Thứ Ba, 9 tháng 9, 2014

Tảng thịt tế







Thầy họ Giả, tên Nhân. Kẻ lắm chữ trong thiên hạ gọi sang trọng là Giả tiên sinh. Các môn đồ và dân gian thì nôm na là thầy Giả. Thân sinh ra thầy là cụ Giả Dã, còn ông nội Giả gì thì không thấy sách nào ghi lại. Lúc nhỏ thầy chỉ chơi bời lêu lổng, nổi tiếng là một thằng bé nghịch bẩn, bạ đâu cũng chui rúc. Đã thế lại còn hay gây gổ, chửi nhau với cả trẻ con lẫn người lớn trong vùng, làm cho cụ Giả Dã hết sức phiền lòng. Vậy mà đến năm mười lăm tuổi đổi hẳn tính nết, chăm học không ai bằng. Lại học một mạch mười lăm năm thì gom hết chữ trong thiên hạ. Bấy giờ thì thông thái lắm. Không mở miệng thì thôi, hễ mở miệng ra là nói câu nào “chết” câu đấy. Đệ tử, lâu la bám theo hàng đàn. Đại khái chia ra ba hạng. Hạng thứ nhất theo để học cách làm quan, cách trị dân, trị quốc nhập nhằng. Hạng thứ hai theo để học cách làm người, bởi xưa nay cứ tưởng thiên hạ ai cũng là người té ra không phải. Nhờ có sự giảng giải của thầy, mới hay làm người cũng là một nghề phải học mới làm được. Hạng thứ ba theo để hưởng cái bóng của thầy, bấy giờ đã lớn lắm, trùm cả một vùng. Thiên hạ tôn làm thầy đã đành, lại nhất tề công nhận rằng đối với thầy, sự vĩ đại chỉ còn là vấn đề thời gian. Núp bóng thầy không được hưởng thứ nọ, cũng hưởng thứ kia. Những hạng này nôm na gọi là: “theo đóm…”

Hôm ấy là một ngày đặc biệt đối với thầy. Ngày mà hàng năm theo thông lệ, thầy sẽ được nhận phần thịt tế ban xuống từ ngôi Chí tôn. Từ sáng sớm, thầy đã tắm gội sạch sẽ, mũ áo chỉnh tề ngồi trang nghiêm giữa gian đại sảnh. Các môn đồ cũng ăn mặc đúng lễ nghi, đứng sắp hàng hai bên cực kì cung kính. Con đường nhỏ từ cổng ra đến đường cái được quét tước sạch sẽ, hun hút như lối đi tới cõi hư vô, mờ mịt không một bóng người. Tất cả chỉ dành cho việc đón tiếp cái Tảng thịt tế thiêng liêng, mà không phải người nào trong thiên hạ cũng có duyên được hưởng. Thầy hiểu rõ điều đó lắm, thiên hạ thấm thía điều đó lắm. Đến nỗi phải gọi đó là Tảng thịt, “Tảng thịt” viết hoa. Không được gọi xếch mé là miếng thịt dù nó có bé bằng đầu ngón tay. Gọi như thế để chứng tỏ sự hoành tráng của một đặc ân, để hiểu rằng ý nghĩa của nó vượt ra khỏi sự tầm thường của miếng ăn, mặc dù cuối cùng, nó cũng được dùng để đánh chén… Được ban cái tảng thịt ấy, chứng tỏ công lao của thầy đối với sự bền vững vĩnh hằng của ngôi Chí tôn là ghê gớm lắm, chứng tỏ vị trí của thầy trong trật tự thế gian này là vô cùng quan trọng. Chỉ cần ví dụ một điều thôi cũng thấy. Trời sinh thầy để cảm hoá người khác. Kẻ không biết nghĩ, thầy dạy cho cách nghĩ. Kẻ nghĩ cong, thầy nắn lại cho thẳng. Kẻ nghĩ ngược, thầy bẻ lại cho xuôi… Cảm hoá bằng lời nói, giảng giải đã đành, nhiều khi chỉ cần bằng cái vía của thầy. Cái vía ấy tràn ngập không gian xung quanh, nó toát ra từ ánh mắt, hơi thở… Nó vô hình mà mạnh mẽ đến nỗi những kẻ dù bướng bỉnh, mất dạy đến mấy, một khi đã vào vùng ảnh hưởng của nó rồi, cũng lập tức bị chinh phục… Còn nhiều nữa những công đức của thầy. Chung quy trước kia, thế gian tuy vẫn thế nhưng cơ mà lộn xộn, chẳng ra trò vè gì. Thầy đã làm được cái việc cho muôn đời là xắp xếp người nào vào đúng chỗ của người nấy, không đi lại, ăn nói lung tung. Kẻ thích an phận cứ việc mà an phận, kẻ thích diễn trò thì có sẵn khối trò, trò nào thầy soạn ra cũng mạch lạc, rõ ràng… Nhờ thế mà thầy được đấng Chí tôn ban cho thịt tế. Không nhớ lần đầu tiên được ban là bao giờ, chỉ biết việc đó đã thành lệ, như một thứ phép tắc trong đời.

Thầy chờ đã quá một giờ ba khắc. Con đường trước mặt vẫn hun hút, chưa thấy bóng dáng tảng thịt tế kia đâu. Mọi năm vào giờ này, người mang thịt đã vào đến sân. Năm nay có lẽ chậm hơn tý thôi, người mang thịt chắc còn đang đi trên đường. Thầy tin tưởng như thế, chậm một chút cũng không sao. Giờ này thịt vẫn còn tươi, có khi còn nóng hổi. Vừa mới sáng ra, khí dương còn đang thịnh lên thế này… chỉ cầu cho kẻ mang thịt kia rảo chân lên một chút…

Thầy vừa mong vừa trầm ngâm suy nghĩ. Xét cho hết lẽ, lần đón thịt tế năm nay, thầy quả có hơi bồn chồn. Ấy là mấy hôm trước, gã môn đồ tên Tý tự nhiên phao tin làm rối bụng cả những môn đồ khác. Tin ấy mà lan ra bên ngoài thì lòng người sinh biến chứ chẳng chơi. Gã môn đồ có biệt danh “Chuột Cống” ấy vốn xuất thân trộm cắp lưu manh, được thầy rèn giũa thành một trong những kẻ sĩ nức tiếng bấy nay. Chẳng hiểu gã vẫn còn nhớ nghề cũ hay sao mà một hôm, gã mò vào tận chốn thâm cung bí hiểm để dòm trộm. Đó là nơi ngự của đấng Chí tôn, nơi mà hàng ngàn đời nay, thiên hạ không những không được phép bén mảng, mà còn không được phép biết trong đó diễn ra những gì. Mặc dù người ta vẫn không ngớt tưởng tượng hoặc đồn đoán lung tung… Nhưng trước khi có thầy, kiến thức của thiên hạ về cái chốn bí hiểm ấy nói chung là mù tịt, chẳng ra thể thống gì. Thầy đã bỏ bao tâm huyết, vận dụng tất cả những thông thái của mình mà xắp xếp lại, mà lập rõ kỷ cương, định ra trật tự… đặng đưa cái ngôi Chí tôn lên vị trí tót vời giữa thiên hạ. Thế mà cái gã Chuột Cống kia sau khi dòm trộm, cứ bô bô rằng chốn thâm nghiêm ấy toàn những kẻ có cốt cách giống hệt gã thuở chưa thọ giáo thầy, nghĩa là cũng hạng trộm cắp lưu manh… Không những thế, có lần gã còn nhìn thấy trên cái lầu cao chót vót bí hiểm kia cả một lũ cáo đực và mèo cái đang làm tình tập thể… Điều mà gã không hiểu và nằng nặc đòi thầy giải thích là tại sao trong đám cáo đực ấy, có những cặp cứ hôn nhau thắm thiết… Thầy gắt lên với gã rằng đó đơn giản là do chúng mắc chứng đồng tính… Nhưng gã phải cẩn thận xem lại mình có bị hoa mắt hay không?

Thông tin của gã Chuột Cống quả nhiên tai hại. Đám môn sinh nhao nhao hoảng loạn. Có kẻ tin ngay, có kẻ không tin. Nhưng dù sao thì cũng hoang mang, nghi ngờ không biết đâu là sự thật. Mặc dù đã hết cách vỗ về, đám môn sinh cứ một mực khuyên thầy tốt nhất nên đi khỏi nơi đây, phòng mang tiếng dính dáng với lưu manh, nhất là cái chứng đồng tính kia thì xưa nay, người quân tử bao giờ cũng kị. Nói vô phúc, chẳng may nó lây nhiễm ra ngoài thì thực là một đại hoạ của cõi nhân gian… Không thể trách cái lập trường yếu bóng vía ấy của đám môn sinh, thầy khuyên họ hãy kiên tâm chờ đợi. Sắp đến kỳ tế rồi, thầy hy vọng sự tử tế còn phụ thuộc vào tảng thịt kia. Nếu tảng thịt tế vẫn được ban xuống như mọi năm, thì tình trạng cũng chưa đến nỗi nào. Còn nếu chẳng may đấng Chí tôn quên thật, thì lúc ấy hãy ra đi cũng chưa muộn gì…

Vài khắc nữa là đến chính ngọ. Khí dương đã gần cực thịnh, sắp suy dần, nhường chỗ cho khí âm. Tảng thịt tế vẫn chưa được mang đến. Con đường vẫn hun hút thinh không. Đám môn sinh có kẻ bắt đầu hoa mắt, phải quỳ hai đầu gối xuống nền nhà. Riêng thầy vẫn ngồi nguyên tư thế, mắt lim dim, cố ngưng thần, nhập định. Năm nay thịt tế ban xuống chậm chắc do chia bằng thịt chín, không để sống như mọi năm. Thịt chín càng hay, đỡ mất công nấu nướng. Bây giờ mà mang đến thì dẫu không có sự hôi hổi của thịt tươi, thì cũng có cái nóng sốt, thơm lừng của thịt luộc – thầy nghĩ thế và hình như, các môn sinh cũng nhiều người nghĩ thế. Có kẻ bất giác nuốt nước bọt. Thầy chưa biết tảng thịt chín năm nay sẽ có màu mè gì. Tảng thịt sống mọi năm thì thầy vẫn nhớ rõ ràng. Phía trong thịt đỏ roi rói, vẫn còn ròng ròng máu tươi. Ngoài bì trắng nõn nà, lấm chấm lỗ chân lông cứ y như một tảng thịt người. Thầy chẳng bao giờ soi xét đó là thịt gì. Đã là của đấng Chí tôn ban cho thì cứ việc lạy đủ ba lạy rồi nấu lên, thầy trò chia nhau đánh chén. Đánh chén cả cái phần vật chất nhờn béo lẫn cái phần vinh hiển của đặc ân. Năm nào cũng thế và năm nay tất nhiên cũng thế…

Vừa mới hướng sự suy nghĩ ra khỏi tảng thịt, thầy lại bắt đầu cảm thấy bồn chồn. Còn nhớ trước đây, có lần thầy cũng bị cảm giác nghi ngờ chi phối. Đó là vào thời thịnh trị của đấng Chí tôn. Có gã môn sinh tên Sửu, biệt danh Trâu Toi cũng vào hàng kẻ sĩ trứ danh, tự nhiên lại đề ra cái thuyết chia thiên hạ ra làm hai hạng: người cầm đũa và kẻ nằm trên mâm(!) Theo gã thì thế cuộc bất luận kiểu gì, thực ra cũng chỉ là một… bữa tiệc mà thôi. Bữa tiệc có phân ra mâm trên, mâm dưới… đàng hoàng. Người “làm quan” (mà thầy gọi là những bậc chăn dân) đều là những người cầm đũa. Còn “dân” là những kẻ nằm trên mâm. Tất nhiên đã là món ăn thì phải được “chế biến” sao cho hấp dẫn, khoái mồm. Thế là những tên dân phải vào chảo để “quay” cho vàng ươm trước khi bày lên mâm cho người cầm đũa… xơi. Vì không phải tên “dân quay” nào cũng béo ngậy như nhau. Thế là người cầm đũa ở mâm trên cứ việc chọn những tên béo nhất mà dùng, còn lại thì gảy xuống cho mâm dưới. Cứ thế cho đến mâm dưới cùng, tóm lại là gầy béo gì thì người cầm đũa mâm nào cũng có suất. Có điều rất hiếm tên “dân quay” nào mà người cầm đũa không thể xơi được, phải gảy hẳn ra ngoài dù kẻ đó có mắc “tội” quá gầy hay bị chứng hôi hám bẩm sinh…

Cái “thuyết” bữa tiệc thơm lựng mùi… người quay ấy của gã Trâu Toi còn kể ra các cuộc tranh giành nhau theo một cách rất chi là ngộ nghĩnh. Theo đó thì trên đời, ai mà chẳng muốn mình là người cầm đũa. Thế là thỉnh thoảng lại xảy ra sự tranh giành nhau. Những lúc ấy, những tên dân được tạm hoãn… lên chảo, được chia làm hai phe đánh lẫn nhau vì… những người cầm đũa. Kết quả bên nào thắng sẽ được ngồi vào mâm, được cầm đũa để tiếp tục… vừa xơi, vừa gảy. Kẻ có số nằm trên mâm không đánh nhau nữa thì lại… lên chảo. Và bữa tiệc muôn thuở cứ thế diễn ra. Tất nhiên những xác chết trong lúc đánh nhau kia thì mãi mãi vùi lấp nơi rừng rú, nơi đồng không mông quạnh mà những người cầm đũa chẳng dùng đến làm gì…

Thuyết ấy dĩ nhiên chỉ là một kiểu ví von cho sướng miệng, không được coi là “chính thống” bao giờ. Thế mà thầy cũng phải mất bao công uốn nắn, chỉnh đốn lại cái gã Trâu Toi kia, không cho gã mê hoặc lòng người. Nhưng phải công nhận gã thuộc loại cứng đầu cứng cổ, khó dạy bảo xưa nay. Uốn nắn mãi, gã buộc phải chịu rằng mình sai, buộc phải nhắm tịt mắt lại rồi mà mồm vẫn lẩm bẩm: “Dù sao, vẫn giống như bữa tiệc…” Đến mức thầy phải quát lên rằng: “Dù có là bữa tiệc đi chăng nữa, thì cũng phải theo đúng lễ, “món ăn” phải được chế biến tinh vi. Chứ không có cái kiểu cho vào chảo “quay” một cách thô thiển như thế…” Gã Trâu Toi kia rốt cuộc đúng là… toi, bị phạt gãy hết một hàm răng, trơ cái lợi đỏ hỏn chỉ còn biết ăn nói lào phào…

Trời ngả sang chiều. Ánh nắng đã bắt đầu nhợt nhạt. Tầm này khí âm đang thịnh dần lên, khí dương suy từ lúc bước qua giờ ngọ. Tảng thịt tế vẫn tuyệt vô âm tín. Đường tới cõi hư vô bắt đầu nhuốm màu tim tím. Thầy mệt mỏi khẽ ngả người ra phía sau. Trước mặt thầy, các môn sinh bắt đầu ngáp vặt, vẻ đói khát hiện rõ trên gương mặt mỗi người. Không ai còn sức đứng hay quỳ nữa, tất cả đã ngồi bệt xuống nền nhà, nhưng đều phải cố còng lưng xuống cho đầu khỏi cao hơn thầy vì lễ quy định phải như vậy. Bây giờ thì tảng thịt tế ấy dẫu có được luộc chín, chắc cũng nguội mất rồi – thầy cố nén một tiếng thở dài. Nhưng cũng chẳng sao, dù nguội thì cũng cứ là thịt, không những thế, vẫn là thịt tế, thịt tế của đấng Chí tôn… Đấng Chí tôn hẳn đã sai người mang đến. Đó là điều thầy vẫn hằng tin…

Không sao cưỡng được cơn ngáp vặt, thầy đành che mồm ngáp thầm một cái. Chẳng lẽ đấng Chí tôn không cần đến thầy nữa hay sao?. Không bao giờ lại xảy ra chuyện đó. Nhờ có thầy, đấng Chí tôn đã sang trọng thêm gấp bao nhiêu lần đó thôi. Còn nhớ cái hồi thầy chưa xuống núi. Tin đồn về thầy đã nức tiếng gần xa. Bấy giờ ngày nào cũng có kẻ lặn lội tìm đến xin thọ giáo. Ngay cả đấng Chí tôn, dù nắm trong tay cả triệu triệu sinh linh, mà vẫn thường xuyên chầu chực, vẫn chờ xin được thỉnh giáo ý thầy. Trước mặt thầy, đấng Chí tôn ngày ấy chỉ dám xưng là người cô quả, thái độ cực kì cung kính, bao nhiêu oai dữ cất hết ở nhà, chỉ thiếu nước rón rén bò bằng bốn chân… Không những thế, danh tiếng của thầy còn được đấng Chí tôn quảng bá suốt quanh năm, thậm chí ngài còn cho dựng tượng thầy ở khắp nơi, cả nơi thờ cúng lẫn những nơi chợ búa đông người… Bấy giờ một là thể theo lòng người mến mộ, hai là cảm động trước sự quý trọng nhân tài, thầy quyết định xuống núi, dắt theo đám môn sinh, quyết một phen đem sở học giúp đời.

Và quả thầy đã giúp được khối việc cho cái cuộc đời vốn lúc nào cũng đầy mầm loạn này. Chẳng riêng gì hai gã Tý, Sửu trên kia. Kẻ sĩ lúc bấy giờ không ai phục ai, nhất tề quay cuồng theo thời cuộc. Tất cả cứ thi nhau kêu gào bằng đủ các giọng điệu khác nhau. Thiên hạ có chữ, có sách hẳn hoi mà cứ như vẫn còn trong thời kỳ man rợ. Có kẻ cứ một mực ra rả rằng không phải chỉ có mầm loạn, mà rõ ràng đang loạn hẳn hoi. Những kẻ ấy muốn đục nước béo cò, dẫn chứng ra đủ các kiểu tranh giành, giết chóc nhau có thật đang diễn ra hàng ngày ở những nơi này, nơi khác. Có kẻ lại xếp tất cả những tranh giành, giết chóc ấy vào phạm trù nghệ thuật, hội hè. Làm điều ác cũng phải có nghệ thuật, thì cũng tức là làm nghệ thuật. Nếu buộc phải đâm chém nhau thì cũng cứ cho là đi trẩy hội cho nó nhẹ nhàng, vui vẻ… Thế thì còn gì nữa mà không kết luận thiên hạ thái bình. Toàn những điều kinh dị, cổ kim chưa từng thấy bao giờ. Thiên hạ có thật thái bình không thì chưa biết, nhưng kẻ sĩ thì rõ là loạn thật rồi, loạn kiến thức, loạn chữ, loạn ngôn, loạn đến cả lễ nghi, phong tục… Kẻ nào cũng nhân danh tử tế, đứng đắn để tìm cách nhét vào óc thiên hạ cái nhìn thiển cận, dốt nát của mình. Đến nỗi chỉ cần đọc tên những kẻ sĩ lên cũng biết ngay đến chín phần thật giả, bởi thói thường, kẻ thiếu cái nào thì hay lấy cái đó làm danh xưng. Cái gã Phạm Thông Thái kia thực ra là mít đặc, cái tên Nguyễn Đức Thâm thực chất lưu manh… Có người cả hình thức lẫn nội dung nham nhở như cóc gặm thì xưng là Nguyên Vẹn, Nguyên Si, lại có người vừa già vừa xấu, chuyên cái nghề bồi bút thối tha, suốt đời bợ dỡ kẻ sang mong kiếm miếng cơm thừa lại xưng là Thanh Cao, Thanh khiết… Còn nhiều nữa những gã Dần, Mão, Thìn, Tỵ… có kẻ cũng hung hăng nói ngược, có kẻ cũng té nước theo mưa, có kẻ hau háu mong dậu đổ bìm leo… rốt cuộc đều bị thầy cảm hoá, đều trở thành những kẻ sĩ có tên, có tuổi, những môn đồ hàng năm cùng ăn theo phần thịt tế với thầy…

Trời đã bắt đầu tối. Khí dương chỉ còn thoi thóp, khí âm đã thịnh tới mức tràn trề. Tảng thịt tế vẫn chưa thấy đâu. Nhưng bản lĩnh của thầy, lập trường của thầy thì quả thật phi thường. Thầy vẫn tin chắc sẽ nhận được tảng thịt ấy tuy rằng sức lực đã gần như cạn kiệt. Nhưng còn trong ngày lễ thì vẫn còn hy vọng. Biết đâu tảng thịt tế kia sắp được mang đến thì sao. Bây giờ nếu nhận được, tảng thịt chắc đã bị thiu. Nhưng không sao, miễn là đấng Chí tôn vẫn cho người ban xuống. Phần vật chất của tảng thịt dẫu có thiu, nhưng tinh thần thiêng liêng của nó thì làm sao thiu được. Chỉ có điều phải lạy một tảng thịt thiu thì có hơi thiệt mất một phần thể diện, hơi uế tạp cái lễ khí linh thiêng. Thầy không ngại gì điều ấy. Điều mà thầy lo lắng là liệu có còn sức mà lạy đủ ba lạy như mọi năm hay không. Thầy nhìn xuống các môn sinh, bấy giờ trời tối om, chỉ còn thấy một đám nhờ nhờ. Người nào người nấy cũng mệt mỏi rã rời, không còn giữ nổi lễ nghi nữa. Thế là kẻ thì bò lổm ngổm, kẻ duỗi thẳng chân tay, có kẻ thậm chí còn ngáy pho pho như thể đang nằm ngủ trên giường…

Thầy bắt đầu thấy ngao ngán cái sự đời. Chẳng lẽ gã Chuột Cống kia nhìn thấy thật hay sao? Nếu vậy thì lũ mèo cái kia có quyền gì mà cướp đi tảng thịt tế của thầy? Thầy biết đấng Chí tôn xưa nay có một cách chôn người rất mực… tân thời. Ấy là chẳng cần phải chém, chẳng cần phải vùi người ta xuống đất làm gì. Cần “chôn” ai thì chỉ việc biến người ấy thành cái “mả” di động là xong. Đó gọi là “chôn” người trong chính cái quan tài… người. Còn sống đấy nhưng thực ra đã chết, đang hữu dụng trở nên vô dụng, đang hữu danh biến thành vô danh… Có khi làm cho thành người ngớ ngẩn, vô hồn, lại có khi làm cho vừa câm, vừa điếc…, cũng có khi chẳng cần “làm” gì cả, chỉ “vô hiệu hoá” là xong. “Chôn” vùi người ta bằng cái cách như thế, đấng Chí tôn vừa đạt mọi mục tiêu, lại vừa được tiếng là nhân nghĩa, thương người(?). Những cái “mả” sống kiểu ấy thầy gặp khối trên đời. Chẳng lẽ bây giờ lại đến lượt thầy…

Bất chợt trong óc thầy loé lên một nỗi nghi ngờ. Hay quả thực có kẻ ăn mảnh, phản thầy? Trước kia thầy từng nghe phong phanh. Rằng trong đám kẻ sĩ, môn đồ của thầy có kẻ tìm cách lấy lòng những nhà quyền quý, những người gần gũi đấng Chí tôn, thậm chí quan hệ thẳng với đấng Chí tôn hòng kiếm chác nọ kia. Thôi thì bằng đủ mọi cách, họ hại nhau, nói xấu nhau, dẫm đạp lên nhau… để tranh giành ảnh hưởng. Cùng là kẻ sĩ cả với nhau, cùng học một sách, cùng bái một thầy… mà có bao giờ họ coi nhau ra cái gì đâu. Miếng ăn đã làm cho những kẻ đọc sách ấy mờ hết cả lương tâm. Thế rồi họ thi nhau bợ đỡ, nịnh nọt… thi nhau làm những việc đổi trắng thay đen, bại hoại luân thường… miễn sao kiếm chút cơm chút cháo thì thôi. Danh tiết đã trở thành món hàng xa xỉ, họ còn không từ cả ăn cắp ăn trộm, rồi lừa đảo thiên hạ, lừa đảo lẫn nhau… y hệt một đám lưu manh. Đến nỗi có người phải thốt lên: “chưa bao giờ kẻ sĩ rẻ mạt và hèn hạ như bây giờ…”

Thầy không tin những chuyện đó. Bằng chứng là đám môn sinh lúc nào mà chẳng lễ phép với thầy. Họ chẳng cũng đang đói khát chầu chực tảng thịt tế cùng với thầy kia hay sao? Thiên hạ thiếu gì kẻ độc mồm độc miệng, thiếu gì kẻ vì không biết đọc sách hoặc không bao giờ đọc sách cho nên tức, đâm ra nói xấu những người đọc sách đó thôi. Chính thầy cũng từng bị như thế, thậm chí có lần còn bị một đứa trẻ trỏ mặt bảo: “lão già hâm” nữa kìa. Tất nhiên kẻ sĩ không phải tất cả đều là thánh, là tiên, mà cũng chia ra hạng nọ hạng kia. Có kẻ đôi khi cũng ăn nói văng mạng, lăng loàn, cũng chửi nhau như hàng tôm, hàng cá, cũng diễn trò khi thì như con rối, khi lại như mấy anh hề… Nhưng chẳng qua chỉ là những kẻ đọc sách không đến nơi, đến chốn, những “con sâu” trong “nồi canh” kẻ sĩ mà thôi. Chứ còn tệ hại đến cái mức như người ta đồn đoán ấy thì thầy chẳng dại tin làm gì…

Rốt cuộc cũng đến lúc thầy hết hoàn toàn hy vọng. Lúc ấy đã cuối giờ hợi, vừa đúng nửa đêm. Trời tối như mực, đến lượt khí âm đã lên cực thịnh. Sắp bước sang ngày khác, không còn trong ngày lễ nữa rồi. Tảng thịt tế kia rốt cuộc đã không được mang tới. Nó dù có thiu hay thậm chí thối đi chăng nữa, thầy cũng không bao giờ được hưởng. Lũ mèo cái kia quả nhiên ghê gớm, nó cướp không những ân huệ vẫn dành cho thầy. Thế là hết. Thầy đói đến ù cả tai, bụng réo sôi lên, ngồi không vững, đến lượt thầy cũng đổ vật xuống nền nhà. Thầy cố gượng đứng lên, nhưng người thầy đã mềm nhũn ra như sợi bún, chỉ còn chống được hai tay, hơi nhổm người lên một chút… Mà sao xung quanh im ắng thế, chỉ còn nghe thấy tiếng thở hắt ra. Chẳng lẽ các môn đồ của thầy cũng lả hết rồi hay sao? Ra… đi… thôi… Thầy chỉ còn nghĩ được như thế. Thu hết sức lực, thầy phều phào bảo môn đồ nào còn sức thì thắp nến lên, rồi thu dọn đồ đạc mà dắt díu nhau rời khỏi nơi này…

Thầy phải ra đi. Nhưng đi đâu? thầy chưa nghĩ đến. Thế gian này có còn chỗ cho thầy, còn nơi nào dung kẻ sĩ nữa không? Suốt bao nhiêu năm nay, thầy cứ tưởng những tảng thịt tế kia là thơm ngon, béo ngậy, là đồng hành mãi mãi với kẻ sĩ như thầy… Có ai ngờ cũng đến ngày chấm dứt, cũng đến hồi cay đắng thế này. Quên không ban thịt tế cho thầy, nghĩa là người ta đã quên, đã không cần đến thầy nữa. Tảng thịt kia mới to tát, mới quan trọng đối với thầy làm sao. Ngày mai biết đâu có những kẻ độc mồm, nhân thấy thầy bỏ đi lại lu loa lên rằng thầy bỏ đi chỉ vì tảng thịt. Thôi thì tránh sao khỏi miệng lưỡi thế gian. Thầy mệt mỏi lê đến nơi đặt chai rượu cúng, thứ mà thầy không dùng đến bao giờ. Sờ soạng vớ lấy cái chai, thầy lập cập mở nút, ngửa cổ tu một hơi dài. Cái chất men làm cho thầy bừng tỉnh, buột miệng văng một tiếng chửi thề. Ôi, trước đây có kẻ bảo rượu là sáng tạo vĩ đại đầu tiên của loài người. Và tiếp ngay sau sự vĩ đại đó, con người liền sáng tạo ra… chửi thề. Bây giờ thầy mới tin là đúng. Thậm chí nếu kẻ ấy còn bảo rằng chửi thề ở xứ xở này đã trở thành một thứ di sản văn hoá phi vật thể(?), thì thầy cũng sẵn sàng tin ngay. Té ra gã Chuột Cống không hề hoa mắt. Thế thì cái lũ cáo đực kia, chắc vẫn mải làm tình với mấy con mèo cái, vẫn say sưa đồng tính với nhau mà chẳng bao giờ biết đến cái sự đi hay ở của thầy.

Nến được thắp lên, gian đại sảnh run rẩy một thứ ánh sáng đỏ quạch, tù mù. Thầy nhìn đám môn sinh mà bỗng giật mình, kinh ngạc. Gần một trăm kẻ chầu chực từ sáng sớm, giờ biến đi đâu hết, chỉ còn lại lác đác mấy người. Thì ra nhân lúc tối trời, những kẻ ấy đã lẻn đi kiếm riêng miếng thịt tế rồi. Giờ thì chúng đang thoả thuê đánh chén. Có khi còn giành giật với nhau, đánh nhau sứt đầu mẻ trán nữa chưa biết chừng. Thảo nào mà thầy cứ hoài công chờ đợi. Rõ là một lũ phản thầy. Thế mà lâu nay thầy cứ cố không tin. Hoá ra những điều đồn đoán trên kia là hoàn toàn có thật. Ôi kẻ sĩ, kẻ đọc sách xưa nay là thế đấy hay sao? Chẳng lẽ cái trật tự mà thầy tốn bao tâm huyết lập nên, rốt cuộc chỉ là ảo tưởng?. Thầy nghĩ vậy mà buốt tận tim gan. Thôi thì cũng thêm một bài học nhớ đời. Thầy buồn bã bảo mấy học trò còn lại thu xếp cho nhanh rồi treo ấn lên, thầy trò sắp hàng vừa khóc vừa lạy chiếc ấn ấy ba lạy, đoạn rồng rắn bấu vai nhau, bước thấp bước cao lần ra khỏi nhà. Con đường phía trước vẫn hun hút gió âm, giờ như sắp chìm vào quên lãng, vừa đen tối âm u, vừa thất thểu bóng người…

Phạm Lưu Vũ
http://phamluuvu.wordpress.com/t%E1%BA%A3ng-th%E1%BB%8Bt-t%E1%BA%BF/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét