Anh nói đúng, nhưng… thẳng thắn quá!
Tiếng kêu trong hoang địa…
Triển lãm CCRĐ: Khoét thêm vết thương để bao che tội ác?
Phần I
Tôi sinh ra sau khi cuộc “Cải cách ruộng
đất” (CCRĐ) được thực hiện xong. Khi tôi có chút hiểu biết thì những sự
kiện đã xảy ra trước đó cả chục năm vẫn hàng ngày, hàng giờ được nhắc
lại như một nỗi kinh hoàng. Nỗi kinh hoàng đó không phải là bom rơi, đạn
lạc, người chết hay lũ lụt… mà nó hiển hiện và tồn tại trong từng công
việc, từng cách nghĩ, việc làm của người dân Việt Nam đã chịu ảnh hưởng
từ “cuộc cách mạng long trời lở đất” trước đó được gọi là CCRĐ.
“Long” và “lở”
Ở cuộc cách mạng đó, điều duy nhất đạt
được thành công rõ nét nhất, chính là sự phá hủy nhanh chóng một nền văn
hóa Việt Nam được xây dựng qua cả ngàn năm và thường xuyên được coi là
nền văn hiến quý báu từ lâu đời.
Cuộc CCRĐ với khẩu hiệu rất đơn giản,
hiền lành “Người cày có ruộng” đã nhanh chóng đưa cả xã hội Việt Nam với
con số nông dân chiếm tuyệt đối lao vào một cơn cuồng nộ cướp, phá,
giết… bất chấp tất cả những nguyên tắc xã hội xưa nay là bảo vệ sự công
bằng, bác ái và nhân hậu, trật tự và luân lý. Ở cuộc CCRĐ đó, những giá
trị tinh thần bị hủy hoại rất thành công. Những hiện tượng con đấu cha,
vợ tố chồng vốn là điều tối kỵ trong truyền thống văn hóa Việt Nam từ
ngàn đời không hề được dung dưỡng, này được dịp tha hồ thể hiện để “lập
công”.
Có thể nói, cuộc CCRĐ đã thật sự làm
“long” và “lở” không chỉ là trời đất, mà thực sự đã làm long, lở và sụp
đổ, tan rã một hệ thống đạo đức, văn hiến tự ngàn đời. Nhà văn Dương Thu
Hương có viết, đại ý rằng: Đất nước Việt Nam đã qua lịch sử cả ngàn
năm, trải qua bao nhiêu chế độ. Nhưng, chưa có một chế độ nào có thể làm
cho con đấu cha, vợ tố chồng, con gái, con dâu vu cáo cha đẻ, bố chồng
cưỡng hiếp mình. Chỉ có chế độ Cộng sản làm được điều “vĩ đại” đó mà
thôi.
Và cứ thế, xã hội đi vào cơn trầm luân
của chủ nghĩa vô thần, vô luân, vô luật pháp. Kể từ đó, cái gọi là “vô
sản”, cái sự “nghèo” được coi là môt phẩm chất tốt đẹp nhất để tiến thân
trong xã hội cộng sản. Sự phân tầng xã hội căn cứ vào mức độ “nghèo”
của cá nhân đạt đến mức nào. Có thể nói rằng: Trừ giai đoạn những người
Cộng sản lộ nguyên hình là các tư bản đỏ, phần trước đó, sự nghèo khó là
tấm áo khoác của hầu như toàn bộ bộ máy lãnh đạo, là nấc thang, là tiêu
chuẩn cho việc thăng quan, tiến chức và cầm quyền trong xã hội Việt
Nam.
Câu khẩu hiệu “Trí, Phú, Địa, Hào, đào
tận gốc, trốc tận rễ” của Trần Phú Tổng bí thư Đảng CS được dùng như một
câu Kinh Thánh trong mọi hành động xã hội, đã nhanh chóng đưa Việt Nam
vượt ra khỏi ranh giới xã hội loài người. Cái gọi là “thành phần” xuất
hiện trong CCRĐ thời đó, cho đến nay tròn 60 năm sau vẫn ám ảnh trong
từng tờ hồ sơ, lý lịch của các em nhỏ đến trường, dù chúng chẳng hiểu
“thành phần” nghĩa là cái gì và từ đâu ra.
Dần dần theo với thời gian, với những lo
toan của cuộc sống đầy gian nan vì kinh tế, giá cả, độc hại, môi
trường… người ta nguôi ngoai dần với những tội ác mà cái gọi là CCRĐ đã
gây ra cho dân tộc. Cả xã hội, cả đất nước gồng mình lên qua bao cuộc
chiến tranh và cố quên đi những nhức nhối, lở loét, hận thù âm ỉ trong
lòng người nông dân xuất phát từ cuộc CCRĐ đã qua.
Bỗng nhiên, hôm nay nhà nước mở “Triển lãm về Cải cách ruộng đất tại Hà Nội”.
Ngay từ khi nghe tin có cuộc triển lãm
về Cải cách ruộng đất tại Hà Nội, nhiều người đã tỏ ý nghi ngờ về mục
đích và nội dung của nó. Nhiều câu hỏi được đặt ra: Tại sao sau 60 năm,
giờ nhà nước Cộng sản mới nói đến CCRĐ? Phải chăng, họ muốn thật sự nhìn
nhận lại những sai lầm, những hậu quả để rút kinh nghiệm? Phải chăng,
đã đến lúc nhà cầm quyền CSVN hiểu rằng không thể có điều gì giấu kín
mãi được. Khi mà sự bưng bít đang được thực hiện, thì những tác phẩm như
Ba người khác của Tô Hoài, Đêm giữa ban ngày của Vũ Thư Hiên và mới đây
là Đèn Cù của Trần Đĩnh sẽ còn hấp dẫn bạn đọc trong và ngoài nước.
Và để hóa giải những điều đó, đảng đã dám “nhìn thẳng vào sự thật” như lời đảng tuyên bố cách đây… 30 năm?
Những câu hỏi đó, thôi thúc chúng tôi đến khai mạc “Trưng bày chuyên đề về Cải cách ruộng đất 1946-1957″ tại 25 Tôn Đản, Hà Nội.
Triển lãm hay cuộc đấu tố mới?
Khi chúng tôi đến, thủ tục khai trương
Triển lãm đã bắt đầu. Theo như Ban tổ chức, thì việc triển lãm là nhằm
để “cho thế hệ sau hiểu hơn về CCRĐ”. Thế nhưng, nhìn vào đám người tập
trung khoảng vài ba chục ở buổi khai trương, người ta mới cảm nhận được
rằng: Sau mấy chục năm dưới sự lãnh đạo của đảng, thế hệ trẻ ngày nay
cho rằng sự quan tâm đến những vấn đề ngoài bản thân mình là điều xa xỉ.
Tập trung xem triển lãm, chủ yếu là mấy ông già hoặc công an, cán bộ,
một số các cháu gái phục vụ với áo dài đỏ lăng xăng đi lại cầm băng đỏ
và kéo. hàng loạt các phóng viên truyền hình, quay phim tua tủa. Chỉ có
vậy.
Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng
Lịch sử Quốc gia lên phát biểu: “Cải cách ruộng đất là một cuộc cách
mạng dân chủ ‘long trời lở đất’, mang lại những giá trị to lớn của một
xã hội mới, một chế độ mới, một cuộc sống mới cho người dân Việt Nam”.
Chưa rõ cái “dân chủ” cái “giá trị to
lớn” của CCRĐ ở đâu, người ta chỉ biết rằng đó là một cuộc cướp bóc
trắng trợn và được cả xã hội tiến hành dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng
sản. Hậu quả của nó là hàng trăm ngàn con người bị cướp bóc, ảnh hưởng,
hàng loạt người bị giết chết bằng nhiều cách. Thậm chí là ngay cả những
người là ân nhân của Đảng cũng không thoát bày tay của đảng đưa sang thế
giới bên kia mà miệng vẫn hô vang “bác” và đảng muôn năm(!).
Thế rồi, tất cả vào khu gian trưng bày
hiện vật triển lãm. Không gian của Triển lãm trong một căn phòng khá
rộng, hơn 200 mét vuông.
Cũng không có gì lạ khi nhìn hình thức
bài trí của Triển lãm này. Nếu như, người ta kinh hoàng đến tận ngày nay
các buổi đấu tố địa chủ khi xưa, thì bây giờ vào xem lại Triển lãm này,
người ta sẽ thấy rõ tư duy đấu tố đang được lặp lại dưới hình thức
“Trưng bày hiện vật”.
Đó là khu vực tố cáo đời sống “sung
sướng, giàu có bọn địa chủ”, nào là cái điếu hút thuốc, đôi giày thêu,
chiếc ấm đồng, cái sập gụ… tất cả đều được đưa ra ghép vào tội ác của
bọn địa chủ, phong kiến.
Một vị nhìn phương phi, mặc chiếc áo xám
có hình cờ Việt Nam như các đại biểu Quốc hội vẫn đeo đi cùng với vài
quan chức của nhà bảo tàng. đám báo chí chĩa máy quay, máy ảnh vào đó đi
từng bước. Tôi đi bên cạnh một vòng theo chiều kim đồng hồ bám dọc
tường. Lời cô thuyết minh viên leo lẻo: “Nhữn hiện vật này chứng minh
rằng bọn địa chủ bóc lột nhân dân ta thậm tệ”. Thế nhưng, có lẽ chính cô
ta không hiểu từ “bóc lột” nó có nghĩa như thế nào và trong những thứ
được trưng bày ở đây, thứ nào là bóc, thứ nào được lột và từ đâu.
Đi bên cạnh, cô thuyết minh viên áo đỏ
liên tục: “CCRĐ xóa bỏ chế độ người bóc lột người, là cách mạng về quan
hệ sản xuất và nông dân đổi đời…” và rất nhiều ngôn từ như xưa nay đảng
vẫn nói.
Tôi quay lại nói với vị này: “Quan chức
Cộng sản ngày nay thì đất đai, nhà cửa, ăn chơi còn gấp trăm lần địa chủ
phong kiến trước đây. Mà tất cả là từ tiền tham nhũng của dân, còn địa
chủ phong kiến ngày xưa có ăn chơi cũng là tiền của họ. Bây giờ có ông
quan hàng trăm ha đất như Chủ tịch Bình Dương thì bọn địa chủ sao so
được anh nhỉ?”
Qua chỗ hai người kéo cày, tôi bảo: “Bây
giờ khác xưa rồi, bây giờ có tận bốn đứa học sinh kéo bừa cơ”. Mọi
người cười ồ, ông quan này cũng gật đầu đồng tình làm mình thấy lạ là
một ông quan có thái độ vui thế. Đi một đoạn, ông hỏi: Ở huyện nào đấy?
Không hiểu ông định hỏi quê quán hay nơi ở nhưng không tiện hỏi lại, nên
tôi trả lời: Tôi ở ngay HN đây thôi. Và cứ thắc mắc không biết ông này
là ai.
Cho đến khi về nhà mới biết đó là ông Lê
Như Tiến – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu
niên, Nhi đồng của Quốc hội. Chính ông này đòi phải ra nghị quyết về
Biển Đông hôm trước.
Có thể nói, những hiện vật trưng bày
trong cái gọi là Triển lãm này là một mô hình đấu tố mới, nhằm lấp liếm,
bào chữa cho những tội ác đối với ngay cả những đồng bào của mình, đối
với những người có đầu óc và tri thức làm giàu cho quê hương đất nước.
Bỗng dưng một ngày đẹp trời họ được hưởng nhờ thành quả Mác – Lenin xếp
họ vào “giai cấp bóc lột”. Và họ bị cướp đoạt, bị tra tấn, bị bắn, bị
giết và “CCRĐ hoàn thành thắng lợi”.
Cố thuyết minh viên chỉ vào hai chiếc áo
rách mà rằng:“Đây là hai chiếc áo của nông dân, bị bọn địa chủ bóc lột
thậm tệ. Nhưng không phải tất cả các địa chủ đều xấu, mà vẫn có những
địa chủ tốt”. Khi hết buổi thuyết minh, tôi nói với cô ta: “Cô thuộc
bài, nhưng nói có những địa chủ tốt là sai”. Cô ta hỏi lại: “Sai chỗ nào
ạ”. Tôi đáp:“Cô có hiểu Trần Phú đã viết Trí, Phú, Địa, Hào đào tận
gốc, trốc tận rễ” hay không mà bảo có địa chủ tốt? Tốt sao phải đào?”.
Cô ta ấp úng: “Nhưng mà những điều đó đã qua hơn 50 năm rồi ạ”. Tôi hỏi
lại: “Vậy sao chiếc áo rách này hơn 50 năm vẫn còn giữ?”. Cả phòng triễn
lãm cười vang.
Thật ra, tranh luận với cô ta thì chẳng
có mấy tác dụng. Nhưng điều thú vị, là chính những người tham gia vào
xem triển lãm lại là những người luôn có những cái thở dài và lắc đầu
ngán ngẩm mà không dám phản ứng khi bên cạnh, bên ngoài là hàng loạt
công an. Một người chụp ảnh liên tục các hiện vật lầm bầm trong miệng:
“Đ.M, cứ tưởng là chúng nó phục thiện, biết nhận lỗi, ai ngờ lại bày trò
lưu manh này ra”.
Và khi chụp hình xong, anh ta kết luận:
“Thôi, cái hay hôm nay, là chúng nó đưa ra để dân biết rằng cái giai cấp
địa chủ, phong kiến ngày xưa chẳng là cái đ. gì so với bọn quan cộng
sản tham nhũng hôm nay”.
(Còn tiếp)
Hà Nội, Ngày 9/9/2014
Triển lãm CCRĐ:
Khoét thêm vết thương để bao che tội ác?
Phần II
Thật ra, trước khi đến tham dự cuộc
Triễn lãm này, hẳn nhiên là mọi người dân Việt Nam từ già đến trẻ không
ai không ít nhất một vài lần trong đời đã được nghe, được nói đến sự
rùng rợn, sự bất nhân trong cuộc CCRĐ đã từng xảy ra trên đất nước ta.
Thế nên, việc người ta đến, để xem, để tham quan, tham dự không chỉ là
việc xem nó ra sao, mà điều cơ bản là để xem thái độ nhìn nhận với những
tội ác đã gây ra như thế nào.
Như trên đã nói, việc trưng bày hiện vật
tại cuộc Triển lãm này, gợi nên một cuộc đấu tố mới, mà nạn nhân là oan
hồn của hàng trăm ngàn người đã chết, đã điêu đứng, đã tán gia bại sản
trong biến cố cả xã hội lên đồng cướp đoạt có tổ chức mang tên CCRĐ.
Hiện vật xưa và hiện thực nay: Chân mình cứt lấm bê bê
Những vật dụng đời thường của người dân
xưa kia được mua sắm bằng sức lao động, trí tuệ và công sức mồ hôi, nước
mắt của họ được đưa ra như những bằng chứng tố cáo họ đã “bóc lột người
dân Việt Nam hết sức thậm tệ” mới có những thứ này. Đó là sập gụ, tủ
chè, nồi đồng, áo quần đẹp.. bên cạnh người nông dân bị bóc lột là tấm
áo vá chằng vá đụp, ngôi nhà tranh vách đất được tạo dựng lại. Nhìn
những vật dụng này, nó gợi cho người xem lòng căm thù bọn bóc lột. Sự
bóc lột đó ra sao? Đó là những chiếc thùng hai đáy, khi người vay đến
đáy trên và khi trả thì phải trả đáy dưới. Thế là bóc lột, thế là ngồi
mát, ăn bát vàng. Mặc dù việc vay, trả là thỏa thuận giữa người vay và
người cho vay.
Thế nhưng, khi xem những hiện vật kia,
những câu hỏi sau đây hiện ra cần lời đáp. Đó là vì sao, ngày xưa Đảng
nhất định phải lãnh đạo nhân dân lật đổ địa chủ thống trị, cướp bóc, bắn
giết họ và tiêu diệt họ?
Nếu những vật dụng như đang trưng bày
kia đã nung nấu căm thù của người dân? Vậy thì ngày nay người dân sẽ xử
lý thế nào với những cán bộ cộng sản đi những chiếc xe trị giá 3.000 con
trâu? Những ngôi biệt thự giá hàng ngàn cây vàng mà cán bộ cộng sản “mượn” của dân nhưng không trả trong khi dân còn phải tự tử để lấy tiền phúng viếng cho con đi học?
Nếu vì những chiếc thùng hai đáy kia làm
cho người dân khốn khổ. Thì nhân dân Việt Nam ngày nay cần phải làm gì
khi họ nghiễm nhiên bị trấn lột từ phía nhà nước từ tiền viện phí, học
phí, giá cả, xăng dầu, các loại thuế, phí từ cầu đường, cho đến nhà vệ
sinh… và cả nghĩa địa. Thậm chí ngay cả nhà cửa đất đai cha ông họ đổ
máu xương mới xây dựng lên được mà đảng thích áp đặt ra sao thì buộc
người dân phải chịu như vậy, nếu không thì đã có… nhà tù và súng đạn?
Nếu người nông dân phải vùng lên lật đổ
chính quyền phong kiến ngày xưa, vì quan lại sống trong những ngôi nhà
đẹp đẽ trái ngược với những ngôi nhà đất xiêu vẹo, thì ngày nay, sau hơn
hai phần ba thế kỷ theo sự lãnh đạo của đảng đi cướp phá giai cấp bóc
lột, họ sẽ phải làm gì khi những đảng viên đang sống trong những biệt thự xa hoa, lộng lẫy? còn người dân sống trong những“đặc khu ổ chuột giữa Sài Gòn”, Hà Nội, thậm chí bị cướp mất đất đai nhà cửa khi phải lưu vong trên chính quê hương mình?
Phải chăng, tội lỗi của địa chủ, quan chức phong kiến ngày xưa là ở chỗ họ không biết cách có cô em nuôi cho tiền xây biệt thự
lộng lẫy như Tổng Thanh tra Chính phủ, không biết cách dán hộp các
tông ngoài giờ kiếm tiền mua nhà khủng như Thống đốc ngân hàng nhà nước
Lê Đức Thúy, không biết cách trồng cao su xây biệt thự như Chủ tịch Bình Dương hoặc không biết đẻ con nhiều tiền để xây dinh cơ khổng lồ như Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương?
Thực chất, những địa chủ khi xưa, những
quan lại phong kiến thời đó, họ chỉ thiếu và thua một điều: Họ không đủ
khả năng và không có cơ hội để trơ trẽn và bất chấp liêm, sĩ, nhân cách
như những đảng viên ưu tú kia của Đảng CS. Có lẽ, cái hạn chế của bọn đế
quốc, phong kiến so với đạo đức, văn minh CS là chỗ đó, tức là đã không
tạo ra được những cán bộ ưu tú như “Đảng ta”. Và kết cục là đã thua,
“đảng ta” đã cướp được chính quyền từ họ.
Bên cạnh tôi, các nhà báo, đài truyền
hình đua nhau phỏng vấn, ghi hình những người nói lên cảm xúc khi thăm
triển lãm, ca ngợi cuộc CCRĐ vĩ đại. Một người đang “chém gió” hăng say
trước máy quay truyền hình rằng: “Nhiều tác phẩm như Tắt Đèn, Kim Lân…
nhưng bây giờ tôi mới thấy một chiếc áo nông dân vá chùm vá đụp…”. Tôi
hỏi ông ta:
- Thưa ông, ông nghĩ gì cuộc CCRĐ để
nhằm “đưa lại ruộng cày cho nhân dân”, giờ ruộng đất lại vào tay quan
chức của nhà nước, của đảng. Vậy ông nghĩ gì và liệu có phải làm lại
cuộc CCRĐ đó không?
Câu trả lời của ông ta là: Chính sách
đất đai là sở hữu toàn dân, nhà nước quản lý, là nọ, là kia… nhưng ruộng
đất bây giờ ai chiếm hữu thì… tôi không biết.
Thùng hai đáy, công cụ bóc lột của địa chủ ngày xưa.
Luật cộng sản, công cụ cướp đoạt của cộng sản ngày nay.
Nạn nhân ca ngợi thủ phạm và mơ ước tiếp tục CCRĐ
Với súng, đạn, sắt thép và nhà tù cùng
với hệ thống loa tuyên truyền triền miên, dai dẳng mọi nơi mọi lúc, thật
sự đảng CS đã làm được một điều kỳ diệu: Tẩy não người dân.
Cái gọi là Cuộc cách mạng tư tưởng và
văn hóa của Cộng sản thành công đến mức các nạn nhân tự nguyên tung hô,
ca ngợi thủ phạm. Đau đớn và xót xa cho thân phận những kẻ cả tin và mê
muội đến tận cùng. Tôi đã từng nghe về những nạn nhân cho đến khi bị
đảng chặt đầu vẫn hô vang “Hồ Chủ tịch muôn năm” hay “Đảng CS muôn năm”
mà không thể nào tin nổi.
Thế nhưng, đời lắm sự bất ngờ.
Trong phòng triển lãm, một ông già, ngực đeo mấy tấm
huân chương tự xưng là con địa chủ, xúm quanh là các phóng viên truyền
hình. Ông đang say sưa kể cho các phóng viên về truyền thống mấy đời yêu
nước của nhà mình. Nào là ông cậu của bố ông là ông Hai Hiên, người làm
đầu bếp đã đầu bỏ thuốc đầu độc cả Trung đoàn lính Pháp tại Hà Nội
trong vụ Hà Thành đầu độc nổi tiếng trước đây và bị chặt đầu, còn ông
thì đi bộ đội chiến đấu vì đảng, vì nước. Tôi hỏi ông:
- Bác cho biết, cuộc trưng bày này có ý nghĩa gì không? khi mà quan chức nhà nước giờ còn nhiều đất đai hơn cả địa chủ ngày xưa?
- Nếu bây giờ có CCRĐ, thì bác sẽ xung
phong làm đao phủ để đi chém những thằng đã chiếm lại đất đai, tài sản
của nhân dân, của những người nghèo. Hiện nay còn nhiều tầng lớp ăn trên
ngồi trốc.
- Vì sao?
- Vì bây giờ nó bóc lột dân tợn quá.
- Bây giờ vẫn còn bóc lột sao?
- Bóc lột quá đi chứ.
- Xin hỏi bác thêm một câu: Vừa rồi, bác
nói một câu là nhờ có “bác Hồ”. Vậy “bác Hồ” là người đứng đầu chính
phủ lúc bấy giờ có chịu trách nhiệm gì về vấn đề này không? Hay mấy giọt
nước mắt đó ông đã phủi hết trách nhiệm về tội ác của CCRĐ?
- Nói thế thì… hôm nay tôi không mang một tài liệu của Hoàng Tùng nói về việc này…
Vậy đấy, với những nạn nhân, họ vẫn luôn coi “bác Hồ” và đảng vô tội. Đó mới là thành công, mới là ngoạn mục.
Tò mò, tôi gặp lại ông sau triển lãm.
Ông cho biết: Ông tên là Lê Đình Phúc, năm nay 73 tuổi. Bố ông là Lê
Đình Hàm, một người có công với đảng và tuyệt đối tin tưởng “bác Hồ”.
Thế nhưng, khi cơn bão CCRĐ do đảng CS đưa đến, lưỡi hái của đảng đã
không chừa cả người bạn của đảng là bố ông. Ông Lê Đình Hàm bị bắn chết
cùng một lúc với bà Nguyễn Thị Năm vào ngày 09/7/1953 tức là 29/5 âm
lịch.
Điều mà ông tâm đắc là cho đến nay, là
ngay khi bị bắn chết, bố ông vẫn hô to: “Hồ Chủ tịch muôn năm”, “Đảng
Lao động VN muôn năm” và coi đó như hành động vẻ vang chứng tỏ sự vô tội
của bố mình. Tiếc thay, dù đã hô thật to cả Đảng và “Bác” thì cái mạng
cũng không thể bảo toàn. Nghe ông say sưa kể, tôi chợt nghĩ: Không rõ,
nếu có “Bác” ở đó, thì liệu “bác” có cứu Cụ Lê Đình Hàm khỏi lưỡi hái
của đảng hay không?
Và từ đó đến nay, ông đi khiếu nại từ
trung ương đến địa phương, nhưng chưa có chỗ nào giải oan cho bố ông,
ngoại trừ ông Trần Đức Lương cấp cho bố ông Huân Chương kháng chiến. Ông
đưa tấm ảnh ba cái đầu đặt trên đất nói rằng: Đây là đầu của Hai Hiên,
cậu bố ông đã bị Pháp giết man rợ khi đầu độc nhà bếp của chúng. Tôi
buồn cười bảo:
- Đầu độc giết cả trung đoàn của Pháp mà
nó giết thì có man rợ bằng bây giờ dân không làm gì mà đưa vào đồn công
an ra còn cái xác và được báo là tự tử không ông?
Ông ngẩn mặt nhìn tôi rồi nói: “Anh nói đúng, nhưng… thẳng thắn quá”.
Video: Phỏng vấn tại Triển lãm CCRĐ:
(Còn nữa)
Ngô Nhân Dụng
Chọc Cải Cách ra mà ngửi
Thứ Năm, ngày 11 tháng 9 năm 2014
Nghe tin có cuộc triển lãm về Cải Cách Ruộng Đất tại Hà Nội, tôi đã tìm
đọc mấy bài tường thuật trên các báo trong nước và các mạng thông tin.
Cảm tưởng chung: Đây chỉ là một trò tuyên truyền rất vụng về, mạo xưng
là “lịch sử;” mà nó lại nhạt phèo, chẳng có gì mới mẻ đáng coi. Người ta
trưng bày những sập gụ, tủ chè, bát đĩa dùng trong nhà địa chủ; bên
cạnh cảnh sống bần hàn của những nông dân. Những người tổ chức cuộc
triển lãm chắc hy vọng mọi người xem xong sẽ kết luận: Xã hội thời xưa
thật lắm cảnh bất công. Nếu có bát công tức là có bóc lột, đó là cách
suy nghĩ đơn giản, dễ khiến người ta tin.
Nhưng người biết suy nghĩ sẽ nhận ra điều này: Thời nay cũng nhiều cảnh
bất công không khác gì 60 năm trước. Chỉ cần nhìn vào ngôi nhà của một
ông Bí Thư Huỳnh Đức Hòa, tỉnh ủy Lâm Đồng, người ta cũng có thể thấy
ông giàu có gấp ngàn lần các địa chủ thời 1946-1957. Trong khi đó thì
bao nhiêu người lao động đang sống trong các ổ chuột ở thành phố vẫn
chạy ăn từng bữa. Và cảnh sống của đồng bào nghèo tại các vùng nông thôn
xa; nếu so sánh nhà cửa của họ với ngôi nhà tồi tàn của người nông dân
nghèo khổ, của các bần cố nông thời cải cách ruộng đất, chắc cũng như
nhau. Nếu khá hơn cũng chỉ hơn đến gấp đôi, gấp ba là cùng. Hố cách biệt
giàu nghèo ngày nay tăng lên gấp trăm, gấp ngàn lần so với thời 1950!
Nếu có bất công tức là có bóc lột, thì ngày nay ai bóc lột ai?
Do đó, cuộc triển lãm về Cải Cách Ruộng Đất sẽ gây tác dụng ngược. Thay
vì “gây căm thù” đối với các địa chủ ngày xưa, cuộc triển lãm sẽ khiến
người đi coi nghĩ tới các đại địa chủ thời nay. Một điều hiển nhiên ai
cũng thấy: Sau khi Đảng Cộng Sản cướp ruộng đất từ tay các địa chủ, thì
nông dân Việt Nam bây giờ có được làm chủ ruộng đất hay không? Câu trả
lời là: Không! Ngày nay tất cả ruộng đất thuộc quyền của “nhà nước.” Nhà
nước là tay đại địa chủ, nắm quyền cho dân “cấy rẽ,” cho ai thì người
ấy được “quyền sử dụng,” chỉ là quyền sử dụng chứ không phải quyền sở
hữu. Nhà nước là một bộ máy khổng lồ vô hình, nhưng đại diện của nó là
các quan chức, cán bộ từ tỉnh xuống huyện, xuống xã. Họ nắm toàn quyền,
ban bố quyền sử dụng cho đám dân đen. Họ có thể lấy lại quyền sử dụng
của nông dân để ban phát cho các nhà tư bản đỏ, bồi thường dân một đồng
thì thu lời hàng trăm đồng. Cả bộ máy nhà nước này nằm gọn trong tay
Đảng Cộng Sản. Đảng là tay đại địa chủ thời nay. Đảng đưa ra khẩu hiệu
“Người cầy có ruộng,” nhưng cuối cùng chỉ có đảng là có ruộng, nông dân
Việt Nam vẫn đóng vay tá điền. Thay vì các địa chủ thu tô, ngày nay nông
dân sống dưới chế độ đảng thu thuế. Báo chí trong nước vừa so sánh số
thuế má, dưới nhiều hình thức, tại một tỉnh Thanh Hóa ngày nay còn nhiều
hơn các món thuế nông dân phải đóng trong thời thuộc Pháp.
Một phản ứng ngược khác, là người đi xem triển lãm sẽ bất mãn thêm khi
thấy đây chỉ là một trò tuyên truyền cũ kỹ, hoàn toàn không phải là lịch
sử, dù được trưng bày tại Viện Bảo Tàng Lịch Sử Quốc Gia. Người biết
suy nghĩ sẽ thấy, như Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Diện, tại sao một cuộc triển
lãm tự xưng là lịch sử mà lại không được trung thực. Ông nói, “... những
sai lầm - tội ác do chính quyền gây ra thời đó không được đưa ra, những
việc phá tan chùa, đình, miếu, làng, xã...làm phá vỡ những truyền thống
đạo lý - văn hóa tốt đẹp của con người Việt Nam qua ngàn năm ...” cũng
không được trưng bày ra.
Nhưng việc phá tan những miếu mạo, đình chùa cũng không phải là tội ác
văn hóa lớn nhất của Đảng Cộng Sản. Ông Nguyễn Tường Thụy, một người làm
blog riêng có tiếng ở Hà Nội đã nhắc đến tội ác khác về văn hóa, là
cuộc Cải Cách Ruộng Đất “nó tàn phá luân lý đạo đức lúc bấy giờ” với
những cảnh “cha tố con, con tố cha, vợ tố chồng, anh em tố nhau ...” Và
ông nhấn mạnh rằng, “Cải cách ruộng đất là do người Trung Quốc, các
chuyên gia Trung Quốc chỉ đạo và cố vấn...” Một blogger khác, J.B Nguyễn
Hữu Vinh đã đi xem triển lãm, kể lại, “Đi bên cạnh, cô thuyết minh viên
áo đỏ (nói) liên tục: ‘Cải cách ruộng đất xóa bỏ chế độ người bóc lột
người, là cách mạng về quan hệ sản xuất và nông dân đổi đời...’ Tôi quay
lại nói, ‘Quan chức Cộng Sản ngày nay thì đất đai, nhà cửa, ăn chơi còn
gấp trăm lần địa chủ phong kiến trước đây. Mà tất cả là từ tiền tham
nhũng của dân, còn địa chủ phong kiến ngày xưa có ăn chơi cũng là tiền
của họ. Bây giờ có ông quan hàng trăm ha đất như chủ tịch Bình Dương thì
bọn địa chủ sao so được nhỉ?’”
Nguyễn Hữu Vinh trông thấy một nhiếp ảnh gia đi chụp các vật trưng bày
trong phòng triển lãm, khi chụp hình xong, anh ta kết luận, “Thôi, cái
hay, là chúng nó đưa ra để dân biết rằng cái giai cấp địa chủ, phong
kiến ngày xưa chẳng là cái đ. gì so với bọn quan Cộng Sản tham nhũng hôm
nay.” Một di họa văn hóa của thời Cải Cách Ruộng Đất vẫn để lại bóng
đen lảng vảng trong xã hội Việt Nam: “Cái gọi là 'thành phần' xuất hiện
trong thời đó, cho đến nay tròn 60 năm sau vẫn ám ảnh trong từng tờ hồ
sơ, lý lịch của các em nhỏ đến trường, dù chúng chẳng hiểu “thành phần”
nghĩa là cái gì và từ đâu ra.”
Cuối cùng, chỉ vì Đảng Cộng Sản tổ chức cuộc triển lãm tuyên truyền vô
duyên này, những người như các ông J.B Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Tường
Thụy, Nguyễn Xuân Diện có cơ hội bày tỏ những suy nghĩ thật của người
dân Việt thời nay. Rõ là chỉ làm cho rách việc thêm!
Tại sao Đảng Cộng Sản lại bày ra một trò tuyên truyền gây phản ứng ngược
nhiều như vậy? Có thể chỉ vì các cán bộ trong Viện Bảo Tàng Lịch Sử
chẳng có việc gì làm cho qua thời giờ, cho nên họ mới bày vẽ ra cái cuộc
triển lãm này. Hay là quý ông bà trong ban văn hóa tư tưởng của đảng
đang lo khi chế độ sụp đổ thì mình thất nghiệp, nên cố gắng tô thêm son
phấn lên mặt đảng một lần chót? Hoặc có thể đưa ra một giả thuyết táo
bạo, rằng có người đã xúi giục họ tổ chức triển lãm để khiêu khích tất
cả nông dân miền Bắc, những người đã đi biểu tình đòi ruộng, đòi đất
trong những năm qua và bị ông đại địa chủ thời nay đàn áp dã man. Đặc
biệt, họ muốn khiêu khích tất cả giới thanh niên, trí thức miền Bắc và
đặc biệt là dân Hà Nội, xem có ai dám đứng ra “lật mặt nạ” của Đảng Cộng
Sản hay không?
Mà việc lột mặt nạ thì không khó gì cả. Người ta không thể tổ chức một
cuộc “phản triển lãm” về những tội ác của Đảng Cộng Sản trong vụ Cải
Cách Ruộng Đất. Không thể trưng bày cảnh những người bị gán cho danh
hiệu địa chủ bị chôn sống, thò đầu trên mặt đất để nhìn thấy lưỡi cầy
kéo qua đầu mình cho tới khi chết. Cảnh này đã có thi sĩ Hữu Loan làm
chứng, ông đã kể lại cho con cháu khỏi quên chuyện một địa chủ đã cấp
gạo cho trung đoàn của ông trong thời kháng chiến bị hành hạ như vậy.
Sau đó, tác giả Màu Tím Hoa Sim đã cưới cô con gái nhà địa chủ này, để
đền ơn công cha mẹ cô nuôi dưỡng cả trung đoàn.
Không thể tổ chức triển lãm, nhưng giới thanh niên, trí thức Hà Nội có
thể làm một cuộc triển lãm trên mạng. Một cuộc “phản triển lãm” đã xuất
hiện trên các mạng ở Việt Nam. Blogger Lê Dũng đã chụp lại các bức ảnh
trong phòng triển lãm rồi nêu ra những sai lầm, gian dối. Thí dụ, mấy
ông già 60 nhận xét thời 1950 “Đũa nhựa và thìa phíp trắng chưa có!”
Hoặc nhìn cái áo của “địa chủ” được trưng bày, có người thấy, “Áo trưng
bày này là hàng fake [giả] 100 %. Vì “May bằng máy công nghiệp, viền
cứng và thô, thời đó không có máy khâu đó. Đặc biệt áo dài thời đó hoàn
toàn khâu tay, mũi khéo và mềm mại.” Đến một bức ảnh, “Bần cố nông làm
gì có nồi đồng, có chiếu trải ra hè ăn cơm vậy?” một độc giả của Blog Lê
Dũng góp ý “thời đó đã làm gì có modern áo đuôi tôm hả mấy ông giời
con?” Một độc giả giấu tên khác nói thẳng: “Nói dối mà không biết ngượng
sao, hỡi những kẻ lấy tay che mặt trời? Nạn nhân Cải Cách Ruộng Đất vẫn
còn đầy rẫy, hoặc con cháu họ sẽ lên tiếng. Hay đợi đấy!” Một độc giả
ký tên Mượt viết, “Chết thật, dối lừa mãi thế sao?”
Lê Dũng kết luận, “Tóm lại tay nào sắp đặt cái ảnh này là dân vớ vẩn,
không có tí kiến thức gì về lịch sử, am hiểu về đồ vật.” Và anh viết
thêm, “Dù sao thì tôi vẫn nói với mọi người cùng xem rằng: việc có cái
triển lãm này cũng hay, bọn trẻ sẽ tìm nốt nửa còn lại qua gúc gồ, thế
thôi vì một nửa sự thật không phải là sự thật.”
Nửa thứ hai của sự thật đã được trình bày từ lâu. Bao nhiêu tác giả đã
viết về cuộc Cải Cách Ruộng Đất. Những tác phẩm mô tả tai họa Cải Cách
sớm nhất là “Những thiên đường mù” của Dương Thu Hương, “Ác mộng” của
Ngô Ngọc Bội. Tiếp theo có “Đêm giữa ban ngày” của Vũ Thư Hiên, tiểu
thuyết “Ba người khác” của Tô Hoài. Đặc biệt, cuốn “Đèn cù” của Trần
Đĩnh gần đây nhất đã cho thấy vai trò của Hồ Chí Minh trong vụ giết bà
Nguyễn Thị Năm, chính ông Hồ đã viết bài đăng báo buộc tội bà. Có thể
đăng lại những đoạn văn của các tác giả trên, để “triển lãm cho mọi
người được thấy sự thật về tội ác của Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Nhưng trên các mạng đã xuất hiện những câu chuyện thực đau lòng hơn cả
những cảnh trong tiểu thuyết. Một độc giả ký tên Lê Tri Điền kể trong
Blog Lê Dũng những chuyện xảy ra thời kỳ Cải Cách Ruộng Đất tại xã Định
Công, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa; chúng tôi trích vài chuyện: “Có
một bà tên Chấn, không hiểu bùa phép nào của đội cải cách mà lên trước ‘
tòa án nhân dân’ nắm râu bố đẻ mà vặt rồi rít lên: Thằng Thể (tên bố bà
Chấn)...mày là....mày là...” (bà Chấn sau này ân hận vì tội lỗi với
người cha thân yêu của mình nên trở thành người trầm cảm, bà chết vào
khoảng năm 1989 trong đói nghèo cô độc). Một chị con gái kể: Tôi thương
cha tôi lắm, hắn bắt cha tôi, thúc vô rọ lợn rồi chúc ngược cha tôi đầu
cắm xuống đất, tôi lén đem cơm cho cha thấy mặt cha đỏ tím tụ máu sưng
tròn như chấy bưởi, cha tôi nói con đi đi! Không du kích biết thì khổ,
cha không ăn được cấy chi mô, tôi còn nhỏ quá, chả biết cha có tội chi,
thương cha quá mà không dám khóc...” Cuộc phản triển lãm vẫn còn tiếp
tục. Dân Hà Nội không để cho người ta khinh thường, bày trò tuyên truyền
rẻ tiền trước mắt mình mãi như vậy.
Một người bạn tôi mới trò chuyện với một bà chị lớn tuổi ở Hà Nội qua
điện thoại, nhân tiện hỏi, “Chị đi xem cuộc triển lãm về Cải Cách Ruộng
Đất tại Bảo Tàng Lịch Sử chưa?” Bà chị trả lời, “Xem làm cái gì? Chúng
nó hết khôn dồn ra dại hay sao mà lại đi chọc “c...” ra mà ngửi với nhau
như thế hở!”
Đúng là hết khôn dồn ra dại cho nên mới đi chọc Cải Cách ra mà ngửi. Khi
một chế độ lâm vào bước đường cùng thì nó mới sinh ra những trò dồ dại,
ngớ ngẩn, lung tung beng như vậy.
Nguyễn Tường Thụy - Đi xem trưng bày "Cải cách ruộng đất năm 1946 – 1957"
Thứ Năm, ngày 11 tháng 9 năm 2014
viết từ Hà Nội
Lễ khai mạc phòng trưng bày Cải cách ruộng đất. - Photo by Nguyễn Tường Thụy |
Đã định không đi nhưng JB Nguyễn Hữu Vinh rủ riết quá, thôi thì tặc lưỡi đi xem nó như thế nào.
Khách là người của Ban tổ chức?
Chúng tôi đến muộn một chút, vào lúc
đang lúc đọc diễn văn khai mạc. Những hàng ghế bọc vải đo đỏ trăng
trắng được kê ngay ngắn ngoài sân, trước cửa vào phòng trưng bày. Nhìn
qua, thấy khách thăm ngồi hết chừng phân nửa, nói lên rằng chủ nhà sẵn
sàng tiếp nhiều khách thăm hơn nữa. Những người đứng xung quanh con số
cũng tương tự, chắc là người của Ban tổ chức. Cả khách và chủ ước khoảng
sáu chục. Máy quay có chân khá nhiều, chừng trên chục cái. Tôi nhớ có
VTV, VTC ngoài ra không rõ còn báo đài nào nữa không.
Diễn văn xong thì cắt băng khai mạc. Chục
cô gái áo dài màu đỏ, rước dải băng đỏ. Cắt, cắt, kéo kêu tanh tách rồi
vỗ tay bộp bộp. Mời khách vào tham quan. Sự chuẩn bị như thế là chu
đáo, bài bản.
Tôi vào nhìn qua cách bố trí, liền
vòng sang trái, bắt đầu từ hình ảnh hiện vật về nông dân VN trước khi
cải cách ruộng đất. Cứ thế vòng dần sang giai đoạn tiếp theo cho đến khi
cải cách thắng lợi với niềm hân hoan của nông dân. Tôi chỉ mang theo
máy bảng, lại sắp hết pin nhưng thỉnh thoảng cũng giơ ra "phụp" một cái.
JB Nguyễn Hữu Vinh máy ảnh khoác cổ
xông xáo khắp phòng trưng bày, vừa quay vừa chụp vừa phỏng vấn rất tự
tin. Hắn lại cứ nhằm vào ông nào có vẻ là sếp để đưa ra những câu hỏi
khó. Khi một phóng viên đang phỏng vấn một ông có vẻ như là trong Ban tổ
chức, hắn chen ngang:
-Thưa ông, ông nghĩ gì khi mà
cuộc cải cách đưa lại ruộng cày cho nhân dân để bây giờ ngược trở lại,
ruộng đất rơi vào tay quan chức Nhà nước?
Ông kia tươi tỉnh:
-Tôi nghĩ chính sách ruộng đất là ruộng là tài sản của toàn dân và thông qua nhà nước quản lý, tôi nghĩ như thế.
- Hiện nay ở Bình Dương vụ 150
héc ta cao su rồi nhà cửa ruộng đất tập trung trong tay một quan chức
của Nhà nước của Đảng cộng sản. Vây chúng ta nghĩ gì về tác dụng của cải
cách ruộng đất trước hiện thực này?
- Khi nãy tôi nói sở hữu ấy, là
sở hữu toàn dân. Đất là của cơ quan Nhà nước nhưng mà sở hữu toàn dân.
Mục đích đầu tiên ấy, chúng ta là nhà nước nông nghiệp, 95% là nông dân,
sử dụng đất làm nông nghiệp nhưng bây giờ thì khi mà công nghiệp hóa,
hiện đại hóa thì chức năng của đất không chỉ là...
- Thưa ông vấn đề tôi cần hỏi trước đây là...
Cô phóng viên đang phỏng vấn bị Vinh
chen ngang vội xua tay ra hiệu dừng. Hẳn là cô ta nhận ra rằng, câu
chuyện đang đi về chiều hướng bất lợi cho cuộc trưng bày. Vinh gạt tay
nói tiếp:
- Vấn đề tôi cần hỏi là trước đây
lấy ruộng đất của địa chủ chia cho dân nghèo. Nhưng bây giờ đất đai tập
trung trong tay các quan chức, ông nghĩ gì, cuộc cải cách ruộng đất có
cần tiếp tục phải làm lại không?
- Về sở hữu ruộng đất cụ thể nói thực là tôi không rõ lắm nhưng tôi thấy chính là dân họ là người bán ruộng cho Nhà nước...
Rồi JB Nguyễn Hữu Vinh phỏng vấn một ông mặc áo bay bộ đội, đeo nhiều huân chương, cả huy hiệu thương binh.
- Bác là con nhà địa chủ, vậy bác
thấy cuộc trưng bày này có ý nghĩa gì không bác. Bây giờ quan chức có
nhiều ruộng hơn địa chủ ngày xưa không?
- Nếu thế tôi trả lời ngay. Bây
giờ nếu có cải cách ruộng đất thì bác xung phong làm thằng đao phủ đi
chém lại những thằng chiếm đoạt tài sản của nhân dân, của những người
nghèo... Bây giờ có nhiều kẻ bóc lột dân nặng quá.
- Hiện nay đó là tầng lớp nào thưa bác?
- Nhiều lắm chứ, nhiều tầng lớp ăn trên ngồi trốc...
- Xin hỏi bác thêm một câu, bác
nghĩ cải cách ruộng đất với những hiện vật trưng bày vừa qua, bác có
phát biểu một câu là nhờ có Bác Hồ. Vậy Bác Hồ là người đứng đầu Chính
phủ lúc bấy giờ thì có chịu trách nhiệm gì về vấn đề này không? Hay chỉ
mấy giọt nước mắt ông ấy che phủi hết trách nhiệm của mình trong những
tội ác của cải cách ruộng đất?
- Anh nói thế thì hôm nay tôi không mang, tôi không mang ... (nghe không rõ) (cười).
Hậu quả còn dai dẳng biết đến bao giờ?
Khai mạc được khoảng 40 phút, khách ra đã vãn, một cháu gái đến hỏi tôi:
- Thưa chú, chú là khách phải không ạ?
- Ừ, chú là khách, đến xem trưng bày.
- Cháu muốn phỏng vấn chú một chút được không ạ?
Tôi ngần ngừ vài giây rồi gật đầu:
- Được.
Phóng viên VTV phỏng vấn Blogger Nguyễn Tường Thụy tại phòng trưng bày Cải cách ruộng đất.
Cháu dẫn tôi đến một chiếc máy quay, một đồng nghiệp nam của cháu chờ sẵn.
Các cháu nắn tôi dịch sang trái, sang phải, xoay nghiêng sao cho đúng tư thế, lại cẩn thận dặn:
- Chú phải xưng tôi nhé.
- Xưng hô như thế nào chú biết.
Bắt đầu phỏng vấn:
- Xin chú cho biết (nghe không rõ)
- Cháu nói to lên. Trước khi hỏi, cháu cần giới thiệu cháu là phóng viên cho đài báo nào.
- Thưa chú, cháu là phóng viên VT3, xin chú cho biết cảm tưởng khi xem trưng bày về cải cách ruộng đất.
Tôi nghĩ cách trả lời ra sao để
vừa chuyển tải được ý của tôi tới độc giả nhạy cảm nhưng VTV vẫn có thể
phát được mà không bị bắt tội. Tôi quyết định nói ngắn vài ý nhưng phải
ẩn ý, tạm gạch mấy đầu dòng như sau:
- Về cuộc Cải cách ruộng đất ở
miền Bắc, tôi đã tìm hiểu khá nhiều qua sách báo trong nước và cả nước
ngoài, qua nhiều kênh thông tin khác nhau và qua cả lời kể của các cụ, ở
đây là bố mẹ tôi. Khi cải cách ruộng đất diễn ra, tôi mới được một
tuổi.
- Tôi thấy tranh ảnh và hiện vật
trưng bày quá sơ sài, lại không phản ánh đầy đủ, chẳng hạn thiếu hẳn
phần đấu tố địa chủ. Tôi muốn triển lãm cho mọi người thấy Đảng tạo ra
khí thế hừng hực căm thù của nông dân đối với địa chủ ra sao. Tôi tới
đây, rất muốn nhìn lại hình ảnh bà Nguyễn Thị Năm, địa chủ đầu tiên bị
bắn trong cải cách ruộng đất, nhưng không thấy. Hoặc ảnh Bác Hồ khóc khi
nhận sai lầm trong cải cách ruộng đất, tôi cho đó là hình ảnh rất ấn
tượng nhưng cũng không có ở đây.
- Tôi biết cuộc “Cải cách ruộng
đất” diễn ra trong giai đoạn 1953 - 1956 nhưng không hiểu sao phòng
trưng bày lại cho là giai đoạn 1946 - 1957.
- Tóm lại, tôi thấy trưng bày vừa thiếu vừa không phản ánh đầy đủ nội dung của cuộc Cải cách ruộng đất.
Tôi mỉm cười gật đầu ra dấu hết ý kiến.
- Cảm ơn chú, xin cho chú biết tên.
- Tôi tên Nguyễn Tường Thụy, ở Thanh Trì Hà Nội. Có cần cụ thể số nhà, phường xã không?
- Dạ không cần ạ.
JB Nguyễn Hữu Vinh chen vào:
- Không được cắt xén lắp ghép đâu đấy.
Hẳn là hắn chắc đã có nhiều kinh
nghiệm về thủ thuật này, đặc biệt vụ cắt xén lời Cha Ngô Quang Kiệt nên
cảnh giác. Tôi đồng tình:
- Chú yêu cầu không cắt xén. Một là để nguyên, hai là không dùng.
- Nhưng thời lượng có thể không cho phép.
- Vậy nếu cần cắt thì các cháu không được cắt phần nói về khiếm khuyết.
Ra cửa, JB Nguyễn Hữu Vinh cười:
- Các cháu chẳng chịu xem mạng mẽo gì cả, phỏng vấn nhầm ngay Phó chủ tịch Hội Nhà báo độc lập.
Tuy trả lời nhã nhặn và tránh nói
toạc ra nhưng như mọi người đã biết, trong chương trình thời sự tối 8/9,
khi nói về phòng trưng bày này, VTV3 đã không có chút nào về hình ảnh
phỏng vấn tôi. Bà xã bảo: "Ai bảo anh không khen nó một câu". Tôi nói:
"Khen để người ta đập vào mặt anh à."
JB Nguyễn Hữu Vinh cho biết việc
trưng bày này là nhằm rửa mặt cho chế độ. Nhưng một phòng trưng bày con
con, không đầy đủ, che đậy giấu giếm làm sao có thể rửa được tội ác mà
cải cách ruộng đất gây nên. Không chỉ hàng chục ngàn nông dân bị giết
oan mà còn làm băng hoại đạo đức xã hội được hình thành từ hàng ngàn
năm, hậu quả của nó còn dai dẳng biết đến bao giờ.
Những oan hồn của nông dân sáu chục năm về trước chưa bao giờ siêu thoát, luôn nhắc nhở chúng ta: Hãy cảnh giác.
Nguyễn Tường Thụy, Hà Nội 9/9/2014.
Nguồn: RFA
Saturday, September 6, 2014
Đọc Đèn Cù của Trần Đĩnh
FROM DAN CHIM VIET
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét