Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2014

Cuối năm kể chuyện về một gã đi cầu tài




Trích Quốc văn Tây du dị bản

Lại nói đến bộ sách: “Quốc Văn Tây Du Dị Bản” của cụ giáo Đản để lại, sau phần kể chuyện về một gã đi cầu tài (đã trích ở phần trước), rốt cuộc đến cách làm giàu thứ tám (làm giàu trong môn chữ “lộc”) thì ông thầy khố rách kia chịu không dạy được. Tiếp theo, sách viết về chuyện gã con trai nọ xoay sang cầu “nhân”. Gã tìm đến một ông thầy chuyên dạy làm người. Thầy này chỉ nghe thấy tiếng, không nhìn thấy hình (trong sách không thấy tả người, có lẽ vì ngay cả manh khố rách, thầy cũng không có chăng?). Nội dung cuộc cầu “nhân” ấy như sau:
Chuyện xảy ra từ thời thượng cổ ở tận đất Kinh (đất nước Sở) bên Tàu. Sau khi nghe gã con trai trình bày nguyện vọng muốn học làm người, Ông thầy bảo:
- Làm người thì chỉ có một môn chữ “mê” mà thôi. Bắt đầu bằng việc học “đút”. Chỉ một năm là có thể làm người được rồi.
Gã con trai hỏi:
- Học “đút” là như thế nào?
Ông thầy bảo:
- Là đút tiền vào túi, đút cơm vào mồm, đút cái này vào cái kia… Đại khái cũng chẳng khác gì loài vật, cứ việc hồn nhiên theo đuôi thiên hạ, a dua với mọi hạng người. Kẻ chỉ biết “đút” thì bất chấp phải trái, không cần biết phân biệt tốt xấu, trắng đen… bảo làm thì làm, bảo ăn thì ăn, bảo nghĩ đến đâu thì nghĩ đúng đến đấy, không bao giờ dám vượt quá mảy may… Tóm lại miễn sao yên ổn cho đến hết kiếp là được rồi.
Gã con trai hỏi:
- Học “đút” xong rồi, nếu muốn học lên nữa thì học cái gì?
Ông thầy bảo:
- Phàm ở đời, làm người mà không biết phân biệt thì có khác gì con cầy, con cáo. Cho nên kẻ thạo “đút” rồi, nếu muốn học lên nữa thì học “giận”.
Gã con trai lại hỏi:
- Học “giận” là như thế nào?
Ông thầy bảo:
- Là biết nổi giận trước cái xấu, không tha thứ cho cái xấu. Muốn thế phải biết phân biệt đâu là thật, đâu là gi, đâu là tử tế, đâu là lưu manh… Tóm lại phân biệt là một nghề cũng phải học mới biết được. Huống chi cuộc đời bây giờ thật giả khó phân, trắng đen lẫn lộn. Kẻ bất lương lại nhân danh lương thiện, hại một người, một nhà chưa đủ, còn muốn hại cả thiên hạ. Kẻ thất đức lại nhân danh đạo đức, lừa một đời, một thế hệ chưa thỏa, còn muốn lừa mãi đến muôn đời. Kẻ vô học lại nhân danh nhà tư tưởng, tự làm ngu mình, ngu dân chưa đã, còn muốn ngu đến cả quỷ thần. Như thế mà vẫn không thấy ai nổi giận thì thiên hạ phải chăng đã hết sạch lương tâm?
Gã con trai hỏi:
- Học “giận” có lâu không?
Ông thầy bảo:
- Phàm ở đời, biết phân biệt luôn là một việc khó. Cho nên học “giận” phải mất mười năm.
Gã con trai lại hỏi:
- Học “giận” xong thì học đến cái gì nữa?
Ông thầy bảo:
- Kẻ biết “giận” thì suốt ngày nhăn nhó, không chơi được với ai. Bởi đi tìm sự tử tế ở đời bây giờ có khác gì mò trăng đáy giếng, trong khi lưu manh thì gặp ở mọi lúc, mọi nơi. Cho nên muốn khỏi nhăn nhó thì lại phải học “khinh”.
Gã con trai hỏi:
- Học “khinh” là như thế nào?
Ông thầy bảo:
- Là khinh bỉ cái xấu. Muốn thế phải hiểu được lòng người. Hiểu lòng người rồi thì dẫu biết con người là hèn hạ, đểu cáng, bất nhân… vẫn không hề thấy giận nữa. Sự thật là một thứ vô cùng nguy hiểm. Cho nên văn tử tế, đích thực không đến được với ai, đơn giản vì không ai dám để ý. Những kẻ mạo gọi là kẻ sĩ, có chút tên tuổi thì cố bưng tai nhắm mắt, chỉ nhăm nhăm bàn tán, ầm ĩ vào những thứ văn hoặc phục vụ cho cái ác, hoặc rên rỉ vô tích sự, hoặc bỉ ổi, thấp hèn… mục đích cốt ngu dân cho bằng được. Kẻ hát hay không hát được cho ai nghe vì không phải con ông nọ, cháu bà kia. Kẻ có tiền, có thế muốn được giải văn có giải văn, muốn được giải hát, có giải hát… Người đọc bị làm cho mù, người nghe bị làm cho điếc. Thế là lưu manh đã đến hồi nhân danh nghệ thuật, gian xảo đã đến lúc giả vờ khoa cử, kẻ cướp đã đến thời mặc áo thầy tu… Như thế mà vẫn không thấy ai khinh bỉ thì thiên hạ phải chăng đã hết nhẵn tri thức?
Gã con trai hỏi:
- Cách này học có lâu không?
Ông thầy bảo:
- Phàm ở đời, hiểu được lòng người là một việc cực khó. Cho nên học “khinh” phải mất ba mươi năm.
Gã con trai lại hỏi:
- Thế biết “khinh” rồi, nếu muốn học tiếp thì học cái gì?
Ông thầy bảo:
- Kẻ biết “khinh” chính là một thứ điên trong thiên hạ. Đã hiểu được người thì tất người khó mà hiểu được mình. Cho nên bị cô đơn suốt đời là điều chắc chắn. Nếu muốn học lên nữa thì học “thương”.
Gã con trai hỏi:
- Học “thương” là như thế nào?
Ông thầy bảo:
- Là thương hại tất cả. Muốn thế phải điều khiển được lòng mình, không cần đến cả sự khinh bỉ nữa. Cuộc đời dẫu vẫn thế, song trong lòng chỉ thấy thương hại mà thôi. Thương hại kẻ hèn vì ngập trong cõi “tục” mà suốt đời hèn hạ, kẻ lưu manh vì lú lẫn với danh lợi mà quanh năm lo thi thố lưu manh, kẻ ăn cướp vì bạc ác, bất nhân mà lúc nào cũng muốn đè đầu cưỡi cổ thiên hạ… Những loại như thế rốt cuộc (may ra) yên được một đời mình, sướng một đời mình, cùng lắm kéo dài đến đời con, đời cháu… Song dù chết xuống âm phủ thì cũng khó mà nhắm được mắt, trước sau cũng sẽ có lúc bị dựng dậy, bị nguyền rủa mãi đến muôn đời. Như thế mà vẫn không thấy ai thương xót thì thiên hạ phải chăng đã mù hết cả rồi?
Gã con trai hỏi:
- Học “thương” có lâu không?
Ông thầy bảo:
- Phàm ở đời, khiến được lòng mình nghĩa là hiểu mình. Mà hiểu mình là một việc vô cùng khó khăn. Cho nên học “thương” phải mất ít nhất năm mươi năm.
Gã con trai hỏi:
- Như con đây liệu có học được không?
Ông thầy bảo:
- Đã học đến “thương” nghĩa là đã ra khỏi chữ “mê”, không phải là học làm người nữa rồi. Chính ta cũng đang còn phải học đây. Bởi ngươi muốn học làm người cho nên trước sau chỉ có một môn chữ “mê” kia mà thôi.
http://phamluuvu.wordpress.com/cu%E1%BB%91i-nam-k%E1%BB%83-chuy%E1%BB%87n-v%E1%BB%81-m%E1%BB%99t-ga-di-c%E1%BA%A7u-tai/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét