Chủ Nhật, 16 tháng 5, 2010

CHUYỆN ĂN CẮP LY KỲ CỦA ÔNG GS.TSKH Nguyễn Đình Hươnglà thành viên đương nhiệm của Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước và đương chức Phó Chủ nhiệm Uỷ

NGẠN XUYÊN

Tôi vừa cùng các bạn đồng nghiệp làm xong công trình Thư mục Hán Nôm ở Thư viện Quốc gia, chờ họ đem in. Khoảng thời gian này coi như tạm nghỉ xả hơi, thu dọn tài liệu lặt vặt v.v...Một hôm, sau ăn tối, tôi đang dựa ghế vi tính, chợp mắt thiu thiu....Bỗng chuông điện thoại réo vang! Khổ, réo thì vang, nhưng nghe lạo xạo không rõ (vì cái máy). Lô qua lô lại một lúc, nghe ra đầu giây bên kia có một giọng nam trung, xưng tên là H, và tự gọi là "con". (Chú thích : Dân Nghệ Tĩnh khi đối thoại với người nhiều tuổi hơn bố mẹ mình, mà rất thân quý thì tự xưng là "con", còn ở Bắc thì xưng"cháu"). Câu được câu chăng, nhưng nghe tự giới thiệu anh ta nguyên là Hiệu trưởng một trường Đại học lớn là ĐHK tại Thăng Long, lại là ĐBQH khoá XI và Phó chủ nhiệm một Uỷ Ban nào đó của Quốc Hội. Như thế thì ông cháu này hẳn không phải trẻ tí nào. H nói mình có viết một cuốn về giáo dục, trong đó có nói về giai đoạn Nho học của nước ta. H hỏi cuốn Các nhà khoa bảng VN do tôi (NĐT) làm Chủ biên đã xuất bản hai lần, những chỗ có chênh về số liệu thì lấy chính từ cuốn nào?. Tôi hiểu mang máng rằng, ông này có viết lách gì đó về đoạn này, đại khái muốn hỏi lại các số liệu như tổng số Tiến sĩ, tổng số khoa thi v.v...mà ông ta lại làm ở Uỷ ban đó, muốn hỏi han thêm những chi tiết ấy thì cũng là sự tốt, nên tôi trả lời: "Số liệu thì cứ theo lần xuất bản sau (bản bìa xanh, 2006), còn cụ thể thì khi nào gặp nhau trao đổi thêm, chứ qua điện thoại không thuận tiện".

Cuộc sống vừa hưu trí vừa làm việc cứ thế trôi qua khá êm đềm (Khu tôi ở rất vắng lặng, thường nghe chiền chiện hót ngoài cửa sổ, cũng thích đáo để). Bẵng đi mấy hôm, khoảng quá trưa 07-5-2010, ông H gọi tới hỏi số nhà và hẹn muốn đến thăm tôi như bữa trước đã nói chuyện. Tôi đọc cho H ghi số nhà, rồi chuẩn bị tiếp ông đồng hương nguyên ĐBQH. Nhà tôi ở trong cái ngõ, ngoài đường lớn dễ đi, nhưng đoạn trong khó tìm, nên tôi đi bộ ra đầu ngõ đón để khách khỏi lạc.

Khoảng 14h45 thì ông H tới. Tôi đã báo cho bà xã tôi biết để chuẩn bị tiếp khách. Tôi đón ông H vào, giới thiệu ông với vợ tôi, rồi mời ông ngồi xơi nước (xem ảnh 01). Sau mấy câu thăm hỏi thường lệ, tôi chủ động hỏi H tôi có thể giúp được việc gì? Ông H đặt lên bàn cái túi màu đỏ như túi hàng tết, trong có 1hộp bánh bích quy, 1 hộp kẹo gì đựng trong hộp nhựa tròn, 1 hộp chè tròn màu đỏ. Tôi nói: "Mới sơ kiến, ông đến chơi, làm gì mà cho quà nhiều thế!" Chỉ nói phớt qua, không đun đẩy, để tỏ ý chuyện vặt, không quan tâm. Ông cũng H đáp lời tôi bằng mấy câu ngắn gọn. Do kênh liên hệ đã định vị chuẩn nên hiểu nhau ngay. Có điều, tôi nghĩ ông H muốn tư vấn để "sẽ làm", "sẽ viết" một cái gì đó, thì cái đó không phải "sẽ" mà là "đã" được làm ra, đã xuất bản ra rồi: Ông H lấy ra đưa cho tôi xem cuốn sách ông vừa xuất bản.

Người nghiên cứu tìm đến thăm nhau, tặng nhau cuốn sách mới ra ...vẫn là sự thường. Vì thế nét mặt tôi chân thành rạng rỡ đón nhận từ tay ông H cuốn sách khá dày dặn. Đọc qua cái tên sách VIỆT NAM HƯỚNG TỚI NỀN GIÁO DỤC HIỆN ĐẠI, tôi nghĩ hẳn ai cũng phải hân hoan chào đón một công trình lý luận vĩ mô, rất tầm cỡ, đóng góp không nhỏ cho nền giáo dục nước nhà. Cái tên tác giả ghi trên đầu sách lại càng đáng kính nể: GSTS Nguyễn Đình H. Tuy ông chỉ khiêm tốn đề GSTS - có lẽ để cho hoà đồng với các GSTS bảo vệ trong nước, chứ học hàm học vị chính thức của ông là GS.TSKH, nghĩa là có thêm chữ KH chứ không phải như mấy ông TS không có chữ KH, lại càng khác xa hạng Phở Gà Sứt cặm cụi khảo cứu văn bản chữ Nho, đúng là vi mô, cũng vi danh, vi tiền, ai bảo ngu cho chết !(Đó là luồng điện tự chạy trong não, nhanh vậy). Mức độ kính nể đối với đại tác của ông H càng tăng thêm vì mở bìa sách thấy ngay Lời giới thiệu có chữ ký của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm. Đúng là đại tác của một GS.TSKH thì người đề tựa cũng phải có chức tước như thế mới thật hoành tráng tầm cỡ vĩ mô!

Cuốn sách này có 3 phần: Phần III (hơn 40 tr.)nói về những tư tưởng quan điểm giáo dục theo hướng dân tộc, hiện đại và hội nhập - Mình không sở trường món lý thuyết này lắm, khỏi bàn. Phần II (khoảng 150 tr.) về nền giáo dục cách mạng: Đáng chú ý nhất và chiếm số trang nhiều nhất (100/ 150 tr.) phần này là các bảng biểu danh sách Giáo sư, số lượng GS, PGS phong tặng các đợt v.v... (có ghi rõ theo nguồn của Hội đồng chức danh GS nhà nước) Môn này thì ông H là người trong ngành, OK! Chỉ mất dăm phút để liếc qua các phần ấy là đủ làm nền để đại thể nội dung mục đích của cuốn sách để giúp tôi chú ý vào Phần I. Phần này có tên: Giáo dục và truyền thống Việt Nam. Tuy chia mục dấu *, nhưng chỉ có 1 *, nên dấu * ấy chỉ như cái ngoặc đơn nói rõ thêm đó là giáo dục thời phong kiến và Pháp thuộc (nếu coi là mục thì phần I này chỉ có 1 mục!) Liếc qua vài mục đã thấy rờn rợn:

Mục 1: Nước Văn Lang- "Cha cha! Ông GS.TSKH kinh tế này nói gì về nước Văn Lang đây? Cả mục xoẳn 20 dòng! "Quý hồ tinh" chăng? Vâng, để mời một học sinh phổ thông kiểm chứng giúp xem cái gì là phổ thông, cái gì là trên phổ thông, như thế có lẽ sẽ được khách quan hơn.

Mục 2 Tài sản trí tuệ. Cha cha! Thật tân kỳ, cũng khoảng hơn 20 dòng, nói mung lung những là "sức mạnh dân tộc bắt nguồn từ sự giáo dục trong nhà trường, từ gia đình đến xã hội...", v.v... Hấp dẫn qúa, không khéo từ thời nước Văn Lang đã có nhà trường cũng chưa biết chừng !

Mục 3: Tiếng nói và chữ viết: "Từ xa xưa tiếng Việt thuộc họ Nam Á...", có lẽ 20 dòng cũng đủ thấy người ta chẳng cần phải nghiên cứu nghiên cắm gì cho mất công, một anh trình độ phổ thông cũng có thể bàn luận ào ào về ngôn ngữ học tiếng Việt từ ngàn xưa đến nay!

Mục 4: Chữ Nôm : Giáo sư Nguyễn Tài C. xem mục này chắc phải ngất xỉu hoặc cười vỡ bụng (lâm nguy!). Cả mục nửa trang, nhưng 3/4 của nửa đó nói lảm nhảm những Lý Thái Tổ "ra chiếu dời đô ...". Ủa, vị GS.TSKH này nghĩ Chiếu dời đô viết bằng chữ Nôm chăng?! Tiếp đó nói Lý Thái Tông ban hành bộ Hình thư, rồi lại chính sách "ngụ binh ư nông", hay là tất cả các sách vở ấy đều viết bằng chữ Nôm? Phát hiện động trời đấy chứ?

Phải lướt nhanh: mục 5: Văn Miếu QTG -trường đại học đầu tiên: một bức ảnh+vài ba dòng. Mục 6: Nho giáo: Chui cha! Ông TS kinh tế này cũng tổng kết về Nho giáo, thì Nho giáo hay chính ông GS.TSKH ra sao không nói cũng biết rồi! Kế đến, vừa trích vừa bình lổn nhổn, tác giả cố đưa vào các bài Nam quốc sơn hà Nam đế cư (coi là Tuyên ngôn độc lập lần thứ nhất), Bình Ngô đại cáo (coi là Tuyên ngôn độc lập lần thứ hai). Giữa đó chêm vào mục 7: Hịch tướng sĩ -Bài ca xung trận, đại thắng quân Nguyên. Đang nói về chiến thắng quân sự, ngoằng vào giáo dục: "Đời Trần rất chăm lo chế độ chế độ thi cử quy củ....". Hết biết tư duy logic của ông GS.TSKH như thế nào?

Bên trên chỉ là nhân tiện điểm qua thôi, đến số 10 có mục Tiến sĩ nho học mới chính là mục mà tôi quan tâm.

Đối với cuốn sách của ông H, mục 10 này chiếm đến hơn 90% của phần I (350/386 tr.), và hơn 60% của cả quyển sách (350/588 tr). Không phải là sự khái quát đặc điểm quá trình hình thành hay so sánh xuyên thời đại xuyên quốc gia gì cả, mà là bản liệt kê lý lịch trích ngang của các Tiến sĩ Nho học từ thời Lý đến thời Nguyễn.

Không bàn việc mục này trương phình lên như vậy có phù hợp với cuốn sách có tên như trên hay không, tôi chỉ biết mặt tôi bỗng "đỏ bừng" lên như một anh chàng nốc quá mấy vại bia! Bởi vì, chẳng khác gì một người mẹ đến một nơi xa xôi, bất ngờ thấy một người lạ đang bế ẵm đứa con của mình! Thế là người mẹ chẳng cần phải lấy mẫu xét nghiệm dấu vân tay hay ADN gì nữa, chỉ dụi mắt vài lần cho khỏi nhầm rồi khẳng định ngay. Tâm thần tôi khi ấy trở lại bình tĩnh, sắc mặt không đỏ bừng nữa mà trên môi hình như nhẹ nở một nụ cười (cái cười tự nhiên khi ta nhận ra mình đã biết rõ sự thật).

Một luồng điện chạy nhanh trong đầu, tôi đã quyết định xong. Tôi ở vào một tình thế khó xử, từ vai chủ nhà muốn cho khách đẹp ý, đến vai bà mẹ thấy con mình chẳng lẽ không dám nhận con? Ông H 65 rồi, có phải trẻ người non dạ gì nữa đâu? Ông ấy từng làm Hiệu trưởng một trường đại học đông mấy vạn SV,NCS chứ có phải ở nhà quê mới ra nên không hiểu chuyện bản quyền sách vở ra sao đâu. Hơn nữa ông là đảng viên cao tuổi Đảng (47 năm) trình độ giác ngộ hẳn phải rất cao: Sách tái bản năm 2009, chẳng lẽ ông H không biết ĐCSVN có cuộc vận động " Học tập và làm theo gương Bác Hồ" hay sao? Cuốn sách của chúng tôi bị sao chép như thế thì thị trường cũng giảm yêu cầu đi, nhưng trực diện nói ra hay không nói ra với ông H việc này, tôi tuyệt đối không phải vì tiếc mất mấy đồng nhuận bút, mà vấn đề là ở chỗ có thể chấp nhận chuyện đạo văn trắng trợn như thế hay không? Không chỉ chuyện đạo văn, đây còn là chuyện đạo đức nữa. Thật không muốn tin rằng trước cả ngàn cả vạn SV, NCS, những lời lẽ hô hào giáo dục của GS. TSKH Nguyễn Đình H là giả dối! Nghe nói nền giáo dục nước ta gần đây có giảm sút, nghĩ là yếu đi chút đỉnh, có đâu đến mức trầm kha, căn bệnh đã vào đến cao hoang như thế? !

Tôi gấp cuốn sách đặt xuống bàn, lấy lại tư thế cho thoải mái để khỏi nổi nóng, rồi hắng giọng nói với GS.TSKH Nguyễn Đình H. :

-Mời anh xơi nước đi!.... Nhưng mà..., anh H ạ, cuốn sách của anh có vấn đề...

Tôi mở sách, giở qua mấy mục đầu:nước Văn Lang, chữ Nôm, Nho học v.v..mà nói:

-Anh viết mấy cái mục ấy để làm gì nhỉ? ...Mà anh thì biết gì về chữ Nôm mà trong một đại tác như vậy cả gan dám viết cả mục về chữ Nôm?...

Ông H cười tiếp lời:

-Ấy, tôi thì làm sao biết chữ Nôm bằng các anh!

-Tất nhiên rồi, nhưng tôi không muốn nói anh có biết chữ Nôm hay không, nếu anh mưốn thì học vài tháng cũng đọc được một ít .Nhưng người ta nói: Biết 10 viết ra chưa đến 1, đằng này anh lại tự trương phình lên như thế, thiên hạ người ta cười cho!

Ngừng một lát, tôi nói tiếp:

-Còn phần trích ngang tiểu sử các Tiến sĩ (vừa nói tôi vừa nhón cả chỗ dày 350 trang lên) thì anh chép nguyên xi trong cuốn Các nhà khoa bảng VN do tôi Chủ biên và cùng biên soạn với mấy bạn đồng nghiêp. Đó là hành vi xâm phạm bản quyền rất nghiêm trọng. Anh có nhận đúng

thế không? UpAnh.GiaiTriVip.Com - Free Upload Images, Hệ Thống Lưu Trữ, Chia Sẻ File Trực Tuyến

GS.TSKH nói:

-Nhưng tôi sắp xếp theo các địa phương!

Tôi xua tay cười nhẹ :

-Anh đừng nói cái chuyện chia xếp ấy với tôi, tôi hơi bị thành thạo việc soạn thảo văn bản vi tính đấy! Mất vài tiếng đồng hồ, anh muốn chia xếp kiểu gì tôi cũng chiều anh luôn! - Đến đoạn này tôi nhẹ nhàng đứng dậy (cổ tránh để khỏi đập bàn, xô ghế) mà nói:

-Anh H ạ, soạn cuốn Các nhà khoa bảng VN này, nếu chúng tôi cứ để y nguyên như trong sách đăng khoa lục mà dịch ra, thực chất là phiên âm, thì chẳng mất mấy công mà dễ, các cháu Trung cấp Hán Nôm cũng làm được.Cái khó nhất của một cuốn sách tiểu sử các nhà khoa bảng VN là ở việc quy đổi địa danh quê quán của ngót 3000 Tiến sĩ. Ở ta, cho đến nay chưa có một cuốn từ điển địa danh nào tra cứu được địa danh xưa - nay đến đơn vị xã thôn. Chủ trương từ đầu của chúng tôi khi làm cuốn sách này là phải cố gắng tối đa để thực hiện việc quy đổi này. Không chỉ tra tìm từ nguồn thư tịch cũ mới mênh mông, chúng tôi còn phải hàng tháng trời bò toài ra sàn nhà để dò tìm trên từng tấm của kho bản đồ chất cao mấy mét quýp của Viện Hán Nôm để có thể xác định địa danh quê quán hiện nay của các Tiến sĩ. Trước chúng tôi, chưa có bản soạn, bản dịch sách đăng khoa lục nào làm được. Vì vậy, chỉ giở cuốn sách của anh, xem lứot qua vài trang đầu, mấy trang giữa và cuối là tôi biết ngay cả phần 350 trang này anh đã chép nguyên xi trong cuốn Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075-1919) do tôi Chủ biên và biên soạn chính (*) . 350 trang ấy là mồ hôi công sức của bản thân tôi và của các bạn đồng nghiệp cộng tác với tôi trong nhóm biên soạn. Tôi xin nói thẳng với anh như thế mà không lo bị nhầm!

Im lặng một chút, ông H nói:

-"Vâng...Việc này tôi xin nhận sai lầm với bác Ngô Đức Thọ, nhưng...tôi chỉ vì muốn lưu truyền kiến thức cho đời sau..!."

Đó là câu nói tôi rất chờ đợi ở ông ông H vào lúc này, rất mừng là ông đã chịu tự nói ra! Còn ý đoạn sau thì tôi không quan tâm, không tranh biện nửa câu với ông H ! Dù ông nói thế cũng chả ai tin: xưa nay có anh cầm nhầm nào mà không nói là để lưu truyền đâu ? Ai làm ra thì người ta tự tìm cách lưu truyền, có đâu phải nhờ người ẵm hộ để đi lưu truyền? Hình như - không nhớ rõ - tôi có bảo qua ông H:

"... Đời sau cũng chẳng có đời nào người ta nhận cái của lưu truyền như thế đâu!"

Câu chuyện như thế đã đi vào hồi kết. Nhưng tôi hơi lúng túng: bây giờ mà ông H đứng dậy ra về, cầm luôn đại trứ tác VIỆT NAM HƯỚNG TỚI NỀN GIÁO DỤC HIỆN ĐẠI thì tôi chẳng có gì để làm minh chứng. Tự đi tìm để có cuốn sách ấy thì có thể cũng tìm được, nhưng phiền lắm, phải mất nhiều công. Vì thế, việc cầm nhầm đã xác định rồi, nhưng tôi vẫn cầm cuốn sách đến cuối góc phòng vờ giở xem qua xem lại, mục đích là để chạy lên gác lấy cái máy ảnh xuống chụp cái bìa sách và nhiều nhiều các trang bị cầm nhầm. Khốn nổi, lấy được máy ảnh thì máy chưa sạc pin nên không mở ra được! Tôi đành kiên nhẫn cắm sạc pin, một mặt bảo vợ tôi lại ngồi mời ông H uống nước để kéo dài thời gian (như kiểu thủ môn kéo dài thời gian trên sân bóng). Tôi sực nhớ có anh bạn trẻ cùng Viện có hẹn chiều nay đến làm việc với tôi, tôi bèn gọi phôn nhờ anh ta đem theo cái máy ảnh và đến nhà tôi ngay. Thủ môn kéo dài thời gian như vậy được đâu vài chục phút, cũng kịp lúc anh bạn trẻ phóng xe tới. Tôi mừng quýnh chạy ra mở cổng rồi đẩy ngay anh ta lên nhà, chỉ kịp ghé tai nói nhỏ: "Mở máy ngay, chụp liền cho tôi mấy pô cùng với ông khách!"

Anh bạn trẻ lên nhà, lịch sự chào hỏi mọi người rồi thao tác máy chụp ngay - Dẫn trong bài này chính là những bức ảnh do người bạn đó chụp giúp. Hiện trường còn y nguyên!

Bây giờ yên tâm rồi, nhưng tôi vẫn cầm quyển sách đi qua đi lại. Ông H thấy vậy, nói:

-Có cần phải ....

Tôi hiểu ông H muốn nói: có cần viết ra giấy không?. Nếu lúc ấy tôi lấy giấy bút đưa cho ông H thì có được đủ bộ cứ liệu. Nhưng lúc ấy tôi nghĩ: Một ông GSờ - TSKHờ, quyền uy chức vụ kể cũng khá cao, mà phải chịu im re thừa nhận: "...Tôi xin nhận sai lầm với bác Ngô Đức Thọ", thế đã đủ bi thương, "hoàn cảnh" lắm rồi, chứng cớ như vậy hẳn ông không thể chối cãi gì được nữa, dừng lại cũng tạm đủ, có lẽ không nên buộc ông ấy phải viết ra giấy cho thêm đau lòng! Đó là tâm trạng đích thực của tôi lúc đó, không thêm mắm muối tí nào.

Tiếp đó tôi nghĩ nên hỏi muợn ông cuốn sách ít ngày, nếu ông không cho mượn thì sẽ nhờ anh bạn chụp lấy vài chục trang để "lưu truyền"!. Cũng may, chưa phải hỏi mượn thì ông H đã cầm bút "đề tặng" để biếu tôi cuốn sách, vì thế mà tôi có cuốn "đại trước tác" của ông để "lưu truyền" ngay trong bài này. Tôi thầm nghĩ: mỗi người thường có duyên nợ với một từ gì đó, ông H đích thực là có duyên nợ với hai chữ "lưu truyền"!

Tiễn ông H ra cổng, dặn ông qua dốc rẽ trái để ra đường lớn, tôi cùng ông chia tay.

Tôi khoá cổng quay vào nhà, lòng buồn rười rượi. Bởi vì, người tôi vừa tiễn đây không phải ai non dạ, mà là một vị có chức quyền, học hàm học vị không chỉ khá cao mà là rất cao. Ông lâm tình thế đáng bi thương hổ thẹn như thế trước hết là vì bệnh háo danh. Đối với trường hợp của ông H thì còn hơn thế: Buổi tối vào mạng tra Google, tôi đọc được cả bản tiểu sử của ông, lại tìm được tài liệu cho biết ông là thành viên đương nhiệm của Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước và đương chức Phó Chủ nhiệm Uỷ ban...của QH! và có thể còn vài ba chức danh đương nhiệm khác nữa. Đời bây giờ đạo đức suy đồi, không ít người có chức có quyền tha hoá biến chất. Quản lý tiền thì tham ô tiền, quản lý tài nguyên thì bán chui tài nguyên, quản lý khoa học thì chiếm đoạt công trình sản phẩm của đồng nghiệp. Mấy vụ giáo trình kinh tế gì đó lình xình ở TP HCM cách nay chưa mấy ngày. Ông H nhận là đồng hương với tôi..., thế mà ông còn quờ tay ẵm thuổng mất hơn 1/3 mồ hôi công sức biên soạn cuốn CNKBVN! Hàm vị thì ông cao tột rồi, có thêm một cuốn sách ôm ấy thì cũng chẳng còn danh vị gì mà thăng tiến nữa, có chăng là để tỏ rõ cho mọi người biết một giáo sư thứ thiệt phải có nhiều đầu sách, "công trình khoa học" như ông! Nghĩ chuyện của ông vừa Bi vừa Hài, vậy thì tôi còn phải luyến tiếc gì nữa mà không phanh phui ra trước dư luận hành vi đạo văn trắng trợn của ông H? Hoạ chăng phải cố tìm cách giấu đi để mấy nơi như Chi bộ ĐCSVN phường Đồng Tâm Q.Hai Bà (nơi ông H cư trú), Đảng uỷ cơ quan Viện lập...của UBTV, và quý vị lãnh đạo ở HĐCDGSNN khỏi biết, ít ra cũng cố giữ "bí mật" cho đến hết đợt hành động "Học tập và Làm theo" doTBT Nông phát động: Lý do là vì để mấy nơi đó biết lại khiến họ đâm ra khó xử!

Về việc PTT họ Phạm cả quyết đánh giá: " Cuốn sách Việt Nam hướng tới nền giáo dục hiện đại do Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình H...biên soạn là một tác phẩm công phu, có nhiều tư liệu giá trị và nội dung phong phú." *(sic!!) Những phần mục nào khác thì không nói, nhưng tôi muốn trân trọng kính nhờ Phạm PTT bớt thì giờ kiểm tra chỗ 350 trang mà GS.TSKH Nguyễn Đình H..."cầm nhầm" - mà đương sự cũng đã xác nhận - ấy có thật đúng là "công phu" không? Nếu đúng là có công phu thì đó là công phu gì? Công phu trong việc đạo văn hay công phu do ông H tự có kiến thức tích luỹ mà rồng bay phượng múa ra được như thế? Vầng nhật nguyệt còn đó sáng soi, chẳng lẽ nào ngài Phạm PTT lại không thấy cho một sự thật tày đình như thế? Vả lại sự việc "sách của GS.TSKH H" nếu được coi là tấm gương để soi thì may ra sẽ bớt đi được chuyện các quan to thoải mái đánh giá đề tựa ào ào về những lĩnh vực chuyên môn mà mình không am hiểu. Không nói khoản 350 tr. "đạo" nữa, hãy lấy một câu ở tr.26 trong mục "10. Tiến sĩ nho học", ông GS.TSKH đáng kính đĩnh đạc nhả ngọc phun châu để "lưu truyền cho đời sau" như sau:

"...thi Hội để lấy bằng Cử nhân, thi Đình để lấy bằng Tiến sĩ" (Sic!)

uploadanh.com

Bảo vệ sự đúng đắn của những điều mình viết ra là vấn đề danh dự, uy tín của nhà khoa học. Tôi nghĩ GS.TSKH Nguyễn Đình H nên trưng ra các văn bản cứ liệu chứng minh để có thể lập được một Hội đồng khoa học cấp quốc gia thẩm định giúp câu văn gồm 14 chữ của ông mà tôi đã trích nguyên văn, gạch dưới và đặt trong ngoặc kép nêu trên là đúng hay sai?

Dân gian thường gọi những người giỏi giang thông tuệ là "Giỏi" hoặc "Thông", những ai hay ấm ớ, nói gì sai nấy thì bảo là...Xin thứ lỗi vì chợt quên biến mất cái chữ rất hay ấy. Nhưng không sao, đợi đến khi có câu trả lời ta sẽ xin ý kiến dân gian cũng không muộn gì.

Chân thành cám ơn quý độc giả và quý vị quan chức đã bớt thì giờ quý báu lướt qua bài viết không có tính truyện ngắn hoặc truyền kỳ tí nào, mà có tính thực lục khá cao (có 04 ảnh kèm) này của tôi.

Để bảo đảm và chịu trách nhiệm về sự thật được nói đến trong bài, đến đây Ngạn Xuyên xin ký họ tên thật như sau:

PGS.TS Hán Nôm học NGÔ ĐỨC THỌ

Nguyên Trưởng phòng Văn bản học

Chuyên viên cao cấp

Viện nghiên cứu Hán Nôm

VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

(đã nghỉ hưu)

Địa chỉ liên hệ: số nhà 50 Ngõ 210/41/11 Đội Cấn, Q.Ba Đình, Hà Nội

ĐT: (04)38464397

TB. Tôi cũng muốn nói đôi lời với Nhà xuất bản Giáo Dục: Tôi nghĩ Nxb Giáo dục là cơ quan quan trọng của ngành đào tạo nhân tài cho đất nước. Là người thay mặt cho xã hội thẩm định OTK cho các sản phẩm, chẳng lẽ các bạn không biết chuyên đề Tiến sĩ Việt Nam đã có những sách nào hay sao? Nếu đã biết thì sao vẫn an nhiên để cho người ta rinh bê của gian của lậu vào trong ấn phẩm của Nxb mình như thế? Dư luận xã hội làm sao có thể ca ngợi các bạn là khách quan, tận tâm với chức vụ?. Trong việc biên tập các bạn có trách nhiệm cao, rất nên trong sáng đi đầu trong vấn đề tôn trọng bản quyền tác giả, chứ đừng tiếp tay cho họ, có thế thì mới hết những kẻ đưa những chồng giấy cũ đến để "lưu truyền" theo kiểu như GS.TSKH H đã làm. Nhưng vì bài viết đã dài, xin sẽ quay lại sạu. (NĐT.)

(*) CÁC NHÀ KHOA BẢNG VIỆT NAM (1075-1919). NGÔ ĐỨC THỌ chủ biện. Biên soạn: Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thuý Nga, Nguyễn Hữu Mùi. H.,Nxb văn học, 1993.

-Tái bản có bổ sung chỉnh lý. H.,2006.

Đường link bài này:

http://vn.360plus.yahoo.com/ngoducthohannom/article?mid=26&prev=-1&next=25

(không có gạch dưới)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét