Thứ nhất là sự bành trướng của sách báo từ Trung Quốc. Tất cả các kho sách tiếng Việt đều nằm trong khu vực Á châu, do đó, lúc nào cũng nằm cạnh kho sách Tàu. Sách tiếng Việt càng ít ỏi bao nhiêu, sách tiếng Tàu càng giàu có bấy nhiêu. Chúng tràn lan khắp nơi. Chẳng hạn, ở thư viện Harvard-Yenching thuộc đại học Harvard, nơi có các bộ sưu tập sách báo bằng nhiều ngôn ngữ Á châu như tiếng Việt, tiếng Hoa, tiếng Nhật, tiếng Đại Hàn, tiếng Mông Cổ, tiếng Tây Tạng, bộ phận sách báo tiếng Hoa lấn át hẳn các bộ phận khác. Hết kệ này đến kệ khác, trùng trùng điệp điệp.
Khu vực dành cho tiếng Hoa vốn đã lớn, lớn nhất trong thư viện. Vẫn không đủ. Nó lấn sang các khu vực khác, trong đó có khu vực sách báo bằng tiếng Việt. Khu sách báo tiếng Việt vốn đã nhỏ, do đó, càng ngày càng nhỏ thêm. Nhiều cuốn sách và tạp chí phải bị di tản vào kho, cách thư viện khá xa. Ai muốn đọc thì yêu cầu, nhân viên sẽ chuyển từ kho đến. Nhưng như vậy thì có hai sự khó khăn. Một là rất khó biết được sự hiện diện của các cuốn sách và tờ báo ấy. Hai là mất khá nhiều thì giờ, nhanh nhất là một hay hai ngày mới cầm được trên tay các cuốn sách hay tờ báo mình cần. Cả hai cái khó ấy đều dễ làm giới nghiên cứu nản lòng.
Ở thư viện Carl A. Krouch thuộc đại học Cornell, nơi được xem là có kho sách Á châu (chủ yếu là Đông Á, Nam Á và Đông Nam Á) lớn nhất ở Bắc Mỹ với khoảng gần một triệu bản in và trên nửa triệu microfilm khác nhau, tôi cũng lại thấy sách Tàu trùng trùng điệp điệp. Phòng nào cũng có sách Tàu. Sách Tàu tràn từ phòng đọc đến các tầng chứa sách rộng mênh mông và sâu hun hút. Sách Tàu lấn mọi ngôn ngữ khác. Và cũng giống như ở thư viện Harvard-Yenching, khu vực sách tiếng Việt cũng phải bị thu nhỏ lại. Rất nhiều cuốn sách và tờ báo giá trị phải bị di tản sang các thư viện khác, nhỏ và xa hơn, hoặc chui vào một cái kho tối tăm nào đó.
Hiện tượng sách báo Tàu tràn lấn khắp thư viện như vậy kể cũng dễ hiểu. Một là, không thể chối cãi, Tàu là một nước lớn, không những lớn về địa lý, kinh tế và quân sự mà còn lớn cả về văn hóa: sách báo của họ phong phú, đa dạng và không ít thứ đặc sắc. Hai là chính phủ Trung Quốc rất có ý thức trong các cuộc xâm lăng văn hóa. Họ, bằng nhiều cách khác nhau, kể cả việc tự bỏ tiền, cung cấp sách báo cho các thư viện Tây phương, đặc biệt các thư viện ở đại học. Chả có ai đủ can đảm để từ chối các món quà dưới nhãn văn hóa ấy cả. Cuối cùng, do sự phát triển của Trung Quốc những thập niên gần đây cũng như do viễn tượng Trung Quốc sẽ là siêu cường quốc số một trên thế giới trong vài thập niên tới, nhu cầu nghiên cứu về Trung Quốc càng ngày càng phát triển mạnh mẽ. Nhu cầu nghiên cứu ấy càng lớn, nhu cầu mở rộng kho sách tiếng Tàu lại càng cao và càng khẩn thiết. Không có quản thủ thư viện nào, dù thương các ngôn ngữ khác đến mấy, có thể ngăn chận được đà bành trướng của khu vực sách tiếng Tàu cả. Để đáp ứng được đà bành trướng ấy, một số ngôn ngữ nhỏ và thu hút ít học giả cũng như nghiên cứu sinh hơn phải tự thu hẹp lại. Trong số đó, có tiếng Việt.
Thứ hai, trong khu vực sách tiếng Việt, là sự tràn ngập của sách báo từ trong nước. Cứ bước vào các kho sách tiếng Việt ở Harvard hay Cornell mà xem: Ở đâu cũng đầy sách báo từ trong nước. Ở thư viện Carl A. Krouch, Cornell, riêng các cuốn sách viết về Hồ Chí Minh thôi, cũng đã đầy cả mấy dãy, cao nghều nghệu: hết tác phẩm của Hồ Chí Minh đến các tác phẩm viết về Hồ Chí Minh; viết về ông, hết sách bàn về tiểu sử đến sách bàn về công trạng và, đặc biệt, về “tư tưởng” của ông. Lâu nay, tôi theo dõi sách báo từ trong nước khá kỹ, nhưng thú thực, tôi cũng không thể tưởng tượng là sách viết về Hồ Chí Minh lại nhiều khủng khiếp đến như vậy.
Nói chung, sách báo về chính trị và lịch sử xuất bản ở Việt Nam, được viết theo quan điểm của đảng Cộng sản Việt Nam, nhiều vô cùng. Tràn ngập.
Lọt thỏm giữa các cuốn sách từ Việt Nam ăm ắp ấy là một số sách và tạp chí xuất bản ở hải ngoại hoặc ở miền Nam trước đây.
Xin lưu ý là cách đây ngót 30 năm, thư viện Harvard và Cornell vốn nổi tiếng là có nhiều sách báo từ miền Nam. Các nhà văn, nhà thơ và học giả Việt Nam, cũng như về Việt Nam, muốn tìm tài liệu trước năm 1975 thường vào hai thư viện này (cùng với thư viện Quốc hội Hoa Kỳ). Bây giờ, hầu hết các cuốn sách và tờ báo ấy bỗng dưng biến mất trên các kệ.
Thật ra, chúng không mất. Chúng chỉ bị đẩy vào kho, xa khuất hẳn tầm mắt mọi người. Lý do: người ta ưu tiên cho việc bày sách báo mới.
Tôi không chủ trương bài trừ sách báo trong nước. Bản thân tôi cũng từng tìm mua sách báo trong nước. Đối với giới nghiên cứu, sách báo nào cũng cần thiết. Tuy nhiên, chứng kiến sự tràn ngập của đám sách báo sặc mùi tuyên truyền như vậy trong các thư viện của các đại học lớn, tôi không khỏi lo lắng.
Lâu nay, điều nhiều người Việt Nam ở nước ngoài dễ nhận thấy là phần lớn giới học giả Tây phương đều ít nhiều có tư tưởng thiên Cộng. Điều đó, một phần, xuất phát từ lý do lịch sử: Trước năm 1975, phần lớn trí thức, đặc biệt sinh viên Tây phương, đều có khuynh hướng thiên tả và phản chiến. Sau chiến tranh, các sinh viên ấy dần dần trưởng thành, nắm các địa vị chủ chốt trong giới hàn lâm, tính chất thiên Cộng của họ càng thể hiện rõ rệt qua các tác phẩm họ viết. Phần khác, xuất phát từ các thư viện. Muốn nghiên cứu về Việt Nam, người ta phải đến thư viện; đến thư viện thì người ta chỉ gặp toàn sách báo từ trong nước. Không phải ai cũng đủ kiến thức và kinh nghiệm để phân biệt đâu là thật và đâu là giả. Sử dụng các tài liệu thật giả lẫn lộn như vậy, giới nghiên cứu khó mà có cái nhìn khách quan được.
Trong hai lý do vừa nêu, lý do thứ nhất thuộc về quá khứ. Nhưng lý do thứ hai vẫn là hiện tại và chắc chắn còn kéo dài trong tương lai nữa. Cuộc chiến trong các thư viện sẽ còn được thấy trong nhiều lãnh vực khác, từ đại học đến học thuật Tây phương nói chung. Và từ đó, sẽ lan rộng ra các lãnh vực khác, từ xã hội đến chính trị.
Không lo cũng không được./.
Theo blog Nguyễn Hưng Quốc
http://m.voatiengviet.com/a/1623005.html
CHUYỆN TƯƠNG TỰ Ở THƯ VIỆN KHOA HỌC TỔNG HỢP SÀI GÒN, SÁCH TÀU TRÀN NGẬP NHẤT LÀ Ở KHU VỰC VĂN HỌC, IN ĐẸP, DÀY, GIẤY TỐT...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét