Thứ Tư, 26 tháng 5, 2010

Phải chăng người Việt Nam ăn thịt chó?

Minh Thu
Phải chăng người Việt Nam ăn thịt chó? Tại sao người dân Mễ làm chuyện gì cũng ồn ào lớn tiếng?
Đó là những câu hỏi đã trở thành gần như phổ thông và có thể biến thành định kiến đối với hai cộng đồng di dân thiểu số lớn nhất tại nhiều nơi như Houston, San Jose và vùng Orange County: đó là cộng đồng người Việt và khối di dân gốc Mễ.
Khách quan mà nói, khối di dân gốc Mễ, thường gọi là Hispanic hoặc Latino, bao giờ cũng là một cộng đồng thiểu số khá đông đảo tại nhiều thành phố lớn trên nước Mỹ, và dĩ nhiên chiếm một vị trí quan trọng hơn nhiều trong đời sống và chính trường Hoa Kỳ. Không những nhờ vào số lượng đông đảo di dân từ nước láng giềng Mễ Tây Cơ ở sát miền nam nước Mỹ, cộng đồng này còn bao gồm thêm đa số di dân từ các quốc gia khác thuộc Nam và Trung Mỹ châu nhưng nói cùng thứ tiếng Y Pha Nho nên thường bị xếp chung thành một khối. Riêng cộng đồng người Việt chưa hẳn là một tập thể đông đảo nổi bật nhất trong một khối di dân gốc Á đa dạng hơn nhiều trên nước Mỹ, nhưng nhờ vào yếu tố định cư tập trung tại một vài nơi như vùng Little Saigon và San Jose tại California, hoặc như tại Houston ở Texas, nên cũng bắt đầu tạo được tiếng vang chút ít gần đây trên chính trường với sự xuất hiện có phần nổi đình đám của một vài vị dân cử.
Chắc hẳn nhiều người Việt sẽ khó chịu hay nhăn mặt trước những ai dám đặt ra những câu hỏi có phần táo tợn và thiếu tế nhị như trên? Nói đúng hơn, nhiều người có thể sẽ khó chịu với câu hỏi đầu tiên nhưng đa số thì lại rất tán đồng về câu hỏi thứ nhì và coi đó như là điều tất nhiên. Nếu quả như vậy thì nó cũng phản ảnh phần nào cái tinh thần “duy ngã độc tôn” của người Việt mình và thích xem thường kẻ khác, trong khi không chịu biết rằng thân phận thiểu số của mình cũng bị người khác coi nhẹ với những ánh mắt chẳng lấy gì làm tốt đẹp. Diễn dịch một cách bình dân hơn, có thể nhiều người Việt chúng ta có tinh thần kỳ thị khá cao, nhất là đối với thành phần dân da đen và gốc Mễ, và cứ tưởng chừng như mình chỉ thua có giống dân da trắng, trong khi trên thực tế, những thành phần dân thiểu số khác cũng nhìn về người Việt một cách không mấy gì hay ho.
Những câu hỏi trên không phải là những lời nói hay ý nghĩ trừu tượng để tạo nên tranh luận mà chính là những câu hỏi được đặt ra từ cử toạ trong một cuộc hội thảo công chúng của cư dân gốc Việt và gốc Mễ được tổ chức tại Trung tâm Cộng đồng George Shirakawa ở phía đông nam thành phố San Jose, và được tường thuật chi tiết bởi nhà báo Joe Rodriguez trên tờ nhật báo San Jose Mercury News ngày 11-15 vừa qua. Đây là một cuộc hội thảo để chia sẻ tâm tư và ý nghĩ của những người dân bình thường thuộc hai giòng máu và văn hoá khác nhau, Việt Nam và Mễ, nhưng cùng quy tụ lại để bàn về một đề tài có lợi ích chung: đó là làm sao nuôi dưỡng và hướng dẫn con em mình lớn lên tại xã hội Hoa Kỳ với những phương tiện và văn hoá đặc thù của nước mình.
Nói theo lời thú nhận của một trong những người đến tham dự, bà Marisela Padilla, một phụ nữ gốc Mễ cư ngụ tại thành phố Milpitas cùng với 3 đứa con nhỏ khi phát biểu: “Cái mà chúng ta có cùng điểm giống nhau là chúng ta đều đến phần đất này để làm việc. Chúng ta quá chú trọng vào công ăn việc làm, vào việc trả tiền nhà hàng tháng, để rồi vì thế mà thỉnh thoảng con cháu chúng ta bị bỏ quên.”
Một phụ nữ khác cũng gật đầu tỏ ý đồng tình, đó là Lily Bùi, một người mẹ độc thân nuôi con và vất vả với 2 công việc khác nhau để có đủ tiền sinh sống. Bà Lily Bùi thuật lại tình cảnh bối rối khi một đứa con trai của bà sau khi tan học về nhà đã bật khóc và kể rằng “có mấy đứa Mễ ở trường đã chửi mắng con.” Bà Bùi không biết phản ứng ra sao, và dùng lẫn lộn hai ngôn ngữ Anh – Việt để diễn đạt phản ứng của bà: “Tôi không biết phải làm thế nào, không biết phải báo cho ai ở trường biết. Tôi bận túi bụi vì công việc. Tôi đành phải nói với đứa con trai rằng mấy đứa đó nhiều khi chẳng biết mình nói gì. Và tôi cố gắng dạy con nên tập bỏ qua và tha thứ.”
Marisela Padilla và Lily Bùi là hai phụ nữ trong số khoảng hơn 30 di dân tại San Jose đã được hai hội đoàn xã hội địa phương mời đến để cùng thảo luận về những khác biệt trong văn hoá và truyền thống, và từ đó tìm ra những điểm tương đồng để có thể tránh gây ra những hiểu lầm hay hục hặc có thể trở thành căng thẳng sắc tộc và dẫn đến tình trạng bạo động thường xảy ra trong xã hội Hoa Kỳ ngày nay, nhất là tại những thành phố lớn đông đúc dân cư. Đó là hai tổ chức Somos Mayfair và Asian American Recovery Services đã có sáng kiến kêu gọi hai giống dân này đến để họ cùng gặp nhau và tự tìm hiểu qua cách thẳng thắn đặt những câu hỏi và từ đó có thể hiểu nhau nhiều hơn và cũng có thể thông cảm với nhau hơn.
Theo lời của ông Jaime Alvarado là giám đốc điều hành của Somos Mayfair thì “hai giống dân gốc Á và Mễ được coi như là bộ mặt của California tiến tới trong tương lai. Nếu như chúng ta không chịu đối phó với tình trạng luôn nghi kỵ và có thành kiến với nhau vào lúc này, thì điều đó sẽ không dẫn tới một tương lai sáng sủa.” Ông Alvarado cho rằng những diễn đàn gặp gỡ như kiểu này nhằm bắc một nhịp cầu thông cảm giữa đôi bên thông thường chỉ được tổ chức sau khi đã xảy ra những biến cố đáng tiếc, những hành động bạo lực đánh đấm trong nhà trường hoặc có thể là những vụ thanh toán lẫn nhau giữa băng đảng. Vì thế nên cái sáng kiến lần này là họ muốn tạo nên một nhịp cầu liên lạc giữa đôi bên để tránh xảy ra những chuyện đáng tiếc về sau.
Cái sáng kiến này quả là một điều mới mẻ, và do đó chương trình để thực hiện nó cũng rất mới lạ, bắt đầu từ việc tổ chức cuộc gặp gỡ giữa đôi bên. Và để cho chương trình được diễn ra một cách thoải mái nhẹ nhàng, thay vì bắt đầu bằng những bài diễn văn theo nghi thức, họ đã cho trình diễn một vở kịch nhỏ của ban kịch Teatro Familia Unidas trình bày về đời sống của một gia đình di dân ở Mỹ trong đó các bậc cha mẹ đã gặp khó khăn rất lớn trong việc nuôi dưỡng con cái, nhất là vì trở ngại ngôn ngữ khi cha mẹ không thể nói rành tiếng Anh trong khi con cái họ biết nói nhưng lại không chịu, hoặc không thích nói tiếng mẹ đẻ.
Trong một đoạn kịch diễn tả tình cảnh giữa hai mẹ con trong một gia đình người Mễ, nhưng cũng có thể xảy ra cho một gia đình người Việt hoặc những sắc dân khác, Padilla đóng vai người con gái suốt ngày chỉ thích nói chuyện với bạn học qua điện thoại di động thay vì làm chuyện nhà hoặc trò chuyện với mẹ. Việc này khiến cho bà mẹ suốt ngày phải đi làm cực khổ, đóng vai bởi bà Norma Chavez, đã phải bực mình để cuối cùng phải hét lên bằng tiếng Mễ: “Mày lười quá đi thôi! Tại sao mẹ đi làm cực khổ và hy sinh biết bao cho mày, để rồi mày lại phí phạm thời gian vào những chuyện không đâu?” Liền lập tức cô con gái đã trả đũa, nhưng bằng tiếng Anh: “Mẹ không biết gì về con cả. Mẹ chẳng hiểu gì hết.”
Rồi như để cho nội dung vở kịch tác động mạnh hơn nữa, cả hai diễn viên lại tiếp tục lập lại những lời nói như trên chẳng khác gì cái máy quay dĩa cứ chạy đi chạy lại một thông điệp cũ rích chẳng bao giờ thay đổi. Sau đó thì họ bắt đầu diễn lại từ đầu, nhưng lần này có phần thay đổi để mong là sự thể ngoài đời sẽ được diễn ra như vậy. Lần này, cả hai mẹ con không còn tấn công hay chỉ trích lẫn nhau. Họ cùng lắng nghe và giải thích cũng như hỗ trợ lẫn nhau. Bà mẹ tâm sự: “Mẹ không muốn con quên nguồn gốc hoặc chối bỏ cái ngôn ngữ của con.” Để rồi được nghe con gái kể lể: “Ừ, con biết rồi mẹ. Nhưng con cũng muốn mẹ biết rằng thật khó cho con sống giữa hai thế giới khác nhau như vậy. Con cũng gặp nhiều khó khăn lắm trong việc học hành.”
Sau khi vở kịch chấm dứt, mọi người mới cùng nhau ngồi vòng tròn để cùng bàn luận và chia sẻ, trả lời những câu hỏi góp ý của những người điều hợp chương trình để tìm hiểu thêm về những va chạm trong đời sống do bởi sự khác biệt trong văn hoá, đồng thời cũng nêu lên những câu hỏi tò mò của nhiều người về những điểm đặc thù hay lạ lùng của những người thuộc sắc dân khác. Vì thế nên mới có câu hỏi tò mò của bà Padilla, không giấu được tiếng cười mỉm khi đặt ra câu hỏi: “Bộ chuyện người Việt nấu thịt chó là có thật à?” Bà Lê Tuyết, một cư dân sống tại thành phố Campbell, đã mỉm cười và trả lời ngay: “Ừ, thì chuyện đó có thật, nhưng cũng rất ít ở Việt Nam. Đa số là giành cho mấy ông nhậu với bia, chứ còn thật ra nó không phải là thức ăn bình thường hàng ngày của người Việt đâu.”
Đến đây thì bầu không khí có phần cởi mở hơn giữa người hỏi và người trả lời, và không ai có ý coi thường cũng như không ai phải mặc cảm xấu hổ, vì họ đã cảm thông hơn và trình bày vấn đề một cách thành thật và không định kiến, chẳng qua là để tìm hiểu vì tò mò (cho một phía) và phân trần giải thích cho rõ ràng hơn (từ phía khác).
Khách quan mà nói, kể từ sau khi Thế Vận Hội mùa Hè được tổ chức tại Nam Hàn vào năm 1988, giới truyền thông Hoa Kỳ đã bắt đầu làm quen với văn hoá và truyền thống nước ngoài và biết rằng món thịt chó đã được coi là một món ăn đặc sản (gourmet food) đắt tiền mà người dân Triều Tiên rất ưa thích và chẳng lấy gì làm xấu hổ (tại đất nước của họ). Và vì thế mà cái nhìn của giới truyền thông cũng như của nhiều người Mỹ cũng có phần bớt khắt khe hơn, và do đó cũng không nhất thiết còn coi hành động dùng món ăn này như là một truyền thống của giống dân man di mọi rợ, chẳng qua chỉ là một sự khác biệt văn hoá, có thể gây dị ứng đối với một số người chưa quen tiếp xúc với nhiều nguồn văn hoá nước khác. Tương tự như vậy, nhiều người dân Mỹ có thể hơi kinh ngạc và có vẻ như hãi hùng khi biết rằng người dân Pháp cũng thích ăn thịt ngựa, cũng được coi như là một món ăn đặc sản riêng biệt tại Pháp.
Do đó, ở đây những người di dân gốc Việt tại San Jose đã không cần phải giải thích dài dòng về chuyện người Việt có món thịt chó. Và người di dân gốc Mễ cũng không hẳn nhìn bất cứ người Việt nào là những người tàn nhẫn dám ăn thịt những con thú cưng được nuôi nấng trong nhà. Tuy nhiên, dịp hàn huyên trò truyện này đã giúp hai nhóm di dân khác nhau có thể hiểu biết nhau hơn, từ đó sẽ bớt nghi kỵ và có thể dễ dàng thông cảm với nhau nhiều hơn.
Tình cờ trong cuộc nói chuyện trao đổi qua lại, cả hai nhóm di dân gốc Mễ và Việt bỗng khám phá một niềm hãnh diện chung: đó là trong lịch sử của họ, mỗi bên đều có thể tự hào là đã từng đánh đuổi được quân Pháp ra khỏi bờ cõi của họ.
Trong phần kết thúc, khi các điều hợp viên nêu lên câu hỏi là hai nhóm di dân này có những điểm đồng thuận nào, nhiều người đã nhanh nhẹn trả lời cùng những ý nghĩ giống nhau. Bà Lê Tuyết dường như đã nói lên ý nghĩ của đa số khi phát biểu: “Cái tôi học được hôm nay là cả hai nền văn hoá của Mễ Tây Cơ và của Việt Nam đều có những điểm chung: đó là tinh thần gia đình và kính trọng những người lớn tuổi. . . Một trong những giá trị quan trọng nhất trong nền văn hoá chúng ta là luôn luôn kính trọng cha mẹ mình.”
Điều lo ngại lớn nhất của những người di dân này là những căng thẳng hiện nay giữa các em học sinh gốc Việt và gốc Mễ trong trường học, giống như bà Lê Tuyết tâm sự: “Quả tình là có nhiều căng thẳng giữa đám trẻ con em chúng ta ngày nay.” Dường như để xác định điều này, một người trẻ nhất tham dự trong cuộc hội thảo là em America Barcenas, 15 tuổi, đã nói thẳng vào vấn đề: “Chúng tôi cũng giống như quí vị vậy, tất cả đều cố gắng để sinh tồn. Chúng tôi không nghĩ rằng mình giỏi hơn quí vị, và chúng tôi sẽ tiếp tục hiện diện tại đây để phá vỡ những bức tường ngăn chia chúng ta.”
Những lời nói tâm tình bộc trực của một em gái 15 tuổi kể trên quả rất thấm thía còn hơn cả những lời khuyên răn hay nhận định của nhiều chuyên gia tâm lý xã hội. Ước mong rằng mọi người có thể học được những điều cao quí tốt đẹp từ lời tâm tình ấy. Và trong bối cảnh những sinh hoạt bầu cử sẽ diễn ra tại vùng Orange County rất thường xuyên trong tương lai, trong đó chắc chắn sẽ có nhiều ứng viên ra tranh cử đối chọi trong hai cộng đồng gốc Việt và gốc Mễ tại địa phương, hy vọng là các chính trị gia và những người cổ động chớ vì quyền lợi riêng tư mà khai thác góc cạnh kỳ thị giữa người Việt và người Mễ để đạt được những thắng lợi tạm thời nhưng để lại nhiều di luỵ nặng nề hơn trong đường dài, chẳng hạn như vụ bức thư cảnh cáo hết sức hồ đồ và tầm bậy năm xưa của anh chàng Nguyễn Đức Tân nào đó.
Mong lắm thay.

Minh Thu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét