Thứ Tư, 11 tháng 11, 2009

Siêu dự án và cái bẫy nợ nần

Nguyễn Quang A -
Chính trị - xã hội Kinh tế
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương, tổng mức đầu tư sơ bộ được dự kiến theo 3 phương án tính toán dựa trên các suất đầu tư 2600, 2800 và 3000 USD/KW công suất. Tương ứng (với công suất dự kiến 4.000MW), thì các mức đầu tư khoảng 10,4 tỷ USD, 11,2 tỷ USD và 12 tỷ USD. Dự kiến, 75% nguồn vốn xây dựng là vốn vay nước ngoài.

Hãy lưu ý các từ "sơ bộ" và "dự kiến" đối với các con số trên. Thông tin của những người trình đề án luôn có thiên hướng nêu nhiều cái hay, cái thuận lợi, có cái dở nhưng đều trong "tầm kiểm soát" và trong "giới hạn cho phép". Đấy là một hiện tượng không chỉ phổ biến ở Việt Nam mà ít nhiều cũng có ở các nơi khác. Cũng vậy những người phản biện thường nêu ra các khuyết tật, thiếu sót và đôi khi cũng cường điệu không kém các nhà ủng hộ. Vấn đề chỉ là ở mức độ khách quan, không có khách quan tuyệt đối, luôn luôn có thiên kiến. Đấy là chuyện thiên kiến con người mà những người ra quyết định cần lưu ý khi xem xét các ý kiến ủng hộ và ý kiến phản biện.



Chỉ riêng giai đoạn 1, dự án đường Hồ Chí Minh thực tế đã chi gần 3 lần so với dự toán ban đầu. Ảnh cienco5.vnChúng ta không ai ngạc nhiên khi con số "sơ bộ", "dự kiến" khác xa con số thực hiện (có khi gấp rưỡi gấp đôi).

Thí dụ, nhà máy lọc dầu Dung Quất (Theo Quyết định đầu tư số 514/TTg ngày 10/7/1997 của Thủ tướng Chính phủ) ban đầu dự trù tổng mức đầu tư là 1,5 tỷ USD, thực hiện 1997-2001. Đến cuối năm 2009 mới có thể bàn giao và tổng mức đầu tư thực hiện là 3,054 tỷ USD (gấp 2 so với ban đầu).

Dự án đường Hồ Chí Minh ban đầu dự toán 5.300 tỉ đồng (giai đoạn 1: 2000-2005), đến cuối 2004 Quốc hội điều chỉnh lên 15.468 tỉ (gần 3 lần dự toán ban đầu); đó là chưa nói đến giai đoạn 2 với dự trù kinh phí 18.168 tỉ đồng.

Đấy là các số liệu lấy từ báo chí, tôi chưa có các số liệu của các dự án khác, nhưng tình hình chắc cũng tương tự. Đã có nghiên cứu nào tổng kết đầy đủ các dự án lớn (điện, giao thông, cảng, các nhà máy lớn) do nhà nước đầu tư chưa? Nếu có họ rút ra những bài học gì? Nếu chưa, rất nên có 1 đề tài nghiên cứu như vậy.

Tất nhiên kinh phí tăng do dự án mở rộng, do giá cả biến động, do công nghệ thay đổi và vì 1001 lý do "rất thuyết phục" khác nữa. Đây là căn bệnh khát đầu tư cũng như các thủ thuật rất quen thuộc của các nhà đầu tư trong hệ thống xã hội chủ nghĩa mà các học giả đã đúc kết trong các công trình kinh điển. Có ai làm những nghiên cứu như vậy ở Việt Nam, tính cả những thiệt hại do chậm tiến độ, và các thiệt hại cơ hội khác? Tôi tin là chưa.

Bẫy nợ nần

Ở đây chỉ muốn nói đến kinh phí dự trù ban đầu và kinh phí thực hiện, nên hãy quay lại vấn đề điện hạt nhân. Kinh phí dự kiến không phải quá lớn do người ta tính mua nhà máy thế hệ II cho rẻ.

Nếu vì an toàn của nhà máy thì suất đầu tư có thể lên đến 4.800-5.000 USD/KW và khi đó mức dự toán đầu tư sơ bộ có thể lên đến 19-20 tỷ USD.

Đó là chưa nói đến việc mở rộng lên 8.000 MW cho đến 2025, khi đó dự toán tổng đầu tư có thể lên đến 38-40 tỷ USD; tôi không dám tính đến con số phát sinh. Nếu lấy kinh nghiệm của Lọc đầu Dung Quất và Đường Hồ Chí Minh mà suy đoán với giá rẻ do Bộ Công Thương đưa ra ban đầu thì tổng đầu tư có thể lên tới 30 đến 50 tỷ USD. Hãy tạm giả thiết con số 40 tỷ USD.

Hãy quay lại cái bẫy nợ nần. Nợ nước ngoài của Việt Nam tronmg thời gian qua ở cỡ 30-33% GDP (theo WB năm 2009 nợ nước ngoài của Việt Nam là 26,8 tỷ USD chiếm 30,2% GDP).

Nếu từ nay đến 2025 Việt Nam đạt mức tăng trưởng trung bình 7,2%/năm (ở mức này GDP tăng gấp đôi sau 10 năm), thì vào năm 2020 GDP bằng 2 lần GDP năm 2010 và năm 2025 gấp 2,805 lần của năm 2010 (tức là GDP vào cỡ 300 tỷ USD năm 2025).

Đi vay để đầu tư là tốt, song nếu không khéo có thể rơi vào cái bẫy nợ nần. Chúng ta còn có quá nhiều các dự án (metro Hồ Chí Minh, sân bay Long Thành, Cảng Container Văn Phong, đường cao tốc, đường sắt cao tốc, đề án tăng tốc phát triển Công nghệ thông tin Viễn thông,...) đều dự kiến thực hiện trong 10-15 năm tới. Đã có ai thử cộng tổng dự toán của tất cả các đề án đó chưa? Và lấy đâu ra tiền để làm?

Link :http://danluan.org/node/3240

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét