Đào Tuấn - Đại Việt tàn thư (phần 1)
Ngày Ất Dậu, tháng Ất Dậu, lũ lớn ở miền Trung. Dân tình mấy chục người chết đuối. Có đập chặn sông là Hố Hô bị gỗ lao, nước đánh đến suýt vỡ. Ở biển Hoàng Sa, ngư dân bị tàu lạ, của nước lạ bắt giữ tống tiền. Triều đình cử sứ giả cầm loa kịch liệt phản đối, một mặt vận động chúng không nộp tiền ngõ hầu tránh mắc mưu kẻ lạ. Dân chúng nhân đó mới thưa lại là vẫn còn cả trăm ngư dân vẫn đang bị bắt. Ở núi Sóc, kéo màn tượng đài Thánh Gióng, nghe nói cả người cả ngựa đều có trái tim ở trong ngực, khóa bằng mấy lần cửa sắt đề phòng ngón “bích hổ du tường” của phường đạo trích. Có kẻ sĩ bàn rằng lo thay việc cả trái tim đức ngài lẫn trái tim loài khuyển mã đúc cùng một khuôn. Há chẳng phải phạm thượng lắm ru. Nhân chuyện ngựa sắt, Tể tướng nước Việt bèn có cho phép mệnh quan của triều đình được thêm tiền mua ngựa. Mỗi ngựa bằng cả ngàn trâu.Ngày Đinh Hợi, Thái Thú Hà Tĩnh là Nguyễn Thanh Bình cưỡi ngựa che lọng mặc phẩm phục màu trắng đi… cứu dân. Cựu thần Lê Trung và học sĩ Nguyễn Quang A cùng dâng sớ xin trảm Bô xít ở Tây Nguyên. Sớ viết: Trước thì ở Buffalo creek xứ Cờ Hoa xảy họa bùn xám. Vừa nghe đập hồ chứa bùn đỏ Ajka, xứ Hoa Hồng bị vỡ. Cả muôn vạn khối bùn đỏ tràn ngập 3 châu, 40 ngàn thước. Bùn đỏ lấp sông các con sông Rába, Danube. Thảm họa âu cũng là từ việc đào Bô Xít mà ra. “Việc trảm thủ tên Bô xít bằng…cẩu đầu trảm sẽ là việc khó chưa từng có trong sử kinh tế Đại Việt. Triều đình hãy dùng cảm và trách nhiệm đối với vận mệnh của sơn hà xã tắc và 87 triệu con dân. Thà chịu tổn thất còn hơn để lại hậu họa khôn lường cho mai sau”. Tấu xong để đó vì chuyện trăm sự bận của triều đình.
Ngày Mậu Tí, Mõ sĩ là Hữu Khá chụp được hình đôi bàn tay thò lên từ mái ngói kêu cứu. Có kẻ học trò là Trần Ngọc Trung quyết rằng: miền Trung chẳng còn gì ngoài nước. Dân chúng thò tay vẫy không phải để xin cho ra Tràng An dự đại lễ mà chỉ để "Cho xin gói mì tôm, sắp chết vì lả rồi". Ở Thăng Long, Thái thú Thăng Long Nguyễn Thế Thảo dán cáo thị cấm dân không được nói bậy, chửi thề, cấm không cho cởi trần… cho đến hết Đại lễ.
Ở trang An Biên, còn gọi là Hải tần phòng thủ, có vị giáo sư đứng trên một cái bục cao khoe giọng chửi hơn một khắc. Đám học trò lấy làm thú vị lắm bèn ghi âm đưa lên mạng. Quan đốc học nghe tin liền phán: Giáo sư bị bẫy. Thế là Đại từ điển tiếng Việt có thêm một từ mới: “Bẫy thầy”. Ở phủ Lai Châu, hình quan Phong Thổ phát hiện tới 20 giáo sư dùng bằng giả.
Dịch sốt chảy máu lây ra 64 châu phủ, 8 vạn nạn nhân nhiễm bệnh, chết mất 59 người đủ cả già trẻ lớn bé.
Bộ Thương dâng biểu kêu tháng Ất Dậu này vẫn sẽ thiếu điện, vì thiếu nước. 750 ngàn tấn xăng dầu và 2 triệu khối khí lên mùi ở Dung Quất. Tổng quản đào dầu là Trần Đình Thực bấy giờ nói rằng đấy là do dân dùng ít đi một phần mười, lại chối không có chuyện hoa hồng hoa huệ gì cả.
Sử gia Lê Chưa Hưu bàn: Dung Quất ít năm trước đã được dồn tới 3 tỷ quan tiền Obama. Tốn kém thế mà cứ hư lên hỏng xuống, có lúc tới 2.800 sự cố. Dân chúng mồ hôi nước mắt làm được đồng nào đem mua xăng dầu nước ngoài đồng đó, thế mà cả triệu tấn để thối trong kho há phải là phí phạm tiền của, sức dân lắm ru. Có học sĩ là Trà Sơn nói rằng chuyện thối xăng âu cũng là từ chuyện độc quyền mà ra. Triều đình giao cho nha Đào dầu chỉ việc móc dưới biển lên mà bán nhưng Trần Đình Thực bấy giờ chỉ cho con cháu chút chít họ PVN của mình được mua để bán lại hưởng hoa hồng. Chữ tâm của bọn nha lại hiếm đến thế ru!
Giờ ngọ hắc đạo, ngày Sửu, nhằm ngày thứ 6 của Đại Lễ. Thần Kim Quy nổi ở hồ Lục Thủy. Dân chúng Tràng An đổ xô nhau đến xem. Có kẻ học sĩ họ Hà nói phao lên rằng: Điềm lành, điềm lành.
Một khắc sau đó ở Mỹ Đình thôn xảy vụ nổ lớn thần người cùng kinh động.
Các Mõ mạng 2 khắc sau đưa tin nổ kho pháo hoa bắn nhân ngày đại lễ, 3 khắc sau gỡ xuống, 2 giờ một khắc sau lại đưa lên. Các mõ sĩ hăng hái xuống Mỹ Đình thôn đều bị cấm quân ngăn cả lại, thu giữ cả mõ lẫn loa. Tối đó, Hình quan Thăng Long bấy giờ họ Nguyễn Đức tên gọi là Nhanh cho dán cáo thị rằng: Đó là tai nạn đáng tiếc. Tối đó 30 ngàn dân chúng vẫn tổ chức múa may ăn mừng chỉ cách đó mấy sải tay.
Lời bình của sử gia Lê Chưa Hưu: Năm Giáp Ngọ, Chinh Tây Đại tướng Quân Nguyên Giáp Võ Hầu đã đánh trận A1 bằng hỏa pháo ngàn cân. Kẻ đóng vai Kinh Kha Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục hoàn giật nụ xòe là Nguyễn Văn Bạch 50 năm sau còn nhắc lại rằng: Đồi A1 bị xé toạc, hầu hết tinh binh Phú Lãng Sa tử trận, vài kẻ sống sót còn lại thoi thóp vì bị sức ép. Quân Phú Lãng Sa ở những ngọn đồi kế bên sợ đến tim đập chân run, té cứt té đái mà rằng: Việt Minh quân có bom nguyên tử mới phá được đồi A1 nên sợ hãi kéo ra hàng cả... Huống chi ở Mỹ Đình, những hai ngàn cân thuốc nổ có khác gì quả bom nấm ở xứ Phù Tang. Cột khói cao gấp 3 các tòa 15 tầng, tiếng nổ kinh động đến cả quỷ thần, chứ nào phải quả pháo tép dân chúng vẫn thường đốt trộm mà bảo đấy là thử pháo hoa, mà nói có thể bịt tai che mắt dân chúng.
Sử gia Ngô Liên Thiên bàn: Thần Kim Quy nổi nhằm ngày 1, tức thì ở miền Trung xảy bão lũ, dân chúng 80 người chết đuối. Ngày 6, Thần Kim Quy vừa nổi thì chỉ một khắc sau đó lại 4 nhân mạng chầu trời. Ô hô, ai tai. Thế thì phải xem lại điềm thần là phúc hay họa. Chuyện tước loa, đoạt mõ của các mõ sĩ lạ là đã không phải hiếm. Bảo rằng bọn cấm quân ăn cơm cục, uống nước đục mới hành xử như thế. Lại hỏi sự đó ở đâu mà ra? Xưa ở nước Thổ có kẻ văn sĩ viết chuyện cắt Amidan qua đường hậu môn để nói Mõ xứ đó miệng bị dán keo 502. Xứ mình Mõ đưa tin nhanh một thì gỡ xuống nhanh mười. Thế thì phải cắt Amidan theo đường nào đây! Những kẻ buôn bán Thăng Long nhân chuyện đó mới tăng giá phéc mơ tuya lên ào ào.
Ngày Dần, nhằm giờ Hoàng đạo, Triều đình họp tại Thăng Long nói sẽ bàn đến chuyện nhân sự. Các vị mệnh quan sau đó lần lượt tiến hành bỏ thùng góp ngân lượng cho thảo dân ở miền Trung, có quay Tivi. Nhân chuyện góp ý cho bản chỉ, có vị nguyên thượng thư Hữu Thọ tấu rằng: Thiếu gián quan có trách nhiệm. 11 lần tuần thú vẫn lọt lưới thằng giặc Vinashin há có thế nói là kỷ cương?! Phải xem người đứng đầu có muốn lắng nghe những ý kiến phản biện trung thực không. Lại bàn: chống tham nhũng không được là do tham nhũng nằm ngay trong cơ chế, đó là cơ chế nuôi dưỡng chứ không phải cơ chế đẩy lùi. Dân tình nghe thế biết vậy chứ đã ai nhìn thấy mặt cơ chế là đứa mồm ngang mũi dọc thế nào. Một vị cựu thần khác là Đào Duy Quát, trước nổi tiếng với vụ “cô đánh máy”, thì phàn nàn: Dân chúng chưa có quyền bãi miễn các đại biểu không làm tròn lời hứa với dân. Lại nói: Cần có quy chế để cán bộ từ chức và buộc phải từ chức như cựu thần Lê Đức Thọ đã nói, làm sao để cán bộ lên được nhưng cũng xuống được”.
Lê Chưa Hưu bàn: Trước có bậc thượng thư là Vũ Đình Lộc ngày còn ngồi mé hữu triều chính, miệng vẫn bị khâu, đến khi lui về ở ẩn, đuổi gà cho vợ bỗng dưng mới lại biết nói. Ngẫm ra, làm quan xứ mình khi đương chức có tiền hô hậu ủng, kẻ thưa người gửi, kẻ cúi người lê thì lại không nói được. Thủ hỏi những gì đã phéc mơ tuya miệng họ lại vậy. Âu cũng là cái khổ của bậc làm quan. Nếu ai có quyền cũng có thể vì dân thay vì chém gió chém bão há phải là dân được nhờ lắm ru.
Có con buôn là Vũ Văn Đồng bỗng mời lại tội quan là Nguyễn Việt Tiến làm mưu sĩ làm đường Hòa Lạc- Hòa Bình trị giá tới 60 ngàn tỷ quan tiền.
Có ngựa lưu tinh về báo ở miền Trung, đã chết mất 80 nạn dân. Bấy giờ, nhân có kẻ học trò là Trương Duy Nhất can rằng: Không có đất nước nào lại đi nhảy múa hò reo, bắn pháo hoa làm lễ hội giữa lúc hàng chục vạn ngôi nhà đang chìm trong lũ, gần trăm người chết và hàng vạn sinh mạng đang cầu cứu.”, Thăng Long quận Vương là Phạm Quang Nghị, người miền Trung liền ra cáo thị rằng: Bỏ chuyện bắn pháo hoa ở Tràng An để chuyển tiền cứu nạn dân miền Trung. Dân bấy giờ đồng tình lắm.
Ở Sài Gòn, quan đốc hóa ra cáo thị xử phạt chuyện hở trên lộ dưới của hai ả đào ca là Hà Anh và Bebe Phạm 11 triệu quan tiền. Hai ả này, kẻ đã vô tình lộ nguyên cặp nhũ hoa, người khoe nguyên cái quần chíp trắng trong đêm Diamond Night. Có kẻ hủ nho sau đó bàn rằng Luật của ngành đốc hóa là cấm cái váy chứ đâu phải cấm người mặc. Lại lo chuyện hai ả sẽ cãi nhau bên nặng bên nhẹ: Cái nhũ hoa hở nguyên hai cục thì bị phạt nhẹ vì từ cái váy “được kiểm duyệt”. Còn cái mảnh chíp bằng cái dép tông thì lại bị nặng vì ở trong cái váy “chưa được kiểm duyệt”. Chao ôi. Không lẽ trước giờ chào dân chúng, bọn ả đào sẽ phải ăn mặc để các quan chức đốc hóa kiểm duyệt?! Đốc hóa thế là thành chuyện duyệt váy ư?
(trích)
http://www.danluan.org/tin-tuc/20101008/dao-tuan-dai-viet-tan-thu-phan-1
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét