Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

Ngư dân vớt xác bạn tàu và những linh hồn mang tên Được

Ngư dân vớt xác bạn tàu và những linh hồn mang tên Được Tí Heo thắp hương cho vong linh tên Được mà anh đã vớt trong bão Chanchu.

Ngư dân vớt xác bạn tàu và những linh hồn mang tên Được

(LĐĐS) - Số 13 - Thứ sáu 12/07/2013 09:47
Tháng 7 chang chang nắng cháy. Mặt biển phẳng lỳ như hồ nước lặng, xanh đến nao lòng. Những bãi biển Đà Nẵng với cát trắng, nước trong mát lạnh là thiên đường cho hàng vạn lượt du khách về nghỉ dưỡng dịp hè.
Nhưng với tôi, mỗi lần ngang qua vùng biển nắng lại rợn người, liên tưởng đến cơn bão trái mùa Chanchu 2006, khiến hơn 350 ngư dân miền Trung bỏ mạng vĩnh viễn ngoài khơi. Còn Tí Heo - người thuyền trưởng dạn dày, phải đối mặt với cơn bão hung tợn, thoát chết, cứu người, vớt xác, mổ bụng… - đã không một lúc nào quên những câu chuyện rùng rợn mà anh từng trải, dù đã qua 7 mùa biển…

Phải mổ bụng bạn tàu vì… thiếu muối


Với những người là con dân ven biển miền Trung như chúng tôi, không ai muốn kể lại câu chuyện đau buồn với quá nhiều mất mát, tang thương sau cơn bão Chanchu 2006. Thế nhưng, cứ đến ngày giỗ chung của các ngư phủ mỗi năm, ngồi lại với những người đi biển, câu chuyện đối mặt với cái chết và hãi hùng chuyện vớt xác người lại “bị” kể lại.

Chanchu 2006 là một cơn bão lịch sử với sức gió tàn khốc. Nhưng kinh hoàng nhất vẫn là sự trắc trở, đổi hướng đi liên tục mà ngay cả các cơ quan dự báo thời tiết khí tượng trên thế giới cũng bị thụ động, báo sai đường. Hậu quả là hàng trăm tàu cá của ngư dân miền Trung đã bị đánh chìm. Hơn 350 ngư phủ đã bỏ mạng vĩnh viễn ngoài khơi, trong đó phần lớn không tìm được thi thể.

Tàu Tí Heo ra khơi. Ảnh: Mỹ Khê

Thuyền trưởng tàu đánh bắt xa bờ ĐNa90307 Nguyễn Phú Hùng, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, Đà Nẵng có cái “tên thân thiện” mà bạn tàu thường gọi là Tí Heo đã có mặt trong trận bão lịch sử đó. Tí theo cha đi biển từ năm 13 tuổi, cả đời không được đến trường, nhưng lại thuộc biển như lòng bàn tay. Tí Heo rắn chắc, vạm vỡ, đầy bản lĩnh. Nhưng bề ngoài đó chưa khẳng định là ngư dân, thuyền trưởng giỏi bằng việc anh đã đưa con tàu của mình vượt qua hầu hết các cơn bão dữ, kể cả Chanchu, Xangsane. Không chỉ đảm bảo bình yên cho 30 ngư phủ - bạn tàu mà anh còn luôn đem lại nguồn thu nhập ổn định, trở thành ngư dân sản xuất giỏi nhiều năm, từng nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Thế nhưng, đáng nhớ nhất trong cuộc đời ngư phủ của Tí vẫn là chuyện cứu người trong bão Chanchu.

Tí kể: Sau 3 ngày căng thẳng chống chọi với cơn bão Chanchu, con tàu chúng tôi tan nát, xác xơ. Mọi tài sản từ ngư cụ, hải sản đến quần áo, lương thực đều phải vứt hết xuống biển để cho mọi người được sống sót. Bão tan, người may mắn thoát chết đều như kẻ mất hồn. Xác người bồng bềnh trôi dạt trên mặt biển. Thế là không kịp suy nghĩ, chúng tôi lao ra đi vớt người với hy vọng họ còn sống sót; nhưng gần như không ai có thể sống nổi khi rơi xuống biển lạnh ngay trong bão.

Tàu tôi quần quật hơn 1 ngày đêm, vớt được 5 thi thể. Tất cả đã trương phình, bắt đầu biến dạng. Vì hết lương thực, nước ngọt, nhiên liệu và phần vì mọi người đã kiệt sức, nên chúng tôi đành phải vào bờ, dẫu biết vẫn còn nhiều xác người nổi trôi đâu đó trên mặt biển.

Một đêm nữa hãi hùng trôi qua chậm chạp khi cả con tàu không còn một ánh đèn thắp sáng. Tâm tư ai cũng nặng trĩu, không chỉ vì phía sau con tàu là 5 thi thể bạn đi biển, mà rất nhiều người thân, anh em của chúng tôi vẫn bặt tăm, không biết sống chết thế nào.

Sau bão là nắng. Biển lặng đến lạ lùng và nắng đến khô khốc, 5 thi thể phía sau bắt đầu phân hủy, bốc mùi không thể chịu nổi. Tôi nghĩ, nếu không có giải pháp để giữ khuôn mặt cho những người xấu số này, khi về đến đất liền gia đình họ không nhận dạng được thì việc vớt xác họ trở thành vô nghĩa. Hơn nữa, mùi thối đến nôn ọe này sẽ khiến những người kiệt sức trên tàu có thể… chết theo. Thế nhưng, muối trên tàu không còn nhiều, làm sao ướp cho đủ?

Tôi hội ý với nhóm anh em rồi quyết định chỉ cố gắng giữ lại khuôn mặt của các thi thể này. Ngày đó, tôi vẫn chưa biết uống rượu, nhưng để có thêm sự tự tin, tôi đã “tu” hơn cả xị, dùng rượu rửa mặt, rồi một mình cầm dao ra phía sau thân tàu. Tôi lầm bầm khấn vái những người “anh em” này như nói với người sống, để họ cho phép tôi dùng muối, chỉ đủ ướp giữ khuôn mặt của họ. Rồi tôi đã lần lượt dùng dao rạch bụng từng người, moi sạch nội tạng của họ bỏ xuống biển, để họ được cùng về đất liền nhẹ nhàng với chúng tôi”.

Sự quyết đoán của Tí Heo đã từng cứu cả đội tàu thoát hiểm bão biển, nhưng hành động này đã ám ảnh anh suốt chừng nấy thời gian. Lần đó, có 4 thi thể được người thân nhận dạng, đem về chôn cất, chỉ có 1 thi thể không được người thân nhận dạng, đã trở thành… người nhà của Tí Heo.

Nghĩa trang tên Được


Tôi theo Tí Heo và những ngư phủ Thanh Khê lên nghĩa trang Hòa Sơn để thắp hương cho những người xấu số trong cơn bão Chanchu. Tuy khuất lấp giữa trùng trùng mồ mả, nhưng 2 nấm mồ khuyết danh của nạn nhân bão Chanchu không lạnh lẽo vì luôn được bạn đi biển hương khói.

Tí Heo và Phạm Thuận - chủ tàu ĐNa 90261 là những tàu đã vớt được 2 thi thể ngư dân này, nhưng do không có người nhận dạng nên họ đã đem về chôn cất cùng nghĩa trang gia tộc của mình. Ông Thuận nói: “Tục người làm biển từ Bắc chí Nam đều vậy, vớt được thi thể mà không ai nhận thì coi như là người thân của mình. Việc mai táng, thờ tự giống như người nhà.

Không chỉ đến Chanchu chúng tôi mới gặp trường hợp này; trước đó, cha tôi cũng vớt, chôn và thờ cúng bác Được. Cả làng biển Thanh Khê thì nhiều vô kể. Có cả một nghĩa trang  đều có tên Được và tên Lượm. Họ và chữ lót tuỳ thuộc vào từng chủ tàu (người vớt thi thể), còn tất cả tên ngư dân xấu số đều là Được, hoặc Lượm. Mấy năm gần đây, do đô thị hoá, giải toả khắp nơi, cái nghĩa trang có tên Được đó đã tứ tán theo nghĩa trang gia tộc của từng ngư dân”.

Tí Heo (trái) thăm lại bạn bị điên sau cơn bão Chanchu.

Trong khói hương hun toả cay sè, Tí Heo lý nhí khấn: "Mình lại chuẩn bị đi biển, xa khơi bây giờ lành ít dữ nhiều, mong bạn phù hộ cho anh em. Ngày mình vớt bạn, thân thể đã trương phình, không mảnh áo quần, mình đã lấy áo đắp cho bạn. Bạn giữ lấy mà dùng. Đừng trả lại khi mình ra lại ngoài đó...".

Đi một vòng thắp hương cho "hàng xóm" - cũng là nạn nhân Chanchu nhưng "may mắn" hơn là đã được người thân nhận dạng, khắc bia - khi trở lại, Tí Heo khấn tiếp: "Đã nhiều chuyến biển rồi, đến nay vẫn chưa có ai nhận bạn, nên sau mùa biển này trở về gia đình xin rước hương hồn bạn về thờ cùng tổ tiên họ Nguyễn Phú nhà mình…".

Ráng chiều tắt lịm. Ngoài kia một cơn bão biển khác lại xuất hiện. Tiếng đồng tiền âm dương nảy lên trên đất nghe rõ một trong buổi chiều u tịch. Tí Heo nói như reo vui: "Rứa là đồng ý rồi hỉ. Tên bạn là Nguyễn Phú Được - anh trai của Nguyễn Phú Hùng...". Như có một luồng gió lạnh xuyên suốt cột sống, tôi chợt rùng mình. Một cảm giác buồn thương, xúc động khó tả.

Qua câu chuyện giữa 2 cõi âm-dương của họ, tôi biết được những nghĩa cử cao đẹp đó của người đi biển không chỉ là tập tục truyền kiếp, mà với họ còn là tình cảm thật sự. Thương xót người xấu số âu cũng là thương chính mình, bởi nghề biển quá mong manh. Nghề xa khơi câu mực càng đối mặt với nhiều hiểm nguy. Điều đáng trân trọng là tình người, đạo lý sống không cao xa như trong những lời rao giảng, thuyết giáo. Nó ở ngay trong cuộc sống rất đỗi dung dị của những ngư dân nghèo chất phác này

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét