng tới nhà hàng “Saigon Mây Bay”.
Nếu ai để ý một chút thì phải nhận ra rằng, bất cứ cái bảng hiệu nào ở hải ngoại này mà có mang những cái tên có dính dáng tới gió, mây, trời, chim, không gian và núi non thì chủ nhân của nó nhất định phải là một ông cựu quân nhân Không Quân. Nhà hàng này cũng thế, chủ nhân của nó là một cựu phi công Việt Nam. Hai người là bạn thân nhau từ những ngày còn ở Việt Nam, cần gặp nhau để bàn nốt chương trình tổ chức sắp tới.
Chủ nhân nhà hàng “Saigon Mây Bay” đang ngồi hút thuốc uống bia với mấy người bạn thì nhìn thấy người bạn trưởng ban tổ chức bước vào, mặt mày không có vẻ gì vui lắm. Anh nói ngay:
-Nam ơi, chuyện gì mà mặt mày coi hãm tài thế? Vợ không cho ... chơi tối qua à?
Nam, tên người phi công vừa rời văn phòng kế toán, lắc đầu cười nhẹ, trả lời nửa dối nửa thật:
-Mẹ, vợ không cho làm tình thì tao còn cám ơn. Nhưng hôm nay tao thấy hơi mệt một chút thôi. Sao, còn mày thế nào, Thanh?
Thanh kéo cái ghế:
-Mày nói đúng. Tụi mình ngày càng già mà mấy mụ thì chẳng già chút nào, cứ ăn uống cho phỡn ra rồi đòi hỏi đủ thứ, làm sao trả bài cho đầy đủ như hồi còn trẻ được. Thôi, ngôi xuống đây uống một chai cho nó đỡ mệt đã rồi mình bàn chuyện. Tao có chuyện quan trọng cần hỏi mày.
Một màn bắt tay diễn ra, Nam ngồi xuống giữa mấy người, đa số cũng là cựu quân nhân Không Quân.
Sau vài hớp bia, ông chủ quán vào ngay vấn đề:
-Theo như lời yêu cầu của mày, tao đã chuẩn bị 250 phần ăn, giá 25 đô la một phần, tổng cộng là 6250 đô la.
Nam hơi giật mình:
-25 đồng một phần, sao mắc thế?
Thanh đưa tay ra phản đối:
-Tao chưa nói hết. Nhà hàng sẽ có một bàn VIP đặc biệt dành riêng cho ông tướng và quan khách không lấy tiền. Nội cái tiền rượu và tiền thuốc lá và tiền hoa của cái bàn VIP này cũng mất toi của tao hết ngàn đô la rồi. Không Quân mình không tổ chức thì thôi, còn tổ chức thì phải ra tổ chức, nếu không bằng Huỳnh Hữu Bạc ngày xưa thì cũng phải... gần gần.
Nam thành thực nói:
-Mày làm ăn thì phải có lời, tao không dám thắc mắc, tao chỉ sợ anh em than phiền thôi.
-Lại cứ lo xa. Hôm nọ uống rượu với ông tướng, ông tướng bảo tao là nhà băng First Jefferson National Bank sẽ đài thọ cho bữa tiệc này mà.
Nghe như thế thì mặt mày Nam bỗng rạng rỡ lên:
-Như thế thì tốt quá, nhưng sao tao không nghe ông tướng nói gì cả.
Thanh chưa kịp trả lời thì Nam lại tiếp:
-Nói thật với mày, mấy hôm nay tao đang lo về vụ này. Mình mời người ta tới ăn nói là để bàn chuyện làm ăn mà “chạt” tiền thì coi kỳ quá. Nếu nhà băng First Jefferson National Bank chịu đài thọ cho bữa tiệc thì còn gì tốt bằng.
Thanh vỗ vai bạn:
-Mày cứ lo xa, hôm tao nhậu với ông tướng, ông tướng mấy lần bảo tao là nhà hàng phải cho ăn uống như thế nào đừng để mất mặt ông tướng, tiền bạc không thành vấn đề. Ông tướng còn yêu thương Không Quân lắm, ông tướng không muốn Không Quân Việt Nam bị thiên hạ coi thường.
Nam nói:
-Nếu ông tướng muốn thế thì mình khỏi cần phải đặt cái bàn ngay cửa để thâu tiền của bá tánh.
-Mày là trưởng ban tổ chức, mày muốn làm sao thì tuỳ mày, phần tao, tao chỉ cần thâu đủ số vốn 6250 đồng là tao vui rồi...
-Mày khỏi phải lo chuyện đó, nhưng để tao check lại với ông tướng xem đã. Chừng nào tao nghe tận miệng ông tướng nói thì tao mới yên tâm.
Ông chủ lại nói:
-Khi mày nói chuyện với ông tướng, mày nói luôn là nhà hàng cần một nửa số tiền đặc cọc tức là 3000 đô la. Tao cần số tiền đó càng sớm càng tốt.
-Mày để tao cố gắng.
-Cố gắng cái con khỉ. Tao nói trước, không có tiền đặc cọc là không có bữa tiệc cơm thân mật đâu nhé.
Nam lườm bạn:
-Từ từ, làm gì mà ép nhau thế?
-Tao có ép là ép nhà băng First Jefferson National Bank vì chúng nó là người trả tiền chứ có ép mày đâu. Bố khỉ, Không Quân Việt Nam sao mà yếu thế. Thôi uống đi mày...
Nói thì dễ nhưng muốn gặp ông tướng không phải là chuyện dễ. Lý do là vợ chồng ông tướng không có... nhà riêng, không có chỗ ở cố định. Hôm thì vợ chồng ông tá túc ở nhà ông tá này, hôm khác lại ghé qua chỗ khác sang hơn, gần hơn. Vì thế, Nam tìm ông mấy lần mà không gặp. Thêm vào đó, Nam vẫn còn phải đi làm suốt ngày, chỉ rảnh được buổi chiều, nhưng buổi chiều thì ông tướng luôn luôn đi nhậu, không ai biết ở đâu. Nam bực mình vô cùng, nhưng đã lỡ nhận trọng trách, không thể bỏ ngang được.
Nam đã bực mình như thế nhưng có người còn bực mình hơn cả Nam. Đó là Thanh, chủ quán “Saigon Mây Bay.” Vì Nam không có nhà để nghe điện thoại cho nên mỗi ngày, Thanh để khoảng 30 cái lời nhắn trong máy của Nam. Mới đầu thì còn nhẹ nhàng nhưng càng lúc thì càng găng, và cuối cùng thì biến thành hăm doạ sẽ huỷ bỏ bữa tiệc.
Phần Nam, sau một ngày lao động mệt nhọc, về nhà bấm máy thì lại bị nghe những lời than phiền, mới đầu anh cũng thấy áy náy, nhưng sau đó thì chán nản quá, anh lờ luôn. Và chính Nam, anh cũng đã nghĩ đến chuyện huỷ bỏ bữa tiệc...
Nhưng may cho cả hai người, cỡ chừng tuần lễ trước khi tổ chức, không hiểu nhờ ngọn gió nào thổi, ông tướng nhà ta dẫn một bọn đàn em chừng 7 người kéo vào quán Saigon Mây Bay ăn nhậu.
Thanh đang ngồi ngáp vặt nhìn thấy thì liền đứng lên dơ tay chào ông tướng theo kiểu nhà binh, xun xoe:
-Kính mời thiếu tướng và anh em ngồi.
Ông tướng cũng chào đáp lễ theo kiểu nhà binh, chia nhau ra ngồi và hỏi tới tấp:
-Quán cậu có gì ăn ngon nhất?
Chủ quán chưa kịp trả lời thì ông tướng lại hỏi:
-Quán cậu có cổ nhắc XO, đem ra vài chai coi. Sô đa Perrier nhé, thứ khác không uống được.
Cứ thế và cứ thế, chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ, trên bàn đã toàn la liệt đồ ăn cùng thức uống. Toàn là thứ mắc tiền. Rượu thì XO, thức ăn toàn là tôm hùm, bí tết. Mọi người ăn uống tận tình, cười nói oang oang, văng tục bừa bãi, ai nhìn vào đố đoán được một người ngồi trong bàn ngày xưa cũng đã làm đến tư lệnh Không Quân Việt Nam.
Chờ cho đến khi ông tướng ăn xong, Thanh mới bạo gan hỏi:
-Thưa thiếu tướng, em muốn hỏi thiếu tướng một việc nhỏ ạ.
-Thức ăn nhà hàng này cậu làm ăn được đấy, tôi gởi lời khen... hỏi thì hỏi đi.
-Thưa thiếu tướng, thiếu tướng còn tính tổ chức đêm nói chuyện về cái công ty lớn của thiếu tướng không ạ?
Ông tướng đưa cặp mắt ngầu đỏ sau gần nửa chai XO nhìn Thanh hỏi:
-Tổ chức chứ sao không? Sao cậu hỏi thế?
-Trình thiếu tướng, em có nói chuyện với ông Nam. Không biết ông ấy có nói với thiếu tướng chưa.
Ông tướng bỗng đâm cáu:
-Chuyện gì thì nói mẹ nó ra, ỡm ờ mãi.
-Thưa thiếu tướng, em muốn xin thiếu tướng cho một ít tiền đặc cọc trước ạ. Thiếu tướng thông cảm cho em, sở hụi cho mấy trăm người lớn lắm ạ, em lo không xuể.
Ông tướng xem như ngố ra một lúc nhưng rồi ông hỏi ngay:
-Thế thì thằng Nam nó tổ chức ở đây à?
-Vâng, thưa thiếu tướng, em tưởng thiếu tướng biết ạ?
Ông tướng không trả lời mà lại đưa mắt nhìn một vòng khắp nhà hàng. Ông hơi nhăn mặt lại một chút rồi hỏi:
-Chỗ này chứa được bao nhiêu người?
-Thưa khoảng 250 thì dễ dàng. 300 thì hơi chật một tí ạ.
-Thế thì thằng Nam nó không tìm được chỗ nào lớn hơn và sang hơn một chút sao?
Nam cúi mặt nhìn xuống đất, ráng che dấu một nỗi buồn vừa dấy lên trong lòng:
-Trình thiếu tướng, đối với Việt Nam mình thì chỗ này là sang nhất và ngon nhất vùng West Bank đấy ạ.
Ông tướng lắc đầu mấy cái:
-Đúng là chốn nhà quê nhà mùa có khác. Cái quán tí tẹo bằng lỗ mũi như thế này mà cũng dám đặt tên là Saigon Mây Bay. Phải gọi Hố Nai ruồi đậu thì nghe nó đúng hơn... hì hì...
Bọn đàm em ông tướng ngồi trên bàn, nghe như thế thì bật cười lên rầm rộ. Lại có thằng còn đập cả bàn, làm như đắc ý lắm. Lạ một điều là Thanh cũng cất tiếng cười theo.
Vợ Thanh đứng trong quầy nhìn ra, chỉ muốn chạy tới tát cho lão già ... thiếu tướng ăn nói mất dạy một bợp tai rồi muốn ra sao thì ra nhưng chẳng dám. Chị đang suy nghĩ xem thử ai sẽ trả tiền bữa ăn tối hôm nay. Đây không phải là lần đầu tiên ông tướng đến ăn ở đây rồi lờ đi, người nọ dục người kia rồi cuối cùng chẳng có ai trả tiền cả. Chị quyết tối nay sẽ gọi cảnh sát nếu họ không trả tiền ăn nhậu.
Ông tướng bỗng ngưng cười. Ông hỏi:
-Thằng Nam chịu trách nhiệm buổi tổ chức này. Nó đâu rồi?
-Trình thiếu tướng em không biết ạ.
-Cậu gọi nó ra tôi hỏi chuyện coi.
-Vâng ạ.
Thanh quay lui đi vào trong quầy, nhấc ống điện thoại, quay số. May quá, Nam là người bốc máy lên nghe.
-Nam đấy hả, Thanh đây mày. Ông tướng đang ăn nhậu ở tiệm tao, ổng cho gọi mày ra gấp.
-Mày chờ đấy, 25 phút nữa tao có mặt.
Gác điện thoại, Thanh thở phào ra một cái. Có thằng Nam đây thì thế nào ông tướng cũng phải xì tiền ra...
Thanh trở ra. Ông tướng lại bảo:
-Này, cho thêm chai XO, mấy chai Perrier, thêm nước đá, thuốc lá.
Thanh trả lời:
-Thưa thiếu tướng, có ngay ạ.
Cứ như sự thường thì khách càng gọi nhiều thì chủ nhân càng mừng, nhưng không hiểu sao, Thanh lại thấy lo lo trong bụng.
Nửa tiếng đồng hồ sau, Nam đã đứng trước mặt ông tướng Kít, dơ tay lên chào kiểu nhà binh, giống y hệt như ngày xưa anh còn ở trong quân đội.
Ông tướng cười, chỉ vào cái ghế sát đó:
-Ngồi xuống đây. Uống cổ nhắc nhé.
-Vâng, xin cám ơn thiếu tướng.
Khỏi cần ai mời, Thanh cũng tự động kéo ghế ngồi xuống cạnh Nam...
Sau vài ly rượu, ông tướng hỏi:
-Cậu nhận trách nhiệm tổ chức buổi tiệc, công việc đến đâu rồi?
Thanh trình bày mọi chuyện rồi kết luận:
-Tôi có hai vấn đề trước mặt xin phép muốn hỏi thiếu tướng.
-Hỏi đi.
-Thưa thiếu tướng, thứ nhất, tôi nghe nói nhà băng First Jefferson National Bank sẽ tài trợ bữa tiệc này, và nếu thế, mình có cần phải thâu tiền của người dự tiệc hay không.
-Dĩ nhiên là nhà băng họ đài thọ, nhưng cậu vẫn phải thâu tiền trước để nếu cần thì mình có tiền để xài vào việc khác.
Nghe như thế thì cả Nam lẫn Thanh đều nẩy lên những thắc mắc trong đầu nhưng không tiện hỏi đành lờ luôn. Nam hỏi sang câu hỏi thứ hai, rắc rối hơn:
-Thưa thiếu tướng, ông chủ nhà hàng đây cần 3000 đô la tiền đặc cọc cho bữa tiệc ạ.
Một câu hỏi ai cũng tưởng là khó khăn lắm nhưng ông tướng trả lời liền một cách dễ dàng, không cần phải suy nghĩ:
-Đã nói nhà băng đài thọ thì họ phải trả tiền. Cậu cứ ứng trước cho tôi đi, nhà băng sẽ trả lại cho cậu.
Nam ú ớ, mặt mày tái xanh lại với số tiền khổng lồ mà mình không có:
-Thưa thiếu tướng, em ... em ... không có... không có...
Ông tướng cười dễ dải:
-Cậu có bao nhiêu cứ đưa trước cho ông chủ, trước sau gì thì nhà băng họ cũng trả mà.
Nam nhìn Thanh. Thanh nhìn Nam. Hai người nhìn nhau, máu họng muốn trào ra nhưng không nói được gì. Ông tướng lại buôn một câu xanh dờn khác:
-Nói cho các cậu biết, tiền tôi đầu tư bạc triệu vào cái chương trình này, nhưng tôi làm gì giữ tiền mặt trong người. Các cậu làm việc với nhau. Mai mốt đại công ty thành công lớn, tiền vào như nước thì công của các cậu không nhỏ đâu đấy nhé...
Nam muốn phản đối nhưng lưỡi như cứng lại. 3000 đô la là một số tiền tuy không lớn lắm nhưng đối với những người làm việc lãnh lương tháng như Nam là cả một năm trời dành dụm.
Anh chưa kịp nói gì thì ông tướng đã quay sang nói với Thanh:
-Cậu cho tôi cái bill.
Nghe như thế thì Thanh ... mừng quýnh lên, đứng dậy liền như một cái lò xo, quên tuốt luôn chuyện tiền đặc cọc đang thương lượng dở dang. Anh chạy vào, hớn hở bảo với vợ, mặt mày tươi rói lên:
-Cho ông tướng cái bill gấp, ông tướng trả tiền.
Mụ vợ lườm chồng một phát, nguýt nhỏ:
-Người ta ăn uống người ta trả tiền là chuyện thường tình, việc chó gì mà phải mừng phải sướng lên như thế?
Thanh cũng không vừa, gắt lại:
-Đàn bà chẳng biết gì cả. Xưa nay ông ấy ăn uống ông ấy có bao giờ trả tiền đâu.
-Tại anh quá nhu nhược, lần này mà không trả tiền thì tôi gọi cảnh sát đấy. Thiếu tướng thiếu tá gì mà ăn không giả tiền là tôi cho vào tù hết.
Thanh trừng mắt nhìn vợ, nạt nhỏ:
-Hôm nay em ăn nói hay quá nhỉ. Cứ đưa bill đây cho tôi, khỏi có nói gì lôi thôi cả.
Thanh cầm cái bill đựng trên một cái đĩa ra, lễ phép cúi đầu để trước mặt ông tướng rồi đứng chờ.
Nhưng ông tướng chừng như không nhìn thấy, cứ tiếp tục nâng ly rượu lên uống. Rồi ông thò tay đẩy cái đĩa vào sâu phía bên trong, gần đám đàn em đang ngồi...
Thanh kiên nhẫn đứng chờ, hy vọng một người nào đó sẽ ra tay nghĩa hiệp.
Nhưng hành động nghĩa hiệp thường chỉ có trong phim Tàu, ít khi nào xảy ra trong một nhà hàng Việt Nam trên đất Mỹ. Bọn đàn em của ông tướng nhìn nhau rồi tảng lờ, làm như chẳng thấy gì, y hệt đàn anh.
Ông tướng quét cặp mắt ... lồi nhìn lướt qua bọn đàn em. Ông biết tỏng đàn em mình, cũng như mình, chẳng có thằng nào có tiền để trả. Chuyện này dễ hiểu bởi vì ở đất Mỹ này, muốn có tiền thì phải làm lụng, còn bọn đàn em của ông, giống như ông, chẳng thằng nào có công ăn việc làm cả, tối ngày chỉ chơi bời đàn đúm, nếu không đi ăn cướp hoặc ăn xin thì làm gì có tiền.
Nhưng ông tướng vốn là một người mưu mẹo, luôn luôn có những sáng kiến khi cần thiết. Ông liền cầm tờ giấy tính tiền lên, liếc nhìn qua rồi hỏi Thanh:
-Cậu muốn tôi cho cậu bao nhiêu tiền tip?
Một câu hỏi thật là bất ngờ. Thanh trả lời:
-Thưa, thiếu tướng đến tiệm em ăn uống là em vui rồi, thiếu tướng muốn cho bao nhiêu cũng được.
-Thế thì tôi cho cậu 300 được không.
Thanh nói ngay:
-Trình thiếu tướng, cái bill chỉ có 500 đô la, thiếu tướng cho như thế là nhiều quá, em chẳng dám.
Ông tướng đưa cái dĩa có cái giấy tính tiền lại cho Thanh, nhăn mặt nói:
-Cậu buôn bán mà ăn nói sao yếu như thế thì chừng nào mới giàu được? Cậu phải đòi cho nhiều thêm chứ. Đây, tôi cho cậu 300 đô la tiền tip, cậu cứ ghi vào chi phí cho tôi, hôm nào nhà băng thanh toán tiền, cậu cứ giữ lấy...
Thanh tái mặt lại, không nói được một lời. Không nói được nhưng bỗng nghe được tiếng quát của mụ vợ từ phía bên trong:
-Đồ khốn nạn...
Thanh giật mình, cùng mọi người quay mặt nhìn vào.
Ở phía sau quầy, vợ Thanh cầm cái gì đó đập xuống quầy nghe đến rầm một tiếng rồi chửi đổng:
-Đồ khốn nạn, quân ăn cướp... Bộ mấy người tưởng tôi lấy gió làm ra rượu ra thịt cho mấy người ăn uống sao...
Thanh hoảng hồn chạy vào trong, vừa chạy vừa nói với vợ:
-Em sao thế...
-Sao cái gì? Bị ăn quịt thì chửi chứ còn sao gì nữa. Đây không phải là lần đầu bọn này đến đây ăn quịt...
Thanh nắm tay vợ kéo tuột vào nhà bếp, anh nói:
-Chuyện đâu còn đó, em bình tĩnh cho anh một chút được không nào?
Vợ Thanh hất tay anh ra, trả lời:
-Bình tĩnh làm sao được. Bọn khốn nạn này ăn quịt vợ chồng mình bao nhiêu lần rồi, làm sao bình tĩnh được.
Thanh nhỏ nhẹ:
-Em phải nhìn xa một chút. Anh đang chuẩn bị cái bữa tiệc gần 7 ngàn đô la cho ông tướng. Khi tiệc xong, mình đòi cũng chưa muộn cơ mà. Hơn nữa, nhà băng họ sẽ đài thọ, mình có thể tăng giá tiền bữa tiệc lên để lấy lại vốn...
Vợ Thanh ứa nước mắt ra:
-7 ngàn đâu chưa thấy, đã thấy mất toi 500 bạc. Anh nghĩ lại xem, kể từ khi thằng thiếu tướng khốn nạn nhà anh về đất New Orleans này, vợ chồng mình bị nó và đàn em nó ăn quịt bao nhiêu lần rồi.
-Anh rất thông cảm với em, anh cũng đứt ruột ra từng khúc đây... Nhưng em phải nhớ, dù sao thì ống cũng là ... là ... cựu phó tổng thống, tiền bạc thiếu gì, nhưng ông ấy tạm thời đang kẹt, mình không nên ép ổng quá...
Vợ Thanh khóc lên rưng rức, không còn kềm chế được:
-Em nói cho anh biết, nếu lần này mà anh không thâu được tiền bữa tiệc là vợ chồng mình chia tay nhau. Em nói thật...
Thanh không nói gì, chỉ cúi gầm mặt và xoay người bước ra ngoài. Anh không ngờ vợ anh có thế nói được với anh một câu tàn nhẫn như thế.
Ở bên ngoài, mọi người đã rút đi hết, chỉ còn mình Nam ngồi cúi đầu ủ rũ bên bãi chiến trường ngổn ngang bát đĩa...
Thanh kéo ghế ngồi xuống gần bạn. Hai ông phi công ngồi im bên nhau như thế một lúc rồi Nam chợt mở miệng hỏi:
-Mày thấy thế nào?
-Tao cũng không biết phải suy nghĩ như thế nào nữa. Vợ tao vừa mới đòi bỏ tao đấy. Tao không ngờ chuyện lại vỡ lớn ra như thế.
-Mẹ, tao là vợ mày thì tao đã bỏ mày từ lâu rồi.
-Tao lạy mày, tao đang muốn tự tử chết đây.
Nam làm một ngụm rượu, hỏi:
-Mày có muốn huỷ bỏ bữa tiệc không?
Thanh suy nghĩ một lúc rồi lắc đầu:
-Không, vì 3 lý do. Thứ nhất, chỗ này là chỗ làm ăn, thiệp mời đã gởi đi rồi, tao mà bỏ thì mất hết uy tín. Thứ hai, nếu tao mà bỏ thì sẽ mất hết cả chì lẫn chài, chẳng bao giờ lấy lại được số tiền bị ăn quịt. Hơn nữa, dù sao thì mình cũng nên trọng ông tướng một chút. Thứ ba, ông tướng có bảo tụi mình có quyền thâu tiền. Tao nghĩ, trong khi chờ nhà băng hoàn tiền, tao có thế sử dụng số tiền mình thâu quan khách ngày hôm đó.
Nam gật gù cái đầu, vỗ vai bạn:
-On second thought, nếu tao là vợ mày, chưa chắc tao đã bỏ mày đâu.
-Tiên sư bố nhà mày. Chưa biết vợ mày bỏ mày trước hay vợ tao bỏ tao trước...
Tối hôm bữa tiệc, trong quán Saigon Mây Bay, Nam bận đồ vét, đi qua đi lại trên sân khấu, tay cầm mi-crô, bộ điệu rất là trang trọng. Nam có đủ lý do để trở thành... trang trọng. Anh là người MC cho buổi tối hôm đó...
Đúng hơn, cũng chính vì cái “giấc mộng MC” mà anh nhận lời đứng ra tổ chức chương trình cơm thân mật tối hôm nay cho ông tướng.
Nam là một con người tốt nhưng phải cái tật ham nói và mê làm MC. Khi đứng trên sân khấu với cái mi-crô trong tay, anh luôn luôn có cảm tưởng là mình đang đứng trên... thiên đàng. May là tướng tá anh cao ráo, mặt mũi dễ nhìn và ăn nói cũng tạm được nên thường được thiên hạ mời làm MC vào các dịp lễ lạc. Cách đó mấy tháng, trong một buổi nhậu, ông tướng hỏi ai muốn đứng ra tổ chức chương trình cơm thâm mật, anh tình nguyện đứng ra tổ chức. Mình đứng ra tổ chức thì cái chức MC chắc chắn phải lọt vào tay mình, Nam chắc chắn như thế.
Mà nó ... như thế thật. Sau bao nhiêu khó khăn thì cuối cùng cái giấc mộng MC của Nam cũng đạt được. Quan trọng hơn cả, bữa tiệc tối hôm nay không phải là bữa tiệc thường. Bữa tiệc tối hôm nay là bữa tiệc đông nhất thành phố, với sự hiện diện của cựu thiếu tướng Nguyễn Kít và 100 triệu đô la bay lờ lững đâu đây trong gió. Suốt một tháng qua, anh đã chuẩn bị những câu nói, những lời giới thiệu, những câu hài hước mà anh góp nhặt được trên báo, trong các chương trình ca nhạc. Thỉnh thoảng, anh đứng trước gương trong phòng tắm, cầm cái lược của vợ đưa lên miệng tập nói như nói vào micrô. Anh tự pha trò rồi tự cười lấy. Có lúc lại vung tay múa chân như một... thằng khùng. Một lần, vợ anh bất ngờ bước vào nhà tắm, nhìn thấy anh như thế thì lắc đầu ngán ngẩm nhưng không nói gì.
Trong lúc Nam đi lại trên sân khấu mặt mày trang trọng thì Thanh đứng khoanh tay tại cửa, nơi có kê một cái bàn dài để cho quan khách ký tên lưu niệm. Nói là lưu niệm nhưng thật ra, đó là nơi vòi tiền quan khách. Ba nàng “Người đẹp không quân” ngồi thành một hàng, tha thước trong chiếc áo dài xanh da trời. Trên bàn là một cuốn sổ và bên cạnh cuốn sổ là một cái hộp đựng tiền. Một trong ba nàng là vợ Thanh, ngồi ngay chính giữa, cười nói luôn miệng. Ai cho bao nhiêu, Thanh đều ghi nhớ trong lòng.
Thiệp mời 7 giờ tối nhưng mãi đến hơn 8 giờ, phái đoàn của ông tướng mới đến. Bước vào đầu tiên là 3, 4 ông mặt mày nghiêm trang và trang trọng như đi duyệt binh ngày lễ. Ông tướng đi sau, chung với phu nhân mình là bà Trâm. Kế bên bà Trâm là một người mập tròn, nước da đen, trán hói, cặp môi dày và thâm sì như da trâu.
Người ấy là cựu thiếu tá Đặng Tây, đến từ Houston. Tây có viết được mấy bài báo và thơ đăng trên tờ Lý Tưởng ở Houston và nhờ đó, đi đâu Tây cũng luôn luôn tự giới thiệu mình là “Nhà văn Không Quân,” dù không ai có thế hiểu được “nhà văn không quân” nó khác với nhà văn thường ở chỗ nào.
Vợ Thanh nhìn thấy phái đoàn ông tướng thì nhăn mặt lại một chút rồi mới gượng được một nụ cười giả dối và nói:
-Kính mời các anh ký sổ lưu niệm cho chúng em.
Chẳng ai trả lời vì chẳng ai có tiền, cứ tiếp tục đi thẳng. Ông tướng và bà tướng cũng lờ luôn, chẳng dám nhìn mấy người đẹp. Nhà văn không quân liếc nhìn mấy em, khen “Mậy o ăn chi mà đẹp rứa hỉ” rồi đi luôn.
Nam nhìn thấy phái đoàn thì liền lớn tiếng nói như hét vào micrô:
-Kính thưa quý vị, chúng tôi vừa nhìn thấy thiếu tướng Nguyễn Kít và phái đoàn vừa bước vào, xin quý vị cho thiếu tướng và phái đoàn một tràng pháo tay thật lớn, thật to để chào mừng quan khách...
Tiếng vỗ tay vang lên như sấm động. Nam thích quá, nói luôn:
-Kính thưa quý vị, ngoài thiếu tướng và phu nhân, chúng tôi còn nhận thấy sự hiện diện của nhà văn không quân tài hoa nổi tiếng Đặng Tây biệt hiệu Phong Tình, cây viết cột trụ số một của báo Lý Tưởng, nhà thơ vĩ đại nhất thành phố Houston. Xin quý vị cho nhà văn không quân Phong Tình tài hoa bay bướm một tràng pháo tay...
Lại vỗ tay. Chờ một lúc, Nam tiếp:
-Được biết, nhà văn không quân Phong Tình trước kia là một phi công lái tàu bay vận tải tài hoa số một...
Nam vừa nói đến đó thì có một bàn tay níu áo mình. Anh nhìn lại thì nhận ra đó chính là nhà văn không quân Phong Tình đang đứng trước mặt mình. Anh giật mình đánh thót, chưa kịp nói gì thì nhà văn đã khoác tay nói giọng Nghệ An nghe đặc sệt:
-Anh giợi thiệu con khị chi mà loạ rựa hỉ? Anh đưa tôi cại micrô hỉ.
Nam ngạc nhiên quá đổi, không biết phải phản ứng như thế nào. Nhà văn lại nói:
-Anh đưa Micrô đi hỉ, ông tướng nọi tôi làm MC tội nay. Đựng buộn hỉ.
Mẹ, như thế thì còn gì là giấc mộng MC của mình nữa. Nam cảm thấy trời đất quay cuồng, muốn té xỉu ngay trên sân khấu. Lại có một người nữa trong phái đoàn ông tướng tiến tới gần, dục:
-Đưa micrô cho ông Tây đi. Lệnh của thiếu tướng.
Nam muốn ứa nước mắt, đưa cái micrô cho nhà văn không quân rồi líu ríu bước xuống, tai còn nghe được người MC mới tự giới thiệu mình:
-Kịnh thưa quỵ vị, tôi vâng lệnh thiệu tượng lạm MC cho bựa tiệc tội nay...
Tây nói lung tung một hồi, toàn là những câu pha trò rẻ tiền và đôi khi lại còn tục tỉu nữa, nhưng mọi người lại cười vang...
Nam líu ríu đi về phía cuối phòng, mắc cỡ quá, chỉ muốn độn thổ cho xong. Lúc nãy mặt anh trang trọng bao nhiêu thì bây giờ xìu lại và đau khổ bấy nhiêu. Ra tới cửa, anh toan mở cửa bước ra bỏ về thì Thanh kéo anh lại, hỏi:
-Tao tưởng mày làm MC mà, sao lại để cho thằng khùng đó lên?
Nam nghiến răng, chửi thề:
-Đeo mẹ thằng nhà văn chó đẻ. Nó dành chức... MC của tao. Nó mà nhà văn cái đếch gì, ăn nói nham nhở nghe không chịu được.
Thanh phẫn nộ dùm cho bạn:
-Cũng tại mày tâng tốc nó quá đáng... Tao biết thằng này, văn chương mẹ gì nó. Nhưng tại sao mày đưa micrô cho nó?
Nam lắc đầu, thở dài:
-Nó bảo ông tướng ra lệnh cho nó. Biết thế thì tao đếch thèm giới thiệu thằng chó đẻ.
-Thôi ngồi xuống đây uống với tao một ly cho hạ hỏa đi.
Nam ngồi xuống, nhận ly rượu từ tay Thanh. Đang chán đời, anh làm luôn một lúc 4 ly đầy rồi ợ lên một phát thật lớn, cảm thấy nhẹ nhỏm trong lòng đôi chút. Nhìn thấy vợ Thanh đang đếm tiền, Nam liền hỏi:
-Tối nay thâu được bao nhiêu hả chị?
-Gần 6 ngàn đấy anh. Cũng đỡ. Mấy hôm nay vợ chồng chúng tôi lo quá.
Thanh ngồi gần đó cũng nói thêm vào:
-Thật là phải cám ơn trời phật... Nói ra thì xấu hổ nhưng mình mở nhà hàng bán thức ăn mà cứ như là đi ăn xin ăn mày...
Nam nói:
-Nói thật với hai ông bà là tôi cũng lo giùm cho hai người... Bọn nhà băng Mỹ chúng nó làm việc lâu lắm, mà chưa chắc là đã có tiền.
Vợ Thanh nói:
-Đồng tiền nắm trước là đồng tiền khôn. Cứ giữ nó đây cái đã, hôm nào nhà băng họ trả tiền thì mình trả lại cho ông tướng. Mình chẳng muốn giật ai nhưng cũng chẳng muốn ai giật mình.
Bên trong, có tiếng giới thiệu ông tướng lên nói chuyện bằng một giọng Nghệ An đặc sệt và những lời tâng bốc nịnh bợ lố lăng quá đáng. Lại vỗ tay như sấm động rồi tiếng nói của ông tướng bay ra:
-Anh em cựu quân nhân và công chức nghe tôi nói, cổ nhân ta có câu: “Nhất phá sơn lâm nhì đâm hà bá”, tôi lập lại là đâm hà bá chứ không phải đâm... đàn bà đâu nhá. Đâm hà bá thì ra tiền còn đâm ... đàn bà thì ... sưóng nhưng hao tiền tốn của lắm, hì hì...
Mọi người nhao nhao lên cười sặc sụa, cười đến muốn té xuống đất. Thanh cũng cười nhưng mụ vợ nhăn mặt lại, thò tay véo vào đùi chồng một phát:
-Ăn nói nham nhở như thế mà anh cũng cười được à?
Ông tướng tiếp:
-Tại sao lại phải đâm hà bá? Đúng thế, chúng ta phải đâm ... chết mẹ hà bá bởi vì...
Tướng Kít nói một thôi dài, vừa nói vừa pha trò. Đại khái, ông cho biết, ông sẽ mở một vựa cá ngay tại thành phố này. Vựa cá của ông sẽ là vựa mua bán tôm cá lớn nhất tiểu bang Lousiana, chưa hề có trong lịch sử, với những máy móc tối tân nhất thế giới và sẽ tạo công ăn việc làm cho khoảng 500 người địa phương. Dĩ nhiên, ông sẽ mướn toàn người Việt Nam, cựu phi công càng tốt. Vựa cá của ông sẽ mua tôm cá của “bọn ngư phủ” địa phương và Việt Nam giá 1 đô la một pound, bán ra 5 đô la một pound, lời sơ sơ 4 đô la một pound, sau khi trừ chi phí, còn lời 3 đô la một pound. Ông dự trù, vựa cá của ông mỗi ngày sẽ bán khoảng vài trăm ngàn pound, tiền vô cứ gọi là đếm không hết, chắc phải mướn security của Mỹ để canh tủ tiền... Nhà băng First Jefferson National Bank sẽ cho ông mượn khoảng 80 triệu đô la, và ông cần thêm 20 triệu đô la để lo mấy việc lặt vặt. Ông kêu gọi anh em cựu quân nhân mua cổ phần vựa cá.
Ông kết luận:
-Ai muốn ... chơi hà bà thì bỏ tiền ra mua cổ phần vựa cá của tôi. Tiền anh em bỏ vào càng nhiều thì sẽ lấy về càng nhiều, sau này con cháu sẽ nhà cao cửa rộng, mặc sức tung hoành...
Ông tướng vừa nói tới đó thì bà Trâm, phu nhân ông tướng xuất hiện, tiến ngay tới chỗ vợ chồng Thanh và Nam đang ngồi.
Phải thành thực mà nói, bà Trâm là một người đàn bà đẹp hơn mức trung bình. Chẳng những đẹp, trời còn cho bà cái tướng quý phái, lịch sự. Thêm vào đó, bà lại biết cách diện đồ, ăn bận khéo léo, luôn luôn theo đúng thời trang. Vì những lý do đó, mọi người, từ đàn bà đến đàn ông, ai cũng thích gần gũi bà. Đàn bà thích gần gũi để học những cái hay, cách trang điểm, cách diện quẩn áo, còn đàn ông thì để ... dê bà. Thiên hạ đồn, bà là một người rất đa tình. Và đối với đàn ông, hễ đàn bà càng đa tình thì ... càng tốt, miễn là người đó không phải là vợ mình.
Thanh và Nam cũng không tránh khỏi định lệ... đàn ông quái quỷ này cho nên khi nhìn thấy bà phu nhân bước tới, hai ông cựu phi công liền đứng lên, cười tươi như hoa, đon đã mời bà ngồi. Bà Trâm cũng cười tươi như hoa, ngồi xuống, ghép chân vào nhau, để lộ một phần đùi hở hang và đẩy đà và trắng phau, thơm như múi mít.
Cả Thanh và Nam cùng nuốt nước bọt một phát khi nhìn thấy cặp đùi...
Ngay cả vợ Thanh, khó tánh như thế mà khi thấy bà ngồi xuống nơi bàn mình cũng cảm thấy hãnh diện vô cùng. Trong tiệm này có bao nhiêu bàn sao bà không ngồi, lại chọn bàn mình để ngồi.
Thanh nhanh nhẩu nói, cặp mắt dán chặt vào cái phần vú hở của bà phu nhân:
-Thưa cô, ý quên thưa phu nhân bà tướng, ý quên... xin lỗi, phu nhân ông tướng, dùng gì để tôi đi lấy ạ.
Vợ Thanh muốn tát cho chồng một phát nhưng phải nhịn.
Bà Trâm liếc mắt đưa tình với Thanh, làm như ngầm nói rằng “tôi biết anh đang nhìn vú tôi đấy nhá, đồ khỉ” rồi ỏn ẻn nói:
-Gì cũng được nhưng xin anh cho ly nước cam ạ.
Thanh cười thật tươi, quay sang bảo cô bồi đứng gần đó:
-Em cho bà tướng ly nước cam vắt nhé, làm cho kỹ, cho đẹp, cho khéo nhé.
Bà Trâm quay sang vợ Thanh, thân mật nói:
-Nhà hàng của em đẹp quá, chẳng thua gì mấy nhà hàng bên Cali.
Vợ Thanh cười:
-Chị quá khen, bọn em cũng chỉ cố gắng để sống qua ngày thôi chị ạ...
Bà Trâm vỗ vào ... đùi vợ Thanh, duyên dáng và thân mật nói:
-Sống qua ngày mà được như em thì chị cũng muốn sống lắm...
Vợ Thanh cười, cặp mắt híp lại:
-Chị lại quá khen em rồi...
Đột nhiên, bà Trâm quay sang nói với Nam:
-Anh, anh làm MC hay quá, ai cũng phục lăn...
Nam lúc ấy đã uống khoảng 6, 7 ly cổ nhắc rồi nên tâm hồn đang lâng lâng sung sướng... Cũng gìống như Thanh, anh đang nhìn vào cặp vú của bà Trâm mà tưởng tượng mông lông, bỗng nghe mình được chiếu cố thì giật nẩy minh lên, ly rượu trong tay xém tí nữa thì đổ cả ra ngoài. Anh ấp úng nói:
-Thưa... thưa em... không, thưa bà, bà quá khen ạ. Tí tài vặt ấy mà...
Bà Trâm lại liếc mắt cười tình:
-Tôi cũng chỉ mong có tí tài vặt như anh mà không có được. Này, hôm nào đám cưới con gái tôi, tôi phải mua vé máy bay cho anh qua Ca-li làm MC cho cháu nhé? Tôi đặc cọc anh trước đấy, không được từ chối nhé...
Nam sung sướng đến độ muốn ... quỳ ngay xuống đất mà cám ơn người đẹp. Giấc mộng vàng MC tưởng đã tiêu tùng, nào ngờ lại có mòi phát triển. Làm MC cho con gái bà tướng, chuyện khó tin nhưng có thật. Anh nói, giọng run run vì cảm động:
-Cám ơn phu nhân đã tin cậy. Nếu phu nhân cần thì bất cứ lúc nào, tôi sẽ bay qua Cali một chuyến để làm MC cho cháu.
Nam chưa nói hết câu thì bà Trâm đã quay sang nhìn vợ Thanh:
-Cái vòng cổ em đeo coi lịch sự và đẹp quá, lại trang nhả nữa. Vợ ông chủ nhà hàng có khác. Em mua ở đâu thế em?
Bây giờ thì tới phiên vợ Thanh sung sướng đến rêm người. Thế là 2 người đàn bà châu đầu vào nhau nói về chuyện trang sức...
Ly nước cam vắt được mang lên, để trước mặt bà Trâm. Thanh ngồi xuống ngay trước mặt bà, ngắm vợ mình và bà Trâm nói chuyện một cách thích thú. Anh cảm thấy hãnh diện vô cùng. Coi 2 người thật là xứng đôi, giống như 2 chị em. Ai cũng xinh cả, đúng là “Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười.” Một lúc nào đó, anh chen vào, tay đẩy cái đĩă thức ăn, ngọt ngào nói:
-Bà phu nhân dùng cơm nhé. Ngon lắm đấy, đầu bếp Chợ Lớn chính hiệu nấu đấy.
Lại một cú liếc mắt chết người rồi bà Trâm lắc đầu:
-Thôi, cám ơn anh, lát nữa tôi còn phải ghé qua đặc cọc tiền để mua mấy chiếc xe vận tải.
Tối thứ bảy mà ai lại nhận tiền đặc cọc mua xe thì Thanh không nghĩ ra, nhưng anh có cần gì để nghĩ nữa. Cái đáng nghĩ là nghĩ đến cặp vú cặp đùi bà Trâm kia kìa. Người đâu mà có cú liếc mắt đẹp thế, bà ấy cứ liếc mình như thế này thì chắc mình đứng tim mà chết. Rượu đã ngà ngà say, Thanh lòng mình bỗng trở nên thổn thức.
Nói chuyện một lúc, bà Trâm đột ngột hỏi vợ Thanh:
-Tối nay thâu tiền có khá không em.
Bình thường mà nghe hỏi một câu như thế thì vợ Thanh sẽ bắt đầu suy nghĩ liền, nhưng tối hôm đó, không hiểu sao, chị lại đâm ra thân mật và dễ dãi, vui vẻ trả lời:
-Được hơn 6 ngàn đấy chị ơi. Vợ chồng em lo sốt cả vó suốt mấy tuần nay..
Sau câu hỏi, bà Trâm lại đột ngột chuyển sang đề tài thời trang. Càng nói thì tình chị em càng trở nên thắm thiết, hợp tình hợp ý. Một lúc nào đó, bà Trâm lại nói:
-Chị cứ tiếc sao mãi đến bây giờ mới được gặp em, phải chị em mình quen nhau sớm hơn thì tốt quá. Em xinh quá, chị quý em quá...
Vợ Thanh híp mắt lại, sung sướng không nói nên lời. Nụ cười chưa tắt thì bà Trâm đã cho nổ ngay một quả bom CBU:
-Này em, chị đang cần 10 ngàn đô la để đặc cọc tiền mua xe vận tải cho anh Kít, em cho chị “giật nóng” của em 6 ngàn nhé. Chị có check 75 ngàn đô la đây nhưng khuya quá rồi không đi đổi kịp, ngày mai chị dậy sớm đi nhà băng cash tiền chị đưa ngay cho em...
Vợ Thanh giật thót mình, không biết phải trả lời và phản ứng như thế nào. Không phải chỉ có mình vợ Thanh, mà hai người đàn ông ngồi chung bàn cũng giật mình đến thót. Nam đang lim dìm mơ màng tưởng tượng đến cảnh đang làm MC cho con gái bà Trâm, liền mở bừng mắt. Dù đã ngà ngà say nhưng câu nói ngày nào của ông kế toán bạn Nam vẫn còn văng vẳng bên tai anh... Phần Thanh, tửu lượng của anh yếu hơn Nam nên anh chỉ mơ hồ biết có một chuyện nguy hiểm sắp sữa xảy ra nhưng không biết là chuyện gì.
Vợ Thanh ú ớ:
-Thưa chị, em... em...
Bà Trâm tiếp liền:
-Xe vận tải dùng để chở tôm ấy mà em. Bọn chị mua một lần 3 chiếc, nhà băng ứng trước tiền cơ mà. Đây này, để chị cho em xem cái ngân phiếu của nhà băng First Jefferson National Bank trong bóp chị đây.
Bà cúi người xuống rồi bỗng nhớ ra là mình không đem bóp theo, bà lắc đầu, đau khổ, tặng cho Thanh một cú liếc mắt chết người nữa.
-Rõ là hư thân, chị lại bỏ quên bóp ở bàn bên kia...
Vợ Thanh ngồi chết trân như một pho tượng gỗ, không nói được mà cũng không có được một phản ứng gì.
Bà Trâm lại quay sang hỏi Thanh, giộng thêm một cú liếc mắt chết người nhưng bây giờ lại có thêm phần đau khổ nữa:
-Anh Thanh... anh có biết sáng mai mấy giờ nhà băng mở cửa không? Tôi có cái check 75 ngàn đô la.
Bà Trâm kéo dài tiếng “Thanh” nghe như “Th a a a a nh” thật là ngọt ngào, quyến rũ.
Thanh ... của bà trả lời ngay, giọng cũng tình tự không kém:
-10 giờ... 10 giờ... thưa..
Thanh ngừng ở chữ “thưa” vì không biết nói thưa em hay thưa bà. Bà Trâm lại tung chưởng:
-Thế thì anh có cho tôi giật nóng 6 ngàn đến ngày mai không? Đừng có ăn hiếp tôi đấy nhá, tôi không chịu đâu, bắt thường đấy...
Miệng bà nói, mắt bà lại liếc, cặp môi bà cong lên một cách mời mọc, ngực hạ thấp xuống để biểu diễn bộ vú coi dâm không chịu được.
Dĩ nhiên là một người như Thanh thì đời nào lại đi ăn hiếp đàn bà, nhất lại là một người đàn bà ... có cặp vú đẹp như thế kia và lại là phu nhân của ông tướng, Anh nói ngay không cần phải suy nghĩ, đắn đo:
-Được chứ sao không? Em, em đưa tiền cho chị Trâm đi. Mai mình lấy lại cũng còn kịp, có đem về cũng không kịp bỏ vào nhà băng tối nay.
Nghe như thế nhưng vợ Thanh cũng không có phản ứng, hai tay tự dưng lại đưa lên để trên hộp tiền trước mặt.
Thanh liền hất tay vợ ra, thò tay nắm mớ tiền lẫn check nằm trong hộp rồi đưa cho bà Trâm:
-Đây, bà phu nhân cầm lấy, mai đưa lại cho tôi...
Bà Trâm cầm gọn gói bạc, tặng cho anh một cú liếc mắt nữa. Thanh cảm thấy lâng lâng sung sướng, miệng cười cười, dở trò tán tỉnh:
-Như thế là bà phu nhân không được nói tôi ăn hiếp bà đấy nhé.. Đẹp như bà, thương không hết, ai lại đi ăn hiếp...hì hì...
Vợ Thanh liền đứng lên, bỏ vào cầu tiêu, nước mắt chảy chan hoà xuống mặt...
Nam dù say rượu nhưng cũng ngạc nhiên nhìn sững bạn, không nói được gì.
Sáng hôm sau, mãi đến 12 giờ trưa Thanh mới tỉnh rượu, thức giấc. Anh ngạc nhiên khi thấy nhà cửa vắng hoe. Gọi mãi không thấy ai trả lời, Thanh bước xuống giường và nhìn thấy một tờ giấy để trên bàn. Anh hốt hoảng cầm lên, tờ giấy do vợ Thanh để lại:
“Anh Thanh,
Vợ chồng ta đến đây là chấm dứt. Tôi lái xe chở hai con về Cali sống với bố mẹ.
Đừng gọi tôi vì tôi sẽ không trả lời. Luật sư của tôi sẽ liên lạc với anh sau.
Chúc anh may mắn.”
Thanh ôm mặt khóc lên rưng rức. Rồi anh lại nhớ đến số tiền 6 ngàn tối hôm qua, mặt mày tái mét lại. Vấn đề bây giờ là không biết bà phu nhân ông tướng ở đâu để đòi tiền.
Thanh liền nghĩ tới cái phao cuối cùng của mình là Nam. Anh gọi cho Nam, vừa khóc vừa kể lại chuyện xảy ra.
Nửa tiếng đồng hồ sau, Nam gọi lại, cho biết là hai vợ chồng ông tướng đã bay đi sáng nay rồi. Không ai biết đi đâu và khi nào thì trở về...
Nam thấy bạn như vậy thì động lòng, cảm thấy mình phần nào có trách nhiệm trong việc này, liền lấy hết số tiền dành dụm bấy lâu trong trương mục tiết kiệm, khoảng gần 2 ngàn, đưa cho Thanh. Vợ Nam phản đối dữ dội nhưng anh chẳng nghe.
Thế là gia đình Nam lại có chuyện lục đục. Mới đầu thì nhỏ nhưng cứ lớn lên dần. Vài tuần sau đó, vợ Nam cũng bắt chước vợ Thanh, lái xe chở ba con lên DC, ở với bố mẹ.
Giòng đời tiếp tục trôi và vài tháng sau đó, tại thành phố New Orleans, vào những ngày cuối tuần, có hai ông phi công thường hay rủ nhau đi... câu cá ở bờ sông Mississipi. Họ ngồi lặng bên nhau hàng giờ, nhìn mông lung xuống nước, lên trời, nhiều khi cá cắn câu cũng không buồn kéo lên.
Hình như, họ đi câu với nhau là để giải buồn, để an ủi nhau và kể lại chuyện đời xưa chứ không phải để câu cá...