Thứ Bảy, 10 tháng 4, 2010

Nguyễn Thanh Giang – Từ nay, tôi không nhận giấy triệu tập của công an nữa

10/04/2010 3:45 sáng 2 phản hồi

Tác giả: Nguyễn Thanh Giang

Chuyên mục: Chính trị - Xã hội, Pháp luật
Thẻ: >

Đợt triệu tập này bắt đầu từ sáng 5 tháng 4 năm 2010. Vẫn rất “trịnh trọng” với đầy đủ máy ghi âm, ghi hình liên tục suốt buổi. Ngoài người ghi biên bản khẩu cung còn một người ghi chép khác nữa.

Điều kỳ lạ là, qua nhiều đợt khảo cung liên can đến tập san Tổ Quốc trong mấy năm qua, hầu như không thấy cật vấn về tội trạng của nội dung tờ báo. Riêng lần này thượng tá Ngô Quang Du phê phán: Sao lại cho đăng bài tố cáo xuyên tạc “Sáu mươi năm Đảng bảo phá rừng”?

Nguyên văn câu trong bài thơ của Bảo Quốc đăng trên bán nguyệt san Tổ Quốc số 84 là: “Năm 60 Đảng bảo phá rừng”. Thật vậy. Năm 1960 Đảng thúc giục toàn dân phá rừng khẩn hoang. Đài Tiếng nói Việt Nam phát những bài hát thôi thúc rực lòng: “Rừng ơi ta đã về đây… Tiếng búa, tiếng rìu, tiếng cưa rộn ràng khắp trên non ngàn”. Tiến sĩ lâm nghiệp kỳ cựu Thái Văn Trừng can ngăn vì sợ sự xói mòn nguy hại. Ông bị xem là chống lại chủ trương của Đảng. Một vị tướng, ủy viên Trung ương Đảng chế riễu: “Không có xói mòn thì làm sao có được châu thổ Sông Hồng và đồng bằng Nam Bộ”. Thế là nhà khoa học nổi tiếng này được cho ngồi chơi xơi nước.

Tuy nhiên, nội dung chính của buổi thẩm vấn ngày 5 tháng 4 là về nhân thân của tôi. Từ ngày đi học rồi đi công tác đến nay tôi đã phải khai không dưới 100 bản lý lịch. Thế mà bây giờ họ còn bắt tôi phải khai vợ làm gì, có mấy con… Ngộ nghĩnh hơn là với ông lão đã 75 tuổi rồi mà họ còn bắt khai tên bố, tên mẹ, hiện ở đâu.

Ghi lại những câu hỏi và câu trả lời trong các buổi này không những làm mất thì giờ người đọc mà còn làm quý vị hoặc “cười vỡ bụng” hoặc “tức lộn ruột”. Tôi chỉ xin kể lại một số đoạn đối đáp như sau:

Đối: Sao bảo ông đã từng ra sức phấn đấu vào Đảng CSVN mà rồi lại quay ra nói xấu Đảng, chống Đảng?

Đáp: Tôi đã từng thiết tha gia nhập Đảng đến nỗi có lúc muốn quyên sinh khi nguyện vọng không được giải quyết. Lúc ấy tôi cho rằng Đảng hết sức thiêng liêng, cao quý. Cho rằng Đảng đang lãnh đạo toàn dân đánh đuổi ngoại xâm để tiến tới xây dựng một đất nước “ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”, không ai đè nén ức hiếp ai. Tôi rất cảm phục các bậc tiền bối cách mạng vì họ dám dấn thân nằm gai nếm mật, kể cả đưa đầu vào máy chém vì muốn xóa bỏ nghèo đói, bất công. Việc tôi được đề nghị phong Anh hùng Lao động và được chi bộ trong đơn vị do tôi phụ trách kiến nghị giải quyết thủ tục để kết nạp tôi ngày ấy ông Trần Đức Lương cũng biết. Tuy nhiên, đã từ lâu Đảng ngày càng tha hóa biến chất quá nhiều, nhiều cán bộ lãnh đạo của Đảng ngày nay không chỉ là những kẻ quan liêu, ăn cắp mà còn là những tên bán nước. Tôi không chống Đảng, tôi không thù ghét Đảng vì đảng viên nói chung là những người tốt. Họ là vợ tôi, họ hàng tôi, bạn bè thân thích của tôi. Tuy nhiên cái chế độ chính trị độc đảng, độc quyền, độc đoán làm cho nhiều người cứ có chức có quyền là dần dần trở nên tồi tệ. Ông Trần Đức Lương khi ở và làm việc với tôi là người rất tốt, ông không có bằng cấp sớm nhưng thông minh. Chúng tôi yêu quý và tôn trọng nhau. Tuy nhiên, tôi nghĩ, nếu tôi được Đảng tâng lên như thế thì chắc rằng tôi cũng chẳng khác ông ấy được là bao. Cái tội là tội ở chủ trương đường lối của Đảng. Nó làm hỏng con người. Trẻ con hỏng đường trẻ con, người lớn hỏng đường người lớn, càng quyền cao chức trọng càng khó giữ mình.

Đối: Các ông có biết nếu cứ bắn súng vào quá khứ thì hậu quả sẽ thế nào không?

Đáp: Các ông có biết ai đã bắn đại bác vào lịch sử khi chỉ đạo đập phá hết đình chùa và tượng đài các anh hùng là vua chúa thời phong kiến không? Ở Thanh Hóa quê tôi, không chỉ tất cả đình chùa miếu mạo mà cả cung vua Lê Lợi, cả thành Tây Giai cũng bị triệt phá tan hoang! Có biết ai hô hào ném bom nguyên tử vào chủ nghĩa tư bản để tiêu diệt nó và bảo rằng nó đang giãy chết?

Tôi không chỉ đã từng xung phong đi bộ đội chống Pháp mà còn rất muốn được vào chiến trường miền Nam tham gia chống Mỹ (trong kháng chiến chống Mỹ, Cục Bản đồ Địa chất đã đưa một đoàn vào khảo sát địa chất ở miền Nam). Do bị kỳ thị về lý lịch nên ngay cả nguyện vọng như thế cùng không được đáp ứng. Hài hước đến nỗi: tuy đã từng đi bộ đội chống Pháp mà khi tôi về Cục Bản đồ Địa chất, đang tham gia Dân quân Tự vệ ở đấy thì bỗng được cho nghỉ sinh hoạt vì cấp trên về kiểm tra phát hiện người Dân quân Tự vệ này có bố đang ở Sài Gòn!

Đối: Ông không được vào Đảng không phải vì Đảng mà vì cụ thân sinh của ông.

Đáp: Ba tôi khi học Collège Vinh đã cùng Nguyễn Khắc Viện rải truyền đơn vận động để tang Phan Châu Trinh cho nên bị đuổi học. Hồi làm “ông phán đầu tòa” ở Tòa sứ Thanh Hóa (tương đương Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh) đã nổi tiếng hay bênh vực người nghèo. Năm 1945, trên đường đi làm về ông đã xông vào đánh nhau với một tên Nhật để bênh vực một người phu kéo xe tay ở Hà Nội. Ông có võ Vovinam nhưng đã bị món Judo của tên Nhật quật ngã. Ông ốm, phải nghỉ việc nằm ở nhà cả tuần. Vào Sài Gòn ông làm cho Cơ quan Viện trợ Phát triển của Mỹ (USAID) và là người rút chạy cuối cùng trên chuyến trực thăng cuối cùng đỗ trên nóc Tòa Đại sứ Mỹ.

Đối: Làm sao mà có thể coi ông là nhà cách mạng kỳ cựu được!

Đáp: Tôi chưa bao giờ tự xưng như vậy. Bài viết “Đảng Cộng sản Việt Nam bị chính giới cách mạng kỳ cựu tố cáo là ‘mềm yếu’ trước Trung Quốc” đã dẫn các câu trả lời phỏng vấn của bà Aude Genet – giám đốc hãng thông tấn AFP – đối với 4 người: Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Trọng Vĩnh, Bùi Tín, Nguyễn Thanh Giang.

Đối với cuộc cách mạng dân tộc, tôi thuộc thế hệ 20 (1950 – 1930) / 45 (1975 – 1930). Học trò phổ thông của tôi có người lên cấp tá rất sớm. Một số đã hy sinh ở Điện Biên Phủ để không ai kịp lên tướng. Hồi học phổ thông, tôi là thường vụ hiệu đoàn phụ trách thiếu nhi toàn trường, trong đó có Đặng Thùy Trâm về sau ra Hà Nội đã học với Nguyễn Khoa Điềm, rồi trở thành bác sĩ-liệt sĩ. Thái Thanh thì học Đại học Tổng hợp Hà Nội với Nguyễn Phú Trọng…

Đối với công cuộc đấu tranh dân chủ hóa, tôi thuộc lớp người dấn thân từ rất sớm.

Đối: Hãy tự hỏi, ông đã làm được những gì cho tổ dân phố (ý nói sao tôi không cầm loa đi gọi quét ngõ nhà mà cứ “gái góa lo việc triều đình”)!

Đáp: Hãy hỏi xem ông Nông Đức Mạnh, ông Nguyễn Phú Trọng… đang làm được gì cho khối phố của các ông ấy.

Đối: Ông nương tựa vào Nguyễn Gia Kiểng nhưng có biết ông ta là người thế nào không? (Họ lục trong cặp ra một tài liệu nói về nhân thân của ông Kiểng dài đến hơn ba trang đánh máy vi tính.)

Đáp: Ba mẹ tôi bỏ nhau từ lúc tôi mấy tháng tuổi nên đến cha mẹ mình tôi cũng không từng được nương tựa. Đảng CSVN không những không cho tôi nương tựa mà còn kỳ thị, vùi dập tôi suốt cuộc đời. Nói tôi nương tựa vào Nguyễn Gia Kiểng là nói láo!

Dẫu ông Kiểng có là phản động, tôi cũng không việc gì phải né tránh ông ấy. Một đôi lần tôi đã nói với các quan chức công an cấp tá và cấp tướng rằng: Tôi ngồi với các ông cũng như ngồi với CIA thôi. Các ông là các ông, CIA là CIA. Còn tôi nhất định bao giờ cũng là tôi.

Đối: Ông là thủ trưởng mà sao không biết ông Vi Đức Hồi, ông Phạm Quế Dương, ông Nguyễn Thượng Long đều đã gia nhập Tập hợp Dân chủ Đa nguyên và Nguyễn Gia Kiểng đã phong Phạm Quế Dương làm chủ nhiệm, phong Nguyễn Thượng Long làm Phó Tổng Biên tập bán nguyệt san Tổ Quốc ư?

Đáp: Tôi không là thủ trưởng của ai hết. Các ông ấy có gia nhập Tập hợp Dân chủ Đa nguyên không là quyền của các ông ấy. Nhưng, nói ông Kiểng phong chức như trên cho ông Dương và ông Long là nói bậy. Tất cả những chuyện ấy đều do tôi sắp đặt.

Đối: Chúng tôi tiếp ông với thái độ hòa nhã, kính trọng, có trà nước đàng hoàng, sao ông cứ la lối rằng bị đàn áp dã man?

Đáp: Tôi xin lỗi nói khí không phải. Nếu thân sinh các ông cứ thường xuyên “được” triệu tập đến đây như thế này thì các cụ có chịu được không? Và các ông cũng cứ vui vẻ chiều lòng Đảng chứ?

Làm sao mà cứ lúc lúc lại khám nhà, lại thẩm vấn như thế này cho được. Hơn chục năm qua đã xông vào nhà tôi gần chục lần để lục lọi, khám xét tan hoang từ thùng gạo cho đến hố xí. Bắt cóc dọc đường hoặc triệu tập thẩm vấn cũng hơn chục lần. Một lần, hai lần, đến ba lần là phải xác định được con người đó như thế nào hoặc phải khởi tố để đưa ra tòa xét xử chứ. Sao lại có cái Đảng, cái chính quyền mà cứ hành xử kiểu lưu manh, côn đồ như vậy mài. Hành xử như tội phạm đối với người không có tội là tội phạm.

*

Tôi yêu cầu kết thúc đợt thẩm vấn này trong ngày 6 tháng 4 và phải ghi vào biên bản như sau:

Từ nay, tôi không nhận giấy triệu tập của công an nữa. Công an muốn vào nhà tôi phải báo trước hai ngày và chỉ được vào không quá hai người. Nếu cưỡng bức sẽ có thể có án mạng. Trong trường hợp ấy, tội trạng không cáo buộc cho những người thừa hành nhiệm vụ mà cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đảng và Bộ trưởng Công an. Khi đối chất với công an, tôi sẽ chỉ trả lời những vấn đề liên quan đến pháp luật. Muốn đấu tranh tư tưởng và lý luận phải tổ chức hội thảo. Thành phần hội thảo phải có số đông gồm những người tuổi tác tương đương, học vấn tương đương, quá trình tham gia cách mạng tương đương. Tôi không có thì giờ để tranh luận về những vấn đề lớn và phức tạp với từng cá nhân, dù người đó là ông Nguyễn Phú Trọng hay ông Tô Huy Rứa.”

Hà Nội 8 tháng 4 năm 2010

© 2010 Nguyễn Thanh Giang

© 2010 talawas

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét