Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2014

MỘT VÀI KHÁI NIỆM CẦN BIẾT TRƯỚC KHI ĐẾN TRUNG QUỐC


 
 
Trung Quốc ngày nay không phải là Trung Quốc của 20 năm, 10 năm về trước hay ta có thể không ngoa khi nói rằng Trung Quốc ngày nay không phải là Trung Quốc của 5 năm về trước. Thật vậy, Trung Quốc đã thật sự phát triển kinh tế trong những năm gần đây và làm cho thế giới phải e dè về một con khủng long ở Châu Á sắp sửa chuyển mình. Nhớ lại khoảng hơn mười năm về trước lần đầu tiên đến Trung Hoa để chiêm bái các thánh tích Phật giáo tại nơi này, tôi đã phải trải qua không biết bao nhiêu là gian khổ trên các đoạn hành trình xuôi ngược cũng như những lần đi tìm chỗ dung thân hoặc tìm nơi ăn uống. Lần ấy xe cộ di chuyển ở khắp nơi thì cũ mèm, đường xá toàn là bụi và ổ gà, ăn uống thì thậm chí mì gói cũng không có mì tốt để ăn, vệ sinh ở các thành phố nhỏ và miền quê thì khỏi có thể diễn tả đủ sự dơ bẩn của nó.v.v..
Nay thì khác biệt muôn phần, nơi nào có địa điểm du lịch hoặc những chùa chiền, tu viện nổi tiếng là nơi ấy được sửa sang tươm tất và tiện nghi đến độ dư thừa. Tôi lấy làm ngạc nhiên rất đỗi khi thấy những con đường xa lộ, cao tốc rộng lớn và hiện đại không thua gì với những xứ Âu châu mà tôi đang sống. Những khách sạn sang trọng, những tiệm ăn lộng lẫy mà ngay cả ở những xứ Âu Mỹ cũng khó tìm. Rồi đến những khu phố xá hoặc những siêu thị trong những thành phố lớn, nếu khi đi và không chú ý kỹ thì ta cũng có thể lầm tưởng rằng mình đang đi giữa thành phố Đông Kinh hoặc thành phố Hương Cảng không chừng. Tóm lại, với những thay đổi khá lạc quan trong thời gian qua, chắc chắn tương lai tới Trung Quốc sẽ là một điểm du lịch và hành hương lý tưởng đối với những ai muốn tìm hiểu thêm về những sắc thái văn hóa, lịch sử và tôn giáo của Đông phương.
 
Phật giáo là một truyền thống tôn giáo lâu đời tại Trung Hoa với lịch sử hơn hai ngàn năm. Do đó mà những thắng cảnh nổi tiếng, những di tích lịch sử của Trung Hoa đều thường ít nhiều gắn liền với những danh lam cổ tự. Tuy nhiên kể từ cuộc Cách mạng Văn hóa (67-77), Phật giáo đã phải chịu những pháp nạn đáng kể. Phần lớn chùa viện lên đến khoảng 6000 ngôi bị đập phá hoặc bị tiếm dụng, tăng ni hàng trăm ngàn vị bị buộc phải hoàn tục.v.v… Kể từ sau cuộc cải cách của Đặng Tiểu Bình đưa ra, Phật giáo ít nhiều được tự do hơn với những sinh hoạt lễ lượt, một số tự viện đã sinh hoạt lại hoặc được trùng tu. Tuy nhiên đây chỉ là mặt ngoài của một tôn giáo dưới sự cai trị của chính quyền Trung Quốc. Bên trong vẫn còn nhiều những giới hạn khác như là một rào cản cần thiết để giảm bớt sức mạnh và sự phát triển của Phật giáo trong quần chúng mà nếu người phật tử chúng ta khi đi hành hương tinh tế tìm hiểu ắt sẽ nhận ra. Một vài hình ảnh cho chúng ta thấy rõ hơn như, tăng sĩ Trung quốc ngày nay đều được chính phủ phát lương, các chùa viện đều có bán vé vào cửa và do nhà nước quản lý, một số chùa viện có lịch sử lâu đời, đẹp đẽ và trang nghiêm vẫn còn bị chiếm giữ và được chính phủ dùng làm viện bảo tàng để thâu tiền du khách, một số chùa khác thì bị vấn đề thương mại hóa hoặc du lịch quấy nhiễu sự an tĩnh tu hành của chư tăng .v.v… Đây là mặt trái và là điều đau buồn cho Phật giáo Trung Hoa ngày nay.
Nhìn qua những phương diện khác, chúng ta cũng thấy Phật giáo đã được hồi sinh dần dần sau những trận pháp nạn có thể được xem là vĩ đại nhất trong lịch sử Phật giáo Trung Hoa. Các danh sơn Phật giáo như Nga Mi, Ngũ Đài, Cửu Hoa và Phổ Đà đã dần dần mang lại được tiếng vang đến hàng phật tử bên trong lẫn ngoài nước.  Nhiều Tổ đình các tông phái được trùng tu và chùa viện ở các nơi cũng đi vào sự sinh hoạt của các thể chế Phật học viện, thiền viện, chùa viện v.v. mang nhiều màu sắc tôn giáo, tín ngưỡng và tu học khác nhau. Điều này có thể được xem là những vết tích hồi sinh sau nhiều năm tháng bị vùi dập trong đớn đau và quên lãng. 
 
Người Trung Quốc có những lối bán hàng và tiếp thị một cách rất khác thường và đôi khi đến nỗi thái quá. Một cách lịch sự là mình có thể nghe họ quảng cáo ra rả trong các siêu thị, trên các đường phố.v.v… Xa hơn nữa là họ có thể nhét tờ giấy quảng cáo vào các yên sau xe đạp, sau xe hơi, gọi điện thoại hay fax đến nhà mà không cần biết là mình có chịu hay không. Những sự quảng cáo thái quá khác dẫn tới việc ép hành khách du lịch do họ tổ chức hay mình tổ chức đi vào những cửa tiệm, siêu thị thậm chí đến nhà thương để khám bệnh miễn phí và sau đó cứa cổ mọi người bằng những món hàng, thuốc men mắc đến khoảng từ 5 đến 10 lần so với giá cả bên ngoài. Đây là những điều rất phiền mà một khi đi du lịch ở Trung Hoa ít ai có thể tránh khỏi. Có một lần tôi mua vé xe du lịch đi từ Côn Minh (thủ phủ tỉnh Vân Nam) đến Thạch Lâm, một danh thắng nổi tiếng nhất ở Vân nam. Đoạn đường chỉ có khoảng 100km mà xe bắt đầu khởi hành từ 8.30 sáng những mãi đến 2 giờ trưa mới đến được nơi mình muốn đến. Bởi vì xe cứ chạy khoảng vài mươi phút lại dừng và hành khách được đưa vào một cửa tiệm để mua đồ với các giá tiền cứa cổ. Như vậy đến được Thạch lâm thì phải trải qua khoảng 4 cửa tiệm như vậy; rồi cũng chưa yên là khi trở về cũng phải trải qua 2 cửa tiệm và một nhà thương để khám nữa. Quả thật là chuyến đi viếng cảnh lần ấy đã cho tôi một kỷ niệm thật khó quên trong đời.
Giá cả trong các cửa tiệm cho du khách ngoại quốc mua thường mắc gấp 10 lần giá cả bên ngoài. Một lần nọ tôi cùng phái đoàn vào trong một cửa tiệm bán các loại đá lưu ly. Thấy một số mẫu mã khá đẹp có tạc hình ngài Quán Âm cùng bài kinh Bát nhã trên đó, tôi rất thích nhưng thấy giá ghi là 850Y, cũng cảm thấy hơi ớn. Tuy nhiên cô hướng dẫn viên dụ tôi mua và gợi ý là thật giá rẻ hơn nhiều, nên cuối cùng sau một lúc trả giá, tôi mua được với giá 80Y một mảnh lưu ly tạc hình ngài Quán Âm với bài kinh Bát nhã khắc lên trên. Một lần khác đoàn bị dụ vào nhà thương để khám bệnh miễn phí và xem biểu diễn khí công. Sau đó bị dụ bán thuốc qua việc kê khai rằng ai cũng có bệnh và rằng nên mua thuốc. Tuy nhiên bệnh nào dù là bệnh cảm cũng có một giá tiền mua thuốc giống nhau là 650Y (khoảng 80 US$). Còn kinh nghiệm thầy Đồng Văn kể về đoàn VN ghé qua Hàng Châu mua trà trong một cửa tiệm. Sau khi đã được mời thưởng thức qua cảnh nghe nhạc, thưởng thức trà.v.v. cuối cùng một vài người trong đoàn cũng mua ít gói với giá rẻ nhất là 400Y/một gói.  Hôm sau tình cờ đi phố và ghé ngang một cửa tiệm trà, thấy gói trà giống y hôm qua mình mua nhưng giá bán chỉ có 60Y mà thôi. Tóm lại với những phương cách làm ăn chỉ cần một lần thôi đối với khách du lịch, người Trung Quốc sẵn sàng làm bất cứ thủ đoạn nào có thể để moi tiền du khách. Đây là một điều thật là tệ hại./.
 
Lược ghi
http://www.lebichson.org/Phatphap/073TrungQuocTHN.htm 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét