Vài Hàng Cho Ông Ba Thùy
"Cấm anh không được thất bại!"
* Trong ngoài đều là tù cả *
Buổi chiều cuối Tháng Bẩy ở California, nhận được tin nhắn
của người bạn ở Sài Gòn: - Ông Ba Thùy, người “cấm anh không được thất bại” đã
chết, tiếc quá!
Ba Thùy, vỏn vẹn tên gọi hai chữ, tên thật là gì tôi không
biết, chỉ biết ông mang quân hàm đại úy và là trưởng khu BC trại giam T30 Chí
Hòa giai đoạn 1982. Tôi đoán ông trên tôi khoảng 10 tuổi, năm nay quãng bảy chục.
Ba Thùy nổi tiếng khe khắt với tù nhân và sẵn sàng kỷ luật
không nương tay với “những tù nhân phản động không chịu cải tạo” trong trại.
Tết Ta 1983, lần thứ ba, Ba Thùy đưa tôi ra khỏi phòng lớn
để cùm trong biệt giam. Sáng 30 Tết, tù nhân phòng 10 khu BC vui sướng vì tin
của trại giam cho biết sẽ được thăm nuôi đặc biệt trong ngày do “chính sách
khoan hồng của đảng và nhà nước.”
Tôi hồi hộp chờ đợi đợt thăm nuôi của gia đình. Gần trưa,
đích thân Ba Thùy gọi tên tôi ra khỏi phòng để đi biệt giam. Uất ức và ngỡ
ngàng, tôi hỏi, tôi tội gì mà bị đi biệt giam, Ba Thùy nói, phạm kỷ luật trại
giam. Thì ra, tội cũ ba năm trước là đánh ănngten trong trại. Tôi mặc vội hai
quần xà lỏn và hai áo may ô trùm lên nhau, tay xách ca nhựa ra khỏi phòng. Ba
Thùy ra lệnh cởi đồ và tước một đi một quần và một áo.
Nằm trong biệt giam ở lầu ba trại T30, hai chân bị cùm, lưng
dựa vách tường, đêm lạnh cóng vì đói ăn thiếu mặc, tôi xé đũng quần xà lỏn kéo
lên lên che ngực. Giấc ngủ chập chờn, người đổ vào chậu đựng phân, cứt và nước
tiểu vương vãi khắp phòng, dính cả vào ca nhựa đựng cơm.
Sáng Mùng Một, Ba Thùy mở cửa phòng giam. Tôi nói, Tết là
truyền thống của dân tộc, cán bộ cho tôi thùng nước rửa phòng giam và ca đựng
cơm. Ba Thùy nói “không truyền thống gì với anh” và ra lệnh cho người tù phát
cơm đổ vào thau nhựa của tôi chén bobo và vài cọng rau muống.
Căm thù. Uất hận. Lòng chỉ muốn cầm dao đâm chết Ba Thùy.
Thậm chí giết cả nhà Ba Thùy.
Vậy mà nỗi thù hận tan vào hương khói, chỉ vì, chiều Mùng
Một, nghe giọng Ba Thùy vọng lên từ khu nhà giành cho cán bộ quản lý trại giam:
“Em để con gà cho anh uống rượu với bạn.” Giọng người đàn bà chắc chắn là vợ Ba
Thùy: “Cả nhà có con gà, anh ăn nhậu với bạn thì các con lấy gì ăn?’
Hóa ra họ khổ hơn cả tù nhân. Vì dù sao, người tù miền Nam,
dù gì thì khi được thăm nuôi ngày Tết cũng được bữa cơm no với thực phẩm do gia
đình chắt chiu gửi vào.
Ba tuần biệt giam, tôi được thả về phòng giam chung, thân
thể tàn tạ. Tâm sự với ông Như Phong Lê Văn Tiến, “nhà báo của các nhà báo miền
Nam”, bị giam cùng phòng, tôi nói: cháu sẽ thử tay Ba Thùy này và chấp nhận hậu
quả.
Một tuần sau, tôi xin gặp Ba Thùy để xin “làm việc”, nghĩa
là có vấn đề khai báo. Được gọi lên văn phòng, tôi nói với Ba Thùy: “Cán bộ
mắng nhiếc tôi là ‘tay sai Mỹ-Ngụy’, với tôi, cán bộ cũng chẳng qua là “tay sai
“Liên Xô-Trung Quốc.”’ Ba Thùy rút cái coòng tay và đánh vào trán tôi phọt cả
máu. Vết thương ba mươi năm sau đến bây giờ vẫn còn dấu.
Thật ngạc nhiên, giải tôi tôi về phòng giam, Ba Thùy mở cửa
và nói với toàn phòng, “anh này nếu cải tạo tốt sẽ trở thành người tốt” và
không phạt gì tôi.
Vài tuần sau, Ba Thùy đột nhiên gọi tôi ra “làm việc.”
Sau khi rảo một vòng quanh khu BC để cam chắc không có ai
chung quanh, Ba Thùy quay về bàn làm và bắt đầu câu chuyện với giọng trọ trẹ
vùng Quảng Bình:
"Tôi nói một lần và chỉ
một lần với anh: đất nước này đang bị những tay quan liêu cách mạng cai
trị. Tôi và một thằng bạn rời làng quê
Quảng Bình đi chống Mỹ cứu nước. Ngày ra đi, bạn tôi khóc vì không nỡ rời lũy
tre làng. Vậy mà bây giờ nó đã vượt biên và sống ở nước ngoài. Vì sao hả? Vì
chúng tôi đi xuống miền Nam thấy ruộng đồng bát ngát, cá lội dưới sông, vậy mà
dân vẫn đói. Chỉ vì chính sách ngăn sông cách chợ. Và chính tại trại giam này
đã từng giam những người không sai phạm luật pháp. Cho nên, quan liêu cách mạng
còn kinh hơn quan liêu phong kiến".
Từ buổi nói chuyện hôm đó, Ba Thùy bớt gay gắt với tù nhân,
và với riêng tôi, thi thoảng ông còn cho thuốc lá hút.
Một buổi chiều tháng Hai năm 1984, tôi bị gọi ra khỏi phòng.
Ngồi bệt dưới đất nghe Ba Thùy hỏi, anh có biết bị gọi làm gì không? Tôi nói,
đời tù chuyển bao nhiêu phòng rồi, nên không biết rồi sẽ đi về đâu. Ba Thùy nói,
anh được tạm tha.
Lúc ký giấy xuất trại, tôi nói với Ba Thùy, hồ sơ trại có
địa chỉ nhà tôi, tôi mời cán bộ hôm nào đến tôi uống chung rượu.
Chừng một tháng sau, Ba Thùy xuất hiện trước cửa, bố mẹ anh
chị em tôi hốt hoảng vì thấy công an áo vàng mang quân hàm đại úy đến hỏi.
Tôi mời ông ra đầu ngõ. Một đĩa tiết canh vịt, một đĩa lòng,
hai xị đế. Ba Thùy hỏi, anh toan tính gì cho tương lai? Tôi nói, bây giờ không
còn là tù nhân nữa, xin phép gọi bằng anh và trải lòng, không công ăn việc làm,
đêm nào cũng phải trình diện công an
phường, tôi chẳng còn cách nào khác ngoài con đường vượt biên.
Ba Thùy đột nhiên đứng phắt dậy, nói gần như quát: “Cấm anh
không được thất bại. Tôi không muốn nhìn thấy anh trở lại trại giam”.
Tôi muốn khóc. Chợt thương Ba Thùy, chợt thương những phận
người cả đời dấn thân cho lý tưởng để rồi bẽ bàng khi nhìn ra sự thật.
Buổi chiều sống xa quê nhà, chợt nhớ câu nói một người thuộc
thế hệ cha ông: “Trong cuộc chiến Quốc-Cộng, người Quốc Gia làm nhiều điều
không chuẩn nhưng may mắn là làm trên Con-Đường-Đúng, là mưu tìm No Ấm-Tự Do-Dân
Chủ cho người dân. Còn người Cộng Sản làm nhiều điều thành công nhưng bất hạnh
cho dân tộc vì họ chọn Con-Đường-Sai.”
Theo blog của Nguyễn Xuân Nghĩa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét