Thứ Ba, 4 tháng 5, 2010

Lịch Sử Cuộc Chiến Đấu Của Tộc Việt (4)

Cải Cách Ruộng Đất Tại Miền Bắc

1949-1956

2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9

Lời giới thiệu
Tập 2 này tiếp tục trình bày diễn tiến và hậu quả của cuộc CCRĐ, đặc biệt qua lời tường thuật của nhiều chứng nhân còn sống. Tất cả đã cho thấy vụ Cải tạo Nông nghiệp do CS chủ trương và thực hiện này đã gây nhiều tội ác kinh hoàng và nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Trước hết, đó là tàn sát thường dân vô tội. Nông dân VN hiền hoà, chất phác đang làm ăn sinh sống và hết lòng đóng góp vào cuộc kháng chiến, bỗng dưng bị ĐCS giáng cho họ một đòn chí tử. Đảng tuyên bố CCRĐ là nhằm thực hiện ước mơ muôn đời của nông dân: “người cày có ruộng”, nhưng thực tế thì tầng lớp năng nổ, giỏi giang nhất ở nông thôn bị quy là phú nông, địa chủ, cường hào ác bá, hết đường sinh sống; tầng lớp cán bộ nông thôn từng chịu đựng gian khổ lãnh đạo sản xuất thì bị quy là phản động, gián điệp… bị bắn giết hay bị trừng trị.

Tiếp đến là phá hoại truyền thống tốt đẹp hàng nghìn năm của dân tộc, truyền thống hiếu hoà, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau ở nông thôn VN. Chỉ trong vài năm, Đảng đã đánh tan tinh thần «tương thân tương ái» thường đậm đà trong mối quan hệ người với người, đặc biệt nơi thôn dã, qua chính sách “phân định thành phần giai cấp” hết sức bất công, vô lý, tùy tiện, bằng kiểu “tố khổ” đầy thành kiến, gian trá và hận thù.

Thứ ba là phá hoại luân thường của xã hội. Trong lịch sử dân tộc, chưa bao giờ đạo lý làm người bị đảo điên một cách quái đản như trong CCRĐ. Để “tìm ra địa chủ”, “tìm ra phản động”, “tìm ra của chìm”, các đội cải cách đã ép buộc con cái “đấu tố” cha mẹ, con dâu “đấu tố” bố mẹ chồng, con rể “đấu tố” bố mẹ vợ, vợ “đấu tố” chồng, anh em “đấu tố” lẫn nhau, trò “đấu tố” thầy, kẻ hàm ơn “đấu tố” người làm ơn… Những người bị quy là địa chủ ngay lập tức bị tước mọi quyền làm người, bị hạ nhục, bị mất mạng và gia đình họ cũng chịu vạ lây.

Cuối cùng là phá hủy truyền thống tâm linh và văn hoá của đất nước. Qua cuộc CCRĐ, ĐCS cố tình triệt hạ các tôn giáo và tín ngưỡng bằng cách tước đoạt đất hương hỏa, ruộng nhà chung, ruộng nhà chùa vốn vẫn dành lo việc cúng tế thờ phượng, từ thiện bác ái, nuôi sống chức sắc, tu bổ các nơi phụng tự. Với đòn độc địa này, tất cả mọi tổ chức, mọi cơ sở tôn giáo và tín ngưỡng -vốn che chở hồn dân tộc- đều trở nên điêu đứng và dần dần tàn tạ.

Những khuôn mặt tội đồ như Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Hồ Viết Thắng, Hoàng Quốc Việt đã trở thành vết nhơ muôn đời cho dân tộc. Việc làm của họ, được đồng đảng của họ hôm nay tiếp nối, cho toàn dân thấy được tính chất phi nhân bản, phản dân tộc của chủ nghĩa và chế độ Cộng sản. Nó không thể tồn tại trên đất nước Việt Nam !

Khối Tự do Dân chủ cho Việt Nam 8406

CUỘC CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT
Trần Gia Phụng
Vietland News - Vietland.net

1- CÁC GIAI ĐOẠN CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT

Xã hội Việt Nam, cho đến nay, vẫn là một xã hội dựa trên căn bản nông nhiệp. Bất cứ nhà cầm quyền nào tại nước ta đều phải giải quyết những vấn đề do nền nông nghiệp lạc hậu của chúng ta đặt ra, hầu tìm kiếm những giải pháp thích hợp để thăng tiến đời sống của nông dân, một thành phần chiếm khoảng 70% dân số hoạt động. Cộng sản Việt Nam lại càng chú trọng đến vấn đề nầy hơn nữa, vì lý thuyết Mác-xít dùng yếu tố kinh tế để giải thích những vận động của lịch sử.

Căn bản của yếu tố nầy là quan hệ sản xuất giữa chủ và thợ, mà ứng dụng vào xã hội nông nghiệp là quan hệ giữa chủ đất (điền chủ hay địa chủ) và dân cày (nông dân hay tá điền). Hơn nữa, do ảnh hưởng chủ thuyết của Mao Trạch Đông, lấy nông thôn bao vây thành thị, nên khi nắm quyền tới đâu, Cộng sản Việt Nam tổ chức Cải cách Ruộng đất (CCRĐ) tới đó, để tập họp sức mạnh nông dân và cô lập giới phú hào.

Ngay từ năm 1949, Việt Minh (VM) Cộng sản đã phát động CCRĐ, nhưng việc nầy chỉ tiến hành mạnh mẽ từ năm 1950 trở đi. Vào năm nầy, Hồ Chí Minh qua Liên Xô xin viện trợ. Stalin thúc bách Hồ Chí Minh thực hiện ngay hai việc: thứ nhất tái công khai đảng Cộng sản và thứ hai đẩy mạnh CCRĐ theo đường lối Cộng sản.

Sau cuộc gặp nầy trở về, Hồ Chí Minh triệu tập Đại hội lần 2 đảng Cộng sản Đông Dương tại chiến khu rừng núi Tuyên Quang, tái công khai đảng Cộng sản dưới danh xưng mới là đảng Lao động (LĐ) ngày 19-2-1951, do Hồ Chí Minh làm chủ tịch, Trường Chinh làm tổng bí thư. Về việc CCRĐ, Hồ Chí Minh và VM Cộng sản thực hiện dần dần qua năm đợt liên tiếp, và chỉ chấm dứt năm 1956 để chuẩn bị chiến tranh tấn công Việt Nam Cộng Hòa.

Cuộc CCRĐ của VM Cộng sản chia làm năm giai đoạn, bắt đầu từ năm 1949 đến 1956. Trong những giai đoạn đầu trước năm 1954, cuộc CCRĐ chưa lên đến cao điểm ở miền Nam và miền Trung nước ta, nên nông dân ở miền Nam vĩ tuyến 17 ít có kinh nghiệm về việc nầy. Chỉ có vài nơi VM gọi là vùng "tự do", do họ kiểm soát ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định diễn ra cảnh đấu tố (đấu tranh và tố cáo). Lúc đó, VM bắt đầu cuộc thương thuyết ở Genève, rồi đất nước bị chia hai, VM rút ra Bắc, nên cảnh đấu tố ở các tỉnh miền nam vĩ tuyến 17 chưa dữ dội lắm. Trong khi đó, tại Bắc Việt, khi mới bắt đầu, cuộc CCRĐ khá ôn hòa, nhưng trở nên mạnh mẽ từ sau khi Hồ Chí Minh nhận lệnh của Stalin năm 1950, và càng ngày càng ác liệt, nhất là giai đoạn 5 từ 1955 đến 1956 là giai đoạn sắt máu giết hại nhiều người nhất.

GIAI ĐOẠN SƠ KHỞI: Vào giữa năm 1949, khi sửa soạn chuyển qua giai đoạn phản công quân sự, VM đã vững mạnh ở vùng nông thôn và nhất là rừng núi Việt Bắc. Lúc đầu, VM thực hiện cuộc CCRĐ một cách nhẹ nhàng, chỉ kiếm cách tăng gia sản lượng nông nghiệp nhắm cung ứng nhu cầu đội quân càng ngày càng gia tăng. Để khuyến khích nông dân ra sức cầy bừa, chính phủ VM đã ra sắc lệnh số 78/SL ngày 14-7-1949 thành lập "Hội đồng giảm tô", ấn định các chủ đất (điền chủ, hay như VM gọi là địa chủ) phải giảm thiểu đồng bộ tiền thuê đất (địa tô) cho tá điền (nông dân) là 25%, có nơi có thể giảm tối đa 35% trong trường hợp tá điền quá nghèo khổ (1). Sau đó, thông tư liên bộ số 33/NVI ngày 21-8-1949 đưa ra những nguyên tắc chủ yếu về việc phân chia tạm thời cho nông dân ruộng đất tịch thu của các điền chủ người Pháp và những điền chủ "Việt gian", tức là những người bị VM kết tội thân Pháp, hoặc không cộng tác với VM (2).

GIAI ĐOẠN THỨ NHÌ: Trong năm 1950, một loạt sắc lệnh nông nghiệp ra đời có tính cách mỵ dân, nhắm đẩy mạnh sản xuất, phục vụ công cuộc kháng chiến của VM, bắt đầu bằng sắc lệnh số 20/SL ngày 12-2-1950 ra lệnh tổng động viên toàn bộ "nguồn nhân lực [người], vật lực [gia súc, nông cụ] và tài lực [tiền bạc] cho tổ quốc".

Sau đó, ngày 22-5-1950, xuất hiện cùng một lúc hai sắc lệnh. Sắc lệnh số 89/FL quyết định xóa bỏ tất cả những hợp đồng vay nợ giữa tá điền với điền chủ ký kết trước năm 1945, và xóa bỏ cả những hợp đồng ký kết sau năm 1945 nếu con nợ đã trả đủ 100% số tiền đã vay, hoặc con nợ đã từ trần vì sự nghiệp của VM thì gia đình khỏi trả nợ.

Sắc lệnh thứ nhì do chính phủ VM ban hành cùng ngày 22-5-1950 mang số 90/FL, quốc hữu hóa tất cả những đất đai đã bỏ hoang trong 5 năm liên tục kể từ ngày ra sắc lệnh (điều 2). Đất đai nầy sẽ được chia cho nông dân nghèo, tạm thời trong thời gian 10 năm, và 3 năm đầu cho miễn thuế (điều 3 và 4). Những thửa ruộng bị bỏ hoang chưa tới 5 năm, điền chủ bắt buộc phải cho những tập đoàn nông dân cày cấy lại, hoặc cho người khác thuê cày. Nếu các điền chủ bất tuân, ủy ban kháng chiến hành chánh địa phương sẽ can thiệp và ra điều kiện hợp đồng thuê mướn (điều 5). Ngoài ra, sắc lệnh nầy không áp dụng cho những đất đai trồng cây kỹ nghệ thu hoạch theo mùa hằng năm, hoặc những điền chủ đang phục vụ VM nên không thể trồng trọt, và cấm việc xẻ nhỏ những đồn điền kỹ nghệ (điều 8).

GIAI ĐOẠN THỨ BA: Giai đoạn thứ ba bắt đầu bằng sắc lệnh ngày 20-4-1953, đăng trên Công báo VM ngày 20-5-1953. Sắc lệnh nầy không có gì mới lạ, chỉ củng cố những "thành quả" của cuộc Cải cách trước. Lần nầy, giá thuê đất được hạ thêm 25% để "làm thế nào cho tiền thuê đất không thể vượt quá 1/3 lợi tức mùa gặt." Luật mới quy định các chủ đất không được buộc tá điền phải đóng thêm tiền cho các phí tổn khác, như tiền thuê dụng cụ hay trâu bò cầy bừa (điều 6), cũng như cấm các chủ đất hủy bỏ những hợp đồng cũ để ký kết những hợp đồng tương tự khác (điều 14, 16). Sắc luật nầy nhắc lại việc huỷ bỏ hoàn toàn tiền nông dân vay nợ trước tháng 8-1945 (điều 17), và hoãn lại những món nợ của các thành phần ưu đãi của VM (binh sĩ VM, người nghèo...) trong trường hợp những chủ nợ đang sống trong vùng do chính quyền Quốc gia kiểm soát (điều 18). Đối với những chủ nợ sống tại vùng VM, các con nợ vay sau 1945 cũng được giảm từ 18 đến 20% (điều 21). Sắc lệnh nầy quyết định tịch thu tất cả những tài sản của "đế quốc" Pháp, "Việt gian" và "địa chủ ác ôn" để phân phối lại cho những người không có đất đai nhà cửa, và ưu tiên cho những thành phần nòng cốt của VM (điều 25 đến 30). Cuối cùng, sắc luật nầy thành lập "Ủy ban nông nghiệp" các cấp. Ở trung ương, Ủy ban nông nghiệp do thủ tướng đứng đầu, gồm bộ trưởng Canh nông, bộ trưởng Nội vụ, đại diện Mặt trận Liên Việt (3), và hai đại diện của Ủy ban Liên lạc Nông dân. Ở mỗi cấp hành chánh, cho đến cấp xã đều có những "Ủy ban nông nghiệp" gồm những nhân vật tương tự ở mỗi cấp (điều 35, 36).

GIAI ĐOẠN THỨ TƯ: Vào cuối tháng 11 đầu tháng 12-1953, VM triệu tập Đại hội Đại biểu đảng LĐ, và Đại hội Trung ương đảng tại vùng chiến khu Việt Bắc. Đề tài thảo luận chính của khóa họp đảng LĐ lần nầy là câu khẩu hiệu "Ruộng đất cho người cày". Sau gần một tháng hội họp, kết quả thảo luận của Trung ương đảng LĐ được đưa cho quốc hội VM thông qua để có hình thức dân chủ, trong kỳ họp ngay sau đó. Quốc hội nầy thành lập từ năm 1946 gồm 444 người, nay chỉ có 171 đại biểu dự họp. Đảng LĐ quyết định thực hiện dần dần cuộc CCRĐ theo một kế hoạch được soạn thảo kỹ lưỡng.

Sắc lệnh CCRĐ lần nầy hơi khác với đường lối cải cách của Liên Xô. Tại Liên Xô, đảng Cộng sản Liên Xô xóa bỏ hẳn sự tư hữu đất đai, và nông dân chỉ có "quyền lao động". Việt Minh theo đường lối cải cách của Trung Cộng và Bắc Triều Tiên, trên lý thuyết không xóa bỏ hẳn quyền sở hữu đất đai của nông dân mà cho phép dân cày có quyền có đất. Việc nầy thực sự chỉ có trên lý thuyết, chứ trong thực tế, nhà nước Cộng sản quản lý toàn bộ đất đai.

Mở đầu, Sắc lệnh ngày 4-12-1953 nêu lên ý nghĩa và mục đích của cuộc CCRĐ lần nầy là "bãi bỏ toàn diện quyền sở hữu đất đai của "Thực dân Pháp" và của tất cả những "đế quốc" khác, đồng thời thiết lập quy chế sở hữu đất đai của nông dân" (điều 1). Toàn bộ đất đai của "Thực dân Pháp", "Việt gian", "địa chủ phản động", và những "phú hộ ác ôn" đều bị tịch thu (điều 1). Đất đai của những thành phần dân chủ tiến bộ, kháng chiến và hợp tác với VM sẽ được trưng dụng. Nhà nước sẽ bồi thường hằng năm khoảng 1,5% tài sản (điều 4). Đối với những điền chủ lẩn tránh chính sách bằng cách sang, bán, chuyển nhượng đất đai sau cuộc CCRĐ lần thứ ba (20-4-1953), nhà nước xem đó là những hành động bất chính, sẽ trưng dụng đất đai và bồi thường bằng tín phiếu ngân hàng (điều 5). Những trung nông đã mua những đất nầy sẽ phải bán lại cho những nông dân nghèo vô sản với giá phải chăng (điều 5). Đặc biệt sắc lệnh nầy chấp nhận các cơ sở tôn giáo như chùa, nhà thờ, và các tổ đình làng xã sử dụng một ít đất đai và phải tự cày cấy để tự mưu sinh (điều 10). Trên nguyên tắc, sắc luật bãi bỏ quyền sở hữu đất đai của ngoại kiều (điều 19). Tuy nhiên cũng có một số miễn trừ cho đất đai của những người ngoại quốc, đặc biệt cho người Trung Hoa vì họ được CHNDTH bảo trợ. Ngoại kiều có quyền giữ đất nếu không có nghề gì khác để sinh sống (điều 25). Nguyên tắc phân phối đất đai có vẻ lý tưởng: giao đất theo nhu cầu của nông dân, người không có gì được nhiều, người đã có đất thì được ít hơn [?], và không giao đất cho những ai đã có đủ đất (điều 26). Điều nổi bật trong sắc lệnh nầy là người được phân phối đất có quyền chuyển nhượng bằng cách thừa kế, thế chấp, bán hay cho kẻ khác (điều 31). Đây rõ ràng là ảnh hưởng từ luật điền địa CHNDTH, nhưng hoàn toàn có tính cách lý thuyết mà thôi. Việc thực hiện luật CCRĐ lần nầy được giao cho Nông hội, một thành phần của Mặt trận Liên Việt, với sự chấp thuận của Ủy ban Kháng chiến hành chánh tỉnh (điều 34). Cuối cùng, sắc lệnh nầy cấm đoán mọi sự phản kháng cuộc CCRĐ (điều 35), và quy định việc thiết lập tòa án nhân dân đặc biệt để xét xử những thành phần chống lại cuộc CCRĐ của Việt Minh (điều 36).

GIAI ĐOẠN THỨ NĂM: Vào giữa năm 1954, nước Việt Nam bị chia hai bằng Hiệp định Genève ký kết ngày 20-7-1954, theo đó Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tức VM Cộng sản cai trị ở phía bắc vĩ tuyến 17, Quốc gia Việt Nam ở phía Nam. Nói cách khác, Cộng sản không còn ở rải rác trong các chiến khu khắp Bắc, Trung và Nam Việt Nam, mà tập trung tại vùng phía bắc vĩ tuyến 17 đến biên giới CHNDTH. Hồ Chí Minh và đảng LĐ muốn áp đặt một chính quyền độc tài theo chủ thuyết Mác-Lê trên lãnh thổ miền Bắc. Muốn thế, họ nhắm ngay đến thành phần rộng rãi chiếm đại đa số xã hội Việt Nam, đó là nông dân ở thôn quê. Nắm được nông thôn, kho lương thực của dân chúng, thì Cộng sản sẽ nắm được thành thị không mấy khó khăn.

Tình hình ruộng đất ở Bắc Việt thay đổi lớn lao sau hiệp định Genève, vì khỏang 1,000,000 người bỏ đất Bắc di cư vào Nam, để lại toàn bộ điền sản tại quê nhà. Sau khi tái tổ chức chính quyền, tạm ổn định tình hình, Hồ Chí Minh ký sắc luật về CCRĐ ngày 14-6-1955. Sắc luật nầy dựa căn bản trên hai sắc lệnh tháng 4 và tháng 12 năm 1953, theo đó nhà nước tịch thu toàn bộ tài sản (đất đai, nhà cửa, gia súc, nông cụ…) của những người "Thực dân", địa chủ gian ác, cường hào ác bá, "Việt gian" phản động; trưng thu không bồi thường và thu mua đất đai, nông cụ, gia súc thuộc các nhân vật "tiến bộ", các địa chủ đã tham gia kháng chiến, các địa chủ thuộc thành phần thương gia hay kỹ nghệ gia; truất hữu đất đai của các tổ chức tôn giáo như Công giáo, Phật giáo (chương 2). Những người được thụ hưởng chính sách Cải cách Ruộng đất theo thứ tự ưu tiên: nông dân không có đất, hay thiếu đất để tự mưu sinh, các thành phần nghèo khổ ở thôn quê làm thợ hoặc buôn bán nhỏ có thể xin đất trồng trọt để cải thiện đời sống, gia đình liệt sĩ, chiến sĩ Cộng sản, thương phế binh (chương 3). Việc quy định thành phần xã hội của một người sẽ do hội nghị đại biểu nông dân quyết định. Một toà án nhân dân sẽ xét xử các địa chủ phản động, gian ác, những người chống phá "cách mạng" hay chống phá CCRĐ; hoặc xét xử những vụ tranh chấp ruộng đất, những vấn đề liên quan đến Cải cách Ruộng đất, như việc quy định thành phần xã hội, phân chia tài sản… (chương 4) (4).

Chú thích
(1) Tô hay địa tô là tiền thuê đất mà tá điền (nông dân cày ruộng) trả cho chủ đất (điền chủ hay địa chủ). Tô có thể trả bằng tiền hay bằng hiện vật tức hoa màu mỗi mùa gặt được. Ngày xưa, chủ ruộng chịu giống, trâu cày, tá điền làm công. Khi thu hoạch, tá điền nộp tô là 50% hoa màu cho chủ ruộng, nông dân (tá điền) hưởng 50% hoa màu. Theo cách nầy, giảm tô thêm 25%, nghĩa là chủ ruộng chỉ còn 25% hoa màu thu hoạch, còn nông dân (tá điền) được 75%. Nếu giảm thêm 35%, nghĩa là chủ ruộng còn 15%, nông dân hưởng 85%.
(2) Những cuộc CCRĐ từ giai đoạn sơ khởi đến giai đoạn thứ tư, theo tài liệu của Bernard Fall, Le Viet-Minh, Max Leclerc et Compagnie, Paris, 1960, [Bản dịch có bổ sung của The Viet-Minh Regime [Chế độ Việt Minh] cũng do Bernard Fall viết, Viện Liên lạc Thái Bình Dương và Đại học Cornell, New York, 1956, tt. 265-291.
(3) Mặt trận Liên Việt (Liên hiệp Quốc dân Việt Nam) do Việt Minh Cộng sản thành lập ngày 27-5-1946, do Huỳnh Thúc Kháng làm chủ tịch, Tôn Đức Thắng, phó chủ tịch. Năm 1947, Huỳnh Thúc Kháng từ trần, Tôn Đức Thắng lên thay.
(4) Lâm Thanh Liêm, "Chính sách Cải cách Ruộng đất của Hồ Chí Minh: sai lầm hay tội ác?", đăng trong “Hồ Chí Minh, sự thật về thân thế và sự nghiệp”, một nhóm tác giả, Nxb. Nam Á, Paris, 1990, tt. 185-186.
Lên mạng 09-02-2006

2- PHƯƠNG PHÁP TIẾN HÀNH

Từ 1949 đến 1956, Việt Minh (VM) Cộng sản mở năm đợt Cải cách Ruộng đất (CCRĐ). Sau mỗi đợt, VM tổ chức hội nghị rút ưu khuyết điểm, để rồi tiến hành tiếp đợt khác. Trong hai đợt đầu (1949 và 1950), VM thực hiện cải CCRĐ nhẹ nhàng để phục vụ nhu cầu lương thực, nuôi quân trong hoàn cảnh chiến tranh.

Năm 1949, Mao Trạch Đông và đảng Cộng sản chiếm được lục địa Trung Hoa, thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHNDTH). Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thừa nhận chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của Hồ Chí Minh ngày 18-1-1950. Tiếp theo, Liên Xô thừa nhận ngày 30-1-1950. Tháng 2-1950, Hồ Chí Minh qua Bắc Kinh (Beijing) và Mạc Tư Khoa (Moscow) xin viện trợ. Khi gặp Hồ Chí Minh, Stalin ra lệnh cho Hồ Chí Minh phải thực hiện ngay hai việc: thứ nhất tái công khai đảng Cộng sản và thứ hai đẩy mạnh CCRĐ theo đường lối Cộng sản. Stalin chỉ đạo cho Hồ Chí Minh phải cử người sang CHNDTH học tập phương pháp CCRĐ triệt để, vì lúc đó mối liên lạc Xô-Trung còn bình thường và vì Việt Nam nằm sát biên giới CHNDTH.

Sau khi về nước, Hồ Chí Minh liền triệu tập Đại hội lần 2 đảng Cộng sản Đông Dương tại chiến khu rừng núi Tuyên Quang, tái công khai đảng Cộng sản dưới danh xưng mới là đảng Lao động (LĐ) ngày 19-2-1951, do Hồ Chí Minh làm chủ tịch, Trường Chinh làm tổng bí thư. Tưởng cũng nên nhắc lại rằng trong Đại hội nầy, Hồ Chí Minh đã phát biểu: “Về lý luận, đảng Lao động Việt Nam theo chủ nghĩa Mác-Lênin… lấy tư tưởng Mao Trạch Đông làm kim chỉ nam… Tôi không có tư tưởng ngoài chủ nghĩa Mác-Lênin”. (Nguyễn Văn Trấn, Viết cho mẹ và quốc hội, Nxb. Văn Nghệ, California, 1995, tr. 150,152.) Chẳng những thế, cũng trong Đại hội nầy, Hồ Chí Minh còn nhiều lần tuyên bố: “Ai có thể sai, chứ đồng chí Stalin và đồng chí Mao Trạch Đông thì không thể sai được”. (Nguyễn Minh Cần, Đảng Cộng sản Việt Nam qua những biến động trong phong trào Cộng sản quốc tế, 2001, tr. 63.)

Để tiến hành CCRĐ, sau Đại hội 2, VM cử người sang CHNDTH tham dự khóa học tập về chủ nghĩa Mác-Lênin tổ chức tại Bắc Kinh cho các đảng Cộng sản các nước Á Châu như Indonesia, Mã Lai, Thái Lan, Pakistan, Phi Luật Tân, Nhật Bản, chính là để học phương thức CCRĐ theo đường lối CHNDTH. Phái đoàn nầy trở về liền được đảng LĐ gởi tổ chức thí điểm CCRĐ, bắt đầu phát động "giảm tô, giảm tức" (1) ở vài tỉnh Việt Bắc và ở Thanh Hóa.

Nguyễn Văn Trấn, một đảng viên Cộng sản cao cấp miền Nam tập kết ra Bắc, đã có mặt trong phái đoàn Việt Nam sang Bắc Kinh học tập CCRĐ. Về nước, ông Trấn tham gia công tác tại thí điểm Thanh Hóa, và nhận xét rằng cuộc phát động CCRĐ tại Thanh Hóa xem ra không thành công. (Nguyễn Văn Trấn, sđd. tr. 164). Sau lần thử nghiệm ở các thí điểm trên, VM rút kinh nghiệm và chuẩn bị kỹ lưỡng bài bản thực hiện cuộc CCRĐ một cách chu đáo triệt để.

Trong khi đó, từ năm 1949, ban lãnh đạo VM đã đưa ra phong trào "Rèn cán chỉnh quân" trong quân đội, và "Rèn cán chỉnh cơ" về phía dân sự. “Rèn cán chỉnh quân” là rèn luyện cán bộ, chỉnh đốn quân đội. “Rèn cán chỉnh cơ” là rèn luyện cán bộ, chỉnh đốn cơ quan. Phong trào nầy không đạt được những mục tiêu do VM đề ra. Việt Minh liền theo đường lối cứng rắn quyết liệt của CHNDTH, tổ chức phong trào "Chỉnh huấn" năm 1950.

CHỈNH HUẤN: Theo nghĩa tầm nguyên, “chỉnh” là sửa đổi, sắp xếp; “huấn” là dạy dỗ. Chỉnh huấn có nghĩa là dạy dỗ, huấn luyện và sửa đổi (con người) cho đúng hơn, tốt hơn theo đường lối Cộng sản. Phong trào "chỉnh huấn" của VMCS nhắm mục đích thanh lọc đảng viên, củng cố tư tưởng chuyên chính vô sản, và hỗ trợ cho cuộc CCRĐ. Lúc đó VM nhận định: "Phần lớn [cán bộ, đảng viên lúc đó] là tiểu tư sản trí thức, công chức cũ, có người xuất thân giai cấp bóc lột, và không loại trừ người "hai mặt chui vào đảng". Nói chung, anh em ta trót đã thụ hưởng giáo dục của đế quốc tư bản thì sự tham gia cách mạng không khỏi có phức tạp. Huống chi nay lại còn có Cải cách Ruộng đất để bồi dưỡng cho nông dân để đảm bảo cho cuộc kháng chiến thắng lợi, thì biết đâu tư tưởng của họ không biến đổi phức tạp hơn nữa. Vậy nên Trung ương cho mở cuộc vận động chỉnh huấn nầy để tiếp tục giáo dục, để cải tạo họ một cách triệt để, cho họ phân rõ địch ta trong tư tưởng, cho họ… tự mình cắt đứt mối liên hệ với thành phần xuất thân, dứt khoát từ bỏ các thứ tư tưởng cầu an hưởng lạc, tự tư tự lợi…". (Nguyễn Văn Trấn, sđd. tt. 171-172).

Nói theo ngôn ngữ của Cộng sản, chỉnh huấn là tự phê, tự kiểm. Như vậy chỉnh huấn có nghĩa là tự suy nghĩ và nhận xét về những tư tưởng, hành động cũ của mình trong đời sống đã qua, mà không thích hợp với đường lối Cộng sản. Những tư tưởng và hành động nầy bị xem là sai lầm, tội lỗi, được từng cá nhân tự giác ngộ, tự khai trình, và tự đề ra những biện pháp sửa chữa. Nói cách khác, chỉnh huấn là đoạn tuyệt với quá khứ và tự nguyện sống theo nguyên tắc Cộng sản, hay cũng theo ngôn ngữ Cộng sản, là lột xác để trở thành con người Cộng sản. Những văn nhân, thi sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ như Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Thế Lữ, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Xuân Khoát… đã tự phỉ báng mình, và nguyện theo Cộng sản suốt đời. Sau đây là tâm tư của Xuân Diệu đáp lại lá thư của ông Hồ trong cuộc học tập chỉnh huấn:
"Chúng con thề nguyện một lời,
Quyết tâm thành khẩn… lột người từ đây…"
(Hoàng Văn Chí, Trăm hoa đua nở trên đất Bắc, SG 1959, tr. 22.)

Phong trào chỉnh huấn đã gây nhiều điêu đứng cho giới trí thức, văn nghệ sĩ. Một trong những điêu đứng rất mỉa mai, như lời ông Nguyễn Văn Trấn viết, đó là: "Họ nói khổ sở không phải là nói ra lỗi lầm, mà khổ sở là phải bịa ra lỗi lầm để bản kiểm thảo được coi là thành khẩn". (Nguyễn Văn Trấn, sđd. tr. 173.)

THÀNH PHẦN NÔNG THÔN: Đối với các thành phần nông nghiệp, VM ra sắc lệnh vào tháng 3-1953 ấn định các thành phần xã hội ở nông thôn như sau (Bernard Fall, sđd. tr. 283):

Địa chủ: là những người có nhiều ruộng đất mà không trực tiếp canh tác. Địa chủ được chia thành ba hạng: địa chủ thường (có khoảng dưới 5 mẫu ta, đủ ăn, không phạm tội ác ôn dưới thời Pháp thuộc), địa chủ cường hào ác bá (những người hiếp đáp, ngược đãi bần nông và bần cố nông), địa chủ phản động (quan lại phong kiến, Việt Quốc, Đại Việt, hay thân Pháp).
Phú nông: có khoảng 3 mẫu ta đất, có một con trâu, tự đứng ra canh tác và thuê nông dân trong việc canh tác.

Trung nông: có dưới 3 mẫu ta, trực canh, đủ sống. Trung nông chia thành 2 loại: trung nông cấp cao (có dưới 3 mẫu ta, có một con trâu hay bò), và trung nông cấp thấp (có dưới 1 mẫu ta ruộng).

Bần nông: có ít sào đất, không đủ sống, phải đi làm thuê cho địa chủ hay thuê đất của địa chủ rồi trả địa tô.

Bần cố nông: hoàn toàn không có đất, không có gia súc, không có nông cụ, làm thuê đủ thứ nghề để sống. (Lâm Thanh Liêm, bđd. sđd. tt. 187-188).

Đường lối đấu tranh CC là: dựa vào bần cố nông, lôi kéo (tranh thủ) trung nông, cô lập phú nông, và tập trung mũi nhọn vào địa chủ.

VẬN ĐỘNG QUẦN CHÚNG: Để lôi cuốn nông dân hưởng ứng cuộc CCRĐ, ban cải cách phải theo đúng ba giai đoạn đề ra do sắc lệnh ngày 12-4-1953 như sau:

Thứ nhất: khích động tâm lý quần chúng chống lại các địa chủ bằng cách đưa cán bộ về thực hiện "tam cùng" hay "tam đồng" với bần nông, để "thăm nghèo hỏi khổ" và sau đó "bắt rễ, xâu chuỗi".

Theo VM, cán bộ cần phải tam cùng tức "cùng ăn, cùng ở, cùng làm" với dân chúng, để "thăm nghèo hỏi khổ", mới khám phá được rõ ràng những gia đình nghèo khổ, bần cố nông. Cũng theo VM, bần nông nghèo khổ nợ nần và sợ sệt các địa chủ, không dám nói lên sự thật, nên cán bộ phải "tam cùng" để họ thổ lộ tâm can, mới có thể "bắt rễ xâu chuỗi", tạo ra liên minh đấu tranh cải cách. "Bắt rễ" có nghĩa là tìm ra những bần cố nông có tinh thần đấu tranh, thường thường là những tên đầu trộm đuôi cướp hung hãn. Sau khi tìm ra "rễ", thì khuyến khích "rễ" tìm thêm đồng bọn, gọi là "xâu chuỗi". Một khi đã "bắt rễ xâu chuỗi", cán bộ sẽ cho bần nông biết là họ được nhà cầm quyền VM hỗ trợ để chống lại địa chủ.

Thứ hai: Sau khi len lỏi "bắt rễ xâu chuỗi", và nhờ thông tin của rễ chuỗi nầy, nắm vững tình hình các gia đình trong địa bàn hoạt động, cán bộ bắt đầu đánh giá và xác định lại các thành phần xã hội đã được Ủy ban hành chánh địa phương sắp xếp theo Sắc lệnh tháng 3-1953 nêu trên. Từ đó, đội công tác mới quyết định các đối tượng sẽ bị đấu tố. Đây là cơ hội giải quyết những ân oán đã có từ trước ở trong làng, ví dụ rút địa chủ xuống hàng phú nông cho nhẹ tội, hay ngược lại đưa phú nông lên hàng địa chủ cho nặng tội.

Thứ ba: Thiết lập tòa án nhân dân để xét xử những kẻ có tội với nhân dân. Để việc xét xử đạt kết quả đúng yêu cầu của đảng LĐ, các bần nông được tổ chức chặt chẽ và sửa soạn kỹ càng để họ chủ động đấu tố.

Trong năm 1953, mọi việc đã chuẩn bị đầy đủ để tiến hành CCRĐ, nhưng vào đầu năm 1954, chiến tranh đến hồi khốc liệt và sắp kết thúc, chính phủ VM bận giải quyết chiến trường, vận động ngoại giao, rồi ký kết Hiệp định Genève nên cuộc CCRĐ tạm đình hoãn vì sợ tiếng vang lan truyền khắp nơi, khiến dân chúng lo sợ bỏ di cư vào Nam. Việt Minh chỉ đình hoãn chứ không bãi bỏ.

Sau Hiệp định Genève ngày 20-7-1954, đảng LĐ cai trị phía bắc vĩ tuyến 17 (bắc sông Bến Hải, Quảng Trị). Ổn định xong tình hình, đảng LĐ mở lại cuộc CCRĐ giai đoạn 5. Lần nầy việc tổ chức có quy củ rõ ràng, do Ủy ban CCRĐ đứng đầu.

UỶ BAN CẢI CÁCH RĐ: gồm hai cấp trung ương và địa phương.
Cấp trung ương: do tổng bí thư đảng LĐ là Trường Chinh Đặng Xuân Khu làm chủ tịch, có ba người phụ tá là Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương (đều là ủy viên Bộ chính trị) và Hồ Viết Thắng (ủy viên Trung ương đảng). Hồ Viết Thắng giữ chức giám đốc, trực tiếp điều hành cuộc Cải cách theo mệnh lệnh của Trường Chinh. Hồ Viết Thắng đã từng đi học CHNDTH, được Trường Chinh giao nhiệm vụ mở "Trung tâm đào tạo cán bộ Cải cách Ruộng đất" tại chiến khu Cao Bắc Lạng.

Cấp tỉnh: Hồ Viết Thắng bổ nhiệm những người đã được đào tạo về các tỉnh tổ chức các đoàn CCRĐ. Trung bình mỗi tỉnh có 10 đoàn, mỗi đoàn có khoảng 100 cán bộ do một đoàn trưởng đứng đầu, quyền hạn tương đương với một bí thư đảng cấp tỉnh, nhận lệnh trực tiếp từ Ban cải cách trung ương, không qua trung gian hệ thống đảng hay chính quyền địa phương. Mỗi đoàn gồm nhiều đội, mỗi đội có khoảng 6 hay 7 cán bộ. Đội trưởng được chọn trong số bần nông hay bần cố nông, nhất là những người đã từng có kinh nghiệm tham gia các CCRĐ trước đây. Các đội có quyền hạn tuyệt đối, nhận lệnh thẳng từ Ủy ban CCRĐ, đúng như câu tục ngữ lúc đó "nhất đội nhì trời", được quân đội bảo vệ để thi hành công tác, và được nhà cầm quyền địa phương cung cấp đầy đủ tài liệu theo chính sách của đảng và nhà nước. (Lâm Thanh Liêm, sđd., bđd. tt. 184-185).

Nguyên tắc hành động căn bản của các Ủy ban CCRĐ là câu khẩu hiệu: "Thà chết mười người oan còn hơn để sót một địch" (2). Chính câu khẩu hiệu nầy đã đưa đến việc giết hại tràn lan biết bao nhiêu lương dân vô tội.

Đoàn và đội công tác phóng tay phát động quần chúng đấu tranh CCRĐ hoạt động giống như thần chết: Bí mật đến một địa phương nào đó, bí mật hành động... và gieo rắc tai ương khủng khiếp cho địa phương. Không những chỉ địa chủ, phú nông sợ hãi mà toàn thể dân chúng và cả các cấp chính quyền cũng như quân đội địa phương đều sợ hãi, vì bất cứ ai cũng có thể bị dính tên vào sổ đấu tố mà không ai có thể đoán lường trước hậu quả.

TÒA ÁN NHÂN DÂN: Sắc lệnh năm 1953 cũng như Sắc lệnh năm 1955 đều thiết lập tòa án nhân dân để xét xử những tội phạm trong CCRĐ. Tòa án nầy được tổ chức ở những vùng có cải cách, chánh án là một đội viên trong đội cải cách, biện lý (công tố) là một nông dân hay bần nông đã từng làm việc (gia nhân, tá điền…) trong nhà của bị cáo, biết rõ lý lịch khổ chủ. Các quan tòa nầy chỉ là những kẻ dốt nát, lâu nay thấp kém, bỗng chốc được cất nhắc lên địa vị quan trọng, nên hạch sách trả thù, moi ra hay bịa đặt mọi thứ gọi là thói hư tật xấu của khổ chủ, đặc biệt là tội dâm ô, để đấu tố. Đặc biệt trong tòa án nhân dân không có người đóng vai trò luật sư biện hộ, và cũng chẳng ai dám biện hộ cho bị cáo cả. Quân đội bảo vệ tòa án và những người tham dự đều là những người do Cộng sản sắp đặt trước, hò hét khuyến khích người đóng vai "công tố", bằng cách chửi rủa hoặc tố cáo thêm những “tội ác” của nạn nhân để làm bằng chứng.

Cuộc đấu tố bắt đầu bằng đấu lý, rồi đấu lực, đến đấu pháp, có khi còn cả đấu ảnh nữa. Đấu lý là đưa ra những bằng chứng hoặc có thực, hoặc bịa đặt để tố cáo nạn nhân. Đấu lực là dùng sức mạnh để trấn áp (Cộng sản mạo xưng là sức mạnh quần chúng), với cực hình tra khảo, đánh đập nạn nhân và bắt buộc nạn nhân phải nhận tất cả tội lỗi đã được đưa ra, dầu nạn nhân không phạm phải. Cuối cùng là đấu pháp tức đưa nạn nhân ra trước "pháp luật", tức tòa án nhân dân. Việc xét xử không dựa trên luật pháp của nhà nước, mà dựa trên những ý kiến và đòi hỏi đưa ra tại chỗ của "quần chúng", tức là những người tổ chức và hiện diện tại "phiên tòa", nghĩa là chẳng có luật pháp gì cả, mà chỉ theo quyết định của đội cải cách.

Những người chứng kiến các cảnh đấu tố hiện còn sống kể lại nhiều cảnh tra tấn nạn nhân mà trong hoàn cảnh bình thường ngày nay không ai có thể tưởng tượng nổi: từ bỏ đói, bỏ khát, sỉ nhục, mắng chửi, hành hạ, thậm chí đào một cái hố bắt nạn nhân nằm xuống, rồi tiểu đại tiện lên người nạn nhân, giựt tóc, đánh đập, đến dìm nước (rồi kéo lên cho tỉnh lại), dùng tre nhọn đâm xuyên thủng tay chân, thân thể...

Sau khi nạn nhân chịu khuất phục, đội cải cách cho tập dượt trước việc xét xử. Họ bắt buộc "chánh án, biện lý" và nạn nhân học thuộc tất cả những lời đối đáp qua lại, cho đến khi cả ba thành phần nầy (chánh án, biện lý và nạn nhân) nhuần nhuyễn, thuộc lòng mọi việc, mới chính thức mở phiên tòa xét xử công khai trước quần chúng.

Phiên tòa được tổ chức tại một địa điểm công cộng trong làng. Mọi người trong làng đều phải tham dự, kể cả gia đình nạn nhân. Nạn nhân bị trói thúc ké, tay quặt ra đàng sau lưng, quỳ trước mặt bàn quan tòa, đầu cúi xuống. Sau khi tòa lấy khẩu cung xong, dân chúng và nhân chứng đứng ra tố cáo "tội ác" của nạn nhân. Họ xỉ vả chửi rủa, nhổ nước bọt, hành hạ đánh đập nạn nhân. Đôi khi ngay những người trong gia đình nạn nhân, cũng bị buộc phụ họa với tòa án, tố cáo nạn nhân.

Cuối cùng viên "biện lý" dựa vào “bằng chứng” nhân dân vừa tố cáo, đứng ra buộc tội nạn nhân và đề nghị một bản án thích đáng. Thật ra, bản án nầy đã được đội CCRĐ quyết định trước rồi. Để có vẻ dân chủ, viên chánh án còn đưa bản án ra “hỏi ý kiến” nhân dân. Những nhân viên ban cải cách, các chức quyền làng xã, các quân sĩ bảo vệ phiên tòa có mặt tại hiện trường, liền tỏ ý hưởng ứng bằng cách vỗ tay, la hét, đưa vũ khí lên để ủng hộ. Dân chúng chẳng đặng đừng phải làm theo.

Bản án của tòa án nhân dân có tính cách chung thẩm. Nạn nhân không được kháng án, không được khiếu tố khiếu nại với ai cả. Nạn nhân không có cách gì để tự biện hộ, và chỉ cúi đầu chấp nhận kết quả bản án. Vì đã được thao dượt trước, nhiều nạn nhân biết trước kết quả bản án, nên có người đã tự tử trước khi tòa án thực sự tiến hành, để tránh kéo dài sự nhục nhã và đau đớn. Nhiều nạn nhân tự tử hoặc không chịu nổi những đòn tra tấn mà chết, nhưng gia đình không được đem đi chôn, để phơi nắng, phơi mưa giữa các cánh đồng. Gia đình nạn nhân đau lòng quá, hoặc phải hối lộ đội cải cách để được đem xác thân nhân đi chôn, hoặc ban đêm kiếm cách đánh cắp đem chôn một cách bí mật.

Nạn nhân tuy đã tự tử (chết) vẫn tiếp tục bị đấu tố, gọi là "đấu ảnh". “Đấu ảnh” là đặt tấm ảnh của nạn nhân trên một bục đất, nếu không có ảnh thì đặt một di vật của nạn nhân như mũ, áo..., nơi chỗ nạn nhân bị trói, và người ta đứng ra tố cáo, xỉ vả nạn nhân như là người nầy vẫn còn sống.

Câu chuyện do ông Lê Nhân, một cựu cán bộ đảng viên, kể lại trong lá thư ông gởi cho ông Phan Văn Khải, thủ tướng nhà cầm quyền Hà Nội, viết từ Hà Nội ngày 5-12-2005, có thể xem là một trường hợp đấu ảnh điển hình.

Bạn của Lê Nhân là anh Phan Thiệu Cơ, cháu đích tôn của cụ Phan Bội Châu kể rằng ông nội của anh là cụ Phan bị quy lên thành phần địa chủ, quan lại phong kiến nên nhà cửa của Phan Bội Châu ở Nam Đàn Nghệ An và sách vở di cảo của cụ bị đảng Cộng sản phần thì tịch thu, phần thì đốt sạch. Cụ Phan một anh hùng dân tộc vĩ đại nhất thế kỷ XX chết rồi vẫn bị đội Cải cách Ruộng đất sai làm hình nộm giống y người thật đem ra giữa chợ đấu tố, lấy cứt trát vào mặt hình nộm cụ Phan”. (trích Đàn Chim Việt ngày 5-12-2005).

Phan Bội Châu (1867-1940) là một nhân vật lịch sử vĩ đại tầm cỡ quốc gia và quốc tế, gốc người Nghệ An. Cụ là niềm hãnh diện của toàn thể dân chúng tỉnh Nghệ An, trong đó có cả những đảng viên cao cấp trong đảng LĐ. Phan Bội Châu lại cùng quê với Hồ Chí Minh. Khi Hồ Chí Minh qua Trung Hoa hoạt động năm 1924, Phan Bội Châu cũng hoạt động tại đây.

Bề ngoài Hồ Chí Minh kính cẩn gọi cụ Phan bằng bác, để rồi sau đó chính Hồ Chí Minh (lúc đó có tên là Lý Thụy) đã hợp tác cùng Lâm Đức Thụ bán tin cho Pháp bắt Phan Bội Châu ngày 1-7-1925 khi cụ Phan vừa từ Hàng Châu đến Thượng Hải (Trung Hoa)(3). Pháp bí mật đưa cụ Phan về Hà Nội để đưa ra tòa án, rồi quyết định an trí cụ Phan ở Huế cho đến khi cụ từ trần ngày 29-10-1940.

Phan Bội Châu từ trần trước cuộc CCRĐ 15 năm, mà vẫn bị đem ra đấu tố. Việc đấu tố một nhân vật tầm cỡ như Phan Bội Châu, một người được dân chúng Nghệ An kính mến và trân trọng, không thể là một hành động tự phát tại chỗ của đội CCRĐ địa phương, mà phải có mật lệnh từ cấp trên, mà cấp trên nầy phải là một người lãnh đạo cao cấp. Người lãnh đạo cao cấp nầy không thể ai khác hơn là Hồ Chí Minh, nên đội CCRĐ Nghệ An mới dám chà đạp lên Phan Bội Châu, thần tượng của quê hương Nghệ An. Như thế, chính Hồ Chí Minh đã hai lần ném đá giấu tay triệt hạ nhà yêu nước vĩ đại Phan Bội Châu.

Trở lại với chuyện CCRĐ. Sau đây là hoạt cảnh đấu tố qua một bài “thơ” của Xuân Diệu. Trước năm 1945, Xuân Diệu là một nhà thơ lãng mạn nổi tiếng. Sau năm 1945 Xuân Diệu cũng rất nổi tiếng vì ông là một bồi bút Cộng sản:
"Anh em ơi! quyết chung lưng
Đấu tranh tiêu diệt tàn hung kẻ thù,
Địa hào, đối lập ra tro,
Lưng chừng phản động đến giờ tan xương.
Thắp đuốc cho sáng khắp đường,
Thắp đuốc cho sáng đình làng đêm nay.
Lôi cổ bọn nó ra đây,
Bắt quỳ gục xuống, đọa đày chết thôi…"

Tóm lại, trong cuộc CCRĐ, Cộng sản đã không từ nan bất cứ một phương pháp nào để hạ nhục và hạ gục đối tượng bị đem ra đấu tố, đồng thời để làm cho dân chúng nông thôn khiếp hãi mà phải phục tòng theo mệnh lệnh của Cộng sản một cách tuyệt đối. Từ đó Cộng sản mới thực hiện những âm mưu đen tối của họ, mà gần nhất là dễ dàng áp đặt nông dân vào tổ chức hợp tác xã nông nghiệp, để bóc lột nông dân một cách khoa học và tàn bạo hơn bao giờ cả.

Chú thích
(1) "Giảm tô, giảm tức": Tô: tiền thuê đất mà tá điền (nông dân cày ruộng) trả cho chủ đất (điền chủ hay địa chủ). Tức: lãi trên số tiền hay trên số lúa tá điền vay của chủ điền. Số lãi nầy nặng hay nhẹ tùy theo sự thỏa thuận giữa người cho vay và người xin vay, thường thường là rất nặng, lại lũy tiến, nên có lúc tiền lãi cao hơn tiền vay.
(2) Hoàng Văn Chí, sđd. tt. 293-315, trích đăng lại bài "Qua những sai lầm trong Cải cách Ruộng đất, xây dựng quan điểm lãnh đạo" của luật sư Nguyễn Mạnh Tường, tt. 293-315. Trong bài nầy, luật sư Tường nhắc lại câu khẩu hiệu trên đây của Ủy ban CCRĐ.
(3) Tưởng Vĩnh Kính, Nhất cá Việt Nam dân tộc chủ nghĩa đích ngụy trang giả [chữ Trung Hoa], Đài Bắc: Nxb. Truyện Ký Văn Học, 1972; bản dịch của Thượng Huyền, Hồ Chí Minh tại Trung Quốc, California: Nxb. Văn Nghệ, 1999, tt. 84-85.
Lên mạng 15-02-2006

3- HẬU QUẢ CUỘC CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT

Hậu quả gần
Cộng sản độc quyền đất đai: Theo nguồn tin từ phía Liên Xô, cuộc Cải cách Ruộng đất (CCRĐ) đã tịch thu 702,000 mẫu tây ruộng đất, 1,846,000 nông cụ, 107,000 trâu bò, 22,000 tấn thực phẩm. Tất cả những thứ đó đã được chia lại cho 1,500,000 gia đình nông dân và bần nông. Như thế mỗi gia đình nhận được 0,46 mẫu tây, một nông cụ, và những gia đình 13 người mới nhận được một con trâu hay bò. Theo tác giả Bernard Fall, một gia đình nông dân bốn người cần có ít nhất 1,5 mẫu tây để bảo đảm đời sống, đó là chưa kể đến thuế nông nghiệp phải đóng hằng năm. (Bernard Fall, sđd. tt. 271, 282).

Sự phân chia đất đai theo đơn vị gia đình, dựa trên số thành viên thực sự lao động và không dựa trên giới tính. Ví dụ một gia đình 5 người, hai vợ chồng và 3 người con mà chỉ có 2 vợ chồng và người con lớn nhất (dầu trai hay gái) thực sự làm nông thì được chia 3 phần. Đây là lần đầu tiên người phụ nữ được chia đất. Cách thức chia đất không phân biệt giới tính đã được người Cộng sản Trung Hoa thực hiện trong các cuộc CCRĐ tại những vùng do họ chiếm đóng từ trước năm 1949. Việc nầy nhắm phá bỏ phá bỏ quan niệm trọng nam cổ truyền và tục lệ chỉ chia ruộng đất trong làng cho các đinh (nam) dưới chế độ quân chủ trước đây.

Thuế nông nghiệp tính trung bình 17 ký lúa trên một đầu người trong gia đình. Thuế đóng bằng lúa phơi khô, quạt sạch rồi gánh đến nạp kho cơ quan thu thuế. Một điều làm cho nông dân khổ sở nữa là cách cân của các cán bộ Cộng sản luôn luôn vượt quá mức quy định. Thuế nầy lại lũy tiến hằng năm, nên mỗi năm mỗi cao. Thuế nông nghiệp có thể đóng bằng tiền, và giá lúa quy định lại cao hơn giá thị trường. Nhiều nông dân không chịu nổi thuế nông nghiệp, đem trả lại đất được phân phối nhưng không ai dám nhận; nông dân phải tiếp tục giữ đất để canh tác. Thiếu hỗ trợ về vốn, lúa giống, dụng cụ canh tác, trâu bò..., mức sản xuất xuống thấp hơn so với trước kia.

Tuy chia đất cho nông dân, nhưng sau cuộc CCRĐ, CSVN tổ chức những hợp tác xã nông nghiệp, và ép nông dân phải gia nhập hợp tác xã nông nghiệp. Quá khiếp sợ trước cảnh tra tấn trong CCRĐ, không một nông dân nào dám phản đối. Thế là tất cả nông dân phía bắc vĩ tuyến 17 đều phải gia nhập hợp tác xã nông nghiệp. Khi vào hợp tác xã, ruộng đất riêng tư của nông dân đều phải nạp cho hợp tác xã, và trở thành ruộng đất tập thể của hợp tác xã. Thế là chẳng những số đất đã được chia, mà cả đất đai do cha ông để lại, cũng đều bị lọt vào tay hợp tác xã, tức vào tay nhà cầm quyền Cộng sản. Toàn thể nông dân nay trở thành vô sản, và nhà cầm quyền CS trở thành chủ nhân ông độc quyền của tất cả ruộng đồng nông thôn. Thật là một tiến trình cướp đất rất hoàn hảo, mà không một nông dân nào dám lên tiếng tố cáo.

Số lượng người bị giết: Những địa chủ “Việt gian” hay địa chủ “cường hào ác bá” đều bị tử hình. Trong trường hợp họ đã qua đời trước đó lâu ngày, vợ con họ bị đem ra xét xử và kết quả không khác. Những địa chủ Việt Nam Quốc Dân đảng (Việt Quốc) hay Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội (Việt Cách), dầu đã theo VM tham gia kháng chiến cũng bị tử hình. Những địa chủ các đảng bù nhìn của chế độ Hà Nội như đảng Dân chủ, đảng Xã hội cũng chịu y số phận. Một trường hợp cụ thể được dân Nghệ An nhắc đến là ông Vương Quan, trước làm ở tòa soạn báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng, sau năm 1945 là chủ tịch huyện Nam Đàn, rồi đứng ra làm chủ tịch đảng Dân chủ tỉnh Nghệ An, cũng bị tử hình trong đợt CCRĐ cuối cùng sau năm 1954. Những địa chủ khác, kể cả địa chủ đảng viên đảng LĐ, cũng bị kết án từ 5 đến 20 năm khổ sai.

Một khi bị tử hình, bản án tử hình được thi hành ngay tại chỗ bằng nhiều cách: bị bắn, bị trấn nước chết, bị phơi nắng (không được ăn uống), hoặc bị đánh đập cho đến chết. Nhiều khi nạn nhân qua đời, thân nhân không được cho phép chôn cất, xác bị để phơi nắng mưa. Gia đình quá đau lòng, phải hối lộ các chức việc, rồi ban đêm đến ăn cắp xác đem đi chôn.

“Một xã có từng nầy bần cố nông thì theo kinh nghiệm Trung Quốc, nhất định phải có bằng nầy địa chủ.” Ông Nguyễn Văn Trấn, một đảng viên miền Nam đã tham dự khóa học về CCRĐ ở Trung Cộng, cho biết cố vấn Trung Cộng đã dạy như thế (Nguyễn Văn Trấn, sđd. tr. 167). Mỗi tỉnh phải đạt chỉ tiêu truất hữu ruộng đất của các địa chủ là 5% dân số. Thực tế cho thấy thành phần địa chủ đúng theo quy định của luật CCRĐ lúc đó ở miền Bắc ít hơn số 5%. Lý do chính là đồng bằng miền Bắc hẹp, lại đã được khai thác trong thời gian quá lâu. Tài sản đất đai cha ông để lại chia cho con cái thừa kế trong gia đình qua nhiều đời, mỗi đời lại phân chia nhỏ thành nhiều mảnh, nên giới địa chủ trên 3 mẫu (ta) rất ít oi. Số địa chủ, theo quy định của luật CCRĐ do đảng LĐ đưa ra, không đạt chỉ tiêu 5%. Ban cải cách liền đôn hạng địa chủ, nghĩa là có nhiều nơi những phú nông hay trung nông theo quy định cũ, nay được đôn lên thành địa chủ, và cũng bị đấu tố như các địa chủ khác, cho đủ chỉ tiêu cấp trên quy định.

Dựa vào tài liệu các nước ngoài, giáo sư Lâm Thanh Liêm, đã từng giảng dạy tại Đai học Văn khoa Sài Gòn và Huế trước năm 1975, cho rằng số người bị giết trong cuộc CCRĐ năm 1955-1956 ở Bắc Việt có thể lên đến từ 120,000 đến 200,000 người. (Lâm Thanh Liêm, bđd., sđd. tt. 203-204).
Theo sách Lịch sử Kinh tế Việt Nam 1945-2000 tập 2, viết về giai đoạn 1955-1975, xuất bản tại Hà Nội năm 2004, tức là một tài liệu mới của nhà cầm quyền Hà Nội, cho biết cuộc CCRĐ đợt 5 (1955-1956) được thực hiện ở 3,563 xã, có khoảng 10 triệu dân, và tổng số người bị sát hại trong CCRĐ đợt nầy lên đến 172,008 người, trong đó có 123,266 người (71,66%) sau nầy được xác nhận đã bị giết oan.

Trong số 172,008 nạn nhân, thống kê cho biết cụ thể như sau:
Thành phần Số bị giết Bị oan Tỷ lệ
Địa chủ cường hào: 26.453 20.493 77%
Địa chủ thường: 82.777 51.480 62%
Địa chủ kháng chiến: 586 290 49%
Phú nông: 62.192 51.003 82%
Tổng cộng: 172.008 123.266 72%

Những tác giả bộ Lịch sử Kinh tế Việt Nam 1945-2000 tập 2 dựa trên số thống kê do tài liệu của nhà cầm quyền Cộng sản lưu trữ, nếu không đúng thì cũng thấp hơn số người thật sự bị giết, chứ không thể cao hơn, vì thông thường, CSVN hạ bớt những số liệu bất lợi cho họ. Nói cách khác, số người bị giết tối thiểu là 172,008 người, còn số thật sự bị giết không thể biết được, ngoài con số dự đoán tối đa của giáo sư Lâm Thanh Liêm là 200,000 người.

Phản ứng của dân chúng: Cuộc CCRĐ đã “phạm phải những sai lầm nghiêm trọng là đánh tràn lan vào trung nông, phú nông và những người có một ít ruộng đất cho thuê, đánh tràn lan vào cả cơ sở đảng.” (Hoàng Văn Hoan, Giọt nước trong biển cả, viết xong tại Bắc Kinh năm 1986, Oregon: 1991, tr. 361.) Hành động tàn ác trong cuộc CCRĐ khiến dân chúng chẳng những bất mãn mà còn kinh khiếp. Ngoài 172,008 người bị giết, một số lượng người lớn hơn nữa bị tù đày, bị gởi vào các trại cải tạo, bị sỉ nhục cả gia đình; con cái bị người ngoài xa lánh. Số lượng người nầy không được thống kê đầy đủ.

Chỉ riêng với số 172,008 người bị giết, nếu tính trung bình một gia đình Việt Nam gồm có 5 người (vợ chồng và 3 con), thì số người bị liên lụy trong cuộc CCRĐ có thể lên đến 172,008 x 5 = 860,040 trong tổng số khoảng 10 triệu dân ở các làng xã đã thực hiện CCRĐ đợt thứ 5.

Lúc đầu, dân chúng chưa dám tỏ thái độ, nhưng số người bất mãn càng ngày càng đông, nên vào mùa hè năm 1956, nhiều nơi dân chúng nổi dậy phản đối. Tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, tỉnh sinh quán của Hồ Chí Minh, dân chúng đã nổi lên khá mạnh mẽ vào đầu tháng 11-1956. Nhà cầm quyền Cộng sản kiếm cách che đậy tin tức nầy, nhưng không thể “lấy thúng úp đầu voi”, nên sau đó, đài phát thanh Hà Nội đành lên tiếng ngày 13-11-1956 thừa nhận đã xảy ra dân biến (Đoàn Thêm, Hai mươi năm qua 1945-1964, tr. 208). Hồ Chí Minh gởi sư đoàn 325 đến Nghệ An đàn áp những nông dân không súng ống, chỉ có gậy gộc, cuốc xẻng và tấm lòng uất ức vì bất công tàn bạo của chế độ, trong thời gian từ ngày 10 đến 20-11-1956. Trong cuộc đàn áp nầy, quân đội ông Hồ đã giết khoảng 1,000 người, bắt bớ và lưu đày hàng ngàn người khác (Bernard Fall, sđd. tr. 289).
Sửa sai của nhà cầm quyền: Trong hội nghị “Tổng kết thành tích Cải cách nông nghiệp đợt 5”, Hồ Chí Minh đã gởi văn thư đề ngày 1-7-1956 cho đoàn cán bộ CCRĐ, trong đó có đoạn viết:

“Bác thay mặt Đảng và chính phủ gởi lời an ủi gia đình những cán bộ đã hy sinh vì nhiệm vụ, đợt 5 Cải cách Ruộng đất rất gay go, phức tạp. Song nhờ chính sách đúng đắn của Đảng và chính phủ, nhờ nông dân hăng hái đấu tranh nên chính sách Cải cách Ruộng đất đã thu được thắng lợi to lớn…

“Giai cấp địa chủ đã bị đánh đổ, các tổ chức ở xã đã được trong sạch hơn v.v… và bản thân cán bộ được thử thách, rèn luyện…

“Nhưng đợt 5 Cải cách Ruộng đất phạm sai lầm cũng không ít, nó đã hạn chế một phần thành tích của chúng ta. Trung ương đã tự phê. Các cô, các chú cần kiểm điểm kỹ công tác của mình, đánh giá đúng thành tích và khuyết điểm. Phải thành khẩn phê bình và thật thà tự phê, để tiến bộ mãi…”. (Lâm Thanh Liêm, bđd. sđd. tt. 196-197).

Hồ Chí Minh trở lại vấn đề nầy một lần nữa trong thư ngỏ trước toàn dân đề ngày 18-8-1956: “Trung ương Đảng và chính phủ đã nghiêm khắc kiểm điểm những sai lầm khuyết điểm…, và đã có kế hoạch kiên quyết sửa chữa, nhằm đoàn kết nhân dân, ổn định nông thôn, đẩy mạnh sản xuất”. (Chính Đạo, Việt Nam niên biểu 1939-1975, tập I-C: 1955-1963, Houston: Văn Hóa, 2000, tr. 102.)

Trong tháng 9-1956, hội nghị Trung ương đảng LĐ lần thứ 10 thảo luận vấn đề CCRĐ, và quyết định những biện pháp sửa sai. Những biện pháp nầy đã được Võ Nguyên Giáp, ủy viên Bộ chính trị Trung ương đảng, tuyên đọc trên đài phát thanh Hà Nội ngày 29-10-1956. (Chính Đạo, I-C, sđd. tr. 105). Sở dĩ Cộng sản chọn Võ Nguyên Giáp vì lúc đó ông được xem là người hùng Điện Biên Phủ; ông làm bộ trưởng quốc phòng, đứng đầu quân đội, và quân đội có thể nói là ít dính dáng đến CCRĐ.

[Tưởng cũng nên thêm ở đây vào năm 2000, trong quyển hồi ký nhan đề là Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử, Võ Nguyên Giáp đã viết rằng luật CCRĐ ngày 4-12-1953 “đã thổi một luồng sinh khí mới vào hàng ngũ những người kháng chiến, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ trong quân đội vốn phần lớn xuất thân từ nông dân”. (Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử, Hà Nội: Nxb. Quân đội Nhân dân, 2000, tr. 86). Ý kiến nầy của ông Võ Nguyên Giáp (năm 2000) không nhắc đến số người bị bức tử một cách đau đớn và oan uổng trong cuộc CCRĐ ở Bắc Việt, mà theo tài liệu của CSVN là 172,008 người, trong đó có 71,66% là sai lầm, đến nỗi Bộ chính trị đảng LĐ phải ra nghị quyết sửa sai và chính Võ Nguyên Giáp đã đại diện để đọc trên đài phát thanh ngày 29-10-1956.]

Nghị quyết sửa sai của đảng LĐ được báo Nhân Dân đăng ngày 30-10-1956, theo đó Trường Chinh Đặng Xuân Khu bị cất chức tổng bí thư đảng. Tuy nhiên ông nầy vẫn giữ ghế ủy viên Bộ chính trị cho đến khi tự ý từ chức vào Đại hội 6 đảng Cộng sản Việt Nam vào cuối năm 1986, rồi lên làm cố vấn đảng cho đến khi chết vào năm 1988. Hoàng Quốc Việt và Lê Văn Lương đều bị loại ra khỏi Bộ chính trị, Lê Văn Lương thôi luôn chức Trưởng ban tổ chức Trung ương đảng, còn Hồ Viết Thắng bị loại khỏi ban chấp hành Trung ương đảng. Đó là những biện pháp về mặt đảng LĐ.

Về mặt hành chánh, ngày 2-11-1956, báo Nhân Dân đăng thông báo của Hội đồng Chính phủ, theo đó:
- Ủy ban CCRĐ không có quyền chỉ đạo nữa, mọi việc sẽ thuộc chính phủ trung ương.
- Hủy bỏ Tòa án Nhân dân đặc biệt (tức tòa án chuyên đấu tố).
- Hồ Viết Thắng thôi chức Phó chủ nhiệm và Ủy viên thường trực Ủy ban CCRĐ Trung ương, cũng như Thứ trưởng Nông lâm.
- Lê Văn Lương thôi chức Thứ trưởng bộ Nội vụ và Chủ nhiệm phòng Nội chính Chính phủ. (Chính Đạo, I-C, sđd. tr. 106.)

Tuy thế, chẳng bao lâu sau, Trường Chinh được cử làm Phó thủ tướng (29-4-1958), rồi Chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội (7-7-1960). Hoàng Quốc Việt lẫn Lê Văn Lương về sau vẫn tiếp tục giữ những chức vụ quan trọng trong guồng máy cầm quyền Hà Nội, còn Hồ Viết Thắng sau đổi tên là Hồ Thắng, làm thứ trưởng bộ Nông nghiệp. (Lâm Thanh Liêm, bđd. sđd. tt. 211-212).

Những điều đó chứng tỏ các người nầy chỉ là những kẻ thừa hành chủ trương chính sách của đảng LĐ. Khi chủ trương đó bị dân phản đối, họ bị làm vật hy sinh để chống đỡ và cứu nguy cho đảng, tạm thời bị huyền chức một thời gian, rồi được trọng dụng trở lại. Nếu các kẻ nầy mà tự ý làm sai trái chủ trương của đảng LĐ, nếu không bị thủ tiêu hoặc tù tội, thì cũng bị loại luôn, mà không bao giờ trở lại được chính trường, như trường hợp Dương Bạch Mai, Ung Văn Khiêm, Hoàng Minh Chính… trong vụ án mà CS gọi là “Vụ án Tổ chức chống Đảng, chống Nhà nước ta, đi theo chủ nghĩa xét lại hiện đại và làm tình báo cho nước ngoài”.

Những đảng viên LĐ đã lỡ bị hành quyết hay chết trong các trại tù sau cuộc CCRĐ được xem là thành phần yêu nước, hy sinh vì cách mạng, gia đình được hưởng chính sách ưu đãi. Những đảng viên bị oan, nếu còn sống, được phục hồi danh dự và tái thu nạp vào chức vụ cũ. Thường dân bị oan được bồi thường, nhưng chỉ có tính cách tượng trưng và được sắp xếp lại thành phần giai cấp xã hội, để có thể tái hội nhập trở lại trong đời sống, không còn bị cô lập hay ngược đãi.

Theo đài BBC ngày 17-10-2004, mục “Ý kiến bạn đọc”, có người cho biết rằng: “Theo báo Hà Nội Mới, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa quyết định trợ cấp cho một số trường hợp có tài sản bị trưng thu, trưng mua trong thời kỳ Cải cách Ruộng đất với mức ba triệu đồng một trường hợp” [3 triệu đồng VN năm 2004 tương đương với khoảng dưới 200 Mỹ kim]. Tuy nhiên cho đến nay, không có tin tức gì về việc bồi thường nầy cả.

Hậu quả lâu dài

Nền nông nghiệp suy sụp: Thông thường, nhà cầm quyền tổ chức CCRĐ nhắm giải quyết những sai lầm của nền nông nghiệp cũ, giúp nông gia tăng gia sản lượng nông nghiệp, thăng tiến đời sống dân chúng. Nhưng cuộc CCRĐ của Cộng sản chấm dứt năm 1956 lại đi đến kết quả ngược lại: đời sống nông dân tụt hậu, sản lượng giảm xuống rõ rệt. Lý do vì trong các giai đoạn đầu của cuộc Cải cách, đất đai bị chia thành nhiều mảnh nhỏ. Nông dân mới nhận đất chưa có kinh nghiệm tổ chức sản xuất, thiếu tài chánh để mua trâu bò dụng cụ, phân bón để cày cấy. Sau đó, vào cuối giai đoạn 5, việc suy sụp kéo dài nhiều năm vì nhà nước Cộng sản đưa ra kế hoạch hợp tác lao động, tổ chức hợp tác xã nông nghiệp và những nông trường quốc doanh tập thể từ khoảng năm 1957, 1958. (Bernard Fall, sđd. tt. 284-287).
Đảo lộn luân lý xã hội, tiêu diệt tình người: Chiến dịch CCRĐ của Cộng sản đã khủng bố tinh thần dân chúng, làm cho mọi người sợ hãi khép mình vào kỷ luật cai trị Cộng sản, và nhất là đánh tan nề nếp xã hội cũ, làm sụp đổ nền tảng luân lý cổ truyền của dân tộc, tiêu diệt tận gốc rễ tình cảm giữa người với người. Trong khi quyết tâm thực hiện phương châm “trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận ngọn” (nghĩa là tiêu diệt từ trên xuống dưới bốn thành phần trí thức, phú thương, địa chủ, cường hào), Cộng sản đã khuyến khích, ép buộc, đe dọa mọi người tố cáo, đấu tố lẫn nhau, dù đó là cha mẹ, vợ chồng, con cái. Do đó, chẳng những đã xảy ra cảnh đấu tố giữa người với người ngoài xã hội, mà trong gia đình cũng xảy ra cảnh đấu tố với nhau giữa cha mẹ, con cái, vợ chồng, và anh chị em.

Năm 1315, vua Trần Minh Tông (trị vì 1314-1329) ra chỉ dụ cấm trong một nhà, cha con, vợ chồng, nô tỳ tố cáo lẫn nhau. Điều luật nầy dung túng những sai trái diễn ra trong gia đình, nhưng cũng góp phần gìn giữ trật tự gia đình, đơn vị căn bản của xã hội. Trong khi đó, vì muốn khai thác triệt để tin tức hoạt động cá nhân, Cộng sản khuyến khích việc đấu tố giữa những người trong gia đình, đã làm hỏng hoàn toàn giềng mối nề nếp luân lý đạo đức gia đình Việt Nam. Sống trong hoàn cảnh như thế, không còn ai tin ai, không còn tình người, dù giữa những người thân nhất trong gia đình. Sau đây là lời trong hồi ký của một nhà lãnh đạo Cộng sản Bắc Việt lúc đó về cuộc đấu tố trong các tòa án nhân dân: “…Các đội Cải cách Ruộng đất đã để cho nông dân xỉ vả người bị gọi là địa chủ , thậm chí để nàng dâu xỉ vả mẹ chồng, con xỉ vả bố mẹ, mà người bị gọi là địa chủ cứ phải cúi đầu không được thanh minh phải trái…” (Hoàng Văn Hoan, sđd. tr. 361).

Gần đây, nhà văn Hoàng Tiến ở Hà Nội, đã kể lại câu chuyện một nông dân tham gia CCRĐ, chất vấn ông địa chủ như sau: “Thằng kia! Ngẩng mặt lên! Mày biết tao là ai không?” Địa chủ: “Dạ thưa ông, có ạ. Ông là con của con!” (trích Ánh Dương, ngày 26-11-2005). Câu chuyện nầy được nhà văn Hoàng Tiến, hiện ở trong nước, kể lại trong lá thư đề ngày 25-11-2005, gởi cho các cấp lãnh đạo đảng CSVN, để góp ý với Đại hội đảng CSVN sắp diễn ra trong năm 2006, thì không thể là một câu chuyện bịa đặt được, mà phải là một câu chuyện có thật. Theo nhà văn Hòang Tiến, “nó đã làm thương tổn đến cõi tâm linh sâu thẳm của người Việt Nam, còn đau thắt đến tận hôm nay”.

Một sĩ quan cấp tiểu đoàn trưởng quân đội Cộng sản Bắc Việt, từng chứng kiến những ngày tháng hãi hùng trong CCRĐ, đã nói lên cảm nghĩ chua chát về người lãnh đạo tối cao của nhà nước Cộng sản Hà Nội, kẻ đã đạo diễn tất cả những tấn tuồng đau thương và đẫm máu của dân chúng Bắc Việt: “Ông ấy [chỉ Hồ Chí Minh] biến những con người lương thiện thành những con quỷ...” (Vũ Thư Hiên, Đêm giữa ban ngày, Nxb. Văn Nghệ, California, 1997, tr. 249).

Chính ông Hồ đã làm gương cho cán bộ đảng viên trong việc đấu tố nầy. Năm 1952, trong thí điểm CCRĐ tại 6 xã thuộc huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên, tòa án nhân dân đã kết án tử hình bà Nguyễn Thị Năm, tức bà Cát Hanh Long (có người ghi là Cát Thành Long. BBT), một ân nhân của đảng LĐ, người đã từng che chở, nuôi ăn chẳng những ông Hồ, mà hầu hết các nhà lãnh đạo đảng LĐ. Khi bị đấu tố, bà kêu cứu đến ông Hồ. Ông ta biết chuyện nầy, nhưng ông ta đã để mặc cho bà bị giết thảm thương. Chuyện nầy của ông Hồ thật đúng với một câu tục ngữ Việt Nam: “Giúp vật, vật trả ân; giúp nhân, nhân trả oán”.

Dư luận lúc đó ở Hà Nội còn cho rằng, một nhà lãnh đạo khác của đảng LĐ, tổng bí thư Trường Chinh Đặng Xuân Khu, đã đấu tố cả cha mẹ của ông ta. Vì vậy, ở Hà Nội lưu truyền một câu đối hết sức bất hủ: “Đấu tố phụ mẫu, tôn thờ Mác-Lê, nhục ấy đời chê thằng họ Đặng/ Hãm hại sĩ nông, đảo điên văn hóa, tội kia sách chép đứa tên Khu.”

Tâm lý “kiêu nông”: Mao Trạch Đông chủ trương “lấy nông thôn bao vây thành thị”. Nông dân được xem là thành phần nòng cốt trong cuộc cách mạng Cộng sản, dùng làm giai cấp tiên phong trong cách mạng, trên cả công nhân. Chủ trương nầy được CSVN noi theo. Do đó, thành phần nông dân rất được CSVN đề cao. Trong cuộc CCRĐ, CSVN đã sử dụng bần nông làm công cụ để đẩy mạnh phong trào đấu tố. Từ trước đến nay, các bần nông chỉ giữ chức cao nhất là “thằng mõ”, thuộc hạng chót cùng ở xã thôn, phụ trách việc đánh mõ rao tin tức trong làng, nay lần đầu tiên được làm “quan tòa”, rồi có người được đề bạt nắm giữ vai trò lãnh đạo thôn xã, trở thành những hào mục mới. Bỗng chốc “thăng quan”, các bần nông không khỏi mang tâm lý hãnh diện về giai cấp nông dân và nhất là bần nông. Tâm lý hãnh diện nầy đôi khi biến thành tâm lý “kiêu nông”. Họ tự cho rằng chính họ là thành phần rường cột trung kiên của chế độ Cộng sản, đã góp công đầu làm cho cuộc CCRĐ thành công. Tâm lý kiêu nông nầy cũng giống như tâm lý kiêu binh ở Thăng Long thời chúa Trịnh vào thế kỷ 18.

Từ bần nông ít học được đưa vào hàng ngũ lãnh đạo cơ sở làng xã vào đầu thập niên 50, một số người nầy, nhờ thâm niên tuổi đảng, dần dần thăng lên các cấp cao hơn trong hàng ngũ lãnh đạo đảng Cộng sản, từ địa phương đến trung ương. Ngoài ra, nhờ lý lịch gia đình “tốt”, và càng “tốt” hơn nữa nếu “tam đại bần cố nông” (ba đời bần cố nông), con cái của giai cấp nầy được ưu tiên chọn vào làm việc trong những ngành quan trọng và nắm những chức vụ then chốt trong chế độ CS.

Tâm lý chung cố hữu của nông dân, nhất là nông dân Việt Nam, thường bảo thủ, nên những nhà lãnh đạo Cộng sản xuất thân từ giai cấp nầy thường thiển cận, không cởi mở. Dư luận kể rằng có một nông dân làm nghề hoạn heo (tức thiến heo theo lối cổ truyền ở nông thôn) đã lên tới chức thủ tướng CHXHCNVN, rồi tổng bí thư đảng CSVN, nên hết sức bảo thủ và ngoan cố. Phải chăng tâm lý kiêu nông là một trong những lý do giải thích vì sao trong một thời gian dài, đảng CSVN là một trong những đảng Cộng sản khép kín nhất trên thế giới?

Tóm lại, hậu quả của cuộc CCRĐ thật tai hại. Những sai lầm trong CCRĐ không phải chỉ là sai lầm chính trị, mà cả sai lầm văn hóa. Những hậu quả về nhân mạng, về kinh tế, về vật chất dầu to lớn và đau thương nhưng dần dần sẽ qua đi và có thể sửa đổi được. Riêng hậu quả về văn hóa và xã hội thật trầm trọng. Con người cấu xé con người như súc vật. Tình người, đạo đức, luân lý, niềm tin hoàn toàn bị tan vỡ, và sẽ còn tiếp tục bị tan vỡ khi chế độ Cộng sản còn tồn tại trên đất nước thân yêu. Ngày xưa, Lão Tử đã nói đại khái rằng: “Làm thầy thuốc sai thì hại một người; làm chính trị sai thì hại một thế hệ; làm văn hóa sai thì hại muôn đời.” Không biết khi nào Việt Nam mới có thể hàn gắn được những chấn thương văn hóa trầm trọng do chế độ Cộng sản gây ra từ khi ông Hồ Chí Minh nhập cảng chủ nghĩa CS vào Việt Nam, rồi cướp chính quyền, thực hiện cuộc CCRĐ và cho đến ngày nay?
Toronto, Canada
Posted on 22-02-2006

CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT TẠI
MIỀN BẮC 1953–1956
Diễn đàn Dân chủ
http://hoa-hao.com/kktd/su_that_lich_su/hcm_cai_ cach_ruong_dat_mb_1.html

Nhóm Học tập Biên soạn viết theo dữ kiện lấy từ:
- Án tích Cộng sản Việt Nam (2001), Trần Gia Phụng
- Từ Thực dân đến Cộng sản (1964), Hoàng Văn Chí
- Trăm hoa đua nở trên đất Bắc, Hoàng Văn Chí
- Đêm giữa ban ngày, Vũ Thư Hiên
- Mặt thật, Bùi Tín

1. Bối cảnh xảy ra đấu tố Cải cách Ruộng đất
Chiến dịch CCRĐ xảy ra vào giai đoạn mà đảng Cộng sản Việt Nam đã củng cố được địa vị lãnh đạo và quyền lực. Đi ngược thời gian, chúng ta thấy sau khi cướp được chính quyền vào năm 1945, đảng CSVN đã tiêu diệt các lực lượng và đảng phái quốc gia cũng như CS khác từ năm 1946. Trong giai đoạn từ 1946 đến 1950 thì đảng CSVN bị tách biệt với phong trào CS Quốc tế, không thể nhận sự giúp đỡ của Liên Xô và Trung Quốc và vì còn yếu nên còn cần sự hợp tác của các thành phần không Cộng sản trong hàng ngũ Việt Minh. Khi đảng CS Trung Quốc chiếm được chính quyền tại Trung Quốc tháng 10-1949, biên giới Việt Nam–Trung Hoa thông thương được. CSVN được CSTQ viện trợ khí giới, cán bộ huấn luyện. Lúc đó đảng CSVN cũng đã nắm vững tình hình trong nước nên có thể thi hành biện pháp có tính cách Cộng sản mà trước đây đảng CS chưa thể làm vì chưa đủ sức chống đỡ với sự phản đối của quần chúng và các tổ chức không theo CS.

Chiến dịch Cải cách Ruộng đất và một số các chiến dịch thuộc vào giai đoạn hai trong sách lược cách mạng vô sản của đảng Cộng sản: giai đoạn đầu là Cách mạng Dân tộc Dân chủ Nhân dân, giai đoạn hai là giai đoạn Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa. Chỉ từ giai đoạn hai trở thì thì các đặc tính của CS mới lộ ra.

2. Các hoạt động liên quan đến Cải cách Ruộng đất
Các hoạt động có liên quan đến Cải cách Ruộng đất theo thứ tự thời gian như sau:
2.1 Sắc lệnh giảm tô 1949:
Sắc lệnh số 78/SL, 14-7-1949, giảm tô, chủ điền giảm tô cho tá điền từ 25% đến 35%, lấy ruộng đất của điền chủ người Pháp và người Việt bị ghép tội Việt gian chia cho nông dân.
2.2 Các sắc lệnh giảm tô và tịch thu ruộng đất 1950:
Sắc lệnh số 89/SL, 22-5-1950: xóa bỏ hợp đồng vay nợ giữa chủ điền và tá điền trước 1945, nếu món nợ sau 1945 thì chỉ phải trả vốn mà không phải trả lãi.
Sắc lệnh 90/SL, 22-5-1950: tịch thu ruộng đất bỏ hoang quá 5 năm tính đến ngày ra sắc lệnh. Đất tịch thu chia cho nông dân cày cấy trong thời hạn 10 năm, 3 năm đầu miễn thuế. Ruộng bỏ hoang chưa đến 5 năm thì phải cho những tập đoàn nông dân cày cấy lại hoặc cho người khác thuê cày. Sắc lệnh này không áp dụng cho đất đai trồng cây kỹ nghệ hoặc đất đai của những người vì phục vụ cho Việt Minh nên không thể trồng trọt.
2.3 Sắc lệnh giảm tô 1953:
Sắc lệnh ngày 20-4-1953, giảm thêm giá thuê đất 25%, để tổng số phí tổn của tá điền không quá 1/3 hoa lợi.
Sau năm 1951, đảng CSVN đưa người qua Trung Quốc để học tập cách Cải cách Ruộng đất rồi về nước phát động giảm tô, giảm tức. Theo Nguyễn Văn Trấn, đã tham gia công tác thí điểm tại Thanh Hóa, thì không thành công lắm vì gặp sự chống đối của nông dân.
2.4 Đấu tố đợt một 1953:
Giai đoạn này được bắt đầu năm 1952 với 6 xã thí điểm ở huyện Đại Từ, Thái Nguyên rồi sau đó chính thức thực hiện vào giữa năm 1953. Chiến dịch làm đầu tiên ở 47 xã tỉnh Thái Nguyên và 6 xã tỉnh Thanh Hóa rồi sau đó lan ra các tỉnh miền Bắc. Các tỉnh gần vĩ tuyến 17 thì không có đấu tố, giết chóc để tiếng đồn không lan xuống miền Nam và để người dân đừng chạy xuống phía Nam. Qua đến đầu 1954 thì dừng lại khi sắp thi hành hiệp định Genève để người dân đừng sợ hãi thêm mà bỏ vào miền Nam rồi qua năm 1955 lại bắt đầu CCRĐ trở lại.
Cuốn phim Chúng Tôi Muốn Sống của đạo diễn Vĩnh Noãn thực hiện tại miền Nam sau năm 1954 kể lại vụ đấu tố ở giai đoạn trước khi chia đôi đất nước, nghĩa là thuộc đợt xảy ra vào trước năm 1954. Kết cục trong phim là những kẻ từng tham gia Việt Minh kháng chiến chống Pháp phải bỏ miền Bắc mà đi vào miền Nam vì thấy không sống nổi dưới chế độ như vậy.
2.4.1 Ủy ban Cải cách Ruộng đất:
Gồm hai cấp, cấp trung ương và cấp địa phương.
· Cấp trung ương:
- Chủ tịch: Trường Chinh, Tổng Bí thư đảng Lao động.
- Phụ tá: Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương (cả 2 đều là Ủy viên Bộ Chính trị) và Hồ Viết Thắng. Hồ Viết Thắng, là người đã đi học tại CHNDTH, trực tiếp điều hành theo lệnh của Trường Chinh.
· Cấp địa phương:
- Những người đã được đào tạo về CCRĐ được bổ về các tỉnh.
- Trung bình mỗi tỉnh có 10 đoàn, mỗi đoàn có khoảng 100 cán bộ. Đoàn trưởng nhận lệnh trực tiếp từ Ủy Ban Cải Cách, không qua hệ thống đảng và chính quyền địa phương.
- Mỗi đoàn chia ra thành nhiều đội. Mỗi đội có khoảng 6–7 cán bộ. Đội trưởng được chọn trong số bần nông hay bần cố nông, nhất là những người đã từng tham gia CCRĐ trước đây. Đội có quyền hành tuyệt đối chỉ nhận lệnh từ Ban Cải cách Ruộng đất vì thế có câu “nhất đội, nhì trời”. Phương châm thi hành là “Thà chết mười người oan còn hơn để sót một địch”.
2.4.2 Nội dung Sắc lệnh
- Tịch thu ruộng đất của người ngoại quốc, những người bị gọi là Việt gian, “địa chủ phản động” và “phú hộ ác ôn”.
- Ruộng đất của những người hợp tác với Việt Minh thì được trung thu, mỗi năm bồi thường 1.5% trị giá đất. Ai bán, sang, chuyển nhượng để trốn tránh bị trưng thu sẽ bị tịch thu và bồi thường bằng tín phiếu ngân hàng. Trung nông đã mua các ruộng này sẽ phải bán lại cho nông dân nghèo không có ruộng với giá chỉ định.
- Các cơ sở tôn giáo như chùa, nhà thờ chỉ được giữ một số đất đai và phải tự cày cấy. Điều này có nghĩa có nhiều chùa và nhà thờ sẽ bị mất ruộng đất nếu có nhiều hơn số qui định. Điều này làm chùa và nhà thờ mất đi bớt phương tiện hoạt động.
- Việc thực hiện được giao cho Nông hội, một thành phần của Mặt trận Liên Việt. Tòa án Nhân dân sẽ được thiết lập để trừng phạt những kẻ chống đối.
2.4.3 Diễn tiến của Chiến dịch Đấu tố
2.4.3.1 Bắt rễ xâu chuỗi
Để chuẩn bị cho các cuộc đấu tố, các cán bộ CCRĐ được gửi về các làng, xã thực hiện chính sách Tam cùng, Thăm nghèo Hỏi khổ, rồi Bắt rễ Xâu chuỗi.
Tam cùng:
Tam cùng là cùng làm việc, cùng ăn và cùng ngủ chung. Các cán bộ đi vào làng quan sát ai là thành phần nghèo khổ, giả vờ xin vào ở chung mà không cho biết ý định của mình rồi phụ làm việc, ăn chung, ngủ chung để làm thân.
Thăm nghèo Hỏi khổ:
Sau khi gây được thân tình thì hỏi thăm tình cảnh, khêu gợi người nông dân thổ lộ nỗi khổ của mình. Từ đó dọ ý và khêu gợi lòng căm thù những kẻ giàu có trong làng. Đồng thời các cán bộ cũng dọ hỏi tin tức về các gia đình, các cá nhân trong làng trong nhiều năm qua để biết ai được xếp vào loại kẻ thù, ai có thể bênh kẻ thù, ai là có thể là người đứng ra đấu tố kẻ thù. Các chi tiết như phụ nữ nào lúc trẻ có quan hệ với địa chủ được xử dụng để sau này ép các phụ nữ đó tố địa chủ đã cưỡng hiếp mình. Tin tức về những ai từng làm thuê cho địa chủ sẽ được dùng để sau này dùng để bị ép người làm thuê tố địa chủ đã đánh đập, bạc đãi mình. Các vụ tai nạn như chết đuối, chết vì bệnh hoạn trong làng dù không liên quan đến địa chủ cũng có thể dùng để vu cáo cho địa chủ vì ác tâm mà gây ra.
Bắt rễ Xâu chuỗi:
Những kẻ nào sau khi được khêu gợi lòng căm thù mà mang tâm trạng muốn trả thù được xếp vào loại Rễ. Cán bộ dùng Rễ để giới thiệu thêm những kẻ khác cũng nghèo khổ và mang tâm trạng căm thù tạo thành xâu chuỗi một nhóm những kẻ căm thù, đồng lòng trả thù địa chủ. Nhiều thành phần bất hảo, vô đạo đức trong làng đã hưởng ứng lời thúc giục trả thù này. Việc Rễ giới thiệu thêm người được cán bộ giới hạn chỉ vài ba người và kiểm soát kỹ để đừng lọt vào những kẻ mà sau này có thể phản đối hành động đấu tố.
2.4.3.2 Phân định thành phần:
Sau khi thu thập đủ tin tức về làng đó, các cán bộ báo cáo kết quả trong một phiên họp bí mật của Đoàn CCRĐ tỉnh. Cán bộ làm việc điều tra đưa ra đề nghị là những ai trong làng sẽ bị qui là địa chủ, gán ghép người nào tội gì cho họ. Khi được cấp tỉnh chấp thuận thì Đội CCRĐ công khai phát động chiến dịch trong làng đó.

Bắt đầu chiến dịch CCRD là Ủy ban Hành chính xã và Chi bộ đảng bị giải tán, Ban CCRĐ có toàn quyền hành động trong làng. Các bần cố nông nằm trong Nông hội được Đội CCRĐ núp sau giựt dây sai làm để làm ra vẻ phong trào CCRĐ là của nhân dân đứng ra làm chứ không phải của chính quyền. Cổng làng được đóng lại, có công an canh gác, chỉ những ai có giấy phép mới được ra vào. Các làng ở miền Bắc thường được bao bọc bằng lũy tre xanh nên khi đóng cổng làng thì coi như làng đó hoàn toàn bị cô lập với bên ngoài.

Sau đó các cán bộ tổ chức buổi họp kéo dài khoảng 10 ngày gồm các thành phần bản bộ, tức là bần cố nông để dạy cho cách phân định thành phần. Các bần cố nông cũng được họp bàn với cán bộ để thống nhất ý kiến về cách sắp xếp ai vào thành phần nào. Thường thì bần cố nông đều đồng ý với cách cán bộ đã định trước.

Sau khóa học về cách phân định thành phần thì buổi họp công khai có dân làng tham dự được tổ chức và kết quả phân định thành phần được loan báo. Sau khi loan báo kết quả, địa chủ bị bắt giữ ngay.
Các thành phần được chia ra như sau:
- Địa chủ: có ruộng đất mà không trực tiếp cày cấy. Có 3 hạng:
1. Địa chủ ác ôn phản động: là quan lại, những người có liên quan đến các tổ chức đảng phái khác hay thân Pháp.
2. Địa chủ cường hào, ác bá: những người có thế lực trong làng, hiếp đáp, ngược đãi bần nông, cố nông. Địa chủ có dưới 5 ha, không hợp tác với chính quyền cũ.
3. Địa chủ có dưới 5 ha, không hợp tác với chính quyền cũ.
- Phú nông: có khoảng 3 mẫu ta, 1 con trâu, tự cày cấy và thuê nông dân phụ giúp.
- Trung nông: có dưới 3 mẫu ta, tự cày cấy, chỉ đủ sống. Chia ra hai hạng:
1. Trung nông cấp cao: có dưới 3 mẫu ta, 1 trâu hay 1 bò.
2. Trung nông cấp thấp: có dưới 1 mẫu ta.
- Bần nông: có một ít sào đất, không đủ sống, phải đi làm thuê cho địa chủ hay thuê đất của địa chủ để cày cấy và phải trả tô.
- Bần cố nông: không có đất đai nhiều đời, không có gia súc, không có nông cụ, làm thuê đủ thứ nghề để sống.

Ban Cải cách Ruộng đất phân loại như vậy để chia rẽ nông dân, giảm sức chống đối. Khẩu hiệu của chiến thuật là : Dựa vào bần cố nông, tranh thủ trung nông, cô lập phú nông, tập trung mũi nhọn vào địa chủ. Đó là chiến thuật “bẻ đũa thì bẻ từng chiếc”.

Đảng CS chia ra nhiều thành phần rồi tiêu diệt từng thành phần một để giảm bớt sự chống đối. Nếu chúng ta xét từ các sắc lệnh Cải cách Ruộng đất đầu tiên thì lúc đầu thành phần bị tịch thu ruộng đất chỉ là người Pháp và những người hợp tác với người Pháp. Rồi sau đó là hễ đất bỏ hoang quá 5 năm thì bị tịch thu bất kể là của người có hợp tác với Pháp hay không. Lần đầu thì chỉ những người Việt hợp tác với Pháp mới bị mất ruộng. Lần thứ hai thì tất cả những người nào có ruộng bỏ hoang quá 5 năm mới bị mất ruộng.

Đến đợt đấu tố thì “tập trung mũi nhọn vào địa chủ” nghĩa là tất cả ai làm chủ ruộng mà có thuê tá điền đều là nạn nhân. Địa chủ lại được chia ra 3 thành phần và đối xử khác nhau, do đó phản ứng của mỗi thành phần mạnh yếu cũng khác nhau. Địa chủ ác ôn sẽ bị bắt và gia đình bị cô lập sau khi phân định thành phần. Địa chủ cường hào ác bá phải đi dự lớp cải tạo kéo dài 3, 4 tuần, ban đêm không cho ngủ để khủng bố tinh thần, phải khai ra chỗ giấu của cải. Địa chủ loại 3 bị bắt đi ở nhà của một nông dân khác có công an canh chừng, đêm đến giải từ nhà này qua nhà khác.

Phú nông, trung nông, bần nông thì thấy mình không bị đụng đến nên cố hợp tác với chính quyền để bảo vệ quyền lợi của mình. Phú nông, trung nông cũng bị đối xử cho thấy rõ có phân biệt là thấp hơn đối với bần nông. Chẳng hạn, khi đi vào buổi đấu tố, bần nông đi thành đoàn và đứng riêng, phú nông, trung nông đi riêng, đứng riêng. Cách đối xử phân biệt khiến cho phú nông, trung nông sợ hãi, không dám chống đối vì sợ bị xép vào hạng địa chủ và hết sức ủng hộ đấu tố.

Nhưng đến chiến dịch CCRĐ sau, phú nông, trung nông bị kích lên thành địa chủ và cũng vẫn bị mất ruộng đất tài sản, bị tù tội, bị chết.
Cuối cùng sau khi đấu tố chấm dứt, đến phong trào hợp tác hóa, toàn thể nông dân đều phải đem ruộng vào Hợp tác xã cả, không còn ai có ruộng riêng.

Để không còn ai bênh vực địa chủ, những người có thể bênh địa chủ cũng bị gán cho tội “liên quan đến địa chủ”. Có ba loại liên quan:

1. Liên quan nặng: dám có thái độ bênh vực địa chủ, bị gán cho tội “có tư tưởng địa chủ”. Bị đối xử như là địa chủ nghĩa là bị bắt giam “cô lập”, bị tịch thu tài sản, vợ con bị quản thúc trong nhà cho đến khi đói mà chết.

2. Liên quan vừa: trước đây có cảm tình với địa chủ, nhận ơn nghĩa của địa chủ. Bị đưa sang làng khác quản thúc đổi nhà với thành phần “liên quan vừa” của làng kia được đem qua làng này quản thúc.

3. Liên quan sơ: bị nghi là vẫn còn có óc muốn bênh địa chủ, không chịu đấu tố hăng. Bị đuổi khỏi Nông hội, nghĩa là sau này sẽ không được phân phát cho các phương tiện cày cấy như trâu bò, nông cụ, vay lúa giống...

Trong giai đoạn phân định thành phần, nhiều người bị trả thù mà bị đưa vào thành phần địa chủ. Hoặc vì muốn lập công làm cho đủ hoặc nhiều hơn chỉ tiêu ở trên giao cho mà nhiều người bị qui là địa chủ oan.

Trong khi địa chủ bị giam giữ thì các Đội CCRĐ đến nhà các địa chủ đòi gia đình phải nộp tiền “thoái tô”, tức là số tiền thâu của tá điền quá mức nhà nước qui định, cho Nông hội. Trên lời nói của Đội CCRĐ thì số tiền thoái tô là do tá điền mách bảo nhưng trên thực tế thì món tiền được định tùy theo Đội CCRĐ thấy nhà địa chủ có của cải nhiều ít đến mức nào. Mục đích là bắt địa chủ phải nộp cho hết tiền, vàng bạc, của cải. Ai mau mắn đóng đủ thì bị nghi là vẫn còn của cải nên Đội CCRĐ nói là đã định lầm và gia tăng bắt đóng thêm cho đến mức đóng không nổi. Những kẻ không mau mắn nộp thì bị hành hạ, con cái bị giam riêng để tra hỏi. Gia đình nào không chịu đóng thì bị kích thành phần cho lên hạng trên và có thể bị bắn.
Các giai đoạn đấu tố chia ra làm đấu lý, đấu lực và đấu pháp.

2.4.3.3 Tố khổ (Đấu lý)
Đấu lý là dùng lời lẽ kết án. Trong khi địa chủ bị giam thì nông dân được triệu tập đi học lớp về “Tội ác của giai cấp địa chủ”. Mục đích của lớp này là giảng cho nông dân biết địa chủ đã bóc lột nông dân thế nào.

Sau khi học, các học viên phải “kể khổ”, nghĩa phải kể ra địa chủ đã đối xử xấu với mình như thế nào. Mỗi người phải kể ra ít nhất một tội. Phần lớn các tội đều là bịa đặt, nhiều người nông dân bị ép buộc phải ra tố cáo và phải bịa ra chuyện để tố. Giảng viên đọc ra một danh sách các tội “điển hình” nói là đã thu thập trong các lớp trước, cốt để gợi ý các nông dân nào không bịa được tội thì cứ lấy các tội trong danh sách mà kể ra. Lúc tố phải dùng ngôn từ hung dữ, nặng nề. Các tội bịa ra càng là những tội xấu xa, bỉ ổi nhưng hiếp dâm, đánh đập người... thì càng tốt. Các “diễn viên” tập dợt tố khổ với hình nộm bằng rơm giả làm địa chủ.

Những kẻ nào không tỏ vẻ hưởng ứng thì bị kết tội là muốn bênh địa chủ và có thể bị kích thành phần lên để trị tội. Vì thế một số địa chủ bảo con cái tố mình cho hăng, họ biết thế nào họ cũng chết, chỉ hy vọng là con cái không bị xếp vào thành phần xấu hơn, may ra còn giữ lại được chút của cải.

2.4.3.4 Đấu tố địa chủ (Đấu lực)
Đấu lực là dùng cực hình hành hạ nạn nhân.
Sau khi đã có danh sách các tội sẽ đem ra kể, những ai được chọn ra đấu tố trong tòa án nhân dân sẽ tập dượt lời ăn tiếng nói, cử chỉ sẽ làm trong buổi đấu tố. Đội CCRĐ cố tình dùng những cách làm cho nạn nhân bị sỉ nhục trở nên mất tư cách trước con mắt mọi người đứng xem và dùng những cách hành hạ để người xem thấy kinh khủng. Người tập dượt phải học thuộc lòng lời nói của mình, phải biết khi nào cần hung dữ, quát tháo, khi nào cần khóc lóc bi thảm để tỏ ra vẻ bị ức hiếp.

Khi việc tập dợt đã xong, đấu trường được thiết lập để thi hành việc đấu tố. Đấu tố là màn chính trong chiến dịch CCRĐ. Tất cả mọi người trong làng đều phải đến tham dự.
Cách xử địa chủ được phân theo hạng:
- Địa chủ hạng 1, phản động ác ôn, bị đấu 3 ngày liền trước một đám đông từ một đến hai chục ngàn người, gồm dân của một “liên xã”, tổng cộng là 15 làng.
- Địa chủ hạng 2, cường hào ác bá, bị đấu 2 ngày liền trước đám đông khoảng hai ngàn người, tức là dân của cả làng.
- Địa chủ hạng 3 bị “đấu lưng” nghĩa là đấu vắng mặt. Trong khi địa chủ bị giam một nơi thì dân làng đem kể tội với nhau trong tòa án nhân dân. Sau đó mới gọi địa chủ ra ký nhận biên bản là có tội.

Lý do cho xử vắng mặt được nói là “nhà nước muốn khoan hồng” nhưng trên thực tế thì đây là hạng địa chủ không có tội gì đáng kể để mà tố, nếu để cho họ có mặt thì họ sẽ cãi làm cho buổi đấu tố không thể thành công. Địa chủ hạng này có thể là người có ruộng trong làng nhưng lại sống nhiều ở thành thị, ít chung đụng với dân làng nên chẳng có gì để mà kết tội là đối xử tệ với nông dân.

Những địa chủ không chịu nổi sự hành hạ, sỉ nhục mà bị chết hoặc tự tử thì sẽ bị “đấu ảnh”, nghĩa là lấy mũ, nón hoặc khăn, áo của người này đem ra để tập thể nông dân xỉ vả.

Đấu trường được lập ở một nơi rộng rãi như sân vận động hay bãi đất trống. Một bục ba tầng được dựng lên, tầng dưới là 14 thư ký gồm toàn bần cố nông, trong đó có ít ra 1 người thực sự biết chữ làm ra vẻ là viết biên bản có thể là trung nông. Tầng hai là 7 người bần cố nông của Chủ tọa đoàn, gồm Chủ tịch Nông hội và một công an trưởng. Tầng trên cùng trưng ảnh Hồ Chí Minh, hai bên là ảnh Malenkov và Mao Trạch Đông. Hai bên đấu trường chăng các biểu ngữ với khẩu hiệu như “Phóng tay phát động quần chúng đấu tranh giảm tô” hoặc “Đấu tranh Cải cách Ruộng đất”, “Đả đảo tên địa chủ ABC Việt gian, phản động, cường hào, ác bá”.

Chủ tọa đoàn tuyên bố lý do buổi họp, thuyết trình về ý nghĩa và sự cần thiết của cuộc đấu tranh chống địa chủ. Công an trưởng ra lệnh lôi địa chủ ra để tố. Khi địa chủ bị lôi ra, những người xung quanh phải hô to “Đả đảo thằng Việt gian, phản động, cường hào, gian ác... (tên nạn nhân)”. Nạn nhân phải bò ra đấu trường chứ không được đi bằng hai chân. Giữa đấu trường đắp hai mô đất, người bị đấu đứng trên một mô đất, người đấu đứng trên mô đất kia.

Khi chủ tọa đoàn kêu gọi “anh chị em nông dân” ra kể tội thì theo như đã sắp xếp mọi người xung quanh đua nhau giơ tay xung phong. Chủ tọa đoàn gọi những người đã định trước trong danh sách của mình ra để đấu.

Tùy theo từng sáng kiến của mỗi Đội CCRĐ mà các hình thức sỉ nhục, hành hạ tại mỗi làng khác nhau, chẳng hạn bỏ đói, bỏ khát nạn nhân, bắt phải quì phơi nắng, đào hố sâu đến đầu gối bắt nạn nhân đứng xuống để trông thấp hèn hơn mọi người xung quanh... Dùng những lời lẽ nặng nề, cực đoan, quát mắng, hò hét, thóa mạ để làm mất nhân phẩm người bị xử. Người bị đấu phải gọi kẻ tố mình là “thưa các ông, các bà nông dân”, còn người tố thì phải gọi nạn nhân là “thằng này”, “con kia”, “mụ kia”, “chúng bay”, và tự xưng là “tao”, “chúng tao”. Ngay cả những nạn nhân lớn tuổi cũng phải gọi kẻ đấu mình còn nhỏ tuổi là “ông”, “bà”, còn người nhỏ tuổi thì dùng những tiếng xưng hô rất khinh miệt để gọi người lớn tuổi hơn mình.

Hành động điển hình thường bắt đầu bằng lấy tay xỉa xói vào nạn nhân và nói “Mày có nhớ tao là ai không”, rồi nói “Tao là... ở làng... đã đi ở cho mày trong... năm”, rồi sau đó kể ra các tội tưỏng tượng như bị cướp trâu, bò, bị đánh đập, bị nhét phân vào miệng, bị cưỡng hiếp, bị giết con, bị rủ vào hội “Việt gian”, vẫy tay với máy bay Pháp...

Thái độ người tố trình diễn như đã tập sẵn là phải làm ra vẻ căm thù, hoặc khóc lóc tùy theo màn, theo cảnh đã sắp xếp. Tuy vậy khi ra đấu trường, nhiều kẻ cũng không thuộc lời mình nói và đóng kịch một cách vụng về, phải có người đứng ngoài nhắc khiến cho các phiên tòa của Tòa án Nhân dân càng rõ chỉ là những màn trình diễn.

Người bị đấu không được quyền trả lời mà chỉ được nhận “Có” hay là “Không”. Mỗi khi trả lời “Không” thì đám đông phải la ó “Đả đảo thằng... ngoan cố”. Cứ mỗi năm phút thì công an trưởng bắt người bị tố phải quì xuống, đứng lên, giơ tay lên trời rồi giang tay ra.

Một số trò hành hạ được được ghi lại như: sỉ nhục, mắng chửi, đánh đập, đào hố bắt nạn nhân nằm xuống rồi tiểu, đại tiện lên người nạn nhân, giựt tóc, dìm nước, nhét phân vào miệng, dùng tre nhọn xuyên qua qua tay chân, thân thể, cho ngồi vào ổ kiến lửa, dùng lửa đốt tay chân...

Nhà văn Vũ Thư Hiên viết trong cuốn Đêm Giữa Ban Ngày tả cảnh thời đấu tố như sau:
Đấu tố diễn ra liên miên, ngày càng khốc liệt. Người dân cày dung dị hôm trước, được Đảng phóng tay phát động, vụt trở thành hung tợn, mặt bừng bừng khoái trá trong niềm vui hành hạ đồng loại. Tôi kinh hoàng không hiểu nổi: lần lượt lướt qua mặt tôi từng bầy đàn người bị kích thích bởi mùi máu, hăm hở đi dưới lá cờ đỏ sao vàng không phải để chiến đấu với quân xâm lược mà với chính đồng bào mình.”
“Tại xã Ngô Xá, làng Ngò, Thanh Hóa,... người ta trói chặt hai tay rồi dong mẹ bạn tôi đi khắp làng, chỉ vì bà ta trót dại nói điều gì đó mất lập trường hoặc không vừa lòng cán bộ giảm tô, giảm tức... Chúng tôi nghe tiếng kêu khóc chạy tới thì mấy anh du kích quen đang xềnh xệch kéo bà đi. Hai tay bị trói giơ lên trời, bà xiêu vẹo bước sau họ, kêu gào thảm thiết: “Ới cụ Hồ ơi! Cụ trông xuống mà xem người ta đối xử với con dân Cụ thế này đây!”
“Ở một xã khác, một người đàn bà bị trói vào hai cây nứa bắt chéo, bên dưới là một đống lửa. “Con mẹ ni là phú nông phản động, ngoan cố lắm”, những người bâu quanh nhao nhao nói thế. Người đàn bà quằn quại mãi, tới khi ngất đi rồi mới được người ta hạ xuống”.
“Cha bạn tôi, hoạt động cách mạng từ trước năm 1945, bị tống giam vì bị vu là đảng viên Quốc Dân đảng, thắt cổ tự tử, để lại bức thư tuyệt mệnh: “Oan cho tôi lắm, cụ Hồ ơi. Tôi trung thành với cụ, với Đảng”.
“Trẻ thơ cũng không thoát : Người ta lấy gai bưởi cắm vào đầu ngón tay của một cô gái, có trời biết cô ta bị tội gì, có thể là cô ta chỉ có tội là con địa chủ, cứ mỗi câu hỏi lại nhấn những cái gai sâu thêm một chút làm cô gái rú lên vì đau, quằn quại trong dây trói”.
“Một cụ già tóc bạc phơ bị tròng dây vào cổ, bị lôi xềnh xệch trên đường như một con chó. Lũ trẻ trong làng rùng rùng chạy theo sau, chúng vỗ tay, chúng reo hò, chúng cười ngặt nghẽo”.

Mỗi người nông dân được tố trong15 phút. Mỗi địa chủ thông thường bị 4 người tố. Tổng cộng thời gian bị tố khoảng một tiếng đồng hồ. Sau khi đã tố xong, địa chủ bị đưa đến bàn chủ tịch để ký vào biên bản đã ghi các tội sẵn để nhận tội.
Về nội dung tội trạng, địa chủ hạng 1, phản động ác ôn, bị đấu 3 loại tội vào vào 3 ngày:
1- Ngày 1: tội về các “món mồ hôi”: cướp trâu, cướp bò, cho vay nặng lãi v.v...
2- Ngày 2: tội về các “món nợ hạnh phúc”: hãm hiếp vợ người tố, hãm hiếp người tố, cha cưỡng hiếp con gái...
3- Ngày 3: tội về các “món nợ máu”: các tội liên quan đến chính trị như rủ rê người tố vào hội “phản động”, do thám tin tức cho Pháp, rủ rê làm việc cho Pháp...

Những kẻ cứ khăng khăng không nhận tội thì những ngày hôm sau sẽ bị gán cho các tội càng nặng hơn, cuối cùng sẽ đưa ra tòa án nhân dân để nhận án tử hình. Những kẻ ngoan ngoãn nhận tội sẽ bị các tội tương đối nhẹ hơn. Dù ngoan ngoãn cuối cùng cũng sẽ bị xử tử nếu như án đã được định từ trước là phải xử tử và vì mỗi xã phải có bao nhiêu người đó phải bị bắn cho đúng chỉ tiêu.

Trong những đợt đấu tố đầu tiên, nhiều địa chủ không hiểu điều này nên cứ khăng khăng không nhận tội nên số người bị bắn rất cao. Nhưng về sau, mọi người đều hiểu là dù nhận hay không thì số phận đã được định sẵn rồi.
Những linh mục, hòa thượng, nhà nho càng đạo mạo thì lại càng hay bị tố cáo về các tội liên quan đến đạo đức như hiếp dâm, loạn luân.

2.4.3.5 Thi hành án (Đấu pháp) Trừng phạt bản thân địa chủ:

Đấu pháp là đem nạn nhân ra xử tội. Việc kết án không theo điều luật nào mà chỉ tùy thuộc đội cải cách quyết định. Toàn thể dân làng phải đi xem xử án. Chánh án là đội viên trong đội CCRĐ. Biện lý hay công tố là một trong những nông dân trước đây đã làm thuê cho kẻ bị xử. Không có luật sự biện hộ. Án căn cứ theo biên bản mà tội nhân đã ký. Không ai có quyền cãi hay biện hộ. Hình phạt có thể từ 5 năm khổ sai đến tử hình, kèm theo tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Sau khi tòa tuyên án tử hình thì tội nhân bị đem xử bắn ngay. Công chúng xung quanh phải vỗ tay hoan hô sau khi tội nhân ngã gục xuống.

Chính sách cô lập gia đình địa chủ:

Chẳng những địa chủ bị xử tội mà gia đình địa chủ cũng bị cô lập. Sau khi địa chủ bị xử tội, trong vòng hơn một năm trời, từ đợt đấu tố đầu tiên cho đến đợt thứ hai, nhiều gia đình địa chủ không được phép ra khỏi nhà, trừ khi bị chính quyền gọi ra xét hỏi. Nhiều gia đình bị chết đói trong giai đoạn này. Trẻ con và người già chết trước rồi đến các người lớn. Người trong làng không được giao thiệp, chào hỏi, không được tiếp thế thức ăn. Khi những người này bị chính quyền giải đi ngoài đường hay đứng trước sân nhà, cán bộ xúi trẻ con lấy đá ném vào họ.

Luật sư Nguyễn Mạnh Tường viết trong bài diễn văn đọc trước Đại hội Toàn quốc của Mặt trận Tổ quốc nói về việc cô lập làm chết người già, trẻ em như sau: “Trong khi đập tan giai cấp địa chủ, ta không phân biệt đối xử, ta để cho chết chóc thê thảm những người già cả, hoặc thơ ấu mà ta không chủ trương tiêu diệt”.

Nguyễn Hữu Đang, từng là Bộ trưởng Văn hóa cũng viết: “Trong CCRĐ, những việc bắt người, giam người, tra hỏi (dùng nhục hình dã man), xử tử, xử bắn, tịch thu tài sản hết sức bừa bãi, bậy bạ, cũng như việc bao vây làm cho chết đói những thiếu nhi vô tội trong các gia đình địa chủ, hoặc chính là nông dân bị quy sai thành phần”.

2.5 Đấu tố giai đoạn hai 1955

Cách thức đấu tố thì vẫn như đợt trước nhưng lần này có thêm một số đảng viên cũ cũng trở thành nạn nhân. Vì Chi bộ đảng tại xã đã bị giải tán vào lúc đợt CCRĐ đầu tiên bắt đầu nên sau khi đợt CCRĐ đầu tiên chấm dứt, việc kết nạp đảng viên được thực hiện để tái lập Chi bộ. Trong đợt này, nhiều bần cố nông đã được kết nạp vào đảng, một số đảng viên cũ bị xét là có “liên quan đến địa chủ”, mặc dù trước đó đã góp công kháng chiến, cũng bị gạt ra ngoài. Trong đợt CCRĐ thứ hai, nhiều đảng viên cũ cũng bị qui là địa chủ đem ra đấu tố, tài sản bị tịch thu. Ngoài ra vì chỉ tiêu là mỗi xã phải có 5% địa chủ cho nên một số người trước đây là phú nông hoặc trung nông cũng bị đôn lên thành địa chủ cho đủ số, hoặc bất cứ ai mà Đội CCRĐ không ưa cũng bị ghép vào làm địa chủ. Ước lượng có từ 40.000 đến 60.000 đảng viên bị qui tội địa chủ và bị đem ra đấu tố.

Một số điểm trong nội dung sắc lệnh của đợt này ban hành ngày 14-6-1955 như sau:

Tịch thu toàn bộ tài sản (đất đai, nhà cửa, gia súc, nông cụ...) của những người bị liệt vào hạng Thực dân, địa chủ gian, cường hào ác bá, Việt gian.
- Những người hợp tác với Cộng sản thì hoặc bị trưng thu không bồi thường hoặc được thu mua.
- Các cơ sở tôn giáo như chùa, nhà thờ bị lấy hết đất đai.
- Đất sẽ được chia theo thứ tự ưu tiên: nông dân không có đất hay thiếu đất, các thành phần nghèo khổ làm thợ, buôn bán nhỏ, gia đình liệt sĩ, bộ đội, thương phế binh...

Tuy sắc lệnh là như vậy nhưng khi thực hiện thì việc tịch thu rất là bừa bãi, còn những kẻ mà tài sản bị thu mua thì về sau chính phủ cũng không nhắc đến việc bồi thường mà nạn nhân cũng không dám đòi bồi thường vì sợ bị gán cho là còn “đầu óc địa chủ” hoặc không “tiến bộ”.

Trong đợt CCRĐ lần hai, số người bị cô lập chết đói nhiều hơn đợt đầu vì gia đình những “địa chủ” từ phú nông hoặc trung nông bị đôn lên quá nghèo không có nhiều vườn tược hoặc của cải thu giấu, không được bạn bè lén giúp như các địa chủ đợt trước để sống sót cầm hơi.

2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét