Thứ Năm, 2 tháng 1, 2014

Tây du ký

Nguyễn Đình Đăng
Câu chuyện về chuyến đi Ấn Độ của tôi lần này cũng xem như Tây Du Ký, tuy là tây du một mình, không có khỉ, lợn, thủy quái làm tùy tùng, cũng không cưỡi ngựa bạch, mà “cân đẩu vân” bằng hàng không Singapore.
Lần đầu tiên đi Singapore airlines, tôi phát hiện ra rằng y phục dân tộc của các nữ chiêu đãi viên quốc đảo sư tử này thực ra khá sexy. Váy xẻ tà mặt tiền, đứng thì kín nhưng đi thì hở, không thua kém gì áo dài lộ eo của các nữ đồng nghiệp hàng không Việt Nam.
MERIAN Editors Blog Flugbegleiterinnen
Nữ chiêu đãi viên hàng không Singapore
(ảnh từ internet)
Tôi cũng không sang đó để thỉnh kinh mà để giảng kinh mới … kinh: thuyết trình tại hội thảo quốc tế về vật lý hạt nhân do Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Ấn Độ tổ chức ở Mumbai (Bombay cũ), và tại seminar viện vật lý hạt nhân Saha ở Kolkata (Calcutta cũ). Mumbai nằm ở phía tây Ấn Độ cách Kolkata ở phía đông hơn 2 giờ bay hay hơn 20 giờ đi tàu tốc hành.
1) Mumbai 
Hồi cuối tháng 6 tôi nhận được thư từ ban tổ chức hội thảo Ấn Độ mời thuyết trình tại phiên toàn thể. Họ nói đề tài tôi tùy ý chọn nhưng họ rất ấn tượng vì công trình nghiên cứu độ nhớt trong hạt nhân nóng của tôi [1]. Tôi cũng đắn đo mất một gian trước khi đồng ý nhận lời. Sự thực là tôi đã dự một hội thảo tương tự cách đây 13 năm. Đường phố Bombay hồi đó trông rất nghèo khổ. Trẻ con đập tay vào cửa xe taxi ăn xin. Kẹt xe liên miên. Bò thản nhiên đi lại nghênh ngang ngoài phố. Giữa dòng người xe lũ lượt bỗng vọt lên mấy mỏm đá cao, trên đỉnh có mấy ông cụ bằng xương bằng thịt đang nhắm mắt im lặng tọa thiền! Một nhà vật lý người Anh sống tại Nam Phi hồi đó nói ông không dám quay lại Ấn Độ lần thứ hai vì sợ nhìn thấy những cảnh đau thương như thế.
Ngoài lời mời thuyết trình về vật lý, ban tổ chức hội thảo còn mời tôi trình diễn hội hoạ trong chương trình văn hóa của hội nghị. Tôi trả lời rằng, thay vì “demonstration”, tôi sẽ thuyết trình về tranh để khỏi phải khuân theo “đạo cụ” lỉnh kỉnh. Tôi vốn chủ trương “travel light”, hành trang chỉ gồm một cái va-li con và một ba-lô, có thể mang được tất cả vào khoang hành khách, vì tôi ghét cái cảnh đần mặt đứng chờ hành lý chui ra từ trên băng chuyền mỗi lần đến sân bay. Ngoài ra, nói bao giờ cũng vẫn nhàn hơn là làm.
Sau khi danh sách các nhà vật lý nhận lời thuyết trình tại phiên toàn thể xuất hiện trên trang web của hội thảo, tôi lại nhận được một thư mời nữa từ GS Bijay Agrawal thuộc viện vật lý hạt nhân Saha ở Kolkata (Saha Institute of Nuclear Physics, SINP).  Ông nói đọc thấy tên tôi trong danh sách các tác giả thuyết trình nên muốn nhân cơ hội này mời tôi tới thăm SINP để bàn khả năng hợp tác. Tôi chưa bao giờ gặp GS Bijay Agrawal, nhưng có đọc các công trình của ông, và biết tiếng ông qua giới thiệu của thày ông là GS Ahmad Ansari, một trong các cộng sự của tôi từ Bhubaneswar (Ấn Độ), và GS Shalom Shlomo từ Texas A&M University (Hoa Kỳ). Vì thế tôi nhận lời. Tôi cũng chưa bao giờ tới Kolkata.
Để được cấp visa sang Ấn Độ dự hội thảo quốc tế, các đại biểu, bất kể thuộc quốc tịch Việt Nam, Mỹ hay Nhật đều cần một thứ gọi là “giấy chứng nhận trong sạch về mặt chính trị” (political clearance) của Bộ Ngoại giao của Ấn Độ. Giới quan liêu ngâm tôm một tháng rưỡi không cấp giấy. Cuối cùng ban tổ chức phải cử người lặn lội từ Mumbai đến tận thủ đô New Dehli gặp trực tiếp mới được cấp.
Hội thảo diễn ra tại hội trường lớn Nabhikiya Urja Bhavan của Công ty Năng lượng Nguyên tử (Nuclear Power Corporation) ở Anushaktinagar (trong tiếng Hindi, Anushakti có nghĩa là năng lượng nguyên tử, nagar – thành phố) – thành phố dành riêng cho các nhà khoa học thuộc Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Ấn Độ (Department of Atomic Energy, DAE) và gia đình, nơi có Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử Bhabha (Bhabha Atomic Research Center BARC). Với dân cư 45 ngàn người, 17 tòa cao ốc, nhiều toà nhà căn hộ được cấp hầu như miễn phí cho các nhân viên và nhà nghiên cứu thuộc DAE, trường học, cửa hàng, bệnh viện, v.v., Anushaktinagar được coi là cộng đồng lớn nhất thế giới nơi các nhà khoa học sống tập trung tại một chỗ. An ninh ở đây rất cao. Anushaktinagar có hàng rào bao bọc, ngăn cách khu vực này với thành phố bên ngoài. Khách vào phải xuất trình giấy tờ. Xe hơi qua cổng phải dừng lại để lính canh đeo súng kiểm soát. Sau khi họ lắc đầu thì xe mới được đi. Khi người Ấn Độ lắc đầu theo kiểu nghiêng đầu sang bên này bên kia thì đó là dấu hiệu đồng ý. Khi họ khoát tay với lòng bàn tay hướng về phiá trước, ngón tay hướng lên trên thì đó là dấu hiệu trấn an, xua đuổi sự sợ hãi. Cử chỉ này có tên là abhayamudra, thường thấy ở các tượng Phật Cổ.
rx98
Tượng Phật ngồi với tay phải trong tư thế abhayamudra
Công ty Năng lượng Nguyên tử lại có thêm một cổng kiểm soát nữa. Không được chụp ảnh. Máy ảnh phải gửi lại tại gác cổng. Chỉ có các diễn giả tại các phiên toàn thể mới được mang laptop vào. Các đại biểu khác phải để laptop bên ngoài hoặc để lại ở hotel. Không có wi-fi trong hội trường.
3399621630_0901db8748_z
Công ty Năng lượng Nguyên tử ở Anushaktinagar
(ảnh từ internet)
Thuyết trình của tôi nhan đề “Độ nhớt: Từ không khí tới hạt nhân nóng” được xếp ngay hôm khai mạc, 2.12.2013, nhưng vào đầu giờ chiều, sau khi đã được ban tổ chức chiêu đãi một bữa trưa món ăn Ấn Độ cay thấy quỷ xanh quỷ đỏ. Về món ăn, tôi không ngại lắm vì đã nếm mùi thức ăn Ấn Độ thứ thiệt cách đây 13 năm, còn nhớ đến tận bây giờ. Về thuyết trình tôi cũng bình chân như vại và luôn ước gì mỗi khi trình diễn piano trước công chúng mình cũng ung dung bình tĩnh như khi thuyết trình vật lý thì hay biết mấy. Hơn nữa tôi đã diễn thuyết về đề tài này vài lần tại các seminar và hội thảo ở Mỹ, Bulgaria và Việt Nam trước đó, nên bây giờ gần như thuộc lòng phần đầu. Chỉ có phần cuối là có thêm các kết quả mới nên khác một chút.
Tham dự các buổi báo cáo treo tường (poster session), tôi được tiếp xúc với nhiều sinh viên đang làm luận án thạc sĩ và tiến sĩ của Ấn Độ. Tất cả đều rất say sưa, hăng hái trong nghiên cứu. Những người hướng dẫn họ đều là các chuyên gia hàng đầu tại BARC, SINP và các viện khác trên toàn Ấn Độ. Tôi đặc biệt mừng vì hạt nhân nóng, một trong những vấn đề tôi quan tâm nghiên cứu, là đề tài nóng tại Ấn Độ. Trong một diễn biến gần đây nhất, nhóm các nhà vật lý hạt nhân thực nghiệm tại BARC do GS Vivek Datar dẫn đầu mới phát hiện thấy rằng mật độ mức trong hạt nhân 104Pd (palladium) tăng bất thường khi hạt nhân này nóng lên và quay. Họ đề nghị tôi nghiên cứu xem đó có thực sự là hiện tượng tái xuất hiện khe cặp siêu dẫn mà lý thuyết của chúng tôi từng tiên đoán hay không.
Về độ rộng cộng hưởng khổng lồ lưỡng cực trong hạt nhân nóng, tiên đoán của mô hình phonon tắt dần (phonon damping model, PDM) do tôi và GS Akito Arima đề xuất năm 1998 [2] rất phù hợp với kết quả mới nhất của nhóm vật lý thực nghiệm ở Trung tâm máy gia tốc có năng lượng thay đổi (Variable Energy Cyclotron Center, VECC) tại Kolkata do GS Sudhee Banerjee dẫn đầu [3]. Như vậy là trong những năm gần đây, PDM đã dần dần nghiễm nhiên được thừa nhận là mô hình duy nhất có khả năng mô tả được một cách nhất quán sự biến thiên của độ rộng cộng hưởng khổng lồ lưỡng cực trong toàn vùng nhiệt độ từ 0 tới 5 triệu electron-volt [3, 4]. Lại nhớ 15 năm trước, khi mô hình này lần đầu tiên được công bố tại một hội thảo về cộng hưởng khổng lồ tổ chức ở Varenna (Ý), nó đã gặp phải phản ứng dữ dội như thế nào. Đúng như triết gia Đức Arthur Schopenhauer (1788 – 1860) từng nói :”Mọi chân lý trải qua 3 giai đoạn. Đầu tiên nó bị chê cười. Sau đó nó bị phản đối kịch liệt. Cuối cùng nó được chấp nhận như một sự thật hiển nhiên.
IMG_0100
Giấy mời các đại biểu hội thảo tham dự Cultural Evening
Chương trình văn hóa diễn ra từ 7 giờ tối thứ Năm, 5.12.2013, bắt đầu bằng thuyết trình về tranh của tôi nhan đề ”Đông và Tây trong tôi“. Sau đó là hòa nhạc cổ điển Ấn Độ do TS M. Murthy, một nhà vật lý, chơi đàn Veena và nghệ sĩ Kaushik Basu đệm trống tabla. Người chơi Veena không ấn tượng lắm, chốc chốc lại thấy so lại dây đàn. Có thể nghe tiếng Veena của ông tại đây. Nhưng người chơi trống tabla quả là cự phách. Mười ngón tay anh ta múa tít, gõ lúc mạnh lúc nhẹ lúc khoan lúc nhặt, lúc như mơn trớn ve vuốt mặt trống, tạo ra các âm sắc kỳ lạ. Có những lúc các ngón tay của anh khiến tôi liên tưởng tới ngón tay của một nghệ sĩ piano.
Screen Shot 2013-12-27 at 11.43.17 PM
TS V. Murthy và cây đàn Veena của ông
(ảnh từ internet)
photo
Nghệ sĩ Kaushik Basu đang chơi tabla
(ảnh từ internet)
Xúc động nhất là cuộc gặp đầu tiên với GS Bijay Agrawal. Lúc Tanuja, vợ ông, tự giới thiệu trong lúc nghỉ uống cà phê, tôi thấy đôi mắt của ông vẫn hướng về phía người nói chuyện. Nhưng khi thấy vợ ông dẫn ông bước lên bục thuyết trình, tôi mới biết ông là người khiếm thị. Vợ ông chuyển slides và dùng que tia laser chỉ slides cho ông trong khi ông nói. Ông nhớ mọi công thức, ký hiệu trên slides của mình đến phát sợ luôn. Hai vợ chồng đã vượt quãng đường gần 30 giờ bằng tàu từ Kolkata tới Mumbai để dự hội thảo. Tanuja giúp ông một cách rất kín đáo, ví dụ khi ăn trưa, bà không để ông ngồi một chỗ rồi chạy đi bưng thức ăn đến, mà dẫn ông tới bàn bày đồ ăn để ông chọn như những người khác, sau đó bà lại dẫn ông tới bàn ăn. Nếu không tinh ý, khó nhận ra ông là người khiếm thị.
2) Câu chuyện của người tài xế taxi
Vì chương trình hội thảo kín mít từ sáng tới chiều tối, tôi phải bỏ phần cuối của một poster session (báo cáo tường) vào buổi chiều thứ Ba để vào trung tâm Mumbai ngó nghiêng cho biết. Tôi nhờ hotel gọi cho một taxi thuê bao cả đi lẫn về và chờ chực với giá 800 rupees (khoảng 13 USD).
IMG_0021
Cổng vào Ấn Độ (bên trái)
Thành phố Mumbai trải dài từ bắc xuống nam, lúc nào cũng như ở trong tình trạng đang xây dựng: thỉnh thoảng lại thấy có đoạn đường bị đào lên, một đoạn đường cao tốc đang được xây, một đường hầm mới khai trương v.v. Xe cộ chuyển động tứ tung gần như ở Hà Nội hay Sài Gòn, nhưng chủ yếu là xe hơi, xe lam 3 bánh, ít xe máy, và hầu như không thấy xe đạp. Tài xế taxi đưa tôi tới Cổng vào Ấn Độ (Gateway of India) trên bờ biển. Cổng này được khánh thành năm 1924, là nơi từng chứng kiến đạo quân Anh cuối cùng rút lui ngày 28.2.1948, trả lại nền độc lập cho Ấn Độ. Tôi tới đó đúng vào lúc đang diễn ra một buổi lễ của hải quân. Nhiều sĩ quan vận quân phục trắng đứng xếp hàng và dân chúng tụ tập ở kè sát biển xem máy bay trực thăng diễu hành trên trời. Lúc trời gần tối, tài xế taxi chở tôi tới Marine Drive – đại lộ dài chừng 4 cây số chạy dọc theo bờ biển phía nam thành phố. Trên kè đá sát biển có rất nhiều người đi dạo, trai gái ôm nhau ngồi trên bờ bê-tông ngắm mặt trời lặn. Khi màn đêm buông xuống, ánh đèn dọc theo kè đá trên Marine Drive biến đại lộ thành một chuỗi ánh sáng lung linh hình vòng cung khổng lồ. Vì thế Marine Drive còn có tên là “the Queen’s Necklace”, tức “Chuỗi hạt đeo cổ của Nữ hoàng”.
IMG_0035
Marine Drive – Chuỗi hạt của Nữ hoàng
Trong khi đang tản bộ trên Marine Drive, tôi nghe thấy một bé trai bán hàng rong rao: “Chai, coffee.” Trong tiếng Nga “чай” (đọc là “trai”) có nghĩa là “trà”, và tôi vẫn cho đó là từ gốc Nga chính cống. Bây giờ hỏi tài xế taxi: “Chai là gì vậy?”, tôi được anh ta cho biết trong tiếng Hindi “chai”  là “trà”. Thì ra cội nguồn là đây. Trà vốn xuất xứ từ Tàu vào t.k. XV – XI tr. CN. Vào t.k. VI trà được nhập từ Tàu vào Nhật Bản. Các giáo sĩ Bồ Đào Nha đã phát hiện ra trà khi họ tới Macao vào t.k. XVI. Từ đây trà được xuất khẩu sang Anh vào t.k. XVII, rồi người Anh nhập trà vào Ấn Độ. Trà xuất hiện tại Nga vào đầu t.k. XVI. Tất cả các từ ちゃ(Nhật), c (Bồ Đào Nha), tea (Anh), thé (Pháp), chai (Hindi), чай (Nga), trà (Việt Nam), v.v. đều là phiên âm của chữ Hán 茶 (trà) mà ra cả.
Mặc dù tôi thường đọc được cảnh báo trên internet rằng phải dè chừng tài xế taxi Ấn Độ vì họ cũng ăn gian, vặn cho đồng hồ cây số nhanh lên, không trả lại tiền thừa v.v. … y như tài xế Việt Nam, nhưng những tài xế taxi tôi gặp lần này tại Mumbai đều rất lịch sự lễ phép. Họ luôn gọi tôi là “Sir”. Cậu tài xế do hotel phái ra đón tôi tại sân bay khi tôi tới Mumbai vào 11 giờ đêm hôm 1 tháng 12 lại còn ra hiệu ý bảo tôi không việc gì phải cho tip tay cò mồi ở bến xe. Tay này đi theo chỉ đường rồi xin tip, nói rằng tiền nước nào cũng được. Tôi cho anh ta 100 yen Nhật (khoảng 1 USD). Anh ta ngắm nghía đồng xu, rồi đưa lại cho cậu tài xế taxi. Vào xe, cậu này định trả lại cho tôi. Tôi nói nếu cậu xài được thì giữ lấy vì tôi vừa tới không có rupees (tiền Ấn Độ) lẻ. Cậu ta cảm ơn tôi rồi bỏ đồng xu vào túi ngực. Người tài xế taxi đưa tôi đi thăm trung tâm Mumbai cũng vậy. Mỗi khi tôi bảo dừng xe để tôi đi ra tản bộ ngó nghiêng, anh ta đều nói: “Ông cứ đi dạo thoải mái, tôi ngồi chờ tại đây. Thời gian không thành vấn đề.”
Trên đường về, tôi có dịp trò chuyện với tài xế taxi. Anh năm nay 42 tuổi. 22 năm trước, anh cùng một người bạn bỏ làng từ vùng Kashmir phía tây bắc Ấn Độ, vượt chặng đường 2 ngàn rưởi cây số để tới Mumbai tìm kế sinh nhai. Tại đây anh được một người lái taxi cưu mang, đưa về nhà làm ô-sin. Rồi anh được người này dạy lái xe. Dần dà anh dành dụm đủ tiền mua một chiếc xe hơi cũ, tạm biệt ông chủ để trở thành tài xế taxi độc lập. Lần đầu tiên sau 7 năm, anh về thăm quê hương. Bố mẹ anh mừng rỡ. Họ tưởng anh đã biệt tích. Khi bố anh yêu cầu anh lấy vợ, anh nói anh đồng ý với điều kiện sẽ đem vợ quay lại Mumbai bởi anh không muốn sống tại ngôi làng nghèo khổ của mình. Bây giờ anh tự hào nói một mình lái taxi đủ nuôi vợ và con trai học tiểu học. Anh kết luận y như Victor Hugo: “Cuộc đời là một cuộc đấu tranh. Nếu anh chỉ sống bằng những gì người khác cho anh, không có khó khăn gì, thì đó không phải là cuộc sống.” Về tới hotel, tôi trả tiền xe và nói: “Đây là 800 rupees như đã thỏa thuận. Còn đây là 100 rupees tôi tặng anh.” Anh nhận tiền rồi nói: “Thank you, Sir.”
IMG_0030
Một gia đình đứng cho thợ chụp hình gần Cổng vào Ấn Độ
3) Kolkata
Chiều thứ Sáu, 6.12, tôi bay từ Mumbai đi Kolkata trên chuyến bay của hàng không Ấn Độ (Air India). Tôi từng được nghe nhiều điều tiếng về Air India nhưng chuyến bay hôm đó khá tốt: cất cánh đúng giờ, phục vụ trên máy bay không có gì đáng chê trách. Sau 2 giờ 10 phút bay, máy bay hạ cánh xuống sân bay Kolkata. Sân bay lớn nhất phía đông Ấn Độ này có vài điểm giống sân bay Nội Bài: diện tích 675 ha, tương tự sân bay Nội Bài (650 ha), cũng có 2 đường băng dài 3860 và 3300 m (2 đường băng Nội Bài dài 3800 và 3200 m). Tòa nhà sân bay Kolkata cũng có hai cánh hếch lên, vòm trần được tranh trí bằng các chữ Bengali – ngôn ngữ của bang Tây Bengal mà Kolkata là thủ phủ.
ne35
Sân bay Kolkata (ảnh từ internet)
Ra đón tôi tại sân bay là Chiranjib Mondal – nghiên cứu sinh năm thứ nhất của GS Agrawal, vì GS Agrawal và vợ cũng đang trên đường từ Mumbai trở về Kolkata sau hội thảo nhưng họ đáp tàu. Họ rời Mumbai từ đêm 5.12, trước tôi một ngày. Sau khi tôi cùng Chiranjib ngồi lên taxi, cậu ta gọi điện cho GS Agrawal. Ông nói ông cũng vừa về tới Kolkata. Chiranjib 24 tuổi, kém con trai tôi 2 tuổi, người Bengali, từ nhỏ tới giờ chưa lần nào đi máy bay.
Vì nhà khách của SINP đã chật cứng cho tới sáng Chủ Nhật do có một hội thảo quốc tế nên trong hai tối thứ Sáu và thứ Bảy tôi được xếp ở tạm nhà khách của ký túc xá dành cho nghiên cứu sinh của SINP. Chiranjib cũng ở trong khu đó nên rất tiện cho việc cậu ta đưa đón tôi vào hai ngày nghỉ cuối tuần. Đường tới nhà khách đầy ổ gà, xóc lên xóc xuống như đường ở Bắc Việt Nam thời chiến tranh chống Mỹ. Tòa nhà tôi ở có 4 tầng và duy nhất một cái thang máy. Cửa thang máy là cửa xếp bằng sắt như cửa xếp của các hiệu tạp hóa hay rạp chiếu bóng ngày xưa ở Hà Nội. Nếu cửa đóng không chặt, thang máy không chạy. Sau khi kéo giập cửa thật mạnh, ấn nút thang máy, thì nó mới giật cái huỵch rồi lừ đừ chuyển động. Mỗi tầng có 2 căn hộ có cửa ra vào đối diện nhau và nằm hai bên thang máy. Căn hộ tôi ở có 3 phòng con chung 1 phòng khách to ở giữa, một bếp và phòng tắm kèm nhà vệ sinh chung. Trong mỗi phòng lại có một phòng vệ sinh riêng. Các phòng có cửa bằng sắt, chốt sắt đeo lủng lẳng ổ khóa, nom như cửa xà lim. Bàn ghế giường tủ rất sơ sài. Phòng tắm có thêm một xô nhựa to đùng để hứng nước khiến tôi hiểu ngay nước thường xuyên bị mất. Y như rằng, hai buổi sáng ở đó sáng nào cũng mất nước. Tôi phải báo cho trực ban ở tầng 1. Lần thứ nhất họ nói máy bơm không hoạt động, phải sửa chừng nửa tiếng nước mới chảy ra. Lần thứ hai họ phát hiện ra một chỗ rò trên đường ống ở sân thượng khiến nước chảy hết ra ngoài. Lại mất nửa tiếng xử lý mới có nước lại.
IMG_0054
Thang máy tại nhà khách
Các bữa ăn ở nhà khách do một cậu thanh niên bé nhỏ nấu. Cậu sống ở căn hộ ở tầng 1, có phòng khách dùng làm phòng ăn, 3 phòng con còn lại làm chỗ ở cho người nấu bếp, vài thợ sửa chữa và người quản lý tòa nhà. Sáng Chủ Nhật, khi tôi đang ăn món trứng tráng do cậu làm, một người đàn ông, có vẻ là người quản lý nhà khách vào ngắm tôi ăn, rồi hỏi tôi từ nước nào đến. Tôi bảo tôi đến từ Nhật nhưng tôi là người Việt Nam. Ông ta nói ông ta phục Việt Nam vì “đã đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ”. Dĩ nhiên tôi không nhớ mình đã có hân hạnh được nghe chia sẻ này lần thứ bao nhiêu rồi. Tôi nói tôi thích con đường của thánh Mahatma Gandhi hơn, vì nhờ đó mà Ấn Độ đã có độc lập mà không hề phải đổ máu, và lại có cả tự do và dân chủ nữa – những điều hiện còn là mục tiêu lâu dài của người Việt Nam. Ông kia có lẽ đã phát chán vì cũng đã nghe chia sẻ như của tôi không biết đến lần thứ mấy rồi. Ông ta trả lời: “Nhưng có được một người tầm cỡ như thánh Gandhi là rất hiếm.”
Sáng thứ Bảy và chiều Chủ Nhật GS Agrawal mời tôi và Chiranjib tới nhà. Ông kém tôi 6 tuổi. Hai vợ chồng ông có một con trai lên 8. Họ sống trong một căn hộ 3 phòng ngủ, và một phòng khách rộng trên tầng trên cùng của một tòa nhà 4 tầng mà mỗi tầng chỉ có một căn hộ như vậy. Tòa nhà có hàng rào bao quanh, có cổng sắt và hai vợ chồng một người bảo vệ sống tại tầng để xe hơi.
IMG_0085
Cùng vợ chồng GS B.K. Agrawal trong phòng làm việc của ông tại SINP
Bijay Agrawal bảo vệ luận án tiến sĩ năm 1995 dưới sự hướng dẫn của GS Ahmad Ansari. Khi mời GS Ansari tới RIKEN vào năm 2000, tôi đã được nghe GS Ansari nói về người học trò của mình. Sau này tôi có đọc nhiều công trình có tên ông. Nhưng cho đến khi gặp ông tại Mumbai vừa rồi, tôi không hề ngờ rằng các công trình đó được thực hiện bởi một người khiếm thị từ nhỏ. Bệnh viêm võng mạc sắc tố (retinis pigmentosa) đã hủy hoại toàn bộ thị giác ngoại vi và trung ương khiến hai mắt ông mù hoàn toàn.  Bệnh này lại không ảnh hưởng gì tới bề ngoài của mắt nên thoạt nhìn hai mắt ông trông không khác gì mắt người tinh. Ông quen vợ ông qua mạng sau khi internet vừa xuất hiện tại Ấn Độ. Lúc đó ông ở Kolkata, còn bà ở Mumbai. Sau khi họ quyết định đính hôn, bố mẹ ông đã đi từ Kolkata tới Mumbai để gặp gia đình bà, xem mặt cô dâu. Sau khi kết hôn, ông nhận được tài trợ làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Texas A&M University. Ông nghiên cứu tại đây 3 năm cùng GS Shalom Shlomo. Tôi cũng từng được nghe GS Shlomo nói nhiều về ông. Riêng về Tanuja, vợ ông, GS Shlomo nói một câu: “Cô ấy là một thiên thần.” (She is an angel). Bây giờ, sau khi gặp họ, tôi mới hiểu nhận xét của GS Shlomo là cực kỳ chính xác. Tanuja hàng ngày lái xe đưa chồng tới viện nghiên cứu, ngồi cạnh ông trước computer để đọc các emails, và các bài báo khoa học cho ông, soạn các bản thảo công trình nghiên cứu, chuẩn bị các slides thuyết trình theo hướng dẫn của ông, lái xe đưa chồng và con đi học nhạc (GS Agrawal học thổi sáo, còn con trai ông học violin), nấu nướng, nuôi dạy con trai, quán xuyến nhà cửa v.v. Làm biết bao việc không tên và đầu tắt mặt tối như vậy, nhưng tôi chỉ thấy bà cười, nói chuyện hóm hỉnh. Tôi hỏi thế lúc bà ốm thì sao. Bà trả lời: “Cũng có khi tôi ốm. Nhưng rồi tôi khỏi ngay. Tôi quen rồi. It’s O.K.” Trong gần 1 tuần tiếp xúc với họ, tuy ông cứ chốc chốc lại gọi: “Tanuja!”, tôi không hề thấy bà cau mày hay cao giọng với ông lần nào. Chiranjib nói với tôi rằng chắc Tanuja có một tình yêu mãnh liệt với chồng thì mới như thế được. Tôi nói từ “love” (tình yêu) chỉ phản ánh được một phần; dùng từ “devotion” (sự dâng hiến, lòng tận tụy) có lẽ đầy đủ hơn. Chiranjib đồng ý, nói rằng đó chính là từ cậu định nói mà nghĩ không ra. Cậu còn kể cậu quyết định trở thành đồ đệ của GS Agrawal sau khi chứng kiến vợ chồng GS Agrawal là hai người đầu tiên hiến máu trong một dịp quyên máu giúp người bệnh được tổ chức tại viện.
Chiều thứ Bảy Chiranjib đưa tôi vào trung tâm Kolkata. Chúng tôi đi bằng taxi, rồi bắt xe lam 3 bánh, xuống đi tàu điện ngầm. Metro tại Kolkata rất đơn giản, chỉ có một đường thẳng gồm 24 bến. Tên bến và các thông báo được viết bằng 3 thứ tiếng Anh, Hindi và Bengali. An ninh ở mức cao độ: không được chụp ảnh trong metro. Chúng tôi thăm Victoria Memorial Hall, đi dạo bên bờ sông Hoogly, một nhánh của sông Hằng, và cuối cùng chúng tôi vào ăn tối tại một nhà hàng trong khu phố bán đầy vải vóc tựa như Hàng Đào ở Hà Nội vậy. Tại bữa tối, Chiranjib trình diễn cho tôi xem người Ấn Độ ăn bằng tay như thế nào. Cậu bốc cơm bỏ vào đĩa, đổ xốt vào giữa rồi dùng ngón tay trộn như thợ xây đánh vữa. Sau đó bốc cho vào miệng nhai. Tôi thì vẫn phải dùng thìa. Sau khi ăn, nhà hàng bưng ra cho mỗi người một bát nước nóng to có cánh hoa nổi lềnh bềnh để khách nhúng tay vào rửa cho sạch dầu mỡ.
IMG_0081
Chiranjib Mondal trước Victoria Memorial Hall
Victoria Memorial Hall là một tòa nhà vĩ đại bằng đá cẩm thạch trắng nằm bên bờ sông Hoogly. Toà nhà, có kiến trúc Hindu-Gothic, trông từa tựa Taj-Mahal ở New Dehli, được xây dựng trong 15 năm từ 1906 tới 1921 để kỷ niệm Nữ hoàng Anh Victoria (1819 – 1901), nay là bảo tàng và điểm du lịch nổi tiếng. Bảo tàng có 25 galleries. Trong số đó tôi đặc biệt chú ý tới gallery tranh sơn dầu của các hoạ sĩ Ấn Độ.
Ravi
Hoạ sĩ Raja Ravi Varma (1848 – 1906) và bức tranh “Quỷ Ravana bắt cóc nàng Sita và chặt đứt cánh á thánh Jatayu” của ông
Hội hoạ sơn dầu Ấn Độ vốn xuất hiện từ Tây Bengal với trung tâm là Calcutta vào cuối t.k. XIX sau khi được người Anh du nhập vào. Lúc đầu các hoạ sĩ Ấn Độ kết hợp kỹ thuật và phong cách sơn dầu hàn lâm phương Tây với truyền thống Ấn Độ. Người tiên phong của trào lưu này là hoạ sĩ Raja Ravi Varma (1848 – 1906), được coi là một trong những hoạ sĩ vĩ đại nhất trong lịch sử hội họa Ấn Độ. Sau đó trào lưu dân tộc chủ nghĩa trong nghệ thuật do Abanindranath Tagore (1871 – 1951) khởi xướng đã khai sinh trường phái Bengal. Abanindranath thuộc giòng dõi gia tộc Tagore có lịch sử kéo dài 3 thế kỷ, một gia tộc danh tiếng có ảnh hưởng lớn tại Calcutta trong thời kỳ Phục Hưng Bengal (1828 – 1941), cũng tựa như gia tộc Medici tại Florence vào thời Phục Hưng Ý vậy. Chú ruột của Abanindranath Tagore là Rabindranath Tagore – thiên tài thời Phục Hưng Bengal, người châu Á đầu tiên đoạt giải Nobel (năm 1913, về văn chương).
atagore
Hoạ sĩ Abanindranath Tagore (1871 – 1951) và bức tranh “Nữ thần Bharat Mata” của ông
Sáng Chủ Nhật Chiranjib dẫn tôi tới thăm trường cậu.
Khu trường đồng thời là trụ sở hội truyền giáo Ramakrishna (Ramakrishna Mission Ashrama) tại Narendrapur, phía nam Kolkata. Đây là một chi nhánh của hội truyền giáo mang tên Ramakrishna (1836 – 1886), nhà tâm linh được coi như một vị thánh ở Bengal. Thành lập năm 1897, ngày nay hội truyền giáo này có 140 trung tâm trên toàn thế giới. Trường Ramakrishna Mission Ashrama ở Narendrapur nguyên là trường cho trẻ trai nghèo và mồ côi, được thành lập năm 1934, nay đón nhận trẻ em trai thuộc mọi tầng lớp, dân tộc trong xã hội. Trường được xây trên một diện tích 60 ha với nhiều ruộng, vườn xoài, ao hồ, là nơi học và nội trú của khoảng 2 ngàn nam sinh từ tiểu học tới đại học gắn với đại học Calcutta.  Học sinh không phải đóng học phí, được học văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc, thể thao. Sứ mạng của hội truyền giáo là giúp con người tự đạt tới trạng thái tâm linh cao nhất nhằm xây dựng một xã hội không còn những thiếu thốn cơ bản về vật chất cũng như tinh thần. Học sinh và các giáo viên trong trường sống như trong một đại gia đình. Trong suốt thời gian học, học sinh chỉ được về thăm nhà vào những kỳ nghỉ học kỳ hay năm mới.
IMG_0049
Trong khuôn viên khu trường của Ramakrishna Mission Ashrama tại Narendrapur
Chiranjib là con trai của một nhà buôn lụa. Cha mẹ cậu gửi cậu vào trường từ năm 11 tuổi. Cậu học ở đây tới khi xong thạc sĩ. Chiranjib dẫn tôi đi xem khắp khu trường. Chúng tôi đi dưới bóng mát các cây xoài lớn, men theo bờ ruộng có những người nông dân dùng que dùi lỗ xuống đất để gieo hạt. Mùi phân chuồng bốc ngào ngạt khiến tôi nhớ tới vùng thôn quê Việt Nam. Thỉnh thoảng Chiranjib lại gật đầu chào hoặc dừng lại nói chuyện bằng tiếng Bengali với những người quen cũ gặp trong trường. Cậu chia sẻ với tôi rằng, trong số các bạn đồng niên với cậu, khi trưởng thành ra ngoài đời, có nhiều người mang mặc cảm nhược tiểu, không dám nói tiếng Bengali. Tôi ngạc nhiên, hỏi sao lại mặc cảm khi Bengal có một nền văn hóa với những vĩ nhân như Rabindranath Tagore, phải tự hào mới phải chứ. Chiranjib nói: “Riêng tôi không mặc cảm.”
Tối Chủ Nhật Chiranjib đưa tôi chuyển sang nhà khách của viện vật lý hạt nhân Saha (SINP), tốt hơn hẳn nhà khách trước. Phòng tôi ở tầng 1. Phòng ăn nằm trên tầng 2. Cứ đến giờ ăn lại có người từ nhà bếp tới bấm chuông mời. Bữa sáng có trứng tráng, bánh mì nướng phết bơ, chuối và trà sữa. Bữa tối có cơm trắng, cá kho, hai món khoai tây và đậu trộn cà-ri, xúp và sữa chua. Buổi trưa tôi ăn tại SINP.
IMG_0072
Nhà khách của viện vật lý hạt nhân Saha
SINP nằm ngay cạnh nhà khách, được canh phòng cẩn mật. Tại cổng vào có một người gác đeo súng săn hai nòng, một nòng bị bịt kín. Tôi đùa với vợ chồng GS Agrawal: “Họ coi khách vào viện như thú dữ hay sao mà đeo súng săn.” Mỗi lần ra vào tôi đều phải ký sổ tại cổng.
Lý do GS Agrawal mời tôi tới SINF là như sau.
Trong hạt nhân nguyên tử, các nucleon có spin ngược chiều nhau có thể kết cặp tương tự như các cặp của 2 điện tử gây ra hiện tượng siêu dẫn trong chất rắn. Khi nhiệt độ tăng hoặc moment động lượng tăng các kết cặp này bị phá hủy. Tuy nhiên trong một số trường hợp, khi hạt nhân nguyên tử “bị nung nóng” tới một nhiệt độ và “quay” với một moment động lượng nhất định thì các kết cặp này lại tái xuất hiện. Hiện tượng này được GS Luciano Moretto từ viện nghiên cứu quốc gia Lawrence Berkeley (Lawrence Berkeley National Laboratory) tại California tiên đoán lần đầu tiên vào những năm 1970.
IMG_0007
Cùng GS Luciano Moretto tại Vietri (Ý) năm 2010
Một số nhà nghiên cứu đã quan tâm tới hiện tượng tái xuất hiện kết cặp siêu dẫn trong hạt nhân, trong đó có tôi và TS Nguyễn Quang Hưng, sau khi anh tới RIKEN làm luận án tiến sĩ vật lý và thực tập sau tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của tôi. Hiện nay anh là giáo sư vật lý tại Đại học Tân Tạo (Long An). Trong những năm 2008 – 2011 chúng tôi đã phát triển một lý thuyết cho phép nghiên cứu sự tái xuất hiện khe cặp siêu dẫn trong hạt nhân bao gồm cả các hiệu ứng thăng giáng nhiệt động học [5]. Lý thuyết của chúng tôi chỉ ra rằng có thể quan sát hiện tượng tái xuất hiện kết cặp siêu dẫn thông qua mật độ mức của hạt nhân [6]. Khi các nhà vật lý thực nghiệm hạt nhân tại BARC ở Mumbai đo được sự tăng bất thường của mật độ mức, GS Agrawal đã thử dùng lý thuyết của Moretto để giải thích nhưng không thu được kết quả như ý. Đang lúc nan giải thì ông đọc được các công trình của tôi và TS Nguyễn Quang Hưng. Vì thế ông gửi thư mời tôi tới Kolkata để thảo luận. Ông nói rất mừng vì tôi đã nhận lời.
IMG_0078
Viện vật lý hạt nhân Saha
Chuyến thăm SINP của tôi chỉ có 3 ngày từ thứ Hai 9.12 tới 11.12, nhưng trong 3 ngày đó chúng tôi đã thảo luận rất hiệu quả và bước đầu thu được những kết quả khả quan, một phần là nhờ sự cộng tác với TS Nguyễn Quang Hưng qua internet. Sau mỗi lần nhận được email của chúng tôi anh đều gửi gần như tức thời từ Việt Nam các kết quả anh tính toán. GS Agrawal phấn khởi đề xuất thành lập nhóm NLD (nuclear level density, tức mật độ mức) gồm các nhà vật lý thực nghiệm trong nhóm của GS Vivek Datar tại BARC, TS. Nguyễn Quang Hưng, ông và tôi để tiếp tục trao đổi qua email sau khi tôi rời Kolkata. 
Trong 3 ngày tại SINP tôi còn có hai buổi thuyết trình. Buổi thứ nhất vào chiều 9.12 về cộng hưởng khổng lồ trong hạt nhân nóng, buổi thứ hai vào trưa 11.12 về hội hoạ, tương tự như tôi đã thuyết trình tại Mumbai tuần trước. Cả hai buổi đều thu hút nhiều thính giả. Buổi thứ nhất chủ yếu gồm các nhà vật lý hạt nhân và nhóm nghiên cứu sinh. Buổi thứ hai chủ yếu gồm các sinh viên trẻ. Theo lời Chiranjib, nhiều người đêm hôm trước đã lên mạng xem hết các tranh của tôi sau khi  nhận được thông báo.
art_talk
Thuyết trình “Đông và Tây trong tôi” tại SINP ngày 11.12.2013
Sau buổi thuyết trình hội hoạ tôi còn kịp sang thăm nhóm thực nghiệm của GS Sudhee Banerjee tại Trung tâm máy gia tốc năng lượng biến đổi (VECC). Tuy VECC nằm ngay cạnh SINP, thậm chí có cả lối đi thông bên trong hai viện, nhưng để mời tôi tới thăm, GS Banerjee đã phải làm giấy tờ mất vài ngày và gần như đã hết hy vọng cho đến sáng hôm đó mới nhận được chấp thuận. Ông phải đưa tôi ra khỏi SINP, ngồi lên xe hơi, lái sang cổng chính của VECC, qua một loạt thường trực gác cổng, lại tra sổ, lại kiểm tra hộ chiếu, lại ký tên, thì tôi mới vào được bên trong. Tôi được GS Banerjee đưa đi tham quan máy gia tốc, sau đó thảo luận với nhóm của ông. Họ đề nghị tôi giải thích một số khái niệm trong phonon damping model (PDM) của chúng tôi như thermal pairing (kết cặp nhiệt), thermal fluctuations (thăng giáng nhiệt) v.v. Cuối cùng họ hứa sẽ gửi các số liệu mới nhất họ vừa đo được, chưa công bố, đối với cộng hưởng khổng lồ  trong hạt nhân Tc 97 để tôi có cơ sở mô tả bằng PDM.
IMG_0091
Thảo luận với nhóm đo cộng hưởng khổng lồ hạt nhân tại VECC
IMG_0089
Cùng GS Sudhee Banerjee (áo len màu đỏ tối) và các cộng sự của ông tại VECC
Tôi rời Kolkata ngay tối hôm đó. Chiranjib và một cậu bạn, cũng là nghiên cứu sinh của GS Agrawal, tiễn tôi ra sân bay bằng xe hơi của SINP. Cậu tặng tôi một bài thơ do chính cậu vừa sáng tác bằng tiếng Bengali kèm bản dịch tiếng Anh và một hoạ tiết do cậu tự cắt giấy. Cậu nói cậu đã học cắt giấy khi còn ở trường của hội truyền giáo Ramakrishna tại Narendrapur. Tôi tạm dịch nghĩa từ tiếng Anh bài thơ của Chiranjib như sau:
Thời gian trôi qua, khiến ông thêm tuổi,
Chiếc đồng hồ đeo tay của ông đổi giờ khi qua các nước
Thời gian luôn bắt đầu từ số không,
Tôi kinh ngạc thấy trải nghiệm chưa bao giờ làm ông già đi, mà chỉ khiến ông phong phú thêm màu sắc.
Tôi phải đủ dũng cảm để gọi ông là bạn,
Cái chuẩn eo hẹp của đời tôi khiến tôi không thể đánh mất ông.
Hãy nắm thời gian đông cứng lại trong bàn tay,
Tôi sẽ nhận ra ông, chắc chắn sẽ nhận ra trong màn sương đen tối.
Bản tiếng Anh của Chiranjib:
As time has passed by, you grew in age,
Your wrist-watch alters its time when the countries change.
Time starts every time from zero,
Experience never made you old but made you colorful, I awe.
Calling you friend happened gathering a lot of courage.
I can’t afford to lose you, as my life is over a narrow gauge.
Hold the time frozen inside your fist,
I will recognize you,
Recognize you surely in the darkest of the mists.
  
poem
Bài thơ tiếng Bengali do Chiranjib Mondal viết và hoạ tiết cậu tự tay cắt giấy tặng tôi.
*
Trở về Nhật, được RIKEN bật đèn xanh, tôi gửi thư mời GS Agrawal và vợ sang thăm RIKEN vào tháng 3. 2014. Nguyên tắc hầu như bất di bất dịch của RIKEN là chỉ làm giấy mời các nhà nghiên cứu chứ không mời thân nhân cùng đi. Nhưng sau khi tôi cho biết về tình trạng sức khỏe của GS Agrawal, RIKEN đã phá lệ, quyết định làm giấy mời chính thức và đài thọ toàn bộ chuyến đi của cả hai vợ chồng họ, bao gồm chi phí ăn ở và vé máy bay khứ hồi Kolkata – Tokyo. Cô thứ ký ở lab chúng tôi lập tức tìm ra 3 hãng hàng không có đường bay giữa Kolkata và Tokyo thuận tiện nhất, đó là Singapore airlines, Thai airlines và Cathay Pacific. Cô hỏi tôi nên chọn hãng nào để đặt vé cho vợ chồng GS Agrawal. Tôi nói Singapore airlines. Dáng điệu “đứng đậy vào, đi mở ra” cùng nụ cười êm ái của cô chiêu đãi viên hàng không Singapore dường như vẫn còn lởn vởn trong tâm trí tôi./.
28.12.2013

http://nguyendinhdang.wordpress.com/2013/12/28/tay-du-ky/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét