(Trích Luận ngữ Tân thư)
Từng
nghe lý dùng cho một đời thì dài hơn lý dùng cho ba đời. Lý dùng cho ba
đời thì dài hơn lý dùng cho mười đời. Lý dùng cho mười đời thì dài hơn
lý dùng cho trăm đời… Lý của người quân tử đi từ ngoài vào, lý của kẻ
tiểu nhân đi từ trong ra. Bậc Thánh nhân xét việc ngoài đời mà san định
kinh sách, phép tắc… Hạng lưu manh xem bụng dạ của mình để đẻ ra (cái
gọi là) tư tưởng, pháp luật… Người bị ăn cướp không có quyền chọn kẻ
cướp. Xác chết không có quyền chọn loài ăn xác chết. Mấy nghìn năm, vẫn
cái “lý“ đó chăng? Một câu nói của Thánh nhân có khi làm cho khoảng trời
đất tối sầm. Chính là lúc kẻ u mê chợt ngộ ra thế nào là ánh sáng, cũng
là lúc ngộ ra sự thật. Đến bao giờ thì lời nói hết linh?…
Vẫn “Lời tựa“ trong Luận ngữ Tân thư. Sau đây lại xin trích tiếp một phần của bộ sách đó:
Chuyện
xảy ra trên đường Khổng Tử cùng các học trò trở về nước Lỗ. Giữa đường
gặp bầy kền kền đang rỉa thịt một xác chết. Xung quanh có một lũ quạ đen
chạy lăng xăng, vừa kêu, vừa hát nhặng xị. Chúng chỉ đợi bầy kền kền
làm văng ra mẩu thịt nào là lập tức đổ xô lại tranh nhau. Khổng Tử thấy
vậy than: “Cư xử với xác chết như thế kia là không đúng lễ. Hò hát để
tranh nhau những mẩu thịt thừa như thế kia là không có văn chương“. Than
xong, Ngài bèn sai Tử Lộ tới đuổi bầy kền kền đi. Tử Lộ hăng hái chạy
tới, vừa chạy vừa vung chân múa tay. Song chưa kịp đến gần thì đã bị lũ
quạ đen quây kín, chúng thi nhau kêu ỏm tỏi làm Tử Lộ tối tăm mặt mũi,
không còn biết xoay trở thế nào, đành thất thểu quay lại. Khổng Tử hỏi:
“Lũ quạ đen ấy nói với ngươi cái gì thế?“.
Tử Lộ tím mặt trả lời:
“Lũ
ấy chẳng qua chỉ uốn mỏ nhại lại cái ý của đám kền kền mà thôi. Đại
khái chúng bảo trước đó đã có một đàn sói cũng xâu xé đúng cái xác ấy.
Bầy kền kền kia đã có công đuổi lũ sói đi. Vì thế chúng tự cho mình cái
quyền được tha hồ rỉa thịt mà không ai có thể tranh giành hay phản đối
được“.
Khổng Tử nghe nói thì giật mình, bèn hướng về phía lũ quạ và kền kền mà than thở:
“Ôi! Thế thì ta phải bỏ đi bài thơ này trong Kinh Thi [1] thôi:
Kền kền vui ngày đại táng
Quạ đen tụng câu huy hoàng
Thịt xương chưa kịp về đất
Lại bắt đầu cuộc tan hoang“.
Quạ đen tụng câu huy hoàng
Thịt xương chưa kịp về đất
Lại bắt đầu cuộc tan hoang“.
Rồi Ngài bảo với Tử Lộ:
“Đó
chẳng qua là cái lý của bọn lưu manh trong thiên hạ. Dù sao ta cũng
không thể tin lời lũ quạ thối tha chuyên dối trá, nịnh bợ ấy được. Đành
phải dùng tới phép quỷ nhập tràng, dựng xác chết kia dậy để làm chứng
một phen xem sao“.
Nói
rồi Ngài thò tay vào trong bọc, lôi ra một con mèo đen nhánh, có cặp
mắt long lanh như hai viên ngọc bích. Con mèo kêu “meo!“ một tiếng, đoạn
phóng vút xuống. Nó lao như một mũi tên, xẹt qua đúng vị trí mỏ ác của
cái xác. Quả nhiên, xác chết đang nằm ngửa bỗng ngồi nhỏm dậy, đưa cặp
mắt trắng dã, vô hồn nhìn xung quanh. Điều kì lạ là khi cặp mắt ấy vừa
hướng về phía thầy trò Khổng Tử, xác chết bỗng rùng mình một cái rồi lại
đổ vật xuống. Lập tức, lũ kền kền và quạ đen lại bu kín như cũ. Khổng
Tử thấy thế cũng phát kinh, bèn túm tay Tử Lộ rồi quay lại bảo với các
học trò:
“Đi
thôi! Đi thôi. Các ngươi tuy hăng hái, song vẫn còn quá nông nổi. Ta
vừa sực nhớ lần trước, Lão Lai Tử đã từng nói với ta, trong đó có một
câu như sau: Chính trị thời nay ư? Chẳng qua hết chó sói, lại đến
lượt kền kền thay thế, giành qua giành lại lẫn nhau mà thôi. Còn đám kẻ
sĩ vô liêm sỉ thì lúc nào cũng nhung nhúc như bầy quạ đen. Bây giờ
ta mới hiểu hết ý nghĩa của câu nói đó. Phép của ta không ngờ lại làm
cho kẻ kia phải chết thêm lần nữa. Thật là đắc tội, đắc tội. Thôi đành
tìm đường khác mà đi còn hơn“.
Bèn
vội vàng dẫn các học trò rẽ sang hướng khác. Đi được một đoạn, bỗng có
một đứa trẻ ở đâu chạy đến. Nó níu lấy áo Khổng Tử mà bảo:
“Người
đang bị rỉa thịt kia chính là cha tôi. Ông nội tôi ngày trước đúng là
cũng bị một lũ chó sói xâu xé như thế. Nay Ngài đã không đủ lý để đuổi
được lũ kền kền đi, Ngài muốn rẽ hướng nào thì tùy. Nhưng chẳng hay Ngài
có thể để lại câu nói ấy của Lão Lai Tử ở lại đây được chăng?“.
Khổng
Tử nghe đứa trẻ nói thì ngẩn ra hồi lâu. Đến lúc định thần nhìn xuống
thì đứa trẻ đã bỏ đi mất làm Ngài sững sờ cả người. Ngẫm nghĩ một lát,
Ngài nói:
“Ta tiếc là lại phải bỏ thêm bài này nữa trong Kinh Thi:
Lời giả từ một miệng
Dễ lọt vào trăm tai
Lời thật từ nghìn mắt
Khó thấu chăng? lòng ai!“.
Dễ lọt vào trăm tai
Lời thật từ nghìn mắt
Khó thấu chăng? lòng ai!“.
Vừa
lúc ấy, từ đằng xa bỗng có một đàn sói đang rầm rập phóng lại chỗ Khổng
Tử và các học trò vừa đi khỏi. Bám theo chúng cũng là một bầy quạ đen
bay rợp trời. Ngài ngây người ra rồi thở dài, trỏ tay bảo các học trò:
“Các
ngươi có nhìn thấy cái gì kia không? Đạo phải chăng đã đến lúc khốn
cùng? Chao ôi! Đứa trẻ đã không còn níu áo ta nữa thì câu nói của Lão
Lai Tử hiển nhiên đã ở lại rồi. Có lẽ hàng trăm đời sau, câu nói ấy vẫn
còn vang lên tại nơi đây. Không biết đến bao giờ thì những xác chết mới
có quyền được chọn kẻ tử tế để khâm liệm cho mình?“.
Tử Lộ nghe vậy bèn hỏi:
“Lời
của Thầy có chỗ con vẫn chưa hiểu. Đến lúc những người chết có quyền
được chọn kẻ tử tế để khâm liệm cho mình thì sẽ như thế nào?“.
Khổng Tử chưa kịp trả lời thì Nhan Hồi đi bên cạnh đã trả lời thay:
“Đến lúc ấy thì câu nói đó của bậc Thánh nhân mới không đúng nữa chứ sao!“.
Phạm Lưu Vũ
[1]Kinh Thi là những câu ca dao tối cổ gồm hơn ba nghìn bài. Khổng Tử san định lại chỉ còn hơn ba trăm bài truyền đến ngày nay.
http://phamluuvu.wordpress.com/k%E1%BB%81n-k%E1%BB%81n-va-qu%E1%BA%A1-den/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét