Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014

Hong Kong Qua Tháng Ngày




Alan Phan

hongkong
5 Oct 2014
Năm 1967, khi làm quen với Hong Kong lần đầu, tôi không may mắn lắm.
Trong Hoa Lục, nhóm Hồng Vệ Binh đang xáo tung xã hội, tìm kiếm và hủy diệt mọi tàn dư của “đế quốc tư bản” (thật hay ảo) theo phong trào “Cách Mạng Văn Hóa” do Mao Trạch Đông đề xướng. Dù vẫn còn do chính quyền Anh quản lý, Hong Kong có đủ bang hội trẻ theo Mao và Cục Tình Báo Hoa Nam để tạo nên những biểu tình bạo động (riots) nhỏ liên tục tại nhiều khu phố. Các thanh niên này, tay cầm cuốn sách đỏ nhỏ xíu của Mao, tay thì xách can xăng…xuất hiện bất ngờ tại nhiều nơi chơi trò cút bắt với cảnh sát Hoàng Gia. Cả thành phố nồng nặc hơi cay, báo động, nhiều ngọn lửa nhỏ, phần lớn tiệm bán hàng và quán ăn cửa đóng then cài.
May cho tôi, anh du khách trẻ, làm quen được một cô gái bán bar từ Phi Luật Tân, đang ế khách vì cách mạng, cho tôi tá túc trong căn hộ tồi tàn nàng thuê ở Wan Chai (lúc đó là khu ăn chơi của những lính Mỹ từ Việt Nam qua R&R – rest & recreation – ở Hong Kong). Có thể nói tôi ngắm nhìn lịch sử đang diễn biến từ một nhà thổ.
&&&&&
Năm 1995, tôi dọn hẳn qua Hong Kong đi tìm cơ hội mới từ Hoa Lục cho sự nghiệp kinh doanh đang lung túng tại châu Mỹ.
Sau gần 30 năm, Hong Kong đã đi những bước dài. Từ một thành phố trung bình cạnh biển, Hong Kong đã sử dụng vị trí chiến lược của mình cạnh các siêu cường, để phát triển thành một trung tâm tài chánh  quốc tế ngang hàng với Tokyo. Dân giàu sinh lễ nghĩa, người Hong Kong lại có truyền thống văn hóa hấp thụ từ Anh, ngoài Nho giáo, nên tôi cho rằng đây là một thành phố rất đáng sống trên thế giới về nhiều phương diện.
Dú phải qua Hoa Lục thường xuyên, dù thán phục sự bành trướng mạnh mẽ của Shanghai, tôi vẫn tìm cách về Hong Kong chơi cuối tuần để hưởng chút không khí…văn minh. Mỗi sáng, lấy chiếc ferry từ Discovery Bay, qua Central, với ly cà phê chuếnh choáng trên boong tàu và tờ South China Morning Post, tôi thấy thanh bình và hạnh phúc cùng cơn gió lành lạnh của eo biển. Hong Kong không nóng bỏng, nhưng là người vợ hiền biết ý chồng và thích chiều chuộng.
Người Hong Kong cũng có nếp sống nhiều tương phản. Ra đường, ai cũng hối hả bước thật nhanh để cạnh tranh kiếm tiền, lúc nhúc trong những chuyến MTR khắp thành phố, lướt smartphones như không quan tâm đến thế giới bên ngoài. Nhưng sống ở Hong Kong một thời gian, mới nhận ra là môi trường sống ở Hong Kong cho người dân rất nhiều khoảng xanh công viên, phong cách lịch sự, tiếng chim hót líu lo khắp nơi và tiếng cười nói trong các căn hộ cho thấy nhiều tình thân gắn bó chứ không nhạt nhẽo như quan hệ Âu Mỹ.
Nhưng người Hong Kong vẫn quay mặt âm thầm khó chịu, mỗi khi du khách hay di dân Hoa Lục đến gần.
Họ vẫn thì thầm…những con khỉ Cộng Sản…
&&&&&
Tuần rồi, tôi ghé ngang Hong Kong có chút công việc. Cạnh văn phòng của quỹ Viasa là những nhóm biểu tình đông nghẹt, đường phố nhiều lúc nồng nặc hơi cay. Chuyện business bị đình trệ nhất là những dịch vụ ngân hàng lớn vì mọi người…muốn chờ. Khác với 1967, mọi thứ vẫn yên tĩnh bình thường. Không có rượt đuổi hay bạo động, không có căng thẳng…từ những quan chức Cộng Sản cứng ngắc đến những sinh viên trẻ hăng say, ai cũng cố giữ vẻ mặt bình thản như đang hội họp đàm phán một phi vụ kinh doanh.
Ngay cả những con khỉ Cộng Sản vẫn nhiễm chút văn minh…của Hong Kong.
Tôi nhớ một buổi tiếp tân cách đây 2 năm được AnCham tổ chức để tiếp đón một quan chức cao cấp nào đó đến từ Trung Ương Đảng ở Bắc Kinh. Bà Anson Chan, một đại biểu quốc hội Hong Kong, được báo chí phong chức là “iron lady”, chất vấn quan này về quyền bầu cử trực tiếp của người dân Hong Kong. Ông này có vẻ yếu thế nhất là về lời hứa hẹn của Hoa Lục trong văn bản bàn giao Hong Kong, nên xuề xòa cho qua chuyện rồi rút lui nhanh chóng.
Sau bữa tiệc, các đồng nghiệp bao quanh chúc mừng “chiến thắng’ của bà Chan. Khi bà hỏi ý tôi, tôi thành thực,” Không ai có thể ‘chiến thắng’ CS. Khi yếu thế, họ lùi; nhưng sau đó, họ sẽ dùng mọi mưu mô thủ đoạn, trong bóng tối nếu cần,  để lấy lại những gì vừa nhượng bộ; cộng thêm ít nhiều nữa”.
Một anh bạn khác phản biện tôi,” dù sao các quan chức CS cũng là người yêu nước Hoa và họ lại là những tinh hoa trí thức”. Tôi cười,” chữ trí thức CS có vẻ là một phản từ (oxymoron). Cha đẻ Mao vẫn coi trí thức là đống phân đấy nhé.”
Về lại Discovery Bay, anh bạn hàng xóm của tôi sau khi say hello, lại hỏi về cuộc biểu tình đang xẩy ra? Tôi không biết có nên lập lại những gì tôi đã nói với bà Chan vài năm trước?./.
Alan Phan
www.gocnhinalan.com/bai-tieng-viet/9221.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét