link :
Chuẩn bị cho các hoạt động của năm Hữu nghị Việt – Trung 2010, kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước Việt nam-Trung quốc, tại buổi họp báo sáng nay (6/1) ở Hà Nội, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Trung Quốc tại Việt Nam Tôn Quốc Tường đã thông báo các sự kiện cũng như đánh giá về tiến trình hợp tác 60 năm Trung – Việt qua đó Đại sứ Tôn Quốc Tường đã cho rằng giải pháp thiết thực hiện nay, đó là tạm gác lại tranh chấp Biển Đông, chờ điều kiện chín muồi giải quyết, trong khi ưu tiên cho hoạt động phát triển kinh tế xã hội ở hai nước(1). Mọi người đánh giá rằng, phía Trung quốc mượn cuộc phỏng vấn ngày 6/1/20010 hòng thông qua Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của mình tại Hà nội Tôn quốc Tường phía Trung quốc đã yêu cầu đảng, chính quyền và nhân dân Việt nam phải thực hiện một số điểm sau:
1. Tạm gác tranh chấp:
Chúng ta hẳn còn nhớ ngài Đại sứ Tôn Quốc Tường, trong cuộc họp báo đó với giọng điệu nước lớn, sặc mùi Đại Hán khi nói tới kinh nghiệm quý báu nhất rút ra trong tiến trình 60 năm quan hệ Trung – Việt là “hợp tác sẽ phát triển, đấu tranh sẽ thất bại” và khuyên nhủ nhà nước và nhân dân Việt nam hãy “Để giải quyết tranh chấp, hai bên cần xuất phát từ đại cục, toàn cục và lợi ích căn bản của nhân dân hai nước, tạm gác lại tranh chấp, không làm ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường, thuận lợi của quan hệ hai nước”. Ngạo mạn chưa đủ ngài Đại sứ Trung quốc còn lên giọng răn đe đàn em “Là láng giềng, là đồng chí, anh em, hai nước có 100 lý do để hợp tác và không có một lý do nào làm hỏng quan hệ Trung – Việt” và “Lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã nêu ra một sáng kiến mang tính xây dựng, đó là gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác. Ý nghĩa của nó là không nhắc đến vấn đề tranh chấp mà hai bên có thể tiến hành hoạt động phục vụ cho sự phát triển kinh tế – xã hội của hai bên chúng ta. Bời vì đó là lợi ích hai bên cùng có lợi và cùng chia sẻ”.
2.Không được đưa thông tin xấu về quan hệ Việt nam-Trung quốc:
Trả lời câu hỏi về cách ứng xử của Trung Quốc thời gian qua đối với ngư dân Việt Nam, ông Đại sứ Trung quốc cho rằng “Thông tin đăng trên báo chí có một số là sự thật, một số không phải là sự thật. Tôi phải nói rằng Trung Quốc luôn ứng xử những vấn đề như thế này rất có trách nhiệm. Khi phía Việt Nam nêu vấn đề, chúng tôi đã xác minh, kiểm tra ngay lập tức nhưng kết quả xác minh của chúng tôi lại khác với kết quả của phía Việt Nam.” và lớn tiếng nhắc nhở phía Việt nam như sau “Sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi đã trao đổi riêng với các đồng chí Việt Nam. Chúng tôi cho rằng không nên đưa tin những việc xấu như thế này. Phóng viên Việt Nam kiểm tra lại, báo chí Trung Quốc ít đưa tin về tranh chấp trên biển, tranh chấp về nghề cá và chúng tôi luôn xuất phát từ đại cục, tuy rằng chúng tôi có lý nhưng chúng tôi thấy cũng không nên đưa tin”.
Từ cuộc họp báo ngày 6/1/2010 đến hôm nay vừa tròn ba tháng, không cần điểm lại những thông tin trên báo chí của đảng trong ba tháng vừa qua mà chí cần điểm những thông tin trong khoảng 10 ngày cuối tháng 3 và đầu tháng tư đến hôm nay, ta thấy báo chí trong nước đã đưa tin gì trước động thái của các cấp chính quyền và báo chí Việt nam qua việc thực hiện nghiêm túc các chỉ thị của ông Đại sứ Trung quốc. Đó là “Tạm gác lại tranh chấp-Không được đưa tin xấu về quan hệ Việt nam-Trung quốc” cụ thể một số dẫn chứng:
1. Sự việc ngày 22-3, Trung Quốc bắt tàu cá QNg-50362 do ông Tiêu Viết Là ở Bình Châu, Bình Sơn (Quảng Ngãi) làm thuyền trưởng và 12 ngư dân. Theo Báo Tuổi trẻ ngày 25-3, ông Tiêu Viết Là gọi điện thoại về nhà thông báo chuẩn bị 70.000 nhân dân tệ (tương đương 200 triệu đồng) để nộp phạt(2). Trước vụ việc trên, Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đề nghị Cục Lãnh sự – Bộ Ngoại giao có công hàm gửi phía Trung Quốc yêu cầu sớm thả vô điều kiện tàu cá và ngư dân đang bị bắt giữ. Nhưng mọi chuyện vẫn chìm trong sự im lặng đáng sợ, Bộ ngoại giao vướng “vấn đề nhạy cảm” vì Thứ trưởng Bộ ngoại giao Phạm Bình Minh đang ở thăm và làm việc tại Trung quốc, nên để bà con ráng chờ.
Phải đến ngày 5/4/2010 trang VN plus của TTXVN đưa tin (3) cho biết người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga (chỗ dựa duy nhất của dân tộc Việt nam trong vấn đề tranh chấp với TQ) nhấn mạnh, việc Trung Quốc cử tàu ngư chính đi tuần tra tại khu vực quần đảo Trường Sa là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, mà bà Nguyễn Phương Nga “quên” không phản đối Trung quốc bắt giữ 12 ngư dân nói trên, mà lý do tin “vỉa hè” những ngày đó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang họp hội nghị thượng đỉnh Sông Mê Công tại Huahin-Thailand cũng vướng “vấn đề nhạy cảm” vì có sự tham gia của đại diện Bộ Ngoại giao Trung quốc nên không cho ý kiến chỉ đạo được.
Ngày 8/4/2010 Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh(4) cho biết đã mất liên lạc với 12 bà con ngư dân, bản tin viết: ” (PL)- Chiều 7-4, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), cho biết sau hơn nửa tháng kể từ ngày bị phía Trung Quốc bắt giữ, 12 ngư dân của xã vẫn chưa được thả về.
Cũng chiều 7-4, bà Nguyễn Thị Bưởi, vợ của ngư dân Tiêu Viết Là (chủ tàu cá bị phía Trung Quốc bắt giữ), cho biết ngày 29-3, sau khi gọi điện thoại đòi tiền chuộc 70.000 nhân dân tệ, phía Trung Quốc hẹn hai ngày sau sẽ gọi lại. Nhưng mãi đến chiều 7-4, phía Trung Quốc vẫn không liên lạc“.
Điều đáng ngạc nhiên nhất là các tờ báo quan trọng của Đảng và Chính quyền như Nhân dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Tạp chí Cộng sản…im tịt, không hề có một mẩu tin nhỏ về sự kiện nghiêm trọng này.
Chỉ qua một vụ việc nêu trên, đã cho thấy từ Thủ tướng chính phủ, Bộ Ngoại giao, Ban Tuyên giáo trung ương, các tòa báo hàng đầu và các cơ quan hữu quan của Việt nam thực hiện rất nghiêm túc chỉ thị của Ngài Đại sứ Trung quốc là “Không được đưa thông tin xấu” !?
Giải phóng quần đảo Trường Xa
2. Cùng thời gian trên, ngày 4/04/2010 trang nhandan.org(5)cơ quan trung ương của Đảng CSVN có một bài liên quan đến Trường sa, không hiểu vô tình lỗi của cậu đánh máy hay có sự chỉ đạo của cấp trên, phần chú thích ảnh minh họa có ghi “Giải phóng quần đảo Trường Xa”, chữ Trường Sa đã được viết là Trường Xa !?. Việc sai sót này có liên quan gì đến việc Báo Nhân dân thực hiện nghiêm túc chỉ thị “Gác lại tranh chấp”?
Về chuyện này có người trong nước biết đã bình luận rằng: “Trời đất! Nó là “Giải phóng quần đảo Trường Xa” ạ. Đây không phải thứ “lỗi đánh máy” đơn giản như của anh Quát năm ngoái, vì nó là thứ danh từ riêng đặc biệt mà lẽ ra mỗi người VN yêu nước phải ghi khắc nó rõ nhất trong lòng. Vậy mà … Mới biết tòa báo nầy đã huấn luyện cho đội ngũ nhân viên thiệt giỏi (sao cho càng ít được biết tới hai chữ Trường Sa, Hoàng Sa nhất càng tốt?)”
3. Trên trang VnExpress ngày 4/4/2010 có đăng bài báo “Trung Quốc tăng cường tuần tra gần Trường Sa”(6) ủng hộ Trung Quốc tuần tra ngư chính và bảo vệ ngư dân Trung Quốc? Về bài viết này trang Bauxite Việt Nam có bình luận khá chua xót “Những sai phạm loại này hình như bây giờ đã bị xếp vào nhóm không còn đáng quan ngại, nghĩa là trong tâm lý một bộ phận có chức có quyền nào đấy, làm sao dẹp bỏ phản ứng của người dân quá nhạy bén với tinh thần yêu nước còn quan trọng hơn rất nhiều cái việc để cho dân chúng trơ lỳ mất sức đề kháng trước hành vi ngang ngược của bọn cướp nước. Cho nên, mấy ông TBT những tờ báo “lề phải” mà bài viết dưới đây đem ra chất vấn, nếu chẳng may có sơ suất vi phạm ý thức về chủ quyền đất nước nhưng dư luận sơ ý không khơi ra thì âu cũng lờ đi cho họ, bởi vì căn bản họ… ngoan ngoãn”.
VNEXPRESS ngày 4/4/2010
Còn nhiều và rất..rất nhiều những bài viết mang tính phục tùng ngoan ngoãn tương tự trên báo lề phải trong nước, không đủ sức để mà dẫn ra giúp bạn đọc mà thôi.
Hôm nay ngày 9/4/2010 trên trang Dân trí có đưa tin “Việt-Trung đàm phán hợp tác du lịch thác Bản Giốc”(7), bản tin cho biết “Hai bên đồng ý việc hợp tác khai thác du lịch tại khu vực thác Bản Giốc-Đức Thiên phải đảm bảo phát triển bền vững, bảo vệ cảnh quan môi trường, góp phần tăng cường mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân khu vực biên giới”.
Người viết đọc xong tin sau cùng này chỉ biết kêu trời và nói “thế là xong” bởi nó đúng như chỉ đạo của Đại sứ Trung quốc Tô Quốc Tường là “Hãy tạm gác tranh chấp”. Kể từ ngày 6/1/2010 sau khi Đại sứ Trung quốc Tô Quốc Tường trả lời phỏng vấn xong, sau khi những phát biểu ngạo mạn, trịch thượng của vị Đại sứ Trung quốc không mấy thiện cảm bị dư luận cộng đồng người Việt nam trong và ngoài nước phản đối mạnh mẽ bằng nhiều bài viết lắng xuống, mọi người đã bắt đầu quên đi sự kiện đó. Thì bỗng nhiên toàn bộ bộ máy đảng, chính quyền, các cơ quan hữu quan và các cơ quan truyền thông của nhà nước Việt nam đồng loạt, đồng lòng trên dưới như một, đã và đang tuân thủ thực hiện nghiêm chỉnh và triệt để các ý kiến “vàng ngọc” của đồng chí Đại sứ Trung quốc Tô Quốc Tường với hai nội dung lớn đó là “Tạm gác lại tranh chấp-Không được đưa tin xấu” nếu không thì coi chừng, đừng quên rằng ” quan hệ Trung – Việt là “hợp tác sẽ phát triển, đấu tranh sẽ thất bại” như lời của đồng chí Tô Quốc Tường.
Như thế thì Đảng CSVN bây giờ không cần tốn kém tiền bạc để mở một cuộc vận động giáo dục tư tưởng cho tất cả đảng viên và toàn thể nhân dân Việt nam, như trước đây đã từng làm với Chủ tịch Hồ Chí Minh để giáo dục và vận động mọi người đồng lòng thực hiện “Toàn Đảng-Toàn quân và toàn dân Việt nam nguyện đi theo con đường của Bác Hồ đã chọn”. Thay vào đó, Đảng CSVN sẽ sửa đổi tên Bác Hồ trong khẩu hiệu đó bằng tên Bác Tô Quốc Tường, và vẫn dùng khẩu hiệu như xưa “Toàn Đảng-Toàn quân và toàn dân Việt nam nguyện đi theo con đường của Bác Tô Quốc Tường đã chọn” cho dân tộc Việt nam buộc phải đi theo.
Con đường đó là “Tạm gác lại tranh chấp-Không được đưa tin xấu về quan hệ Việt nam-Trung quốc”
Ôi sao nhục nhã quá!
9/4/2010
Cùng Suy Ngẫm: Chúng ta không thể ngu, ngu nữa, ngu mãi như thế!
Chúng ta đã có hơn một ngàn năm nô lệ phương Bắc
Chúng ta đã chịu nhục nhiều đời
Chúng ta đã có những anh hùng nhỏ giọt máu cuối cùng bảo vệ đất nước
Chúng ta bị xem là man di mọi rợ
Chúng ta không thể làm ngơ
Chúng ta đã chịu ngu ngốc quá nhiều
Chúng ta không thể ngu ngốc thêm nữa…
Những thông tin…
Một người dân có chồng, con, cha, mẹ, anh, em làm nghề biển và bản thân cũng làm nghề biển sẽ suy nghĩ gì trong lúc này? Một người dân Việt Nam sẽ suy nghĩ gì trong lúc này? Đương nhiên cách đặt câu hỏi như vậy quá rộng và dễ dẫn đến lan man nhưng không hẳn lạc đường trong trạng huống thông tin đang nóng lên – thông tin về biển đảo đang bị “tàu lạ” xâm nhập, thông tin về những chiếc “tàu lạ” ngang nhiên bắt ngư thuyền Việt và yêu cầu trả tiền chuộc, thông tin về Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam chính thức lên tiếng (đã nhiều lần, lặp đi lặp lại đúng một câu) yêu cầu Trung Quốc đưa tàu ra khỏi lãnh hải, khỏi vùng biển đảo thuộc chủ quyền Việt Nam…
Và một công văn số 218/UBND-KTTH của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn trân trọng “mời đoàn đại biểu Trung Quốc dự Lễ Dâng hương tưởng niệm các liệt sỹ Trung Quốc”:
Vòng hoa “Đời đời nhớ ơn các liệt sỹ Trung Quốc”
Và một thông tin khác từ đài RFA cũng không kém phần nóng bỏng, nếu không nói là làm cho người ta phải suy nghĩ rất nhiều về thái độ ứng xử đối với lịch sử… Luật sư Cù Huy Hà Vũ đưa bản kiến nghị lên chính phủ Việt Nam yêu cầu xây dựng Đài tưởng niệm 58 chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã ngã xuống để bảo vệ đảo Trường Sa trong cuộc chiến tranh chống quân xâm lăng Trung Quốc, bảo vệ biển đảo Trường sa, Hoàng Sa những năm trước 1975.
Chúng ta đang cần gì?
Có lẽ cũng đã đến lúc đặt câu hỏi chúng ta đang cần gì, nên làm gì và xem lại hiệu ứng của những thông tin trên cũng như đánh giá một cách khách quan giá trị mỗi thông tin!
Về chuyện những ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc bắt giữ và yêu cầu trả tiền chuộc, điều này thể hiện sự ngang tàng của người phương Bắc, không tôn trọng chủ quyền Việt Nam và trên hết là xâm phạm một cách thô bạo vào đời sống người dân Việt, xâm phạm vào quyền bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải cũng như quyền tự do mưu sinh trên chính quê hương, đất nước của mình đối với người dân Việt. Nhưng phía chính phủ Việt Nam chỉ lên tiếng như vậy thì e rằng chẳng xi-nhê gì với kẻ đã có bề dày lịch sử hơn ngàn năm xâm lược đất Việt, và càng chẳng ăn thua gì trước sinh mệnh người dân (bị tàu lạ bắt giữ, đe dọa và khống chế…) đang ngàn cân treo cọng tóc với vài câu nước miếng suông, chẳng mang lại kết quả nào ngoài việc tàu Trung Quốc đậu cứ đậu, mình nói là chuyện của mình!
Bình luận về chuyện này, đứa em trai (kết nghĩa) của tôi nói: “… nếu em là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng như ông Phùng Quang Thanh, việc đầu tiên em làm sẽ là lên truyền hình, hoặc đứng ra tuyên bố rằng Trung Quốc phải rút tàu ra khỏi lãnh hải Việt Nam ngay tức khắc. Trường hợp bị kỉ luật vì làm vượt chức năng gì đó cũng không sao, cần thiết thì về hưu non, ôm gì cái chức mà để tàu quân sự người ta nghênh ngang như thế, nhục! Còn nếu cần thiết, ông Phùng Quang Thanh tuyên bố từ chức và sẽ đuổi bất kì thằng Trung Quốc nào bắt gặp ngoài đường ra khỏi Việt Nam nếu như hai chiếc tàu kia không rút đi, biển đảo Việt Nam chưa được toàn vẹn… Đương nhiên là cả hai hành động trên đều có vẻ điên rồ nhưng chí ít cũng ném về phía Trung Quốc một thông điệp rằng người Việt Nam xem việc bảo vệ lãnh thổ và dân tộc mình là nhiệm vụ trên hết; người Việt Nam sẵn sàng từ bỏ tất cả để bảo vệ đất nước, quê hương; người Việt Nam vẫn luôn giữ tinh thần, hào khí Đông A một thuở và sẵn sáng nhỏ giọt máu cuối cùng cho đất nước… Đằng này, cứ khư khư ôm ghế mà chả có lời lẽ nào cho ra hồn! Trấn tướng của một đất nước mà sao thấy hèn yếu và lù đù không chịu được…”
Có lẽ thằng em tôi nói hơi quá vì nó không phải là người trong nội bộ nhà nước, trung ương nên không hiểu hết chuyện (?!). Nhưng trong một chừng mực nào đó thì nó cũng có lý, vì thực ra, những người dám đứng ra đấu tranh cho dân tộc, đấu tranh tự do dân chủ, đấu tranh bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải quốc gia thì đã bị vào tù, những người có trách nhiệm thì im hơi lặng tiếng và chẳng đưa ra một thông điệp nào trước nhân dân nhằm kêu gọi tinh thần yêu nước, kêu gọi đấu tranh chống ngoại xâm. Họ chỉ phát ngôn vài ba câu như vậy thì đến tết Công Gô chưa chắc đã được gì!
Nên hay không nên xây Đài tưởng niệm chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa?
Đã là người Việt Nam, đã là người đổ máu xuống để bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ lãnh hải thì dù đứng trên đảng phái, ý thức hệ nào đi nữa vẫn là người có công đóng góp cho dân tộc, là người yêu nước, là người đã mang máu xương mình ra để đổi lấy đất đai cho tổ quốc, để bảo vệ phần di kế của cha ông để lại cho con cháu mai sau. Những người như vậy chắc chắn sống làm trung dân, thác làm trung thần. Không thể nhân danh bất kì một chính kiến hay ý thức hệ vớ vẩn nào gạt bỏ họ ra khỏi lịch sử, gạt bỏ họ ra khỏi lòng ngưỡng mộ, lòng tri ân của nhân dân Việt Nam! Chuyện xây Đài tưởng niệm là chuyện thuộc về lương tri dân tộc, chuyện phải làm. Và khi chúng ta xây đài tưởng niệm những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa cũng có nghĩa là chúng ta đang gửi cho những kẻ xâm lăng một thông điệp: “Việt Nam có chia đôi Nam Bắc một thời, nhưng người Việt Nam là một, người Việt Nam sẽ chung vai đấu cật bảo vệ đất nước, người Việt Nam sẵn sàng hy sinh xương máu để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam. Người Việt Nam là anh em một nhà, không phân biệt…”.
Có một điều lạ là không hiểu tại sao khi luật sư Cù Huy Hà Vũ đưa kiến nghị xây dựng đài tưởng niệm (bằng chữ Việt, ngôn ngữ Việt và bằng tư cách công dân Việt, Luật sư Việt, người Việt yêu nước) thì bị xem là kẻ không bình thường, bị loại ra khỏi Luật sư đoàn, bị phớt lờ kiến nghị… Trong khi đó Bộ ngoại giao Trung Quốc gửi công văn hay thư tín hoặc có khi chỉ một cuộc điện thoại yêu cầu (đương nhiên là bằng tiếng Hoa hoặc tiếng Việt trọ trẹ của mấy ả/ gã phiên dịch) thì cả cái Ủy ban tỉnh Lạng Sơn nháo nhào lên, cắm đầu cắm cổ gửi công văn xuống cấp dưới (huyện Hữu Lũng) yêu cầu chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho kẻ ngoại bang sang Việt Nam làm lễ tưởng niệm vong hồn những kẻ từng vác súng sang bắn dân Việt, từng gây đổ máu, từng có nợ máu với dân tộc Việt?! Và theo như công văn thì đâu chỉ có riêng Ủy ban tỉnh Lạng Sơn đồng lõa việc này?!
Thật sự là tôi không thể hình dung Việt Nam lại có những con người lú lẫn, u mê và mất sĩ khí đến độ như vậy?! Và tôi cũng không thể tin đó là sự thật! Phải chăng cái Ủy ban tỉnh Lạng Sơn đã bị Trung Hoa hóa? Hoặc giả trong Ủy ban đó có cài đặt người Trung Quốc để chiêu dụ, nội ứng cho một công cuộc “khai hóa về phía Nam, đồng hóa Trung Việt”? Và, liệu có nên tin vào những con người đang ngồi trên ghế nhà nước một khi họ có những hành động bán đứng lịch sử, bán đứng lòng tự trọng dân tộc, bán đứng danh dự quốc gia như vậy được không? Một câu hỏi nhức nhối chưa từng thấy!
Và, đã đến lúc người Việt Nam tỉnh thức hơn bao giờ hết, trong một trăm năm, hay một ngàn năm, có thể có rất nhiều chế độ đi qua lịch sử dân tộc. Nhưng lãnh thổ, lãnh hải của một quốc gia thì muôn đời không thể co giãn, thay đổi. Bây giờ là lúc người Việt hơn bao giờ hết, kêu gọi lòng yêu nước của chính mình và lòng yêu nước của cộng đồng. Chúng ta không thể ngu mãi được! Chúng ta không thể ngu ngốc thêm nữa!
Liêu Thái
Nguồn: Tienve.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét