Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2013

Đàm Vĩnh Hưng có lập dị và thực dụng?

Minh Diện
Theo blog Bùi Văn Bồng  
Mấy bữa nay dân mạng xôn xao chuyện ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng chiều 6-10-2013, sảy ra cãi cọ với các chiến sỹ cảnh vệ , gây phản cảm giữa chốn tôn nghiêm. Nguyên nhân  là do Đàm Vĩnh Hưng không xếp hàng mà đi thẳng vào nơi đặt di ảnh Đại tướng, cảnh vệ yêu cầu Đàm Vĩnh Hưng xếp hàng , ca sỹ này không nghe, bị  người chung quanh phản đối.

 
Dư luận cho rằng  Đàm Vĩnh Hưng ỷ mình là “ngôi sao” muốn chơi trội, thiếu tôn trọng người khác, nhất là đối với các  cựu chiến binh từ xa tới đã sắp hàng mấy tiếng đồng hồ.  Đàm Vĩnh Hưng bảo  mình đã gọi điện báo trước cho người nhà Đại tướng  ra  đón vảo viếng , và  rằng : “ Nếu tôi  sếp hàng   thì  sẽ xảy ra cảnh  mọi người vây quanh tôi  xin chụp ảnh hoặc  xin chữ ký  gây mất trật tự và phảm cảm hơn”. Trả lời báo chí, Đàm Vĩnh Hưng “mắng” những người phê phán mình   thiếu văn hóa?
 
                   Đại tướng Võ Nguyên Giáp là  bậc khai quốc công thần,tài đức song toàn được nhân dân kính trọng, bạn bè nể phục, đặc biệt  từ anh binh nhì đến cấp tướng đều coi ông là “Người người anh cả của lực lượng vũ trang nhân dân!”.   Đại tướng mất đi gây nỗi tiếc thương vô hạn, mỗi  người  đều cảm thấy như  mất   người thân của mình.  Hàng triệu người đã nhỏ lệ và hàng ngàn người trong đó có tôi, không quản đường xa dặm thẳng  đã về Hà Nội viếng  Người để bày tỏ lòng mình. 
 
                  Không ai muốn giành cho mình một đặc ân trong cuộc viếng tang hoàn toàn tự nguyện này. Không ai thích nổi trội giữa không khí đau buồn này. Đó là đạo lý. Mọi người tự đến, tự  đứng vào đội ngũ, trật tự, trang nghiêm, không  chen lấn, không nói to.   Chúng tôi hiểu rằng mình đã  đến đây bằng  lòng thành kính  thì dù phải sắp hàng dài cỡ nào, lâu đến mấy cũng không ngại. Trong hàng người dài như vô tận ấy,  không ít tướng lĩnh  cùng thời với Đại tướng,  nhiều nhà văn, nhà báo , nhà giáo, nghệ sỹ nồi tiếng có quan hệ thân thiết với Đại tướng và người nhà Đại tướng,  nhưng không  ai yêu cầu người  nhà Đại tướng  ra đón   vào viếng như ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng.
 
                    Nhẽ ra Đàm Vĩnh Hưng  ăn mặc giản dị, hòa vào dòng người một cách  khiêm tốn, thì tôi chắc mọi người sẽ yêu quý anh hơn. Nhưng Đàm Vĩnh Hưng đã gọi điện cho người nhà Đại tướng , yêu cầu  ra đón tận cổng, rồi  xuất hiện với bộ quần áo biểu diễn , ôm  bó hoa  to,  có trợ lý đi kèm. Quan trọng quá! Nhiêu khê quá!  Hình thức quá!  Nổi trội quá ! Kiêu căng và nhố nhăng quá trong một khung cảnh hết sức nghiêm trang.
 
                Đàm Vĩnh Hưng  ngộ nhận  mọi người sẽ xô tới xin chụp ảnh và xin chữ ký mình. Thật đáng buồn cho đầu óc tự phụ của một ca sỹ xuất thân từ anh thợ hớt tóc .  Nên nhớ , với kiến thức thanh nhạc thiếu bài bản và với giọng hát nhừa nhựa, khàn khàn  ít nội tâm của mình, Đàm Vĩnh Hưng không phải là “sao” của người  sành âm nhạc. Tôi đã nghe rất nhiều người nói ,là thường bấm chuyển kênh khi thấy Đàm Vĩnh Hưng trên TV.  Bởi thế sẽ không có chuyện  mọi người xô tới xin chữ ký và chụp ảnh với Đàm Vĩnh Hưng trong lúc xếp hàng vào viếng viếng Đại tướng. Nói thế là tự phụ, là ngụy biện.
 
Ôi, Đàm Vĩnh Hưng hôn môi nhà sư rất chi là 'đắm đuối'!
                 Chỉ có thể giải thích cách hành xử cùa Đàm Vĩnh Hưng là  muốn  đánh bóng tên tuổi mình.  Đây đâu phải lần đầu.   Đàm Vĩnh Hưng  đã  tạo ra quá nhiều Scandan rồi, tiêu biểu là  hôn môi nhà sư trên sân khấu, khiến nhà sư này sau đó phải hoàn tục.
 
                Từ  Đàm Vĩnh Hưng tôi nhớ tới một nhân vật khác.
 
                 Cụ H B S, quê Quảng Nam, là bậc lão thành cách mạng, nguyên thứ trưởng bộ ngoại giao, nên đám tang cụ được tổ chức rất trọng thể, có các vị lãnh đạo đảng , nhà nước và đại diện các bộ ngành đến viếng.  Giữa  lúc tang gia bối rối thì  một gã mặt dày trán bóng  xuất hiện. Gã đeo băng tang, đi ra đi vào, sai người này, bảo người kia, tự nhiên như ở nhà mình. Người nhà tưởng gã là cán bộ  cơ quan cụ S, người cơ quan lại tưởng   là người nhà của cụ . Khi các vị lãnh đạo đến viếng tang , gã bước tới tự giới thiệu là con cụ S,  nhận lời chia buồn, tay phó nháy riêng đi kèm  bấm máy lia lịa  những tấm hình gã bắt tay các nhà lãnh đạo.
 
               Sau đám tang có người hỏi cụ bà:
 
               -Thế cụ ông có người con trai à?
 
                Cụ bà cứ ngớ ra không hiểu đầu cua tai nheo gì. Bấy giờ mọi người mới  truy tìm tung tích gã cha vơ chú vếu  mặt vuông trán  hói kia . Thì ra gã  là một kẻ “buôn vua”.
 
                 Gã lợi dụng đám tang cụ HBS để tiếp cận các vị lãnh đạo. Gã nhận là con, ai muốn hiểu con đẻ, con nuôi thì tùy. Chỉ cần một lần tiếp xúc cũng đủ gây ấn tượng cho các vị lãnh đạo. Hình ảnh gã  bắt tay  ông nọ, bà kia  sẽ được cắt xén công phu ép Plasstic , đó là cái vé ra vào nhà các vị khi cần, là lá bài để hắn lòe thiên hạ, để đe nẹt người khác về nhân thân và mối quan hệ của mình.
 
                Được biết, bằng  cách  tiếp  cận kể trên và  nhiều chiêu  tinh vi khác, gã “mặt dày trán bóng” kia đã trở thành “con nuôi” một số  vị lãnh đạo cao cấp. Lợi dụng mối quan hệ đó, gã biến mình thành một kẻ siêu quyền lực,  mua chuyện , bán tin, móc nối người này với người khác, lấy của chỗ này đút lót chỗ kia, tìm đường thăng quan tiến chức cho người nọ, người kia , chạy thuốc cho kẻ pham tội nhiều tiền, dìm chết người nay không có tiền, thế cô , vơ vét của cải làm giàu bất chính. 
 
                 Anh H, một cán bộ ở Bộ TT&TT nói với tôi : 
 
                 - Thằng này cũng nhận là con nuôi cụ Giáp. Hắn có tấm ảnh chụp chung với cụ. Một lần một nhóm tác giả đưa ra bản phác thảo quyển sách viết về cụ Giáp, hắn ngồi cạnh phán: “Viết về cụ Giáp thì phải hỏi tôi!”.
 
                Ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng gây những Scandal để đánh  bóng tên tuổi, thu hút  fan hâm mộ, nâng tiền case và  kéo khán giả vào các sô diễn của mình. 
 
               Gã “mặt dày trán bóng” dùng cái mánh lới “buôn vua” từng quen của nhiều kẻ khác, để  lừa đảo trục lợi.
 
              Cà hai hạng người đó hiện đang tồn tại trong xã hội ta, một xã hội tự phỉnh nịnh mỉnh là tốt đẹp, mọi tầng nấc được  sắp xếp trật tự, lô gic như một công thức toàn học, nhưng thực ra rất lỏng lẻo xô bồ, trong đó có những người tưởng rất thông minh, thận trọng nhưng lại  ưa nịnh,  trở nên quá dễ dãi đến mù quáng!
 
               Tuân Tử nói: "Người chê ta mà chê phải là thầy của ta, người khen ta mà khen phải là bạn của ta, những kẻ vuốt ve nịnh bợ chính là kẻ thù của ta vậy". Lời người xưa thật trí lý nên suy ngẫm!
 
    M D

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét