Chủ Nhật, 16 tháng 11, 2014

HY VỌNG MỚI CHO BỆNH NHÂN U XƠ TIỀN LIỆT TUYẾN VÀ U XƠ TỬ CUNG: TRINH NỮ HOÀNG CUNG


Nhà khoa học đưa cây trinh nữ hoàng cung “lên ngôi”

Ai cũng có những ước mơ, những hoài bão riêng và luôn mong sao con đường mình đi được bằng phẳng. Nhưng có một người đã dũng cảm chọn con đường chông gai nhất để thực hiện ước mơ của mình.

Ai cũng có những ước mơ, những hoài bão riêng và luôn mong sao con đường mình đi được bằng phẳng. Nhưng có một người đã dũng cảm chọn con đường chông gai nhất để thực hiện ước mơ của mình. Đó là TS. Nguyễn Thị Ngọc Trâm, người bào chế thành công viên thuốc crila từ cây trinh nữ hoàng cung - loại thuốc tốt trong điều trị bệnh phì đại lành tính tuyến tiền liệt và u xơ tử cung. Thành tựu này là kết quả của sự nỗ lực không biết mệt mỏi của vị tiến sĩ trong suốt 15 năm để biến một cây thuốc truyền miệng trong dân gian thành một sản phẩm thuốc mới điều trị bệnh u bướu được sản xuất từ dược thảo Việt Nam, một viên tân dược chính hiệu có tên thương mại.
Giải mã bí mật cây trinh nữ hoàng cung
Là cháu nhiều đời của danh thần Nguyễn Công Trứ, TS. Nguyễn Thị Ngọc Trâm đã thừa hưởng từ tiền nhân tinh thần hiếu học và thái độ bình thản trước khó khăn. Nhưng người có ảnh hưởng lớn nhất trong bà lại chính là người cha bà hết mực yêu thương - GS.TS, Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Trương. Người cha ấy luôn ước mong con gái mình trở thành dược sĩ làm nghiên cứu khoa học từ ngày cô bé Trâm còn nhỏ xíu. TS. Trâm tâm sự: “Ngay từ những ngày còn nhỏ, bố tôi thường xuyên kể chuyện những tấm gương về nhà khoa học. Đến cái tuổi tôi biết suy nghĩ, ông thường nhắc khéo: Cây cỏ Việt Nam có ích nhiều, có thể làm thuốc mà sao nhiều loại mình vẫn phải dùng thuốc Tây?”. Ông đã khéo léo định hướng cho cô con gái đầu lòng của mình vào nghề như thế.
Những bước đi đầu tiên trên chặng đường nghiên cứu khoa học của bà là những khoảng thời gian đèn sách ôn luyện dự thi nghiên cứu sinh, khi ấy bà đã một nách hai đứa con thơ. Khát vọng bước đi trên con đường tri thức đã khiến người phụ nữ này hằng đêm chờ cho con ngủ mới có thời gian ôn luyện. Cần mẫn, chịu khó cộng với sự thông minh bẩm sinh, bà đã đạt điểm xuất sắc trong kỳ thi nghiên cứu sinh toàn quốc năm 1984.
 TS. Nguyễn Thị Ngọc Trâm chụp lưu niệm cùng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong lễ trao tặng Giải thưởng Nhà nước về KH-CN.
Sang Bulgaria làm luận án tiến sĩ, bà nghiên cứu ngày đêm, giấc ngủ hầu như bị co lại tới mức tối thiểu. Sinh hoạt hằng ngày cũng được chiu chắt để tiết kiệm tiền mua sách vở nghiên cứu. Đề tài nghiên cứu tinh dầu cây thảo quả Việt Nam với kết quả xuất sắc, bà được giữ lại trường (Trường ĐH Kỹ thuật Sophia, Bulgaria). Nhưng lời nhắn nhủ của người cha (GS.TS. Nguyễn Văn Trương - Tổng biên tập Từ điển Bách khoa) với con gái về trọng trách đối với ngành dược nước nhà đã khiến bà quyết định trở về quê hương và bắt đầu hành trình gian khổ: nghiên cứu hóa hợp chất thiên nhiên (cây thuốc) để sản xuất thuốc chữa bệnh.
Công trình đầu tay thành công của bà là nghiên cứu chiết xuất tinh dầu cây húng chanh sản xuất thuốc ho cho trẻ em. Và hành trình tìm kiếm miệt mài các dược liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên đã đem đến cho bà cơ hội tiếp xúc với những bài thuốc trong dân gian. Một trong những cơ hội quyết định và tạo ra bước ngoặt lớn trong cuộc đời nghiên cứu là năm 1990, bà gặp được một cây thuốc mang tên trinh nữ hoàng cung và những giai thoại huyền hoặc về nó.
Đó là một cây thuốc lưu truyền trong dân gian mà tài liệu nghiên cứu về nó được ghi trong sách vở còn quá ít. Bà lao vào nghiên cứu cây thuốc có cái tên tuyệt đẹp này với lòng đam mê hiếm có song cũng đối diện với vô vàn khó khăn. Khó khăn lớn nhất mà bà gặp phải trong quá trình nghiên cứu là việc tìm kiếm sàng lọc chọn đúng cây trinh nữ hoàng cung có hoạt chất sinh học điều trị bệnh u bướu.
Ở thời điểm bà nghiên cứu, đây là một loại cây thuốc, mọc hoang dại, do đó khi chọn giống phải phân biệt bằng gen (ADN). Trong dân gian tồn tại 7 mẫu cây giống nhau, song chỉ có một mẫu cây mới đúng là trinh nữ hoàng cung có khả năng điều trị khối u, một số loại cây tương tự khác khi sử dụng còn có thể dẫn đến ngộ độc. Bên cạnh đó, bà còn phải tự mò mẫm về kỹ thuật, nghiên cứu quy trình nuôi trồng phù hợp, phân tích thành phần hóa học, chiết xuất bào chế, đánh giá lâm sàng, những thông số kỹ thuật phù hợp... để tiến hành sản xuất thuốc.
Cùng với điều đó, đề tài của bà gặp không ít sự phản biện quyết liệt từ những vị tiến sĩ, giáo sư của ngành y. TS. Trâm tâm sự: “Ngày ấy, thuốc crila được bào chế từ các alcaloid có hoạt tính sinh học đã được nghiên cứu ở Bulgaria, nhưng thực tế khi chuyển kết quả nghiên cứu về Việt Nam đã gặp không ít ý kiến phải đối". Nhưng TS. Trâm đã không nản lòng. Lại lang thang khắp nẻo vùng quê bằng cả nhiệt thành, bà chứng minh từ lý thuyết, cơ sở khoa học đến thực hiện lâm sàng ở Việt Nam.
Quyết tâm đi đến cùng, bà bán đất đai nhà cửa và dành trọn cả chục ngàn đô-la tiền thưởng từ một đề tài nghiên cứu khoa học ở Bulgaria để mua cây giống và miệt mài ươm trồng thử nghiệm trinh nữ hoàng cung. Để khẳng định hiệu quả điều trị của crila đối với bệnh phì đại lành tính tuyến tiền liệt và u xơ tử cung đã mất một thời gian dài trong suốt 5 năm thử nghiệm lâm sàng theo Quy chế 371 của Bộ Y tế tại các bệnh viện: Viện Lão khoa, Bệnh viện Phụ sản TW, Bệnh viện YHCT Trung ương, Bệnh viện YHCT TP.HCM, Bệnh viện Từ Dũ.
Hiện thực hóa huyền thoại trinh nữ hoàng cung
Sau 17 năm miệt mài nghiên cứu cả trên đất Bulgaria và Việt Nam, TS. Nguyễn Thị Ngọc Trâm đã thành công với viên nang crila - được sản xuất từ các alcaloid có tác dụng sinh học kích thích miễn dịch, ức chế sự phát triển của tế bào u được chiết xuất từ lá cây trinh nữ hoàng cung và là viên thuốc đầu tiên trên thế giới điều trị u xơ tử cung từ dược liệu thiên nhiên, mang lại hiệu quả điều trị cao, giảm đến mức tối đa tác dụng phụ, thử nghiệm lâm sàng đạt kết quả thành công 79,5% đối với u xơ tử  cung và 89,18% đối với phì đại lành tính tuyến tiền liệt.
 TS. Nguyễn Thị Ngọc Trâm bên vườn thực nghiệm trồng cây trinh nữ hoàng cung.
Ngày 21/7/2005, Cục Quản lý dược Việt Nam đã chính thức cấp giấy phép cho crila lưu hành tại Việt Nam. Đây là một kết quả điều trị khả quan của ngành dược liệu. Trong khi đó, giá thành sản phẩm này chỉ hơn 1/2 so với sản phẩm ngoại nhập có chức năng cùng loại như tadenan (Pháp). Chưa kể thời gian sử dụng thuốc crila trong điều trị chỉ từ 2-3 tháng, trong khi sản phẩm tadenan phải kéo dài cả năm.
Kết quả thực nghiệm lâm sàng trên một số bệnh nhân cho thấy: có  những bệnh nhân kích thước khối u là 63mm có chỉ định mổ, sau thời gian điều trị, kích thước khối u giảm xuống còn 25mm. Hay bệnh nhân u xơ tử cung có khối u với 5 đa nhân xơ, uống thuốc một thời gian chỉ còn l - 2 nhân hoặc hết... Để bảo đảm hiệu quả tối ưu của thuốc, nguyên liệu đã được trồng hoàn toàn sạch theo tiêu chí GACP - WHO (không sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu).
Quy trình sản xuất này đã đem lại cho crila danh hiệu “Sản phẩm chất lượng vì cộng đồng” và vinh dự đoạt Huy chương vàng tại Hội chợ Y dược học phương Đông và quốc tế. Khi nhận xét về đề tài "Đánh giá hiệu quả và khả năng chấp nhận thuốc crila trong điều trị bệnh u xơ tử cung", GS.TS. Phạm Thanh Kỳ (Chủ tịch Hội đồng Khoa học công nghệ nghiệm thu chính thức kết quả nghiên cứu đề tài khoa học công nghệ cấp bộ) đã nhận xét: "Đề tài nghiên cứu có tính thực tiễn cao và phù hợp với tình hình thực tế hiện nay vì u xơ tử cung là bệnh hay gặp.
Kết quả nghiên cứu đề tài đã đưa ra phác đồ điều trị an toàn từ nguồn dược liệu trong nước. Phương pháp nghiên cứu của đề tài đảm bảo tính khoa học, khách quan, kết quả đáng tin cậy. Về sản phẩm, viên thuốc đồng nhất, đảm bảo tiêu chuẩn. Về giá thành: đợt điều trị rẻ hơn so với thuốc ngoại nhập...".
Ghi nhận những đóng góp to lớn của bà đối với nền y học Việt Nam, vừa qua, Chủ tịch nước đã kí quyết định trao tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ đối với cụm công trình nghiên cứu về cây trinh nữ hoàng cung của TS. Nguyễn Thị Ngọc Trâm. Chia sẻ nguyện vọng  khi nhận  được  giải, TS. Trâm bày tỏ mong sản phẩm nhanh chóng được tham gia thị trường dược phẩm thế giới, tiếp tục hỗ trợ về kinh phí và đất trồng để phát triển vùng dược liệu trinh nữ hoàng cung và nghiên cứu sâu hơn về cơ chế, tác dụng của thuốc, tiếp tục thực hiện các dự án sản xuất thử nghiệm cho thuốc hỗ trợ điều trị ung thư từ các phân đoạn alcaloid và flavonoid có hoạt tính sinh học từ cây trinh nữ hoàng cung Việt Nam.
  Văn Hậu
http://suckhoedoisong.vn/su-hy-sinh-tham-lang/nha-khoa-hoc-dua-cay-trinh-nu-hoang-cung-len-ngoi-20124611023858.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét