Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

BỤP ĐI !


MINH DIỆN
BVB Blog 25.2.13

            Lân về hưu  để lại một  câu nói nổi tiếng: “ Bụp đi!”
               Bụp đi có nghĩa là bắt  đi, bắt nóng!
               Bất kỳ vụ án nào, đối  tượng nào được phân công phụ trách,  thì câu đầu tiên Lân nói với lính là “Bụp  đi!” (bắt ngay, bắt nóng!). Quan điểm cùa Lân, bắt nóng là phương pháp đánh án  nhanh, gọn, hiệu quả nhất. Cứ bắt là có tội. Không tội lòi tội! Quy đựợc tội là  có thành tích (!?).
              Không chứng cứ lòi  chứng cứ! Ông dạy lính bài học nhớ đời: “Phàm là  doanh nhân, cha nào cũng có  tội. Người ta nói đằng sau sự giàu sang luôn ẩn dấu tội ác! Muốn moi được của   thì phải bụp. Giỏi là tạo ra được cái cớ  bụp hợp lý”.
               Gần bốn chục năm  trước, Lân trong đoàn quân tiếp quản Sài Gòn, ve áo gắn quân hàm thượng sỹ. Cũng  như bao người lính xuất thân từ miền quê nghèo miền Bắc, vào Sài Gòn,  Lân  choáng ngợp  trước thành phố lộng lẫy, xa hoa, lớ ngớ như chim chích lạc rừng,  chỉ muốn được trở về quê hương sau những năm tháng vào sống ra chết.  
              Nhưng Lân không ra quân  mà được chọn đi học  khóa sĩ quan công an khẩn cấp bổ sung cho thành phố Sài Gòn  mới giải phóng. Hết khóa học ấy, Lân được đi phép 10 ngày. Trong thời gian ngắn  ngủi, Lân  cưới  vợ người cùng làng,  cô gái xinh xắn, kém mình một tuổi, ngày  xưa học sau mình một lớp.  
             Lân để vợ ở nhà chăm sóc  cha mẹ, vào Sài gòn nhận công tác, làm phó công an một phường, nơi có ngành tiểu  thủ công nghiệp và giàu có nhất nhì một quận. Đó là thời kỳ cải tạo công thương  nghiệp miền Nam, nói gọn là đánh tư sàn. Lân lao  vào cơn lốc xoáy  bụi bặm ấy, trái tim người lính  bị nhuộm đen từ  đó.
            Một hôm vô tình, Lân ghé  vào nhà một người trong khu phố, làm nghề kinh doanh vàng bạc, mới bị kiểm kê   mấy hôm trước. Nhìn gương mặt nhợt nhạt thất thần của vợ chồng chủ nhà, Lân  định hỏi bệnh gì? Nhưng mới chỉ nói mấy câu “hình như ông bà” thì người vợ chủ  nhà đã chắp tay vái Lân, thừa nhận khi kiểm kê còn dấu giếm  hơn chục lượng vàng  Kim Thành. Rồi không  đợi Lân nói gì, bà móc cạp quần  lấy  ba lượng vàng ra,   dúi vào tay Lân.
               Đó là lần đầu tiên Lân  nhận tiền hối lộ, cũng từ đó Lân  rút ra  bài học  nghề nghiệp:  tâm lý hốt hoảng  khiến đối tượng chưa khảo đã khai!
               Từ một anh lính lớ ngớ  ngày nào, Lân  hòa nhập vào cuộc sống đô thị rất nhanh. Lân thuộc đường ngang  ngõ tắt thành phố, biết mánh ăn chơi của bọn bụi đời, ma cô, giang hồ, đĩ điếm.  Đặc biệt Lân nắm lý lịch từng người trong phường  từ bà bán sạp hàng tạp hóa nhỏ  đến ông chủ một xưởng dệt, từ cô gái điếm tới ông giáo sư.  
             Lân để mắt tới đâu, ở đó  có đối tượng. Con mắt Lân mỗi ngày một nhọn sắc như kim, soi mói vào tận gan  ruột người dân. Con mắt sắc bao nhiêu, trái tim chai tình người bấy nhiêu! Và   tiền chảy vào túi Lân  từ mọi ngả, dễ  dàng  như nước chảy  chỗ  trũng
            Chỉ một lần đi “thăm” vài  hợp tác xã dệt, nhuộm, hoặc ghé vào mấy quán cà phê đèn mờ, là túi Lân đã nặng  phong bao. Lân không ăn nhậu xả láng như những “anh hai”, mà kín đáo, bên ngoài  vẫn tỏ ra giản dị, khiêm tốn, chí công vô tư. Nhờ khôn ngoan như vậy, lại biết  đút lót đúng  cửa, Lân được đề bạt rất nhanh .
                  Lân  đưa vợ vào,   được cấp căn nhà tám chục mét vuông, một trệt một lầu. Gia đình có hai vợ chồng  một đứa con, vậy là rộng rãi chán. Nhưng lòng tham không có điểm dừng. Cách nhà  Lân có ngôi biệt thự sang trọng. Gia đình ấy con là lính không quân chế độ cũ, bố  mẹ làm nghề kinh doanh tơ sợi,  dù  đã  được  cải tạo nhưng  vẫn luôn nớp không  yên. Lân  nhòm ngó ngôi biệt thự  như cú nhòm nhà bệnh, nghĩ cách chiếm bằng  được.
              Nghĩ sao làm vậy, Lân  tạo ra mọi cớ kiềm tra hết ngày lại đêm, ép cặp vợ chồng già, cô con dâu cùng ba  đứa cháu đến nghẹt thở. Cái tội có con, có chồng là lính Pilot di tản thì tày  đình còn gì?  
             Vào một đêm cuối năm  1979, cả gia đình 6 người trong ngôi biệt thự  ấy liều mình vượt biên. Ba hôm  sau, 6 cái xác già trẻ được vớt lên cùng hơn hai trăm cái xác ở ngã ba  sông   Cát Lái.
             Lấy danh nghĩa bảo quản  nhà vắng chủ, Lân dọn sang ở ngôi biệt thự, rồi chiếm luôn. Thanh tra cơ quan  rồi chính quyền phường, quận làm tới làm lui, nhưng  như viên sỏi ném xuống ao  bèo tấm, đâu lại vào đó. Thay đổi duy nhất là Lân không làm trưởng công an  phường nữa mà lên quận, làm trưởng bộ phận điều tra tội phạm kinh tế. Chả khác  gì chuột chui kho gạo, Lân phất lên như diều gặp gió. Chẳng bao lâu,  Lân lên  thành phố rồi lên bộ.
                 Khuôn mặt Lân mỗi  ngày một bự ra , vuông vức , hồng hào , cặp mắt gườm gườm dữ dằn nham hiểm.  Người ta nói tướng tại tâm, không sai chút nào. Cái ác từ trong tâm  hiện lên từ  khuôn mặt đến giọng nói và cả  dáng đi đứng của Lân. Ông nghênh ngang khệnh  khạng, dửng dưng trước nỗi khổ đau của đồng loại.  Lân mỗi ngày một lấn  sâu vào  cái ác, lấy cái ác tạo nên uy quyền, từ  uy quyền tạo ra của cải. Người Lân càng  đẫy đà,  mặt mũi càng phương phi láng bóng thì tình người  càng tóp teo, nhợt  nhạt. Con người ông  chứa đầy mưu mô thủ đoạn  hại người để  làm  tiền.
                  Một lần họp đồng  hương đầu năm, Luân chìa bàn tay múp míp cho tôi , nhếch mép cười, hỏi trịch  thượng:
                     - Sao không tới  chỗ tôi?
                     - Để làm gì  anh?
                     Lân kéo tôi ra  một góc , nói nhỏ:
                     - Tôi muốn ông  hợp đồng tác chiến , trị những thằng rắn mặt? Tôi cung cấp tài liệu, ông tương   lên báo, tạo sức ép dư luận, hai mũi giáp công  bóp  lòi ruột nó ra!  
                  - Ác  quá?
                  - Ở đời làm gì có  cái thiện? Cái thiện chỉ là một điều mơ ước viển vông, một bến bờ không bao giờ  đi tới!
                  - Nhưng cũng không  nên để cái ác ngự trị tuyệt đối ông ạ!
                  - Ông sĩ bỏ mẹ! Tôi  muốn tạo điều kiện cho đồng hương vừa nổi tiếng vừa có miếng! Ông biết tay nhà  báo HL không ?
                  Tôi chẳng lạ gì HL  và cách làm ăn của anh ta. Tôi làm báo,  nhưng cũng là một nhà doanh nghiệp,   không hợp tác với Lân như  HL được.
                 Gần hai mươi năm  qua  nhanh,  tôi không gặp Lân,   thỉnh thoảng vẫn nghe  bạn bè đồng hương  kể  chuyện  về Lân,  nói  Lân giàu lắm, ba bốn ngôi nhà, tiền bạc như nước, ăn chơi như quý  tộc, có những bộ gậy Golf  hàng chục ngàn đô la ...
                Buổi chiều cuối năm  vừa rồi, tôi đang ngồi một mình bên ly cà phê đen cạnh công viên Bàu Cát thì  tình cờ gặp lại Lân.
              Lân mặc  quần lửng qua  đầu gối,  áo thun, đi dép lê , nhìn bệ rạc như  ông bán vé số. Khuôn mặt  Lân  chảy xệ, miệng hơi méo, mắt thâm quầng,  da nhợt nhạt ,  mái tóc lởm chởm, bước  xiêu vẹo.
               - Ô kìa  anh!
               Lân nhận ra tôi , vồ  vập bắt tay,  bàn tay  Lân khô và lạnh,  không  múp míp  nóng hổi như ngày nào.  
             - Sao thay đổi nhiều thế  này!Tôi hỏi.
               Lận nói  hơi bị   ngọng:
             - Năm ngoái bị tai biến  hút chết  ông anh ạ!
              Chúng tôi ngồi bên nhau  nói chuyện. Lân run run cầm chiếc thìa quấy ly cà phê.  Hai mí mắt chảy xệ , ánh  mắt mệt mỏi vô hồn.  Những náo động của một thời tuổi trẻ, những háo hức đua  chen , những  mưu toan tham vọng ,  cả những  thủ đoạn  nghề nghiệp , trước  kia  ngùn ngụt như  lửa  trên mặt  Lân,  giờ đã  tắt ,để lại sự nham nhở, méo mó   như một chiếc mâm thau  đồng nát.
              Lân cho biết đã ly dị  người vợ cùng quê sau khi có ba thằng con trai,  lấy người vợ thứ hai có một đứa  con gái, nhưng hiên tại sống ly thân.
             Một ông già bán vé số   đi tới, Lân ngừng nói chuyện, lấy mấy tờ vé số ra so, chả trúng tờ nào. Luân  xé  vứt xuống gầm bàn, sau đó cẩn thận lựa mua năm tờ khác. Ô hay,  sao thế này? Ba  bốn căn nhà, tiền như nước mà mới về hưu chưa được 5 năm,  giờ tìm may rủi từng  tờ vé số? Bị tai biến đâm ra lẩn thẩn mất rồi chăng? Tôi tự hỏi  và nhìn Lân, cố  hình dung ra một khuôn mặt của quá khứ.
             Cạn ly cà phê, Lân hỏi  tôi:
             - Nhờ đồng hương giúp  tôi một việc được không?
             - Việc gì? Không phải  chuyện hợp đồng tác chiến chứ?
             - Quên chuyện ấy  đi!
             Tôi theo Lân tới ngôi  nhà ở đường Trương  Định, cách quán cà phê chỉ vài trăm mét. Lân để ngôi biệt  thự chiếm được cho người vợ đầu cùng ba đứa con, chuyển về đây với người vợ thứ  hai.
            Ngôi nhà phố hai tầng,  bình thường, nhìn có vẻ xơ xác.
           Tôi chưa kịp quan sát căn  phòng khách bày biện lộn xộn thì chạm ngay phải ánh mắt dữ tợn của hai gã đàn  ông đứng bên bộ salon. Một người khoảng gần bốn chục tuổi, một người trẻ hơn,  khuôn mặt giống nhau như đúc, cả hai đều gân guốc.
            Người lớn tuổi đầu trọc,  mặc quần Jean đen , áo thun  màu cà phê, cổ đeo sợi dây Inox có chiếc răng hổ  nhọn hoắt. Người nhỏ tuổi tóc nhuộm nửa đỏ nừa vàng, tai đeo khuyên, lỗ mũi đeo  vòng, mặc quần  bò áo sơ mi. Trên ngực hai người đều xăm hình trái tim có mũi  tên xuyên qua như hình xăm của những tên cướp biển.
                Lân nói với  tôi:
               - Hai ông con tôi  đấy!
               Tôi mỉm cười làm quen  với hai người đàn ông Lân giới thiệu là con, nhưng lạnh người vì ánh mắt hằn học  của họ.
               Người lớn tuổi hỏi  tôi, dằn từng tiếng:
                - Ông là ai, tới đây  làm gì?
                Tôi  đáp:
                - Tôi là đồng hương  với ông Lân, tình cờ ghé thăm thôi!
               Ông Lân nói  thêm:
               - Ông ấy là nhà báo  nổi tiếng đấy!
                Người lớn tuổi nhe  răng cười gằn:
               - Hết đưa đồng nghiệp  về dọa, lại đưa nhà báo về dọa!  He he ! Một trăm nhà báo thằng này cũng đéo  sợ!
                  Thì ra ông Lân kéo  tôi về nhà dọa hai đứa con? Gần hết cuộc đời  ông ấy vẫn lợi dụng người khác!  
                Ông Lân nói với  tôi:
                - Anh xem con cái mất  dạy thế đấy!
                Thằng con lớn cướp  lời bố:
                - Nói sai rồi, không  mất dạy mà thực hiện đúng lời dạy của ông đấy.  Đã thế nói cho nhà báo biết luôn  ! Ông ta bỏ vợ già lấy vợ trẻ, rồi lại ly thân, theo  bồ nhí. Không bị tai biến  thì  bây giờ đang hú hí với bồ nhí !
               - Câm miệng đi!  
               Ông Lân thét lên, lào  đảo ngồi xuống chiếc ghế salon. Ông  cầm ly nước lạnh uống ực rồi nói với  tôi:
               - Chúng nó lao vào con  đường ăn chơi, nghiện ngập, cờ bạc phá hết mấy ngôi nhà của tôi, giờ ngày nào  cũng nã tiền có khổ tôi không? Tôi làm gì có tiền ?
                 Hai đứa con trai ông  Lân tiến lại trước mặt ông. Một chân chúng đặt  lên bàn Salon, một chân dưới  đất. Hai khuôn mặt nổi gân, rắn đanh, bốn con mắt gườm gườm dữ dằn soi mói. Đây  chính là gương mặt, ánh mắt của Lân trong dĩ vãng, nó  hiển hiện như  tấm gương  soi vào quá khứ.
                    Thằng con lớn  trợn mắt hỏi  bố:
                   - Có chịu chi 40  mươi chai xài tết không?
                    Ông Lân ú  ớ:
                   - Tao lấy đâu ra  40 triệu?
                   Thằng anh liền ra  lệnh cho thằng em:
                   - Bụp  đi!
                   Tôi giật thót  người. Hai tiếng “Bụp đi”  Lân  thường ra lệnh cho thuộc hạ đánh án, giờ con Lân  dùng để tống tiền ông. Một  kịch bản  đời thường được lặp lại và hình như tàn  nhẫn hơn nhiều.
                   - Phập !  
                   Thằng con thứ hai  từ đầu lặng im, gườm gườm nhìn bố, giờ rút con dao găm nhọn hoắt cắm phập   xuống  mặt bàn Salon .
                  Ánh mắt nó long  lanh, thỏa mãn khi ông Lân bước trệu trạo đến tủ, run rẩy mở  khóa.
                Hai thằng con ôm tiền  bỏ đi.
                 Lân nói với  tôi:
                - Chỉ còn mỗi ngôi  nhà này,  phài bán chia cho mẹ con bà vợ sau! Hết nhẵn rồi ông  ạ!
              Tôi muốn nói với Lân,  một thiên đường xây bằng những thứ không phải của mình, nó tan đi nhanh là phải.  Nhưng tôi im lặng, bởi nhìn ông đã khổ sở lắm rồi!./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét