Thứ Tư, 1 tháng 1, 2014

Ngõ 3 ( trích đoạn Từ Phất Lộc đến Weimar )

NGƯỜI BUÔN GIÓ

 Anh cán bộ chỉ huy ngẫm nghĩ một vài phút, anh ta tặc lưỡi.

- Thôi tao tin mày một lần xem sao.

Tôi không vi phạm gì mấy cái vụ lặt vặt nữa. Ở đơn vị tôi có anh Giàn người Hải Dương là chính trị viên đại đội. Quê gốc tôi từ ba đời trước ở Hưng Yên. Có lần Hưng Yên và Hải Dương gộp với nhau làm một tỉnh. Gọi là Hải Hưng, thời ấy lâu lắm rồi khi các anh tôi mới sinh, bởi bố tôi đặt tên hai anh tôi như vậy để nhớ quê hương. Nhưng ở Việt Nam hay có tật nhận đồng hương, đồng hương chỉ cần có dính dáng tí cũng là đồng hương. Tôi và anh Giàn nhận nhau là đồng hương một phần dây mơ , rễ má là vậy. Một phần tôi là thằng hay có trò nghịch oái ăm nhất đại đội, cãi lý cũng vào hàng đầu. Vì là chính trị viên đại đội anh Giàn cũng dây dưa với tôi một phần vì nhiệm vụ của anh. Chính trị viên đại đội Giàn đẹp trai, cười tươi và hiền. Chưa thấy anh nặng lời với lính, thậm chí đến phiên anh trực chỉ huy đại đội, thằng lính nào vi phạm anh cũng xử lý nhẹ hơn đại đội trưởng hay đại đội phó quân sự.

Vậy tôi có ô dù, nhưng tính tôi lạ lùng là không có ô dù có khi tôi còn phá phách. Có ô dù lại giữ gìn, vì không muốn phiền ô dù của mình. Sợ mang tiếng là lợi dụng tình cảm rồi này nọ. Bỗng nhiên tôi ngoan, bọn trung đội tôi cũng thấy làm lạ.

Một tối đến phiên tôi gác ngoài bốt điện của trung đoàn, tít ngoài phố. Bốt điện thì ai trộm cắp hay phá hoại làm gì. Người ta cứ làm cao như là gác mục tiêu quan trọng, nhưng cũng phải có mục tiêu để lính tập canh gác chứ. Tôi vác súng AK ( súng làm quái gì có đạn ) gác một mình, ngắm gái qua lại. Tiền không có , đói meo , thèm thuốc. Cứ vạ vật mong hết phiên người khác ra thay. Buồn ngủ díp cả mắt mà không dám chui vào thềm bốt điện ngủ sợ chỉ huy đi kiểm tra bắt gặp. Đến 10 giờ thì hết ca, tôi uể oải vác súng đi bộ hơn một cây về đơn vị.

Đến giữa sân tôi thấy một tốp lính vẫn đứng dưới ánh đèn đỏ mờ mờ, lại gần tôi mới nhận ra trung đội mình. Họ đang đứng vì bị kỷ luật. Thế là tôi không được ngủ, tôi ngồi phịch trước hàng lính đang đứng im lìm nhẫn nhục, tất cả chúng tôi chờ đợi chỉ huy cho về phòng ngủ. Nhưng chỉ huy chúng tôi ở trong phòng đóng kín cửa xem Wordcup90, chốc có tiếng hò reo vọng ra. Dường như họ đã quên chúng tôi. Tôi ngồi vò đầu , bứt tai sốt ruột chờ, đám đồng đội tôi chốc lại đổi chân, có người ngủ đứng. Mấy chục con người chẳng ai nói gì cả, cứ chống súng xuống đất, chân trụ, chân nghỉ mà gà gật. Đêm sương bắt đầu đọng trên thép súng thành giọt nhỏ. Thoảng có người ngủ gật suýt làm rơi súng hoặc mất đà suýt ngã.

Tôi bắt đầu ngứa chân tay, ngồi mãi cũng chán, đứng dậy đi loanh quanh. Tôi để súng dưới đất gác trên cái mũ, chắp hai tay sau đít tôi đi trước hàng quân. Đi hết đầu này lại vòng lại đầu kia, vừa đi vừa cúi đầu, chốc lại thở dài, chốc lại chép miệng. Đám đồng đội tôi thấy vậy, nhiều đứa đã tỉnh táo lại, họ biết tôi sắp làm gì đó. Tôi hỏi.

- Làm sao riêng trung đội mình bị phạt thế.?

Đám đồng bọn ( trong đồng đội chung thì có vài thằng chơi thân gọi là đồng bọn ) tôi kể. Đại khái khi điểm danh xong, đến phần dặn dò ưu khuyết điểm trong ngày. Đồng chí đại trưởng hỏi.

- Từ giờ các đồng chí có thế không.?

Đằng đầu nghe rõ đồng chí ấy cảnh cáo việc leo tường, lên đồng thành '' không ạ ''. Trung đội tôi đăng sau, toàn tân binh đang tuổi ăn , tuổi ngủ. Đếm tầm ấy gà gật mong sao giải tán nhanh để đặt lưng. Nghe gà nghe vịt thế nào tưởng đại trưởng bảo nhất trí cái gì đó không, cả bọn đáp '' có ạ''.


Quá ngán ngẩm vì một điều không đâu, lính cứ phản xạ thế, có và không. Chung quy tại do mệt quá, chả tập trung chứ có phải chống đối gì đâu. Tôi ngồi trên cái mũ, súng ôm vào lòng. Nghĩ lát tôi bắt đầu ngứa mồm nói. Đầu tiên tôi ngứa chân tay, loay hoay một lúc là tôi ngứa mồm. Các cụ bảo lỡ chân tay thì đỡ được, lỡ mồm khó mà đỡ được. Tôi còn trẻ, chả nghĩ được nhiều. Tôi mở miệng diễn thuyết một hồi. Đầu tiên tôi kể chúng ta là con người, đi lính đây là nghĩa vụ, ở nhà cha mẹ chúng ta không hành hạ chúng ta, giờ vào đây cơm ăn thì đói, tập tành khổ cực chúng ta đã gắng chịu.....thế nhưng cái chuyện này là nhầm lẫn nhỏ. Nhưng họ thể hiện quyền uy mà hành hạ chúng ta . Họ chả phải máu mủ gì với mình, họ hành hạ vì họ thấy thế là họ hạnh phúc. Giờ họ xem bóng đá, đêm nay đá liên tiếp mấy trận. Họ quên chúng ta đã cả ngày mệt mỏi, đói khát đang phải đứng đây. Kỷ luật chúng ta vì một điều nhầm lẫn vô thức đã là đáng trách, nhưng mà đưa hình thức kỷ luật xong họ mải vui quên béng chúng ta mà là điều khiên chúng ta phải nghĩ.

Đám quân bắt đầu lao xao, nhiều câu chửi thề, nhiều ý kiến hậm hực.

Tôi nói tiếp.

Giờ tao không liên quan gì, không bị kỷ luật như chúng mày. Nhưng tao thấy thế này quá bất công. Anh em mình đã thế bỏ về nhà hết, bỏ đông thế này họ chả dám làm gì đâu. Vài thằng bỏ mới chết.

Tiếng bàn bạc rộn lên, thằng đồng ý, thằng ngần ngừ. Tôi bảo.

- Thằng nào bỏ về thì về, thằng nào không về thì cứ đứng đây đến sáng mai. Giờ tao đi cất súng tao về nhà xem bóng đá đây.( Đơn vị chúng tôi không xa nhà lắm, thằng nào nhà xa nhất cũng chỉ cách đơn vị 50 cây.) Thằng nào nhà xa thì dạt về thằng nhà gần đêm nay, mai về nhà đỡ mệt.

Lúc tôi vào cất súng, hơn chục thằng bỏ đội ngũ vào cất theo. Tốp đầu tôi đi cùng có 7 thằng, tốp sau hơn 10 thằng. Còn lại hai mươi thằng vẫn đứng.

Nửa đêm tầm khoảng 3 giờ sáng, lúc bọn tôi đang ngủ ở nhà thằng Ái phố Khâm Thiên. Trung đội trưởng gõ cửa. Chúng tôi bị lùa lên xe ô tô về đơn vị.Trở lại đơn vị thấy các chỉ huy lớn nhỏ đứng đó hết, chẳng vị nào nặng lời, họ bảo chúng tôi đi ngủ. Gần sáng thì xe đơn vị đưa nốt đám lính bỏ trốn về không sót thằng nào. Hóa ra hai mươi thằng ở lại sau cũng bỏ về nhà hết sau lúc bọn tôi đi. Cả ngày hôm đấy chúng tôi chờ đợi thấp thỏm xem bị kỷ luật gì không, họp hành kỷ luật gì không. Tuyệt nhiên cả ngày chả thấy gì. Nét mặt chúng tôi thằng nào thằng ấy đầy lo âu, ai cũng đoán là tội nặng quá phải chờ cân nhắc kỷ luật.

Tối điểm danh, trung đội tôi vào buồng chuẩn bị chăn màn ngủ, thì đại trưởng vào. Ông bảo trung đội trưởng đóng cửa phòng lại. Đại đội trưởng đi lại giữa phòng, mặt mũi nghiêm trọng, ông đợi chúng tôi khiếp hãi mới nói.

- Lịch sử cái đơn vị này từ khi thành lập, chưa bao giờ có chuyện đào ngũ một lúc đông như vậy.

Chúng tôi im lặng, cúi đầu. Đại đội trưởng gằn giọng hỏi.

- Ai đầu têu, ai bỏ về trước, ai xúi mọi người.?

Chúng tôi im lặng, chẳng ai nói gì.

Đại đội trưởng quát.

- Tôi hỏi ai đầu têu.?

Chẳng ai trả lời, chúng tôi cúi đầu và cúi đầu.

Đại đội trưởng nói.

- Tôi sẽ mời bố mẹ các anh lên đơn vị để nói việc này, trước khi kỷ luật các anh, việc các anh làm là rất nghiêm trọng. Có thể phải đưa ra tòa án binh.

Tôi nói, tôi vừa cất tiếng nói thấy mọi người nhìn tôi như họ trút được gánh nặng. Tôi biết nếu ông chỉ huy hỏi kiểu này thì muôn kiếp chả thằng nào khai ra ai. Vì như thế là phản bội đồng đội. Tôi cũng không muốn kéo dài thêm nếu cứ để ông ấy độc thoại mà không ai trả lời. Tôi thưa.

- Thưa anh, chúng em đều đủ 18 tuổi, đủ tuổi đi lính, đủ tuổi chịu trách nhiệm. Bọn em không còn là học trò nữa mà phải mời bố mẹ chúng em đến đây. Chúng em làm sai, chúng em xin chịu.

Đại đội trưởng bảo tôi bước lên gần ông ta. Tôi tiến lên một cách anh dũng. Thật ra không anh dũng thì cũng phải tiến đến vì sợ. Tôi cố đi cho thật đúng tác phong nhà lính, ưỡn ngực, bẻ hai vai về đằng sau, đầu ngẩng cao, chân bước thẳng hàng.

Thật dại dột khi đi kiểu đó, tôi không ngờ đến gần, bị đại trưởng bất thình lình móc cho hai quả đấm vào mỏ ác. Đang ưỡn ngực, vươn vai thì lãnh đủ, tránh sao kịp. Tôi gập người vì đau, nhưng cố gắng đứng dậy lại tư thế thật nhanh trước mặt vị chỉ huy.

Đại đội trưởng cười. Ô lúc này ông ta lại cười được. Cả đám lính đang sợ hãi cũng phải bật cười rúc rích. Đại đội trưởng bảo.

- Tao hỏi thế thôi, chứ biết mày là thằng đầu têu. Tao thử thế đoán thế nào mày cũng thò mặt ra, y rằng vậy. Giờ đi ngủ, mai riêng mày lên gặp tao sau giờ ăn sáng.

Hóa ra chuyện mấy chục thằng bỏ về, làm các cấp chỉ huy sợ xanh mặt. Lúc lùa chúng tôi về hết rồi họ mới thở phào, vì trung đoàn chúng tôi đóng độc lập. Nên chỉ huy trung đoàn họp và quyết định coi như không có vụ này.

Sáng ở phòng chỉ huy đại đội, tôi được uống trà. Hút thuốc ngon. Nghe đại đội trưởng tâm tình đời lính một hồi. Rồi ông ta dẫn tôi lên trung đoàn mang theo nội vụ cá nhân. Tôi chào anh em vác đồ đi. Họ hỏi đi đâu tôi cũng không biết. Mọi người động viên an ủi tôi cố gắng, mạnh khỏe và bình yên.

Tới trung đoàn, tôi được đại trưởng giao cho cán bộ quân lực. Cán bộ quân lực là người điều động lính từ đơn vị này sang đơn vị khác. Lính chúng tôi cho rằng ông ta hơi nhiều mầu, vì ông có thể điều lính đến chỗ ngon lành như nhà bếp, căng tin, nhà xe, nhà kho, hậu cần, tiếp vụ...những chỗ ăn ngon mà lại nhàn hạ. Nhưng ông cũng điều đi những chỗ khổ nhất như sang đơn vị nào đó ở xa khuất nẻo nơi chó ăn đá gà ăn sỏi.

Cán bộ quân lực bảo tôi đi theo, đến phòng bên cạnh phòng ông. Ông bảo tôi bỏ đồ vào đấy rồi sang phòng ông bên cạnh nói chuyện. Tôi sang thấy ông đang cầm hồ sơ của tôi, ông bảo tôi ngồi xuống rồi nói.

- Tôi thấy chữ cậu đẹp, bảo cậu lên đây làm phụ giúp tôi. Sáng cậu đun nước, đi lên nhà ăn lấy 2 suất ăn, trưa và chiều cũng vậy. Giặt quần áo cho tôi và tôi cần ghi chép gì thì cậu ghi theo tôi dặn. Công việc có thế, không phải tập tành gì vất vả như dưới kia. Tối thì từ 7 có đi đâu đến 9 giờ về thì về. Một thời gian nữa tôi sẽ xếp cậu việc khác.

Thời gian nữa là gì, là một thời gian ngắn sau khi phục vụ cán bộ quân lực, ông bảo tôi về nhà, bao giờ áng chừng đến hạn ra quân thì vào đây lấy giấy ra quân.

Tôi thoát khỏi quân đội trên hình thức sớm nhất, nhưng sau trên giấy tờ cũng sớm hơn các đồng đội cùng lứa. Lúc tôi vào lại đơn vị lấy giấy ra quân, thời hạn có 2 năm 8 tháng. Trong khi các bạn cùng lứa tôi phải vài tháng sau mới ra hết hạn phục vụ.

Lúc cầm giấy ra quân về nhà, bố tôi xem tờ giấy đục lỗ nói.

- Có tờ giấy mà 2 chỉ vàng.

Tôi ngạc nhiên hỏi bố vàng nào. Bố tôi mới kể là lúc tôi và các bạn trốn, đơn vị cũng đến nhà tìm. Bố tôi có nói nhỏ ông cán bộ quân lực liệu lo cho tôi. Ông ấy nhận lời. Hôm tôi lên làm phục vụ cho cán bộ quân lực được vài hôm. Ông quân lực đến nhà báo cho bố tôi biết là đã lo tôi như vậy, vài tháng nữa sẽ cho tôi về nhà. Khi nào có giấy ra quân vào lĩnh. Lúc tôi về nhà là bố tôi đưa ông một chỉ vàng, khi ông gọi tôi vào lấy giấy ra quân là đã cầm của bố tôi một chỉ vàng nữa.

Bố tôi kể có biết về chuyện lính về nhà hàng tháng đóng tiền, thỉnh thoảng đến đợt huấn luyện thì vào. Còn khi đi lao động thì hàng tháng đóng tiền được về nhà không phải đi lao động. Thấy cách đóng tiền hàng tháng nó cũng lằng nhằng. Bố tôi làm giá luôn cho gọn với ông quân lực. Tính ra thì cũng rẻ hơn đóng hàng tháng mà đỡ nhiêu khê đi lại.

Tôi xin đi làm ở chỗ cán cao su. Lại làm ban đêm, cái máy cán là hai quả lô bằng sắt to được mô tơ kéo. Chỉ việc nhồi mủ cao su vào cho cán qua cán lại khi mủ cao sủ mềm ra thành từng miếng cao su chưa chín. Trong lúc cán thì đổ hóa chất vào, đủ loại hóa chất và xanh, vàng, đỏ, đen. Cái loại đen là nhiều nhất, lúc đầu mủ cao su màu vàng. Cho cái hóa chất đen đấy vào lát sau cao miếng cao su sống chuyển màu đen. Loại hóa chất đen đấy lại rất nhẹ, nó bay quẩn quanh lô cán. Người ta độn cả bột đá, bột gì nữa cho cao su dôi ra thêm.

Xưởng cán cao su nằm ngoài bãi sông Hồng, mỗi lần làm xong sáng sớm tôi thường xuống xông tắm cho hết bẩn mới về nhà. Ở xưởng cán ra người lúc nào cũng đen nhánh từ đầu đến chân. Tôi nghe kể những người làm bệnh này hay bị ho lao. Một hôm tôi thấy ngứa họng, khạc ra cục đờm đen xịt, nó trôi trên mặt nước sông. Tôi nhìn lạnh người, mấy hôm sau hôm nào tôi cũng ho khạc ra đờm đen kịt hóa chất như vậy. Kéo dài mấy tuần dù đeo khẩu trang kín vẫn bị, đến một sáng tôi làm về tắm táp xong đi ra ăn cháo lòng. Thấy ngoài quán họ kể chuyện ở xưởng cán nọ có người vì làm đêm buồn ngủ cho cả tay vào máy cán, nát đến tận khuỷu tay, may có người nghe tiếng hét vào giật cầu dao máy ngừng mới sống , không nát cả người.

Tôi bỏ làm cán cao su, chuyển sang hấp má phanh và dây cua roa. Công việc cũng dễ dàng, cắt cao su sống thành hình sợi dây áng vừa với khuân rồi quết nhựa để đắp vải mành bọc quanh. Cho vào khuân, dùng máy ép quay đè chặt khuân xuống. Dưới khuân là cái bếp điện. Đến thời gian đủ chín thì dỡ khuân ra là thành sợi dậy cua roa. Việc này đỡ độc hại và đỡ nguy hiểm hơn cán cao su,lại làm về ban ngày, nhưng tiền được ít hơn.

Tiền tôi kiếm được do đi làm, tôi thường hay mua sách đọc. Lúc này tôi đã xa mái trường lâu, đi làm, lang thang ngoài đường phố, những bạn bè của tôi chẳng đứa nào đọc sách. Đứa làm cửu vạn, đứa đạp xích lô, đứa trộm cắp, cờ bạc, làm thuê này nọ. Việc tôi mua sách về đọc là chuyện ngạc nhiên với đám bạn. Có những lần mấy thằng chúng tôi rủ nhau vào kho vải của một xí nghiệp ăn trộm, khuân được máy súc vải. Bán được khá nhiều tiền, bọn bạn tôi đi đánh bạc và mua sắm quần áo, ăn nhậu. Còn tôi khi chia chác tiền xong , tôi từ chối đi cùng chúng. Mang tiền đi mua sách đọc.

Tôi ham đọc sách không phải bắt đầu vì tính tôi hiếu học hay mê văn chương. Ngày bé mẹ tôi cứ nhờ tôi đọc chuyện cho bà nghe, chuyện cổ tích là chuyện mẹ tôi thích nhất. Tối đến học bài xong, nằm cạnh mẹ tôi hay đọc vài truyện cổ tích cho bà nghe. Đọc mãi từ nhiên thành nghiện con chữ, cứ thế thành thói quen vớ cái gì cũng đọc. Chả hiểu cũng đọc, 12 tuổi tôi đọc chuyện của Đốt, Pautopxky, Gongoy...đọc mê mải cám cúi bất cứ lúc nào rảnh. Cứ có tiền là tôi mua sách. Giờ nghĩ lại cầm những trang sách nội dung thơ mộng như Bông Hồng Vàng, Bình Minh Mưa đọc bằng tiền ăn cắp được cũng thấy khôi hài. Nhưng lúc đó thật sự tôi chả bao giờ phân vân , đồng tiền nào cũng là tiền. Khi nào hết tiền chúng tôi lại tính chuyện trộm, lúc thì vào xưởng làm khung xe đạp ăn cắp khung xe. Người ta thấy mất canh chừng kỹ thì chúng tôi chuyển sang bê trộm hàng của bọn buôn đồ cá khô từ Hải Phòng lên. Đám ấy cứ mờ sang là đổ hàng ở chân cầu Chương Dương, chúng tôi rình lúc nhốn nháo xe ô tô đổ hàng xuống là ra tay. Một bao cá khô to bán cũng được ối tiền, đủ bốn thằng chia nhau. Rồi vài lần mất bọn buôn cá khô chuyển địa điểm xuống hàng đi nơi khác. Chúng tôi lại quay sang bê trộm những thùng bánh kẹo của nhóm buôn khác. Khu chúng tôi ở gần cầu Chương Dương, Long Biên gần chợ Đồng Xuân, Bắc Qua , xe chở hàng hóa các tỉnh hay tập trung về khu đó đổ hàng. Không lấy được cái gì giá trị thì bọn tôi ăn trộm cả hoa quả như dứa, dừa, dưa hấu, xoài, mít đúng kiểu hết nạc thì vạc đến xương, méo mó có hơn không, đủ tiền trà thuốc là làm.

Ngày đi làm dây cua roa, tối muộn đi xem có kho hàng, xí nghiệp nào lơi là để trộm. Sáng sớm còn nhập nhoạng đã dậy lượn chỗ chân cầu xem ô tô đổ hàng hóa xuống có cơ hội không để khiêng trộm. Cái trò ăn trộm cũng phải chăm chỉ, kiên trì. Không phải lúc nào cũng có cơ hội, rình rập quan sát bao hôm mới có hôm người ta hở ra. Chỉ tích tắc không ra tay nhanh là hết thời cơ.

Người ta khi mất cắp cứ thắc mắc '' sao bọn trộm tài thế, chỉ loáng cái là mất''. Thực sự bọn trộm không tài, bọn trộm bỏ cả nửa ngày quan sát liên tục để đợi khi nào có cơ hội là tiến hành. Không phải bọn trộm có mặt lúc người ta sơ hở mà đã có mặt từ lúc người ta còn cẩn thận. Bọn trộm kiên trì chờ đợi hàng tiếng đồng hồ, quan sát quy luật. Ví dụ như mỗi lần có tiếng còi xe bên trong xí nghiệp, người gác cổng sẽ bỏ trạm gác chạy ra nhấc cái barie lên. Tên trộm nghe tiếng còi xe thì đi lại gần vờ dừng châm điếu thuốc, người bảo vệ chạy ra nâng cái chắn cổng cho ô tô chở hàng ra chỉ mất có 30 giây đủ để tên trộm len chân vào. Tìm một chỗ ẩn náu đợi đến đêm hành động.

Nhiều năm sau bị triệu tập đến cơ quan an ninh điều tra, nghe hỏi liên miên đủ thứ. Một lần châm điếu thuốc , thấy anh an ninh cúi xuống tìm tờ giấy trong đống hồ sơ, bỗng nhiên tôi nhớ đến cảnh người bảo vệ cúi xuống nâng cái barie. Tôi bật cười thầm, nghĩ chính những người an ninh họ cũng cần mẫn thăm dò, quan sát, rình rập những người mà họ gọi là đối tượng. Y như chúng tôi năm xưa ngồi kiên nhẫn từ xa quan sát '' đối tượng'' là người bảo vệ xí nghiệp. Tôi nghĩ đến những người an ninh theo dõi tôi trên đường đi, ngoài cửa nhà, và cả những người âm thầm ngồi trong phòng lạnh mở máy tính vào xem tôi viết những gì, chụp hình lại, in ra , đánh dâu, đọc đi đọc lại tìm chỗ để kết tội. Rồi họ lấy bút xanh đánh dầu, lấy bút bi viết bên lề ghi chú điều 88, điều 254. Thật hài hước là có ngày tôi lại giống người gác cổng xí nghiệp năm xưa mà chúng tôi đã rình rập ông ta sơ hở. Còn cơ quan công an lại là những người rình rập. Phải nói kinh nghiệm rình rập trộm cắp hồi xưa giúp tôi rất nhiều trong việc đề phòng, cẩn thận hay cân nhắc kỹ khi làm gì với cơ quan công an.


Chủ cơ sở làm dây cua roa có một cậu em rất ngoan, cậu em hơn tôi chút tuổi. Cậu ta sống lành mạnh và chăm chỉ. Lúc nào cậu cũng sôi nổi, tràn trề sức sống, đẹp trai , cao to, tham gia hoạt động địa phương, làm bí thư đoàn phường. Tôi đang làm ở đó yên ổn, bỗng nhiên một chiều thấy cả nhà họ khóc um lên. Thì ra cậu mượn được cái xe máy, đèo bạn gái đi chơi lao thẳng vào đằng sau xe tải. Bạn gái cậu ngồi sau bị ngã xuống đường gãy tay. Còn cậu bị đạp đầu mạnh vào đít thùng xe tải, vỡ xương sọ qua đời luôn. Nhà họ ngừng sản xuất để lo ma chay cho cậu em.

Cuộc đời thật éo le. Người như cậu ấy, hy vọng của bao nhiêu người từ gia đình, xã hội. Đi đâu cũng được quý mến thì chết một cách lãng xẹt. Trong khi tôi trộm cắp, đòi nợ thuê, chém thuê tội lỗi đầy người lại sống nhăn răng, chả biết sống sau này làm gì cho cuộc đời. Tôi thấy tương lai tôi mịt mù thăm thẳm ở đáy xã hội, nhiều khi nhìn cậu ấy cầm giấy tờ công tác xã hội, đoàn thể thấy chạnh lòng cho cậu ta. Tôi sờ đầu mình gãi cái vết sẹo bị dao chém, xoa cổ họng sờ cái sẹo cũng bị dao chém sượt qua....con người chắc có số phận. Lúc ấy tôi láng máng tin rằng con người ta sinh ra có những số mệnh của họ.

Cậu em mất đi, gia đình ấy làm ăn chệch choạc chắc do đau buồn. Tôi nghỉ việc loanh quanh theo đám anh chị bến bãi, trộm cắp, cờ bạc bịp. Hàng ngày lang thang ngoài đường với bọn ăn cắp ngày, đêm lang thang với bọn ăn cắp đêm. Tôi không trộm vặt, tôi chỉ lấy kho hàng và bọn buôn chuyến đánh cả xe ô tô tải hàng. Bọn đấy giàu lấy của nó một ít chả ăn thua với nó. Có thằng mất của, sáng hôm sau nó đứng nhìn nhà kho nhếch mép cười khen bọn trộm giỏi. Trộm vặt của những người khó, họ mất của khóc nức nở tội lắm. Tôi không muốn ăn cắp của người khó. Tính tôi vẫn dở hơi bởi ảnh hưởng của những câu chuyển cổ tích hồi bé đọc cho mẹ nghe.

Một hôm tôi về nhà, cưỡi trên cái xe Cup 78 màu mắm tôm lượn phành phạch quanh ngõ. Nhà tôi hỏi xe của ai, tôi nói xe của tôi. Bố tôi để ý dò xét, tôi đi vài hôm đành phải bán, lấy tiền đi Sài Gòn chơi đã đời rồi về. Cái xe ấy là công của một vụ đánh thuê cho một ông nửa trí thức nửa lưu manh. Vợ ông ta trẻ hơn ông ta nhiều tuổi, cặp kè với một thằng cùng làm. Ông dọa thằng đó thì thằng đó chửi ông ta. Đấy là ông kể với tôi thế lúc ông nằm hút thuốc phiện ở cái gác xép trên cao nhà ông. Còn tôi nằm bên cạnh đọc truyện, tôi vẫn nhớ đó là cuốn Ông Già Và Biển Cả . Ông hút đủ cơn phê, xong nằm than thở là ông nhục quá, nó đi với vợ mình còn dọa đánh cả mình. Ông cứ ngậm ngùi làm tôi não ruột. Tôi gấp sách lại hỏi nhà thằng đó ở đâu. Ông nói tên và chỗ làm. Tôi bảo nhà ông có con dao nào lấy cho tôi. Ông ta vùng ngay dậy , tỉnh táo bảo.

- Không dùng dao, phải dùng cái này mới thấu.

Ông tìm một đoạn tuýp sắt ống nước của Nga dày 5ly, đường kính gần 5cm, dài cỡ 60cm. Ông lấy săm cao su quấn quanh ông tuýp rồi đưa tôi nói.

- Vụt cái này vào chân nó hay người nó, không chết mà nó đau nhớ đời.

Tôi hỏi tên tuổi, chỗ làm đầy đủ, ông còn cho tôi xem cả ảnh thằng đó với vợ ông đi tắm biển.

Tôi cầm cái ống tuýp về nhà, chọn cái áo sơ mi màu xanh da trời, cái quần âu mầu đen ống thẳng. Dép xăng đan da, tóc chải rẽ ngôi lệch. Áo bỏ trong quần nghiêm chỉnh, cuốn cái ông tuýp vào tờ báo gọn gàng như một cuộn giấy tìm đến cơ quan thằng kia. Vào tận cơ quan, hỏi phòng nó làm việc, người ta bảo nó nghỉ ở nhà.

Tôi quay lại nhà ông, bảo ông chở tôi đến nhà thằng đó. Ông ta chở đến nơi, đứng ngoài ngõ. Tôi đi vào, nhà thằng đó ở trong ngõ sâu, nhà lại chung trong một số nhà có nhiều hộ. Phải đi qua mấy nhà, qua cái sân mới đến nhà nó. Tôi đến nơi lúc trưa vắng vẻ, nhà nó mở cửa. Tôi vào thấy hai anh em nhà nó đang nằm. Tôi ngắm nhìn xem ai là thằng cần đánh, thấy đúng tôi vụt thẳng một nhát vào đầu nghe đến '' cốp '' cái to. Thằng đó giật nảy người ú ớ ôm đầu vật ra một bên. Thằng kia là anh nó thì phải, vùng dậy mở mắt định la toáng , tôi phang luôn cái vào lưng. Nó ngã dúi dụi nhưng vớ được cái ghế ném đúng người tôi. Tôi nhảy lại gần nện thẳng vào đầu nó một cái, nó ngã lắn quay. Thằng em nó ăn nhát vào đầu đã tỉnh, nó chửi tôi là thằng nào. Nó vừa gượng dậy vừa chửi hỏi, tôi cúi người lia cái ống tuýp vào ống chân nó nghe thành tiếng '' kịch '' khô khốc, khiến nó gào rống '' ối trời ơi '' rồi nằm vật ra.

Hai anh em nhà đấy nằm lăn lộn rên, tôi gằn giọng chửi nhỏ.

- Đm cho mày chết vì đi với vợ người ta còn dọa người ta nhé.

Hai thằng nằm đau đớn, nhìn thấy gương mặt tôi và cái ống tuýp. Chúng chỉ hộc lên trong miệng, không chửi lại câu nào. Tôi đi ra sân, mấy nhà chung quanh có người ngó ra xem. Tôi cười toe toét nói.

- Bán thì bán không bán thì thôi, dền dữ mất thì giờ, đấy xem ai trả cao được hơn.

Mấy người hàng xóm ngơ ngác chưa hiểu cái gì, tôi đã đi qua và ra đầu ngõ, leo lên xe ông bạn già chuồn êm. Về đến nhà ông ta mới biết cái ghế nó ném làm tay bị sưng bầm. Ông bạn già nửa trí thức, nửa lưu manh xoa thuốc cho tôi. Miêng ông lại lẩm nhẩm.

- Khổ, chả đánh được nó lại bị nó đánh cho, phải cẩn thận chứ. Thấy khó ăn thì thôi mình đợi dịp khác, vội làm gì. Cứ giả vờ hỏi nó bán nhà hay bán xe gì đó rồi lui ra. Thanh niên chúng mày là hay nóng vội lắm. Chẹp chẹp.

Ông bê bàn đèn ra, nằm hút, mùi thuốc phiện thơm lừng, cái mùi ngầy ngậy rất thích. Ông bảo tôi làm một điếu cho đỡ đau. Tôi lắc đầu từ chối, đợi ông hút dăm điếu đủ dừng cơn vật vã thuốc. Tôi nói.

- Cháu phang cho hai anh em vào đầu, khéo vỡ sọ. Chú chuồn đi.


Ông già giật nảy mình, ông hoảng hốt trách.

- Sao không vụt vào chân hay vào người.?

Tôi trả lời.

- Tưởng nó có một thằng thì thế, hai thằng phải đánh gục thôi, đánh vào đầu nó còn cho mình như thế này, vụt vào người nó hay chân nó có khi nó cho mình nằm lại.

Ông già hối hả đánh thuốc, rít lấy rít để thêm vài điếu, bảo tôi ở lại để ông đi nghe ngóng. Tiếng đồng hồ sau về mặt xám ngoét nói hai thằng nhà nó đi cấp cứu, năm viện rồi. Nhưng không ai biết mày đâu, chúng nó điều tra cùng lắm nghi tao. Mày cầm cái xe tao mà đi, tao đi xa vào Nam kiếm cửa sống, lúc nào yên tao gọi mày.

Vậy là tôi có con xe máy, ước mơ của bao nhiêu gia đình lúc đó. Vì gia đình để ý chuyện cái xe, tôi bán đi vào Nam ăn chơi hết tiền rồi về.

Bố tôi đang bệnh, ông yếu lắm. Ông gọi tôi vào bảo.

- Nếu con thương bố, con về quê ở, đừng ở đây, con sẽ không thành người được đâu. Bố đã nói chuyện với cô chú rồi. Mai con về đó, hàng tháng bố sẽ gửi tiền cơm và cho con tiêu vặt. Con cố học được nghề trạm trổ điêu khắc gường tủ ở quê. Sau này giỏi nghề, con về nhà mở cửa hàng làm đồ gỗ cũng làm ăn được. Con thương bố thì nghe bố, bố chẳng sống bao lâu nữa.

Tôi khăn gói về quê , học nghề chạm trổ và khảm xà cừ. Ngồi gò lưng cầm cái kéo nhỏ tí cắt mẩu trai theo hình vẽ, ngón tay đau nhức nhối. Sáng ăn cơm nguội với ít lạc, trưa ăn cơm với đậu phụ, rau muống luộc, tối lại lạc rang, cà , dưa, rau luộc, nấu...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét