Theo Người Việt-10-25- 2015 2:09:01 PM Tạp ghi Huy Phương
Sau khi ông
bác họ tôi chết được ít lâu, gia đình muốn lợp lại mái nhà. Khi người ta
gỡ mái tranh cũ mang đi, họ tìm thấy ba lượng vàng được gói cẩn thận
trong một miếng vải đỏ, nhét trong mái tranh. Người con trưởng, bỗng nhớ
những giờ phút sắp ra đi của ông cụ thân sinh, lúc không còn cử động và
nói năng được, nhưng đôi mắt ông cứ đăm đăm nhìn lên mái nhà, nơi mà
ông giấu mấy lượng vàng.
Tôi cũng nhớ lại, sau năm 1975,
hồi đi tù Cộng Sản, ngày được lệnh đổi tiền, nhiều anh sĩ quan đang bị
tập trung, đã xin phép quản giáo cho về nhà, vì những người này lỡ giấu
tiền trong bộ salon ở phòng khách hay ở một góc hẻm nào trong nhà, mà
không cho vợ biết, và cứ nghĩ rằng mình đi tù một hai tuần rồi sẽ được
về nhà.
Đến tuổi này rồi, bạn có giấu của
cải, tiền bạc ở chỗ nào, con rơi con rớt ở đâu, xin “thành thật khai
báo” kẻo không còn kịp nữa.
Quả tình là không ai biết mình sẽ
giã từ cuộc đời này vào lúc nào, kể cả những bệnh nhân ung thư đến thời
kỳ cuối, đã được bác sĩ thông báo ngày chết. Mới vài ngày trước đây
thôi, người bạn trẻ của tôi đang khỏe mạnh, nói nói cười cười, thế mà
hôm nay, qua một cuộc phẫu thuật tim, thông thường sau vài ba tiếng đồng
hồ sẽ tỉnh lại, anh đã không bao giờ mở mắt ra để nhìn cuộc đời này
nữa. Cũng trong lúc này tôi có những người bạn nằm trong “nursing home”
đã trên 10 năm dài, có người phải dùng thức ăn lỏng bơm thẳng vào dạ
dày, có người đôi mắt đã hư, chỉ còn nhận ra người quen qua tiếng nói.
Nghĩ cho cùng, cái chết là tất
yếu, nhưng ai biết được bao giờ mình sẽ chết? Và cũng vì không ai biết
trước được ngày mình chết, nên mỗi người đều đi tìm cho mình một cách
sống.
Ví như loài người trên trái đất
này đến tuổi 60 tất cả đều phải chết, thì không còn ai phải sửa soạn hay
dành dụm cho mình để lo cho những ngày chưa chết. Chính vì cái điều mà
người ta thường gọi là số mệnh, cuộc sống lâu mau của mỗi người đã làm
nên, mỗi người một hoàn cảnh, không ai giống ai. Khoa tử vi cũng không
giải thích được cuộc đời của hai người song sinh, cùng cha mẹ, chào đời
trong một giờ, một ngày, một năm, một tháng giống nhau.
Có ai bỏ lại được mọi sự lo lắng lại cho cuộc đời này để thanh thản ra đi.
Phải chăng vì sự lo, sợ cung tần
mỹ nữ sẽ không trung thành với mình hay ích kỷ muốn mang theo những vật
sở hữu của mình, mà vua Khang Hy (1654-1722) đã “chôn theo” mình toàn bộ
48 phi tần của ông.
Có người chết đi, “yêu mình” đến
nỗi lo sợ sự nghiệp của mình không ai nhớ đến, nên lo đúc tượng mình khi
còn sống. Nhà thơ Hàn Mặc Tử lãng mạn than khóc vì cuộc đời vốn đã bất
hạnh của mình, sợ rồi khi mình nằm xuống, “không có nàng tiên mô đến
khóc, đến hôn anh và rửa vết thương tâm!”
Nguyễn Du cũng ngậm ngùi “bất tri tam bách dư niên hậu, thiện hạ hà nhân khấp Tố Như?”
Làm chính trị cũng lo lắng chuyện dở dang, bất thành: -“Tôi chết thì trả thù cho tôi!”
Nhà văn Võ Phiến trước khi qua
đời cũng băn khoăn: - “Anh nghĩ ở trong nước bây giờ người ta có đọc tôi
không, hả anh?” (Nguyễn Hưng Quốc, 1 Tháng Mười, 2015)
Thì ra, trước khi qua đời, ai cũng có cái lo, mỗi người lo một cách.
Chết rồi, có người chẳng muốn
thiêu vì sợ nóng, nhưng cũng có người không muốn chôn, vì nằm đó, mà
chẳng có đứa con nào viếng thăm, “thì buồn chết được!” Chết thì hẳn đã
chết rồi, mà người chết rồi làm sao biết buồn nữa! Có người đã lớn tuổi,
đau ốm quanh năm, muốn về Việt Nam thăm bà con một chuyến, nhưng bắt
các con hứa, nếu lỡ có mệnh hệ nào, thì các con nhớ mang cha trở lại Mỹ.
Có người ở tù Cộng Sản năm bảy năm, sang được Mỹ, bây giờ chết lại đòi
mang quan tài về Việt Nam. Như vậy, chết vẫn chưa là hết, chết cũng còn
nằm trong kế hoạch, chương trình, sau khi nắp quan tài được đậy lại.
Có những cái chết mang lại thương
tiếc cho tất cả mọi người, có những tấm lòng và công việc của những
người chết mà không ai có, không ai thay thế được, nhưng trái lại, có
những người sống lâu, bị người đời nguyền rủa. Trong những cái “chẳng
khoái ư!” của ông Lâm Ngữ Đường, tác giả kể chuyện ông Kim Thánh Thán,
sáng sớm thức giấc, nghe đêm qua con người giảo quyệt, mưu mô nhất trong
làng vừa chết, ông bèn “chẳng khoái ư?” Thoạt đầu, tôi trộm nghĩ, đã là
con người với nhau, thằng xảo quyệt ấy chết, mình không buồn thì cũng
dửng dưng, có đâu lòng dạ lại cảm thấy sung sướng được, như thế chẳng
hóa ra bất nhân! Nhưng nghĩ lại, nếu mình không là nạn nhân, không là
người chịu đựng những nỗi khổ đau trầm luân của người trong cuộc, thì
không thể thông cảm với cái “vui” khi thấy người khác chết! Một con
người hay một chế độ cũng vậy!
Sống bao lâu là đủ, chết lúc nào là vừa?
Phải chăng câu trả lời còn tùy theo sự sống của mỗi người.
Lợi ích của cây đa, cây đề là còn
cho con người bóng mát, chứ không phải là nơi người ta gửi những cái
ông bình vôi sứt mẻ để tạo ra một hình ảnh tôn kính quá đáng. Chúng ta
chọn hình ảnh người tướng lãnh chết giữa trận tiền hay sống tàn tạ, chết
già nua trong sự quên lãng của mọi người. Đối với một người lính, chúng
ta chọn giữa cái chết hay sự sống dần dần phai nhạt?
Chưa có ai từ cõi chết trở lại
cõi sống để mô tả cho con người biết cái chết, cũng không có bằng chứng
khoa học về ý thức sự sống sau cái chết của một sinh vật, nhưng hầu hết
tôn giáo đều cho rằng nếu chúng ta hình dung cái chết như là một sự biến
mất, một sự chấm dứt, không còn lưu lại gì cả thì nhất định đó là một
sự sai lầm.
Nhưng có một điều chúng ta ai cũng phải nghĩ đến là có sinh thì có diệt, có sống tất phải có cái chết!
“Chẳng ai sống đời đời, kiếp
kiếp, chẳng cái gì vĩnh viễn không phai. Này, anh em nhớ kỹ điều đó và
vui lên mà sống...” “Thi nhân, riêng mình, nào phải viết bài thơ trường
cửu. Hoa nở rồi tàn. Và, ai đó đã cài hoa lên áo, cũng chẳng cần khóc
thương mãi mãi làm gì. Đấy, anh em, nhớ kỹ điều đó, và vui lên mà sống.”
(Rabindranath Tagore - Đỗ Khánh Hoan dịch)
Alan Phan là một doanh nhân nổi
tiếng, từng tổ chức và hoàn tất chuyển giao 18,000 xe lăn tại Việt Nam
và Indonesia, vừa qua đời, tạm khép lại giấc mơ ông đang ấp ủ cho quê
nhà: “20 triệu máy tính cho trẻ em Việt Nam.” Tuy vậy, chỉ ba tháng
trước khi ra đi, cảm nhận được những bất trắc của cuộc đời, Alan Phan đã
bình thản nhận mình “rất bình an với những gì mình đã có, đã mất, đã
thua, đã thắng, nghĩa là cái chuyện nó đã xảy ra rồi, thế thôi.”
Trên mọi sự, ông đã không những “forget” mà còn “forgive!”
(Nhân ngày tiễn đưa Tiễn Sĩ Alan Phan, 25 Tháng Mười , 2015)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét