Họ Cơtu, tên Hàn Quốc Lao Động Cuối tuần số 14 Ngày 18/04/2010 Cập nhật: 7:08 AM, 18/04/2010 | ||||||
(LĐCT) - Lâu nay, các nhà đài hình nước ta vẫn thường xuyên chiếu phim bộ Hàn Quốc khiến bao người dân “ăn theo phim Hàn, ngủ theo phim Hàn”. Nhưng sự mê mẩn của các “fan” miền xuôi xem ra chửa “nhằm nhò” gì so với “giới hâm mộ” là không ít đồng bào dân tộc thiểu số Cơtu ở huyện miền núi Tây Giang tỉnh Quảng Nam: Đặt tên con theo tên diễn viên và nhân vật trong phim. Đặt tên như... phim
Hoá ra, “làm chi có” nhưng mà vẫn có, là cha mẹ không đổi tên mình thành tên nhân vật và diễn viên phim Hàn Quốc mà gửi gắm niềm đam mê đó vào tên các con. Bhling Ria lật sổ hộ tịch, ghi đăng ký khai sinh thời gian 2 năm qua, xướng lên những cái họ và tên líu lo “nửa Cơtu, nửa Hàn Quốc”: Nào là Pơloong San Diu, sinh năm 2008, con của anh Pơloong A Gương; Alăng Na Ra, sinh 7.2008, con của A Lăng Ân; Briu Thị Hy Su, sinh tháng 1.2009, con Briu Nhỏ; Riah Thị Su U, sinh tháng 10.2008, con của Riah Như; Blup Thị Na Su, sinh tháng 10.2008, con của Blup Né... Vừa xướng, Bhling Ria vừa liên tục “tạm dừng” để giải thích, phân biệt cho tôi kịp hiểu và ghi cho đúng đâu là họ Cơtu còn đâu là tên “trong phim”. Lần theo danh sách “diễn viên và nhân vật phim Hàn”, tôi đến làng văn hoá Zờ Rượt xã A Tiêng. Gần trưa, đám đông phụ nữ, con nít đang tụ tập tại sân nhà Gươl. Không khó để hỏi, tìm được ngay những “nhân vật phim Hàn” như Zơrâm Sô Ra (4 tuổi), Pơloong Hiên U (3 tuổi)... còn cởi truồng nằm nhà. Pơloong Hiên U mặt mũi lấm lem, áo cũng không thèm mặc, trố mắt nhìn cha - Pơloong Mận đang nằm hát nghêu ngao. Ông bố trẻ Pơloong Mận sinh năm 1985, cả quyết: “Nếu đẻ đứa nữa mình cũng sẽ kiếm tên Hàn Quốc mà đặt tiếp, gọi cho sướng”. Không chỉ phim Hàn, một số thương hiệu xe máy nổi tiếng cũng được đồng bào Cơtu ở đây lấy đặt tên cho con. Như Bho Nước Yamaha (sinh tháng 3.2006) con của Bhờ Nước Uyn (sinh năm 1982) ở thôn Apat, xã A Vương... Mê phim Hàn “tới nơi tới chốn” Phim Hàn Quốc xem ra đã “đi khá sâu” vào đời sống nhiều người Cơtu ở vùng núi non này. Hầu hết những “nhân vật và diễn viên phim Hàn” đều là con cái các ông bố bà mẹ khá trẻ, tuổi chỉ đôi mươi, và không chỉ có thường dân mà cả một số cán bộ xã cũng mê phim Hàn “tới nơi tới chốn”. Nhà Pơloong Huân, cán bộ văn thư xã A Tiêng ở thôn Achir, cả 3 đứa con khai sinh rập theo tên 3 chị em trong bộ phim “Mối tình đầu”, dù đứa giữa chẳng phải con trai. Đứa con gái đầu là Pơloong San Ốc năm nay lên 9 tuổi, tiếp theo là bé gái Pơloong San Ân và bé trai Pơloong San U. “Hồi mình học lớp 6, lần đầu tiên xem phim Hàn, là phim “Mối tình đầu”, thấy cô San Ốc ngồ ngộ, dễ thương, thích lắm, nhớ mãi, nên đến khi có con, mình quyết định đặt theo tên 3 chị em trong phim này. Mới đầu, bố mình không đồng ý, nhưng mình thích quá nên vẫn quyết đặt tên con như vậy”.
Nhà Bling Nghiệp - Trưởng trạm y tế xã A Tiêng - nằm ngay cạnh nhà Gươl làng Zờ Rượt, có đứa con trai đặt theo tên thật của diễn viên phim truyền hình Hàn Quốc - Jang Gun, chỉ viết khác một chút, là Giang Gun. Zơrâm Bôn, mẹ Bhling Giang Gun cứ khúc khích cười giải thích: “Lúc đầu chồng mình định đặt tên cho nó là Linh, sau thấy tên đó bình thường quá, nhiều người đặt rồi, nên mới quyết định đặt cái tên Giang Gun cho giống như diễn viên đẹp trai trong mấy bộ phim Hàn Quốc mà vợ chồng mình rất thích”. “Chàng diễn viên nhí” Bhling Giang Gun mới tròn 5 tuổi, khá bụ bẫm, mắt sâu, đen, lông mày rậm, chỉ mặc độc cái áo thun và đang ngồi bệt vọc đất bên nhà Gươl cùng lũ trẻ con. Hỏi rằng trong làng có bao nhiêu “diễn viên và nhân vật” phim Hàn giống như Giang Gun, Zơrâm Bôn tự hào khoe “gia đình mình đã đi đầu trong việc đặt tên con kiểu Hàn Quốc, nhiều người bắt chước, nhưng bao nhiêu thì mình không rõ hết được vì bọn con nít nhỏ kêu tên Hàn Quốc cũng na ná tên Cơtu nên không phân biệt nổi”. Tôi hỏi Bhling Ria - cán bộ tư pháp xã A Tiêng: “Việc đặt tên “giống Hàn Quốc” như vậy có bị điều chỉnh bởi quy định nào không, có gây khó khăn gì trong quản lý không?”, Bhling Ria cười cười: “Quy định thì tôi chưa thấy cấm, việc quản lý cũng chẳng vấn đề gì, nhiều cháu đến lớp cũng chưa nghe thầy cô phàn nàn chi việc khó kêu tên. Có lẽ do việc phát âm tiếng Cơtu với tiếng Hàn Quốc cũng... từa tựa nhau nên đồng bào gọi tên con cái cũng chẳng gặp trở ngại chi cả”. Cũng câu hỏi này, ông Bh’riu Liếc - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang - đáp gọn: “Người Cơtu có thói quen đặt tên con gắn với kỉ niệm đáng nhớ, họ xem phim rồi đặt tên con theo phim cũng là chuyện bình thường, pháp luật không cấm, cũng không ảnh hưởng gì đến quản lý. Nhưng có lẽ đặt tên theo tiếng Cơtu vẫn tốt hơn, tiếng Cơtu đâu có thiếu tên hay”. Còn ông Nguyễn Hữu Sáng - Bí thư Huyện uỷ Tây Giang - nhìn nhận: “Nếu hiện tượng trên mà trở thành phong trào, thì sẽ nguy, bởi sự bắt chước phim Hàn dần dà sẽ tác động đến đời sống, sinh hoạt văn hoá của đồng bào, và yếu tố lai căng sẽ không chỉ dừng ở cái tên. Chúng tôi sẽ lưu ý vấn đề này, vận động bà con đặt tên theo tiếng Cơtu vừa gần gũi vừa đặc trưng người Cơtu hơn”. Tôi nhớ ông Liếc có nói thêm một câu nửa đùa nửa thật rằng “từ chuyện này cũng nên trách nhà đài hình và phim Việt”. Có vẻ như trong khi “cơn sốt” phim Hàn ở miền xuôi đã “bão hoà” bởi quá nhiều “nước mắt đàn ông” và “ung thư các loại”, thì ở miền núi xa khuất này, cơn mê man dường vẫn còn chưa dứt đối với nhiều người Cơtu. Phóng sự của Trương Tâm Thư |
Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2010
HAU QUA TOI AC CUA CONG SAN
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét