Thứ Hai, 3 tháng 8, 2015

BÀI HỌC TỪ VỤ SỤP ĐỔ KHỐI CỘNG SẢN ĐÔNG ÂU VÀ LIÊN SÔ

Minh Võ

Không Viện Trợ Quân Sự hay bài viết về Cố Tổng Thống Ronald Reagan và Đức Giáo Hoàng John Paul II trong biến cố đưa đến sụp đổ của khối cộng sản Đông Âu.  Tác giả Minh Võ, chương 23, sách “Tâm Sự Nước Non” Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm và cuộc chiến Quốc Cộng. Hình ảnh chỉ có tính minh họa.
Tổng thống thứ 40 của Hoa Kỳ Ronald Reagan đã qua đời ngày thứ bảy 05-06-2004, hưởng thọ 93 tuổi. Nhiều nhân vật tên tuổi quốc tế đã lên tiếng ca ngợi ông là vĩ nhân và nhắc đến công lao của ông trong việc đánh sập khối cộng được tượng trưng bởi bức tường Bá Linh là nơi ông đã chỉ vào đó mà nói với cựu Tổng Thống Liên Xô Gorbachev rằng cần phải phá bỏ nó đi. Chính ông này đã phát biểu là nếu không có Reagan thì sự việc đã không xảy ra như nó đã xảy ra. Để ghi lại thành tích này, cựu Tổng Thống Bill Clinton, thuộc đảng Dân Chủ cũng phát biểu là nên khắc họa một mảnh của bức tường đó nơi tòa nhà mang tên Reagan đặt tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn.
Nhân dịp này chúng tôi xin cống hiến bạn đọc một số dữ kiện lịch sử liên quan đến công lao to tát của ông trong sự sụp đổ thình lình của khối cộng sản Đông Âu vào năm 1989.
Trước hết tưởng cũng nên thêm rằng trong việc đánh đổ khối cộng, ba vị tổng thống của đảng Cộng Hòa đã góp phần quyết định. Đó là Tổng Thống Nixon, Tổng Thống Bush (cha) và đặc biệt là Tổng Thống Reagan.
Tổng Thống Ronald Regan được đề nghị in hình trên tờ giấy bạc $50 US. Dollars.  Dưới: Diễn viên Ronald Regan của Hollywood trong film “Santa Fe Train”.
Người Việt Quốc Gia Hải Ngoại thường trách cố Tổng Thống Nixon bỏ rơi VNCH. Một số người Mỹ, vì lý do phản chiến hay một lý do nào khác, thường chê Tổng Thống Nixon “diều hâu, hiếu chiến”. Ngoài ra còn có vụ Watergate làm ông bị ô danh và phải từ chức.
Nhưng về phương diện chống cộng sản thì ai cũng phải công nhận Nixon là người có quyết tâm và chiến lược sách lược khôn khéo, tài tình. Ông đã can đảm rút đươc quân đội Mỹ đang sa lầy ở chiến trường VN về nước trong danh dự. Kế đó là sách lược “ngoại giao bóng bàn” với Bắc Kinh. Hiệp ước chổng phi đạn với Liên Xô. Rồi chiến dịch bao vây nước này bằng kinh tế… vân vân.
Đến thời Tổng Thống Reagan thì Liên Xô đã bị dụ vào cuộc chạy đua võ trang đến đứt hơi với kế hoạch phòng thủ chiến tranh giữa các vì sao (Star war). Rồi những cuộc tiếp xúc của R. Reagan, và G. Bush, với Gorbachev và Giáo Hoàng John Paul II (Gioan Phao-lô đệ nhị).
Và còn biết bao điều nằm trong những kế hoạch tối mật ít người biết. Cho đến khi mọi chuyện đã xong xuôi, đầu năm 1992, ta mới được biết rằng trong thập kỷ 80 giữa chính quyền Reagan của đảng Cộng Hòa và tòa thánh Vatican với đương kim giáo hoàng đã có một Liên Minh Bí Mật Thần Thánh với mục đích chung là đánh sập chế độ cộng sản ở Đông Âu, khởi sự từ Ba Lan, là nước rộng nhất (120,725 dặm vuông) và cũng đông dân số nhất (khoảng 35 triệu) với trên 80% là tín đồ công giáo.
Tại sao lại chọn Ba Lan làm khởi điểm?
Bởi vì Ba Lan là nước lớn nhất nằm ngay ở giữa và là tổng hành dinh của hiệp ước Varsovie, có biên giới chung với Liên Xô, Tiệp Khắc và Đông Đức. Vị giáo hoàng lúc ấy lại là người Ba Lan, đã từng là nạn nhân của cộng sản, rồi khi làm giáo hoàng còn bị CS thuê người ám sát mà không chết, cũng như chính Tổng Thống Reagan từng chết hụt trong một cuộc ám sát cách đó chỉ có sáu tuần.
Chỉ nguyên việc này cũng đủ làm cho Reagan tin rằng mọi sự đã được an bài theo sự quan phòng của Thượng Đế. Nói theo ngôn ngữ Á Đông thì đây là cái cơ duyên (hay duyên trời) khiến hai vĩ nhân của thời đại gần nhau, hợp tác với nhau để cùng chung sức đương đầu với sự ác.
Hai đoàn phụ tá cùng một quyết tâm tại Hoa Thịnh Đốn và Vatican
Một cơ duyên khác ở cấp thấp hơn là chung quanh Reagan lúc ấy có rất nhiều phụ tá tài ba là người công giáo rất mộ đạo cũng cùng một quyết tâm phá tan chế độ cộng sản vô đạo. Trong số này, có những khuôn mặt nổi bật như giám đốc Trung Ương Tình Báo William Casey, các cố vấn an ninh William Clark, Richard Allen, các đại sứ William Wilson (cạnh Vatican) và Vernon Walters (đại sứ Lưu Động) và ngay cả ngoại trưởng Alexander Haig. Về phía giáo quyền, tại Mỹ lúc ấy còn có Hồng Y John Kroll mà thân phụ sinh trưởng ở Balan, là vị hồng y có những mối liên hệ gắn bó nhất với Giáo Hoàng ở Vatican, và cũng là vị hồng y sẵn sàng đón tiếp những con chiên nhiều quyền lực trong chính quyền Reagan lúc ấy như Casey và Walters để mưu tính những kế hoạch mật nhằm cứu nhân loại khỏi họa cộng sản.
Sự tiếp xúc giữa các nhân vật quan trọng trong chính quyền Reagan với giáo hội Công Giáo không qua hệ thống giáo quyền thông thường mà qua cá nhân các yếu nhân như Giám Mục Bronislav Dabrowski phụ tá cho Hồng Y Glemp ở Ba Lan, hay Hồng Y John Krol ở Philadelphia.
Giám đốc CIA Casey và cố vấn an ninh Clark thường tiếp xúc và xin ý kiến của Tổng Giám Mục Pio Laghi vào những buổi sáng sớm, bàn thảo với ông về nhiều vấn đề thế giới, nhưng phần lớn đặt ưu tiên cho tình hình Ba Lan.
Liền sau khi lãnh tụ cộng sản Ba Lan, tướng Wojciech Jaruzelski tuyên bố thiết quân luật vào ngày 13 tháng 12 năm 1981, hạ lệnh bắt giam khoảng 6,000 lãnh tụ Công Đoàn Đoàn Kết (CĐĐK), xử tử chín người và cấm công đoàn này hoạt động, Tổng Thống Reagan liền gọi Giáo Hoàng để xin cố vấn. Ngoại Trưởng Haig cũng lập tức phái đại sứ lưu động Walters lên đường sang Vatican xin yết kiến Giáo Hoàng và Hồng Y Agostino Casaroli, Bộ Trưởng Ngoại Giao của Tòa Thánh. Walters đã đóng vai trò con thoi giữa Hoa Thịnh Đốn và Vatican đích thân gặp Giáo Hoàng tổng cộng 12 lần. Còn giám đốc CIA Casey thì hễ có dịp sang Âu Châu hay Trung Đông là lại ghé xin yết kiến Giáo Hoàng trước tiên.
Tại Hoa Thịnh Đốn, Tổng Giám Mục Pio Laghi cũng tới gặp đích thân Tổng Thống Reagan ít nhất là 6 lần. Và thường ông không vào cổng chính để tránh sự soi mói của phóng viên báo chí. Giám đốc CLA. Casey và cố vấn an ninh Clark cũng thường lén đến thăm TGM Laghi vào buổi sáng sớm để bàn cách đối phó với tình hình Ba Lan, nhất là để bàn thảo về những điều cần phải nhờ đến Giáo Hoàng.
Một ‘vị tử đạo cho sự thật – a martyr for the truth”. Logo của Công Đoàn Đoàn Kết với hình ảnh Linh Mục Jerzy Popiełuszko, tuyên úy công đoàn, người bị 3 tên mật vụ Balan hại chết, 1984.  Xem Link

Liên Minh không hiệp ước
Về phần tổng thống của siêu cường Mỹ thì ngày 7 tháng 6 năm 1982, ông đã đích thân lãnh đạo một phái đoàn đến triều yết vị lãnh tụ tinh thần của gần một tỉ người công giáo trên thế giới. Trong khi ông cùng với đức John Paul II đàm đạo tại thư viện Vatican (gần một tiếng đồng hồ), thì ở một văn phòng bên cạnh Ngoại Trưởng Haig cùng cố vấn an ninh Thẩm Phán William Clark cũng mật đàm với đức Hồng Y Agostino Casaroli, Bộ Trưởng Ngoại Giao Vatican và phụ tá ngoại trưởng là Tông Giám Mục Achille Silvestrini để bàn về những kế hoạch chi tiết.
Cố vấn an ninh đầu tiên của Tổng Thống Reagan là Richard Allen đã nói về kết quả cuộc gặp gỡ này như sau: “Đây là một liên minh bí mật vĩ đại nhất của mọi thời.” Tuy gọi là liên minh bí mật, nhưng thực ra chẳng có một mật ước thành văn nào giữa Vatican và Hoa Thịnh Đốn. Và cho đến nay mặc dù cơ quan truyền thông Mỹ đã tiết lộ một số sự việc do các yếu nhân Vatican và Hoa Thịnh Đốn thực hiện để đưa tới sự sụp đổ của Ba Lan, rồi Đông Âu… nhưng Vatican vẫn không hề hé môi xác nhận, phủ nhận hay bình luận gì về những tiết lộ của báo chí Hoa Kỷ.
 Kế hoạch phòng thủ chiến lược SDI tức Star War của Tổng Thống Regan.
Những kế hoạch chiến lược phi quân sự
Theo tiết lộ của tờ Time, trước khi đi gặp Giáo Hoàng, Tổng Thống Mỹ đã có sẵn kế hoạch tấn công toàn khối Xô Viết bằng những biện pháp sau:
– Sáng kiến phòng thủ chiến lược, thường được gọi là chiến tranh giữa các vì sao, nhằm lôi Liên Xô vào một cuộc chạy đua việt dã mà Hoa Kỳ nhìn thấy trước là đối thủ sẽ phải bỏ cuộc vì tài nguyên đã hầu cạn kiệt.
– Hoạt động bí mật nhằm khuyến khích những phong trào cải cách tại 3 nước Hung, Tiệp và nhất là Ba Lan.
– Viện trợ tài chính cho những quốc gia nào trong khối hiệp ước Varsovie sẵn lòng bảo vệ nhân quyền, cải cách chính trị, kinh tế theo chế độ thị trường tự do.
– Bao vây kinh tế Liên Xô bằng cách vận động Nhật Bản và các cường quốc Tây Phương không cung cấp cho nước này những kỳ thuật cao. Tập trung nồ lực vào việc phá hỏng kế hoạch thâu ngoại tệ của Liên Xô bằng hệ thống ống dẫn dầu dài 3,600 dặm chạy suốt từ Tây Bá Lợi Á đến tận nước Pháp.
– Tăng cường xử dụng hệ thống phát thanh gồm các đài Tự Do, đài Tiếng Nói Hoa Kỳ và đài Âu Châu Tự Do nhắm vào nhân dân các nước Đông Âu, hầu cho họ thấy rõ và so sánh tính chất thật sự của chế độ mà họ đang sống với chế độ tự do bên ngoài.
Sách lược cụ thể của “liên minh” với CĐĐK
Đó là chiến lược chung có tính bao quát. Cuộc mật đàm giữa Tổng Thống Ronald Reagan và Giáo Hoàng John Paul II ngày 7 tháng 6 năm 1982 nhằm đề ra sách lược giai đoạn cụ thể xoáy vào một khâu chiến lược chủ yếu là làm thế nào cứu vãn Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan khỏi tan rã trước sức tấn công của Jaruzelski. Nếu trước sức tấn công tàn bạo của chính quyền cộng sản mà tổ chức này tồn tại được và tiếp tục hoạt động thì tình hình có thể đảo ngược.
CĐĐK là một tổ chức chính trị có cái vỏ bọc kiên cố vì đồng thời nó cũng là một tổ chức nghiệp đoàn có tính “xã hội chủ nghĩa” như mọi tổ chức của cộng sản, nghĩa là gồm những công nhân mà Marx coi là đội tiền phong trong cuộc đấu tranh cách mạng, đấu tranh giai cấp. Nó có tới 10 triệu đoàn viên, đại đa số là công nhân Công Giáo, thường cầu nguyện khi gặp khó khăn, hay trước khi hành sự. Lãnh tụ của nó là một công nhân Công Giáo quả cảm, anh thợ điện Lech Walesa.
Chỉ cần CĐĐK tồn tại, nó sẽ có thể biến chế độ Ba Lan cộng sản thành một chế độ dân chủ tự do ở giữa lòng khối cộng sản Varsovie. Có thể coi đây như “một quân domino của Eisenhovver” ngày nào.
Với niềm tin tưởng đó, tòa Bạch Ốc đã cùng với Vatican, qua mạng lưới thông tin liên lạc bình thường và bí mật của Vatican giữa Tòa Thánh với hàng giáo sĩ trong nội địa Ba Lan để chuyển tới CĐĐK sự viện trợ tài chính và tiếp tế dồi dào về kỹ thuật để CĐĐK có thể tồn tại và tiếp tục hoạt động bí mật, chờ cơ hội thuận tiện sẽ quật khởi.
Chính Giáo Hoàng John Paul II đích thân liên lạc bằng vô tuyến điện với Hồng Y Jozef Glemp tại thủ đô Ba Lan Varsovie. Ngài cũng phái về quê hương của ngài những đặc sứ bí mật để thu lượm tại chỗ những thông tin cần thiết hầu nắm vững tình hình về phía chính phủ cũng như về phía Công Đoàn; đồng thời cũng để truyền đạt những huấn thị khôn ngoan sáng suốt theo đó đoàn viên Công Đoàn có thể sinh hoạt mà không bị khám phá và tiêu diệt, và biết cách tranh đẩu ở một mức độ tương đối ôn hòa với sự khôn khéo nhưng dũng cảm cần thiết, không gây cớ cho chính quyền đàn áp dã man gây sự bùng nổ không cần thiết vào lúc mọi sự chưa chín muồi.
Các nhà lãnh đạo chính quyền Mỹ đã phải công nhận là những tin tức mà Giáo Hoàng nhận được từ hàng giáo sĩ và giáo dân trong nước của Người về tình hình chính trị nội địa Ba Lan chính xác và mau lẹ hơn những tin tức mà Mỹ nhận trực tiếp từ các nguồn tin tình báo Mỹ rất nhiều. Dĩ nhiên là không kể những tin tình báo quân sự thì Tòa Thánh không hơn được CIA. Người ta tiết lộ rằng lúc ấy làm việc cho CIA có cả một Thứ Trưởng Quốc Phòng Ba Lan và một viên đại tá trong Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Ba Lan, đại tá Ryszard Kuklinski.
Đáp lại những tin tức về tình hình Ba Lan, phía Hoa Kỳ đã chuyển vào nước này những đồ tiếp tế dư dật về mọi mặt tài chính, kinh tế, kỹ thuật giúp cho CĐĐK có thể chẳng những tồn tại mà còn tích cực hoạt động bí mật gây sức ép cực mạnh đối với chính quyền cộng sản.
CĐĐK có một văn phòng liên lạc bí mật đặt tại thủ đô Brussells của Bỉ, qua đó những nhân viên của Tòa Thánh cũng như của CIA Mỹ có thể liên lạc một cách an toàn với CĐĐK trong nước. Nhưng Tòa Thánh còn có cả một hệ thống giáo quyền ở trong nước gồm hàng trăm giám mục và hàng vạn linh mục. Những vị này đều có thể là thông tín viên, liên lạc viên, là những hộp thư sống. Những căn hầm bên dưới nền một số nhà thờ cũng có thể là những trạm giao liên, những nơi tiếp thu hay tạm lưu giữ các máy móc và tài liệu tuyên truyền từ bên ngoài gửi tới. Ngoài ra, còn một số đông các chuyên viên về phong trào lao động, về tổ chức công đoàn người ngoại quốc đang hoạt động chính thức công khai tại Ba Lan cũng có thể đóng vai trung gian chuyển đạt những thông điệp từ Vatican hay chuyển giao những đồ tiếp liệu kỳ thuật từ Hoa Thịnh Đốn.
Vai trò của Giáo Hoàng và tính bất bạo động của sự can thiệp
Vì đây là một liên minh thánh thiện với Tòa Thánh nên người ta không ngạc nhiên khi nhận thấy trong số hàng viện trợ chẳng bao giờ có súng ống, đạn dược, thuốc nổ. Cũng không có những cố vấn quân sự hay tình báo gián điệp… như đã từng xảy ra trong vụ Iran Contrad, Vịnh Con Heo hay trong chiến tranh Việt Nam trước đây.
Viện trợ quan trọng nhất, có tính quyết định, chính là những huấn thị khôn ngoan, dè dặt của Tòa Thánh, đặt quyền lợi của nước Chúa, quyền lợi của Con Người trên hết. Những huấn thị của Giáo Hoàng cho đoàn chiên đồng hương của người, cũng như những lời cố vấn dành cho các giới chức cao cấp của Hoa Kỳ, khi tiếp xúc với Người được coi như những tinh hoa về văn minh Thiên Chúa Giáo rút ra từ 2000 năm kinh nghiệm của Giáo Hội.
Nhà báo Carl Bemstein (giải Pulitzer về báo chí) đã thuật lại lời Tổng Giám Mục Pio Laghi nói với ông về những cuộc gặp gỡ giữa ông và đại sứ lưu động Walters như sau: “ Vai trò của tôi chủ yếu là giúp Vernon (Walters) được dễ dàng gặp đức Thánh Cha. Đức Thánh Cha biết rõ dân tộc của Người. Đó là một hoàn cảnh rất ư phức tạp nhiêu khê – làm sao để nhấn mạnh về nhân quyển, về tự do tôn giáo và cố làm sao giữ cho CĐĐK khỏi chết mà không khiêu khích thêm chính quyền cộng sản. Nhưng tôi đã bảo Vernon: Hãy lắng nghe Đức Thánh Cha. Tòa Thánh có 2000 năm kinh nghiêm về vấn đề này.”
Vì chính quyền Mỹ biết lắng nghe Giáo Hoàng, và vì con chiên đồng hương của Giáo Hoàng chịu lắng nghe và làm theo huấn thị của Người nên kết quả cụ thể là CĐĐK đã nhận được một cách dồi dào và kín đáo, an toàn những món tiền lớn, những máy móc tối tân về thông tin và truyền tin, về vô tuyến truyền thanh và vô tuyến truyền hình, những máy in, mực in, giấy in, những tài liệu hướng dẫn việc sử dụng và điều khiển, điều hành các máy móc tân kỳ phức tạp này.
Nhờ vậy, chẳng bao lâu sau ngày đại khủng bố, Công Đoàn tại Ba Lan đã có khoảng 400 tập san, trong số đó có tờ lên tới 30,000 ấn bản. Những cuốn sách lớn và những tập tài liệu mỏng thách đổ chính quyền cộng sản được in ra và phổ biến có hàng ngàn. Những tác phẩm hài hước châm biếm dành cho con nít với những dụ ngôn, dã sử với hình Jaruzelski xấu xí kinh tởm, chủ nghĩa cộng sản như con rồng đỏ, còn Walesa thì uy nghi lẫm liệt như một hiệp sĩ anh hùng… Dưới hầm sâu của các giáo đường hay của tư thất các giáo hữu, hàng triệu người xem những cuốn băng video chống cộng được sản xuất ở ngoại quốc nhập lậu vào Ba Lan.
Với những máy móc tinh vi về truyền thanh truyền hình do CIA Mỹ cung cấp, các chuyên viên của CĐĐK có thể xen vào giữa các chương trình truyền thanh truyền hình của chính phủ cộng sản những khẩu hiệu như “Công Đoàn Đoàn Kết bất diệt!” hoặc “Hãy kháng chiến!”
Cũng với các máy phát sóng tối tân được cung cấp từ bên ngoài qua các trạm bí mật nói trên, các chuyên viên của CĐĐK có thể làm cho các chương trình truyền hình của nhà nước phải gián đoạn trong chốc lát đẻ xen vào những lời kêu gọi đình công, xuống đường, mít tinh, biểu tình v.v… Người ta thấy những điều đó xảy ra vào lúc nghỉ giải lao giữa hai hiệp đấu thể thao, là lúc khán thính giả không cảm thấy bị quấy rối một cách bực mình. Những lúc đó cũng là lúc thường thấy thình lình xuất hiện một vài biểu ngữ thật lớn kêu gọi kháng chiến chống cộng. Điều này thường hay xảy ra giữa những trận túc cầu tranh giải vô địch có rất đông khán giả.

Lech Walesa, linh hồn của Công đoàn Đoàn Kết sau trở thành Tổng Thống Balan.
Những kết quả thu lượm được
Khi mà những sự việc trên xảy ra thường xuyên và đồng loạt một cách rất mau chóng và rất bất ngờ tại nhiều nơi cùng một lúc, thì cảnh sát đành bó tay. Hành động quyết liệt ồ ạt nhưng kiên trì khôn ngoan nhẫn nhục của cả chục triệu đoàn viên được sự chúc lành của Tòa Thánh đã thay đổi tâm trạng của hơn ba chục triệu nhân dân Ba Lan khiến chính quyền cộng sản phải dần dần từng bước do dự, dè dặt nhượng bộ trước sức ép mãnh liệt về kinh tế, chính trị của Vatican và Hoa Thịnh Đốn.
Các nhà tù được mở ra và vụ án dự định dành cho Lech Walesa được bãi bỏ. Các đảng viên cộng sản quay ra đấu tranh với nhau, nền kinh tế suy sụp vì những cuộc đình công bãi thị, biểu tình trong nước và sự bao vây kinh tế cấm vận từ bên ngoài.

Tổng Bí Thư Liên Sô, Mr. Gobachov gặp Đức Giáo Hoàng Gioan Phao Lồ Đệ Nhị.
Ngày 19 tháng 2 năm 1987, sau khi chính quyền cộng sản Ba Lan hứa mở đối thoại với Giáo Hội, Tổng Thống Reagan đã hạ lệnh bãi bỏ cấm vận. Bốn tháng sau Giáo Hoàng được hàng triệu con chiên hoan hô chào đón khi ngài đi khắp nước Ba Lan rao giảng về nhân quyền và ca tụng CĐĐK. Năm tháng sau đến lượt lãnh tụ Liên Xô Gorbachev viếng thăm Ba Lan và, như cùng “đồng lõa” với Vatican và Hoa Thịnh Đốn, đã ra hiệu cho Jaruzelski hiểu rằng Mạc Tư Khoa nhìn nhận chính phủ Ba Lan không thể cầm quyền mà không có sự hợp tác của Công Đoàn Đoàn Kết.

 Đức Giáo Hoàng John Paul II kêu gọi giáo dân đừng sợ: Lời nói nổi tiếng của Ngài trước cả triệu người trên Quảng trường Chiến Thắng trong dịp hành hương về đất mẹ Ba Lan còn là cộng sản, trong năm 1979, vẫn luôn luôn hiện hữu với dân tộc Ba Lan: “Xin Chúa hãy hiển linh – Để thay đổi diện mạo của đất – Mảnh đất này!” và “Các con đừng sợ hãi!”. Blog 16.  Hình dưới: Có thể nói từ cổ chí kim chưa có đám tang nào mà số người tham dự đông đảo lên tới hơn cả triệu người tràn ngập Rome để đưa tiễn Đức Giáo Hoàng John Paul II khi ngài mất.

“ Hãy can đảm, đừng sợ hãi và hãy hy vọng ! “
Ngày 5 tháng 4 năm 1989, hai bên ký thỏa hiệp hợp pháp hóa CĐĐK và cùng kêu gọi tổ chức bầu cử quốc hội vào tháng 6. Cuối cùng, vào tháng 12-1990, sau 9 năm bị bắt giữ, anh thợ điện Lech Walesa đã được bầu làm tổng thống Ba Lan.
Có một điều đáng lưu ý: trong suốt bài báo dài 8 trang, ký giả Bemstein không ghi được một lời tuyên bố nào dù vắn gọn của Giáo Hoàng mà chỉ ghi rằng vị phụ tá thân cận của Ngài khuyên các giới chức ở Hoa Thịnh Đốn hãy lắng nghe (và làm theo?) lời Ngài.
Và nhìn vào những gì chính quyền Mỹ cũng như CĐĐK đã làm theo như Berstein tường thuật thì thấy rõ: Chính quyền của Tổng Thống Reagan đã không viện trợ quân sự, không cho súng đạn, không gửi cố vấn quân sự tới, cũng không dọa thả bom tinh khôn… Trái lại chỉ có các kỹ thuật máy móc tân kỳ dành cho các phương tiện truyền thông và tiền, về phía CĐĐK cũng vậy, không thấy có bạo động. Không có những vụ nổ bom quyêt tử trên xe hơi. Không có ám sát. Chỉ có nhiều, rất nhiều truyền đơn, nhiều tranh hí họa, nhiều khẩu hiệu trên truyền thanh truyền hình, nhiều biểu ngữ giữa sân bóng đá v.v…
Tóm lại, cuộc chiến thắng hoàn toàn bằng chính trị, ngoại giao, áp lực kinh tế và tuyên truyền. Đó là điều đáng làm cho những tổ chức chính trị thiếu phương tiện quân sự hùng hậu lấy làm an ủi và hy vọng, nếu họ biết vận dụng đúng mức những phương pháp và phương tiện phi vũ trang, bất bạo động./.
 Sách tham khảo: Liên minh Thần Thánh giữa Tổng Thống Ronald Regan và Giáo Hoàng Gioan Phaolồ Đệ Nhị, Time Magazine và “Tâm Sự Nước Non” của tác giả Minh Võ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét