01/01/2015
Lưu Hiểu Ba ( Nobel Hòa Bình )
Người
Trung Quốc đang đẩy mạnh sự trỗi dậy của một siêu cường. Sự đi lên của
nền kinh tế dẫn tới sự đi lên văn hóa, với túi tiền to mang đi rải khắp
toàn cầu kèm theo việc xuất khẩu sức mạnh mềm. Trong nước thì sau khi
người ta tiếp tục cơn sốt đọc kinh thư, thờ Khổng Tử, thờ Nho Giáo, bây
giờ CCTV qua chương trình “Bách gia giảng đường” khơi ra cơn sốt đọc lại
các tác phẩm của Khổng Tử nhằm phục hồi lại hệ thống đạo đức truyền
thống; ở hải ngoại, Trung Cộng bỏ ra khoản tiền khổng lồ xây dựng hệ
thống các học viện Khổng Tử nhằm quảng bá sức mạnh mềm ra thế giới. Tâm
lí muốn làm bá chủ thiên hạ sau khi bị đè nén hơn trăm năm nay lại được
dịp phát tiết ra ngoài, Khổng thánh nhân ở trong nước lẫn hải ngoại hợp
lại làm một trận tuyến, cơn sốt Khổng Tử càng lúc càng nóng.
Đằng
sau cơn sốt này, tôi không cho rằng đó là sự phục hưng của văn hóa
truyền thống, mà là làm sống lại truyền thống sung bái thánh nhân, là
một phần trong kế hoạch nhằm đẩy mạnh làn sóng dân tộc cực đoan trong
nước. Nguyên nhân là từ sau vụ thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989, nhà
nước một mặt chống lại xu hướng tự do hóa và chống “diễn biến hòa bình”,
một mặt khác thì châm ngòi, chổng mông thổi bùng lên làn sóng dân tộc
cực đoan. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan đã trở thành một trong những rường
cột chính của chính quyền Trung Cộng về mặt ý thức hệ, phối hợp với
“ngày hội của tầng lớp trung lưu” đã đẩy chủ nghĩa dân tộc dâng cao một
cách tràn lan. Ví dụ, trong đoạn kết của “Khổng Tử đại điển tế văn” ở
liên hoan văn hóa quốc tế Khúc Phụ năm 2005 có viết như sau: “Tiểu khang
sơ thành, đại đồng tại mộng. Hân phùng thịnh hội, cường quốc uy phong”
tạm dịch là “Việc xây dựng xã hội trung lưu bước đầu có thành quả, giấc
mộng thế giới đại đồng đang được nuôi dưỡng. Vui mừng hân hoan vì gặp
thời thế, thể hiện được uy phong nước lớn”. Đây chính là bản hợp tấu
điển hình của chủ nghĩa dân tộc cực đoan với bản phúc âm của thời thịnh
vượng.
Trong
năm vừa rồi, việc quảng bá văn hóa truyền thống trên chương trình “Bách
gia giảng đường” của CCTV đã tạo nên “cơn sốt Vu Đan” trên toàn quốc.
Một mặt thì CCTV đã thành công trong việc đem Khổng Tử biến thành một
món hàng thương mại thời thượng có sức hút cao (dùng theo từ ngữ của Lỗ
Tấn là Modern Khổng Tử), cũng giống như việc đem Mao Trạch Đông biến
thành một món hàng thương mại thời thượng mấy năm trước đây. Những sách
vở, thư tịch có liên quan tới Khổng Tử đã trở thành những món hàng bán
rất chạy, trên khắp cả nước cũng rộ lên phong trào mở ra những lớp học
văn hóa truyền thống với lợi nhuận cao chót vót (tỉ như các “lớp quốc
học” ở Đại học Thanh Hoa thu học phí là 26000 RMB/ học viên, Đại học
Phúc Đán thu 38000 RMB/ học viên, những lớp dạy cho trẻ con lại càng có
giá ở trên trời).
Một mặt khác thì Vu Đan đã trở
thành hiện tượng với việc bán những lời giảng về Khổng Tử trên cơ sở sự
kết hợp giữa lời của cổ nhân với ca từ của dòng nhạc thị trường hiện
nay, cô ta diễn giải những lời của Khổng Tử một cách tùy tiện và nông
cạn, như đang bơm một liều doping tinh thần cho việc thông tục hóa cơn
sốt “phục hưng Nho Giáo”. Theo như những tinh hoa trong sự lý giải về
Khổng Tử ở “Luận ngữ tâm đắc” của Vu Đan mà nói, ai ai cũng có thể có
một tâm thái sống thoải mái cho dù có gặp chuyện gì đi nữa, chỉ cần
không ôm hận trong lòng mà hãy bao dung yêu thương, biết thuận theo hoàn
cảnh thì có thể chuyển nguy thành an, tìm được hạnh phúc.
Trong
cơn sốt học tập theo Khổng Tử đang tăng nhiệt từng ngày thì giáo sư Lý
Linh của Đại học Bắc Kinh xuất bản cuốn “Chó nhà có tang: tôi đọc Luận
ngữ” với sự khảo cứu nghiêm túc về Khổng Tử, đã bóc tách những thứ huyễn
hoặc và trả lại một Khổng Tử chân thực. Ông ở trong lời mở đầu có viết
về thái độ của bản thân khi đọc Luận ngữ: “Sách của tôi được viết theo
góc nhìn của bản thân tôi, tôi cũng không dựa theo người khác theo kiểu
“quan một cũng ừ, quan tư cũng vậy”. Tôi cũng mặc xác cái gì là nhị
thánh nhân, tam thánh nhân rao giảng cái gì. Cũng mặc kệ đại sư, tiểu sư
nói cái gì, chỉ cần là không phải nguyên tác, tôi đều bỏ qua một bên.
Tôi đọc “Luận ngữ” là tìm tới cái nguyên bản của nó. Muốn biết Khổng Tử
nghĩ như thế nào thì phải xem nguyên bản. Tất cả những kết luận của tôi
đề là từ những lời nói từ bản thân Khổng Tử, không tranh cãi cùng với
giới trí thức, cũng không bợ đỡ, vỗ mông ngựa của đại đa số người đọc.
“Sau khi đọc sách của Khổng Tử, không nên nâng bi, cũng không nên dìm
hàng, nói một cách kĩ càng thì ông ta là một Don Quixote”.
Với
thái độ thực sự cầu thị, không sung bái thánh nhân cũng không mị dân
như vậy. Lý Linh đã phá thủng bức màn che của chủ nghĩa sùng bái đức
thánh Khổng trong hơn 2000 năm qua. Ông viết: “Trong cuốn sách này, tôi
muốn nói với mọi người rằng Khổng Tử không phải là thánh nhân. Khổng Tử
mà đời đời nay các hoàng đế tôn sùng, phong thánh không phải là Khổng Tử
thật, đó là một “Khổng tử do người ta tạo nên” mà thôi. Khổng Tử thật
sống ngoài đời thực không phải là một vị thánh, cũng không phải là vương
hầu gì cả, càng không đáng để nói tới cái gì mà “nội thánh ngoại vương”
cả. “Khổng Tử chỉ là một con người, một người có xuất thân bần tiện,
lại là tiêu chuẩn lập thân dựng sự nghiệp của giới quý tộc thời cổ đại
(chân thiên tử); một người yêu chuộng tìm tòi những gì từ cổ xưa, học
hành chăm chỉ, không nản chí, không mệt mỏi truyền đạt văn hóa truyền
thống của người xưa và một người khích lệ học trò học tập kinh sách cổ;
một người có đạo đức lẫn học vấn lại là một người không có chức có
quyền, dám phê phán đám quý tộc đương thời; một người lang bạt tứ xứ du
thuyết, lao tâm thay cho kẻ cai trị, liều mình khuyến dụ tầng lớp cai
trị cải tà quy chính; một người nhiệt tình, ước mơ khôi phục xã hội theo
lối cai trị của nhà Chu để thiên hạ thái bình; một người luôn bị giằng
xé, hoang mang vô lực khi du thuyết tới rã bọt mép mà không ai nghe, nay
đây mai đó không nhà cửa, giống hành trạng của một con chó vô chủ, lang
bạt. Đó mới là Khổng Tử thật.”
Những nhận xét
của Lý Linh về “Luận ngữ” trên phương diện khảo chứng hay là giải thích
đều hơn xa những hiểu biết hời hợt nông cạn của Vu Đan. Càng quan trọng
hơn, với tư cách là một phần tử trí thức đương đại, góc nhìn của ông có
nhiều sự đồng cảm sâu sắc đối với một phần tử trí thức từ hơn 2000 năm
trước là Khổng Tử. Lý Linh viết: “Khổng Tử tự nhận mình chính là một con
chó nhà có tang. Ông ta tuyệt vọng với chính tổ quốc của mình, cùng đám
đồ đệ phiêu bạt khắp nơi, gặp gỡ với tất cả đám chư hầu nhưng lại không
có chút thành tựu nào, cuối cùng ông ta cũng quay về cố hương. Vào
những năm cuối đời, sống trong cô độc và đau thương. Con chết, học trò
yêu của ông cũng chết đã làm ông khóc cạn nước mắt. Ông đã nói tới sự
đau thương của Kỳ Lân vốn ám chỉ ông ấy. Ông đã chết ở nhà mình nhưng
ông lại không cảm thấy nơi nào là nhà cả. Cho dù tư tưởng của ông đúng
hay sai thì chúng ta cũng có thể qua đó nhìn thấy được vận mệnh thu nhỏ
của giới tri thức đương thời”.
Cuốn
sách bình luận về chó nhà có tang của Lý Linh ra mắt, đã phê phán cơn
sốt học tập khổng tử và cơn sốt học lại giá trị truyền thống giống như
việc ném một tảng đá lớn vào mặt nước hồ đang lên, gGây nên những cơn
sóng phản đối dữ dội từ những kẻ bảo vệ đạo Nho. Bọn họ hợp công xúm vào
chửi bới, nhục mạ Lý Linh tới nỗi nước miếng văn tung tóe khắp bốn
phía. Ông bị tố cáo là người phao tin đồn nhảm về ngày tận thế, bị gọi
là “phẫn thanh”, nhiều người chưa đọc qua sách của ông còn mạnh miệng
cho đó là rác rưởi. Tất cả những chuyện này là do Lý Linh đã đặt tên cho
cuốn sách bàn về Khổng Tử với cái tên “chó nhà có tang” . Từ đây có thể
thấy được sự sùng bái của tầng lớp nhà nho mới đối với “Khổng thánh
nhân” đã tới mức không ai có thể chạm tới. Chỉ tiếc là trong tay đám nhà
nho mới nổi này trong tay không có bao nhiêu quyền thế, nếu không thì
xã hội lại quay về cái thời đại “mở mồm ra mỗi câu đều là chân lý, một
câu của lãnh tụ bằng ngàn vạn câu của kẻ khác” (thời Mao với tệ sùng bái
cá nhân).
Lý Linh là một nhà lịch sử học nghiêm
túc, ông đọc “Luận ngữ” không phải xem sách của thánh hiền, mà là để
nghiên cứu lịch sử; từ lịch sử ông tìm ra một Khổng Tử không phải là
thánh nhân mà là một phần tử trí thức không có nhà để quay về. Giống như
trong lời tự bạch của tác giả: “Tôi đem “Luận Ngữ” để làm nghiên cứu
lịch sử chứ không phải là công cụ để tôn sùng. “Thực ra cái mà Lý Linh
nói trong “chó nhà có tang” là trả lại sự thật khi cho thấy tầng lớp trí
thức sống trong nỗi bất an tinh thần triền mien khi không được sử dụng
trong thời Xuân Thu. Ông đã đem chó nhà có tang biến thành chó lang
thang không nhà, “bất cứ kẻ nào ôm hoài bão, trong đời thực không tìm
được nơi chốn cho tinh thần của mình, đều là chó nhà có tang”. “Theo góc
nhìn của tôi, dùng “mất đi quê hương tinh thần” để đánh giá Khổng Tử là
hơi quá đề cao ông ta rồi. Trên thực tế thì Khổng Tử du thuyết thiên hạ
không phải là để tìm kiếm quê hương tinh thần mà là để tìm một nơi cho
ông ta thể hiện quyền lực của mình. Ông ta một lòng muốn làm quân sư cho
các bậc đế vương mà không được, là một con chó lang thang không tìm
được nơi chốn. Nếu như lúc đó có bậc đế vương nào dùng ông ta thì có lẽ
ông đã sớm trở thành con chó gác cửa rồi.
Người
đưa ra cái tên gọi “chó nhà có tang” để dành cho Khổng Tử cũng không
phải là Lý Linh, mà cổ nhân từ xưa đã đánh giá như vậy. Bản thân Khổng
Tử cũng tự nhận xét mình như vậy. Đi du thuyết khắp thiên hạ mong kiếm
được chức quan, đến năm hơn 40 tuổi mà vẫn không có thành quả nào, lúc
thất vọng tới cực độ, ông ta nói “Ta cùng đường rồi! Trong thiên hạ
không có chỗ dung thân”. Chính từ việc này mà sau này hậu thế mới đánh
giá ông ta là con chó nhà có tang. Nhưng đối với đám nhà nho vệ đạo
đương thời mà nói, việc Khổng Tử tự nhận mình là chó nhà có tang chính
là lời dặn dò của thánh nhân, bao hàm trong đó là bao nhiêu lời lẽ huyền
diệu để trị quốc và giáo dục quốc nhân; mà Lý Linh gọi Khổng thánh nhân
của họ là con chó nhà có tang chính là đại nghịch bất đạo, là một thứ
rác rưởi không đáng để đọc. Thậm chí còn có những nhà nho phẫn nộ nói
“Thầy Lý Linh điên rồi!”.
Bất kể cho bao nhiêu
lời lẽ lăng mạ Lý Linh của đám nhà nho mới vì cuốn “Chó nhà có tang” thì
tôi vẫn cho rằng cuốn sách mà ông viết, nhất là đoạn văn mở đầu rất
chân thực mà xuất sắc, đã hơn hẳn rất nhiều những thứ nói về Khổng Tử
của đám nhà nho mới như Tưởng Khánh… vậy nên có một số học giả nổi tiếng
đánh giá rất cao cuốn sách này.
Nhà nghiên cứu
lịch sử Ngô Tư trong bài viết “Tính khả thi của nhân nghĩa – bình luận
về cuốn “Chó nhà có tang – tôi đọc Luận ngữ” của Lý Linh” có viết: “Tôi
cho rằng Lý Linh đã làm một nghiên cứu tốt, không kể sau này chúng ta
xây dựng nền văn hóa như thế nào, đều phải dựa trên những phiên bản thật
đáng tin cậy. Với phiên bản Lý Linh thì tôi cho rằng nó còn lợi hại hơn
cả của Chu Hy.”
Giáo sư Tiền Lý Quần ở khoa
Trung văn Đại học Bắc Kinh trong bài viết “Phải làm gì với truyền thống
từ Khổng Tử cho tới Lỗ Tấn – đọc “Chó nhà có tang - tôi đọc Luận ngữ”
của Lý Linh” có nói: “Dưới góc nhìn của tôi, Lý Linh với tâm thế nghiên
cứu từ trái tim tới trái tim và sự đồng cảm sâu sắc chính là đặc điểm
lớn nhất của ông khi nói về “Luận ngữ”, cũng là một cống hiến của ông.
Kết quả của quá trình này chính là tìm ra một Khổng Tử “là chó nhà có
tang”… khi tôi đọc từ này, cảm giác có một chút châm biếm trong đó,
nhưng càng có một cảm giác suy tư, một sự bi thương bao hàm ở bên
trong.”
Trong một cuộc phỏng vấn ông Lưu Mộng
Khê, giám đốc trung tâm nghiên cứu văn hóa Trung Quốc thuộc Viện Nghiên
cứu nghệ thuật Trung Quốc đã tán dương Lý Linh đã có nghiên cứu công phu
với lập luận vững chắc về Luận ngữ, đã trừ bỏ đi những thần thoại hóa
cũng như tinh thần phê phán.
Giáo sư Tần Huy của
Đại học Thanh Hoa trong bài viết “Luận ngữ – con đường trở thành kinh
điển” đăng trên báo “Phương Nam cuối tuần” số ngày 12/07/2007 có đoạn
viết: “Ngày nay có một bộ phận muốn đem “Luận ngữ” trở thành “Nho gia
thánh kinh”, cũng giống như việc mấy mươi năm trước đem cuốn “Bản ghi
chép những lời nói của Mao Chủ tịch (tức Mao tuyển) mỏng dính trở thành
đỉnh cao của chủ nghĩa Mác. Ngày nay cuốn “Luận ngữ” cũng đang là món
hàng bán chạy của Nho gia, so với việc tung hứng “Mao tuyển” thì kết quả
thế nào? Là quảng bá hay là dẫm lên chủ nghĩa Mác?”
Với
một Trung Hoa vốn có truyền thống sùng bái thánh nhân từ lâu, tự cổ chí
kim trong mắt các nhà nho vệ đạo thì Khổng Tử là một thánh nhân không
cần phải có chút hoài nghi bàn cãi nào cả, là người thầy đời đời của các
đế vương, là đấng chí tôn với danh hiệu “Tố Vương”, là người mà mọi đế
vương đều phải bái lạy với cái tên “Đại Thành Chí Thánh Văn Tuyên
Vương”. Với Khang Hữu Vi (1858-1927, lãnh tụ phái duy tân ở Trung Quốc
cuối thế kỷ 19) và giáo hội Khổng Giáo của ông ta thì Khổng Tử được tôn
là giáo chủ vừa được tôn là thần thánh đầy quyền uy, ngày nay được tầng
lớp nhà nho mới tôn làm biểu tượng văn hóa mới của Trung Hoa. Mỗi lời
nói của Khổng Tử đều là những lời vàng trị nước cứu dân huyền diệu thâm
thúy, cũng là đường lối tu thân dưỡng tính với mọi người. Lối bốc thơm
phét lác nhất, ở thời cổ đại thì có câu “nửa bộ Luận ngữ cũng có thể trị
được cả thiên hạ”. Ngày nay lại có thuyết “đạo lý của đức thánh Khổng
trước quản cả 5000 năm, sau này cũng quản thêm 5000 năm nữa”. Lại có
thuyết “không đọc sách Khổng Tử, không làm người nổi”. Đám học giả Nho
Giáo đương thời còn không tiếc công sức bày ra tin vịt : vào năm 1988 có
75 người từng đoạt giải Nobel trên khắp thế giới tề tựu tại Pais, cùng
bầu chọn Khổng Tử là nhà tư tưởng số một thế giới. Vãi quá!!!
Đối
diện với những kẻ sùng bái thần thánh đã tẩu hỏa nhập ma như thế này,
tôi chỉ muốn hỏi các nhà nho đương đại một câu phàm tục: “Trong mắt các
vị thì Khổng Tử là thánh nhân, vậy lúc ngài đánh rắm thì có nhẹ nhàng êm
đềm, mùi vị thơm ngát không? Những kẻ sùng bái thánh nhân đã mê muội
tới mức không còn phân biệt nổi sự khác biệt giữa những câu nói hàng
ngày và những lời đại nhân đại nghĩa nữa. Họ mang những câu nói thường
ngày trong Luận ngữ trở thành những lời dạy tinh diệu của thánh nhân. Ví
dụ trong Luận ngữ phần mở đầu: “子曰: 学而时习之,不亦悅乎?有朋自远方来,不亦乐乎?” “Tử viết:
Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ? Hữu bằng tự viễn phương lai,
bất diệc lạc hồ?” “Khổng tử nói: Học thì phải luyện tập, chẳng vui lắm
sao? Có bạn hữu nơi xa đến thăm, chẳng mừng lắm sao?” Đây là những câu
trong đời sống hàng ngày, có gì gọi là lời lẽ huyền diệu thâm ảo trong
đó? Để mà lãng phí cả hơn 2000 năm với bao nhiêu trí tuệ để tìm hiểu,
giải thích. Cho đến tận bây giờ còn đi giải thích sao? Giống như Chu Tác
Nhân trong “Luận ngữ tiểu kí” đã nói: “Những cái Luận ngữ nói đa phần
là đạo lý để con người tập làm người, hòa nhập vào xã hội… có thể giúp
cho người đi sau có được những kinh nghiệm, nhưng không bao giờ được xem
đó là những đạo lý kinh thiên nghĩa địa không bao giờ thay đổi giáo
điều cả, càng không được xem đó là tinh hoa triết học chính trị có thể
trị quốc bình thiên hạ được cả”. G.W.F. Hegel, triết gia lớn của Đức
(được coi là người sáng lập ra chủ nghĩa duy tâm Đức) cũng chỉ xem Luận
ngữ như một cuốn sách ghi chép những đạo lý thường thức mà thôi.
Nếu
như nói rằng vận mệnh của Khổng Tử trong thời Xuân Thu, giống như một
con chó nhà có tang không đạt được tí quyền lực nào phải ngủ vùi thì
chính Hán Vũ Đế với quyết định độc tôn Nho gia đã biến Khổng Lão Nhị
thành Khổng Phu Tử, biến một bộ xương khô của chó nhà có tang thành con
chó giữ cửa bảo vệ hoàng quyền cho chế độ độc tài chuyên chế phong kiến.
Do Nho Giáo có lợi cho sự thống trị của giới cầm quyền, do nên địa vị
của con chó giữ cửa cũng được tính là vững chắc, ngồi một mạch hơn 2000
năm. Được giới đọc sách tôn làm thần tượng, tung hô lên tận mây xanh,
thậm chí làm bức tượng dát vàng trong tổ miếu hoàng gia. Đó cũng là lúc
mà những trí thức và tư tưởng gia Trung Quốc khác rơi xuống địa ngục,
biến thành nô tỳ của quyền lực. Giống như sử gia Tư Mã Thiên sau khi bị
Hán Vũ Đế hoạn đã bi thống thốt lên: “Cha ta không lập công lao gì cũng
được hoàng thượng ban cho phẫu phù và đan thư miễn tội. Chức quan quản
lí sử sách và xem thiên văn, lịch pháp, cũng giống bọn thầy cúng tế
trong cung, vốn là để hoàng thượng vui đùa, giống như bọn nhạc sư trong
cung vậy, là nghề nghiệp mà ngay cả người thế tục cũng còn coi thường”.
Cho
tới tận khi các cường quốc phương Tây mở ra cánh cửa Trung Quốc ra, thì
những chế độ và hình thái ý thức truyền thống nhanh chóng bị vứt bỏ và
suy vong. Các mạng Tân Hợi 1911 đã kết thúc thời đại phong kiến chuyên
chế tập quyền, Nho gia cũng mất đi chỗ dựa chính trị. Từ đây chó giữ cửa
lại quay lại làm chó nhà có tang. Cho dù cũng có một Viên Thế Khải cũng
định mộng tưởng xưng đế với vở kịch tôn Khổng Giáo làm đầu, nhưng cũng
chỉ là vở kịch ồn ào sớm chốc tan thành mây khói, bởi vì sự sụp đổ của
chế độ phong kiến truyền thống và hình thái ý thức cũ là không thể tránh
khỏi.
Theo tôi thì khi mất đi chỗ dựa quyền lực
là một bất hạnh cho tầng lớp Nho gia truyền thống, từ con chó giữ cửa
cho hoàng quyền lại quay về làm con chó lang thang. Tuy nhiên đối với
quá trình chuyển hóa từ người đọc sách để trở thành tầng lớp trí thức mà
nói thì đó lại là một vận may lớn cho giới trí thức Trung Quốc. Bởi vì
khi không còn được nâng đỡ bởi quyền lực chuyên chế, cho dù là bị ép
buộc hay tự nguyện thì họ càng có cơ hội nuôi dưỡng hình thành tinh thần
phê phán độc lập. Điều đáng tiếc là số phận làm con chó lang thang của
giới trí thức Trung Quốc chỉ kéo dài có nửa thế kỷ mà thôi. Với sự nắm
quyền của chính quyền chuyên chế cộng sản ở Trung Hoa Đại Lục, giới trí
thức đến làm chó lang thang còn không được. Đại bộ phận bị đàn áp, truy
đuổi, đánh đập thành những con chó rơi xuống mương, một số may mắn hơn
thì trở thành con chó giữ cửa trong chính quyền Mao Trạch Đông. Ví như
Quách Mạt Nhược, ông ta thời Dân Quốc còn dám chửi cả Tưởng Giới Thạch,
thế mà từ sau 1949 thì lại thành con chi chi trong tay Mao.
Khổng
Tử trong lịch sử cận đại, hiện đại của Trung Quốc có một số phận hết
sức quỷ dị bất thường, trước sau có hai phong trào “đánh đổ miếu nhà họ
Khổng”. Lần đầu là phong trào Ngũ Tứ vào năm 1919, lần sau là phong trào
phê Lâm phê Khổng vào năm 1974. Sau sự kiện 4/6/1989 thì giới trí thức
Trung Quốc diễn ra phong trào tránh tiếp thu cái mới, họ xem hai phong
trào Ngũ Tứ và phê Lâm phê Khổng đều là phản truyền thống và chối bỏ
chúng, tuy nhiên thực tế thì hai phong trào này hoàn toàn khác nhau.
Đầu
tiên, hai phong trào này có người phát động phong trào hoàn toàn khác
nhau. Cuộc vận động Ngũ Tứ là được tiến hành từ dưới lên với sự vận động
tự phát của văn hóa xã hội, nhất là đa phần người khởi xướng là tầng
lớp trí thức mới hình thành, bọn họ tiếp thu những giá trị quan mới, tư
duy mới, cách làm mới từ phương Tây, họ dùng những giá trị của Phương
Tây để bàn thảo ngược trở lại những nguyên nhân làm cho xã hội Trung
Quốc tụt hậu xa như thế. Bọn họ bất mãn với phái Dương Vụ cho rằng chỉ
có sự tụt hậu về kĩ thuật cũng như phái Duy Tân với quan điểm chênh lệch
về thể chế tụt hậu, họ cho rằng sự tụt hậu này do văn hóa gây ra. Ngược
lại thì phong trào phê Lâm phê Khổng đượct tiến hành từ trên xuống nhằm
khống chế các phong trào chính trị trong chế độ độc tài chuyên quyền.
Nhất là người phát động ra nó là Mao không những dùng nó để nắm chắc
tuyệt đối quyền lực, mà còn dùng tư tưởng Mao Trạch Đông đưa lên vị trí
độc tôn thay thế tất cả những luồng tư tưởng khác, cho dù chúng đến từ
bên ngoài hay từ chính nội tại Trung Quốc trước đây.
Thứ
hai, trong hai cuộc vận động này thì tính chất phản Khổng cũng không
giống nhau. Phong trào Ngũ Tứ với tầng lớp trí thức mới hình thành muốn
đánh đổ miếu nhà họ Khổng, phát động một cuộc cách mạng văn hóa, đối
tượng không phải là Khổng Tử thời Tiên Tần với âm thanh của trăm nhà đua
tiếng, mà là Khổng Thánh Nhân đã độc tôn Nho học kể từ thời Hán Vũ Đế,
muốn đánh đổ học thuyết độc quyền của con chó canh cửa cho hoàng quyền.
Trong khi đó Mao Trạch Đông phát động phong trào “phê Lâm phê Khổng” lại
không hề có tí gì gọi là động cơ cải cách văn hóa gì cả, mà hoàn toàn
là một cuộc chiến tranh giành quyền lực chính trị. Ông ta đem việc đánh
đổ Khổng Tử làm công cụ tranh giành chính trị trong nội bộ đảng. Ngoài
việc triệt hạ triệt để Lâm Bưu, còn để cảnh cáo “nhà nho lớn trong nội
bộ đảng” là Chu Ân Lai.
Nói một cách khác, hai
cuộc vận động này về bản chất có sự khác biệt nhau rõ rệt: giai cấp trí
thức mới trong tay không có tí quyền lực nào và lại quyền uy tuyệt đối
trong tay như thời Tần Thủy Hoàng; cuộc vận động cách mạng tự phát và
bàn tay khống chế phong trào cách mạng; cách mạng để tìm một lối thoát
cho văn hóa Trung Hoa và một phong trào cách mạng để củng cố quyền lực
tuyệt đối.
Cho nên đến nay, tôi vẫn tán thành
chủ trương từ thời phong trào vận động Ngũ Tứ “đánh đổ miếu nhà họ
Khổng” nhưng tôi cũng kiên quyết phản đối phong trào chính trị đánh đổ
Khổng Tử trong thời kỳ Văn Cách.
Trong bài văn
“Khổng Phu Tử ở Trung Quốc hiện đại” Lỗ Tấn có gọi Khổng Tử là Modern
Khổng Tử, cũng là phê phán thói sùng bái thánh nhân trong chế độ phong
kiến tập quyền truyền thống Trung Quốc. Ông viết: “Khổng Phu Tử ở Trung
Quốc là kẻ được quyền thế nâng đỡ dậy, là thánh nhân của đám người cầm
quyền hay đám đang muốn lên nắm quyền, giữa họ và dân chúng bình thường
không có một chút quan hệ nào.” Với tôi mà nói, truyền thống tôn sùng
thánh nhân ở Trung Quốc có thế nói là công trình văn hóa giả mạo lớn
nhất từ trước tới nay, được các hoàng đế từ bao đời nay cùng đám văn
nhân dưới trướng nhất tề dựng lên. Lại được đám đế vương cùng các nhà
nho phong thánh cho Khổng Tử, một Khổng Tử đã sớm không còn là Khổng Tử
thật, thậm chí còn được xem là món hàng giả mạo kém chất lượng nhất từ
trước tới nay.
Kỳ
thật, nếu chậm rãi đọc kỹ các tác phẩm của những triết gia thời Tiên
Tần thì có thể thấy, học thuyết của thánh nhân Khổng Tử cũng chỉ là
những lời rao giảng đạo đức bình thường nhất. So với Trang Tử thì Khổng
Tử không có được cái tính nhẹ nhàng siêu thoát, phiêu diêu cũng như trí
tưởng tượng kỳ vĩ đẹp đẽ, ngôn ngữ cũng không trôi chảy thanh thoát, một
trí tuệ triết học và văn học chưa thoát tục. Càng không thể có chuyện
nhắc nhở ý thức thanh tỉnh để thoát khỏi bi kịch của nhân loại. So với
Mạnh Tử thì Khổng Tử thiếu mất cái khí độ của trang nam tử, khoáng đạt
mà hoành tráng, lại càng thiếu thái độ tự tôn trước quyền lực, thiếu mất
sự quan tâm, coi trọng dân chúng “Lấy dân làm đầu, xã tắc làm thứ, quân
vương xếp cuối cùng”. So sánh với Hàn Phi Tử, Khổng Từ là kẻ hư ngụy,
xảo trá, không có được cái tính thẳng thắn, tài hoa châm biếm sắc bén
như vậy. So với Mặc Tử thì Khổng Tử không có một hệ thống tư tưởng đạo
đức nào hướng tới sự bình đẳng của người dân và đám sỹ tốt, không có một
lối logic cụ thể nào. Tất cả những gì Khổng Tử nói đều thể hiện sự
thiếu sót một trí tuệ lớn mà chỉ có những lối tư duy khôn vặt, lại toàn
hướng tới danh lợi công trạng, hết sức gian xảo, lại thiếu mất tính thẩm
mỹ và sâu sắc của triết học, cũng không có cái nhân cách cao quý và
bụng dạ khoáng đạt. Ông ta đi khắp thiên hạ để mong tìm được chức quan,
sau khi thất bại không được gì bèn trở thành giáo chủ đi rao giảng đạo
đức, cái đạo người thầy tốt, dạy người không mệ mỏi của ông ta là xuất
phán từ nhân cách con người cuồng vọng và thiển cận. Cái đạo “thịnh thế
tắc nhập, loạn thế tắc ẩn – thời thịnh trị thì dấn thân với đời, thời
loạn lạc thì lùi về quy ẩn” chính là điển hình của chủ nghĩa cơ hội, thể
hiện sự vô trách nhiệm.
Càng đáng buồn hơn là
Khổng Tử với tinh thần hết sức giảo hoạt, vô trách nhiệm và hết sức hám
danh lợi này lại trở thành nền tảng, hình mẫu cho cả dân tộc Trung Hoa
trong mấy nghìn năm qua. Dân tộc nào thì sẽ có thánh nhân đó, thánh nhân
như thế nào thì sẽ nhào nặn ra dân tộc đó, đây chính là căn nguyên nô
tính của người Trung Quốc bắt đầu từ đây, di sản văn hóa này từ khi sinh
ra đã truyền lại cho đám con cháu tới tận ngày nay.
Ý nghĩa của Lý Linh khi bàn về Luận ngữ, một là
nhắm đến những phần tử dân tộc chủ nghĩa cực đoan đang trỗi dậy. Cuốn
sách này tuy là một tác phẩm nghiêm cứu học thuật nhằm trả lại chân diện
cho Khổng Tử, bóc tách những điều giả dối hư ảo mà đời đời các nhà nho
đã thần thánh hóa, đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm của ông tới hiện
thực xã hội thông qua những nghi vấn trực tiếp về cơn sốt học tập kinh
sách cổ, sùng bái Khổng Tử, gián tiếp nghi ngờ cái gọi là “sự trỗi dậy
của nước lớn”. Khổng Tử trong con mắt Lý Linh chỉ là “một con chó nhà có
tang không tim được ngôi nhà tinh thần trong thế giới thực” mà thôi,
ông phê phán lũ nhà nho rởm đời đem Khổng Tử biến thành cứu tinh của
nhân loại. Giống như lời tự bạch của tác giả: “Giương cao ngọn cờ Khổng
Tử đem ra khắp thế giới ư, tôi không quan tâm” “Khổng Tử không thể cứu
rỗi được Trung Quốc, cũng không thể cứu cả thế giới”.
Thứ hai là
phê phán truyền thống bợ đỡ quyền lực của giới trí thức Trung Quốc,
hiện tại đám nhà nho mới đang câu kết với chính quyền, bọn họ muốn độc
tôn Khổng học, hô hào Nho Giáo, lại không chú trọng tới ảnh hưởng của
Nho Giáo trong việc xây dựng lại hệ thống đạo đức vốn đã tan rã từ lâu,
mà chỉ chăm chăm vào bốn công năng chính trị của Nho Giáo là “tu tề trị
bình (tu thân tề gia trị quốc bình thiên hạ), để thực hiện vương đạo là
hợp nhất tôn giáo và chính trị; bọn họ muốn đẩy cho Khổng Tử cái địa vị
“Đế vương sư” hay “Quốc sư”, hô hào đem Nho giáo trở thành Quốc giáo, họ
hi vọng chính phủ có những chính sách đặc biệt để hỗ trợ nền quốc học,
thực tế thì đám nhà nho này đang muốn làm quân sư của chính quyền đương
đại, muốn được như Platon với quyền lực nằm trong tay nhà hiền triết vĩ
đại. Thế là đám nhà Nho này nhào nặn lại Khổng Tử giống như thời Hán Vũ
Đế, muốn một lần nữa thực hiện mô hình “Vứt bỏ tư tưởng trăm nhà, độc
tôn Nho gia”, hết sức hà hơi tiếp sức cho hình thái ý thức hóa kiểu
Khổng Tử, muốn đưa một người bình thường biến thành thần thánh kiểu
truyền thống.
Lý Linh cho rằng, trong lịch sử
Trung Quốc thì đám thành phần trí thức với nhiều tư tưởng kiểu Utopia
chỉ thực sự hữu dụng khi trở thành một bộ phận độc lập với quyền lực và
trở thành lực lượng đối lập với chức năng phê phán. Một khi những phần
tử này nắm quyền lực trong tay thì lại trở thành mối nguy hiểm của quốc
gia, thậm chí là thảm họa. Lý Linh viết: “Tầng lớp trí thức với đầu óc
nhanh nhạy, tầm mắt sáng, họ chuyên chế hơn bất cứ ai. Nếu như trong tay
họ có thanh kiếm thì những người mất mạng đầu tiên chính là những trí
thức khác.” Nguyên nhân vì giới trí thức Trung Quốc đều rất cuồng vọng,
tự cho bản thân là “có trí tuệ nhất, có đạo đức nhất, có lí tưởng nhất”.
Tự cho phép bản thân “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của
thiên hạ” . “Có thể cứu cả thiên hạ thoát khỏi cái họa binh đao thiên
tai, xây dựng thiên đường nơi hạ giới. “Nho gia đời Tống là Trương Tải
có bốn câu nói: “Vì trời đất xây dựng tấm lòng, vì dân chúng lập mệnh,
vì đức thánh nhân tiếp tục học tập, vì nghìn vạn thế hệ sau tạo dựng
thái bình.” Đến tận ngày nay vẫn còn rất nhiều phần tử trí thức Trung
Quốc khắc cốt ghi tâm điều này, cho thấy truyền thống cuồng vọng của
tầng lớp sỹ phu Trung Quốc còn thâm căn cố đế.
Từ
những cơ sở này, Lý Linh muốn cảnh cáo tới tầng lớp trí thức Trung Quốc
đương đại hãy rút ra bài học từ những giáo huấn lịch sử trên, cần phải
biết giữ khoảng cách với nhà cầm quyền, từ bỏ dã tâm “Đế vương sư”, chấm
dứt việc chính trị hóa mớ kinh sách cổ điển, cần phải duy trì tính độc
lập của kiến thức, tư tưởng và học thuật, kích thích tính sáng tạo của
giới trí thức. Như trong lời mở đầu, Lý Linh có nói: “Đọc Luận ngữ thì
tâm tình phải ôn hòa, một khi đã chính trị hóa, đạo đức hóa, tôn giáo
hóa thì không còn là nó nguyên bản. Chúng ta cần tìm là một Khổng Tử
thật, nhất là trong một thế giới mà lễ giáo băng hoại”. Nếu không thì
giới trí thức Trung Quốc ngày nay sẽ giống như tầng lớp trí thức ngày
xưa, không thể thoát khỏi vận mệnh cam tâm làm con chó săn cho kẻ khác.
Sự khác biệt chỉ nằm ở chỗ khi không còn được sự sủng ái thì lại giống
như con chó nhà có tang, khi được coi trọng thì lại giống con chó giữ
cửa trúng xổ số vậy.
Tôi cho rằng bi kịch lớn
nhất mà nền văn hóa Trung Quốc gặp phải không phải là việc Tần Thủy
Hoàng đốt sách và chôn sống các nhà nho, mà là việc Hán Vũ Đế thi hành
“cấm cửa trăm nhà đua tiếng, độc tôn Nho giáo”, sau khi được Đổng Trọng
Thư sửa đổi học thuyết Nho gia, đã đưa một hệ thống được xây dựng dựa
trên bạo lực của chế độ phong kiến chuyên chế miêu tả thành thiên đạo,
“Thiên bất biến đạo diệc bất biến – Trời không đổi thì đạo lý cũng không
thay đổi” đã trở thành lý luận căn bản nhằm hợp pháp hóa thể chế phong
kiến tập quyền chuyên chế, cung cấp cho chế độ hoàng quyền ở nhân gian
một vũ trụ luận tồn tại vĩnh hằng, khoác một tấm áo nhân nghĩa mềm mại
lên tấm thân trần truồng của thể chế chuyên chế. Tất nhiên đám đế vương
đã nhận ra tác dụng mị dân lừa bịp của tấm áo khoác ngoài này, dần dần
xác lập nên hình thái ý thức độc nhất của giới quan chức, trở thành “con
đường truyền thống” của đám học trò với mong ước an thân lập mệnh, cũng
chính là truyền thống làm thế nào để biến thành “hảo nô tài” . Chính
như Mao Trạch Đông đã có câu nói định vị giới trí thức: “Khi da không
còn, long báo vào đâu? – Khi giới cầm quyền không còn, lũ trí thức dựa
vào cái gì đây ? “
Đối với giới trí thức Trung
Quốc đương đại, việc quan trọng đầu tiên cần làm không phải là bảo vệ
một nền văn hóa sùng bái thánh nhân truyền thống dưới sự nâng đỡ của thể
chế độc tài cầm quyền, mà là thoát khỏi vị trí phục dịch cho quyền lực,
kế thừa truyền thống mới từ phong trào Ngũ Tứ: “Tự do về tư tưởng, độc
lập về nhân cách”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét