Thứ Hai, 14 tháng 4, 2014

Chữa tưa lưỡi, viêm miệng do nấm - BS Nguyễn Đức Kiệt

PictureTưa lưỡi

Đông dược Phú Hà - Tưa hay Tưa lưỡi là một bệnh phổ biến, thường gặp ở trẻ em còn bú hoặc ăn bột, nhưng cũng còn gặp cả ở người già yếu, ốm đau lâu, vệ sinh răng miệng khó khăn. 

Tưa không phải là một bệnh nặng, không nguy hiểm ngay đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến chuyện ăn uống của người bệnh nên gây không ít phiền toái cho người bệnh. 

Trong dân gian có nhiều cách chữa, nhưng thường hiệu quả không cao. 

Dưới đây Nhà thuốc xin giới thiệu một cách chữa Tưa lưỡi bằng Tây y rất đơn giản, rẻ tiền, dễ kiếm nhưng lại vô cùng hiệu quả.

Đại cương

Tưa, hay còn gọi là Viêm miệng có bựa là một bệnh do nấm phát sinh trên một số niêm mạc, chủ yếu là trên bề mặt lưỡi và niêm mạc miệng, do loại nấm Candida Albicans hay Oidium Albicans hay Monilia Albicans gây nên.

Bệnh thường gặp ở các trẻ em, nhất là trẻ đang trong giai đoạn ăn sữa hoặc ở các cụ già ốm yếu, cơ thể suy nhược, cũng có khi bị sau khi dùng thuốc kháng sinh. Đó là vì khi uống kháng sinh đã diệt hết vi khuẩn đối kháng với nấm hoặc sau khi trẻ bú xong hay ăn xong không được vệ sinh miệng tốt, cặn sữa ứ đọng lâu ngày sẽ lên men, tạo thành môi trường axit thuận lợi cho nấm Candida Albicans phát triển.

Bệnh cũng hay gặp ở trẻ yếu, nhất là trẻ sơ sinh thiếu tháng, cũng có khi do người mẹ bị nấm âm đạo nên đã lây sang cho trẻ ngay khi mới chào đời. 

Bệnh cũng có thể lây qua đầu vú cao su hoặc dụng cụ pha sữa. 

Triệu chứng

Nếu để ý sẽ thấy, triệu chứng đầu tiên là một mảng ban màu hồng hoặc đỏ, bóng, đau, sau đó dần dần xuất hiện trên đó các mảng tưa màu trắng hoặc hơi vàng, lan dần ra khắp trên bề mặt và xung quanh lưỡi, ở mặt trong hai má.

Các mảng tưa là những đảo hợp nhất lại với nhau, có bề mặt không đều. Người bệnh cảm thấy đau, rát, rất khó chịu, nhai và nuốt đều đau. Nước bọt trở thành axit.

Tưa có thể lan rộng ra khắp vòm miệng, lan vào họng, xuống dạ dày, thậm chí có trường hợp vào cả phế quản, phổi. Khi những mảng tưa bị bóc ra sẽ để lộ niêm mạc bị trợt đỏ, rất đau rát làm cho việc ăn uống vô cùng khó khăn.

Đây là một căn bệnh khá phổ biến đối với trẻ em, nhất là các trẻ nhỏ và cả một số người già, người bệnh mạn tính nằm lâu hoặc bệnh nhân phải ăn bằng “sông” mà vệ sinh răng miệng khó khăn.

Điều trị

Natri BicarbonatThuốc Natri Bicarbonat (tham khảo)
Trong dân gian, có rất nhiều cách điều trị khác nhau, nhưng tác dụng và hiệu quả thường không cao, có khi còn gây tổn thương thêm như dùng “Mật ong đánh tưa” chẳng hạn.

Các thuốc diệt nấm uống phải đủ liều, tốn tiền, lại phiền phức và phải có đơn của bác sĩ.

Có một loại thuốc điều trị rất có hiệu quả, lại rẻ tiền, vừa dễ kiếm, mà cách chữa cũng rất đơn giản, đó là thuốc Natri Bicarbonat (tên khác: Sodium Hydrocarbonat) mà trong dân gian thường gọi là “Thuốc muối dạ dày”. Thuốc này có bán ở tất cả các hiệu thuốc trong toàn quốc.

Cách dùng như sau
  • Lấy 50g thuốc Natri Bicarbonat cho vào một cốc nước sôi để nguội, khuấy đều cho thuốc tan hết cho đến khi thuốc không tan thêm được thì thôi (gọi là đã bão hòa), chắt lấy nước thuốc, cho vào lọ, để dùng dần. Khi dùng, lấy tăm bông chấm thuốc, bôi nhẹ lên chỗ bị tưa, bôi rộng ra cả ngoài rìa, vì thuốc không độc, dù có uống cũng không sao. Ngày bôi thuốc nhiều lần. 
  • Nếu là người lớn mà bị tưa khắp trong miệng thì có thể súc miệng bằng nước thuốc Natri Bicarbonat. Thường thì tác dụng rất tốt, tưa mỏng dần đi sau đó mất đi khá nhanh, chỉ một vài hôm là khỏi hẳn. 

Phòng bệnh

Để phòng bệnh, cần vệ sinh răng miệng chu đáo, nhất là sau khi ăn.

Các dụng cụ pha sữa, núm vú cáo su... cần phải luộc hoặc nhúng vào nước sôi rồi phơi hay sấy khô sau mối lần cho ăn.

Thỉnh thoảng có thể cho trẻ nhấp vài thìa con nước thuốc Natri Bicarbonat bão hòa để tránh phát sinh môi trường axit trong miệng.

Với người lớn bị tưa, sau khỉ khỏi cũng nên thường xuyên cho súc miệng bằng nước thuốc Natri Bicarbonat để tránh tái phát./.
Picture
Hình ảnh: Thuốc Natri Bicarbonat (tham khảo)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét