Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

Nhà văn VŨ THƯ HIÊN: Mười Năm Tỵ Nạn

 "Đảng cộng sản Việt Nam như người đi đường không biết dùng bản đồ, cho nên thỉnh thoảng lại sa xuống hố. Mỗi lần lóp ngóp leo lên được thì Đảng lại hô vang thắng lợi. Cứ thế, Đảng dắt dẫn nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác"(Hà Sĩ Phu)


(VNN)

Lời giới thiệu của VNN: Cuối tháng 12 vừa qua, nhà văn Vũ Thư Hiên đến Nam California tham dự Hội Nghị Diên Hồng Hải Ngoại Bảo Toàn Đất Tổ được tổ chức tại đây. Nhân dịp này, hãng thông tấn VNN (www.vnn-news.com) đã hân hạnh được tác giả "Đêm Giữa Ban Ngày" dành cho một cuộc phỏng vấn đặc biệt dưới đây do phóng viên Võ Triều Sơn thực hiện. Xin kính mời quý vị theo dõi.

Sơ lược tiểu sử Nhà Văn Vũ Thư Hiên:

- Năm nay 69 tuổi. Xuất hiện trên văn đàn Việt Nam từ những năm đầu thập niên 50. Vợ con hiện vẫn còn ở trong nước.

- 1967 đến 1976: Bị tập đoàn Lê Duẫn - Lê Đức Thọ giam cầm khắc nghiệt trong vụ án có tên là ‘‘Tổ chức chống Đảng, chống Nhà nước ta, đi theo chủ nghĩa xét lại hiện đại và làm tình báo cho nước ngoài’’.

- 1993: Trong một dịp sang Cộng Hòa Nga làm việc cho một công ty thương mãi, Ông đã tìm cách ở lại Nga.

- 1995: Vì bị công an CSVN tìm cách hãm hại khi biết Ông đang viết cuốn Đêm Giữa Ban Ngày, Ông phải trốn sang Ba Lan.

- 1997: Ông tỵ nạn chính trị tại Pháp để tránh sự truy lùng của CSVN.

- Hiện Ông cư trú tại Nuremberg, theo lời mời của Văn Bút Đức.

***
- VNN: Trước hết, xin Ông cho biết cuộc sống của Ông cùng quý quyến hiện nay ra sao và thân nhân gia đình ruột thịt ở quê nhà hiện như thế nào? Họ có bị nhà cầm quyền thường xuyên gây áp lực vì những hoạt động của Ông ngoài nầy không?
- Nhà Văn VŨ THƯ HIÊN: Tôi hiện ở Nuremberg, một thành phố ở miền Nam nước Đức, thuộc bang Bavaria, theo lời mời của Văn Bút Đức và Hội đồng thành phố. Vợ con tôi vẫn còn ở trong nước. Các con tôi đã lớn, đã có gia đình riêng, có công việc ổn định. Thời nay đã khác trước, vợ con tôi không còn bị hành hạ, bị làm phiền, như đã từng phải chịu đựng trong hai thập niên 60-70. Mẹ tôi mất năm ngoái, sau cha tôi 6 năm. Tôi là con trưởng nhưng tôi không thể trở về để đưa cụ đến nơi an nghỉ cuối cùng. Đó là nỗi đau lớn nhất của tôi trong thời gian 10 năm ly hương. Tôi được an ủi rất nhiều khi được tin gần hai ngàn người đã tới chia tay với cụ, như một biểu lộ thầm lặng của tâm trạng bất bình đối với cách hành xử của nhà cầm quyền dành cho những nhà cách mạng thuộc lớp đầu tiên còn sót lại.

- VNN: Năm nay, 2003, tròn mười năm Ông tỵ nạn chính trị tại Hải ngoại. Ông cảm nghĩ ra sao về mười năm qua?
- VŨ THƯ HIÊN: Mười năm trôi qua thật là nhanh. Nhanh quá! Tôi buồn khi cảm thấy mình chưa làm được bao nhiêu so với những gì mình dự định làm. Nhưng thời gian lại đi chậm biết bao khi ta chờ đợi những đổi thay trên đất nước!

- VNN: Ông có những so sánh như thế nào về cảm hứng sáng tác trong mười năm ấy với thời gian Ông ở trong nước? Những hỗ trợ của các tổ chức như Nghị Hội Các Nhà Văn Quốc Tế, Văn Bút Đức v.v.. dành cho Ông có ảnh hưởng ra sao đối với sự sáng tác của Ông?
- VŨ THƯ HIÊN: Đối với người cầm bút không có nguồn cảm hứng nào thay thế được nguồn cảm hứng dạt dào từ môi trường sống quen thuộc. Tuy nhiên, nếu chẳng may bị hoàn cảnh đặt vào một môi trường xa lạ, nhà văn vẫn cứ sáng tác được như thường, kinh nghiệm của những nhà văn lưu vong cho thấy như vậy. Nỗi nhớ da diết về quê hương, đất nước, những suy ngẫm day dứt về số phận đồng bào trong họ đã làm nảy sinh không ít những tác phẩm giá trị. Soljenitsy, Remarque, Brotsky vv... viết trong thời gian lưu vong vẫn là những sáng tác bậc thầy. Họ thường nói rằng nếu họ được ở quê hương mình thì sáng tác của họ sẽ dồi dào hơn, nhưng ta không thể nói rằng chất lượng các tác phẩm ra đời trong hoàn cảnh lưu vong là kém cỏi.
Sự hỗ trợ của các tổ chức như Nghị Hội Các Nhà Văn Quốc Tế (IPE), các tổ chức thuộc Văn Bút Quốc Tế vv... có tác dụng thế nào đối với sự sáng tác của những nhà văn lưu vong?
Nói ngắn là tốt, rất tốt. Nhà văn lưu vong được giúp đỡ trong cuộc sống, cảm thấy được an ủi, được nâng đỡ, trong tình bè bạn... Nhưng tất cả những cái đó không thể thay thế cho những gì nhà văn cần có như ý thức về trách nhiệm của người cầm bút, sự lao động cần cù, và trước hết là tài năng. Nhân nói về ý thức trách nhiệm, tôi nhận thấy ở hoàn cảnh lưu vong nhà văn thường coi trọng ý thức công dân đối với vận mệnh dân tộc, quốc gia hơn là cảm hứng sáng tác. Điều đó chẳng có gì đáng tiếc, cũng như chẳng có gì đáng ân hận. Nhà văn lưu vong không phải là một nhà văn nói chung trong hoàn cảnh bình thường. Anh ta trước hết là một người như mọi người, anh ta có nghĩa vụ phải chiến đấu cho quyền lợi của cộng đồng như bất kỳ thành viên nào khác. Thật là may mắn cho nhà văn nào tìm được sự kết hợp ý thức công dân với cảm hứng sáng tác trong hòan cảnh sống bên ngoài đất nước.

- VNN: 9 năm Kháng chiến giành độc lập, 9 năm trong lao tù khắc nghiệt và 10 năm xa quê hương, thời gian nào đã làm cho Ông phải suy nghĩ nhiều nhất?
- VŨ THƯ HIÊN: Tôi thích hướng tầm mắt về tương lai hơn là ngoái nhìn quá khứ. 9 năm kháng chiến giành độc lập là thời gian cho một mục tiêu đơn giản và duy nhất: chiến đấu cho dân tộc thoát khỏi thân phận nô lệ. 9 năm trong nhà tù xã hội chủ nghĩa là thời gian cho phép ta rà soát lại cái mô hình xã hội quái gở, trong đó con người không được sống xứng đáng với con người. Mười năm xa quê hương là thời gian bận rộn hơn cả: vừa phải tham gia vào công việc chống lại chế độ chuyên chế cùng với đồng bào trong nước, vừa phải suy nghĩ, học hỏi, để tìm một mô hình xã hội cho đất nước trong tương lai. Đi nhiều nơi, chăm chú quan sát nhiều xã hội, tôi chẳng thấy đâu một mô hình nào được chế tạo sẵn cho chúng ta. Cách quản trị xã hội theo cách dân chủ chắc chắn tốt hơn theo cách độc tài rồi, ai cũng thấy như thế, nhưng ta phải tìm cho ta một mô hình xã hội tối ưu, thích hợp với thế giới hiện tại trong bối cảnh toàn cầu hóa với những tiến bộ chóng mặt về khoa học kỹ thuật, đồng thời vẫn giữ được bản sắc dân tộc. Mường tượng một mô hình như thế, tôi thấy vô vàn khó khăn hiện ra, nhưng thật là hạnh phúc nếu mình được cùng với đồng bào kiến tạo một xã hội dân chủ trong tương lai.

- VNN: Sau Đêm Giữa Ban Ngày, Ông có dự tính viết một tác phẩm nào tầm cỡ hoặc lớn hơn thế nữa không?
- VŨ THƯ HIÊN: Tôi không có nhiều dự định sáng tác. Không phải tôi làm việc theo kiểu gặp chăng hay chớ, nhưng tôi tuân theo những thôi thúc nội tâm nhiều hơn là tuân theo những kế hoạch được vạch trước. Sau "Đêm Giữa Ban Ngày", tôi không có thời gian để nghĩ tới một cái gì đó dài hơi. Tuy nhiên, thỉnh thoảng tôi cũng có thời gian để viết truyện ngắn. Nó là thứ không lấy mất của mình quá nhiều thời gian và đòi hỏi sự tập trung tư tưởng cao độ. Trong tháng này, một tập truyện ngắn của tôi sẽ ra mắt bạn đọc ở Hoa Kỳ.

- VNN: Ông sinh trưởng trong một gia đình truyền thống Cách mạng chống bạo lực độc tài và cũng đã cùng gia đình gánh chịu biết bao thảm khốc vì lý tưởng Cách mạng đó. Ngày hôm nay, Ông có những suy nghĩ gì về hoàn cảnh của đất nước Việt Nam và ước nguyện của Ông ra sao về tương lai của quê hương yêu dấu nầy?
- VŨ THƯ HIÊN: Tôi không bao giờ nghĩ về gia đình tôi như là nạn nhân tồi tệ nhất của nền cai trị độc tài. Nhiều gia đình Việt Nam cũng chung số phận với gia đình tôi, có thể ít bất hạnh hơn một chút, hoặc có thể bất hạnh hơn rất nhiều. Niềm mong ước cho tương lai của tôi là niềm mong ước chung của tất cả mọi người VN: một nước VN của chung, không phải của riêng một đảng phái nào, hoặc một nhóm người nào. Đất nước phải là nơi ngự trị của tình thương yêu, là nơi mọi người có quyền ngang nhau trong những cơ hội tiến thân cũng như trong sự lựa chọn mỗi bước đi cho toàn thể cộng đồng dân tộc.

- VNN: Cảm ơn Ông. Quyển ‘‘Ho Chi Minh (a life)’’ của William J. Duiker xuất bản mới đây đã được một số sử gia Mỹ nổi tiếng như Douglas Pike, Marilyn Young, Stanley Karnow cũng như tờ Washington Post khen ngợi, cho rằng đây là quyển tiểu sử đầy đủ nhất về Ông Hồ Chí Minh. Ông nhận định như thế nào về quyển sách nầy và sự đánh giá như thế của những vị trên đây?
- VŨ THƯ HIÊN: Tôi không rõ ông William J. Duiker năm nay bao nhiêu tuổi. Nếu ông ta còn trẻ, ông ta sẽ còn cơ hội nhận định lại một số nhận định trong cuốn sách dựa trên những tài liệu thu thập được của người khác. Nếu ông ta đã già, tôi chắc có lúc ông ấy sẽ lấy làm tiếc đã viết những điều mình không biết rõ.

- VNN: Theo tác giả Minh Võ trình bày trong một bài viết mới đây trên Thế Kỷ 21 số 161, tháng 9.2002, trong tác phẩm đó, William J. Duiker đã trách hai chính phủ Pháp và Mỹ đã bỏ lỡ cơ hội không bắt tay Hồ Chí Minh khi ông giơ tay cho họ bắt lúc ông mới về nước, nên đưa tới hậu quả thảm khốc cho nhân dân Việt Nam và cho cả thế giới. Ông nghĩ sao về nhận định nầy của William J. Duiker?
- VŨ THƯ HIÊN: Người Mỹ có quyền tự do ngôn luận. Ông William J. Duiker có quyền trách hai chính phủ Pháp và Mỹ đã bỏ lỡ cơ hội không bắt tay ông Hồ Chí Minh khi ông Hồ giơ tay cho họ bắt vào năm 1946, cũng như vào một năm nào khác. Ông Duiker có thể tiếc nuối nhiều nữa trong những lập luận của ông, tiếc thay, toàn dựa trên sự giả định lịch sử. Về cái bắt tay mà ông Duiker lấy làm tiếc đã không xảy ra, tôi có thể có ý kiến phản bác dựa trên cơ sở những hiểu biết cá nhân của tôi về ông Hồ, nhưng tôi sẽ không bỏ thời giờ làm việc đó. Ông Hồ không phải là chuyện quan trọng đối với dân tộc Việt Nam trong ngày hôm nay. Chúng ta sẽ bàn về quá khứ vào một lúc rảnh rỗi hơn. Tương lai bao giờ cũng quan trọng hơn quá khứ.

- VNN: Trước đây, những lần Liên Sô và Trung Quốc tranh chấp nhau quyết liệt, Ông Hồ Chí Minh, trong thâm tâm, thường ủng hộ quan điểm bên nào? Xin Ông giải thích rõ tại sao?
- VŨ THƯ HIÊN: Cũng là chuyện quá khứ rồi mà. Liên Xô không còn nữa. Nó đã bị xóa sổ. Trung Quốc tư bản đỏ không gây sự với nước Nga tư bản xanh. Trung Quốc chỉ bắt nạt Việt Nam nửa nạc nửa mỡ mà thôi. Theo cách đánh giá con người Hồ Chí Minh của tôi, thì nếu ông ấy còn sống, ông ấy hẳn sẽ biết cách xử sự với Trung Quốc khôn ngoan hơn nhiều so với lớp hậu bối của ông ấy bây giờ. Hồ Chí Minh đã có tội trong việc cho Phạm Văn Đồng thừa nhận thứ lãnh hải càn rỡ của Trung Quốc để một phần lãnh thổ Việt Nam ở Biển Đông nằm lọt vào đó, trong bối cảnh cuộc chiến tranh Nam Bắc. Nhưng rất có thể ông ấy sẽ không làm điều đó trong bối cảnh hiện tại. Nhưng thôi, tôi lại giả định lịch sử mất rồi, cho dù sự giả định này dựa trên những hiểu biết khá rõ và khá chắc của cá nhân tôi đối với ông Hồ Chí Minh. Theo chỗ tôi biết, ông Hồ Chí Minh là người hiểu âm mưu bành trướng của Trung Quốc hơn hẳn những người cầm quyền cộng sản Việt Nam khác, về nhiều mặt ông cũng Việt Nam hơn hẳn họ. Nhà cầm quyền hiện nay không mang trong lồng ngực trái tim Việt Nam. Trong nền kinh tế thị trường sinh sau đẻ muộn, mọi sự đối với họ đều là hàng hóa, khác nhau chỉ ở cái giá.

- VNN: Cảm ơn Ông. Ông có tin tức gì mới về Anh Nguyễn Tất Trung, người con của Ông Hồ Chí Minh với Bà Nguyễn Thị Xuân mà Ông đã đề cập đến trong Đêm Giữa Ban Ngày? Nhân đây, cũng xin được hỏi Ông: việc hôn nhân giữa Ông Hồ với Bà Xuân bất thành là do ý muốn của Ông Hồ hay do quyết định của mấy ông trong Bộ Chính Trị lúc ấy?
- VŨ THƯ HIÊN: Về chuyện đời tư của ông Hồ Chí Minh tôi ít quan tâm. Đơn giản là vì tôi ít thời giờ. Và tôi không thấy nó quan trọng bên cạnh những vấn đề khác của đất nước. Xin hiểu đúng cho là như vậy và đừng hiểu là tôi né tránh, không muốn đụng chạm tới vùng cấm kỵ đối với nhiều người Việt Nam. Tôi cũng không có ý định tìm hiểu để viết về ông ấy một cuốn sách, dù mỏng. Thay vì viết một cuốn sách như thế, tôi sẽ để thời giờ làm việc khác. Tôi nghe nói anh con trai Nguyễn Tất Trung của ông vẫn còn sống, trong sự quên lãng hoàn toàn. Người ta nói nhiều tới một người con khác, có thể là con ông Hồ, mà cũng có thể là sự nhận xằng. Không hề có việc hôn nhân của ông Hồ với bà Xuân mà bạn gọi là bất thành, bởi vì, theo chỗ tôi biết, ông Hồ chưa bao giờ có ý định lấy bà Xuân làm vợ. Người vợ chính thức, có cưới xin hẳn hoi, là bà Tăng Tuyết Minh, người Tàu, có thể sang Việt Nam ở với ông ấy mà ông ấy còn không cho sang nữa là. Bà ấy chỉ được phép bí mật sang thăm ông ấy một lần ở Hà Nội, chuyện này ông Duiker không biết. Tôi có gặp người đã có mặt trong cuộc trùng phùng không cảm động đó, được nghe người đó kể lại chi tiết. Anh ta sẵn sàng kể lại cho bạn nghe, nhưng không lấy chuyện đó làm hứng thú.

- VNN: Trả lời một cuộc phỏng vấn mới đây của Nguyệt san Việt Nam Dân Chủ sau cái chết của Ông Trần Độ, Ông có nói rằng: Đúng là Ông Trần Độ phê phán nhằm cứu cái Đảng mà Ông ấy đã theo, nhưng đó là cái Đảng đáng lẽ phải có, một cái Đảng lý tưởng, tiếc thay, chỉ tồn tại trong những cái đầu lãng mạn. Xin ông giải thích rõ về điều nầy và theo nhận định của Ông, một Đảng cần thiết nhất để có thể giải quyết được tình hình Việt Nam hiện nay phải như thế nào?
- VŨ THƯ HIÊN: Sau những thất bại của các phong trào cách mạng chủ trương phục hồi chế độ quân chủ hồi đầu thế kỷ trước là sự hình thành và phát triển các đảng phái có xu hướng dân chủ, kể cả các đảng phái tự xưng cộng sản. Đơn giản vì lúc bấy giờ lý thuyết mác-xít chưa thâm nhập vào nước ta. Sự hình dung về một xã hội dân chủ sẽ ra đời sau khi cách mạng thành công là sự hình dung phổ biến trong những người cách mạng, bất kể họ là ai, Quốc dân đảng hay Cộng sản. Ông Trần Độ không phải là ngoại lệ. Cái xã hội mà Đảng cộng sản dựng nên không phải là cái xã hội mà ông ấy hình dung, cho nên ông Trần Độ đã đòi nó phải như ông ấy muốn có, không được thế thì ông ấy chống lại. Trần Độ là con người sống với lý tưởng, không phải là người đi với cách mạng để được chia quả thực. Tôi nói ông Trần Độ muốn cứu cái Đảng mà Ông ấy đã theo, cái Đảng đáng lẽ phải có, cái Đảng lý tưởng mà ông ấy hình dung trong cái đầu lãng mạn của ông ấy là theo ý nghĩa đó. Ông ấy nhầm, và ông ấy kiên quyết sửa chữa sai lầm. Tôi là người yêu quý Trần Độ. Người thừa nhận sai lầm và kiên quyết sửa chữa sai lầm là người đáng được tôn trọng. Trần Độ là người đến cùng trong những kết luận rút ra từ nhiều năm suy ngẫm. Nhân đây xin nói rằng việc Trần Độ rút lui ý kiến chống lại vụ ký kết lén lút Hiệp định biên giới giữa hai tập đoàn cầm quyền Trung-Việt là một sự xuyên tạc. Ông khẳng định điều đó trong một cuộc điện đàm với tôi, với giọng tức giận, một tháng trước khi ông qua đời.
Tôi không thấy và không tin vào một đảng nào có thể một mình giải quyết tình hình Việt Nam. Một đảng, cho dù là đảng có danh xưng dân chủ, trong trường hợp đó sẽ nhanh chóng biến thành đảng độc tài, và dân tộc bất hạnh của chúng ta sẽ rơi vào tình cảnh tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa. Bạn hãy nhìn vào vài tổ chức tự xưng dân chủ ở hải ngoại thì thấy: có không ít những tộc trưởng lạc thời cho rằng chỉ có tổ chức của ông ta mới đích thực dân chủ, chỉ có tổ chức của ông ta mới là duy nhất đúng đắn và vô cùng sáng suốt. Tôi sẽ do dự trong sự lựa chọn giữa một tổ chức như thế với đảng cộng sản đang cầm quyền. Đấu tranh với một đối thủ mình đã biết dễ hơn là với một đối thủ chưa biết, tệ hơn nữa là ta lại còn bị nể nang đối thủ trong sự lầm lẫn vì cái nguỵ danh của nó.

- VNN: Qua bài phỏng vấn trên cũng như nhiều bài phỏng vấn khác trước đây, Ông đã bày tỏ sự tha thiết về một khối đoàn kết rộng lớn nhằm chống lại bạo lực độc tài hiện nay tại Việt Nam. Theo Ông, mẫu số chung nào được xem là lớn nhất cho khối đoàn kết đó?
- VŨ THƯ HIÊN: Mẫu số chung cho sự đoàn kết là quyền lợi của Tổ quốc. Không có mẫu số nào khác.

- VNN: Có chủ trương nên gọi những người như Hòa Thượng Thích Quảng Độ, quý Ông Phạm Quế Dương, Trần Khuê, Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Đan Quế, Hòang Minh Chính, Lê Chí Quang, Nguyễn Vũ Bình v.v.. là những Người Tranh Đấu Cho Dân Chủ Việt Nam trong nước thay vì gọi họ là những người đối kháng, đối lập... Ông nghĩ sao về chủ trương nầy?
- VŨ THƯ HIÊN: Gọi những người đang đấu tranh chống chế độ độc tài vì một nền dân chủ là các nhà dân chủ theo tôi là đúng hơn cả với nội dung và hình thức cuộc đấu tranh mà họ (và cả chúng ta nữa) đang tiến hành. Gọi bằng đối lập hay đối kháng, theo cách của giới truyền thông ngoại quốc, cũng không sao. Cái áo không làm nên nhà sư.

- VNN: Thời gian gần đây, trong hàng ngũ những người tranh đấu cho Dân Chủ Việt Nam trong nước xuất hiện nhiều khuôn mặt trẻ như các Anh Lê Chí Quang, Nguyễn Khắc Toàn, Nguyễn Vũ Bình, Phạm Hồng Sơn... Ông nhận định thế nào về sự kiện nầy?
- VŨ THƯ HIÊN: Những người trẻ tuổi có mặt ngày một đông trong hàng ngũ những nhà dân chủ ở trong nước là một tín hiệu tốt, rất tốt. Tuy nhiên, những vị mà bạn vừa nêu tên cũng không phải là trẻ lắm đâu. Ở các nước khác trong độ tuổi của họ có nhiều bộ trưởng đấy. Thậm chí tổng thống nữa. Đó là những người đã xuất đầu lộ diện, là những người mà chúng ta đã biết. Số người mà chúng ta không biết, những người đang âm thầm làm công việc chống lại nền độc tài đông hơn nhiều. Xin hãy tin tôi: đó là sự thật.

- VNN: Là người thường xuyên theo dõi tình hình và liên lạc về trong nước, Ông nhận định thế nào về tâm trạng chung hiện nay của đại khối quần chúng Đảng viên Đảng CSVN trước hành động bán nước của Lãnh đạo Đảng?
- VŨ THƯ HIÊN: Do sự bưng bít thông tin nên Hiệp định về biên giới mà Đảng cộng sản vừa ký với Trung Quốc không được nhiều người biết lắm đâu. Cộng với thói quen ‘'makeno’' (mặc kệ nó) tồn tại nhiều năm, dân chúng tỏ ra không mấy quan tâm đến chuyện biên giới. Bề nổi thì thế, nhưng bên trong người ta xì xào nhiều lắm. Tôi biết có những người ra ngoại quốc theo diện thăm thân nhân đã bỏ những ngày hiếm hoi của mình để ngốn ngấu đọc những tài liệu không thể có ở trong nước. Họ muốn tìm hiểu ngọn nguồn sự việc. Trong nội bộ, Đảng cộng sản phổ biến cho các đảng viên rằng Đảng buộc phải ký Hiệp định biên giới để sau khi cắm lại mốc rồi Trung Quốc sẽ không lấn chiếm thêm nữa. Nhưng khi bị các đảng viên hỏi lại: vậy Đảng lấy gì bảo đảm sau khi ký Trung Quốc sẽ không tiếp tục lấn chiếm nữa thì không người đi phổ biến nào trả lời được. Chưa bao giờ Đảng cộng sản lại mất uy tín trong quần chúng đảng viên như bây giờ. Hiệp định bất bình đẳng về lãnh thổ và lãnh hải đã trở thành tấm kính chiếu yêu soi rõ bộ mặt dơ dáy và càn rỡ của những kẻ tự xưng được lịch sử lựa chọn làm người dẫn đường cho dân tộc.

- VNN: Khối quần chúng Đảng viên nầy, trực tiếp hay gián tiếp, cũng đã góp phần vào việc hình thành bộ phận Lãnh đạo Đảng hiện nay. Vậy theo Ông nghĩ, họ có trách nhiệm gì không trước dân tộc và lịch sử đối với hành động bán nước nầy của Lãnh đạo Đảng? Tại sao?
- VŨ THƯ HIÊN: Sau khi chiếm được chính quyền, nhất là sau khi chiếm được chính quyền trên cả nước, Đảng cộng sản đã cột chặt các đảng viên của nó vào với hệ thống quyền lực do nó thao túng bằng đủ các thứ quyền lợi. Mọi tội lỗi mà ban lãnh đạo Đảng gây ra, đều có phần của các đảng viên góp vào, và cả Đảng phải chịu trách nhiệm trước lịch sử. Tuy nhiên, chính sự phân hóa ngày một sâu rộng trong hàng ngũ Đảng cộng sản cho ta thấy ngày càng có nhiều đảng viên nhận ra bộ mặt phản dân hại nước của bộ phận lãnh đạo mà xa rời hàng ngũ cộng sản trong tâm tưởng, đứng về phía nhân dân. Chính quyền dân chủ trong tương lai vẫn cần tới bàn tay của những người cộng sản phản tỉnh trong việc phá tan hệ thống độc tài, xây dựng dân chủ. Họ là một bộ phận không thể thiếu trong xã hội tương lai, nhưng không còn với tư cách người cộng sản, mà với tư cách người dân chủ.

- VNN: Ông nhận định như thế nào về những thay đổi rất lớn có tính nền tảng của Cộng sản Trung Quốc sau Đại Hội Đảng Lần thứ 16 vào tháng 11 vừa qua? Theo Ông, những thay đổi ấy sẽ ảnh hưởng đến tình hình Việt Nam không? Nếu có thì như thế nào?
- VŨ THƯ HIÊN: Từ nhiều năm nay chế độ cộng sản Trung Quốc đã thay đổi thể xác và hình hài không phải một lần. Từ một đảng cướp nông dân pha màu sắc tôn giáo với Đấng cứu thế là Mao Trạch Đông (chứ không phải Marx) đảng này đã mau chóng biến thành một triều đình phong kiến mở rộng với hệ thống phân chia quả thực phức tạp sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập năm 1949. Trải qua rất nhiều thăng trầm với số dân bị chết tính hàng triệu, những nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu ra rằng Trung Quốc cộng sản chỉ có thể sống sót nếu chịu thay đổi. Thay đổi nhưng không chịu mất quyền - đó là đường lối nhất quán của Trung Hoa Đỏ. Đại Hội Đảng Lần thứ 16 vào tháng 11 vừa qua chỉ là sự hợp thức hóa sự có mặt đương nhiên của tầng lớp tư sản mới trong hệ thống cai trị. ‘'Khi ở Bắc Kinh có báo mưa thì ở Hà Nội người ta mang ô’' là câu nói bạn có thể nghe thấy ở Hà Nội. Tôi tin rằng chẳng bao lâu sau Hà Nội sẽ tự thay đổi áo quần theo cách của Bắc Kinh, với những bước đi dò dẫm và cặp mắt láo liên dò ý tứ quan thầy. Theo voi hít bã mía là đường lối quen thuộc của Đảng cộng sản Việt Nam.

- VNN: Có nhận định cho rằng đây cũng là một cơ hội tốt cho CSVN lột xác nhân Đại Hội Đảng Lần thứ 12 vào năm 2006 hầu có thể tránh được một sự sụp đổ hoàn toàn. Ông nghĩ sao về nhận định định nầy?
- VŨ THƯ HIÊN: Tôi không thích cụm từ lột xác. Hình như nó không được chính xác cho lắm. Tôi cho rằng cái mà ta sẽ được chứng kiến nên gọi là hiện tượng nòng nọc đứt đuôi. Con cóc rời bỏ nước ao và chối bai bải rằng nó không hề là nòng nọc. Thế đấy. Gần đây người ta quan sát thấy có sự xuất hiện những tiếng nói lên án nhiều hành động của Đảng cộng sản trong quá khứ, đổ lỗi cho những cá nhân cầm quyền đã chết, ở trong những cuốn sách ‘'lưu hành nội bộ’'. Chẳng hạn như cuốn ‘'Việt Nam Và Thế Kỷ 20’' do Bộ Ngoại giao vừa ấn hành. Nếu các bạn tìm được thì nên đọc. Lạ lắm. Khó tưởng tượng được có một lúc những người cộng sản cầm quyền cho phép nói về những sai lầm của Đảng bằng những lời lẽ nặng nề đến như thế. Bạn nói về một cơ hội mà Đảng cộng sản muốn nắm lấy để tránh sự sụp đổ hoàn toàn ư? Cơ hội để làm việc đó thì lúc nào mà chẳng có, vấn đề là người ta có ý muốn ấy hay không? Và trước hết, theo tôi, họ cần phải có bộ óc minh mẫn để nhận ra sai lầm, có trái tim lương thiện để biết sám hối. Tôi thích câu nói của ông Hà Sĩ Phu: "Đảng cộng sản Việt Nam như người đi đường không biết dùng bản đồ, cho nên thỉnh thoảng lại sa xuống hố. Mỗi lần lóp ngóp leo lên được thì Đảng lại hô vang thắng lợi. Cứ thế, Đảng dắt dẫn nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác". Tôi chưa nhìn thấy những dấu hiệu sụp đổ cái rụp của chế độ độc tài, như chuyện đã xảy ra với Liên Xô, Rumania. Nhưng tôi tiên đoán sẽ có những con nòng nọc theo nhau đứt đuôi. Điều quan trọng là ta phải hiểu rằng muốn kết thúc chế độ độc tài vẫn còn đang kìm hãm đất nước và gây ra tai hoạ thì mỗi người Việt Nam phải làm một cái gì đó cho tiến trình dân chủ hóa. Với tình yêu quê hương và trách nhiệm trước bản thân cũng như trước con cháu. Không thể há miệng chờ sung được.

- VNN: Cảm ơn Ông. Được biết Ông vừa tham dự Hội Nghị Diên Hồng Hải Ngoại Bảo Toàn Đất Tổ (DHHNBTĐT) tại Nam California, xin Ông cho biết cảm nghĩ về Hội Nghị nầy như thế nào?
- VŨ THƯ HIÊN: Tôi đến dự Hội Nghị Diên Hồng Hải Ngoại Bảo Toàn Đất Tổ (DHHNBTĐT) tại Nam California với tư cách cá nhân. Tôi không đại diện cho một tổ chức nào. Tôi là một người cầm bút độc lập. Tôi đến dự để chia sẻ mối quan tâm của mọi con dân nước Việt đối với việc bảo toàn đất đai của cha ông để lại. Tôi vui thấy trong Hội nghị này mọi người có chung cảm nghĩ với tôi.

- VNN: Cộng Đồng Việt Nam Hải ngoại, đặc biệt là giới Truyền thông, nói chung, đã đánh giá cao những thành quả của Hội Nghị. Ông thẩm định thế nào về ảnh hưởng của những thành quả của Hội Nghị đối với tiến trình Dân chủ hóa Việt Nam?
- VŨ THƯ HIÊN: Tôi cho rằng ý muốn tìm một sự đồng thuận lớn giữa các tổ chức khác nhau trong Cộng Đồng Việt Nam Hải ngoại đã đạt được kết quả bước đầu như vậy là tốt. Tôi không chờ đợi cái gì hơn. Sự đồng thuận của khối người Việt hải ngoại rất có ảnh hưởng mạnh mẽ tới cuộc đấu tranh cho dân chủ hóa đất nước. Sự đồng thuận càng lớn thì niềm tin ở thắng lợi của những người đấu tranh cho dân chủ ở trong nước càng lớn. Và như thế thắng lợi càng gần.

- VNN: Cảm ơn Ông. Trong khi Hội Nghị DHHNBTĐT đang diễn ra thì trong nước, nhà cầm quyền độc tài lại mở ra một cuộc đàn áp mới, họ đã liên tiếp bắt giữ hai Nhà Tranh Đấu Cho Dân Chủ Việt Nam Phạm Quế Dương và Trần Khuê cùng với phu nhân Ông Phạm Quế Dương và ký giả Hồ Thu. Ông nhận định thế nào về những cuộc đàn áp mới nầy của nhà cầm quyền độc tài?
- VŨ THƯ HIÊN: Họ không thể không đàn áp khi thấy phong trào đấu tranh cho dân chủ đang lớn lên, với sự đồng thuận trong ngoài. Nhưng họ sẽ không quên sắm vai dân chủ, đối với họ là bộ mặt không thể thiếu trong sự tồn tại chung đụng với cộng đồng các quốc gia trên toàn thế giới. Bắt rồi thả để tỏ ra mình có thiện chí thực hành dân chủ là bài bản quen thuộc của Bắc Kinh, mà Hà Nội không thể không học. Điều ta biết chắc là sự đàn áp không thể làm chùn bước những nhà dân chủ. Ta hãy chờ xem Hà Nội giở trò gì thêm trong thời gian tới?

- VNN: Qua những phiên tòa mới đây xử các Nhà Tranh Đấu Cho Dân Chủ Việt Nam trẻ tuổi Lê Chí Quang và Nguyễn Khắc Toàn cùng với những cuộc đàn áp mới trên đây của nhà cầm quyền độc tài, theo Ông nghĩ, đồng bào Hải ngoại cần thiết nhất phải làm gì trong lúc nầy? Nhân đây, Ông có điều gì muốn nói cùng tuổi Trẻ Việt Nam Hải ngoại không?
- VŨ THƯ HIÊN: Người Việt Nam ở hải ngoại là một hậu phương của người Việt đang đấu tranh cho dân chủ ở trong nước. Chúng ta đều biết mình nên làm gì, mình có thể làm được gì. Sự cổ võ tinh thần, tốt. Sự giúp đỡ vật chất, cũng tốt. Kêu gọi dư luận quốc tế lên án những hành vi bạo ngược, phi nhân của nhà cầm quyền, tốt lắm. Nói tóm lại, cái mà chúng ta cần là hành động. Tôi sung sướng được thấy lớp trẻ sống xa nước vẫn mang trong trái tim đập cùng nhịp với tuổi trẻ hướng về tương lai dân chủ ở quê hương. Chúc các bạn trẻ chân cứng đá mềm.

- VNN: Xin Ông một câu hỏi cuối: Bước vào năm mới, Ông nhận định thế nào về triển vọng của công cuộc đấu tranh cho tiến trình Dân chủ hóa Việt Nam?
- VŨ THƯ HIÊN: Tôi là một người lạc quan thâm căn cố đế. Tôi cho rằng trong tình hình thế giới hiện nay, khi tất cả các dân tộc trên hành tinh đã quần tụ trong cuộc sống chung dưới một mái nhà, những quốc gia muốn tách khỏi cộng đồng các quốc gia sẽ trở thành dị vật trong cơ thể nhân loại và sẽ bị đào thải. Như Liên Xô đã bị đào thải để ra đời một nước Nga và nhiều nước khác đang vất vả hoặc thuận lợi xây dựng xã hội dân chủ. Những biến cố xảy ra trên thế giới sẽ giúp cho quá trình biến đổi đó nhanh thêm. Năm nay sẽ là một năm khó khăn của thế giới, nhưng như các cụ ta thường nói: "Trong cái khó sẽ ló cái khôn". Chính trị là nghệ thuật của những thỏa hiệp. Cần phải bằng nhiều cách khác nhau dồn con thú độc tài vào chân tường, có thể chưa hạ được ngay nó, nhưng bắt nó phải chịu hết thoả hiệp này đến thoả hiệp khác, để đi dần tới cái đích mà ta nhắm tới. Để làm được việc đó phải hành động, hành động, và hành động. Bằng bất cứ cách nào có thể làm.

- Võ Triều Sơn: Đại diện cho hãng thông tấn VNN, chúng tôi xin chân thành cảm tạ nhà văn Vũ Thư Hiên đã dành nhiều thì giờ quý báu cho VNN thực hiện cuộc phỏng vấn rất hữu ích nầy. Nhân dịp năm mới, xin kính chúc Ông cùng quý quyến và tất cả bà con nội ngoại bên nhà được mọi sự tốt lành và thành đạt như ước nguyện./.
http://themmotniemvui.blogspot.com/2014/07/nha-van-vu-thu-hien-muoi-nam-ty-nan.html

1 nhận xét:

  1. Chiến dịch săn bắt cá sấu - cá mập rửa tiền tại Hải ngoại trên xương máu hàng triệu đồng bào Dân oan

    VŨ THƯ HIÊN Ngày giữa ban đêm ĐÃ và ĐANG RỬA TIỀN TẠI PHÁP từ 2005
    ĐỌC TIẾP TẠI :
    http://hanoiparis.com/construct.php?page=actutxt&idfam=41&idactu=493

    Giáo hoàng Francis đã gọi Tham nhũng đi đôi với Rửa tiền là
    ''phần hoại tử của Nhân loại''.
    Thủ tướng Anh David Cameron đã mô tả tham nhũng là
    ''một trong những kẻ thù nguy hiểm nhất của sự tiến bộ
    xã hội trong thời đại của chúng ta''.

    Những BỌN ĐẶC CÔNG ĐỎ ngụy trang TỊ NẠN CHÍNH TRỊ rồi vào DÂN PHÁP, DÂN MỸ ...đang bắt tay với bọn hại Dân bán Nước ...
    Đúng bọn này là UNG THƯ đang vừa phá hủy VIỆT NAM và các nước PHÁP, MỸ ....

    Trả lờiXóa