Thứ Hai, 27 tháng 1, 2014

Người Nga – một công chúng nghệ thuật đáng ngưỡng mộ

http://nguyendinhdang.wordpress.com/2013/09/11/nguoi-nga-mot-cong-chung-nghe-thuat-dang-nguong-mo/comment-page-1/#comment-1307

Nguyễn Đình Đăng
Nếu nói về công chúng của nghệ thuật, người Nga đã để lại cho tôi niềm kính trọng sâu sắc.
Chân ướt chân ráo tới Moskva vào cuối mùa hè năm 1976 , tôi được làm quen với ông phụ trách văn hoá nghệ thuật tại Nhà văn hoá trường MGU [1], nơi sau này tôi đã tu nghiệp 11 năm. Tôi vẫn nhớ tên ông là Victor Viliamovich, còn họ của ông thì tôi quên. Ông có đôi mắt vẻ đượm buồn, và giọng ca opera bariton. Thấy tôi mê vẽ, một hôm ông hỏi thứ Bảy có rảnh để ông đưa đi xem bảo tàng Tretyakov. Tôi đã tới bảo tàng này trước đó, nhưng lần này tôi được ông giải thích cặn kẽ lịch sử và nghệ thuật từng bức tranh của các danh hoạ Nga như Rublev, Borovikovsky, Briulov, Ivanov, Repin, Surikov, Kramskoy, Perov, Vereshagin, Savrasov, Levitan, Polenov, Kuyndji, Serov, Vrubel, v.v. Ông nói cho mình tôi nghe mà say sưa, cao hứng như đang diễn thuyết trước đám đông. Ông tỏ vẻ  khinh bỉ khi chợt thấy một khách xem đi giầy thể thao vào bảo tàng. Sau cuộc tham quan đó ông còn dẫn tôi vào một quán thấp hơn mặt đường mấy bậc thang, có cửa sổ trông như cửa tò vò ngang với hè đường, và thết tôi một chầu bánh rán. Đó là lần đầu tiên tôi được nếm món bánh cheburek [2]. Sao mà cực ngon!
Mùa hè năm thứ hai, tôi đi nghỉ cùng chị tôi ở nhà nghỉ Igumenka bên bờ sông Volga tại ngoại ô Moskva. Một lần, khi tôi đang đứng vẽ phong cảnh trong làng cạnh nhà nghỉ, một người nông dân đi ngang qua, dừng lại chăm chú xem, rồi nói: “Cừ lắm, chàng trai. Sau này thành hoạ sĩ thì sẽ giàu lắm đấy.” Lúc đó tôi 20 tuổi, đã vẽ sơn dầu được khoảng 5 – 6 năm gì đó, và chưa hề mơ tưởng tới bán tranh. Vài hôm sau, trong khi tôi đang vẽ chân dung chị tôi ngoài trời, một sinh viên nước ngoài tới ngồi xem bên cạnh. Anh ta có vẻ thích cả người mẫu lẫn bức tranh, và hỏi tôi khi vẽ xong có bán bức tranh này không và bao nhiêu tiền. Tôi trả lời không bán. Tôi đã tặng chị tôi bức chân dung này. Hiện bức tranh được treo tại nhà chị tôi ở Hà Nội.
sister1
Nguyễn Đình Đăng
Chân dung chị gái, 1978
sơn dầu trên canvas dán trên bìa carton, 50 x 70 cm
Cũng tại khu nghỉ Igumenka này tôi đã gặp một trong những ân nhân trong hội hoạ của tôi. Đó là ông Konstantin Gavrilovich – một hoạ sĩ già. Tôi gặp ông rất tình cờ, trong khi tôi đang vẽ cảnh tại khu nhà nghỉ. Ông đứng xem, sau đó nói tôi có tài và cần phải học vẽ. Ông tỏ vẻ thán phục khi xem tôi ký hoạ chân dung. Ông đặc biệt thích bức poster thông báo dạ hội tại nhà nghỉ: tôi dùng gouache vẽ sinh viên các nước mặc trang phục dân tộc, nắm tay nhau nhảy múa thành vòng tròn. Tôi đã tặng ông bức poster này cùng một số ký hoạ khác. Sau khi về Moskva, ông đã dẫn tôi tới đại học mỹ thuật (ĐHMT) Surikov, Stroganov, đại học kiến trúc để giới thiệu tôi với các giáo sư hội họa ở đó. Họ chăm chú xem tranh của tôi và cho những lời khuyên. Một ông giáo sư tại trường Stroganov xem tôi vẽ hình hoạ rồi nói đầu Venus bằng thạch cao tôi vẽ trông có tinh thần như người sống, còn các đường nét của tôi “cất lên tiếng hát” (поющие линии). Một bà giáo sư tại ĐHMT Surikov còn nói nếu tôi bỏ vật lý chuyển sang học vẽ, bà sẽ giúp tôi trở thành một hoạ sĩ lớn. Chưa hết, ông Konstantin Gavrilovich còn giới thiệu tôi với các bà bán hàng mà ông quen biết lâu năm tại các hiệu bán hoạ phẩm ưu tiên cho hội viên hội hoạ sĩ và hội kiến trúc sư để tôi có thể tới mua “chui” đồ vẽ tại đó.
Cho dù cuối cùng tôi đã đi vào hội hoạ bằng một con đường khác, những người như ông Konstantin Gavrilovich và các hoạ sĩ Nga nói trên đã khích lệ tôi rất nhiều trong việc củng cố niềm tin của tôi vào khả năng của mình.
Tôi vẽ nhiều chân dung các bạn sinh viên và những người quen. Trong cặp của tôi lúc nào cũng có một cuốn sổ để  ký họa các bạn học trong giờ nghỉ giải lao tại giảng đường. Hầu hết những người tôi đề nghị vẽ chân dung đều đồng ý ngồi mẫu, có khi nửa giờ, có khi vài ngày, mà không đòi hỏi bất cứ điều gì. Không ít người trong số họ tự hào khi được lọt vào “mắt xanh” của hoạ sĩ. Họ thường tỏ ra sung sướng ngắm chân dung mình sau khi tôi vẽ xong. Các cô gái kêu lên: “Tôi đẹp như thế này ư?” Không một người nào trong họ đòi tôi phải tặng chân dung, trừ khi tôi tự nguyện. Dường như họ hiểu tác phẩm hội họa là thành quả lao động của hoạ sĩ, mà muốn có thì phải bỏ tiền ra mua.
Mùa hè năm 1984, tôi đi nghỉ hè tại khu nghỉ Adler trên bờ Hắc hải. Tôi được xếp ở cùng phòng với một người nữa. Đây là chuyện bình thường trong thời Xô Viết khi đi nghỉ theo phiếu nghỉ miễn phí của công đoàn.
Bước vào phòng, tôi thấy một người đàn ông trung niên lực lưỡng, để ria mép trông như Nikita Mikhalkov, mặc độc một cái xi-lip, ngực và chân tay lông lá, đang nằm trên giường. Thấy tôi xách hộp đồ vẽ, anh ta vui vẻ nói:
- Xin chào. Anh là hoạ sĩ à?
- Tôi là nghiên cứu sinh MGU.
- Tức anh vẽ chơi à? Tôi là Alexei, phóng viên hãng Novosti (Tin tức).
145185
Tài tử điện ảnh Nikita Mikhalkov và nữ tài tử điện ảnh Larisa Guzeeva
trong phim “Bản tình ca tàn nhẫn” (1983) của đạo diễn Eldar Razyanov
Như để chứng tỏ cho Alexei là tôi biết vẽ, vừa xếp hành lý vào tủ xong, tôi đề nghị vẽ chân dung anh. Alexei vui vẻ ngồi dựa vào tường, làm mẫu cho tôi trong tình trạng vẫn trần như nhộng.
Nói chuyện trong khi vẽ, tôi được biết Alexei đã có vợ và con gái học lớp 1.
- Sao ông không đưa vợ con đi nghỉ cùng? – tôi hỏi.
- Thu xếp công việc để cùng đi nghỉ không dễ. Hơn nữa sao lạimang ấm samovar của mình về Tula”[3]Alexei trả lời.
Alexei nói chưa dứt, chúng tôi nghe thấy tiếng gõ cửa. Một phụ nữ trạc tuổi tôi bước vào. Cô ta mặc một chiếc áo khoác dài bằng lụa mỏng, che thân hình “màu mỡ phì nhiêu”, đủ cả “uy tín” lẫn “học vấn” [4] trập trùng nổi lên bên dưới. Mở to đôi mắt kẻ mi rất dày, tỏ vẻ ngạc nhiên, cô lại gần tôi ngắm bức ký họa tôi đang vẽ, trong khi Alexei giới thiệu cô là Sveta [5], giảng viên đại học về hoá học, “cô bồ” anh mới quen khi tới đây. Đúng là không nên “chở củi về rừng”.
- Thế anh có thể vẽ tôi không? – Sveta hỏi.
- Riêng đối với phụ nữ thì anh Đăng chỉ vẽ “nyu” [6]. – Alexei trả lời, mặt tỉnh bơ, như thể đã quen biết tôi từ lâu.
- Vậy ư? Nhưng thân thể tôi có đẹp gì đâu mà vẽ? – Sveta bối rối.
- Cái đẹp trong nghệ thuật khác cái đẹp tầm thường. - Alexei giảng giải đầy tự tin.
7 giờ tối hôm đó Sveta khoác một chiếc áo dài mỏng dính màu tối, bên dưới không mặc gì, chân đất, tay xách một chai rượu, đi suốt dọc hành lang hotel từ phòng mình sang phòng chúng tôi để làm mẫu cho tôi vẽ.  Lấy lý do đi nhảy disco, Alexei lịch sự cáo từ, nhường phòng cho chúng tôi làm việc. Trước khi đóng cửa bước ra, anh ranh mãnh nháy mắt với tôi.
Sveta cởi áo khoác. Thân hình của cô là minh chứng rằng tượng Vệ Nữ Willendorf đã được tạc từ mẫu thực. Cổ tay và cổ chân cô rất thon thả, nhưng hai bầu ngực, bụng và mông cực kỳ đồ sộ. Cô nằm lên giường của Alexei, khuỷu tay phải tì vào gối, bầu ngực phải xệ xuống gối theo tay phải, bầu ngực trái tràn ra theo chiều tay trái giơ lên vòng ra sau gáy, chân trái thả xuống sàn, chân phải co lên giường luồn dưới chân trái. Da mặt, tay, chân và cổ của cô rám nắng, nhưng từ ngực tới háng trắng lốp vì thường xuyên được che dưới áo tắm.
Venus Willendorf
Vệ Nữ Willendorf
tượng đá, khoảng 24 – 22 ngàn năm trước Công Nguyên
Tôi ngồi trên giường mình, mắt trừng trừng nhìn vào mẫu, tinh thần tập trung cao độ. Tôi chỉ có 4 tiếng đồng hồ để vẽ bức sơn dầu này.
- Khi vẽ mẫu phụ nữ khỏa thân như thế này, anh có cảm thấy gì trong người không, như … rạo rực chẳng hạn? – Sveta hỏi trong khi tôi vẽ cô.
- Cũng còn tùy. Trong trường hợp này thì không. – tôi trả lời. Sau này, trong một lần nói chuyện, Sveta cho biết câu trả lời vô tư của tôi đã như giội cho cô một gáo nước lạnh.
Alexei về phòng lúc 11 giờ đêm, cũng là lúc tôi vẽ xong. Vừa bước vào, thấy chúng tôi vẫn tại vị: tôi vẽ còn Sveta làm mẫu không nhúc nhích, như trước khi anh rời phòng cách đó 4 tiếng, anh thảng thốt:
- Các bạn vẫn giữ nguyên vị trí từ lúc tôi đi đến giờ đấy à?
- Đây là tôi ư? – Sveta vừa ngắm bức tranh vừa hỏi.
- Một mỹ nữ với “cặp mắt xanh” … “mắt phải” chảy xệ. - Alexei nói.
Hôm sau, Sveta bảo tôi:
- Tôi rất thíchh bức tranh này nhưng không thể mang nó về cho chồng tôi xem được. Vì thế tôi muốn đặt anh vẽ chân dung tôi mặc áo. Một chân dung như thế anh tính giá bao nhiêu tiền?
- Còn tùy kích thước. – tôi trả lời.
- Bằng chừng này, để vừa va-li của tôi. – Sveta đưa tay vẽ kích thước vào không khí.
- 80 rúp. – tôi nói.
- Đồng ý. Tôi sẽ đánh điện ngay hôm nay bảo chồng tôi gửi tiền đến. – Sveta vui vẻ.
Để hiểu giá trị của 80 rúp thời đó, học bổng hàng tháng của sinh viên Việt Nam là 70 rúp. Lương của chuyên gia khoa học khoảng 200 – 300 rúp. Sau khi tôi vẽ xong bức chân dung, Sveta mang tiền tới lấy tranh:
- Chồng tôi gửi 100 rúp. Anh nhận cả 100 rúp nhé?
- Không, tôi chỉ nhận 80 rúp như đã nói. – tôi trả lời.
- Thế thì chúng ta sẽ dùng 20 rúp còn thừa đi uống rượu. – Sveta nói.
Tối hôm đó cô mời tôi, Alexei và Lena ra quán uống sâm-banh.
Chuyện làm quen với Lena diễn ra như thế này.
Một hôm, sau bữa tối, tôi và Alexei xuống sàn nhảy disco tại tầng 1 hotel chúng tôi. Người nhảy ở giữa một đám đông vây quanh trong tiếng nhạc xình xình. Alexei bảo tôi:
- Nếu anh thấy trong đám này có em nào lọt “mắt xanh” của hoạ sĩ thì bảo tôi một tiếng, tôi sẽ làm công tác “ngoại giao” cho anh.
Lúc đó tôi đã nhắm thấy một cô gái đứng trong đám đông đối diện, có mái tóc vàng bới cao, đôi mắt màu tro, mắt trái hơi hiếng ra ngoài.  Cô mặc một áo chẽn hai dây, minijupe  màu hồng, để lộ cặp đùi dài như người mẫu.
- Em kia. – tôi bảo Alexei.
Alexei lập tức rẽ đám đông, tiến tới chỗ cô gái và nói:
- Xin lỗi, phiền cô một chút có được không?
Và không đợi cô đồng ý, anh nắm lấy bàn tay trái của cô gái và dẫn cô ra khỏi đám đông. Cô gái bối rối bước theo.
Sau này tôi được Alexei lên lớp: “Trong giao tiếp với phụ nữ, điều quan trọng nhất là phải làm cho họ không kịp trở tay. Khi họ đã bước một bước, họ sẽ không ngần ngại bước thêm bước nữa.”
- Tôi là Alexei, nhà báo, còn đây là anh Đăng. Anh ấy là hoạ sĩ và muốn vẽ cô. – Alexei giới thiệu.
Lena2
Nguyễn Đình Đăng
Lena L., 1984,
bút chì trên giấy
Tôi đã làm quen với Lena như vậy. Cô đã làm mẫu cho tôi ký họa chân dung vài lần, và vẽ một bức sơn dầu. Bức chân dung sơn dầu tôi vẽ mất vài buổi. Lena ngồi mẫu cho tôi vẽ ngay tại quán rượu cạnh bờ biển. Hôm đầu, tôi mua một chai sâm banh đặt lên bàn để cô uống, còn tôi dùng làm mẫu tĩnh vật vẽ vào chân dung.  Tới buổi sau, Lena nói:
- Anh sẽ phá sản vì sâm banh mất thôi.
Rồi cô đề nghị tôi cho cô uống nước quả, và đổ nước lã vào vỏ chai sâm banh để tiếp tục có mẫu vẽ.
Tôi đã dùng chính lời của Lena để đặt tên cho bức hoạ. Đại từ nhân xưng trong tiếng Nga không phân biệt giới tính nên khi duyệt tranh cho triển lãm cá nhân của tôi tại nhà văn hóa thành phố Dubna, một quan chức văn hóa Nga đã hiểu câu này thành: “Em sẽ phá sản vì sâm banh mất thôi” và khen bức tranh của tôi có ý nghĩa cảnh tỉnh cho giới trẻ.
Một chuyện tương tự như vậy cũng đã xảy ra tại Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 1990 tại Hà Nội. Khi đó bức tranh “Cái chết của hoạ sĩ” vẽ năm 1987 của tôi lúc đầu bị liệt vào loại “có vấn đề”, nhưng sau đó cũng được duyệt treo, tuy bị treo ở chỗ tối. Trong bức tranh này tôi vẽ hoạ sĩ (tự hoạ) khoả thân, bị trói trên giá vẽ, tay vẫn nắm chặt cây bút vẽ, đầu ngoẹo sang vai trái, một dòng màu đỏ chảy xuống từ tim, trên nền bảo tàng Louvre đang bốc cháy.  Trước ngày khai mạc, có một đoàn chức sắc văn hoá tới tổng duyệt lại phòng tranh tại Vân Hồ lần nữa. Tôi được nghe kể lại rằng, khi xem tranh của tôi, một quan chức của ban văn hoá tư tưởng hỏi tòa nhà bị cháy đằng sau là nhà gì. Một người trong ban tổ chức triển lãm đã trả lời:
- Báo cáo đồng chí, đó là tòa nhà quốc hội của phát xít Đức bị cháy khi Hồng quân giải phóng Berlin ạ.
Vị quan chức nọ gật gù bỏ đi.(!!!)
artist
Nguyễn Đình Đăng
Cái chết của hoạ sĩ, 1987
sơn dầu trên canvas, 100 x 146 cm
Tại Adler mùa hè năm đó tôi vẽ được vài chân dung sơn dầu các thiếu nữ tôi gặp tại khu nghỉ. Sau khi tôi quay về Moskva, gia đình những người mẫu này đã gọi điện mời tôi tới nhà để mua tranh. Dưới đây là một cuộc thăm viếng như vậy.
Tôi đã ký hoạ chân dung hai chị em Tania và Ira và vẽ một chân dung sơn dầu cô chị. Hai cô thích lắm, nói khi về Moskva sẽ hỏi xin bố cho mua bức sơn dầu. Bố của họ là một thương gia Trung Đông, mẹ là người Nga. Sau khi được bố đồng ý, hai cô mời tôi đem tranh tới nhà họ ở Moskva. Vì đi lại xa xôi nên những cuộc thăm viếng ở Nga thường kéo dài cả ngày. Có khi gia chủ còn mời khách ngủ lại, hôm sau mới về. Họ mở tiệc mời tôi ăn, có cả sâm-banh, trứng cá đen, trứng cá đỏ, những thứ được coi là cao lương mỹ vị tại Nga. Sau khi ăn, họ mở băng video cho tôi xem. Thời đó đầu và băng video còn rất hiếm tại Nga, chỉ có các gia đình khá giả, thường đi ra ngoại quốc, mới tậu được. Tại nhà họ, lần đầu tiên tôi được xem bộ phim “Love story”.  Chúng tôi đã tán chuyện rất vui vẻ. Trong suốt buổi, bức tranh tôi vẽ được bày trang trọng trên tủ đựng đồ sứ để cả nhà chiêm ngưỡng. Sau khi từ khu nghỉ trở về, tôi đã hoàn thiện bức tranh với phần nền có nhiều lá cây và hoa.
Đến chiều, ông bố trịnh trọng đứng lên nói:
Tình bạn là tình bạn, nhưng lao động cần được trả công xứng đáng. Anh cho biết bức tranh này giá bao nhiêu?
Tôi lấy 200 rúp. – tôi trả lời.
Ông bố trao tiền cho tôi trong một phong bì. Hai cô gái tiễn tôi ra tận bến metro.
Đến thời perestroika của Mikhail Gorbachov, tư nhân hóa bắt đầu được bung ra. Trên phố Arbat tại trung tâm Moskva xuất hiện các hoạ sĩ tự do ngồi vẽ tranh bán, tương tự như ở thủ đô các nước tư bản.
Một lần vào mùa hè năm 1988, trước khi đi Dubna (cách Moskva hơn 2 giờ tàu), tôi mang cặp giấy vẽ ra phố Arbat, nhập vào đám đông các hoạ sĩ ngồi vẽ kiếm tiền tại đó. Trong lúc tôi đang ký hoạ một cô gái, một tay vẻ “anh chị” lại gần hỏi tôi ở đâu đến. Tôi trả lời tôi là hoạ sĩ từ Việt Nam [5], nghe nói nước Nga đã tự do hơn trước nhiều nhờ perestroika, nên hôm nay tôi ra đây kiểm chứng. Gã kia nghe vậy bỏ đi. Hôm đó một người đàn ông đặt tôi ký họa chân dung cho hai con của ông ta, một trai một gái, mỗi bức 5 rúp. Thành ra tôi có thừa tiền mua vé tầu đi Dubna.
Arbatgirl
Nguyễn Đình Đăng
Cô gái gặp trên phố Arbat, 1988
bút chì trên giấy
Những trải nghiệm như vậy cho tôi thấy người Nga (và những người ngoại quốc khá giả lập gia đình với người Nga), kể cả những người không hiểu hội hoạ và âm nhạc cổ điển, có một văn hoá ứng xử rất lịch sự với nghệ thuật và nghệ sĩ.
Phẩm chất này từng được văn hào Anton Tchekov lột tả trong truyện ngắn “Người đàn bà nông nổi” qua đối thoại giữa thiếu phụ 22 tuổi Olga Ivanovna Dymova với chồng mình, bác sĩ Osip Stepanovich Dymov.
- Anh Dymov này, anh là người thông minh và đáng kính. – cô nói – Nhưng anh có một khuyết điểm rất quan trọng. Anh hoàn toàn không quan tâm tới nghệ thuật. Anh phủ nhận cả âm nhạc lẫn hội hoạ.
Anh không hiểu những môn này. – anh nói nhỏ nhẹ – Suốt đời anh nghiên cứu khoa học tự nhiên và y học, và anh không có thời gian để tâm tới nghệ thuật.
Nhưng chính đó là điều khủng khiếp, anh Dymov ạ!
Tại sao vậy? Bạn bè của em không hiểu khoa học tự nhiên và y học, vậy mà em có trách cứ họ đâu. Mỗi người có mối quan tâm của mình. Anh không hiểu tranh phong cảnh và ca kịch, nhưng anh nghĩ thế này: nếu có những người thông minh hiến trọn đời mình cho nghệ thuật, và những người thông minh khác trả rất nhiều tiền cho nghệ thuật, thì có nghĩa nghệ thuật là cần thiết. Anh không hiểu, nhưng không hiểu không có nghĩa là phủ nhận.
Hầu hết những người Nga mua tranh của tôi không bao giờ mặc cả. Nếu họ cho là không vừa túi tiền, họ không mua, chứ không kêu đắt, hay xin bớt. Sau này tôi cũng từng gặp những nhà sưu tầm khả kính như vậy từ các nước khác, song tác phong rất nhân văn đó dường như là một đặc trưng cho mọi tầng lớp người Nga, không phân biệt người giàu hay kẻ nghèo, người lao động chân tay hay lao động trí óc. Ít nhất đó là điều tôi đã trải nghiệm vào thời đó.
Có lần một người Nga “đặt hàng” tôi vẽ chân dung vợ ông để ông tặng bà nhân dịp sinh nhật bà. Tôi yêu cầu không góp ý cho đến khi tôi vẽ xong bức tranh. Tôi vẽ bức tranh trong vài buổi tại nhà ông, mỗi ngày chừng 2 – 3 tiếng. Trong suốt thời gian đó cả hai vợ chồng đều không nhìn vào bức tranh. Thậm chí khi tôi về, họ còn đề nghị tôi dựng bức tranh úp mặt vào tường để họ hoặc khách khứa khỏi vô tình nhìn thấy. Khi tôi vẽ xong, nói có thể nhận xét góp ý để tôi sửa theo yêu cầu, họ cũng không nói ngay. Buổi sau, lúc tôi tới, người chồng đưa tôi “trả lời bằng văn bản”: một tờ giấy viết các nhận xét của mình để tôi đọc và tùy ý xử lý. Những nhận xét rất nhỏ, ví dụ ông muốn mắt trái của vợ sáng hơn một chút, ngón tay đeo nhẫn nhẵn hơn một chút v.v. Tôi đã đáp ứng tất cả các yêu cầu của ông. Bà vợ trong suốt thời gian ngồi mẫu và khi bức tranh chưa hoàn thành, không hề nhìn vào bức tranh. Sau đó bức tranh lại được dựng úp mặt vào tường. Tới sinh nhật bà, ông chồng mở tiệc mời tôi và vài người bạn khác tới nhà. Ông long trọng mở bức tranh ra. Lần đầu tiên bà vợ nhìn thấy chân dung của mình do tôi vẽ.
Cố giáo sư Vadim Soloviev (1925 – 1998) là người thày khoa học của tôi. Ông sống với vợ trong một biệt thự có vườn rộng đầy các cây thông cao vút tại Dubna. Ông đã ngồi làm mẫu ngoài hiên nhà cho tôi vẽ chân dung ông. Vợ ông sợ ông lạnh, choàng lên vai ông một cái áo khoác có hoa. Tôi vẽ cả cái áo choàng đó trên vai ông. Ông nói:
-  Trong khi anh vẽ, tôi sẽ ngẫm nghĩ về báo cáo của tôi tại hội thảo tuần tới.
Sau khi hoàn thành bức tranh tại ký túc xá, tôi đem đến tặng ông.
Ông mở tiệc để ra mắt bức tranh. Ngoài tôi, hai giáo sư vật lý bạn ông, đồng thời là vợ chồng, cũng được mời tới dự tiệc. Trước khi ngồi vào bàn ăn, ông giới thiệu bức tranh tại phòng khách. Ông mở nhạc, mở rượu. Chúng tôi có một buổi tối rất vui vẻ.
Sau đó ít hôm, ông được mời đi dự lễ khánh thành tượng bán thân của viện sĩ Nikolai Nikolaievich Bogolyubov – nhà vật lý Liên Xô nổi tiếng, viện trưởng viện Liên hợp Nghiên cứu Hạt nhân Dubna. Khi về, ông rất bất bình, nói rằng bức tượng trông không giống Nikolai Nikolaevich. Một đồng nghiệp đùa, hỏi ông:
Thế bức chân dung của ông do Đăng vẽ thì sao?
Tôi thì giống (Я похож). – ông nói.
Mọi người bảo nhau, không rõ GS Soloviev nói vậy có nghĩa là “ông giống bức chân dung” hay “bức chân dung giống ông”.
Tôi thường tự hỏi vì sao người Nga lại có một thái độ trân trọng đặc biệt như vậy đối với nghệ thuật? Dĩ nhiên truyền thống văn hoá, triết học, tôn giáo đóng vai trò rất quan trọng. Từ thời Trung cổ nước Nga đã có nền hội hoạ icon và bích hoạ với các danh hoạ như Feofan Grek (1340 – 1410) và Andrei Rublev (1360/1370 – 1427/1430). Đến t.k. XVIII, nữ hoàng Ekaterina Đế Nhị đã ký sắc lệnh thành lập viện Hàn lâm Nghệ thuật Hoàng gia tại Saint Petersburg (năm 1765), dạy 3 nghệ thuật tăm tiếng nhất: hội hoạ, điêu khắc và kiến trúc. Nhưng, có lẽ hơn ai hết, người Nga rất thấm nhuần tư tưởng mà, qua tuyên bố của Stefan Trofimovich trong tiểu thuyết “Lũ người quỷ ám” (Бесы) (1871), đại văn hào Nga Fedor Dostoevsky đã phác hoạ thành một bức tranh “à la Honoré Daumier” trong văn học.
Тôi tuyên bố rằng Shakespeare và Raphael cao hơn sự giải phóng nông dân, cao hơn dân tộc tính, cao hơn chủ nghĩa xã hội, cao hơn thế hệ trẻ, cao hơn hóa học, cao hơn toàn nhân loại, bởi đó là kết tinh, kết tinh chân chính của toàn nhân loại và có thể là kết tinh cao quý nhất, cao quý nhất có thể! Hình dạng của cái đẹp đã được đạt tới, mà nếu không đạt được nó, có lẽ tôi cũng không đồng ý sống nữa… Trời ơi! – ông vung hai tay lên, – mười năm trước tôi đã từng kêu lên như thế này trên sân khấu tại Petersburg, cũng những lời lẽ đó, và chúng cũng chẳng hiểu gì hết, cũng chỉ cười nhạo và huýt gió như bây giờ; hỡi những người lùn kia, còn thiếu gì để cho các người hiểu đây? Liệu các người có biết, có biết rằng nhân loại vẫn có thể sống mà không cần người Anh, có thể sống không cần nước Đức, càng có thể sống không cần người Nga, không cần khoa học, không cần bánh mì, nhưng nếu chỉ thiếu cái đẹp thôi là thôi rồi, không thể sống được nữa, bởi lẽ sẽ chẳng còn gì để làm trên đời này nữa! Toàn bộ bí mật là ở đây, toàn bộ lịch sử là ở đây! Thiếu cái đẹp, bản thân khoa học cũng sẽ không đứng vững được một phút, – các người liệu có biết tới điều này không, lại còn cười à, -  vô văn hoá thì đến cái đinh các người cũng chẳng làm ra được!… Tôi sẽ không lùi bước đâu! – ông hét lên khi kết thúc và dùng hết sức bình sinh đấm xuống mặt bàn.”
Nếu có độc giả nào cảm thấy đoạn văn bất hủ trên đây đã lỗi mốt hay cực đoan, tôi xin nói thêm rằng, tôi nhìn thấy trong đó tinh thần của người Nga: tưởng như cũ kỹ, buồn và nặng nề, nhưng vừa hùng vĩ và quyết liệt như đám mây đen trước cơn giông tố đang trùm lên cánh đồng lúa mì bao la, lại vừa sáng và ấm như giọt nước mắt lăn ướt gò má một thính giả tại đại khán phòng nhạc viện Tchaikovsky đang rưng rưng thả hồn theo Khúc mơ màng” trong tiếng dương cầm của Vladimir Horowitz./.
11. 9. 2013

[1] MGU (МГУ) là tên viết tắt của  Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên M.V. Lomonosov (Московский Государственный Университет имени М.В. Ломоносова).
[2] Bánh gối rán, vỏ bột mì, nhân thịt băm trộn hành.
[3] Tula là nơi sản xuất ấm samovar dùng để đun nước pha trà truyền thống của Nga. Ngạn ngữ  Không mang theo  ấm samovar của mình về Tula” (В Тулу не едут со своим самоваром) cũng tương tự như “Không chở củi về rừng”.
[4] Tiếng lóng chỉ ngực (uy tín) và mông (học vấn).
[5] Tên nhân vật đã được thay đổi.
[6] ”Nyu” (ню) – (tranh) khỏa thân (tiếng Nga có gốc từ “nu” trong tiếng Pháp).
[7] Tôi trở thành hội viên hội Mỹ thuật Việt Nam năm 1987. Khi đó chưa có thẻ, hội gửi cho tôi một giấy chứng nhận hội viên. Tờ giấy này đã giúp tôi mua hoạ phẩm tại cửa hiệu chỉ dành riêng cho hội viên hội hoạ sĩ Liên Xô và các hội kết nghĩa như hội Mỹ thuật Việt Nam. Lúc bấy giờ hoạ phẩm đã trở nên khan hiếm tại Moskva. Tờ giấy này còn giúp tôi mua vé vào các bảo tàng mỹ thuật mà không cần phải xếp hàng.

  1. Vu Tran nói:
    Chào chú Đăng.
    Con đọc blog và sách của chú lâu rồi nhưng không comment được. Nay sẵn có dịp chú mở tính năng này lại nên con comment vào đây.
    Cách đây hai năm, khi con tìm hiểu về cách làm French polish nên tình cờ đọc tài liệu Kĩ thuật vẽ sơn dầu của chú, và thấy có hứng thú nên đã học vẽ sơn dầu. Do không có ai hướng dẫn nên con mua đại một ít sơn dầu Amsterdam và Cotton canvas của Hàn Quốc về tập vẽ. Chỉ dùng hết khoảng 1/3 màu trong đống tuyp thì con đã phải mua grade màu cao hơn (Van Gogh) và giờ thì là Rembrandt. Màu vẽ artist grade ở VN không có bán vì mấy cửa hàng ở đây bảo nhập về không ai mua. Bản thân con thấy giá cửa hàng báo cũng không cao, rẻ hơn 1/2 so với giá trên dickblick.com thôi.
    Con là kẻ ngoại đạo (làm nghề mộc) chỉ học vẽ cho vui nên con cũng không rành về nền hội hoạ Việt Nam. Tiện có câu hỏi của chú về tương lai hội hoạ Việt Nam thế nào. Con không trả lời được vì thế hệ của con (26 tuổi) chưa thấy gì. Con nghĩ Việt Nam cần ít nhất khoảng 100 năm nữa để theo kịp hội hoạ thế giới. Hoạ sĩ Việt Nam lười lắm chú ạ. Nếu ông hoạ sĩ nào cũng siêng học và vẽ nhiều như chú thì chỉ cần 10 năm là hội hoạ Việt Nam có chỗ đứng rồi. Thế hệ trước con thì từ cách các hoạ sĩ sử dụng màu để vẽ tác phẩm mà chỉ dùng màu grade thấp thì vô vọng. Hoạ sĩ Việt Nam đa phần là siêng cafe, thuốc lá và rượu. Con nghĩ con là người đầu tiên trả lời câu hỏi này của chú? Nếu đã có trước thì may quá.
    Con vẫn theo lời khuyên của chú nên học lý thuyết rất nhiều. Nhưng con chỉ thích vẽ theo kiểu Alla prima chứ không theo kỹ thuật giống chú được vì nó qua phức tạp.
    Câu chuyện của chú rất hấp dẫn. Con đọc lướt nên thỉnh thoảng vẫn tưởng chú trích từ cuốn tiểu thuyết nào đó ra. Đến lúc thấy tên chú thì mới xác nhận nó là câu chuyện thật. Thời đó chú sướng thế, ở Đà Lạt con không thể tìm ra mẫu nude nên chỉ có thể luyện vẽ từ bộ ảnh nude.
    Cám ơn chú vì đã chia sẻ một lượng kiến thức khá lớn bằng tiếng Việt cho người Việt Nam.
    • Nguyễn Đình Đăng nói:
      Tôi cũng từng bắt đầu vẽ sơn dầu như cháu, tuy có sớm hơn một chút, lúc tôi khoảng 14 tuổi, nhưng tuổi tác không thành vấn đề, vì học vẽ không bao giờ muộn. Van Gogh bắt đầu vẽ năm 27 tuổi, tức trạc tuổi cháu bây giờ. Gauguin bắt đầu vẽ từ năm 35 – 36 tuổi. Bà cụ Moses (1860 – 1961) bắt đầu vẽ vào tuổi 70. Cả 3 người này đều không học vẽ ở hoạ viện ngày nào, nhưng điều đó không ngăn cản họ trở thành các hoạ sĩ lừng danh thế giới. Đối với những người như thế này vẽ bỗng dưng trở thành nhu cầu không thể thiếu được trong đời họ. Lịch sứ hội hoạ đã và sẽ còn những người như thế.
      Tài năng thiên bẩm giống như ngọc nằm trong đá, phải mài hết những chỗ lởm khởm đi thì ngọc mới hiện ra, toả sáng. Nếu không siêng năng mài, ngọc sẽ không hiện ra. Siêng năng thôi chưa đủ, còn phải biết cách thì mới mài ra ngọc. Vì thế nên phải học cách mài ngọc. Lao động nghệ thuật cũng tương tự như quá trình mài dũa ngọc. Muốn làm nên nghệ thuật lớn, siêng năng và cảm xúc thôi không đủ. Cần có kiến thức, văn hóa, tức là phải học.
      Ngược lại nếu đá không có ngọc thì có mài tới cụt tay cũng không bao giờ thấy gì. Nếu không có tài năng thiên bẩm thì lao động siêng năng mấy cũng chỉ vẽ nên những bức tranh tầm thường. Tương tự như vậy, một người không có tài piano có tập 10 – 11 tiếng mỗi ngày, thì thông minh và giỏi lắm cũng chỉ thành người thợ chơi đàn mà thôi: có thể chạy rất nhanh, thậm chí không sai nốt nào nhưng tiếng đàn vô hồn, nghe như đóng kịch, không thấy nỗi đau, trăn trở của nghệ sĩ. Thế giới không thiếu những pianists như vậy. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa sự nghiệp của họ là vô ích. Thực tế đóng góp của họ rất lớn vì họ có niềm say mê, lao động, và có học vấn. Họ đem âm nhạc tới cho công chúng và đóng vai trò rất quan trọng trong việc dạy dỗ các nghệ sĩ tương lai. Trong khi đó nếu nghe Arthur Rubinstein, Alfred Cortot, hay Vladimir Horowitz thì có thể thấy họ chơi sai không phải là ít, nhưng tiếng đàn của họ, cái trạng thái âm nhạc vang lên từ diễn tấu của họ là có một không hai.
      Nghệ thuật vì thế vừa rất hấp dẫn lại vừa vô cùng khó khăn. Trong nghệ thuật chỉ có một con đường – đó là con đường của chính mình.
      • Vu Tran nói:
        Con không hiểu nếu không có tài năng thiên bẩm thì lao động siêng năng, mấy cũng chỉ vẽ nên những bức tranh tầm thường. Chữ “tầm thường” ở đây nên hiểu như thế nào. Với con, nếu một người không có khả năng, nhưng với nỗ lực của bản thân, trải qua quá trình rèn luyện gian khổ thì khi sáng tác. Cho dù tác phẩm đó không xuất sắc, không có gì để bàn luận đi nữa cũng không thể dùng từ mạnh như vậy được. Con học vẽ vì thích cảm giác lúc vẽ, lúc cầm cọ chứ không vì bất kì lý do nào khác.
        Gởi chú bài vẽ lần đầu tiên con cầm cọ vẽ sơn dầu. Vẽ lại từ một tác phẩm của Morgan Weistling (đã xin phép tác giả) bài này vẽ tháng 6 năm 2011.
        (Vẽ bằng màu Lukas trên miếng vải nhựa dùng để in quảng cáo treo ngoài đường, rửa cọ bằng dầu lửa)
        Bài này con vẽ khoảng 6 tháng sau đó: (link không hoạt động)
        (vẽ trên giấy winsor&newton) mỗi bài khoảng 3 tiếng.
        Sau một thời gian ngưng vẽ (khoảng 8 tháng) thì gần đây con có vẽ lại. Mẫu thật.
        (links không hoạt động)
        Ở đây khá khó khăn cho việc có người ngồi mẫu. Thời gian từ lúc học vẽ đến nay con chỉ vẽ mẫu chân dung thật được khoảng 10 lần.
        Chú chỉ cho con cách mài đá với. Con cám ơn chú.

        • Nguyễn Đình Đăng nói:
          “Tầm thường” tức là không có gì đặc sắc, không gây ấn tượng. Trong bài “Triển lãm lần thứ 49 của hội mỹ thuật Chủ Thể” tôi có viết về các buổi duyệt tranh của hội mỹ thuật Chủ Thể. Những bức tranh không tầm thường là những bức khiến cả phòng duyệt tranh, gồm khoảng 100 hội viên hội Chủ Thể, ồ lên vì kinh ngạc. Trong khoảng 10 năm chỉ có một hai tác giả vẽ được những bức tranh gây ấn tượng như vậy.
          Cháu vẽ sơn dầu mới hơn 2 năm mà được như thế là khá lắm. Cứ mài đá như thế nhé, ắt có ngày thấy ngọc.
  2. Bùi Như Hương nói:
    Ui, những câu chuyện thật hay và thú vị. Ra đúng tinh thần và tính cách Nga. Tranh cũng rất đẹp đấy Đăng ạ.
  3. Hoàng Lưu, Vũ nói:
    Lần đầu tôi đọc anh viết trên Blog của anh. Tôi được xem tranh của anh lần đầu tiên và duy nhất là ở triển lãm Ngô Quyền. Khi ấy tôi đang là sinh viên. Cảm ơn anh rất nhiều.
    Xin phép anh được copy quan điểm : “Đã là đèn thì phải cháy tới khi cạn dầu, còn nếu chứa đầy dầu mà không cháy được hoặc không được cháy thì chỉ là cái lọ đựng dầu mà thôi. ” để post lên online của tôi chia sẻ với các bạn bè.
    Tôi không phải là lọ đựng dầu, càng không phải là ngọn đèn. Tôi nghĩ tôi chỉ là cái hũ đất đựng muối trong góc bếp mà thôi. :)
    Nhưng tôi đồng ý, đã là đèn thì phải cháy tới khi cạn dầu.
    Xin cảm ơn anh một lần nữa.
    • Nguyễn Đình Đăng nói:
      Chào bạn Hoàng Lưu Vũ,
      Tất nhiên bạn có thể trích dẫn quan điểm của tôi, miễn là bạn ghi rõ tên tác giả của nó.
      Chúc bạn sức khỏe và nhiều may mắn,
      Đăng
  4. Lê Anh Hoài nói:
    Cảm ơn anh Đăng với những câu chuyện hết sức thú vị, và tràn đầy tình cảm! Tranh của anh cũng rất đẹp và thời kỳ này tôi thấy chúng rất trong sáng.
    Trân trọng.
  5. Trần Thanh Bình nói:
    Một bài viết lôi cuốn từ đầu đến cuối vì tính giản dị và chân thực của câu chuyện. Đọc xong, tôi chợt nảy ra ý nghĩ: Nếu có ai đó biên soạn một cuốn sách kể chuyện đời và chuyện nghề của các họa sĩ, điêu khắc gia thì chắc là hấp dẫn nhiều độc giả lắm đây. Ông có thể viết nhiều câu chuyện nhỏ mang tính tự chuyện về nghề vẽ của mình, tôi tin chắc là hấp dẫn lắm đấy.
    Xin cảm ơn ông đã gửi bài viết cho tôi.
    Trân trọng
    Trần Thanh Bình
  6. P. Long nói:
    Cám ơn anh Đăng rất nhiều về bữa tiệc mời có cả tranh lẫn truyện :)
    Đặc biệt, mẩu hồi ký của anh thú vị thật sự, gợi lại mấy nét mờ khuất bấy lâu về cái nước Nga nửa quý tộc nửa nông zân gần gũi mà cũng mãi không hiểu hết. (thâm tâm tôi cứ tiếc cho đoạn anh trai trẻ Việt vẽ mẫu “nuy” Tây mà cứ phỗng ra thế nhẽ khiến nàng hiểu lầm cho khả năng sinh lực nhà mình chăng :) )
    Chúc anh khoẻ và tiếp tục có kết quả cả trong vật lý và hội hoạ.
    Thân mến,
    P.Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét