Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

Sạch bán chẵn.

 Người Buôn Gió
Sau chuyến đến Hoa Kỳ dưới danh nghĩa họp hội đồng LHQ, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và bộ sậu có làm việc với quỹ tiền tệ quốc tế và ngân hàng thế giới.  Một điều có thể đã xảy ra là những khoản nợ xin hoãn của chính phủ VN chỉ  được hai tổ chức này xem xét phần nào, tiền vay thêm không được chấp nhận...nói một cách dân dã rằng mong ước của chính phủ VN với hai tổ chức này không đạt kết quả như ý.


Trở về nước sau chuyến công du Hoa Kỳ, lập tức thủ tướng NTD họp chính phủ ngay ngày hôm sau. Nghiêm khắc cảnh cáo báo chí đưa tin xấu về tình trạng kinh tế VN, đồng thời khẩn cấp tìm giải pháp ( nguồn vốn đối ứng ) để giải ngân khoảng 5 tỷ ODA, rà soát truy thu ngân sách, tháo gỡ tình trạng bất động sản đóng băng, mở rộng mời chào thế giới đến hợp tác khai thác dầu khí...
Những giải pháp ở tầm vĩ mô đó đều cho thấy chính phủ đang rất cần tiền.
Và ở tầm cấp thấp hơn chuyện tăng phí, tăng giá, đẻ thêm phí thu mới....sẽ không có gì là lạ.
Giờ thì chính phủ đã cho phép giá điện tăng 10%, giá xăng dầu thế giới giảm nhưng ở VN chưa giảm cho nên không cần phải tăng vì vốn dĩ với giá hiện tại thì xăng dầu đã là tăng rồi. Giá vàng chênh lệch với thế giới vài triệu một lượng nên cũng như xăng dầu không cần phải tăng. Tăng giá viễn thông cho bằng quốc tế. Tóm lại cái gì chưa bằng thế giới phải tăng cho bằng, cái gì tăng hơn thế giới thì cứ giữ đó. Một cuộc tận thu ở những mặt hàng chủ lực.
Lý do người ta tăng là vì tăng thế tiền vào nhà nước, nhân dân chi tiền thế nhà nước hưởng, thế là nhân dân yêu nước.!!!
Người ta bắt đầu thu phí xe mô tô không chính chủ. Với một nền giao thông đô thị như VN và những quan hệ gia đình, bạn bè đặc trưng VN thì lượng xe gắn máy không chính chủ VN rất lớn, đây sẽ là nguồn thu béo bở cho ngân sách cũng như cơ hội cho ngành cảnh sát có thêm chút cải thiện.
Người dân sống trong tình trạng lo thom thóp. Giờ họ đã ý thức được rằng đang có những chuyên gia ngồi soi xét xem có thể ra nghị định nào để lấy tiền từ túi họ, thậm chí các chuyên gia còn được cử đi nước ngoài xem bên ngoài họ thu những tiền gì để về thu của dân mình với lý do là các nước cũng làm vậy
. Không ai dám chắc rằng nhà nước, chính phủ sẽ không còn ra thêm nghị định nào để phạt, để truy thu nữa. Đến cả chuyện ngoại tình cũng quy thành tiền phạt, chuyên vợ chồng cãi nhau nặng lời cũng thành tiền phạt....
Có vô số khoản thu, phạt , tăng được đưa ra. Nhưng có hai cái mà chưa bao giờ người ta nghĩ có thể quy được thành tiền mặt, thế nhưng người ta đã nghĩ tới.
Đó là đóng tiền thế chân nghĩa vụ quân sự.
Thực ra cái này không mới, hơn hai mươi năm trước chuyện đóng tiền cho đơn vị hàng tháng, rồi trở về nhà với danh nghĩa đi làm kinh tế. Người lính lúc đó đã phải làm chuyện đóng tiền thế chân hàng tháng để được ở nhà đi làm ăn, miễn sao đến hạn nộp đủ tiền cho đơn vị. Nếu không ở đơn vị cũng đi làm gạch, làm ngói , làm lao động theo hợp đồng mà đơn vị đã ký kết với công ty Z, X nào đó mang nguồn thu về đơn vị.
Gợi ý cho đóng tiền để khỏi đi NVQS thì đã chính thức cho thấy NVQS không phải là điều gì cao cả, thiêng liêng. Mà nó chính là sự thu tiền của nhà nước, thu một cục đầu tiên hay thu dần hàng tháng hoặc đi lao động hàng tháng làm ra tiền cho nhà nước. Thu một cách chính thức này tiện cái ra tấm ra món, dễ quản lý hơn là thu theo kiểu cho lính về đóng hàng tháng, tốn tiền huấn luyện, quân tư trang, cán bộ chỉ huy. Đây là cách thu tiền tiện lợi, văn minh cho cả hai bên  nếu nói theo nghĩa làm ăn kinh tế.
 Một thể chế mà đi lính thành như đi lao dịch, đến mức ai không muốn đi được phép bỏ tiền mua suất lính khỏi phải đi. Không cần nói thêm nhiều, nhưng bán suất lính thế này thì những phóng viên đầu năm cứ giật tile - thanh niên nô nức tình nguyện lên đường nhập ngũ- Những nụ cười phấn chấn- Những lời hứa quyết tâm - Xuân đến hăng hái lên đường làm NVQS- ....hàng trăm bài báo đầu xuân về tinh thần nhập ngũ chỉ là trò tuyên truyền bịp bợp. Nhất là bọn báo nói thanh niên ta vui mừng trúng tuyển NVQS, trúng tuyển gì mà không muốn trúng thì phải bỏ tiền.
Bán suất lính còn có nghĩa muốn xây dựng chế độ, bảo vệ chế độ này. Thì cứ bỏ tiền ra, cũng như tăng cước viễn thông, tăng điện..... Một lần nữa lý do bỏ tiền ra vào nhà nước, thế là yêu nước lại được tái diễn.
Bảo vệ chế độ bỏ tiền đã đành.
Nếu nghị định này được thực thi, thì chống chế độ cũng phải bỏ tiền. Có nghĩa là anh bỏ tiền ra mua quyền chống chế độ.Mỗi lần chống chế độ bằng bài viết, bằng mồm có thể phải mua mất 100 triệu VNĐ
Vui chưa ? Một chế độ mà cái gì cũng quy ra tiền, bảo vệ chế độ cũng tiền, chống chế độ cũng tiền, ngoại tình cũng tiền, mượn xe nhau cũng tiền, đi ra đường là phải có tiền ( lời TBT Nguyễn Phú Trọng) và tổng kết của đại tá Trần Đăng Thanh - chế độ là sổ hưu ( sổ hưu có nghĩa là tiền chứ là gì nữa, chả lẽ sổ hưu để lĩnh giấy báo )
Một chế độ từ than, quặng, đất, dầu khí ...đến sức lao động.. rồi đến thị trường văn hóa ( đạo Khổng )...đến quyền bảo vệ chế độ rồi cả quyền chống chế độ....đều chung mẫu số - tiền. tiền.
Sạch bán chẵn là khẩu lệnh của nhà cái xóc đĩa. Đó là khi vào tiếng bạc kết hay nhà cái '' khát nước '' cào cấu muốn  ăn thua quyết liệt. Cờ bạc có hai mặt, chẵn và lẻ, thường vào khi canh bạc tàn nhà cái mới bán sạch bách một bên như vậy. Thường nhà cái chỉ bán số chênh lệch hai bên. Ví dụ bên lẻ người ta đặt cửa 5 đồng, bên chẵn có 10 đồng. Cái thường bán chẵn 5 đồng. Nhà cái bình tài để giữ lâu bền, ăn tiền hồ, tiền dịch vụ trà nước ăn uống, tiền cầm đồ.

Khi mà nhà cái liên tiếp bán sạch một bên, có nghĩa nhà cái đã khát tiền, thân chinh nhảy từ địa vị nhà cái vào làm thành con bạc. Lúc đó là lúc bạc sắp tàn canh hay bạc sắp loạn vì nhà cái đã khát tiền đến mức mất bình tĩnh. Nhà cái một mặt bán sạch một bên, một mặt khác thu tiền hồ tăng, thu tiền dịch vu tăng...Lúc đó chỉ có tan xới hay thay nhà cái khác trường vốn hơn. 

sạch bán chẵn cũng là tên của bài viết này./.

HÀNG TƯỚNG DƯƠNG VĂN MINH VÀO GIỜ THỨ 25

GIẢI PHÁP CUỐI CÙNG

Ông Thiệu từ chức ngày 21-4-1975, khoảng bốn năm ngày sau báo chí Sài Gòn đăng tin hai ông Thiệu, Khiêm ra đi tại phi trường Tân Sơn Nhất trước sự căm phẫn của mọi người.

Phó Tổng thống Trần Văn Hương lên thay TT Thiệu được bốn, năm ngày bèn ngỏ lời với đồng bào về hiện tình đất nước trên đài phát thanh Sài Gòn, bằng giọng sướt mướt, thở than, đau khổ, ông vừa nói vừa khóc.

“Tôi xin nói thiệt với đồng bào, tình hình hiện nay vô cùng bi đát…  Đồng bào cũng đã biết các vùng Một vùng Hai miền Trung đã hoàn toàn tan rã, vùng Ba, vùng Bốn cũng nay cũng đã bị nhiều sứt mẻ. Rồi nay mai đây những trận đánh sấm sét sẽ đổ xuống đây và rồi Thủ đô Sài Gòn này sẽ thành cái núi xương sông máu. Tôi đã nghĩ đến cái cảnh núi xương sống máu ấy và đã bàn với anh Dương văn Minh, tôi có nói với ảnh như vầy “Bây giờ tôi bàn giao chính quyền cho anh, nhưng bàn giao để anh tìm cái giải pháp hòa bình cho đất nước chứ bàn giao cho anh để anh đầu hàng thì bàn giao làm gì. Hở trời!”
Giọng ông già run run, thảm não, ông khóc thiệt tình khi nghĩ đến cái viễn tượng núi xương sông máu của Sài Gòn, những tiếng khóc não nùng của ông đã gieo kinh hoàng vào lòng mọi người. Bàn dân thiên hạ ai nấy hồn lạc phách siêu, họ không khỏi giật mình khiếp đảm khi thấy mọi bí mật quốc gia đã được nói huỵch toẹt trên làn sóng điện. Đối với người Sài Gòn nay chỉ có thể xác là còn sống, tâm hồn coi như đã chết.
Tin ông Dương Văn Minh sẽ được cử lên làm Tổng Thống thay thế ông Trần Văn Hương không còn là những lời đồn đãi nữa, chính ông Hương đã nói thẳng ra trên đài phát thanh.
Chiều  ngày 28-4-1975, đài phát thanh Sài Gòn tường trình buổi lễ bàn giao chức vụ Tổng thống giữa hai ông Trần Văn Hương và Dương Văn Minh tại dinh Độc Lập, người xướng ngôn viên bằng một giọng bi quan não nề nói:
- Thưa quí vị, chúng tôi đang theo dõi để tường thuật cùng quí vị buổi lễ bàn giao lịch sử ngày hôm nay. Thưa quí vị, bầu trời hôm nay rất là u ám, y như hoàn cảnh đất nước của chúng ta hiện nay. Trong lúc này đang có những tiếng sấm sét nổ rền trên không, bầu trời hôm nay thật thê lương, thưa quí vị tình hình đất nước chúng ta cũng vô cùng ảm đạm.
Một lúc sau lễ bàn giao diễn ra trong bầu không khí buồn tẻ gượng gạo, ông Dương Văn Minh bằng giọng chậm rãi gọi ông Trần Văn Hương bằng thầy. Đối với phía Cộng Hòa Miền Nam ông kêu gọi tinh thần hòa giải dân tộc, và bằng giọng ôn tồn, từ tốn ông khuyên nhủ nhân dân.
“- Xin đồng bào đừng vội bỏ nước ra đi mà hãy ở lại với quê cha đất tổ của mình.”
Báo chí xuất bản chiều nay đăng hình ông Dương Văn Minh mặc áo vét, thắt ca vát, tươi cười với hàng chữ lớn “Đại Tướng Dương Văn Minh Cứu Quốc, ông Dương Văn Minh luôn tỏ ra là người của dân tộc”. Những trang báo cố gắng trấn an, lên giây cót tinh thần người dân Thủ đô vào giờ phút chót, nhưng một lúc sau nhiều tiếng nổ kinh thiên động địa từ phía phi trường Tân Sơn Nhất rung chuyển cả thành phố Sài Gòn, mấy chiếc phản lực cơ A-37 đang chúi xuống ném bom phi trường Tân Sơn Nhất, tại Phú Nhuận người ta nhìn thấy cả hình những trái bom y như những hạt đậu đang rơi xuống.
Chừng hai mươi phút sau, một chiếc quay về phía dinh Độïc Lập vừa bay vừa nhào lộn để tránh đạn, phía dinh có tiếng súng bắn lên dữ dội. Ngoài phố những người hiếu kỳ đứng coi bỗng dưng hết hồn bỏ chạy tán loạn. Mấy chiếc khác lừng lững bay về phía tây bắc trong khi cao xạ ở bến Bạch Đằng bắn nổ lên nổ lụp bụp bên dưới máy bay.
Phía đài phát thanh có nhiều tiếng súng và những tiếng nổ như lựu đạn. Khi ấy ông Dương Văn Minh lên tiếng trên radio cho biết năm phi cơ lạ ném bom phi trường Tân Sơn Nhất. Đúng bẩy giờ đài BBC đọc bản tin tóm tắt về tình hình Việt Nam, người xướng ngôn viên nhấn mạnh từng câu từng chữ.
“- Hôm nay tại Sài Gòn ông Dương Văn Minh được cử lên giữ chức vụ quyền Tổng thống thay thế ông Trần Văn Hương để chuẩn bị cho một cuộc đầu hàng.
- Năm phi cơ lạ ném bom phi trường Tân Sơn Nhất.
- Nhiều loạt súng nổ tại Sài Gòn không biết thuộc bên nào.”
Qua phần bình luận và nhận định người xướng ngôn cho biết lễ bàn giao chức vụ Tổng thống tại Dinh Độc lập chứng tỏ cho thấy sự tan rã của chính quyền  Sài Gòn, người dân Thủ đô đang từ chỗ lo sợ đến chỗ hốt hoảng. Một lúc sau trong phần bình luận người xướng ngôn viên nói bằng một giọng mỉa mai cay đắng.
“Người Mỹ đang chuẩn bị rút lui êm thắm, họ cố gắng bằng mọi cách để giữ gìn thể diện dù phải tháo chạy nhưng Hà Nội lại ra sức làm cho người Mỹ phải bị bẽ mặt đến cùng để còn rêu rao cho cả Á châu được thấy…”
Diễn tiến của tình hình
Cũng vào khoảng thời gian này mười năm về trước người Mỹ bắt đầu đổ quân vào nam Việt Nam. Tháng tư 1969, Wesmoreland tại Hoa Kỳ cho biết nếu Mỹ không đổ quân vào miền Nam Việt Nam giữa 1965 thì sẽ mất trong 6 tháng. Quân số Mỹ tại Việt Nam tăng nhanh từ 184,300 người năm 1965 lên 385,300 người năm 1966… và cao điểm là 536,100 năm 1968. Bắc Việt cùng lúc gia tăng xâm nhập. Họ tăng nhân lực từ 180 ngàn năm 1964 lên tới 261 ngàn trong năm 1967. Kế hoạch “đánh cầm chừng, đánh cho nó sợ” để hăm dọa BV phải vào bàn hội nghị của McNamara-Johnson đã không đạt mục đích mà trái lại còn thúc đẩy phong trào phản chiến lên cao, nhất là sau Tết Mậu thân 1968.
Năm 1969 Nixon lên làm tổng thống thừa hưởng gia tài đổ nát do Johnson và McNamara để lại khi mà phong trào phản chiến đã lên rất cao. Mặc dù hứa hẹn trong khi tranh cử sẽ rút quân về nước trong danh dự nhưng Nixon vẫn nỗ lực tìm mọi cách bảo vệ Việt Nam chống lại sự gia tăng cường độ chiến tranh xâm lược của BV. Khác với Johnson trước đây vào những năm đầu cuộc chiến 1964, 1965 được quốc hội ủng hộ, Nixon ngày càng bị Quốc hội gây khó khăn trở ngại vì cuộc chiến tại đất nhà lên cao dữ dội. Mặc dù giúp VNCH đánh qua các căn cứ hậu cần BV tại Mên Lào nhưng bị chống đối dữ dội tại Mỹ nên không đatï được kết quả mong muốn tại mặt trận Hạ Lào.
Năm 1972 Nixon giúp VNCH đẩy lui cuộc xâm lăng ồ ạt của BV trong trận mùa hè đỏ lửa để lấy ưu thế trên bàn hội nghị và ký kết Hiệp định Paris ngày 27-1-1973, rút quân và đem 587 tù binh về nước.
Sau Hiệp định Paris, quân viện cho VNCH bị cắt giảm dần như sau:
- Sau khi Mỹ rút, viện trợ quân sự cho Việt Nam Cộng Hòa:
-Tài khóa 1973: hai tỷ mốt (2,1 tỷ)
-Tài khóa 1974: một tỷ tư (1,4 tỷ)
-Tài khóa 1975: bẩy trăm triệu (0,7 tỷ).
Năm 1975, giá dầu lên tiền mất giá, đạn tăng giá 27% nên tiền viện trợ chẳng mua được bao nhiêu. Theo ông Cao Văn Viên từ tháng 7-1974 cho tới tháng 4-1975 hỏa lực quân đội VNCH giảm hơn 70%, Trong khi viện trợ quân sự của Cộng Sản quốc tế cho Bắc việt giai đoạn 1973-1975 vẫn không thay đổi mấy so với giai đoạn 1969-1972 .
Lực lượng chính qui BV giai đoạn 1975 (20 sư đoàn) gấp hai lần hồi 1972 (10 sư đoàn), vũ khí đạn dược năm 1975 cũng gấp hai, ba lần 1972.
Ngày 10-3-1975, 3 sư đoàn CSBV tấn công chiếm Ban Mê Thuột. Ngày 11-3-1975 TT Thiệu họp tham mưu cao cấp tại Dinh Độc Lậïp quyết định tái phối trí lực lượng bỏ các vùng cao nguyên để giữ các vùng đông dân cư. Ngày 13-3-75 Quốc Hội Mỹ bác bỏ 300 triệu quân viện bổ túc. Hôm sau ngày 14-3-1975 ông ra lệnh rút bỏ Pleiku, Kontum về Qui nhơn đã dẫn đến thảm bại.
Tại quân khu 1 ông Thiệu cho rút sư đoàn Dù về đưa đi phòng thủ nhiều nơi khác. Ngày 25-3 mất Huế và Chu Lai.  Ngày 27-3 phòng thủ Đà Nẵng trở lên vô hiệu trước sự hỗn loạn của thành phố. Ngày 28-3 Cộng quân pháo vào thành phố gây nhiều  thiệt hại nhân mạng, ngày 29-3 Tướng Trưởng xin lệnh bỏ Đà Nẵng, thành phố lớn thứ hai của Việt Nam coi như thất thủ. Cuối tháng 3-1975 quân khu 1 và 2 coi như lọt vào tay CSBV.
Trước khi phát động  cuộc tổng tấn công Hà Nội lên kế hoạch hai năm 1975 và 1976 để chiếm miền Nam nhưng sau cuộc triệt thoái Cao nguyên và tình hình các quân khu 1 và 2 của VNCH đang trên đà tan rã, Bộ Chính trị BV đã họp ngày 25-3-1975 và khẳng định thời cơ chiến lược mới đã đến, Hà Nội có điều kiện sớm hoàn thành cuộc tổng tiến công xâm lược, tập trung các lực lượng binh khí kỹ thuật giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa.
Theo tài liệu phía CS (hồi ký Văn Tiến Dũng trang 141, 142), BV hối hả chuyên chở bằng cả ba phương tiện thủy, bộ và hàng không để để chuyển vận vũ khí, quân nhu, nhân lực đánh xả láng một ván bài chót. Quân khu 5 của BV tổ chức một đoàn xe chở thẳng vào Nam Bộ tiếp liệu cũng như chiến lợi phẩm vừa lấy được của VNCH, đoàn xe do Thiếu Tướng Võ Thứ, phó Tư lệnh Quân khu 5 chỉ huy. Trong khi ấy các sân bay Gia Lâm, Vĩnh Phú, Đồng Hới, Phú Bài, Đà Nẵng, Kontum nhộn nhịp khác thường, các loại máy bay lên thẳng, vận tải, chở khách đều được huy động để chở người, súng đạn, vũ khí, chở sách báo phim ảnh, tranh, nhạc mà còn chở hàng tấn bản đồ Sài Gòn – Gia Định vừa in xong ở xưởng in Bộ Tổng tham mưu tại Hà Nội.
Các bến sông Hồng, sông Gianh, sông Mã, sông Hàn và các bến cảng Hải Phòng, Cửa Hội, Thuận An, Đà Nẵng ngày đêm nhộn nhịp. Các mặt hàng quân sự được bốc xếp kịp thời lên các đoàn tầu vận tải của Bộ Giao Thông vận tải và tầu Hải Quân nhân dân để đưa vào Nam. Hà Nội huy động hết mọi phương tiện thủy bộ, hàng không để chuyển ra mặt trận một số lượng quân đội và vũ khí lớn chưa từng có.
Ngày 4-4-1975 Phan Rang và Phan Thiết được sáp nhập vào Quân khu 3.
Từ ngày 8-4 -1975 Lê Đức Thọ, trùm CS Bắc Việt chủ tọa phiên họp tại Lộc Ninh với các cán bộ thuộc Trung ương Cục miền Nam và Bộ Tổng tham mưu CS. Thọ tuyên bố thành lập Bộ Tư lệnh chiến dịch giải phóng Sài Gòn Chợ Lớn đặt tên là Chiến Dịch Hồ Chí Minh, Tư lệnh Đại Tướng Văn Tiến Dũng, Chính ủy Phạm Hùng, Phó Tư Lệïnh Thượng Tướng Trần Văn Trà.
BV tấn công Phan Rang ngày 14-4-75 tới ngày 16 thì chiếm được thị xã, hai ngày sau 18-4 Phan Thiết cũng lọt vào tay BV.
Từ ngày 9-4-75 đến 15-4 sư đoàn 18 BB cầm cự anh dũng đẩy lui các đợt tấn công của BV tại Xuân Lộc, Long Khánh, năm ngày sau có lệnh lui binh.
Ngày 18-4 Quốc Hội Mỹ bác bỏ 722 triệu quân viện khẩn cấp do Tổng thống Ford đưa ra. Giới chức ngoại giao quốc tế vận động BV thương thuyết nhưng họ chỉ đòi nói chuyện với ông Dương Văn Minh, yêu cầu TT Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức. Ngày 21-4 ông Thiệu từ chức, phó Tổng thống Trần văn Hương lên thay. Ngày 24-4 ông Thiệu và Thủ tướng Khiêm bỏ nước ra đi.
CSBV đã đưa các quân đoàn vào sát vòng đai phòng thủ Sài Gòn chuẩn bị tấn công, cán cân quân sự nghiêng về phía Bắc Việt.  Theo tài liệu phía CS lực lượng của họ gồm: 4 quân đoàn 1, 2, 3, 4, và đoàn 232,  bao gồm 15 sư đoàn bộ binh, 5 lữ đoàn bộ binh biệt lập, 4 trung đoàn tăng, thiết giáp và 6 trung đoàn đặc công. Quân số tổng cộng khoảng 280 ngàn với 400 xe tăng và 420 pháo. Lực lượng tấn công của BV tương đương với 20 sư đoàn.
Lực lượng VNCH gồm các sư đoàn 25, sư đoàn 5, sư đoàn 18 (bị thiệt hại nhiều sau trận Long Khánh), sư đoàn Biệt động quân 106 mới thành lập, sư đoàn 22 di tản, các lữ đoàn Dù và TQLC di tản, địa phương quân nghĩa quân, toàn bộ tương đương với 5 hoặc 6 Sư đoàn quân với số thiếu hụt. Theo ông Cao văn Viên đạn dược tại Quân khu 3 chỉ còn đủ xài trong khoảng hai tuần lễ (Những Ngày Cuối Của VNCH, trang 92)
Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn Tư lệnh Quân đoàn 3 VNCH khi ấy đã tổ chức phòng thủ Sài Gòn trên 5 tuyến chính với khoảng cách tới trung tâm thành phố xa hơn tầm pháo của đại bác 130 ly của BV đồng thời bảo vệ các căn cứ quan trọng tại Biên Hòa, Củ chi, Lai Khê, Long Bình.
Phía Tây Bắc là Tuyến Củ Chi với Sư đoàn 25 bộ binh (BB) và hai Liên đoàn 8, 9 Biệt động quân. Tuyến Bình Dương ở phía Bắc với Sư đoàn 5 BB. Tuyến Biên Hòa phía Đông Bắc với Sư đoàn 18 BB và lực lượng Xung kích Quân đoàn 3. Tuyến Vũng Tầu và Quốc lộ 15 do Lữ đoàn 1 Dù cùng với một Tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 3 BB và các đơn vị Thiết giáp, ĐPQ, Nghĩa quân của Tiểu khu Phước Tuy phụ trách. Tuyến Long An phía Nam ngoài lực lượng ĐPQ, Nghĩa quân cơ hữu còn  có Sư đoàn 22 BB phụ trách cộng với sự tăng cường của Trung đoàn 12 thuộc Sư đoàn 7 BB, Trung đoàn 14 thuộc Sư đoàn 9 BB và Liên  đoàn 6 BĐQ.
Năm tuyến phòng thủ chính của VNCH cũng trùng với 5 hướng tấn công của năm Quân đoàn CSBV.
Ngày 26-4-1975 CSBV đã bắt đầu tấn công vào Trường Thiết Giáp Long Thành, căn cứ Nước Trong, đặc công tấn công Tân cảng , cầu xa lộ, đài ra đa Phú Lâm nhưng họ thất bại, bị đẩy lui. Bắc Việt đã cho mở chiến dịch Hồ Chí Minh từ 26-4, hai ngày trước khi ông Dương Văn Minh lên làm Tổng Thống chứng tỏ họ không đếm xỉa gì tới việc thương thuyết.
Ngày 27-4 tại nghị trường Diên Hồng lưỡng viện quốc hội họp bỏ phiếu thuận trao quyền Tổng thống cho Tướng Dương Văn Minh. Sáng ngày 27-4 Sư đoàn 3 BV tấn công chiếm Phước Lễ, Lữ đoàn Dù rút về Vũng Tầu, Sư đoàn 18 được lệnh lui về giữ Trảng Bom. Phía Tây các căn cứ dọc theo Vàm Cỏ Đông lần lượt bị Cộng quân chiếm. BV pháo phi trường Biên Hòa dữ dội, Sư đoàn 3 Không quân phải di tản về Tân Sơn Nhất và Cần thơ. Phía Tây Nam Đoàn 232 CS (gồm 3 Sư đoàn) cắt Quốc lộ 4 nhiều nơi để chận viện binh từ Quân khu 4, phía Bắc Quân đoàn 1 CSBV tiến về Thủ Đầu Một, phía Tây Bắc Quân đoàn 3 BV cắt Quốc lộï 1 và 21 để chặn đường rút của Sư đoàn 25 BB.
Chiều ngày 28-4 -1975 Đại Tướng Dương Văn Minh tuyên thệ nhậm chức Tổng thống tại dinh Độc Lập. Chừng một tiếng sau, trung úy phi công nằm vùng Nguyễn Thành Trung hướng dẫn năm phi cơ A-37 của VNCH do BV chiếm được ném bom phi trường Tân Sơn Nhất rung chuyển cả trời đất khiến dân chúng Đô Thành hốt hoảng.
Từ 4 giờ sáng ngày 29-4 Bộ TTM, phi trường Tân Sơn nhất, BTL Hải quân bị pháo kích nhiều. Cộng quân chiếm được Nhơn Trạch đặt hai khẩu 130 ly pháo 300 quả vào Tân Sơn Nhất gây nhiều thiệt hại. Các bãi đậu phi cơ, bồn chứa nhiên liệu, kho đạn bị trúng pháo kích gây nhiều đám cháy lớn. Sư đoàn 325 BV chiếm Nhơn Trạch, thành Tuy Hạ, tiến về Cát Lái. Sư đoàn 304 chiếm căn cứ Nước Trong.
Trong khi ấy ông Dương văn Minh cử ba người sứ giả đến trại David tại Tân Sơn Nhất để thương thuyết ngưng bắn với phái đoàn Quân sự VC nhưng bị Đại tá Võ Đông Giang bác bỏ.
Sáng ngày 29-4 Thủ tướng Vũ Văn Mẫu đọc Văn thư của Tổng thống Dương Văn Minh yêu cầu cơ quan Tùy viên quân sự DAO phải rút lui trong vòng 24 giờ đồng hồ. Ngay sau đó đoàn trực thăng gồm 81 chiếc từ hạm đội vào phi trường Tân Sơn Nhất, tòa Đại Sứ Mỹ,  một số cao ốc… để di tản hơn 1,000 người Mỹ và khoảng 6,000 người Việt ra ngoài hạm đội sau 19 giờ bay liên tục.
Trưa ngày 29-4 các vị Tướng lãnh có thẩm quyền tại Bộ Tổng tham mưu và Biệt khu Thủ đô đều đã “tẩu vi thượng sách”. Khoảng 3 giờ chiều, ông Dương Văn Minh cử một số Tướng lãnh và cựu Tướng lãnh vào làm việc tại BTTM: Trung tướng Vĩnh Lộc Tổng tham mưu trưởng, Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh phụ tá, Lâm Văn Phát Tư Lệnh Biệt Khu Thủ đô. Chiều 29-4 Trung Tướng Vĩnh Lộc họp các Tướng lãnh, sĩ quan cao cấp còn sót lại và kêu gọi mọi người cố gắng hoàn tất trách nhiệm. Tối 29-4 ông Dương Văn Minh vẫn kêu gọi các lực lượng Quân đội VNCH trên đài phát thanh, lời kêu gọi lập đi lập lại suốt đêm.
“Các vị Tư lệnh Quân đoàn, Sư đoàn hãy giữ vững vị trí và chờ lệnh mới”
Tân Tổng Tham mưu trưởng Vĩnh Lộc lớn tiếng chỉ trích TT Thiệu và kêu gọi anh em binh sĩ giữ vững phòng tuyến.
“…Hắn đã để cho cả một đạo quân tháo chạy như một lũ chuột, chính y gây ra thảm trạng này và bây giờ cũng chính y là người bỏ trốn.”
Theo lời kể của Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi, Tư lệnh lực lượng xung kích Quân đoàn 3, vào lúc 12 giờ trưa ngày 29-4-1975, Trung tướng Nguyễn Văn Toàn triệu tập một phiên họp khẩn cấp tại Bộ Tư lệnh Sư đoàn 18 tại Long Bình, chỉ có ba ông: Tướng Toàn, Tướng Khôi và Tướng Lê Minh Đảo (Tư lệnh sư đoàn 18). Tướng Toàn ban lệnh cho Tướng Đảo bảo vệ Long Bình, Tướng Khôi bảo vệ Biên Hòa. Khi ấy Sư đoàn 25 BB tại Củ Chi đã bị đánh tan, Chuẩn Tướng Lý Tòng Bá bị bắt nhưng Tướng Toàn dấu không cho Tướng Khôi và Tướng Đảo biết. Sau đó Tướng Toàn sắp xếp để bỏ trốn bằng trực thăng ra Vũng Tầu cùng các Tướng Lãm, Tướng Hiệp lên tầu đánh cá ra khơi
Buổi chiều 29-4 Bộ Tư lệnh Hải quân và Không quân di tản. Một Liên đoàn BĐQ tại Bến Tranh Bắc Mỹ Tho được lệnh trực thăng vận về Cần Đước ngăn chận Việt Cộng trên liên tỉnh lộ 5A nhưng không có trực thăng, do đó Chợ Lớn được coi như bỏ ngỏ.
Mười giờ tối 29-4 Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi liên lạc với Bộ Tổng Tham mưu, Trung tướng Nguyễn Hữu Có trả lời cho biết ông đang ở bên cạnh Đại tướng Dương Văn Minh (tại dinh Độc Lập)
“Đến 22 giờ 10 có chuông điện thoại reo Trung Tướng Nguyễn Hữu Có gọi tôi ở đầu giây:
- Tôi là Trung Tướng Có đây, tôi đang ở bên cạnh Đại Tướng, anh cho chúng tôi biết tình hình ở Biên Hòa như thế nào?
- Thưa Trung tướng tôi giữ thị xã Biên Hòa, Đảo giữ Long Bình, Toàn đã bỏ chạy, phi trường Biên Hòa bị địch chiếm, áp lực địch rất nặng ở hướng Bắc và Đông Biên Hòa.
1, 2, 3 phút trôi qua, ở đầu giây Tướng Có nói tiếp:
- Đại Tướng hỏi anh có thể giữ vững Biên Hòa đến 8 giờ sáng mai, để Đại Tướng nói chuyện với bên kia được không?
Tôi trả lời không do dự.
- Được, tôi có thể giữ vững Biên Hòa đến 08 giờ sáng mai”
Trong máy điện thoại, tôi nghe văng vẳng tiếng nói của Tướng Có báo cáo lại với Đại Tướng Minh. Cuối cùng Tướng Có nói:
- Lệnh của Đại Tướng cho anh: Chỉ huy phòng thủ bảo vệ Biên Hòa đến 08 giờ sáng ngày 30-4-1975. Chúc anh thành công
Tôi đáp nhận.
Trích trong Chiến Đấu Đến Cùng: Vai Trò Của Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh…
Khoảng gần 2 giờ sáng 30-4 BV pháo kích thị xã Biên Hòa dữ dội rồi tập trung một lực lượng hỗn hợp bộ binh chiến xa cấp trung đoàn từ Ngã ba Hố Nai-Xa Lộ tấn công về hướng Bộ Tư Lệnh Quân đoàn 3. Khi ấy Chiến đoàn 315 VNCH của trung tá Đỗ Đức Thảo xông ra chận địch, hỏa lực chiến xa M-48 áp đảo Cộng quân, giao tranh quyết liệt, một số T-54 bị bắn cháy, địch phải rút. Lúc 2 giờ sáng Tướng Lê Minh Đảo cho biết
Long Bình đã bị tràn ngập phải rút về nghĩa trang quân đội rồi về hướng Thủ Đức.
Khoảng 3 giờ sáng BV lại pháo kích Biên Hòa rất  mạnh và chính xác, Tướng Khôi đoán Cộng quân sẽ tấn công dứt điểm Biên Hòa và ông đã chuẩn bị tung cả ba chiến đoàn Thiết giáp vào trận đánh quyết định. Thật bất ngờ Cộng quân đưa chiến xa dẫn đầu, bộ binh theo sau liền bị Chiến đoàn 315 đánh chận đầu và bọc sườn khiến họ phải rút chạy ngược ra xa lộ, từ đó Biên Hòa yên tĩnh.
Phía Bắc, căn cứ Lai Khê của Sư đoàn 5 bị địch pháo kích dữ dội, quận Bến Cát bị tấn công.
Phía Tây hai  Liên đoàn 8, 9 BĐQ bị thiệt hại nặng, VC bỏ xác cả trăm người cùng 18 xe tăng bị bắn cháy, Quốc lộ 1 giữa Sài Gòn và Củ Chi bị gián đoạn.
Sư đoàn 22 BB vẫn làm chủ được tình hình phía Nam mặc dù bị tấn công.
Ngày 30-4 Trung đoàn 24 BV (SĐ 10) giao tranh ác liệt với quân Dù tại Ngã Tư Bẩy Hiền và Lăng Cha Cả, Cộng quân  bị thiệt hại nặng tới 50% quân số.  BV tấn công trại Hoàng Hoa Thám, BTL không quân. BV xâm nhập Ngã Tư Bẩy Hiền, trong vòng 15 phút có 6 chiến  xa bị Liên đoàn 81 Biệt Cách Dù bắn hạ, họ bị chận đánh tơi bời phải rút khỏi ngã tư Bẩy Hiền.
Theo Tướng Hoàng Lạc, ông Dương Văn Minh lại cử người tới trại David Tân Sơn Nhất để thương thuyết với CS thuộc phái đoàn bốn bên  xem có vớt vát được tí nào không nhưng họ vẫn một mực đòi phải buông súng đầu hàng nếu không sẽ pháo kích tan nát thành phố. Sài Gòn bây giờ đang nằm trong tầm pháo của Cộng quân. Phòng tuyến đã dần dần sụp đổ dưới các đợt tấn công, pháo kích của BV, họ đã vào sát thành phố.
Theo lời Tướng Khôi, 8 giờ sáng ngày 30-4-1975 tại Biên Hòa, liên lạc với BTTM nhưng không được, ông bèn họp các lữ đoàn trưởng, liên đoàn trưởng, chiến đoàn trưởng để trao đổi tin tức, thảo luận tình hình mặt trận, tinh thần binh sĩ rất tốt, không có ai đào ngũ, các sĩ quan thi hành quân lệnh nghiêm chỉnh. Nửa giờ sau, Tướng Khôi kết luận buổi họp, ông cho rằng Biên Hòa không còn là mục tiêu tấn công của CSBV, họ bỏ Biên Hòa tập trung lực lượng tấn công Sài Gòn. Tướng Khôi bèn ban lệnh hành quân điều động các đơn vị của Lực Lượng Xung Kích như Biệt Cách Dù, tiểu đoàn Dù, Lữ đoàn TQLC, lữ đoàn kỵ binh, các chiến đoàn 315, 322, 318 tiến về Sài Gòn theo đường xe lửa Biên Hòa-SàiGòn và xa lộ Đại Hàn để cứu nguy Thủ đô.
Tướng Khôi duyệt đoàn quân lần cuối, các đơn vị VNCH rời Biên Hòa trong trật tự, trang phục chỉnh tề, tác phong nghiêm chỉnh, không hề nao núng, giống y như những lần hành quân trước đây khi còn Đại Tướng Đỗ Cao Trí chỉ huy xông trận trên chiến trường Campuchia. Sau đó ông lên trực thăng quan sát thấy tình hình yên tĩnh, các cánh quân ta tiến đều đặn về hướng về Sài Gòn, những ổ kháng cự của địch bên trục tiến quân bị đè bẹp ngay, khi ấy là 9 giờ sáng ngày 30-4-1975. Tướng Khôi bay về hướng Gò vấp, từ trên cao nhìn xuống thấy những đoàn quân xa chở đầy lính, những xe tăng, xe kéo pháo của CSBV như những con rắn dài trên xa lộ Biên Hòa và trên Quốc lộ 13 bò vào Sài Gòn. Tướng Khôi đáp trực thăng xuống trại Phù Đổng để liên lạc với BTTM, các cánh quân thiết giáp của ông vừa đến cầu Bình Triệu gần khu nhà thờ Fatima. Khi nghe máy thu thanh phát ra lời kêu gọi ngưng chiến đấu của Tổng thống Dương Văn Minh, ông để cho các đơn vị tự động buông vũ khí và chấm dứt quyền chỉ huy của mình.
Lúc 10 giờ 30, TT Dương Văn Minh trên radio lệnh cho sĩ quan các cấp hãy liên lạc với các đơn vị Cộng Hòa Miền Nam nơi gần nhất để giao nạp vũ khí, thực hiện ngưng bắn tại chỗ trong khi ông và chính phủ đang chờ các nhà lãnh đạo Cộng Hòa Miền Nam tới để bàn giao quyền hành tránh đổ máu vô ích. Chuẩn Tướng Nguyễn hữu Hạnh phó Tổng tham mưu trưởng cũng kêu gọi các cấp sĩ quan liên lạc các đơn vị CHMN nơi gần nhất để giao nạp vũ khí. Một giờ sau xe tăng BV vào dinh Độc Lập, họ buộc ông Dương Văn Minh phải lên đài phát thanh Sài Gòn tuyên bố đầu hàng.
Các tài liệu Mỹ (Vietnam, A History; The World Almanac Of The Vietnam War) đều nói Bùi Tín là người đại diện CSBV vào tiếp thu dinh Độc Lập. Nay phía CS đưa ra rất nhiều nguồn tin khác nhau về cuộc tiếp thu này, có người nói Bùi Văn Tùng chính uỷ thiết giáp là người đã tiếp thu, có người nói Cao Đăng Chiếm, có người nói Đại tá Nam Long…. Đối với chúng ta những nguồn tin ấy cũng chẳng có gì đáng bàn.
Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân khu 2 sau khi nghe tin đầu hàng bèn uống thuốc độc tự sát. Tại Căn cứ Lai Khê, Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ, Tư lệnh Sư đoàn 5 tự sát.
Quân khu 4 vẫn còn nguyên vẹn 3 Sư đoàn bộ binh 7, 9, 21 và gần 200,000 Địa phương quân, Nghĩa quân. Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam Tư lệnh Quân Khu 4 không cho giật sập cầu Long An như Tỉnh trưởng đề nghị.
Theo lời kể của Trung uý Lê Ngọc Danh, tùy viên của Tướng Nam thì ông là người nhân ái, sùng đạo Phật không muốn đổ máu thêm.
“Là một tư lệnh Quân đoàn, đã nắm trong tay nhiều đơn vị trung thành, tướng Nguyễn Khoa Nam có thể ra lệnh tiếp tục chiến đấu, nhưng là vị tướng có lòng nhân ái, không muốn binh sĩ và đồng bào đổ máu vô ích, ông không cho phá cầu, ông không muốn có người chết thêm”
Trích trong “Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam”, Bút ký của Trung úy Lê Ngọc Danh.
Thiếu Tướng Lê Văn Hưng, Tư lệnh phó tự sát chiều tối 30-4, hôm sau 1-5 Tướng Nam cũng tự sát lúc 7 giờ 30 sáng, Chuẩn tướng Trần Văn Hai Tư lệnh Sư đoàn 7 cũng tuẫn tiết.
Ngày 30-4-1975 kết thúc cuộc chiến tranh dài nhất thế kỷ khởi đầu từ nửa đêm 19-12-1946 khi Võ Nguyên Giáp ra lệnh tấn công quân Pháp tại Hà Nội. Trước đây tại các nước phương Tây cũng như tại Mỹ, những cuộc biểu tình rầm rộ chống chiến tranh, kết án chính sách xâm lược của Mỹ, đòi hòa bình cho Việt Nam nhưng không thấy ai đòi CSVN rút quân về Bắc thực hiện đình chiến. Nay CSBV xé bỏ Hiệp Định Paris mới ký chưa ráo mực, xua đại binh công khai xâm lược miền Nam trước mắt quốc tế, trước mắt những nước đã ký kết và công nhận Hiệp định Paris. Nay thì cả thế giới cứ trơ mắt ếch ra mà nhìn chẳng thấy ai nói đến công bằng hợp tình hợp lý, như thế thì công bằng ở chỗ nào?
Mười năm sau chiến tranh, năm 1985 cựu Đại Sứ Mỹ Martin đã cho Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng coi bức thư của Tổng thống Dương Văn Minh gửi Martin do một sĩ quan trẻ từ Dinh Độc Lập mang qua sáng ngày 29-4-1975. Bức thư yêu cầu cơ quan DAO rút lui trong vòng 24 giờ đồng. Ông NT Hưng cho rằng đây là một tài liệu lịch sử, văn kiện cuối cùng của VNCH gửi Mỹ, bức thư được in lại trong cuốn Khi Đồng Minh Tháo Chạy trang 393 như sau:
Góc bên trái đề: VNCH, Phủ TT, Số 033-TT/VT
Giữa văn thư ghi:
Mật Hỏa Tốc.
Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa
Kính Gủi Ông Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Thưa ông Đại Sứ.
Tôi trân trọng yêu cầu ông Đại Sứ vui lòng ra chỉ thị cho các nhân viên của Cơ quan Tùy Viên Quốc Phòng DAO rời khỏi Việt nam trong vòng 24 giờ đồng hồ kể từ ngày 29-4-1975 để vấn đề hòa bình Việt Nam sớm được giải quyết.
Trân trọng kính chào ông Đại Sứ.
Sài Gòn ngày 28-4-1975
Đại Tướng Dương Văn Minh
Mật
GS Nguyễn Tiến Hưng có nói thêm:
“Bình luận về thư này Kissinger nói thẳng ra: Vì lịch trình này trùng hợp với lịch trình rút  lui của chúng tôi, nó đã thực sự giúp cho chúng tôi tháo ra mà không bị chỉ trích là Mỹ đã bỏ rơi đồng minh của mình”
(Trang 394)
Khi Martin nhận thư của ông Dương Văn Minh, ông sai cô Eva Kim đánh thư trả lời Tổng thống Dương Văn Minh.
“Kính Thưa Tổng Thống.
Tôi vừa nhận đượïc thư của Ngài đề ngày 28-4 yêu cầu tôi ra chỉ thị ngay cho các nhân viên của Cơ quan Tùy Viên Quốc Phòng DAO rời khỏi Việt Nam trong 24 giờ đồng hồ.
Tôi xin thông báo để Ngài hay là tôi đã ra chỉ thị như Ngài yêu cầu. Tôi tin rằng Ngài sẽ ra lệnh cho quân đội của chính phủ Ngài cộng tác bằng mọi cách để làm dễ dàng cho việc di chuyển các nhân viên DAO.
Tôi cũng hy vọng Ngài sẽ can thiệp với phía bên kia (phía Bắc Việt) để Tùy Viên Quốc Phòng và nhân viên của ông ta được ra đi an toàn và trật tự”
Trân trọng
Graham Martin, Đại sứ Hoa Kỳ.
(Trang 394)
Cũng về giai thoại ông Dương Văn Minh yêu cầu Mỹ rời Việt Nam trong vòng 24 giờ, cựu Đại Tá Phạm Bá Hoa có kể lại trong bài Giờ Thứ 25: theo đó cựïu Đại Tá Nguyễn Linh Chiêu, bạn cũ của ông Dương Văn Minh đã kể lại ngày 15-11-1991 tại nhà riêng của ông Chiêu ở Orange County, ông cho biết đã có dịp tiếp xúc với ông Dương Văn Minh tại Paris đầu năm 1991.
“Toàn bộ câu chuyện ngắn đó có đoạn cựu Đại tá Chiêu hỏi cựu Tổng Thống Dương Văn Minh.
- Tại sao anh mới nhận chức Tổng Thống mà anh ra lệnh đuổi Mỹ về nước?
- ‘Moa’ không đuổi Mỹ. Bản văn đuổi Mỹ là do Đại Sứ Martin (Hoa Kỳ) đưa cho ‘Moa’ và yêu cầu ‘Moa’ phổ biến.
Phần cuối câu chuyện chỉ có thế nhưng nó cho thấy Hoa Kỳ đã an bài chiến tranh chống Cộng của Việt Nam Cộng Hòa chúng ta đến tận cùng chi tiết. Vì vậy mà chúng ta không ngạc nhiên khi bản văn “đuổi Mỹ” vừa phát đi trên làn sóng đài phát thanh Sài Gòn thì từng đoàn trực thăng Hoa Kỳ thuộc Hạm Đội 7 của họ từ ngoài khơi Thái Bình Dương ào ào vào sài Gòn, cứ như các trực thăng đó túc trực ứng chiến trên đường bay của của Hàng Không Mẫu Hạm vậy”
Trích trong Đôi Giòng Ghi Nhớ, Hồi ký của cựu Đại Tá Phạm Bá Hoa.
Nay dần dần nhiều bí mật quốc gia đã được tiết lộ, nhờ đó chúng ta mới thấy tất cả chỉ là một tấn tuồng hề lịch sử, thật hết nước nói.
Ngoài ra, sau ngày 30-4-1975, ông Nguyễn Văn Thành cựu Tổng thư ký phủ Phó Tổng thống tiết lộ khoảng hạ tuần tháng 4-1975, Ông Trần Văn Hương gặp ông Thiệu ở dinh Độc Lập về nói cho ông Thành biết là ông Đại sứ Mỹ nhờ Đại Sứ Anh nói với ông Thiệu hãy bàn giao chức Tổng  thống cho ông Hương để ông Hương bàn giao cho ông Dương Văn Minh. Ông Hương rất bực tức nhưng không từ chối được.
Theo GS Nguyễn Tiến Hưng người Mỹ tin là Hà Nội mới đầu có ý thương thuyết sau lại thôi.
“Bắc Việt đổi ý đêm 27-4.
Tại Sài Gòn theo Đại Sứ Martin, tuy là hồi tháng ba ông đã có tin tình báo là Hà Nội đã quyết định đi tới một chiến thắng hoàn toàn quân sự , nhưng cả ông và Polgar không đặt nặng sự chính xác của bản tin này.Theo ông lý do là vì cùng một lúc đó lại có thông tin từ phía đại diện của Mặt Trận Giải Phóng bên Âu châu, một từ  Stocholm (Thụy Điển) và một từ Paris, cả hai đều cho biết rằng họ cũng muốn có một giải pháp chính trị. Ngoài ra Martin còn suy luận như đã trình bầy ở trên, là chính Hà Nội cũng muốn  một giải pháp chính trị để kết thúc một cách êm đẹp vì họ còn muốn nhận được viện trợ của quốc tế sau này.
Thế nhưng theo ông “Không hiểu vì một lý do nào đó, đêm ngày 27-4, Bắc Việt đã bất chợt thay đổi tín hiệu, quyết định chọn giải pháp hoàn toàn quân sự và như  vậy giải pháp chính trị đã không còn nữa” về điểm này chính Kissinger cũng đã xác nhận trong một cuộc họp báo ngày 5 tháng 5, 1975 rằng cho tới ngày 27-4, Hoa Kỳ vẫn có nhiều hy vọng Hà Nội không định đi tới một chiến thắng hoàn toàn quân sự và còn muốn điều đình với ông Dương Văn Minh .
Khi Đồng Minh Tháo Chạy trang 390-391.
Người Mỹ giả bộ ngây thơ khéo lắm, với cán cân lực lượng quân sự vào những ngày 26 và 27-4-1975 nghiêng hẳn về phía Bắc Việt, họ lại muốn thương thuyết với ông Dương Văn Minh và trong khi VNCH chỉ còn đạn đủ đánh trong mười mấy ngày? Khi cơm đã tới miệng rồi CS lại không chịu xơi? Lịch sử đã cho thấy CS chỉ chịu thương thuyết khi họ đang ở thế yếu thí dụ tại Hà Nội 1945.
Từ sau ngày ký Hiệp Định Ba Lê đến tháng 10-1973 tình hình tương đối yên tĩnh. Tháng 6-1973 Quốc hội Mỹ biểu quyết cắt ngân khoản cho tất cả các họạt động quân sự Mỹ tại Đông Dương Việt, Miên, Lào. Tháng 10-1973 Quốc Hội ra đạo luật hạn chế quyền Tổng Thống về chiến tranh (War Powers Act), Tổng Thống phải tham khảo ý kiến Quốc Hội trước khi gửi quân đi tham chiến.
Đánh hơi thấy Mỹ bỏ Đông Dương, Bắc Việt bèn thay đổi đường lối đấu tranh từ chính trị sang quân sự bạo lực. Đại Hội 21 của Bộ Chính Trị tại Hà Nội trong tháng 10 quyết định đấu tranh quân sự, trước hết tiến đánh các đồn bót lẻ tẻ, phát triển tuyến đường xa lộ Đông Trường Sơn.
Sau khi ký Hiệp định Paris, Hà Nội cho khởi công xây tuyến đường xa lộ Đông Trường Sơn hay hành lang 613, song song với đường mòn Hồ Chí Minh nhưng nằm trong địa phận Việt Nam Cộng Hòa từ Đồng Hới cho tới Lộc Ninh, đến đầu 1975 thì công trình hoàn thành dài 1,200 km. Dọc theo Đông Trường Sơn là hệ thống dẫn dầu từ Quảng Trị qua Tây Nguyên tới Lộc Ninh.
Họ đã xử dụng 16 ngàn xe vận tải để chuyên chở binh khí, kỹ thuật, đạn dược, lương thực chuẩn bị cho chiến trường miền Nam trong hai năm 1973 và 1974. Chiều dài toàn bộ hệ thống chiến lược Trường Sơn tới 1975 là 16,000 km gồm 5 hệ thống đường trục dài 5,500 km, 21 đường trục ngang dài 1,020 km, một đường hệ thống dẫn dầu dài 5,000 km.
Như thế BV đã chuẩn bị cho kế hoạch đánh chiếm miền Nam bằng quân sự từ sau Hiệp định Paris, khó có thể tin rằng họ muốn thương thuyết bằng giải pháp chính trị như người Mỹ lầm tưởng hoặc giả vờ lầm tưởng
Do sai lầm trong kế hoạch tái phối trí lực lượng của TT Thiệu, Quân khu 1 và 2 đã lọt vào tay CS nhanh chóng cuối tháng 3-1975, miền Nam mất khoảng hơn 40% vũ khí đạn dược, mất 40% các đơn vị tinh nhuệ, thiện chiến, thiệt hại khoảng trên 700 khẩu pháo, trên 800 thiết giáp, các kho đạn, tiếp liệu tại miền Trung mất hết, một phần lớn lọt vào tay BV. Trước tình hình này, trong tháng 4-1975 miền Nam không còn một tia hy vọng tồn tại ngoại trừ sự yểm trợ của B-52.
Hạ tuần tháng 4-1975, BV đưa nốt 3 Sư đoàn tổng trừ bị thuộc quân đoàn 1 vào Nam nâng tổng số lên gần 20 Sư đoàn với quân số bổ sung  đầy đủ  bao vây Sài Gòn chặt chẽ (Toàn bộ lực lượng BV gồm 4 quân đoàn 1, 2, 3, 4, và đoàn 232 tổng cộng  15 Sư đoàn bộ binh, 6 trung đoàn đặc công, trên mười trung đoàn độc lập) trong khi phòng tuyến bảo vệ VNCH  chỉ có khoảng chưa tới 6 Sư đoàn với quân số thiếu hụt. Trước sự chênh lệch quá nhiều cả về vũ khí đạn dược và quân số như vậy tại sao BV lại phải thương thuyết với Dương Văn Minh? Theo ông Trần Văn Đôn trong hồi ký Việt Nam Nhân Chứng,  Đại Sứ Martin cho biết Hà Nội chỉ muốn nói chuyện với ông Dương Văn Minh mà thôi.
Khoảng 22, 23 – 4-1975, Cộng quân pháo kích 4 hỏa tiễn  120 ly nổ long trời vào Khánh Hội gây nhiều đám cháy lớn, đài BBC cho biết họ cảnh cáo chính phủ Sài Gòn  phải bàn giao cho một chính quyền do họ chỉ định. BV cương quyết đòi ông Nguyễn Văn Thiệu và Trần Văn Hương phải từ chức bàn giao cho Dương Văn Minh để đánh lạc hướng, họ không muốn chính quyền Sài Gòn trong tay những người có lập trường cứng rắn như các ông Thiệu, Hương vì BV sẽ phải tổn thất nhiều mới chiếm được một thành phố Sài Gòn tan nát. Với chính phủ ôn hòa Dương Văn Minh, cường độ chiến tranh sẽ nhẹ hơn, họ sẽ  dễ dàng chiến thắng, chúng ta đã thấy từ ngày 26-4-1975, trước khi Dương Văn Minh lên làm Tổng Thống, Cộng quân đã bắt đầu mở chiến dịch Hồ chí Minh, họ không đếm xỉa gì tới thương thuyết.
Người Mỹ cũng vờ vĩnh giàn xếp tìm giải pháp thỏa hiệp để ru ngủ dân Sài Gòn ngõ hầu ra đi êm thắm, họ cũng vờ nói vài câu nhân nghĩa, sự thực có mất gì một lời nói.
Ông Trần Bình Nam đã tóm tắt một tài liệu của CIA giải mật ngày 19-2-2009, dài 243 trang (CIA and the generals: Covert Support to the military government in South Vietnam) đăng trên báo điện tử Danchimviet.com, tuy nhiên Trần Bình Nam cũng cho biết, các tài liệu nhất là tình báo không hoàn toàn trung thực, chúng tôi xin trích một số đoạn dưới đây từ bài CIA Và Các Ông Tướng, Chương 9 – Tìm Lối Đầu Hàng Và Di Tản.
Dưới đây là đoạn nói về BV quyết định dùng quân sự.
“Ngày 16-4 quân đội Bắc Việt chiếm Phan Rang…….. Tin tình báo của CIA từ Hà Nội xác nhận tin  đã biết rằng Hà Nội quyết định chiếm Sài Gòn bằng vũ lực càng sớm càng tốt, chậm lắm là trước ngày sinh nhật của ông Hồ Chí Minh 19-6“
Nói về việc bàn giao Tổng thống 28-4 dưới đây.
“Sự nhậm chức của Minh không thay đổi gì kế hoạch của Hà Nội kết thức chiến tranh bằng vũ lực như nguồn tin tình báo từ Hà Nội đã cho biết”
Đoạn nói về Tướng Minh cử người ra Hà Nội thương thuyết khoảng 24, 25, 26-4, về điểm này có khác với nguồn tin báo chí Sài Gòn hồi ấy (4-1975) cho biết miền Nam (ông Minh) đề nghị cử một bộ trưởng ra Bắc nhưng bị Hà Nội bác bỏ.
“Phe tướng Minh cũng ráo riết chuẩn bị. Minh gửi hai phụ tá sang Paris gặp phái đoàn Bắc Việt và xin gửi một phái đoàn ra Hà Nội. Đại diện Hà Nội trong Uỷ ban Quân sự bốn bên đề nghị phương tiện di chuyển với phái đoàn Hoa Kỳ, và Hoa Kỳ cho một máy bay đặc biệt đưa phái đoàn của Minh ra Bắc”
Đoạn dưới đây cho thấy Mỹ sắp xếp để Sài Gòn đầu hàng, chẳng thế mà khi ông Dương Văn Minh vừa lên làm Tổng thống, đài BBC đã nói trắng ra là để đầu hàng.
“Ngày 18-4 Hanos G Toth, một đại tá người Hungary trong phái đoàn quốc tế kiểm soát đình chiến gặp Polgar (CIA) và cho biết qua các cuộc nói chuyện với phái đoàn Hà Nội ông ghi nhận rằng Hà Nội chỉ muốn tăng sức ép để Sài Gòn sụp dần chứ không muốn có  một cuộc tấn công quân sự để kềt thúc chế độ. . . . Toth nói Hungary từng nếm mùi thất trận và tàn phá nên không muốn thấy Sài Gòn bị tàn phá như Berlin năm 1945. Polgar hiểu đây là lời nhắn của Hà Nội nên bên cạnh việc di tản, Polgar và đại sứ Martin lo tìm cách thuyết phục Thiệu từ chức và thành lập một chính phủ liên hiệp gồm các thành phần thiên Cộng để đầu hàng “
Nói chung hồ sơ giải mật trên cũng không mới lạ gì cho lắm, qua một số đoạn trích dẫn chúng ta thấy BV giả vờ thương thuyết để làm cho chính quyền Sài Gòn sớm tan rã. Còn phía Hoa Kỳ thì rõ ràng là họ sắp xếp đưa Dương Văn Minh lên để đầu hàng cho được việc nhà nước. Chẳng qua Dương Văn Minh cũng chỉ là quân cờ của Mỹ như Nguyễn Văn Thiệu mà thôi.
Kết Luận
Trong phần kết luận cuốn Những Ngày Cuối Của VNCH, cựu Tổng Tham mưu trưởng Cao Văn Viên cho rằng cấp lãnh đạo VNCH không nhận  thấy rõ sự thay đổi chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ khi họ chuyển sang thỏa hiệp hòa hoãn với Trung Cộng, Nga Sô. Vì vậy lãnh đạo VNCH đã không uyển chuyển thay đổi chính sách quốc gia cho phù hợp với tình thế mà vẫn tin tưởng vào những lời hứa hẹn xa vời của người Mỹ.
Cựu Tướng Viên cho thấy ông Thiệu sai lầm ở chỗ vẫn theo đuổi kế hoạch quân sự cứng rắn mà theo ông nó đã lỗi thời vì Hoa Kỳ đã thay đổi chính sách, thỏa hiệp với Cộng Sản quốc tế. Theo Tướng Viên ông Thiệu đúng ra phải uyển chuyển thay đổi kế hoạch quốc gia có nghĩa là nên thương thuyết với BV sau khi ký hiệp định Paris. Ông Thiệu đã sai lầm về chính trị mà cả về quân sự, như chúng ta đều đã biết kế hoạch tái phối trí lực lượng của ông để rút bỏ Quân khu 1 và 2  đã đưa tới sụp đổ tan tành.
Ông Cao Văn Viên cho rằng sau Hiệp định Paris 27-1-1973, VNCH cần phải uyển chuyển thay đổi kế hoạch quốc gia, như vậy con đường thương thuyết, hòa giải của ông Dương Văn Minh được coi như phù hợp với thực trạng và tình thế nhưng chua chát thay ông ta lại không đủ khả năng để làm chuyện ấy. Hẳn ai cũng  đều đã biết sau ngày 1-11-1963, Dương Văn Minh đã nắm quyền Quốc trưởng, cờ đến tay mà còn chẳng phất được thì thử hỏi với tình hình bấp bênh như “trứng đứng đầu gậy” tháng 4-1975, ông có thể làm gì hơn được?
Nhiều người cho rằng Tổng thống Nixon và phụ tá Kissinger ép buộc VNCH ký kết hiệp định Paris đưa tới sụp đổ miền Nam, nay nhiều bí mật đã được tiết lộ, việc cắt giảm quân viện tới xương tuỷ mới là nguyên nhân chính. Bản tin Việt Ngữ đài VOA ngày 2-7-2007 nói cựu bộ trưởng quốc phòng Laird thời Nixon lên tiếng cho biết VNCH thua trận vì bị Mỹ cắt viện trợ.
CSVN đã tiết lộ trong một buổi hội thảo qui mô tại Sài Gòn ngày 14-4 và 15-4-2006 (theo BBC.com) trong giai đoạn 1961-1964 CS quốc tế viện trợ cho miền Bắc 70,295 tấn hàng quân sự, mười năm sau giai đoạn 1973-1975 viện trợ ấy đã tăng lên 724,512 tấn, gấp hơn 10 lần.
Trong khi ấy tiền quân viện của Mỹ cho miền Nam giảm dần
- Tài khóa 1973: hai tỷ mốt (2,1 tỷ)
- Tài khóa 1974: một tỷ tư (1,4 tỷ)
- Tài khóa 1975: bẩy trăm triệu (0,7 tỷ).
Trong khi đó thì cuộc khủng hoảng dầu lửa đã làm giá săng nhớt tăng gấp bốn. Bởi vậy mãi lực thật của ngân khoản ấy chỉ là trên dưới 350 triệu.
Khoản quân viện 350 triệu hồi 1975 còn thua kém quân viện 1963 (384 triệu) chút đỉnh. So sánh viện trợ quân sự cho miền Bắc và miền Nam ta có thể đoán đã có sự xếp đặt ngầm của các siêu cường.
Nay người ta nhìn nhận phản chiến hay cuộc chiến tại đất nhà là nguyên do chính đưa tới cắt giảm viện trợ bỏ Đông Dương vì nó đã thúc đẩy Quốc hội trói tay chính phủ. Lập pháp Hoa Kỳ dựa vào lá phiếu của người dân, nay phong trào phản chiến đã nắm được Quốc hội, chúng ta không lấy làm lạ việc lập pháp cắt viện trợ bỏ rơi Đông Dương không thương tiếc. Người Mỹ chỉ trích Nixon đã kéo dài chiến tranh thêm 4 năm nữa (1969-1972) làm thiệt mạng thêm hơn 20,000 quân Mỹ, thiệt hại vô ích. Nhiều người Việt quốc gia đổ trách nhiệm cho Nixon, Kissinger làm sụp đổ miền Nam. Sự thực lên làm Tổng thống đầu năm 1969 Nixon đã hứa chấm dứt chiến tranh trong danh dự, đưa quân về nước, ông vẫn cố níu kéo miền Nam nhưng cuộc chiến tại đất nhà lên quá cao khiến ông đành bó tay không làm gì được.
Nhiều người tin tưởng nếu Nixon còn làm Tổng thống thì miền Nam chưa chắc đã mất, sự thực dù ông có còn tại chức thì cũng bị Quốc hội trói tay vì không còn ngân khoản để dùng sức mạnh của pháo đài bay B-52 trừng trị CSBV vi phạm, và vì đạo luật mới War Powers Act (10-1973) hạn chế quyền Tổng thống về chiến tranh. Khi BV xua quân chiếm miền Nam, ông cũng sẽ chỉ phản đối xuông cho có hình thức chứ cũng chẳng làm gì hơn được.
Cựu Đại Tá Phạm Bá Hoa nói:
“Trong lúc trên dưới 200,000 quân của Quân đoàn IV, chưa một trận đánh quan trọng nào, cũng chưa một vị Tư lệnh nào bỏ chạy, đã phải buông súng đầu hàng theo lệnh của Tổng thống Dương Văn Minh!
Giờ Thứ 25.
Ông Phạm Bá Hoa tỏ vẻ tiếc vì quân khu 4 vẫn còn nguyên vẹn 3 sư đoàn chính qui (SĐ7, SĐ9, SĐ21) và gần 200,000 Địa phương quân, Nghĩa quân mà phải đầu hàng. Mặc dù có thể rút về Vùng 4 cầm cự thêm được một, hai tuần lễ, nhưng ông Dương Văn Minh đã quá chán nản tuyệt vọng tuyên bố đầu hàng để tránh đổ máu vô ích, ông không muốn có người chết thêm. Cũng có thể ông làm theo ý muốn của người Mỹ, họ muốn Miền Nam thua nhanh gọn để ra đi êm thắm không còn ưu tư khắc khỏai.
Trả lời một cuộc phỏng vấn ở Hải Ngoại, Dương Văn Minh nói:
“Tôi không cứu được nước nhưng tôi phải cứu dân”.
Có người kết án ông đầu hàng giặc, có người khen ông đã cứu được Sài Gòn khỏi cơn binh đao, khói lửa nhưng dù ông Dương Văn Minh hay một nhà lãnh đạo nào khác trong giai đoạn này cũng chỉ làm được đến thế thôi. Mặc dù không phải chính trị gia lỗi lạc, ông cũng đã có lòng ở lại với đất nước đang trong cơn nguy khốn để hy vọng tìm được một lối thoát cầu may.
Mấy năm trước nhân ngày kỷ niệm Quốc hận 30-4-2006 tại hải ngoại, một nhà báo có nói Sài Gòn cuối tháng 4-1975 có nhiều thứ rác, trong đó có cả rác chính quyền, ông Dương Văn Minh đã đi lượm cái danh chính quyền mà người ta vứt bỏ vào đống rác. Câu nói thật chua chát nhưng cũng rất chân thực, chính quyền vào giờ thứ 25 như một ngọn đèn cạn dầu cháy leo lét chỉ một cơn gió thoảng là phụt tắt, người ta đã vứt nó vào đống rác nhưng ông Dương Văn Minh vẫn còn tiếc rẻ lượm lên cái hư danh ấy.
Chiều ngày 29-4, Tướng Dương Văn Minh cử ba người sứ giả vào trại David Tân Sơn Nhất để thương thuyết và xin phía CS đừng pháo kích thành phố  Sài Gòn, phía CS  yêu cầu tân Tổng thống phải đầu hàng sớm để tránh đổ máu.
Dương văn Minh dù không có tài nhưng ông đã tỏ ra có nhiều tình thương và thiện chí với dân chúng Thủ đô, đã làm hết sức mình để tránh thảm cảnh núi xương sông máu cho nhân dân. Nhiều người lên án ông là kẻ đầu hàng quân xâm lược, dù ông Dương Văn Minh có lên thay thế ông Trần Văn Hương hay không thì miền Nam cũng vẫn sụp đổ, cũng vẫn phải đầu hàng vì như đã nói ở trên, sau khi ông Thiệu ra đi, đạn dược tiếp liệu của quân đội hầu như kiệt quệ, chính quyền miền Nam y như một ngọn đèn cạn dầu chỉ cần một cơn gió thoảng là phụt tắt.
Cựu TT Nixon nói:
“Ngày 21 tháng 4, Tổng thống Thiệu từ chức hy vọng rằng người kế vị ông có thể  tránh cho Sài Gòn khỏi bị tan nát vì trận đánh cuối cùng. Một thời gian sau Tướng Dương Văn Minh lên thay, ông Minh định thương thuyết với đối phương, nhưng chẳng có hy vọng gì. Sài Gòn chẳng còn gì để thương thuyết. Hà Nội thấy thắng lợi đã gần kề nên không thích thương thuyết mà chỉ muốn nuốt trọn.
Ngày 30-4 năm 1975, xe tăng của BV nghiến xích sắt trên đường phố Sài Gòn, quân đội VNCH mất hết tinh thần . Lúc này chống cự với quân xâm lược chỉ là vô ích”
No More Vietnams, trang 200
Sau ngày miền Nam sụp đổ, được CS phục hồi quyền công dân, ông Dương Văn Minh đã phát biểu nhiều câu có lợi cho quân chiếm đóng, ông đã tự hại ông, đã tự chôn vùi danh dự của mình. Khi sơn hà nguy biến ông đã có can đảm đứng ra gánh vác việc quốc gia đại sự, sao lại không giữ khí phách đến cùng để lưu danh muôn thuở?
Người ta thường nói cháy nhà ra mặt chuột, nước rặt mới biết cá thối, vào Giờ thứ 25 của miền Nam, trong khi nhiều vị Tướng lãnh từ một  sao cho tới bốn sao đã lên kế hoạch “Tẩu vi thượng sách”, vẫn có những vị anh hùng khác với lòng quả cảm và tinh thần trách nhiệm cao đã chiến đấu anh dũng, gan dạ cho đến giờ phút cuối cùng của cuộc chiến như các Tướng Trần Quang Khôi, Lê Minh Đảo, Lý Tòng Bá, Lê Nguyên Vỹ…
Mặc dù không thấy một tia ánh sáng cuối đường hầm, họ vẫn can đảm, chiến đấu hết lòng cho đất nước tới giờ phút chót, nhưng tiếc thay số người   trọng danh dự như thế xem ra quá ít. Mặc dù ít, nhưng các vị này cũng đã giúp giữ được danh dự cho Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa./.
 Trọng Đạt

Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

HỒI KÝ HAI LẦN VƯỢT TÙ CẢI TẠO CỦA NGƯỜI NHÁI LÊ ĐÌNH AN

Thứ bảy, ngày 20 tháng tư năm 2013


Đây là đoạn hồi ký của tôi trong những ngày Cộng sản chiếm miền Nam, và 2 lần vượt ngục tù cải tạo trong 3 năm sống với chế độ Cộng sản. Hồi ký này tôi viết tại trại tỵ nạn Mã Lai, Tiểu bang Kelantan, Tỉnh Kotabaru.

Mùa Thu, năm 1978.
Dĩ vãng hiện lên đầu óc tôi như cơn ác mộng bi thương buồn thảm!
...Ngày 21-4-75, tôi được báo cho biết có cuộc họp báo nơi phòng Khánh Tiết (trong Dinh Độc Lập). Nội dung cuộc họp báo tôi chưa được

biết, đó cũng là việc làm bảo mật thường ngày của khối Cận Vệ chúng tôi.

Cuộc họp báo lúc 19 giờ đêm 21-4-75.

Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức, bàn giao chức vụ lại cho Phó Tổng thống Trần Văn Hương làm Tổng thống theo Hiến Pháp do Lưỡng Viện Quốc Hội chỉ định.

Trong lúc chiến sự gay go nguy hiểm, Cộng quân đã chiếm toàn miền Trung và đang bao vây Tỉnh Long Khánh. Tin Tổng thống Thiệu từ chức đã làm cho toàn thể Quân Lực đang chiến đấu với Cộng quân trên khắp các mặt trận bị giao động hoang mang mất hẳn tinh thần.

Đến chiều ngày 28-4-75, Tổng thống Trần Văn Hương họp báo giao quyền Tổng thống lại cho Đại tướng Dương Văn Minh theo yêu cầu của Lưỡng Viện Quốc Hội VNCH.

Ngày 29-4-75. Tổng thống Dương Văn Minh ra lệnh trục xuất người Mỹ phải rời khỏi Việt Nam trong vòng 24 giờ.

Cảnh tao loạn đã diễn ra khắp nơi trong đô thành, trong khi các phái bộ Hoa Kỳ cấp tốc rời khỏi VN do cuộc không vận khổng lồ từ các căn cứ ở Thái Lan, Phi Luật Tân và Hàng Không Mẫu Hạm Đệ Thất Hạm Đội chờ sẵn ngoài khơi. Trong lúc đó người dân VN cũng được không vận ra đi với các gia đình nhân viên làm việc cho Mỹ, cũng trong số đó có cả quân nhân, công chức cùng thoát đi.

Tình hình chiến sự càng lúc càng thêm nguy ngập, Cộng quân đã cắt hẳn các con đường vào thành phố và đang tập trung quân để bao vây đô thành.

Về phần tôi, sau khi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức, 2 ngày sau tôi được lệnh hộ tống đưa Tổng thống phu nhân lên phi trường để đi Đài Loan. Anh em Cận Vệ chúng tôi vẫn túc trực ứng chiến 24/24 tại Dinh Độc Lập. Tôi được biết Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu sau khi từ chức vẫn còn ở lại trong Dinh Độc Lập cho đến đêm 25-4-75. Phái bộ Hoa kỳ vào Dinh “rước đi” cùng lúc với thành phần Nội Các chính phủ của Ông. Khối Cận Vệ lúc bấy giờ do Trung Tá Võ Trung Thứ điều hành, và tất cả cận vệ viên từ Sĩ quan, hạ Sĩ quan và binh sĩ vẫn còn túc trực, vì nhiệm vụ của khối Cận Vệ là bảo vệ vị nguyên thủ quốc gia. Khi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra đi, chúng tôi lại có nhiệm vụ bảo vệ vị nguyên thủ đương nhiệm Tổng thống Trần Văn Hương và rồi đến Tổng thống Dương Văn Minh.

Đối với Ông Trần Văn Hương thì tôi là một trong số những Người Nhái có nhiệm vụ bảo vệ cho Ông từ khi đang giữ chức vụ Thủ tướng, Đại tướng Nguyễn Khánh giải nhiệm Ông Trần Văn Hương vào năm 1965. Cộng sản đã lên 7 bản án tử hình, BTL/HQ chỉ thị cho toán Người Nhái bảo vệ an ninh cho Ông.


Ông cụ mỗi đêm thường gọi tôi đến bên Ông ngồi chung trên chiếc võng đong đưa trong tiền đình của ngôi nhà Santa Maria tại Vũng Tàu. Ông kể cho tôi nghe những mẩu chuyện trong đời Ông từ thời kháng chiến chống Pháp trong bưng biền và cho đến lúc Ông ra làm Đô trưởng đô thành Sài Gòn Chợ Lớn, rồi đến chức vụ Thủ tướng cho đến lúc bị giải nhiệm. Ông thân thiết và thường khuyên bảo tôi như con cháu trong nhà. Được vài tháng sau tôi và một số NN trở về BTL/HQ để nhận công tác đo nước lập thủy đạo, cập nhật hải đồ các bãi đổ bộ cho toàn miền Nam, từ Bến Hải đến Đảo Phú Quốc suốt mấy tháng trường. Mãi đến năm 1971, Ông Trần Văn Hương ứng cử Phó Tổng thống chung liên danh với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Khối Cận Vệ Phủ Tổng thống đề cử tôi làm Sĩ quan trưởng toán Cận Vệ để bảo vệ cho Ông trong suốt thời gian Ông cụ đi vận động tranh cử cho đến khi đắc cử.

Sau lễ Đăng Quang nhậm chức Phó Tổng thống, toán Cận Vệ chúng tôi trở về nhiệm sở khối Cận Vệ Phủ Tổng thống, Ông cụ gọi tôi vào và ngỏ ý muốn tôi ở lại làm việc cho Ông, tôi cám ơn Ông cụ và từ chối. Vì nhiệm vụ của toán Cận Vệ chúng tôi là bảo vệ cho Ông cụ và cùng lúc huấn luyện cho toán Vệ Sĩ của Phủ Phó Tổng thống về các phương pháp bảo vệ an ninh cho yếu nhân do Đại úy Cương (cháu ruột của Ông cụ) làm trưởng toán. Vì có những liên hệ như trên nên khi Phó Tổng thống Trần Văn Hương đảm nhiệm chức vụ Tổng thống VNCH do Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bàn giao, tôi lại nhận trách nhiệm Sĩ quan Cận Vệ cho Ông cụ.
Đến ngày 28-4-75. Đại tướng Dương Văn Minh nhận chức vụ Tổng thống VNCH do Lưỡng Viện Quốc Hội yêu cầu Tổng thống Trần Văn Hương bàn giao.
Đại úy TBH (cháu ruột của Tổng thống Dương Văn Minh) giữ chức vụ Trưởng Phòng Cận Vệ, lại giao cho tôi và Chuẩn úy Trang Đức cận sát để bảo vệ cho TT Dương Văn Minh. Đại úy H biết rõ và tin tưởng khả năng võ thuật và tác xạ của tôi vì Đại úy Huệ phục vụ bên Võ Phòng Phủ Tổng thống lúc trước, nên Đại úy H thường thao dượt luyện võ với tôi. Cũng vì vậy mà tôi phải túc trực 24/24.
Tối đêm 29-4-75. Cộng quân pháo kích vào đô thành khắp nơi, tôi và Thiếu tá Trần Chí Đức trưởng toán 4 Cận Vệ, đang phân phối điểm gác tại tư dinh số 3 đường Trần Quý Cáp, Đại úy H giao cho tôi tấm vải trắng để xé ra đeo trên cánh tay trái để làm ám hiệu, tôi nghi ngờ hỏi Đại úy H: tại sao lại dùng vải màu trắng làm ám hiệu? Đại úy H không trả lời. Thiếu tá Trần Chí Đức trưởng toán 4 liền lên xe Jeep bỏ đi mất. Một lúc sau thấy không an toàn vì pháo kích nên Tổng thống Minh và Nội Các chính phủ cùng gia đình vào dinh Độc Lập nghỉ đêm.
Trung Tá Võ Trung Thứ họp Sĩ quan chúng tôi lại và rưng rưng nước mắt: Có lệnh cấp trên, các Anh Em hãy nghe tôi. Hãy nghĩ đến gia đình các anh mà theo lệnh cấp trên. Buông súng xuống!Tất cả nhục nhã này tôi xin gánh chịu các anh đừng nên chống lại nữa vô ích….
Trung Tá Thứ còn nói nhiều nữa, nhưng tôi không còn nghe gì được nữa cả, uất hận tuôn trào, tôi cảm thấy chơi vơi nhục nhã đau đớn ê chề. Tôi nghĩ nếu chúng tôi thật sự chống trả thì dầu cho Cộng quân có bao vây dinh Độc Lập bằng chiến xa, pháo binh hay tấn công bằng phi cơ, thì chúng tôi cũng có thể giữ được ít nhất là nửa tháng. Chúng tôi căm tức nhưng biết mình cũng không xoay sở được gì!
Sau khi suy tính cùng các anh em Cận Vệ, tôi và một số anh em cùng lên xe Jeep chạy đến Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ với hy vọng được rời khỏi Việt Nam trong những chuyến trực thăng di tản cuối cùng, chớ không thể bó tay đầu hàng Cộng sản được.
Nhưng chúng tôi không thoát được định mạng đã an bài, vì khi đến Tòa Đại Sứ Mỹ nhìn thấy dân chúng đang chờ đợi ngoài vòng rào đông quá, không thể nào trực thăng chở đi hết được vì đúng 12 giờ đêm 29-4-75 là hết thời hạn di tản. Chúng tôi chờ mãi đến 5 giờ sáng ngày 30-4-75. Thất vọng và chán nản quá chúng tôi đành quay trở về dinh Độc Lập. Đầu óc tôi cứ quay cuồng câu Nước Mất, Nhà Tan.
6 giờ sáng ngày 30-4-75. Chúng tôi hộ tống Tổng thống Dương Văn Minh qua dinh Thủ tướng để họp Nội Các. Cộng quân bắt đầu pháo kíchmạnh hơn vào thành phố, dân chúng chạy loạn khắp nơi, 9 giờ sáng, 2 chiếc trực thăng dành riêng cho Tổng thống cất cánh rời khỏi dinh Độc Lập do các Sĩ quan phi công bỏ đi đúng như dự tính, nhưng vì tôi không có mặt nên đành lỡ chuyến. Dự định của chúng tôi sẽ đi khuya đêm 29-4-75, nhưng sợ cất cánh ban đêm sẽ bị bắn vì có lệnh giới nghiêm, nên phải đợi đến sáng.
Trung Tá Lân Chỉ Huy Trưởng Liên Đoàn An Ninh Danh Dự, Thiếu tá Hậu Trưởng Khối An Ninh Phủ Thủ tướng và tôi cùng bàn thảo nên thoát đi bằng cách nào, nhưng vẫn vô kế, vì đường về miền Đông và miền Tây đều bị cô lập. Chúng tôi nhìn nhau mà lòng buồn man mác.
Tiếng súng vẫn nổ vang rền trên các đường phố, máy truyền tin bên cạnh chúng tôi vẫn vang lên lời báo cáo khắp nơi về. Cộng quân đang giao chiến tại Gò Vấp. Ngã Tư Bảy Hiền đã thấy bóng Việt cộng. Cầu Nhị Thiên Đường đang đánh.... Tiểu Đoàn Dù đang đụng độ dọc theo các chốt đóng trên xa lộ, v.v.

10 giờ 30, chúng tôi hộ tống TT Minh về dinh Độc Lập, trên tay chúng tôi khẩu súng đã trở thành vô dụng, vì không được nổ súng trong mọi trường hợp. Anh em chúng tôi đưa mắt nhìn nhau mà không nói được lời nào. Rồi việc phải đến đã đến. Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, đúng như sự nghi ngờ về ám hiệu màu trắng tôi đã nêu trên.
Đầu hàng! Đầu hàng à! Trời ơi! Chúng tôi phải chịu nhục nhã như vầy sao?
Tổ Quốc quấn khăn tang, mây che phủ đầu trên thành phố thân yêu. Hàng vạn nhà ra tro ra khói bốc cao trời.
Bài ca “Vuốt Mặt” như vang lên đâu đây... làm cho tôi tê tái giọng ca uất hờn như tiếng nấc nghẹn ngào của Quê hương. VIỆT NAM ƠI! VIỆT NAM ƠI!!!
Thật không còn gì đau đớn cho bằng việc tôi nhìn thấy cảnh mất nước do một số người ham tranh giành ngôi vị để rồi giờ đây đứng cúi đầu trước quân thù trên thềm dinh Độc Lập nơi mà cả thế giới nhìn vào trên bốn ngàn năm lịch sử oai hùng của dân tộc.

Bắt đầu các tên Việt cộng nằm vùng tiềm phục trong các cơ quan lộ mặt trong dinh Độc Lập thì do tên thợ điện đứng ra tiếp thu rồi giao lại cho đơn vị bộ đội Hương Giang chiếm giữ.

Sau 5 ngày bị quản thúc tại dinh Độc Lập, chúng tôi được thả về để chờ lệnh tập trung cải tạo. Lòng tôi tan nát không còn nghĩ suy gì được nữa cả. Tôi lang thang trên đường phố hết ngày này sang ngày khác. Từ thuở nhỏ cho đến bây giờ tôi chưa bao giờ rơi nước mắt vì bị thương tích của thể xác, nhưng sao bây giờ nước mắt tôi cứ tuôn ra không sao cầm lại được.

Đến ngày chúng gọi tất cả Sĩ quan đi trình diện học tập cải tạo mà tôi vẫn chưa nghĩ ra được cách nào để hoạt động chống lại bọn Cộng sản vì thời gian phải trình diện quá ngắn và còn quá rối loạn, nên đành phải đi trình diện học tập, mong nếu chúng giữ lời hứa là Sĩ quan cấp Úy chỉ đi học tập cải tạo 10 ngày, sau đó mới có cơ hội hoạt động được.

Ngày 28-6-75 là thời hạn cuối cùng, tôi đến trình diện tại trường Sơn Hà (Dakao). Đến 2 giờ sáng ngày 29-6-75, chúng điểm danh và đưa chúng tôi lên xe Molotova bỏ mui bố phủ kín lại trong khi di chuyển. Khoảng 4 giờ sáng đến nơi, có người biết nơi đây là Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn 5 Công Binh (Thành Ông Năm) căn cứ này còn nguyên vẹn. Khoảng 9 giờ sáng bọn chúng ra lệnh chúng tôi đi thâu dọn tất cả đạn dược rơi rải khắp nơi trong trại để giao lại cho chúng. Riêng tôi vẫn nghi ngờ bọn chúng không thật sự giữ lời hứa, nên tôi lén đem giấu 5 trái lựu đạn M26 nơi đống cát trước dãy trại của tôi ở.

Bắt đầu bọn chúng tổ chức chia chúng tôi ra từng khu vực, mỗi khu khoảng 150 người, mỗi đội gồm 5 hoặc 6 tổ, mỗi tổ 12 người. Tổ chức nhà bếp, nhà cầu và đào giếng nước. Tôi càng nghi ngờ hơn về chính sách của bọn chúng, vì nếu chỉ đi học tập trong vòng 10 ngày thì bọn chúng bắt chúng tôi phải làm tiện nghi có tính cách dài hạn để làm chi?

Đến ngày thứ 3, chúng bắt đầu thâu tiền cơm 10 ngày, bọn chúng cho chúng tôi uống thuốc ngừa sốt rét? trong 5 ngày và phải uống trước mặt của chúng nó, tôi không tin vì nghi ngờ nên chỉ ngậm trong miệng đem ra ngoài bỏ đi.

Lần lựa ngày này sang ngày khác, đã đến 10 ngày rồi mà bọn chúng không nói năng chi cả, có người hỏi thì chúng trả lời các anh chưa học tập bài nào cả nên chưa về được. Rồi một tháng trôi qua chúng vẫn im lìm.
BẮT ĐẦU NGHIÊN CỨU VÀ TỔ CHỨC VƯỢT TRẠI TÙ

Lợi dụng ban ngày còn đi qua lại các trại khác được, tôi qua khu trại kế bên để tìm người đồng tâm ý để sắp đặt kế hoạch từ trong trại này thoát ra rồi phải làm thế nào, v.v. Khoảng 2 tuần sau, tôi đã tổ chức được 2 tổ, mỗi tổ là 2 người, tổ 1 tên Nam và Dũng, Nam là cháu của Giám Đốc Quan Thuế phi cảng Tân Sơn Nhất, còn Dũng thì có nhà thuốc Tây ở đường Bùi Viện Quận Nhì Sài Gòn, gia đình của 2 anh có ghe tàu sẵn, đang chờ 2 anh ra để vượt biên.

Tổ 2 Hoàng Trinh, Sĩ quan Đại Đội Biệt kích Dù đã từng nhảy xuống Hạ Lào, và Nguyễn Hoành, Đại Đội Trưởng Biệt Động Quân. Anh Hoành biết được 2 thứ tiếng Thượng phổ thông. Dự tính tổ 2 khi ra khỏi trại sẽ vượt biên giới qua Thái Lan để tìm đường giây kháng chiến trở về giải phóng đất nước. Trong 2 tổ, tôi thích tổ 2 hơn vì đồng quan điểm là chúng tôi phải làm gì cho quê hương đất nước chớ không thể khoanh tay. Nhưng vẫn phải chờ cơ hội, vì các anh đều còn hy vọng là được bọn CS thả về rồi mới xoay xở về sau.

Tháng thứ 2 đã trôi qua, bọn chúng bắt đầu cho học tập 10 bài chính trị trong tháng thứ 3. Nội dung các bài có tính cách phỉ báng chế độ VNCH, và ngụ ý tất cả người dân miền Nam đều có tội với cách mạng của bọn chúng qua nhiều hình thức khác nhau... Tháng thứ 4, sau khi học xong 10 bài, bọn chúng bắt tất cả phải khai tội đối với cách mạng, và dụ dỗ phải khai cho thật, chúng sẽ khoan hồng, v.v.

Tôi rất nóng lòng vì biết bọn chúng chẳng bao giờ thả tôi ra. Tôi giấu nhẹm không khai thành tích diệt Cộng sản khi còn ở đơn vị Người Nhái đã từng tiêu diệt VC trong những lần phục kích và đột kích vào mật khu của chúng trong vùng Rừng Sát Nhà Bè, trong suốt mấy tháng hành quân phối hợp cùng với Seal Team Hoa Kỳ. Nhưng tôi vẫn lo không biết là hồ sơ trong đơn vị còn nguyên hay đã được tiêu hủy trước khi chúng vào.

Tôi tổ chức một người bạn ngày trước làm việc tại BTL/HQ/P4 ở gần phòng tắm của bọn cán bộ để lấy tin tức tình hình ở ngoài như thế nào, sau mấy tuần tôi được biết ở ngoài đã có biểu tình đòi chồng con đang đi học tập, và có đụng độ ở Đèo Cheo Reo và Đèo An Khê, Ban Mê Thuột có pháo kích do phần tử ly khai của Quân Đội VNCH thực hiện.

Những tin này càng làm cho tôi tin chắc các Sĩ quan sẽ khó mà được chúng thả về. Tôi đem tin này bàn với tổ 1, Nam và Dũng đều không dám vượt rào, tôi đành phải nói xuôi theo là cùng chờ đợi. Tôi bàn với tổ 2, Hoành và Trinh hơi ngần ngại, nhưng tôi khích động nên 2 anh đồng ý vượt rào, kế hoạch từ trong ra ngoài thì bên của ai nấy lo, và hẹn điểm gặp nhau ngoài vòng rào là bãi tha ma cách vòng rào phía Đông chừng 700 thước.  Tôi đem những điều đã nghiên cứu như sau cho Hoành và Trinh biết:

Hệ thống phòng thủ: Cô lập từng khu; an ninh mật báo từng tổ (vì thế mà tôi không tổ chức vượt rào trong đội của tôi); giới hạn đi lại qua con đường nhựa; ban đêm có lính gác đôi lưu động có đèn rọi sáng cả con đường nhựa; bờ đê cao 2 thước; 6 lớp consertina;4 lớp rào kẽm gai, rào đứng, xiêng, ngang và hào chống chiến xa sâu 4 thước, rộng 5 thước; 2 giờ đổi gác 1 lần;ở ngoài vòng rào khoảng 2 giờ có toán tuần tiễu (đoán theo tiếng chó sủa).

Khi thoát ra đến điểm hẹn ngoài vòng rào nơi bãi tha ma, nếu quá 2 tiếng đồng hồ không gặp nhau thì tự tìm về Sài Gòn, qua ngày sau sẽ gặp nhau tại điểm hẹn ở xa lộ Biên Hòa, trễ nhất là ngày thứ 3 sau khi ra được phải gặp nhau để bàn tính thêm kế hoạch vượt biên giới.... Bây giờ chúng tôi chỉ còn chờ cơ hội và thời tiết thuận tiện.
oOo
Đời sống của các Sĩ quan VNCH trong các trại giam cầm mà bọn CS gọi danh từ thật hoa mỹ là “Học tập cải tạo” thực ra chỉ để trả thù tập thể Quân Đội VNCH, giết lần mòn vì đói thiếu dinh dưỡng, bệnh tật vì không có thuốc men. Trong tổ của tôi có anh bạn Trần Văn Hồ bị bệnh tiêu chảy suốt 1 tuần lễ mà phòng Y Tế không cho một viên thuốc nào cả, đến tuần lễ thứ 2 thì bệnh biến chuyển qua kiết lỵ, anh em cùng tổ lo cho nhau chớ phòng Y Tế không ngó ngàng gì đến. Ăn uống quá thiếu dinh dưỡng, chỉ trong vòng 2 tháng mà trại đã có khoảng 40% bị liệt bại.

Tôi nghi ngờ là bị chúng đầu độc bằng thuốc mà bọn chúng đã cho uống khi mới vào trại, từ khi uống thuốc vào, khoảng chừng 2 tháng rưỡi sau, đang đứng mà té lúc nào chẳng hay.

Trong suốt gần 4 tháng mà chúng tôi chỉ ăn được mỗi tháng một lần thịt heo, mỗi người được khoảng 8 gram thịt, mỡ lẫn da. Tôi nghĩ may là trại này còn được mấy con heo do trại gia binh quân đội VNCH bỏ lại, nên bây giờ chúng tôi mới được ăn thừa của bọn chúng bỏ ra cho. Thèm thịt, thiếu mỡ, không đường, nên chúng tôi bắt tất cả con gì ăn được mà ăn như chim chóc, rắn rết, chuột, ếch, cóc nhái, ễnh ương, v.v.

Còn về tinh thần anh em Sĩ quan thì lụn bại thê thảm, tất cả đều bi quan về cuộc chiến thảm bại vừa qua, ý nghĩ của họ mong mỏi được CS khoan hồng mà thả họ về với gia đình phục hồi đời sống cũ. Cũng trong trại tôi có gặp 2 người bạn ở trại kế bên, một anh lúc trước chỉ huy toán phòng không dinh Độc Lập, thuộc Toán 4, khi chiếc phản lực cơ do tên phản nghịch Nguyễn Thành Trung, mang bom dội vào dinh Độc Lập, anh đã kịp thời bắn chận nên lần thứ 2 bom thả đã lệch ra ngoài vì không còn chính xác, và anh trưởng toán gác dinh Độc Lập. Tôi đem ý định vượt rào thì anh nào cũng không dám thực hành mà cũng chỉ mong được thả về đoàn tụ với gia đình.

Thời cơ đã đến do việc chúng nó phát động phải tích cực lao động nặng. Tôi suy đoán là chúng nó sắp chuyển chúng tôi đến trại khác xa xôi và làm việc nặng nhọc hơn. Tôi bàn tính với Hoành và Trinh nếu để chúng đưa đi trại khác thì chúng ta không thể biết được tình hình nơi đó, nếu muốn vượt trại chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, tôi đề nghị vượt trại vào ngày 17-9 âm lịch là ngày 21-10-75. Hoành và Trinh hỏi tôi tại sao lại chọn ngày trăng tròn mà ra?

Tôi trả lời: Mình chọn ngày đó là vì yếu tố bất ngờ, bọn chúng nghĩ chúng ta không dám ra trong những đêm có trăng sáng, chúng sẽ chểnh mảng hơn, và kế hoạch tôi là sẽ vượt ra lúc 8 giờ tối, sau 7:30 giờ điểm danh thì bọn chúng thay vọng gác mà đi tuần dưới đất, và trước 9 giờ giới nghiêm, và giờ đó trăng chưa mọc. Còn thoát ra thì 2 anh nghiên cứu như thế nào thì hãy cố gắng vượt ra, còn tôi thì đã có cách riêng. Chúng ta phải đi riêng rẽ, chúng nó khó phát giác hơn. Tôi khích động tinh thần 2 anh: “Chúng ta toàn là tay thiện chiến, Biệt Động Quân, Biệt Kích Dù và Người Nhái, chúng ta phải chứng tỏ cho chúng nó biết khả năng của chúng ta”. Tôi tiếp: Tôi nói thật với các anh, nếu ngày mai này chúng nó thả tôi ra mà ngày hôm nay có cơ hội tôi cũng thoát ra trước khi chúng nó thả. Tôi khích động tinh thần và danh dự Binh chủng của các anh nên 2 anh đồng ý theo chương trình đã hoạch định cho ngày 21-10-75.
oOo
Vượt trại! Vượt trại!

Tiếp theo có tiếng súng nổ và tiếng kẻng đánh liên hồi... và lệnh tập họp điểm danh lúc 2 giờ khuya đêm 14-10-75. Tập họp điểm danh, báo cáo quân số xong, chúng tôi được biết có 2 Sĩ quan cấp Đại úy đã vượt rào bị phát giác và bị bắn chết 1 anh tại hàng rào và 1 anh bị thương nơi chân, chúng kéo lôi anh này vào để tại hội trường để cảnh cáo chúng tôi hãy xem đó làm gương.... Sáng ngày các anh em bó chiếu xác anh đã chết và chôn tại chỗ, còn anh bị thương thì chúng mang đi đến các trại khác để cảnh cáo.

Sự việc xảy ra đã làm cho Hoành và Trinh mất tinh thần không ít. Tôi cố gây niềm tin cho 2 anh, phân tích kỹ những lỗi lầm của nạn nhân cho Hoành và Trinh thấy: Các anh đó chọn thời điểm không đúng, 2 giờ khuya thanh vắng quá, nhằm ngày mồng 9 âm lịch, giờ đó có trăng non, và mặc đồ màu xanh lợt nên dễ bị phát giác, và còn nhiều chi tiết mà tôi không biết rõ.

Chúng tôi cùng kiểm soát lại kế hoạch xem coi có cần bổ khuyết hay không? Và chúng tôi cương quyết vượt trại giam, với tinh thần bất khuất, bất chấp mọi nguy hiểm sẽ xảy ra cho mình. Tôi rất tin tưởng mình sẽ vượt ra an toàn. Chúng tôi chờ đợi chỉ còn đúng 1 tuần là đến ngày quyết định với cảnh giác căng thẳng tột độ.

21-10-75. Ngày, giờ quyết định đã đến, lúc 7giờ tối tôi mang qua trại của 2 anh Hoành và Trinh 3 trái lựu đạn M26 (tôi đã giấu trong đống cát như đã kể trên) còn tôi giữ lại 2 trái. 2 anh ngạc nhiên, tôi giải thích cho 2 anh biết và căn dặn, nếu lỡ bị phát giác khi trốn ra thì phải hy sinh chớ đừng để chúng nó bắt lại.

Chúng tôi cùng kiểm điểm lại lần cuối cùng kế hoạch đào thoát. Hoành là người hoạt bát và nhờ thế nên Hoành đã nhờ cán bộ mua giùm 100gr café và đường cách nay hơn một tháng, tôi đã dặn Hoành để dành lại cho ngày hôm nay 3 ly café đặc. Chúng tôi vừa uống vừa tính toán, khi xong hết, Hoành nói là cần mang theo mền và mùng vì đó là kỷ niệm đời binh nghiệp của anh. Tôi không đồng ý nên ngăn cản.

Trong lúc đó lại thấy gió thổi mạnh và mây đen kéo đến làm cho anh em chúng tôi lên tinh thần vô cùng, tôi thầm nhủ “Trời thương anh em chúng con rồi!”.

19 giờ 30 là giờ tập họp điểm danh, tôi từ giã Hoành và Trinh hẹn đúng 20 giờ vượt trại và gặp nhau ngoài điểm hẹn tại bãi tha ma. Tôi lần ra hàng rào kẽm gai cô lập trở về trại mình. Tôi đã tạo thói quen là cứ đến khoảng 19 giờ là tôi giăng mùng sẵn để các người cùng tổ không để ý tới tôi, hôm nay cũng vậy. Tôi từ bên trại của Hoành và Trinh về, tập họp điểm danh xong tôi liền vào mùng nằm, chừng 20 phút sau, tôi ra đi tiểu, lúc này gió thổi rất mạnh, mưa bắt đầu rơi, trại chúng tôi cũng như trại của vệ binh VC đều lo đóng cửa sổ, thừa lúc lộn xộn đó tôi vội bước qua hàng rào kẽm gai lọt qua khu vực của vệ binh VC, đi nhanh ra bờ đê và lăn nhanh qua bờ đê, tôi nằm im để nghe động tịnh và móc ra 2 miếng cao su, (tôi lấy ruột xe mà bọn VC bỏ lại khi chúng cắt các vỏ xe máy ủi đất để làm dép, tôi đã cắt lỗ để xỏ mấy ngón tay và đem cất giấu) tôi mang 2 bao tay giả vào và bò đến hướng đã định, dùng bao tay giả đó để nâng đỡ kẽm gai, lách mình chui qua, tôi làm rất thận trọng, nhanh nhẹn và chính xác, vì tôi đã nghiên cứu thật kỹ từ loại kẽm gai và cách thức rào ra sao như rào đứng thì bợ lách như thế nào, rào xiên thì phải nâng đẩy và đưa chân nào ra trước, rào thấp ngang mặt đất thì phải nằm ngửa và đỡ từng sợi kẽm gai, rào consertina phải lách và chui qua làm sao.... Vì thế nên vượt qua 10 lớp kẽm gai hàng rào và hào chống chiến xa, chỉ trong vòng 15 phút đến 20 phút thì tôi đã có mặt ngoài hàng rào rồi, tôi tiến nhanh vào lũy tre cách hàng rào khoảng 50 thước ẩn mình vào bóng tối của lũy tre để tránh đường chân trời .

Mưa bắt đầu nặng hột, tôi thu mình dưới lũy tre cố giương mắt nhìn về hướng điểm hẹn bãi tha ma cách đó khoảng 100 thước, vì đề phòng 2 anh bạn bị lộ có thể chỉ điểm cho cán bộ bao vây.

Cơn mưa kéo dài đến khoảng 11 giờ đêm, vẫn không thấy bóng dáng của Hoành và Trinh, còn ở trong khu trại giam cũng không nghe báo động. Mưa đã tạnh lần, tôi di chuyển ngược lên hướng đào thoát của Hoành và Trinh để đón cũng không thấy tăm hơi chi cả. Tôi nóng lòng, suy nghĩ không lẽ 2 anh bạn này không dám vượt ra? Càng về khuya càng cảm thấy nhiều nguy hiểm! Nhưng tôi vẫn cố gắng đợi chờ, câu hỏi tại sao, tại sao cứ loanh quanh trong đầu óc của tôi. Cảnh đêm khuya hoang vắng cạnh bãi tha ma trong rừng chồi nó âm u làm sao! Tôi cố chờ mãi đến khoảng 2 giờ khuya, bầu trời lại bắt đầu vần vũ, mây đen kéo đến mờ mịt. Biết sắp có trận mưa to, tôi lo ngại quá, vì điểm hẹn chỉ cách hàng rào trại giam có khoảng 700 thước. Trời mưa mà tôi đổ mồ hôi hột vì lo cho 2 bạn của mình, tôi không nỡ bỏ đi, nhưng ở lại thì thập phần nguy hiểm có thể bị chúng bao vây bắt lại.

Tôi đang suy tính bỗng nghe có tiếng nói và tiếng chân người đi tới, tôi cấp tốc nép mình vào bụi cây, lòng hoang mang hồi hộp chờ đợi. Khi đoàn người đến gần, tôi lắng nghe tiếng nói chuyện…. À! Thì ra là những người dân trong thôn xóm đang gánh rau cải ra chợ bán! Ý nghĩ thoáng nhanh trong đầu tôi, mình phải rời khỏi nơi nguy hiểm này trước, về Sài Gòn rồi sẽ gặp nhau tại điểm thứ 2 an toàn hơn, vì địa thế nơi đây tôi không biết nên sẵn dịp này tôi nương theo những người gánh hàng để tránh các chốt chận khám xét của VC.

Và tôi đã ra đến chợ Hốc Môn, tôi đón chuyến xe đò sớm nhất và về đến Sài Gòn lúc 7 giờ sáng. Tôi đến nhà người bà con bên vợ để hỏi thăm tin tức và liên lạc với vợ con, tôi và vợ con gặp lại nhau sau 6 tháng qua người bà con này, tôi ở tạm đây vài hôm để liên lạc với Hoành và Trinh, nhưng suốt mấy ngày liền tôi đến điểm hẹn đều không có tin tức của 2 anh. Vợ tôi cũng đã thay tôi liên lạc với gia đình của Hoành và được biết không có tin tức gì về Hoành cả. Thế là chương trình dự tính vượt biên giới qua Thái Lan không thành!
oOo
Sau mấy ngày ở tạm nhà người bà con, tôi từ giã và di chuyển qua nhà anh Nguyễn Thành Nhơn ở tạm phía sau để liên lạc lại với các anh em đồng chí hướng.

Trước năm 1975. Anh Nguyễn Thành Nhơn, là Chủ Tịch Tổng Cuộc Phong Trào Thể Dục Thẩm Mỹ Việt Nam và cũng là Chủ Tịch Tổng Cuộc Thám Hiểm và Săn Bắn Cá Dưới Biển VN. Giám Đốc Chương Trình Sức Khỏe Giống Nòi, Chương Trình Con Kiến Càng trên Đài truyền hình VN. Đối với tôi, anh Nguyễn Thành Nhơn là người Thầy và cũng là người Anh tinh thần của tôi, vì trước khi nhập ngũ vào Quân Đội tôi đã được anh huấn luyện trở thành Huấn Luyện Viên của phòng tập Trung Ương.

Tôi ở ẩn trong nhà anh và thường xuyên liên lạc với các anh em cùng đơn vị (Xin tạm dấu tên vì các anh em còn đang ở VN) đang chờ đợi những đường dây yểm trợ từ ngoài về để cùng nhau hoạt động lật đổ chế độ Cộng sản bạo tàn này.

NGÀY ĐỊNH MẠNG ĐƯA TÔI VÀO TÙ LẦN THỨ NHÌ
(Ngày 9-4-76. Sau 6 tháng vượt trại tù Thành Ông Năm).

Vào lúc 7 giờ tối, tôi đang đứng chờ vợ tôi làm việc ở tòa soạn báo Tin Sáng, mãn việc ra về, tôi đón nàng để đưa lại chiếc xe velo solex cũ (không có gắn máy). Vì thương con sợ con bị kẹt chân vào bánh xe làm con đau vì nó đã bị kẹt một lần rồi nên tôi vừa gắn chiếc yên nhỏ để cho vợ tôi chở con tôi. Vì thân phận vượt tù nên tôi phải trốn tránh không thể để cho bà con thân thuộc biết được. Tôi đang đứng chờ đợi ở trước trụ sở Khóm mà tôi không biết vì chúng không có treo bảng, khoảng chừng 15 phút, tôi thấy 2 tên công an trong trụ sở đi đến hỏi giấy tờ của tôi, tôi lo sợ nhưng không còn tránh né được nữa đành phải đưa giấy tờ ra, chúng giữ giấy tờ của tôi và mời tôi vào trụ sở, tới lúc đó tôi mới biết là đang đứng trước hang cọp. Vừa lúc đó vợ tôi nghỉ việc ra về vừa đi tới, tôi vội trao chiếc xe cho vợ tôi và dặn “Anh đang bị theo dõi em hãy đi nhanh đi hãy lo cho con”.

Rồi tôi theo công an vào trụ sở. Sau khi xem giấy tờ tên công an nghi ngờ giấy tờ của tôi là giả, nên giữ tôi lại để chờ điều tra lại địa chỉ. Lòng tôi lúc đó như lửa đốt vì tôi biết sẽ không thoát được, giấy tờ của tôi toàn là giả thì làm sao chứng minh được?

Tôi nghĩ hậu quả sẽ vô cùng thảm khốc, nên có ý định hạ tên công an đang canh gác. Tôi xin đi tiểu để xem địa thế. Xung quanh tòa trụ sở này tường cao khoảng 2 thước phía trên đầu tường có gắn miểng chai lại còn 1 vòng kẽm consertina, phía sau có dãy nhà bếp, phòng chứa củi và nhà cầu, trên nóc nhà cũng có vòng kẽm gai consertina. Tôi vào phòng tiểu, suy tính chỉ có phía sau là hy vọng nếu nhảy qua được phía bên nhà khác. Tôi nghĩ đã đến đường cùng rồi nên quyết định hy sinh nếu không thoát được thì thôi! Tôi ra khỏi nhà cầu và bước theo tên công an bất thần tung ra một quả đấm vào hàm hạ của tên này, nhưng rủi thay, tên này trước khi bị ngất xỉu đã la lên một tiếng, tôi chạy nhanh lấy đà đạp lên thành tường nhảy lên nóc nhà phía sau, chạy dọc theo đường kẽm gai, trong lúc đó bọn công an túa ra và bắn theo tôi, tôi vẫn cố chạy trên nóc nhà, dự tính nhảy qua nóc nhà khác, bỗng tôi bị trượt chân vì miếng ngói tróc xi măng nên đành nhảy trở xuống đất. Thôi rồi! Mặc tình cho bọn công an xúm lại còng tay tréo ra sau rồi chúng thi nhau đấm đá vào thân thể tôi, chúng treo tôi lên cửa sắt với chiếc còng sắt, sức nặng của thân hình trên 60 ký lô mà bị treo hổng chân tréo tay như thế, nên tôi không còn sức chịu đựng với những trận đòn như mưa bấc. Thân mình tôi gục xuống như tàu lá rũ.

Sáng hôm sau chúng đưa tôi lên khẩu cung. Để tránh liên lụy cho anh Nguyễn Thành Nhơn, tôi khai theo lời sắp sẵn là “Sĩ quan trốn trại học tập về thăm nhà, nhưng không dám về nhà vì biết công an canh chừng nên phải lang thang ngoài chợ trời, đêm đến thì mướn chiếu ngủ ngoài nhà ga xe lửa, v.v.” Sau đó bọn chúng giải tôi qua phòng giam Quận Nhì, trên đường đi tôi có ý định nhảy xuống xe nhưng không có cơ hội vì chúng nó còng tay tôi chung với ông ký giả Trần Hồng Thu. Đến Quận Nhì, sau khi làm thủ tục, chúng đem tôi và ông Thu vào phòng giam.

Trại giam quận 2 Sài Gòn.

Nơi đây thật đúng là địa ngục ở trần gian! Chúng vừa mở 2 lớp cửa sắt ra, mùi hôi nồng nặc, chúng xô tôi vào trong rồi khóa cửa lại. Cảm tưởng của tôi nơi đây như là nhà thương điên. Trong ánh sáng âm u tôi thấy không biết là bao nhiêu người, thân hình gầy guộc trần truồng như nhộng. Lớp thì bất động miệng thều thào, còn những người mạnh hơn thì bao quanh tôi, xô đẩy nhau dành được đến gần tôi, thật là một cảnh tượng kỳ lạ mà tôi chưa bao giờ thấy. Tên đại diện trại giam phải đánh đập la thét những người này mới chịu dang ra khỏi tôi, tên đại diện hỏi tôi có mang theo thuốc lá không? Tôi trả lời không có vì tôi không biết hút thuốc. Tốp người vây quanh tôi mới thở dài chán nản. À! thì ra các người tưởng tôi mới vào có đem theo thuốc lá nên mới tranh nhau để xin thuốc lá. Tên đại diện trại giam đưa tôi vào trong một phòng giam phía trong nữa rồi khóa lại. Các người vây quanh hỏi thăm tôi đủ chuyện, tôi chán nản ngồi bó gối không muốn trả lời, vì biết có trả lời cũng không xuể.

Đời sống trong trại giam này chắc không có ai tưởng tượng được, phòng còn để bảng phòng giam rộng 8 thước vuông, phạm nhân giam chứa tối đa là 40 người, nhưng bọn CS đang giam gần 300 người. Nơi đây nếu người nào đứng lên thì mất chỗ ngồi, và không đủ không khí để thở, vì vậy mà đêm ngày gì phạm nhân cũng mình mẩy ướt đẫm mồ hôi, ăn uống không có dinh dưỡng, một bữa ăn là 2 chén cơm lường bằng chén nhỏ cho mỗi người, đổ chung vào cái thau nhôm với 4 giá canh rau muống nấu với muối hột, 6 người ăn chung với 3 chiếc muỗng chia nhau múc ăn, vì tranh ăn nên bữa ăn nào cũng cãi vã, đánh đấm nhau, ồn ào suốt ngày đêm. Ban đêm thì nằm sắp chồng lên nhau, tới lỗ cầu tiêu cũng được nhét giẻ lại để nằm, các song sắt trong hai phòng giam riêng cũng được chia nhau đeo vào song bằng chiếc áo lót cột ngang lưng để ngủ.

Vì tình trạng nêu trên nên những người bị bắt vào đây chỉ trong vòng 2 tháng là bắt đầu bị ghẻ, loại ghẻ thiếu dinh dưỡng này nổi lên thành vành chính giữa thì lõm sâu và chảy nước vàng. Nước vàng này chảy đến đâu thì ghẻ lở chỗ đó, và sau đó bị liệt bại, ban đêm bị ghẻ lở hành hạ, bệnh nhân la khóc vang trời. Tôi có cảm tưởng như đang ở Địa ngục, thỉnh thoảng có người chết vì liệt bại, thân xác nạn nhân được lôi ra khỏi phòng.

Tôi cố gắng giữ sức khỏe, hàng ngày đều tập thể dục, chạy bộ 400 bước, hít đất 100 cái, tập tay mỗi bên 60 cái. Chịu đựng được đến tháng thứ 5, tôi cảm thấy yếu lần.

Dự tính phá trại giam Quận Nhì.

Tôi đã có ý nghĩ phải phá trại giam này từ ngày đầu khi đặt chân vào đây nhưng chưa tìm được người thích hợp nên phải chờ đến bây giờ.

Trong thời gian ở đây tôi quen với một ông Trưởng ty Xã Hội tại Tỉnh ở Cao Nguyên (Xin tạm dấu tên vì còn đang ở Việt Nam), Ông là đảng viên của Đại Việt. Ông thường kể cho nghe về quá trình hoạt động của Đảng và về cá nhân của Ông.

Vào khoảng một tháng nay, tôi để ý theo dõi một người bị bắt về tội tư sản mại bản, vì tồn trữ 60 tấn café sống mà không khai báo, tên là Hồ Ngọc Ẩn. Nhà ở đường Tự Do, mỗi tuần đều phải lên phòng Điều Tra lấy khẩu cung, tôi làm quen và hỏi thăm ý định sau này của anh, anh cho biết là không thể chịu đựng nổi ở nơi đây, và anh có ý định trốn. Tôi gợi ý hỏi Ẩn, nếu muốn thoát ra, anh phải làm sao? Ẩn nói về cách trốn của Ẩn, tôi thỉnh thoảng bổ túc cho Ẩn, tôi thấy Ẩn có vẻ vui mừng.

Vì tôi nóng lòng tìm người để thực hiện kế hoạch của tôi nên tạm chọn Ẩn, nhưng tôi chưa cho Ẩn biết ý định của tôi. Ngày hôm sau Ẩn được gọi lên lấy khẩu cung lúc 8 giờ sáng thì khoảng 9 giờ có tiếng gọi tên tôi và Ông Trưởng ty, khi tôi và Ông vừa ra khỏi phòng giam thì đã có tên cán bộ trưởng trại và 2 tên công an ôm súng AK, tên cán bộ ra lệnh còng tay tôi và ông Trưởng ty rồi day qua chỉ mặt và nói với tôi: “Tao đã biết kế hoạch của chúng mày rồi, dự định Chúa nhật này sẽ giết cán bộ, cướp vũ khí, phá trại giam”, rồi quay lại bảo 2 tên công an đem chúng tôi qua trại giam đặc biệt. Phòng giam đặc biệt bề dài 3 thước, bề ngang rộng 1 thước, nhốt 10 người, tiêu tiểu tại chỗ, lỗ thông hơi để thở thì vừa lọt bàn tay, và đến giờ cơm được bọn cán bộ đưa vào mỗi tù nhân là một chén cơm đút vào vừa lọt cái lỗ thông hơi. Sự việc xảy ra tôi nghĩ là do tên Hồ Ngọc Ẩn phản bội đã báo cáo với công an để lập công.

Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại!

Ngày ở trong tù sao mà dài lê thê, ngột ngạt, nặng nề ghê gớm vô cùng. Ngồi bó gối, tôi ôn lại những chuỗi ngày trong tù cải tạo lần trước.

- Thiếu úy Trần tấn Mao, Sĩ quan tiếp liệu Người Nhái đã buồn rầu, khóc thương cho gia đình 14 đứa con đói khổ của mình, tôi thường khuyên và gợi ý vượt trại với anh. Nhưng biết mình già yếu, không đủ can đảm vượt trại, anh chỉ mong được Cộng sản giữ lời khoan hồng thả anh về đoàn tụ với gia đình. Anh khóc mãi. Khóc đến mù đôi mắt! Tôi buồn, tôi suy tư, những hình ảnh sắt máu gớm ghê chẳng bao giờ tôi quên được! Tôi căm thù, uất hận. Tôi nguyện sẽ đem hết sức mình để làm những gì mà tôi có thể làm được, để đóng góp cho ngày lật đổ Cộng sản, giải phóng quê hương được trở lại ngày tự do tươi sáng. Nước mắt tôi rơi. Đúng tôi khóc chứ! Tôi khóc vì căm thù, vì uất hận, hổ thẹn lớp người chúng tôi đã để mất nước.... Việt Nam ơi! Việt Nam ơi! Chúng con phải làm sao? Phải làm gì cho tổ quốc? Rồi bây giờ tôi lại đang sa vào lao lý, biết bao giờ tôi thoát được nơi đây?

Sau 10 ngày giam tôi nơi biệt phòng để chúng điều tra lại, nhưng không ra manh mối, nhưng chúng không dám trả tôi về phòng giam cũ, chúng chuyển tôi qua phòng giam Quận Nhất kiên cố hơn. Tôi vừa vào phòng giam thì đã thấy 2 người bị giam bên quận 2 là anh Tiến, Trung úy Cảnh sát và Ông Trưởng ty. Chúng tôi chào mừng nhau và với các bạn tù mới, trong phòng giam này có một băng đảng cướp có súng nổi tiếng trước năm 75, là băng đảng Đà Lạt. Trong khoảng thời gian trước năm 75, băng đảng này đã từng tranh giành ảnh hưởng khu vực làm ăn của nhau với băng đảng Đại Cathay ở vùng Sài Gòn. Bằng đại diện cho 4 anh em trong băng đảng, đến gặp tôi chào hỏi và ngỏ lời nhờ tôi đứng ra sắp xếp kế hoạch phá trại giam này, Bằng nói: “Tụi em đã nghe tiếng anh đã từng vượt trại tù cải tạo, và vừa rồi lại bị bể kế hoạch phá trại giam ở Quận Nhì, v.v.” Tôi chỉ cười mà không trả lời.

Mỗi ngày Bằng và các anh em đều đến ngồi chung và tâm sự. Bằng kể lại chuyện xưa và nói: “Chúng em ngày trước chỉ biết ăn chơi du đãng du thực, phá phách, trốn tránh không chịu đi lính để bây giờ chúng nó chiếm miền Nam tất cả đều đói khổ. Bây giờ tụi em hối hận quá! Mong nếu tụi em ra được lần này, tụi em nhất định phải tìm cách phá tụi nó.”

Vì tôi vừa bị phản bởi tên Ẩn, nên thận trọng hơn, tôi đã nghĩ cách phá chỗ này rồi nhưng còn giữ kín. Tôi hỏi Bằng và anh em có được thăm nuôi không? Bằng đáp hàng tuần đều được thăm nuôi, tôi nói với Bằng hãy bảo người thăm nuôi gởi vào một típ kem đánh răng chứa Acid nguyên chất, khi nào có rồi thì cho tôi hay, và tôi dặn Bằng đừng hỏi tại sao, Bằng thấy tôi đã chịu giúp thì rất vui mừng, hứa sẽ làm theo lời dặn của tôi.

Sắp đặt kế hoạch phá trại giam Quận Nhất.

Nhưng đêm 4-10-76, cán bộ vào thông báo ngày mai tôi và một số người sẽ chuyển trại trong đó có ông Trưởng ty và Tiến. Tin này làm cho Bằng và các anh em trong băng đảng lo buồn, Bằng nói: “Anh rời khỏi nơi đây tụi em không biết làm sao!”. Tôi bèn họp các anh em Bằng lại và nói: “Trước khi tôi đi, tôi sẽ chỉ kế hoạch lại cho các anh, bây giờ các anh em cho tôi biết trong phòng giam này chỗ nào yếu nhất?” Anh em Bằng nói: “Tụi em ở đây gần một năm rồi mà vẫn không nghĩ ra vì tường dầy 2 tấc, song sắt to bằng cườm tay, nóc và nền đúc xi măng, cửa sắt phải 2 người mở, đóng mới nổi. Tôi nói: “Tất cả đều kiên cố, các anh thấy cánh cửa sắt dầy và nặng nhưng 2 cái bản lề là chỗ yếu nhất, các anh em vẫn chưa hiểu?”.

Tôi bắt đầu chỉ kế hoạch dự tính phá trại giam này. Khi có típ acid nguyên chất rồi thì mới lo các phần khác như dưới đây:
• Chọn ngày giờ cho thích hợp
• Chuẩn bị một người giỏi võ
• Một chiếc xe đậu sẵn vào giờ đó tại đường gần nghĩa địa Mạc Đỉnh Chi
Bắt đầu vào kế hoạch:
- Chọn đêm Chúa nhật, lúc 1 giờ khuya (chúng đổi gác lúc 12 giờ khuya, chọn 1 giờ khuya là lúc tên gác buồn ngủ.)
Đúng giờ đã định, đem típ acid nguyên chất đổ vào 2 bản lề cửa sắt, khoảng 15 phút sau, 2 người khiêng cánh cửa sắt qua một bên, người giỏi võ chạy nhanh ra hạ tên lính gác cướp lấy súng, cách phòng giam 2 tấm vách tường, trong lúc đó tất cả các anh em đồng chạy lên phòng trực, hạ sát 3 tên đang ngủ và lấy súng đạn rồi chạy xuống đánh thức tất cả tù nhân cho họ hay là Phục Quốc Quân đến giải vây và chỉ cho tất cả chạy ra cổng chính, còn các anh em thì phải vượt tường rào phía nghĩa địa Mạc Đỉnh Chi để lên xe đậu sẵn nơi điểm hẹn.

Điểm quan trọng là phải nhanh lẹ chính xác và cố gắng làm thật im lặng và đừng nổ súng nếu thấy không cần thiết. Vì khi đó mà bị náo động thì rất nguy hiểm, các điểm gác khác sẽ báo động, các anh em sẽ khó thoát thân. Các anh em phải xem lại thật kỹ để biết rõ nhiệm vụ của mỗi người mà làm cho thật gọn. Các anh em phải nghĩ trong đầu mình là chỉ được thành công chớ không được thất bại. Sau khi nghe tôi trình bày sắp xếp kế hoạch, anh em của Bằng rất vui mừng, ôm vai tôi tỏ lòng biết ơn.

Sáng sớm hôm sau, chúng tôi những người có tên trong danh sách chuyển trại, chúng còng tay chúng tôi lại với nhau đưa lên xe Molotova phủ mui bố xuống, xe chạy đưa chúng tôi lên Gia Định (BCH/Tiểu khu VNCH cũ) để tập trung tù nhân trong 14 Quận của Thành Phố tại đây, sau đó đoàn xe trực chỉ ra ngoại ô, vì xe bỏ mui bố che lại hết nên chúng tôi không biết bọn chúng chở đi đâu, khoảng 4 giờ di chuyển xe ngừng lại, chúng tôi lần lượt xuống xe. Tôi vươn mình hít dài một hơi thở không khí trong lành của vùng rừng núi cho thoải mái, vì suốt 6 tháng bị giam, tôi chưa được thấy ánh sáng mặt trời và thở được không khí trong lành.

Chúng tôi đang ở trên một ngọn đồi, san sát các dãy nhà tole và có rất đông bọn công an. Các người bị nhốt ở đây cho chúng tôi biết nơi đây là đồi Phượng Vĩ, căn cứ của Trung Đoàn 52, thuộc Sư Đoàn 18 Bộ Binh, tại Ngã 3 Ông Đồn, dưới chân núi Chứa Chan.

Trại Cải Tạo Phản Động K3 do công an thành phố quản lý
Đồi Phượng Vĩ trước ngày 30-4-75 là Căn cứ Trung Đoàn 52 Sư Đoàn 18. 
Tập họp điểm danh, 120 người chúng tôi được đưa vào 2 dãy nhà lợp tole vách ván, trong tổng số 20 dãy, xung quanh các dãy trại gồm có nhiều lớp kẽm gai bao bọc có gắn lon thiếc. Tất cả 120 người “tù phản động” này hầu hết đều liệt bại nên phải khiêng vào. Vừa yên chỗ, một tên cán bộ quản giáo vào “sinh hoạt” cho biết đây là Trường K3, hôm nay các anh đến đây là ngày thứ nhất của 3 năm học tập cải tạo, v.v. Nơi đây các anh được liên lạc về gia đình để thăm nuôi, mỗi lần thăm nuôi 15 phút. Các anh hãy nhớ viết thơ thế nào mà có lợi cho cách mạng, cho gia đình và cho bản thân các anh thì các anh viết. Tên cán bộ quản giáo tuyên truyền một lúc rồi kết thúc: Vì các anh mới nhập trại nên ban quản giáo cho các anh được nghỉ “Bồi Dưỡng” vài hôm. Chúng tôi đều hiểu, vì tất cả bị liệt bại nên chúng nó để cho chúng tôi hồi phục rồi mới bắt đầu mang cày vào cổ chớ có tốt lành gì đâu.

Nghiên cứu kế hoạch vượt trại tù lần thứ 2 tại đây trong vòng 20 ngày.

Một đêm ngủ thoải mái với không khí trong lành của miền rừng núi Chứa Chan, tỉnh Long Khánh. Ngày hôm sau tôi đi vòng quanh các dãy trại, tôi gặp anh Dũng Mặt Đỏ của phòng An Ninh Đặc Tra Phủ Tổng thống. Tôi gặp Dũng sau giờ lao động, anh mừng rỡ chạy lại ôm tôi, tôi dặn nhỏ Dũng đừng nói với ai vì tôi không có khai thật là Sĩ quan Cận Vệ. Tôi hỏi thăm Dũng tình hình nơi đây và tại sao Dũng không vượt trại? Dũng cho biết hiện giờ đội công tác của anh đã được bọn chúng tin tưởng nên cho đi làm xa tận trong rừng để cưa cây gỗ. Còn trốn thì Dũng không dám vì sợ bị bắt lại và sợ về không có chỗ an thân.

Dũng cho tôi biết: Dũng bị đưa lên đây từ ngày đầu, chúng lấy trại này dự định chỉ giam thành phần trình diện học tập thuộc đơn vị tỉnh Biên Hòa. Sau một thời gian chúng bố phòng chắc chắn hơn, chúng đưa thêm về đây các tù “phản động” gồm nhiều thành phần từ cấp Tá đến binh sĩ và tù chính trị luôn cả phụ nữ phản động. Phụ nữ thì chúng ngăn riêng khu vực, và nguy hiểm nhất là dọc theo triền đồi, trong các lớp kẽm gai có chôn mìn 3 râu (loại mìn chống cá nhân có 3 ngòi nổ) hiện giờ thỉnh thoảng gió thổi lay động cây dại mìn cũng nổ, vì vậy mà suốt 16 tháng rồi mà không có ai dám vượt trại trốn ra!
• Tôi gặp anh Thiếu úy Hoa, Cảnh sát Dã Chiến Biệt Đoàn 222, Võ sư Thái Cực Đạo, Huấn luyện viên của Đại Đội Đặc Nhiệm bảo vệ Phủ Tổng thống. Hoa cho biết anh đã tổ chức trong đội anh được gần 20 người ở đội 16 của anh.

• Anh Thượng sĩ Truyền Tin Võ Phòng phủ Tổng thống là anh Quốc, anh bị bắt vì hoạt động trong lực lượng Dân Quân Phục Quốc, anh cũng đã tổ chức ở đội 15 gần 20 người.

• Anh Ba Hương, là vệ sĩ cho Ông Đại Sứ Nguyễn Văn Kiểu (anh ruột của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu), anh Ba Hương thuộc toán Bảo Vệ yếu nhân của Cảnh sát, anh cũng cho biết có tổ chức ở đội 17, gần 20 người.
Được biết Đại Tá Nguyễn văn P, Tỉnh trưởng Long Khánh, bị bắt ngoài mặt trận trước ngày 30-4-75 đang bị nhốt ở đây. Tôi nhờ anh Tiến, trước năm 75, Tiến là đệ tử của Đại Tá P liên lạc với ông để biết thêm tin tức, thì được Đ/T P cho biết, ông vẫn thường xuyên l/l với Lực lượng Phục Quốc ở bên ngoài. Tôi đề nghị với Đ/T qua anh Tiến. Nếu Đ/T thấy cần đánh phá trại giam này thì tôi xin trách nhiệm một lực lượng xung kích khoảng 50 người giỏi võ thuật. Anh Tiến chuyển lời tôi đến Đ/T, sau đó Tiến cho tôi biết Đ/T bảo đừng lo, vì ông đã được lực lượng bên ngoài cho biết sẽ giải thoát trại giam trong tuần này hoặc tuần tới? Nhưng đã qua hơn tuần mà không thấy động tịnh gì cả, Tiến hỏi lại Đ/T thì tôi được biết là trong tuần này? Tôi cảm thấy bất ổn vì tôi đã nghe tin này đã xầm xì trong một vài trại, tôi nghi ngờ tin này đã bị lộ! Vì tôi đã theo dõi trong mỗi đội tù đều có nhiều an ninh chìm của công an. Tôi nghĩ hậu quả rất ghê gớm, nhưng tại sao chúng biết mà vẫn làm ngơ? Có lẽ chúng đã có chuẩn bị rồi. Trong đêm thỉnh thoảng chúng thực tập báo động. Chúng thổi còi và đánh kẻng báo hiệu, trong vòng 10 phút tất cả 20 dãy trại đều bị phong tỏa. Mỗi dãy trại đều có 1 tiểu đội cầm AK47, trung liên Tiệp Khắc và B40, chĩa thẳng vào trại.
oOo
Tôi lo chọn trong số những người trong trại để tính việc đào thoát, vì tôi không tin tưởng khả năng của LL phục Quốc do Đ/T P... cho biết. Trong số các anh em quen thân đều ngại vượt tù, chỉ mong được CS tha tội trở về sống với gia đình, tôi chỉ chọn được một người là:

Trung úy Kỹ sư Điện Tử Trần Quang, đặc trách Đài Radar Phú Lâm. Can đảm chịu đựng, bị bắt do tên Hạ sĩ quan dưới quyền điềm chỉ, Quang vẫn cương quyết không nhận làm lại cho CS để được tha tội. Quang cũng thường ngỏ ý với tôi nếu có tổ chức thì xin cho anh tham gia, và anh hứa sẽ làm bất cứ việc gì do tôi sắp đặt, vì đã nghe tôi đã có thành tích tổ chức vượt tù.

Tôi chọn anh Trần Quang là vì thích hợp cho kế hoạch của tôi và cùng ở chung dãy với tôi, khổ người của anh nhỏ nhắn, trầm tĩnh nhưng linh hoạt.

Tôi quyết định theo kế hoạch trù liệu để vượt trại. Tôi và Quang mỗi sáng thức dậy và đi “viếng lăng bác Hồ”, tiếng lóng để chỉ việc giải quyết vệ sinh. Vừa đi vừa bàn tính, tôi cho Quang biết ý định vượt rào và dặn Quang chỉ làm theo những gì tôi cần chớ đừng hỏi tại sao và phải ngăn cách đừng tỏ ra thân thiện để chúng không nghi ngờ, Quang đồng ý vì Quang tin tưởng nơi thành tích của tôi.

Sau 2 tuần lễ, tôi đã thâu thập hệ thống phòng thủ và nghiên cứu thận trọng như sau:
• 20 dãy tole, vách ván, mỗi miếng chiều dài 3 thước có đóng nẹp chận đầu.

• Sau khi điểm danh, 18 giờ 30, tất cả các cửa sổ, cửa chính đều khóa lại.

• Bên ngoài phòng, hàng rào 4 lớp kẽm gai cao 2 thước có treo lon, nhiều hàng rào kẽm gai dọc theo triền đồi, có khoảng 3 lớp consettina cuối cùng dưới chân đồi.

• Bãi Mìn do Trung Đoàn 52, Sư Đoàn 18 Bộ Binh VNCH thiếp lập lẫn trong các lớp hàng rào, Trung Tá Đức Chỉ Huy Trưởng Hậu cứ của Trung Đoàn 52 hiện đang bị giam tại đây, xác nhận là đúng.

• Quân số canh gác và phân công dẫn tù đi lao động là khoảng 200 tên công an.

• 4 vọng gác cao 5 thước, khoảng 2 giờ đổi phiên 24/24, ban đêm khoảng giữa phiên đổi gác, có toán tuần tra võ trang lẻn vào nghe lén từng dãy trại.
Hệ thống bố phòng xung quanh đồi
Trung Đoàn Bộ Đội đóng quân toàn diện từ hướng Đông qua Nam đến hướng Tây. Nằm sâu trong rừng và đặc trách núi Chứa Chan, ước tính chiều dầy khoảng chừng 3 cây số, bao trùm mặt tiền của trại giam. Mặt hậu từ hướng Tây Bắc đến Bắc qua Đông, do cán bộ, thanh niên xung phong và khu kinh tế mới, cán bộ nằm vùng lẫn lộn có thể Trung Đoàn Bộ Đội cũng đảm trách vùng này. Nhìn chung mặt này có vẽ lỏng lẻo nhưng là tử địa vì khi thoát ra mặt này thì chỉ có thể đi về phía rừng lá, không còn đường trốn.

Hệ thống an ninh chìm là nguy hiểm nhất, riêng đội 18 của tôi 60 người đã có 5 tên chìm đội lớp tù, (do sự điều tra của Quang), chúng kiểm soát từ lời nói và hành động của mỗi người, khi ăn, khi ngủ, khi đi lao động, v.v.

Bây giờ tôi chỉ còn chờ chúng đưa đi lao động ở ngoài để quan sát và tìm hướng đi.

Sau hai tuần nghỉ dưỡng sức, các người bị liệt bại đã khá hơn. Tối Chúa Nhật, trước giờ điểm danh, cán bộ đem xuống một danh sách biên chế chỉ định tôi làm đội trưởng 18K, đúng như suy đoán của tôi, vì chúng muốn kiểm soát tôi chặt chẽ, sắp xếp đánh số chỗ ngủ, không được ngủ khác chỗ. Tôi phải chịu trách nhiệm mọi sự xảy ra trong đội, báo cáo quân số trước khi đi và khi về, lao động, nghỉ bệnh, công tác nhẹ, và trước khi đi ngủ, tối đến sau khi điểm danh tôi phải điều hành sinh hoạt, phê bình, sửa sai, đề nghị, đọc báo và văn nghệ Mục đích của chúng là làm cho tôi phải bận rộn trong công việc và an ninh chìm của chúng dễ theo dõi tôi (tôi đã đề phòng việc này nên đã chọn Quang giúp tôi trong việc đào thoát, vì chúng không để ý đến Quang).
Xung quanh các dãy trại đều đóng ván chiều dài 3 thước và đóng chận nẹp. Tôi giao cho Quang một miếng sắt mỏng nhỏ và dẫn Quang đi ngang qua chỗ miếng ván thiếu chiều dài, chúng thêm vào một miếng ngắn mà không có đóng chận nẹp, tôi chỉ cho Quang và dặn mỗi đêm đi tiểu, Quang bò xuống dưới sàn ngủ, đến chỗ đó long đinh, từ bây giờ cho đến thứ sáu phải xong nghĩa là mình có thể đẩy ra nhẹ nhàng không bị động, sau khi xong báo cho tôi hay. Quang nhận lời.

Ông Trưởng ty T và tôi vẫn thường ngày lãnh cơm và ăn chung, tôi rất mến ông là người học thức qua tư cách, rất trầm tĩnh. Trong tuần lễ vừa qua ông có thăm nuôi, ông được người cháu ruột đem đồ ăn, gồm muối xả, café, sữa đặc, đường và vài trăm gram thịt kho. Được gia đình báo cho biết, trước ngày đi thăm ông, có người anh bà con của ông tập kết về cấp Trung Tá VC. Người này coi đồ thăm nuôi đã rầy là gởi đồ thăm nuôi cho tù nhân ăn ngon sẽ bị đưa ra Bắc vì trại này là trại phản động! Tôi nhìn thấy ông có vẻ lo buồn, nhưng tôi vẫn chưa cho ông biết tôi đã chuẩn bị vượt trại mà trong đó có ông.

Hôm nay là tuần lễ thứ ba, đội 18K của chúng tôi bắt đầu mang cày vào cổ, đội chúng tôi dẫy cỏ và nhổ cây bắp khô. Đến chiều hết giờ lao động, chúng tôi đến ao tưới rau để tắm, nước ao tù này do nước mưa đọng lại gồm cả nước phân do ban trồng hoa màu phụ gánh từ trong trại tưới, nước phân chảy xuống ao. Vì thế đêm đó đội chúng tôi bị ngứa gãi muốn rách da.

Ngày thứ ba, vun vồng trồng khoai. Ngày thứ tư, khiêng đá đắp đập ngăn dòng suối. Ngày thứ năm, tiếp tục khiêng đá đắp đập đến 11 giờ. Nghỉ việc, tất cả tập họp điểm danh về trại ăn trưa. Khi điểm danh thiếu mất người, tôi vội báo cáo cho tên cán bộ, tên này bình tĩnh đưa súng AK lên bắn chỉ thiên 3 phát một, và khoảng 1 phút sau có tiếng súng AK đáp lại khắp nơi (cũng nhờ việc này xảy ra nên tôi biết được hướng các chốt bọn chúng đang đóng dọc theo bìa rừng từ hướng Tây qua đến hướng Bắc). Tên cán bộ ra lệnh cho tôi dẫn tù nhân về trại, trên đường về chúng tôi đi ngang qua các chốt của bọn công an, chúng chĩa súng vào đội chúng tôi và chửi nhiều câu thô tục. Tôi căm hận dẫn đội mình về trại. Khoảng 1 tiếng đồng hồ sau, chúng bắt lại được tên trốn và đem về nhốt bên dãy trại của chúng. Tên phó thủ trưởng gọi tôi lên lấy khẩu cung cùng với vài người trong đội. Tôi được biết tên trốn là an ninh chìm, do Quang báo lại cho tôi, buổi chiều hôm trước tên Hậu này đã đứng nói chuyện với cán bộ ở gần hàng rào, tôi nghĩ đây là màn dàn cảnh để cảnh cáo chúng tôi.

Sáng ngày thứ sáu, chúng tập họp tất cả 20 dãy trại. Tên phó thủ trưởng đọc bản án và đem trình diện tên Hậu. Tiếp theo chúng cảnh cáo chúng tôi “hãy yên tâm học tập cải tạo. Ngày mà các anh đặt chân đến đây là ngày thứ nhất của 3 năm. Các anh đừng mong trốn thoát nơi đây, dù một con kiến cũng không thể rời khỏi nơi này? Bằng chứng là suốt 16 tháng qua chẳng ai có ý nghĩ đó. Anh Hậu vì mới đến nên chưa hiểu, nên anh sẽ lãnh phạt 15 ngày quản chế nơi hầm tối…”.

Hôm nay đội tôi được lệnh tháo kẽm gai vòng rào tiền đồn hình tam giác án ngữ căn cứ của Trung Đoàn 52/18. Tôi mừng thầm vì hướng đào thoát của chúng tôi sẽ ở chỗ này. Tôi đôn đốc anh em tháo gỡ cho nhanh kịp trong ngày thứ bảy, vì tối Chúa nhật là ngày, giờ quyết định.

Trong giờ cơm, bắt đầu tôi báo cho ông Trưởng ty biết để chuẩn bị thoát khỏi chỗ này, ông ngạc nhiên hỏi lại, tôi nói:

“Bác hãy chuẩn bị sẵn bộ đồ đen để mặc khi rời khỏi nơi đây, và một bộ đồ khác bỏ vào túi nylon rồi bỏ vào bao cát để đem theo”.

Tôi nói tiếp:

“Bác phải rời khỏi nơi này nếu không Bác sẽ bị đưa ra Bắc”.

Tôi nói tránh vì ông thường ngày ngồi ăn cơm với tôi, nếu ông không đi ông sẽ bị liên lụy. Tôi nhìn thấy nét mặt đăm chiêu của ông, tôi hơi lo ngại, ông hỏi:

“An tính chừng nào?”

Tôi đáp:

“Có thể đêm mai, nếu thời tiết tốt”.

Ông hỏi tiếp:

“Làm sao ra từ đây?”

Tôi đáp:

“Sẽ chui ra dưới gầm chỗ của bác nằm đó!”

Ông giật mình:

“Sao? ở dưới chỗ tôi nằm à?”

Tôi đáp:

“Dạ phải, miếng ván dưới chỗ bác nằm tôi đã long đinh rồi! Vì chỉ có chỗ nằm của Bác là có lối ra thôi”.

Tôi kể rõ kế hoạch cho ông nghe:

“Sau khi từ đây chui ra, tôi chạy nhanh ra hàng rào treo lon, tôi ngồi xuống, Quang sẽ chạy ra và leo lên vai tôi, tôi đứng lên, Quang bước qua phía bên kia hàng rào và đứng chờ, Bác chạy ra bước lên vai tôi, tôi đứng lên, bác bước qua vai của Quang, Quang ngồi xuống để Bác xuống đất và tiếp tục đến hết các hàng rào treo lon, và sau đó Bác và Quang phải theo bên tôi, đừng bước sai nguy hiểm vì Bãi Mìn dọc theo triền đồi.

Ông lo lắng hỏi:

“An có chắc mình sẽ thoát được Bãi Mìn hay không?”

Tôi đáp:

“Bác đừng lo, tôi đã tìm ra điểm chuẩn của Bãi Mìn rồi!”

Tôi nói để cho ông an lòng, và kể rõ hướng đi của kế hoạch.
Nghiên cứu cách thức vượt Bãi Mìn

Về phần Bãi Mìn tôi đã suy nghĩ nhiều ngày đêm, tôi đem ra so sánh các cách gài mìn bẫy của Người Nhái chúng tôi và của Việt cộng, mà vẫn chưa tìm ra manh mối (vì lúc phối hợp công tác với Người Nhái Hoa Kỳ, tôi đã từng tháo gỡ mìn bẫy của VC).

Vì chuyên viên Mìn Bẫy khi gài Bãi Mìn thì chỉ có đơn vị trưởng và người gài biết sơ đồ mà thôi. Sau cùng, tôi suy ra từ 2 chữ Phòng Thủ. Tôi lập sa bàn để định vị trí, các hàng rào cách khoảng với nhau đều đặn, và các trụ cột thì đều đặt so le hay nói cách khác là hình chữ Z. Vậy PhòngThủ thì khi chuyên viên đặt mìn bẫy phải đặt Mìn ở chỗ an toàn cho các trụ cột hàng rào, để khi mìn nổ không làm sụp đổ các hàng rào để còn giữ được phần nào các kẽm gai, vì hàng rào phòng thủ mục đích là chống xâm nhập chiến thuật biển người của VC. Theo sa bàn, tôi sẽ vượt ra theo hình chi (Z) theo hướng các trụ cột, tránh các khoảng trống mà tôi nghĩ là có đặt Mìn, và sẽ lần ra gần phòng trực cổng chính của bọn công an, vì trụ cột chuẩn tôi chọn gần cổng chính, chính xác hơn mấy trụ cột ở khoảng giữa.... Tôi đã xem xét rất kỹ giữa khoảng cách 2 hàng rào, chỉ rào kẽm gai chạy dọc, song song với các hàng rào khác và từ hàng này qua hàng kia bằng các đường kẽm gai giăng ngang với 2 đường chéo góc, còn phía cuối chân đồi có 3 vòng rào loại consertina, báo hiệu là đã hết bãi Mìn (vì rào loại consertina cuốn vòng tròn, không thể rào trong vùng có mìn bẫy, vì có thể bị gió thổi rung động mà chạm ngòi nổ, vì loại mìn chống cá nhân có 3 ngòi nổ rất nhạy thường gọi là Mìn 3 râu.) Tôi vui mừng lẫn lo âu mặc dầu không dám tin chính xác 100/100. Nhưng tôi đã quyết lòng tìm cái Sống trong cái Chết, bất chấp mọi nguy hiểm.

Đêm thứ bảy 23-10-76 khoảng 8 giờ tối, trời mưa thật lớn, kéo dài đến 2 giờ khuya, tôi thầm cầu nguyện cho đêm mai cũng có mưa to thì sẽ là giờ quyết định đào thoát của chúng tôi, vì theo kinh nghiệm của tôi, nếu hôm nay có mưa thì ngày hôm sau cũng sẽ có mưa trễ hơn hôm nay, và sẽ mưa liên tiếp vài hôm, (lần trước tôi đào thoát trại tù Thành Ông Năm, cũng có mưa giống như ngày hôm nay ở đây).

Ngày Chúa Nhật, từ sáng đến 5 giờ chiều, vợ con tôi mới gặp được tôi sau 6 tháng tù, tôi hàn huyên với vợ con trong 15 phút. Vợ tôi đem đồ ăn thăm nuôi, tôi chỉ lấy café, đường, sữa đặc và mấy đòn bánh tét nhỏ,và túi trái cây, còn các thức ăn khác tôi đưa lại để vợ tôi đem về, vì tôi biết vợ con của tôi rất thiếu thốn, khi đi thăm nuôi chắc lại phải bán bớt vật dụng trong nhà. Vì có tên công an dòm ngó, tôi chờ khi vợ tôi cúi xuống gần tôi khẽ nói: “Đêm nào trời mưa thì cầu nguyện cho anh”. Vợ tôi nghe tôi nói giật mình lo sợ, vì vợ tôi hiểu ý câu nói của tôi.... Hết giờ thăm nuôi, vợ con tôi phải rời khỏi trại thăm nuôi để đến nhà ga Gia Rây, đón xe lửa về Sài Gòn. Còn tôi và đoàn tù được thăm nuôi trở lại trại giam.

Cũng như thường lệ, tên cán bộ điểm danh xong, chúng lo khóa lại các cửa cẩn thận. Khoảng 8 giờ tối, mây đen kéo đến và trận mưa bắt đầu đổ hột lúc 9 giờ, tôi đã cho Quang biết chuẩn bị các chi tiết như ông Trưởng ty, dặn Quang lược café lấy nước đậm pha với sữa, đường, rồi cất vào bình nylon nhựa, chung với các đòn bánh tét, còn café nước nhì thì đãi các anh em không có gia đình thăm nuôi, với chút ít bánh trái vì sợ các anh em uống café đậm sẽ khó ngủ, sẽ tạo khó khăn cho chúng tôi.

Tôi và Quang bình tĩnh chờ đợi, tôi chỉ lo cho ông Trưởng ty, vì sau khi nghe tôi thông báo vượt trại, tôi thấy ông không ngủ mà ngồi hút thuốc suốt đêm qua. Tôi mến ông vì đã ở chung qua nhiều lần chuyển trại, và cùng ăn cơm chung. Mưa càng lúc càng to, 9 giờ tắt đèn, tất cả đều về chỗ nằm, nhưng vì hôm nay có thăm nuôi, họ thức thì thầm kể chuyện gia đình cho nhau nghe trong bóng đêm.

11 giờ đêm, tôi cố giương mắt thật to nhìn qua kẽ vách theo dõi 4 chiếc bóng đen mặc áo mưa đi đổi vọng gác qua các lằn ánh sáng của sấm chớp. Khoảng 1/2 giờ sau, 1 tiểu đội tuần tra mang vũ khí đi kiểm soát 20 dãy trại rồi chúng trở ra phòng trực ở cổng chính.

Giờ đào thoát đã đến

Tôi nhẹ nhàng rời khỏi chỗ nằm đến chỗ Quang bấm nhẹ. Quang bước theo tôi trong bóng đêm dến chỗ ông Trưởng ty nằm tôi kéo nhẹ ông xuống đất nhưng ông không chịu xuống, ông kéo tôi sát lại và khẽ nói:

“Xung quanh họ còn thức!”

Tôi trả lời:

“Không sao đâu bác, bác cứ chui xuống gầm sàn là xong”

Ông không chịu, bảo tôi phải chờ cho ông 1 tiếng đồng hồ nữa.

Tôi sợ động mấy người nằm gần nên đành lui về với Quang trở lại đầu dãy trại để tiếp tục theo dõi các toán lính gác qua kẽ hở. Quang nóng lòng thì thầm qua tai tôi: “Ông làm như vậy là chết mình rồi anh.” Tôi cố trấn tĩnh Quang: “Không sao.” Nhưng lòng tôi như lửa đốt. Khoảng nửa giờ sau, bên ngoài bớt mưa.

Tôi quyết định kéo nhẹ Quang đến chỗ ông. Tôi kéo hẳn ông xuống đất và đẩy ông chui xuống gầm sàn dưới chỗ ông nằm ông ta cứ dùng dằng không chịu chui, Quang chui vào trước đẩy nhẹ miếng ván đã long đinh và chui ra ngoài, tôi liền đẩy ông chui ra tiếp, ông không chịu lại đẩy tôi ra, trong lúc dằng co đó làm cho người nằm kế bên ông lên tiếng: “Không biết cái gì kêu lụp cụp vậy?” Liền lúc đó nghe có tiếng diêm quẹt, tôi cấp tốc chui ra ngoài, nhìn lại không thấy ông chui theo, Quang kéo tôi thúc giục: “Đi anh để chết đó!” Tôi cố rướn mình lên nhìn vào trong không thấy được vì tối. Tôi chạy nhanh theo Quang và ngồi xuống cho Quang leo lên vai, tôi đứng lên Quang bước qua bên kia rào tuột xuống đất chờ. Tôi dặn Quang chờ tôi một chút, vì lúc đó tôi vẫn còn nghĩ đến ông. Tôi nhanh nhẹn chạy trở lại lỗ trống hy vọng ông đã chui ra, nhưng tôi không thấy, tôi dán mắt vào kẽ hở, qua diêm quẹt mồi đèn, bóng ông ta đang ngồi bó gối hút thuốc lá trên sàn nơi chỗ ông nằm. Thôi rồi! Tôi không còn hy vọng gì để cứu ông được nữa! Tôi chạy thật nhanh trở ra hàng rào kẽm gai, không thấy bóng của Quang, tôi vội trèo qua 4 lớp hàng rào kẽm gai mà vẫn không thấy bóng của Quang đâu cả, tôi cúi rạp người xuống nhìn theo đường chân trời, bỗng thấy bụi cây bên phải của tôi lay động, tôi vội bò ngay lại đó gặp Quang, thì ra Quang không dám chờ tôi tại chỗ vì là đường đi tuần của bọn lính gác. Tôi nắm tay Quang: “Đi theo tôi”.

Tôi dẫn Quang bò đến trụ hàng rào điểm chuẩn, gần trạm canh cổng chính, tôi nhắm theo các trụ cột hàng rào và bò lách kẽm gai, thận trọng theo hình chữ Z, Quang bò theo sát tôi, độ chừng 15 phút, tôi và Quang đã xuống tới dưới triền đồi thoát khỏi Bãi Mìn, chúng tôi khom người chạy nhanh qua khoảng đất trống, băng qua tiền đồn hình tam giác, nơi đó là chỗ đội của tôi vừa tháo hết kẽm gai hôm thứ bảy, nên tôi và Quang đã vượt qua chỗ này dễ dàng, chạy thêm một đoạn thẳng vào bìa rừng, chúng tôi lọt vào vùng gai mắc cỡ tây cao phủ đầu, chúng tôi bị gai đâm vào mình không biết bao nhiêu mà kể, chúng tôi đang vạch gai để tìm đường đi, bỗng chúng tôi bị lọt xuống dòng suối, tôi rất mừng vì trong dự tính kế hoạch của tôi không biết có dòng suối này, tôi biết chắc chắn theo con suối này sẽ xuống được nhà ga Gia Rây (vì tôi đã nhìn thấy từ trên trại giam chiếc cầu xe lửa gần chợ Gia Rây). Tôi bảo Quang tắm cho sạch và đồng thời di chuyển theo dòng suối, khi đến gần nhà ga Gia Rây, tôi kéo Quang bò lên cầu để vào hướng núi Chứa Chan, nhưng khi qua ngang đường rầy xe lửa, bỗng tôi nghĩ ra một phương pháp vội kéo Quang đứng lên đường rầy, mỗi người một bên, tôi quàng tay qua vai Quang và Quang làm ngược lại, bây giờ tôi và Quang đã vững trên đường rầy, chúng tôi bắt đầu chạy trên đường rầy dễ dàng không sợ vấp ngã, chúng tôi tiếp tục chạy khoảng 2 giờ đồng hồ nữa rồi ngồi trên đường rầy mà nghỉ mệt, vì chúng tôi biết là đã thoát vòng kiểm soát của khu vực trại giam khá xa.

Tôi đang nghĩ đến Ông Trưởng ty, có lẽ ông biết mình già yếu không còn đủ sức chạy bộ, ông lo sẽ làm vướng bận chúng tôi nên đành ở lại? Khi còn ở quận 2, ông có tặng một bài thơ cho tôi và bảo tôi học thuộc lòng bài thơ như sau:
Tự Thán

Đời là chi?
Ta là gì?
Dòng đời vẫn chảy,
Ta cứ mãi đi!
Ta là một cội thông hiu quạnh
Đứng chọc trời xanh dưới nắng tà
Sớm chiều vi vút tiếng thông reo
Ẻo lả cành theo ngọn gió vèo
Giông tố bao lần lay lá cội
Sớm chiều vẫn vút tiếng thông reo
Tiếng thông reo, tiếng thông reo
Trải bao giông tố vẫn reo gió chiều.

Nguyễn văn T
Vừa ngồi nghỉ mệt trên đường rầy xe lửa vừa ăn bánh tét và thưởng thức café sữa ngon lành.... Quang quàng tay qua vai tôi giọng cảm động:

“Anh An, anh là người cứu mạng của tôi, nên tôi xin nói thật cho anh biết, -giọng Quang trầm lại- Tôi là đảng viên của Trung Hoa Quốc Dân Đảng, tôi tên thật là Lai Minh Quang, cháu ruột của Trung Tướng Lai Minh Kiên, hiện bác tôi đang ở Đài Loan, tôi có nhiệm vụ nằm trong Quân Đội VNCH, và tên Trần Quang là tên giả, tôi học và tốt nghiệp Kỹ sư Điện Tử tại Okinawa Nhật Bản. Khi về Việt Nam, tôi phụ trách Trưởng Đài Radar Phú Lâm, mục đích là để theo dõi bên Trung cộng, các máy bay bên Trung cộng cất cánh thì ở Đài Radar Phú Lâm đều nhận biết.... Khi miền Nam sụp đổ, tôi đã được báo trước nên đã cho vợ con rời khỏi Việt Nam hiện đang ở Tân Gia Ba, vì tôi còn công tác nên phải ở lại Việt Nam. Bây giờ việc trước mắt là về Sài Gòn, tôi bắt liên lạc với các điểm rồi chúng mình cùng tìm đường qua Đài Loan, khi ra được ngoại quốc rồi sẽ tính sau.”

Chúng tôi tiếp tục chạy, khi đến nhà ga Bảo chính thì trời gần sáng. Chúng tôi vào rừng chồi thay bộ đồ khô mang theo trong bao nylon bỏ trong bao cát, nhờ lọt xuống suối nên chúng tôi đã tắm sạch đất đỏ, bây giờ thay bộ đồ khô vào trông cũng sạch sẽ. Chúng tôi vẫn tiếp tục chạy trên đường sắt hướng về Long Khánh cho kịp chuyến xe lửa từ Nha Trang vào. Khi tới những nơi có người ở thì chúng tôi đi bộ, còn những chỗ không người thì chạy tiếp. Những dân cư ở dọc theo con đường xe lửa từ nhà ga Bảo chính vào đến Long Khánh chúng tôi thấy phần nhiều là người Thượng. Khi đến nhà ga Long khánh khoảng 8 giờ sáng, con đường dài 35 cây số. Tôi lấy trong lai quần ra 5 đồng tiền VC (vì đã có kinh nghiệm vượt tù lần trước) tôi đã dấu từ lúc mới bị bắt, tôi đưa tiền cho Quang vào mua vé, được trạm bán vé cho biết 9 giờ xe lửa tới, tôi và Quang vào quán café gần đó ngồi uống café và bàn chuyện về Sài Gòn mua hột giống để đem về vùng kinh tế mới trồng trọt, v.v. Trong quán cũng có vài tên cán bộ công an VC đang ngồi uống Café.

Tiếng còi hú từ xa của chuyến xe lửa từ Nha Trang vào Sài Gòn đã gần đến, tôi và Quang đều cảnh giác. Chúng tôi chia nhau mỗi người một đầu toa để tránh sự theo dõi của bọn công an. Và chúng tôi đã về đến Sài Gòn lúc 12 giờ trưa, nhưng Quang lại bị sưng vù cả 2 chân không đi được nữa (vì Quang chưa bao giờ chạy xa như vậy, còn đối với tôi đã được huấn luyện qua khóa Người Nhái thì chạy bộ 35 cây số không có gì trở ngại), tôi gọi xe xích lô đạp chở chúng tôi về Chợ Lớn, nhưng khi đi ngang qua quán phở 79, đường Võ Tánh, chúng tôi cảm thấy thèm quá nên xuống xe vào tiệm gọi phở ăn một bữa thật ngon. Vì thấy chúng tôi nước da sạm đen ông chủ tiệm phở hỏi: “Các anh ở đâu về mà đen quá vậy?” Tôi trả lời là chúng tôi từ vùng Kinh Tế mới về Sài Gòn để mua hột giống trồng trọt.... Sau đó chúng tôi gọi xe xích lô chở Quang đến một địa điểm riêng của Quang. Chúng tôi từ giã và hẹn gặp lại tại một quán café ở ngã 7 Chợ lớn, nhưng tôi đã đến điểm hẹn liên tiếp mấy ngày mà không gặp Quang. Tôi nghĩ có thể điểm liên lạc của Quang không muốn tiếp xúc với tôi vì sợ bị lộ, và tôi mất liên lạc với Quang từ đó!

Tôi đến thăm anh Nguyễn Thành Nhơn trong đêm mới trở về Sài Gòn, tôi nhảy rào vào nhà gặp anh chị. Anh chị rất vui mừng. Tôi kể chuyện lại cho anh chị nghe. Anh Nhơn cho tôi hay là phòng tập Thể Dục của anh đã bị bọn công an phường tịch thâu rồi, anh bảo tôi ở lại ngủ một đêm rồi sáng mai sẽ đi, tôi cám ơn anh chị và từ giã trước vì sáng sớm tôi đã rời khỏi nhà của anh chị.

Tôi cố liên lạc lại với các bạn thân ngày trước, nhưng có người thấy tôi từ xa thì đã vội vào nhà khóa cửa lánh mặt. Cũng may được một người bạn cho mượn chiếc xe đạp, và nhờ đó tôi di chuyển khắp nơi trong thành phố, dự định tìm vào các lực lượng kháng chiến trong rừng. Tôi gặp một đại diện của một giáo phái (xin tạm giấu tên) sau một tháng, ông gặp lại cho và cho hay:

“Chắc em không có phần vào trong với anh em, là vì tôi đã liên lạc và ở trong đã gởi 3 lần liên lạc viên ra để đưa em vào nhưng đều đổ bể cả. Và ở trong đã quyết định hủy bỏ công tác đón em rồi!”

Thêm một lần thoát nạn

Người bạn thân Mai Văn Lương (hiện đang sống tại Cali) cùng đơn vị phủ Tổng thống, đã giúp tôi thật nhiều trong lúc cùng cực. Anh đã giúp tôi liên lạc với một lực lượng vùng Hậu giang, có cơ sở mua bán phân bón, văn phòng tại đường Trần Hưng Đạo, đối diện với Tổng Nha công an thành phố. Đêm đó tôi ở lại ngủ tại cơ sở suốt đêm trò chuyện cùng anh Hoàng (Hoàng cấp bậc Đại úy Sĩ quan Đà Lạt trốn trình diện đi tù cải tạo) cho biết cơ sở này được quyền giữ 20 nhân viên ngủ lại đêm, anh khuyên tôi yên tâm ở lại đây để chờ liên lạc viên từ Hậu Giang lên đón tôi…. Sáng sớm hôm sau tôi và anh Hoàng ra ăn sáng ở tại quán café vỉa hè gần đó, Lương cũng vừa tới. Trong quán có rất đông bọn công an đang uống café. Tôi có linh cảm như có việc gì sắp xảy ra nên sau khi ăn sáng xong tôi nói với Lương đưa tôi về chỗ ẩn trú của tôi và khi nào có liên lạc viên ở Hậu Giang lên thì đến đón tôi, vì ở đây tôi cảm thấy có nhiều nguy hiểm. Lương đồng ý và đưa tôi về chỗ ẩn rồi ra đi. Nhưng khoảng 12 giờ trưa, Lương trở lại kiếm tôi và cho hay tất cả cơ sở đó đã bị công an thành phố hốt hết rồi! Thật may cho tôi, tôi chỉ thoát trong đường tơ kẽ tóc.

Có nhiều ngày tôi lang thang đạp xe từ 6 giờ sáng khắp nơi trong thành phố cho tới 9 giờ tối mà tôi chưa biết đêm nay phải ngủ ở đâu? Có hôm tôi chỉ ăn vài trái chuối qua ngày vì không tiền. Có nhiều hôm được tin bọn công an bố ráp ở các bến xe đò Xa Cảng Miền Tây, nhà ga xe lửa là những nơi tôi thường mướn chiếu để ngủ nên phải tìm vào nhà các bạn để trốn.

Tôi bị bắt hụt lần thứ 2

Có lần tôi đang ẩn trong nhà một người bạn ở quận 11, Sài Gòn, khoảng 1 giờ khuya, bọn công an Phường tông cửa ập vào nhà, tên công an trưởng ra lệnh tất cả phải đứng yên tại chỗ và cho biết là chúng được tin trong nhà bạn tôi có làm lò nướng bánh mì lậu. Chúng bắt đầu lục soát, trong lúc đó tôi đang ở trong phòng ngủ của bà mẹ anh bạn vì bà về thăm quê ở Thốt Nốt, nên anh bạn cho tôi ngủ tạm, vì tôi cũng đề phòng trường hợp này có thể xảy ra nên tôi không nằm ngủ trên giường mà chỉ trải tấm mền lót để nằm dưới đất, còn trên giường thì mùng, mền, nệm gối đều xếp ngay ngắn, cửa phòng khi vào tôi đã khóa lại phía trong, khi nghe tiếng bọn công an vào tôi liền kéo tấm mền đẩy vào gầm giường rồi chui vào trốn trong tủ áo vì quá cấp tốc nên tôi không còn đường nào để thoát. Tiếng tên công an trưởng hỏi bạn tôi:

“Ai ở trong phòng này?”

Bạn tôi trả lời:

“Đây là phòng ngủ của má tôi hôm nay bà đã về quê ở Thốt Nốt thăm bà con, không có ai ở trong đó hết”

Tên công an ra lệnh bạn tôi lấy chìa khóa mở cửa phòng để chúng khám xét. Tôi lo sợ nghĩ rằng lần này hết phương thoát khỏi. Sau khi cửa phòng đã mở tôi nghe tiếng chân của tên công an bước vào phòng, tôi hé nhìn kẹt cửa tủ áo thấy tên này ngó dáo dác trên giường rồi bước đến bàn đèn chộp lấy chiếc đồng hồ đeo tay của tôi đang để trên bàn rồi vội bước ra và ra lệnh cho mấy tên khác lên gác lục soát để tìm tang vật về việc làm bánh mì lậu như bột mì, bàn cân bột, v.v. Khi bọn công an lên gác anh bạn vội mở cửa sau cho tôi tẩu thoát. Tôi thoát nạn lần này là nhờ vào chiếc đồng hồ “Hai cửa sổ, ba người lái” (tiếng của bộ đội CS khi mới vào Nam) của tôi, vì tên công an lấy được nên vội bỏ đi ra ngay.

Lần thứ 3 bị bắt hụt.

Trong gần dịp lễ Giáng Sinh năm 1977, được tin bọn công an sẽ bố ráp ở các nơi công cộng, bến xe đò, nhà ga xe lửa, nên tôi đến xin bạn tôi cho ngủ nhờ. Khoảng 12 giờ khuya có tiếng đập cửa và tiếng bọn công an kêu gọi mở cửa phía trước lẫn phía sau. Trong lúc bạn tôi đi mở cửa, tôi chạy lên gác lầu và mở cửa sổ leo lên nóc nhà và bò rạp mình theo bóng tối qua 2-3 nóc nhà và nằm nép mình xuống máng xối giữa 2 mái nhà của phòng bán thực phẩm do cán bộ VC quản lý. Chúng lục xét khắp nơi rồi lên gác mở cửa sổ nơi tôi vừa thoát ra. Chúng nhìn qua mấy nóc nhà nhưng vì tối quá nên chúng nó không thấy tôi nên chúng xuống lầu rồi bỏ đi. Kể từ đó anh bạn tôi không còn muốn thấy mặt tôi nữa vì anh đã quá sợ. Còn về phần tôi thì cũng ngại ngùng không muốn liên lụy đến anh bạn nữa nên tôi tránh xa khu nhà của anh!

Tôi được một anh bạn khác giới thiệu cho tôi gặp một người đại diện cho một tổ chức kháng chiến chống Cộng ở miền Tây (xin được giữ kín), lúc đó tôi cũng có trách nhiệm cố vấn tham mưu, đại diện cho một lực lượng tại đô thành Sài Gòn gồm nhiều thành phần hỗn hợp, tôn giáo, quân nhân, công chức của Việt Nam Cộng Hòa. Vì lúc này tất cả Sĩ quan đều bị đi tù cải tạo còn lại thành phần quân nhân từ Hạ sĩ quan trở xuống. Anh bạn Người Nhái của chúng tôi cấp bậc là Thượng sĩ đã họp cùng một số anh em quân nhân và vài đoàn thể Tôn Giáo khác tổ chức ra một lực lượng trong đô thành. Khi anh gặp được tôi trốn trại lần thứ 2, anh ngỏ ý nhờ tôi giúp trong phần điều hành nhân sự vì trong tổ chức nhân sự đã vượt quá khả năng Hạ sĩ quan của anh. Tôi cũng cho anh biết là khả năng của tôi cũng hạn hẹp. Không thể lộ mặt được vì đang lẩn trốn, tạm thời tôi xin nhận phần chìm đại diện cho tổ chức để tìm các tổ chức khác để kết hợp, v.v. Trong phần vụ đó tôi đã dấn thân cùng với một tổ chức khác đi về miền Tây để liên lạc với các cánh quân ly khai vùng Sóc Trăng và Cờ Đỏ, và sau buổi họp tại khách sạn ở Cần Thơ, tôi đã bí mật mang về Sài Gòn những số nhà của các địa điểm cần được phối kiểm để tiếp tế khi cần. Nhưng chỉ vài tuần sau thì tổ chức tôi đang hơp tác bị bể, chúng tôi đành phải nằm yên.

Nhờ người bạn thân giới thiệu tôi với một đại diện một cánh quân ở Miền Tây, tổ chức của anh đang bị động ở miền Tây nên anh lánh về Sài Gòn. Tôi và anh bàn thảo trong tinh thần cởi mở thân mật vì chúng tôi đều đang đi tìm những đường dây tiếp tế thật sự từ ngoại quốc về và hứa sẽ giúp đỡ cho nhau khi cần với khả năng mà mình có.

Sắp đến Tết Nguyên Đán ở đô thành lại bị bố ráp, tôi đến gặp anh Trần (xin tạm gọi là anh Trần...) nhờ anh giúp đưa tôi tạm lánh nạn về miền Tây ở vùng Cái Răng. Anh giới thiệu tôi là người Tàu lai ở Chợ Lớn đi tìm việc làm với ông chủ vườn cây ăn trái và nhờ ông giúp đỡ. Ông chủ vườn đưa tôi vào vườn cây của ông cách mặt lộ khoảng 3 cây số. Vì là vùng đất Bưng (đất sét đen) nên chỉ đi bằng chân không, vì bùn sình lún sâu không thể mang giày dép được. Tôi ở chung với vợ chồng người cháu. Tôi tạm gọi là anh Ba, anh là HSQ Truyền tin, anh tự làm cho mù mắt để được miễn dịch, sau khi VC chiếm miền Nam, vợ chồng anh bần khổ nên về đây ở tạm. Anh cũng thường tự trách mình mỗi khi tâm sự với tôi là ngày trước anh đã hèn nhát, đã tự hủy hoại thân thể để cầu an bây giờ VC vào rồi anh mới thấy hối hận. Anh cũng hỏi thăm dò tôi thuộc thành phần nào nhưng tôi giấu nhẹm chỉ cho anh biết tôi là người Tàu lai tên là Hứa Gia Ân. Vườn cây ăn trái có khoảng 300 gốc, ban ngày tôi tưới nước và lặn xuống dòng rạch để móc sình non lên vun gốc. Ban đêm khi chiều xuống, tôi và anh Ba chèo xuồng đi giăng câu ở những nơi hoang vắng để tránh tai mắt bọn công an vùng. Có nhiều đêm mưa tầm tã chúng tôi quần áo ướt sũng co ro trên xuồng, hoặc tìm vào các ngôi miễu hoang mà trú ẩn cho qua cơn mưa, gần sáng chúng tôi mới chèo xuồng về. Vợ anh Ba, chị đem cá câu được ra chợ Cái Răng bán và mua lại gạo muối về dùng. Thỉnh thoảng một vài tuần anh Trần vào thăm tôi và tiếp tế chút ít tiền đưa cho anh chị Ba lo giúp phần ăn uống cho tôi vì ông chủ vườn cũng không có dư dả nên vợ chồng anh Ba và tôi điều phải tự túc.

Thoát nạn lần thứ 4.

Tôi ở đây gần 3 tuần, tôi đã gặp NN Nguyễn Văn Cao chung khóa 2 NN với tôi, trong lúc tôi ra mặt lộ để hớt tóc. Cao gặp tôi vui mừng, tôi vội kéo Cao ra ngoài để tránh mọi người để ý và cho anh Cao biết là tôi đang lẩn trốn vì đã vượt tù cải tạo hiện giờ thân phận tôi là người Tàu lai ở Chợ Lớn thất nghiệp nên xuống đây làm vườn để sống. Cao khẽ nói với tôi:

“Chú Ba T (Ông chủ vườn) ngày xưa đã tiếp tế VC. Nếu anh ở nhà ông thì tạm là an toàn vì công an phường khóm đều quen biết ông.”

Nhưng vài hôm sau ông chủ vườn cho tôi hay là công an nói giấy tờ của tôi đã gần hết hạn và muốn gặp mặt tôi vào ngày mai. Tôi cảm thấy nguy hiểm nên khoảng 3 giờ sáng sớm hôm sau tôi lén rời khỏi Cái Răng đi xe đò trở về Sài Gòn.

Sau đó có lúc tôi ở Cai Lậy, Cần Thơ, Cái Răng, Bò Ót, Ô Môn, Thất Sơn, Châu Đốc.... Tôi cố tìm vào các nơi bưng biền, nhưng khi biết ra thì các anh em chỉ có “ngọn mà không có gốc”.
Tôi đành phải vượt biên, sau khi đã bị VC bắt hụt mấy lần. Cuối cùng tôi được một người bạn thân giúp cho tôi đem vợ và đứa con trai vừa hơn 3 tuổi.

NGÀY VƯỢT BIÊN

Ngày lễ Thanh Minh là ngày vượt biên! Chúng tôi xuống ghe tại bến Ninh Kiều, Cần Thơ rồi chạy ra cửa biển Tranh Đề, được chiếc ghe đánh cá Kiên Giang mang số KG-0660 đón lên ghe và khởi hành ra cửa biển, nhưng khi vừa ra tới cửa biển chiếc ghe lại leo lên cồn cát, tất cả trên ghe là 59 người kể cả lớn nhỏ, đều nhốn nháo lên, vì trên ghe có người đã vượt biên 5 lần 7 lượt mà vẫn không thoát, lần này ghe lại mắc cạn, nên mọi người đều lo sợ.

Tôi đứng ra kêu gọi tất cả hãy bình tĩnh, và tổ chức lại, chia ra nhiều tổ, mỗi tổ 2 người, bắt đầu xuống nước tính từ ghe chia ra tổ nào đi theo hướng nấy và khi nào tìm được chỗ nước sâu tới ngực thì kêu lên. Tất cả đều làm theo lời của tôi, một lúc sau ở hướng bên trái kêu lên có chỗ sâu, tất cả đều cùng xúm lại đẩy ghe về hướng đó, ghe lại khởi hành, nhưng ghe chạy chỉ được chừng vài trăm thước thì máy bơm nước từ trong ra ngoài bị bể. Tôi liền tổ chức chia thành 3 toán thay phiên nhau tát nước trong ghe ra ngoài. Tôi chọn 3 người lớn tuổi làm trưởng toán có trách nhiệm sắp đặt thay phiên nhau.

Tôi nghi ngờ anh tài công này, tôi lên phòng lái hỏi anh tài công: “Anh chở theo bao nhiêu lít dầu?”

Tài công trả lời: “400 lít”.

Tôi hỏi: “Ghe này chạy bao nhiêu cây số giờ?”

Tài công: “không biết!”

Tôi hỏi: “Bây giờ anh đang chạy đi đâu?”

Tài công: “Cứ chạy rồi sáng vô Hòn Khoai tính lại”

Tôi biết tên tài công này có mưu đồ, tôi tức giận thét lớn lên: “Anh rời khỏi phòng lái ngay, kể từ bây giờ tôi lái chiếc ghe này!”

Tôi kéo cổ tên tài công ra khỏi phòng lái và dặn các anh trưởng toán coi chừng tên tài công, còn tôi vào phòng lái, lấy hướng 180 độ trên la bàn là hướng giữa Côn Sơn và Hòn Khoai mà lái đi suốt đêm cho đến 7 giờ sáng. Tôi nhìn về hướng bên trái ghe thấy dạng núi Côn Sơn, biết là đúng hướng rồi, tôi lái thêm ba giờ nữa để ghe ra tới hải phận quốc tế. Tôi được các người trên ghe cho biết tên tài công không có ý định vượt biên, nên vợ con anh ta để lại Việt Nam. Còn ghe thì không có tu bổ hay sửa chữa chi hết, nên nước đã vào theo kẽ hở tróc chai rồi lại hư luôn máy bơm nước, còn máy cũng hư, chỉ còn máy tiến mà không có máy lùi. Trên ghe đi biển vượt biên mà không có hải đồ, chỉ vỏn vẹn một la bàn trong phòng lái mà thôi. Tôi đem tấm bản đồ giới thiệu đường hàng không của Mã Lai, tỷ lệ 1/40 triệu, nhìn vào bản đồ thấy nước Việt Nam bằng đầu ngón tay út, dùng bản đồ đó và địa bàn Bộ Binh (tôi đem theo tấm bản đồ và địa bàn này trong mình là dự tính vượt biên bằng đường bộ) tôi đo và xoay theo hướng độ, tôi kẻ đường thẳng đến thị trấn Kotabaru của Mã Lai, giáp biên giới của Thái Lan, là hướng 240 độ.
Description: http://lhccshtd.org/NNQLVNCH/B08/NN_B08_A09_N.jpg
Tôi lái ghe đổi hướng trực chỉ. Chúng tôi đã đi 2 đêm 2 ngày, mỗi ngày tôi đều thay dầu vào lúc 4 giờ chiều, rồi lại đi tiếp. Bỗng thấy có chiếc tàu từ xa chạy cùng chiều, chiếc tàu chạy tốc độ rất nhanh khi đến gần chúng tôi mới biết là tàu đánh cá Thái Lan. Chiếc tàu vượt qua ghe rồi ngừng lại, ra dấu cho chúng tôi cập vào, vì ghe không có máy lùi nên kêu tất cả thanh niên khoảng gần 30 người đứng dàn hàng trên ghe để khi cập vào thì đỡ lại, và tôi lái góc 90 độ mũi ghe chỉa thẳng vào hông tàu của Thái Lan dự tính khi đến gần sẽ lấy mũi lại song song với tàu, nhưng tàu Thái Lan hoảng sợ vội vọt mạnh về phía trước, làm cho một tên Thái rớt xuống biển. Tôi vòng ghe lại vớt tên này lên, tên thủy thủ lên ghe chúng tôi mà có vẻ sợ sệt, chiếc tàu Thái Lan vòng lại và ra dấu thả tên Thái đó và ra dấu sẽ tiếp tế thực phẩm cho chúng tôi. Tôi ra dấu cho tên Thái Lan nhảy xuống lội về tàu, chúng tôi được tàu Thái câu bỏ xuống 2 bao gạo và 2 thùng bằng nylon chứa nước ngọt (vì khi ghe bị mắc cạn chúng tôi đã đổ bớt nước ngọt đem theo để cho ghe được nhẹ bớt nên thiếu nước ngọt). Sau đó tàu Thái Lan trở hướng chạy ngược lại, còn chúng tôi tiếp tục đi. Bà con trên ghe bàn tán, có lẽ tàu Thái Lan đó là hải tặc, nhưng khi thấy trên ghe đông thanh niên đứng dàn hàng nên chúng nó sợ chúng tôi cướp lại tàu của chúng nó nên chúng đành bỏ đi?

Đến chiều ngày hôm đó tôi họp với 3 anh trưởng toán lại và cho các anh biết là tình trạng chiếc ghe không còn an toàn nữa, vì chất chai trét đã bị tróc nước vô nhiều, hy vọng có tàu lớn đi ngang cứu giúp. Tất cả đều lo lắng. Khoảng 6 giờ chiều, bỗng thấy ánh sáng chớp lên thật xa, tôi xem kỹ biết là Hải Tiêu, tôi báo cho tất cả trên ghe hay tin đều vui mừng, tôi lái theo hướng Hải Tiêu cho tới 12 giờ đêm mới vào được tới cửa sông, khi tôi ủi ghe lên bờ vừa chạm cồn cát, chiếc ghe rã ra và chìm xuống nước, 59 người lớn và trẻ em trên ghe đều bồng bế nhau nhảy xuống biển, nước sâu tới cổ, và tất cả mọi người đều an toàn đến bến bờ đất nước Mã Lai.
Chiếc ghe đánh cá Kiên Giang mang số KG-0660 đã làm tròn trách nhiệm của mình đưa người tới bến bờ TỰ DO và đã trở về với lòng Đại Dương ngàn đời! Còn Chúng ta... những đứa con vì 2 chữ TỰ DO đã bỏ nước ra đi đang lang thang nơi đất lạ khắp năm châu. Biết đến bao giờ những đứa con này mang 2 chữ TỰ DO về cho đất mẹ!

NN Lê Đình An
Mã Lai, Mùa thu 1978.
Description: http://lhccshtd.org/NNQLVNCH/nnG/nnGD/nnGDHD/gdn_XanhDam_NavyHaiQuan_0142x1.jpg
Ghi chú: Vào năm 1984, gia đinh tôi còn ở Thành phố Houston, tôi có gặp lại một anh Sĩ quan bị tù chung ở Thành Ông Năm quận Hốc Môn (nơi tôi vượt tù lần thứ nhất). Anh này được thả ra sau 3 năm tù, và anh đã vượt biên bằng ghe đánh cá. Sau khi tay bắt mặt mừng, anh cho tôi biết tin tức về các anh em tù cải tạo, tôi hỏi về 2 anh Nguyễn Hoành và Hoàng Trinh. Anh thở dài và cho biết: ... sau khi ở Trại Thành Ông Năm, bọn chúng đã chuyển tù nhân tất cả ra vùng U Minh rồi sau đó chuyển ra An Thới Phú Quốc, rồi chuyển về núi Thị Vải, 2 anh Nguyễn Hoành và Hoàng Trinh đã vượt trại tù ở chân núi Thị Vải, Vũng Tàu và đã bị bắn chết cả 2 ở giữa vòng rào kẽm gai!!
oOo
Vào tháng 5 - 2003. Tôi được NN Nguyễn Đức Nguyên báo tin cho tôi biết có gặp anh Đặng Văn Sáu, Sĩ quan bị tù cải tạo qua Mỹ trong diện HO hiện anh đang làm an ninh khu vực (Security) của Ngân Hàng nơi NN Nguyên đang gởi tiền. Anh này biết Nguyên là NN nên hỏi Nguyên có biết anh Lê Đình An làm việc ở Phủ Tống Thống hay không? Nguyên trả lời Anh An là bạn cùng chung đơn vị Phủ Tổng thống với tôi. Anh Sáu kể lại câu chuyện:

“Anh Lê Đình An và tôi ở tù chung trại Phản động K3 ở Gia Rây. Ngày anh An vượt trại với một người tên là Trần Quang, tất cả Trại tù anh em đều bàng hoàng kinh sợ vì xung quanh trại đều có mìn. Anh Sáu kể tiếp: “sau khi anh An vượt trại, bọn cán bộ cho tất cả tù ngưng lao động để chờ bắt các anh trở lại, nhưng bọn cán bộ rất tức giận vì chúng không bắt lại được. Sau đó khoảng chừng 4 tháng, chúng nó chuyển tất cả trại K3 ra miền Bắc. Trên chuyến Tàu đang chờ đợi chở ra Bắc, anh em lại thấy cán bộ giải đến một người bị còng tréo tay sau lưng, thân hình gầy gò ốm yếu, khi giải đến gần anh em mới biết là anh Trần Quang. Sau này anh Quang vì ở chung trại với tôi nên kể cho tôi nghe cuộc vượt tù với anh Lê Đình An, thời gian đó anh Quang vì bị bệnh sốt xuất huyết cho nên người quen của anh Quang phải đưa vào nhà thương điều trị vì vậy nên Quang bị lộ và bị bắt lại, rồi chúng nó giải giao lại cùng trại Nam Hà chung với toán chúng tôi....

Được vài tháng sau Quang tâm sự với tôi là sẽ tìm cách trốn nữa. Quả thật Quang đã tìm cách trốn bằng cách uống nhiều thuốc trị sốt rét nên bị vật vã, khi bọn cán bộ chở vào nhà thương thì Quang đã chết vì bị uống quá liều. Có lẽ Quang dự tính dùng phương pháp này để khi vào nhà thương, anh sẽ tìm cách thoát thân. Nhưng anh vĩnh viễn không còn cơ hội nữa!

Vào ngày 03-01-2004. Tôi nhận được điện thoại của anh Đặng Văn Sáu, tôi rất vui mừng. Sau khi hàn huyên thăm hỏi.... Anh Sáu cũng kể lại diễn tiến từ khi tôi và Trần Quang vượt trại cải tạo K3 như kể ở phần trên....

Anh Đặng Văn Sáu được thả ra vào năm 1982. Anh lập gia đình vào năm 1983, khi có được một cháu, gia đình anh được qua Mỹ trong diện HO đợt 10, hiện đang sống tại California./.