Đăng bởi bxvnpost on 09/04/2010
Phạm Vũ
Như chúng ta đã biết, những năm gần đây có rất nhiều “tàu lạ” xuất hiện trên các khu vực biển mà theo các cơ sở pháp lý, cũng như bằng chứng lịch sử đều thuộc chủ quyền Việt Nam. Những tàu lạ” này phần lớn xuất phát từ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, quần đảo mà nay đang bị Trung Quốc trái phép chiếm giữ.
Trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước, có lẽ chưa bao giờ dân tộc ta lại ở trong một hoàn cảnh éo le đến khó hiểu như bây giờ. Rõ ràng quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện nay với phương châm 16 chữ vàng và 4 tốt chắc hẳn phải hơn thời “môi hở răng lạnh”, vậy tại sao tàu lạ vẫn cứ ngang ngược xâm lấn lãnh hải Việt Nam với những hành động mang tính khủng bố như bắn giết, bắt giữ đánh đập ngư dân Việt Nam! Mặc dù giữa hai nước đã có những cuộc tiếp xúc thắm thiết ở cấp cao nhất, nhưng có vẻ như các hành động gây hấn, cậy lớn hiếp bé của “tàu lạ” càng ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ dã man, vô nhân đạo đối với những ngư dân Việt Nam vô tội.
Nếu như đặt địa vị mình vào vị trí của những ngư dân ngày đêm không chỉ lo chống chọi với bão táp phong ba mà còn nhớn nhác lo âu sợ tàu lạ xuất hiện, đồng nghĩa với sự đe dọa đến tính mạng, sức khỏe cũng như bị bắt bớ đánh đập thì có lẽ mới cảm nhận hết nỗi thống khổ của họ. Nếu như đặt địa vị mình vào hoàn cảnh của những người mẹ, người vợ, người con,… đêm ngày âu lo, thảng thốt, hốt hoảng kể từ lúc người thân xuống thuyền ra khơi mới cảm nhận thấy mức độ khủng khiếp của những con người nghèo khổ bị nạn “tàu lạ” khủng bố tinh thần.
Dã tâm của Trung Quốc chiếm đoạt Biển Đông, mà trong đó bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam là điều rõ như ban ngày. Thay cho những bài giảng về tình anh em, đồng chí cần rung hồi chuông báo động về nguy cơ mất đảo, mất biển cho thế hệ trẻ ngay từ ghế nhà trường. Dù muộn, nhưng cần khẩn trương đánh thức tâm trí của những kẻ mộng du, những kẻ vì lý do nào đó vẫn đang vô tình hoặc cố ý tiếp tay cho Trung Quốc dễ dàng khống chế Việt Nam qua những dự án đầu tư khai thác tài nguyên khoáng sản, thuê đất mua rừng v.v. tại những khu vực có tính sống còn với tương lai dân tộc. Một điều rất lạ là Việt Nam càng nhún nhường để Trung Quốc giành hầu hết các hợp đồng đấu thầu kể từ năm 1991, mốc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước như sân vận động Quốc gia Mỹ Đình cho đến dự án khai thác bauxite Tây Nguyên gần đây, cũng như để cho người Trung Quốc xuất hiện đẫy dẫy tại hầu hết các khu vực nhạy cảm có ví trị chiến lược khác thì Trung Quốc càng nỗ lực gia tăng mưu đồ kiểm soát chủ quyền biển của Việt Nam.
Mưu đồ chiếm trọn biển Đông của Trung Quốc là một toan tính lâu dài, đặt quyền lợi Đại Hán lên trên hết, không phân biệt Quốc, Cộng. Ngay từ năm 1947 Trung Quốc đã đưa ra bản đồ 11 vạch (sau còn 9 vạch), thể hiện quyết tâm cưỡng chiếm lãnh hải của các quốc gia Đông Nam Á, trong đó Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều nhất. Đây là tấm bản đồ vô lý, sai trái không dựa trên bất cứ cơ sở bằng chứng lịch sử cũng như công ước quốc tế nào mà bản thân Trung Quốc cũng là một thành viên.
Lợi dụng tình hình chiến sự tại Việt Nam, tháng 1 năm 1974 Trung Quốc đã đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trận hải chiến bi hùng đã lấy đi sinh mạng 58 chiến sỹ VNCH quyết sinh cho chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Đây là một trong những bằng chứng sống động nhất khẳng định chủ quyền Hoàng Sa thuộc Việt Nam.
Nghiên cứu kỹ cuộc tấn công xâm lược của Trung Quốc ngày 14/3/1988 tại bãi Gạc Ma, Trường Sa thì mới thấy rõ ý đồ chiếm dần dần bằng được biển, đảo thuộc chủ quyền Việt Nam. Mặc dù sau đó, Trung Quốc lên tiếng lấy làm tiếc (!) đã xảy ra sự kiện này và họ đổ lỗi cho Hải quân Việt Nam đã nổ súng trước vào tàu thăm dò (?) Trung Quốc, nên bắt buộc lính Trung Quốc phải phản công (!?), nhưng nhìn cách thức tàn sát bằng được các chiến sĩ công binh Việt Nam, tay không có vũ khí đứng vòng tròn trên bãi Gạc Ma cũng như bắn chìm một số tàu vận tải khác của Việt Nam thì ai cũng hiểu cái sự ”đáng tiếc” giả nhân giả nghĩa của Trung Quốc. Và tiếp sau đó, năm 1992 Trung Quốc đã lại ”đáng tiếc” đánh chiếm thêm một vị trí thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam đó là bãi dá d’Eldad Reef. Sự kiện này Việt Nam không lên tiếng phản đối ầm ỹ như năm 1988, có lẽ do Việt Nam và Trung Quốc vừa mới bình thường hóa quan hệ (năm 1991), cũng như khó có thể giải thích tại sao ”vừa là đồng chí, vừa là anh em” lại có thể ngang nhiên cướp đoạt nhau như vậy! Năm 1995 Trung Quốc chiếm thêm bãi Vành Khăn, nằm ở phía Đông quần đảo Trường Sa, sau đó xây dựng căn cứ quân sự trên đó.
Như vậy, việc Trung Quốc cưỡng chiếm một loạt các vị trí bao bọc xung quanh toàn bộ quần đảo Trường Sa như bãi đá Chữ Thập, Gạc Ma, Vành Khăn, cùng 7 vị trí khác, có nơi sát với đảo Sinh Tồn, nơi quân đội Việt Nam đang hiện diện v.v. cùng đảo lớn nhất là Ba Bình nay đang trong tay Đài Loan đã tạo nên một vòng tròn chiến lược, ngăn chặn sự tiếp tế giữa đất liền đối với các đảo, trong đó có quân đội Việt Nam đồn trú. Gần đây mưu đồ đen tối cùng Đài Loan đòi hỏi chủ quyền Biển Đông đã ló dạng qua một số các cuộc tiếp xúc đôi bờ eo biển. Cần biết thêm, ngày 8/08 sắp tới chính quyền Trung Quốc và Đài Loan sẽ có cuộc gặp mặt công khai khác, mà nội dung chính liên quan đến chủ đề Trường Sa.
Tàu lạ
Với lực lượng hải quân hùng hậu, Trung Quốc đang tạo ra một ”chiến tuyến” chạy dài theo miền duyên hải Việt Nam, nối căn cứ quân sự Tam Á, Hải Nam với quần đảo Hoàng Sa và vành đai các vị trí quân sự bao quanh toàn bộ quần đảo Trường Sa. Đây là một chiến lược uy hiếp nghiêm trọng đến chủ quyền, an ninh quốc gia Việt Nam.
Với những tuyên bố ngang ngược, gây sức ép phá ngang các hợp đồng kinh tế của Việt Nam với nước ngoài cùng các hành động gây hấn bằng vũ lực gần đây Trung Quốc đã cho thấy chỉ dấu ráo riết của mưu đồ xâm chiếm toàn bộ Trường Sa cũng như các vùng biển giàu tài nguyên thuộc Việt Nam.
Song song với các động thái quân sự trên Biển Đông, Trung Quốc đã cố gắng tìm mọi cách tiếp cận, có mặt tại hầu hết các khu vực nhạy cảm, có ví trị chiến lược trên đất liền Việt Nam. Đây là ý đồ sâu xa cực kỳ đáng lo ngại. Nếu như xung đột trên Biển Đông xảy ra, liệu lúc đó lực lượng Quân đội Việt Nam có đủ sức chi viện cho Trường Sa không, khi bản thân sau lưng mình Trung Quốc đã có mặt tại những yếu huyệt như Tây Nguyên, Quảng Nam, Nghệ An, Lạng Sơn, v.v. Đó là chưa nói đến khả năng một vài nhân vật chính trị của Cam-pu-chia hoặc Lào bị Trung Quốc mua đứt sẽ lên tiếng và hành động ”chọc dao găm” vào lưng Việt Nam. Đồng thời, lấy gì đảm bảo bàn tay lông lá nào đó đang có mặt tại Tây Nguyên sẽ không tiếp cận, móc nối cung cấp vũ khí cho nhóm người Thượng tạo ra cái gọi là ”quốc gia” Đề-Ga, gây rối cho Việt Nam trong thời điểm Trung Quốc tiến chiếm Trường Sa?
Thấy rõ một điều, cán cân quân sự giữa Việt Nam và Trung quốc quá mất cân bằng. Dù Việt Nam gần đây có đặt mua từ Nga một số tàu ngầm, tàu chiến, máy bay chiến đấu v.v. cũng như có một số động thái gặp gỡ, trao đổi quân sự với một vài quốc gia khác thì cũng chưa thể là đối thủ của Trung Quốc tại Biển Đông. Hành động mua sắm vũ khí này là bắt buộc và cần thiết nhưng trong chừng mực nào đó cũng giống như trang bị vũ khí cho ngư dân thì đây chỉ là liều thuốc an thần, trợ giúp cho tinh thần thêm phấn chấn, không thể ngăn được “tàu lạ”. Câu hỏi được đặt ra, nếu Trung Quốc cố tình đưa tàu chiến vào sát ranh giới bản đồ ”lưỡi bò” mà họ chưa chịu từ bỏ, liệu Việt Nam có nổ súng hay không, trong thời điểm hiện nay? Liệu phi cơ chiến đấu của Việt Nam có xuất kích chi viện ngoài khơi được hay không khi các sân bay quân sự của Việt Nam đều nằm trong tầm ngắm của các ”tụ điểm” Trung Hoa đang có mặt tại Tây Nguyên, Đà Nẵng, gần sân bay Sao Vàng v.v.
Vậy phải làm thế nào để bảo vệ chủ quyền Biển Đông thiêng liêng trước mưu đồ thâm độc, nham hiểm của Trung Quốc? Làm thế nào để ngư dân Việt Nam không nơm nớp sợ hãi mỗi lần dong buồm ra khơi, có thể yên tâm đánh bắt hải sản trên vùng biển truyền thống từ bao đời nay? Câu hỏi này hoàn toàn không đơn giản mà bất cứ ai từ dân cho đến người đứng đầu nhà nước đều biết. Hoặc giả dụ cũng có thể ai đó biết, nhưng họ không dám và không muốn vượt qua chính mình.
Nhưng nếu quan sát hiện tượng cá lạ vừa qua xuất hiện tại bãi biển Quy Nhơn thì đôi khi sự phức tạp lại trở nên đơn giản, nếu như người lãnh đạo có đủ tài, có đủ dũng khí, dám vượt qua cái sự ”tầm tầm” của người bình thường. Để người dân đi tắm biển không khiếp sợ, ám ảnh nỗi lo bị cá lạ bất thần tấn công thì chính quyền địa phương đã treo giải thưởng, thuê người bắt cá lạ. Từ đây mới suy ra, về lâu dài muốn giữ được chủ quyền biển đảo, muốn khai thác được các lợi nhuận từ biển, muốn tiến ra được biển lớn thì Việt Nam cần phải bằng mọi giá nhanh chóng dẹp nạn tàu lạ bằng cách Quốc tế hóa tranh chấp tại Biển Đông. Mặc dù Trung Quốc thế đang đi lên, làn sóng dân tộc chủ nghĩa đang bùng nổ sau những năm dài thua thiệt, bị đè nén. Mặc dù Trung Quốc giữ chặt quan điểm chỉ đàm phán song phương, không chịu Quốc tế hóa đàm phán đa phương các vấn đề liên quan đến Biển Đông, nhằm ”bẻ đũa từng chiếc”, lấn ép từng nước bé, nhưng hơn ai hết Trung Quốc hiểu rõ khái niệm ”Cao nhân tắc hữu, cao nhân trị”. Lịch sử đã nhiều lần chứng minh như vậy!
Sự tham lam, dã tâm xâm lược của Trung Quốc thông qua bản đồ hình lưỡi bò và những động thái hung hăng, côn đồ vô lý của họ trên Biển Đông vô hình trung đang đẩy những quốc gia láng giềng, luôn yêu chuộng sự yên ổn như Việt Nam vào sự lựa chọn bắt buộc. Với tình hình căng thẳng ngày một gia tăng mà nguyên nhân xuất phát từ phía Trung Quốc, dù muốn hay không thì Việt Nam ngoài kế hoạch Quốc tế hóa Biển Đông, bắt tay với các quốc gia ASEAN còn thậm chí cần phải có những liên minh, hiệp ước quân sự với một số cường quốc khác có quyền lợi tại Biển Đông.
Có thể thấy, tại thời điểm này chiến lược đa phương hóa quan hệ ra đời từ tháng 5/1988 của Việt Nam đã đạt mức bão hòa. Đã đến lúc Việt Nam cần nỗ lực kết giao với những quốc gia đủ sức mạnh tạo sự cân bằng quyền lực ở Biển Đông. Gần đây, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã lỡ lời công khai ủng hộ lập trường của Nga đối với Gruzja, và mặc dù xét về ngôn ngữ ngoại giao đây là hành động sai lầm, nhưng qua đó cũng thấy rõ Việt Nam cũng đã thay đổi chiến lược ”Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước khác”. Do vị trí địa chính trị cũng như thực lực kinh tế của mình, Việt Nam không thể tiếp tục đi trên dây giữa các mối quan hệ của các cường quốc. Bởi vậy, để giữ chủ quyền biển đảo cũng như tính mạng, tài sản của ngư dân Việt Nam ngoài sự nỗ lực gắn kết khối đại đoàn kết dân tộc, bao gồm người Việt trong và ngoài nước nhằm đưa vị thế Việt Nam đi lên bằng những tiêu chí văn minh của loài người, xây dựng cho mình một lực lượng Hải quân hùng mạnh còn phải tìm cho mình những đồng minh nhất định với những hiệp ước rõ ràng.
Tuy nhiên, để tránh những vết xe đổ như sự kiện người Mỹ trên hạm đội Bảy khoanh tay nhìn nhìn Trung Quốc chiếm Hoàng Sa 1974 từ tay VNCH, hay Liên Xô mặc dù đóng quân ở cảng Cam Ranh vẫn không can thiệp khi Trung Quốc chiếm Gạc Ma, Trường Sa 1988. Rồi thậm chí chính quyền Bin Clinton làm ngơ không phản ứng khi Trung Quốc chiếm bãi Vành Khăn do Philipines đang quản lý… thì Việt Nam cần nên tỉnh táo. Đồng minh chỉ tồn tại khi hai bên cùng có lợi. Biết mình biết ta thì mới có đồng minh đúng nghĩa. Nếu Việt Nam làm được như vậy thì mới đủ tầm răn đe tàu lạ và ngăn chặn mưu đồ của Trung Quốc xâm chiếm toàn bộ biển đảo, cụ thể là quần đảo Trường Sa và vùng đặc quyền kinh tế (Exclusive Economic Zone- EEZ) của Việt Nam theo luật biển quốc tế.
PV
TD Mạng Bauxite Việt Nam biên tập
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét